Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng : Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận giữa CNTB và CNXH trong bối cảnh thế giới và thời đại ngày nay


C.Mác và F.Ăng ghen, hai tác giả của "Tuyên ngôn Đảng Cộng sản"
Từ đầu thiên niên kỷ thứ hai đến nay, loài người vẫn sống trong bối cảnh một thế giới đầy những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột. Vô số sự đối lập về lợi ích, vô số sự khác nhau trong quan niệm về sinh tồn quốc gia - dân tộc khó có thể dung hoà. Dù vẫn tồn tại với sự hiện hữu của rất nhiều sự kiện và vấn đề như là phi logich thì thế giới vẫn vận hành theo kiểu của nó. "Luật của kẻ mạnh" vẫn còn chi phối rất nhiều quan hệ, nhưng chắc chắn không còn tuyệt đối như ở những thời kỳ trước.

Thực tế cho thấy, các xu hướng tinh thần khác nhau, các mục tiêu chính trị kinh tế khác nhau, các lợi ích chồng chéo lên nhau, các bản sắc và xu thế văn hóa khác nhau, và cả các tham vọng khác nhau nữa, đã làm cho thế giới đang tồn tại trong tính đa dạng, vừa làm cho đời sống và các mối quan hệ nhân loại trở nên phong phú, lại vừa có thể đẩy một số quan hệ rơi vào tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mỗi quốc gia, và mỗi nhóm quốc gia, đều đã và đang lựa chọn con đường đi riêng của mình. Những sự lựa chọn ấy có thể thành công hay thất bại. Nó thật phong phú và đa dạng. Nó phá vỡ những sự áp đặt tinh thần. Ở chừng mực nào đó, thể hiện cuộc đấu tranh về tư tưởng lý luận đang diễn ra rất phức tạp và quyết liệt.
Bối cảnh đó là hệ quả tất yếu của quá trình chuyển dịch các lĩnh vực của cuộc sống nhân loại trong quan hệ biện chứng với các vấn đề thời đại. Nếu xu thế chung của thời đại ngày nay là: Toàn cầu hoá; hoà bình, ổn định cùng phát triển; gia tăng xu hướng liên kết và hợp tác giữa các quốc gia; các dân tộc ngày càng nâng cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường. Các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) còn lại, các đảng cộng sản và công nhân kiên trì đấu tranh vì hoà bình tiến bộ và phát triển. Các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa hợp tác, vừa đấu tranh cùng tồn tại trong hoà bình, thì các đặc điểm của thời đại ngày nay là: Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn ra gay gắt trên phạm vi thế giới; cách mạng khoa học và công nghệ đang đưa tới nhiều thay đổi to lớn trên bình diện toàn cầu; các vấn đề toàn cầu đòi hỏi sự hợp tác giải quyết của mọi quốc gia. Từ bối cảnh đa dạng nhưng phức tạp quan hệ quốc tế nhân loại - giai cấp, trong đó nổi lên và xuyên suốt là tình trạng đối lập về lợi ích chính trị, kinh tế, chúng tôi cho rằng các mâu thuẫn lớn trong thời đại ngày nay là mâu thuẫn giữa CNXH và CNTB giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, giữa tư bản và lao động; giữa các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc và kém phát triển với chủ nghĩa đế quốc; giữa chính các nước tư bản chủ nghĩa.
CNXH là tất yếu khách quan của sự phát triển nhân loại, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Con người chỉ có thể tác động tích cực đến quá trình đó khi đã xác lập được sự tự ý thức về mục tiêu cần phấn đấu đạt tới. Từ khi có những phát hiện thiên tài của C Mác, Ph.Ăng ghen ra đời đến nay, lịch sử loài người đã trải qua rất nhiều thăng trầm, tư tưởng XHCN nhiều lần phải đứng trước thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên-Xô và các nước Đông Âu là bài học đau đớn, thiết thân đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ nhận thức, hành động không phù hợp với các quy luật khách quan, không nhìn nhận tư tưởng lý luận của CNXH là một hệ thống mở và năng động, không chú trọng phát hiện đánh giá, tổng kết có tính lý luận đối với sự vận động của thực tiễn, các đảng cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đã làm tiêu tan sự nghiệp phải mất bao nhiêu công sức, trí tuệ và cả xương máu mới có được.
Xét về lịch sử, không phải tới hôm nay, cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa CNTB và CNXH mới diễn ra, mà từ hàng trăm năm trước, ngay từ khi tư tưởng lý luận của CNXH ra đời, nó đã lập tức phải đương đầu với sự phê phán, phủ nhận, bôi nhọ, xuyên tạc dưới nhiều hình thức khác nhau. Bất chấp mọi trở ngại, tính chất cách mạng và khách quan khoa học trong tư tưởng lý luận cùng với lý tưởng cao cả mà CNXH hướng tới đã thu hút, lan tỏa khắp năm châu, trở thành động lực tinh thần của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ, cho một cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Điều này trở thành mối đe dọa đối với sự tồn vong của tư tưởng và xã hội tư sản. Người ta chống lại CNXH với vô vàn thủ đoạn, từ chủ động gây chiến tranh nóng tới xuyên tạc, vu cáo, thậm chí là "gán" trách nhiệm cho những người cộng sản về một số sự kiện xảy ra trên thế giới, ở một số quốc gia... Cũng xét về lịch sử, cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa CNTB và CNXH đã có nhiều biến động ở những thời kỳ khác nhau. Nếu trước Cách mạng Tháng Mười các vấn đề trừu tượng trong hệ thống triết học của C Mác, Ph.Ăng ghen và của chủ nghĩa duy vật lịch sử là trọng điểm của cuộc đấu tranh, thì sau Cách mạng Tháng Mười, các nội dung này lại gắn với những vấn đề của thực tiễn cách mạng, với CNXH hiện thực, với các vấn đề lý luận liên quan tới sứ mệnh, vai trò của giai cấp công nhân, của các đảng cộng sản... Trong cuộc đấu tranh đó, một mặt, các lý luận gia tư sản tiếp tục xuyên tạc nhằm tấn công vào tư tưởng lý luận của CNXH, triệt để lợi dụng các hạn chế và sai lầm ở Liên bang Xô-viết, sau này là hệ thống các nước XHCN, lấy dễ làm bằng chứng chứng minh "tính không tưởng của CNXH", xuyên tạc bản chất nhân văn trong tư tưởng lý luận của CNXH, bóp méo hoặc hạ thấp các thành tựu đạt được ở Liên-Xô và các nước XHCN... Mặt khác, các lý luận gia tư sản ra sức tâng bốc, tô vẽ các chỉ số kinh tế-xã hội mà CNTB có được sau khi cố gắng tự điều chỉnh và tận dụng thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ. Đặc biệt, khác với giai đoạn trước, các thủ đoạn đó được thực hiện thông qua một khối lượng hàng hóa tiêu dùng khổng lồ và hệ thống truyền thông khống chế trên phạm vi toàn cầu. Ngày nay, không ai có thể phủ nhận một thực tế là hàng hóa và phương tiện truyền thông đã phát huy lợi thế của chúng khi tác động tới một bộ phận lớn nhân loại gây nên các diễn biến trong đời sống tinh thần của xã hội dẫn dắt nhiều người đi từ hoang mang đến hồ nghi, suy giảm niềm tin vào tư tưởng lý luận của CNXH. Nhìn ngược thời gian, không khó để nhận thấy tình trạng trên manh nha từ thời kỳ nền kinh tế TBCN bành trướng trên thế giới. Nếu nhìn nhận hàng hóa chỉ thuần túy là sản phẩm vật chất sẽ không thấy điều này. Nếu nhìn nhận hàng hóa như một phức hợp các giá trị vật chất và tinh thần, lối sống thì sẽ thấy "cái tinh thần" mà hàng hóa mang tải có sức mạnh như thế nào.
Hơn một thế kỷ kể từ khi ra đời, chủ nghĩa thực dụng (pragmatism), chủ nghĩa thực chứng (positivism) với những biến thể của nó, đã được truyền bá và thực hành hầu như trên khắp thế giới thông qua quan niệm sơ giản nhất của hai lý thuyết này là thực dụng và thực chứng. Dù lý thuyết và tác phẩm của từ C. Peirce đến G. Santayana, từ A. Comte đến A.J. Ayer... chưa được phổ biến một cách hệ thống hoặc chưa được xuất bản trên toàn cầu, thì tinh thần thực dụng và thực chứng tiềm tàng trong hàng hóa và phương tiện truyền thông, được CNTB triệt để huy động và sử dụng trong cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận với CNXH. Điều này đã làm cho cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa CNTB với CNXH trong bối cảnh thế giới ngày nay đã mang tính chất tổng hợp diễn biến trên một biên độ rất rộng không thuần túy là các vấn đề lý thuyết, các luận giải logich lịch sử tranh luận về các sự kiện xã hội - con người mới nảy sinh... mà còn là vấn đề của chính cuộc sống; đặc biệt là cuộc sống ở các nước XHCN - nơi con người sống suy nghĩ và hành động theo những chuẩn mực mà xã hội XHCN lựa chọn và hướng tới.
Cùng với thời gian, qua sự lan toả trên phạm vi rộng và cường độ cao, thực dụng và thực chứng đã tác động mạnh mẽ tới cảm quan hiện thực của rất đông người, kích thích họ chạy theo xu hướng thoả mãn nhu cầu một cách nhanh chóng, trực tiếp, hơn là suy tư một cách sâu sắc về những vấn đề tương lai của xã hội loài người, của đất nước, thậm chí của chính bản thân mỗi người. Khi con người lựa chọn một lối sống, một kiểu sống, cũng tức là đã lựa chọn một hệ giá trị có tính định hướng. Mà chúng ta đều biết, hệ giá trị có ý nghĩa định hướng lối sống, kiểu sống không chỉ là sản phẩm văn hoá-văn minh, mà trực tiếp liên quan đến hệ tư tưởng lý luận đang thống trị và chi phối xã hội. Bởi, là kết quả tất yếu của quá trình xã hội, hệ tư tưởng lý luận đang thống trị và chi phối xã hội bao giờ cũng xây dựng hệ thống các tiêu chí, phác vẽ diện mạo mô hình con người lý tưởng đồng thời vừa yêu cầu vừa tạo điều kiện để xã hội phấn đấu đạt tới. Từ bản chất của nó, cả về lý luận và thực tiễn, lối sống và kiểu sống "thực dụng, thực chứng" không phải là mục tiêu của CNXH. Tuy nhiên, khi lối sống và kiểu sống "thực dụng và thực chứng" lan tràn trong lòng xã hội XHCN, con người dễ tiếp nhận các quan điểm "phi giai cấp", "phi ý thức hệ"mà hệ thống truyền thông tư sản reo rắc, trở thành nhân tố đối đầu với các giá trị của CNXH. Người chọn lối sống và kiểu sống "thực dụng, thực chứng" rất dễ quay lưng trước những biến cố hệ trọng của xã hội; và sự sa sút băng hoại đời sống tinh thần của chế độ XHCN cũng từ đó mà ra. Còn với những xã hội không hoặc chưa lựa chọn con đường XHCN, người có lối sống, kiểu sống "thực dụng, thực chứng" hoặc từ ảnh hưởng của bộ máy truyền thông tư sản trở nên hoài nghi, phủ nhận giá trị và mục tiêu của CNXH, hoặc lấy tiêu chí trực tiếp, cụ thể, có thực nghiệm làm thước đo, từ đó khước từ tư tưởng lý luận của CNXH. Do vậy, dù trực tiếp hay gián tiếp, bất luận trong hoàn cảnh nào, khi con người trong xã hội lựa chọn lối sống, kiểu sống "thực dụng và thực chứng" thì tư tưởng lý luận của CNTB vẫn có đất sống, khiến cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận của CNTB với tư tưởng lý luận của CNTB càng thêm phức tạp. Thực tế cho thấy, các lý luận gia tư sản thường tập trung vào khai thác vấn đề này. Họ triệt để tận dụng vai trò yếu tố trực giác trong sự tiếp nhận của con người để truyền bá tư tưởng lý luận của họ.
Trong thời đại ngày nay, tính chuyên sâu của các bộ môn khoa học hầu như đã hạn chế phạm vi nghiên cứu có tính phổ quát, trừu tượng về quy luật vận động phát triển xã hội - con người. Dường như các suy tư có tính triết học ngày càng trở nên hiếm hoi trong một thế giới mà ở đó, nhiều khi con người suy nghĩ một cách thực dụng về cái bất biến hơn là suy nghĩ về cái khả biến.
Từ việc phân tích, khái quát lịch sử để trừu tượng hoá tìm ra quy luật và động lực cho sự phát triển xã hội, C.Mác, Ph.Ăngghen đã xác định các phương diện cơ bản nhất, có tính lý thuyết, về xã hội tương lai, xã hội XHCN. V.I.Lênin và nhiều thế hệ những người cộng sản đã kế tục sự nghiệp của các ông, cố gắng hiện thực hoá lý thuyết đó ở nước Nga và nhiều nước khác. Tuy nhiên, trước các biến số kinh tế - chính trị mới của lịch sử, lẽ ra cần tiếp tục khái quát và đánh giá, bổ sung và phát triển tư tưởng lý luận của CNXH thì trên thực tế công việc này chưa được chú trọng đúng mức. Từ sau C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đến nay, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chưa có những nhà nghiên cứu tầm cỡ lớn, có uy tín, tập trung công sức, trí tuệ để nghiên cứu CNTB trong các chuyển dịch để thích nghi với thời đại. Hơn nữa, dường như chưa phân tích một cách hệ thống về vấn đề CNTB đã tiếp nhận sử dụng các nguyên tắc phương pháp luận của phép biện chứng duy vật, đã tham chiếu học thuyết kinh tế - chính trị và các luận giải có tính phê phán của C.Mác, Ph.Ăgghen và V.I.Lênin đối với CNTB, từ đó tự điều chỉnh như thế nào. Không phải ngẫu nhiên trong cuộc thăm dò ý kiến của BBC năm 2005 với câu hỏi "Ai là nhà triết học vĩ đại nhất của mọi thời đại?" thì C.Mác vẫn được xác định là người đứng đầu. Càng không ngẫu nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, ở các nước phương Tây người ta càng bàn nhiều tới "sự trở lại của C.Mác".
Triển khai các nghiên cứu trên đây, một mặt giúp "định ra đúng đắn sách lược của chúng ta"; một mặt giúp vạch trần tình trạng gian lận lý luận của những người vừa phê phán vừa phủ nhận chủ nghĩa Mác, lại vừa lợi dụng thành tựu của chủ nghĩa Mác để duy trì sự tồn tại.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Liên-Xô và các nước XHCN Đông Âu không còn tồn tại trên bản đồ chính trị thế giới, đó là một tổn thất to lớn, đồng thời là bài học xương máu cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên con đường gian khổ đi tới xây dựng xã hội mới. Sự kiện này nhanh chóng bị các tác giả của CNTB lợi dụng. Họ cố tình xuyên tạc; tảng lờ những thủ đoạn thâm độc kéo dài suốt nhiều năm, tiến công bằng mọi phương tiện để làm tan rã xã hội Liên-Xô và các nước Đông Âu. Họ cố tình đánh tráo khái niệm, biến sự sụp đổ của một mô hình thành sự sụp đổ của CNXH. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên-Xô và các nước XHCN Đông Âu là sự cảnh tỉnh để các nước XHCN còn lại tự điều chỉnh, vạch ra chiến lược phát triển vừa phù hợp với điều kiện của mình, phù hợp với bối cảnh chung của thế giới.
Sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xưởng và tổ chức, lãnh đạo, đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mức sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định. Song chính trong thời kỳ này, các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, được sự tiếp sức của những kẻ đối nghịch với CNXH, hằng ngày, hằng giờ, với nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, với nhiều loại phương tiện khác nhau, tập trung chống phá. Vì thế, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận ở Việt Nam được triển khai trên hai bình diện:
(1) Nghiên cứu, bổ sung, phát triển, cung cấp hệ thống lý luận, cung cấp luận cứ khoa học về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, tạo ra sức đề kháng trong toàn xã hội trước các luận điểm xuyên tạc, vu cáo, kích động của các thế lực thù địch.
(2) Phản bác một cách thường xuyên, hiệu quả những quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn, lâu dài, vừa mang tính chiến đấu, vừa phải có sức thuyết phục và phải huy động được sức mạnh tổng hợp của đất nước. Vì thế, đây là cuộc đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân, của mọi người Việt Nam yêu nước... Trên ý nghĩa nhất định, có thể coi đây là cuộc đấu tranh toàn diện trong bối cảnh mới. Cùng với cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận Đảng Cộng sản Việt Nam xác định việc phát huy nội lực, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa với thế giới để xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững là câu trả lời đích đáng nhất, là cơ sở chính trị-kinh tế, xã hội-văn hóa bảo đảm thắng lợi của cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận.
Thực tế cách mạng Việt Nam trong các năm qua cho thấy, sự lựa chọn chính xác con đường phát triển của đất nước với đường lối, sách lược đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đủ sức chiến thắng trong cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận với các thế lực thù địch.
Bối cảnh thế giới ngày nay cùng các biến số chính trị, kinh tế đặc thù của nó làm cho cuộc đấu tranh giữa CNXH và CNTB tiếp tục diễn biến phức tạp. CNXH là xu thế tất yếu của thời đại, nhưng xu thế ấy chỉ có thể trở thành hiện thực khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đoàn kết, tập trung trí tuệ để tiếp tục kế thừa sáng tạo và không ngừng phát triển tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, vừa biến tư tưởng lý luận đó thành lực lượng vật chất để xây dựng và bảo vệ xã hội mới, vừa sử dụng tư tưởng lý luận đó như công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh quyết liệt với tư tưởng lý luận của giai cấp tư sản.
 
TS.Đinh Thế Huynh, Uỷ viên TƯ Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dânNguồn: Tạp chí Thông tin lý luận
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2011/3324/Cuoc-dau-tranh-tu-tuong-ly-luan-giua-CNTB-va-CNXH-trong.aspx