Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Kỹ năng nghe giảng

Nghe giảng tưởng chừng đơn giản nhưng Không phải ai cũng biết cách nghe giảng. Để nghe giảng bài tốt cũng cần kỹ năng.
Xem hình đúng cỡ ..

Nghe thầy cô giảng bài là một trong những hoạt động cơ bản của quá trình học tập trên lớp. Một số bạn nghe giảng tốt giúp cho quá trình tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn, bạn đó mất ít thời gian hơn trong việc học bài, làm bài sau đó. Ngược lại, có rất nhiều bạn nghe thầy cô giảng nhưng không hiểu bài, không nắm bắt được thông tin bài học dẫn tới việc học tập kém hiệu quả. Như thế có thể thấy nghe giảng tốt không phải đơn giản, cũng cần phải có kỹ năng mới có thể nghe giảng một cách hiệu quả.
          Joshua D. Guilar (2001) cho rằng, trong quá trình học tập của phần lớn học sinh, hoạt động nghe chiếm tới 53% trong số các hoạt động trên lớp gồm nghe, nói, đọc, viết.  Có thể thấy nghe giảng là quá trình tiếp nhận thông tin quan trọng nhất của việc học tập trên lớp. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng nghe giảng giúp ích rất nhiều cho quá trình học tập của bạn.
Các nguyên nhân nghe giảng kém hiệu quả
Các nguyên nhân có thể là:
Nguyên nhân chủ quan từ phía bản thân người nghe:
Mất tập trung/không nỗ lực nghe: Bạn thật sự không tập trung vào những vấn đề thầy cô giảng, không nỗ lực tiếp nhận những kiến thức thầy cô truyền tải. Chỉ cần một lần mất tập trung, sự gián đoạn sẽ gây trở ngại cho bạn trong việc tiếp nhận những kiến thức tiếp theo.
Nghe lõm bõm: Đó là kiểu nghe chỗ được, chỗ không, lâu lâu nghe một chút, rồi xao nhãng một chút rồi lại nghe. Kiểu nghe giảng này không tốt bởi nó khiến bạn không hệ thống được nội dung bài học; và bạn có thể để lỡ những kiến thức quan trọng của bài học.
Nghe một phần: Bạn chỉ nghe một phần nội dung bài học, không chú ý đến toàn bộ bài giảng. Tuy không giống kiểu nghe giảng lõm bõm nhưng nó cũng có những cái hại tương tự vì bạn bỏ lỡ nhiều kiến thức mà bạn cho là không quan trọng.
Võ đoán, ngộ nhận: Một trường hợp nữa đôi khi các bạn cũng mắc phải, đó là võ đoán, ngộ nhận những nội dung mình tiếp nhận được. Vì thế, khi có những vấn đề không hiểu rõ, bạn nên đặt câu hỏi để được thầy cô giáo giải đáp, giúp bạn khắc phục những ngộ nhận và hoàn chỉnh bài học của mình hơn.
Sức khỏe không tốt: Bụng đói, đau đầu, buồn ngủ … là những triệu chứng của sức khỏe không tốt. Nó ảnh hưởng rất lớn đến việc tập trung nghe giảng trong một khoảng thời gian dài nhất định.
Có những răc rối về vấn đề cảm xúc: Những ảnh hưởng tâm lý nhiều khi ảnh hưởng rất lớn, một cách dai dẳng không những trong việc nghe giảng trên lớp mà còn cả quá trình học tập.
Nguyên nhân khách quan:
Quá nhiều nội dung: Bài học có quá nhiều thông tin đến cùng một lúc, bạn không nghe hết được dẫn đến việc không biết nghe cái nào, bỏ cái nào. Bạn lúng túng trong việc chọn lọc thông tin, mãi loay hoay xử lý một thông tin nào đó bạn sẽ để lỡ bài học, mất tập trung hơn và chỉ nghe được một phần nhỏ những gì thầy cô dạy.
Sự kiện xung quanh: Những sự kiện xung quanh xảy ra trở thành những mối bận tâm, ưu tư của các bạn đã được đưa vào lớp học và việc không tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài là điều khó tránh khỏi.
Có vấn đề về thính giác: Bạn nghe không được rõ, bạn không nghe kịp cô nói gì, có thể đó là do cơ quan thính giác có vấn đề.
Loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến nghe giảng kém hiệu quả sẽ giúp bạn học tập tốt hơn, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan.
Để nghe giảng có hiệu quả, bạn cần có các kỹ năng như sau
Các bước chuẩn bị:
Đọc lướt trước nội dung bài học mới: Trước khi đến lớp, bạn có bước chuẩn bị bài ở nhà. Việc đọc qua nội dung bài học mới của ngày hôm sau giúp bạn định hình được nội dung kiến thức sẽ học.
Chuẩn bị câu hỏi không hiểu: Khi đọc nội dung bài học, bạn nên ghi chú những nội dung quan trọng, những câu hỏi, những vấn đề bạn chưa hiểu; hoặc bạn có cách lý giải khác về bài học để đến lớp đặt câu hỏi nhờ thầy cô giáo giải đáp.
Các kỹ năng cần có để nghe giảng hiệu quả:
Đòi hỏi trước tiên trong việc nghe giảng trên lớp đó là các bạn phải thật sự nghiêm túc và tập trung.
Thái độ
Gác tất cả các việc khác lại: Việc trước tiên cần làm là gác hết những việc không liên quan đến bài học hiện tại lại. Làm việc riêng, nghĩ ngợi những việc không liên quan đến bài học làm đầu óc của bạn phân tâm.
Kiểm soát cảm xúc bản thân: gạt những suy nghĩ vu vơ ra khỏi đầu, đừng để những cảm xúc vui buồn bất chợt chi phối sự tập trung của bạn. Kiểm soát cảm xúc giúp bạn có thái độ hợp tác trong quá trình nghe giảng, kiểm soát được những phản hồi của bản thân đến giáo viên và những bạn học khác.
Nỗ lực và tập trung: Nỗ lựctập trung thể hiện thái độ và trách nhiệm của bạn với bài học. Khi có một nguyên nhân nào đó khiến bạn mất tập trung, hãy nỗ lực dừng những suy nghĩ ngoài luồng đó lại và kéo sự chú ý của bản thân vào bài học trở lại một cách nhanh nhất có thể. Việc tập trung sẽ giúp bạn giải quyết những vấn đề của bài học nhanh chóng hơn rất nhiều.
Nhìn vào người nói: khi nhìn vào thầy cô đang giảng bài, bạn sẽ nắm bắt được những diễn biến tâm lý tình cảm của thầy cô theo nội dung bài giảng, đó là cách lôi kéo sự tập trung chú ý của bạn.
Hỏi đáp: Các bạn nên phản hồi với thầy cô giáo về những thông tin mình tiếp nhận để thầy cô giáo biết rằng học sinh của mình đã tiếp nhận được những thông tin bài học. Hồi đáp cũng thể hiện thái độ tôn trọng của bạn dành cho thầy cô giáo của mình.
Những việc cần làm khi nghe giảng:
Diễn giải, phân tích nội dung: khi bài học mới có quá nhiều thông tin cùng một lúc, các bạn sẽ bị rối và mất tập trung trong nghe giảng. Để cải thiện điều này, bạn cần tập trung nghe, phân tích thông tin nghe được từ thầy cô giáo, và tìm ra ý chính của bài học, đừng để mình bị nhiễu vì phải tiếp nhận nhiều thông tin cùng một lúc.
Hỏi để hiểu rõ vấn đề: việc hỏi thầy cô giáo khi mình gặp phải những vấn đề không hiểu lúc nghe giảng là rất có ích. Thầy cô giáo rất sẵn sàng lắng nghe và giúp bạn giải quyết vấn đề của mình.
Không võ đoán: Nghe giảng đồng nghĩa với việc tiếp nhận nhiều thông tin mới, xa lạ với bạn, những thông tin không nằm trong vùng kiến thức bạn đang có nên bạn sẽ không hiểu hết được. Bạn đừng vội võ đoán và kết luận về những điều đó, nếu không hiểu vấn đề bạn cần nhờ sự hỗ trợ từ phía thầy cô giáo để hiểu ý nghĩa bài học thấu đáo hơn. Đừng nên để những ý nghĩa của bài học trong mơ hồ dẫn tới việc võ đoán ý nghĩa của nó.
Ghi chép trong quá trình nghe giảng:
Ghi chép là một việc rất quan trọng trong quá trình nghe giảng của bạn. Nghe, nhìn vào người giảng và ghi chép là ba hoạt động gắn bó mật thiết trong quá trình nghe giảng.
Ghi chép khái niệm: Các khái niệm là những phần lý thuyết đã có trong tài liệu học tập. Bạn nên ghi chép lại để thêm một lần ghi nhớ được khái niệm
Ghi theo hệ thống bài học: Khi giảng bài, thầy cô giáo ghi bài trên bảng theo cấu trúc bài học, bạn cần ghi theo cấu trúc và bổ sung những ý chính mình nghe được theo cách bên dưới.
Ghi ý theo cách của bạn:
  • Chính xác, ngắn gọn: trong khi nghe giảng, bạn đã có thao tác phân tích và chọn lọc thông tin, bạn ghi lại những thông tin mình nghe được một cách chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu.
  • Tập trung vào những điểm chính của bài giảng: Trong phần nghe giảng đã nói, bạn cần phải phân tích, chọn lọc và tìm ra ý chính của bài học. Bạn cần tập trung vào những ý chính của bài giảng, ghi chép cẩn thận những ý chính đó để làm tài liệu học tập.
Nghe giảng là một kỹ năng trong rất nhiều kỹ năng học tập trên lớp bạn cần phải có. Luyện kỹ năng nghe giảng không chỉ giúp ích cho việc học tập của bạn trên lớp mà còn giúp bạn rất nhiều trong quá trình học tập, làm việc và cả trong đời sống.
HuongPM
Theo http://ceea.ier.edu.vn