Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II có lợi cho ai?

TCCSĐT - Ngày 9-5-2011, cùng với nhân loại yêu chuộng hòa bình và tiến bộ, Chính phủ, các lực lượng vũ trang và nhân dân Liên bang Nga long trọng kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Liên Xô trong Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại nói riêng và Chiến tranh thế giới lần thứ II nói chung nhằm tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Tiếc thay, càng gần đến dịp kỷ niệm Ngày Chiến Thắng đáng ghi nhớ mãi mãi này, trên thế giới xuất hiện nhiều tài liệu công khai xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm các mục đích chính trị và phục vụ âm mưu gây chiến tranh xâm lược trong kỷ nguyên mới.
Một câu hỏi lớn đặt ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều động thái xuyên tạc lịch Chiến tranh thế giới lần thứ II là, ai là kẻ có lợi trong việc xem xét lại và xuyên tạc lịch sử cuộc chiến tranh này? Nhà văn và là nhà chính luận nổi tiếng ở Anh Giooc-giơ Ô-oen (George Orwell) đã từng đưa ra câu trả lời như sau: "Ai kiểm soát được quá khứ, người đó sẽ kiểm soát được tương lai". Trong tình hình hiện nay, luận điểm này của Giooc-giơ Ô-oen mang tính thời sự cấp thiết hơn bao giờ hết (1).
Tham vọng của một số nước lớn đòi phân chia lại thế giới
Hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở Hiệp ước Vec-xây (Treaty of Versailles) được ký kết ngày 28-6-1919 là dấu mốc lịch sử kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ I. Nhưng hiệp ước đó đã không trở thành sự bảo đảm tin cậy để duy trì hoà bình thế giới bởi nó đã tạo ra hệ thống quan hệ quốc tế có định hướng chống Liên Xô, đồng thời phản ánh tham vọng của các nước phương Tây muốn đưa các nước bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ I vào thế bị lệ thuộc vào các nước giành chiến thắng, trước hết là Mỹ, Pháp và Anh. Do đó, Hiệp ước Vec-xây đã không làm dịu bớt mà thậm chí còn làm gia tăng những mâu thuẫn cơ bản giữa các nước lớn hình thành trước chiến tranh.
So sánh lực lượng mới trên trường quốc tế sau Cách mạng tháng Mười, trong đó Liên Xô trở thành một cường quốc lớn cùng với các nước xã hội chủ nghĩa đã tạo ra một xu thế mới trong nền chính trị thế giới. Đó là cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống chính trị, kinh tế và hai hệ thống tư tưởng. Do đó, các thế lực vốn đối kháng nhau về lợi ích, nay quay sang liên kết lại với nhau nhằm mục đích chống Liên Xô và hy vọng thông qua cuộc đối đầu với Liên Xô sẽ giải quyết được, hoặc ít nhất là làm giảm bớt mâu thuẫn gay gắt giữa các cường quốc phương Tây.
Hit-le đã từng công khai tuyên bố về ý đồ tiến hành chiến tranh xâm lược trong bài phát biểu trước các tướng lĩnh Đức vào ngày 3-2-1933, trong đó Bec-lin “sẽ tiến hành chiến tranh giành giật không gian sinh tồn ở phía đông” và mở đầu quá trình “Đức hoá” toàn bộ thế giới. Từ đó, nước Đức bắt đầu ráo riết vũ trang, công khai hô hào xét lại hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên Hiệp ước Vec-xây, làm thay đổi bầu không khí chính trị ở châu Âu. Các lực lượng quốc xã chủ trương thành lập "Đế chế của dân tộc Đức" trong đó “dân tộc Đức thượng đẳng” sẽ cai trị “các dân tộc hạ đẳng” Xla-vơ và với các dân tộc khác trên thế giới.
Hit-le đã từng khẳng định: "Cuộc đấu tranh sắp tới của nước Đức có ý nghĩa hơn nhiều là một cuộc chiến tranh. Tính đến lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô, để hoàn thành cuộc đấu tranh này không chỉ là đập tan các lực lượng vũ trang của Liên Xô mà còn phải chia nhỏ lãnh thổ Liên Xô thành nhiều quốc gia độc lập và những nước mới thành lập đó sẽ ký kết hiệp ước hòa bình với nước Đức”.
Giới tinh hoa chính trị ở các nước châu Âu hồi đó biết rõ các kế hoạch của Hit-le nhưng đã không ngăn cản mà thậm chí đã tạo điều kiện cho tên trùm quốc xã này thực hiện các kế hoạch đó. Năm 1934, Bộ trưởng ngoại giao Anh An-tô-ni Ê-đen (Anthony Eden) trong chuyến thăm nước Đức đã từng tuyên bố: "Bằng cách tăng cường vũ trang, nước Đức góp phần to lớn cho châu Âu trong việc đập tan nguy cơ chủ nghĩa cộng sản”. Ngoài sự ủng hộ về tin thần và chính trị, các tập đoàn tài chính và công nghiệp Anh và Mỹ đã giúp đỡ nước Đức trong việc xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự. Tính tổng cộng, các tập đoàn của Anh và Mỹ đã đóng góp tới 20 tỷ đồng mác Đức cho quá trình hiện đại hoá trang bị của quân đội Đức. Ngoài ra, nước Đức đã nhận được vốn đầu tư trên 31 tỉ đồng mác để hiện đại hóa kinh tế và quân phiệt hoá. Nhờ đó, sản xuất quân sự của nước Đức từ năm 1934 đến năm 1940 tăng 22 lần. Trước chiến tranh, nước Đức nhận được từ phía Anh, Pháp và Mỹ khoảng 50% tài nguyên và vật liệu cần thiết cho nền kinh tế quân sự của họ.
Như vậy, với sự giúp đỡ của các nước phương Tây, nước Đức đã có cơ sở nền tảng về tư tưởng, chính trị và kinh tế để phát động Chiến tranh thế giới lần thứ II. Các nước phương Tây hồi đó hy vọng rằng Hit-le sẽ không nhằm mũi tiến công vào họ mà chỉ nhằm vào kẻ thủ chủ yếu là Liên Xô ở phía Đông. Nhưng họ đã tính toán sai lầm về chiến lược.
Nỗ lực của Liên Xô ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thế giới mới
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, Liên Xô đã nỗ lực hoạt động ngoại giao để thành lập hệ thống an ninh tập thể nhằm ngăn chặn hành động xâm lược của Đức và Nhật Bản.
Tháng 7-1933, theo sáng kiến của Liên Xô, Công ước xác định hành động xâm lược đã được ký kết. Tiếp đến, Liên Xô đề xuất sáng kiến ký kết hiệp ước Thái Bình Dương với sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp. Liên Xô còn đề xuất ký kết hiệp ước liên minh với Pháp, Ba Lan, Tiệp Khắc và các nước khác ở châu Âu. Sau khi gia nhập Hội quốc liên năm 1934, vào năm 1935, Liên Xô ký nhiều hiệp ước quan trọng về giúp đỡ lẫn nhau với Tiệp Khắc và Pháp. Tháng 1-1936, Liên Xô đề nghị Anh và Pháp ký kết hiệp ước ba bên nhưng đã không được hai nước này đó ủng hộ.
Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức và I-ta-li-a lại ký kết Hiệp ước Mu-nich vào tháng 9-1938, theo đó vùng Xu-đet của Tiệp Khắc sẽ trao trả cho nước Đức, trên thực tế là Anh và Pháp đã tiếp tay cho Đức tiến hành xâm lược. Ba Lan và Hung-ga-ri cũng tham gia vào quá trình phân chia Tiệp Khắc. Ban lãnh đạo Liên Xô coi hành động này là một âm mưu của các nước đế quốc chống Liên Xô.
Không dừng lại trước mọi khả năng có thể ngăn cản chiến tranh bùng nổ ở châu Âu, ngày 7-4-1939, Chính phủ Liên Xô một lần nữa đề nghị Anh và Pháp bắt đầu cuộc đàm phán ba bên về sự giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh xâm lược ở châu Âu, trong đó có cam kết giúp đỡ tất cả các nước Đông Âu một khi họ bị Đức xâm lược. Thế nhưng, chính phủ các nước Anh, Pháp và Ba Lan không muốn ký kết hiệp ước liên minh với Liên Xô. Trong tình hình đó, Liên Xô buộc phải đơn phương tìm kiếm giải pháp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh xâm lược từ phía Đức, đồng thời Liên Xô phải tính toán để không bị cô lập về chính trị trong bối cảnh cuộc chiến tranh đang gần kề.
Như vậy, trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, các nước hàng đầu thế giới một mặt bị chia rẽ thành các phe phái chính trị quân sự thù địch, mặt khác liên kết với nhau trong một liên minh chống Liên Xô. Ngày 11-8-1939, Hit-le đã đánh giá tình hình chính trị quân sự lúc đó trong bản tuyên bố nổi tiếng: "Tất cả những gì tôi đang làm đều nhằm chống lại nước Nga. Nếu phương Tây quá ngu xuẩn và mù quáng không nhận thấy điều đó, thì tôi buộc phải đập tan khối liên minh các nước phương Tây và sau khi đánh bại họ, tôi sẽ chuyển sang tiến công Liên Xô với tất cả sức mạnh đã tích lũy được".
Sau khi thất bại trong việc thuyết phục Anh và Pháp ký kết hiệp ước liên minh, Liên Xô đứng trước hai sự lựa chọn: ký kết hiệp ước không tiến công lẫn nhau với nước Đức để có thời gian hoãn binh, hoặc phải đơn phương đối mặt với nguy cơ chiến tranh đang gần kề từ phía nước Đức. Liên Xô đã phải chọn phương án đầu. Đây là cách lựa chọn duy nhất đúng của Liên Xô. Bằng Hiệp ước này, Liên Xô loại bỏ khả năng tham chiến với nước Đức vào năm 1939 vì lúc đó Liên Xô chưa sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn. Hồng quân Liên Xô chưa có đủ số lượng nhân lực cũng như vũ khí trang bị và do đó có thể bị thất bại lớn trong cuộc đối đầu với nước Đức. Với việc ký kết hiệp ước không tiến công lẫn nhau với nước Đức, Liên Xô đã có điều kiện để tăng cường lực lượng, tạo điều kiện cho họ đứng vững trong thời kỳ đầu của chiến tranh vào năm 1941.
Hành động của Hit-le tiến công Ba Lan vào ngày 01-09-1939 mở đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II kéo dài tới 6 năm và trở thành một trong những giai đoạn có tính bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử thế kỷ XX, trong đó chiến trường chủ yếu diễn ra ở châu Âu và châu Á. Vào ngày 3-9-1939, Anh và Pháp tuyên chiến với Đức, sau đó tham gia chiến tranh về phía liên minh chống phát xít có các nước Áo, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Liên minh Nam Phi và Ca-na-da. Còn liên minh với Đức có I-ta-li-a và Nhật Bản, sau đó có thêm Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri.
Vai trò quyết định của Liên Xô trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức
Ngày 22-6-1941, Đức và đồng minh tiến công Liên Xô, mở đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Trên mặt trận Xô-Đức có tính quyết định trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Hồng quân Liên Xô đã tiến hành các chiến dịch và trận đánh cực kỳ ác liệt, gây nhiều tổn thất có tính quyết định đối với phát xít Đức và buộc chúng phải rút lui. Liên Xô đã phải thực hiện một cuộc sơ tán và di chuyển lớn nhất trong lịch sử thế giới để đưa nền công nghiệp và dân chúng từ lãnh thổ phía tây sang phía đông. Trong trận đánh ở ngoại ô Mat-xcơ-va, phát xít Đức lần đầu tiên phải nếm mùi thất bại kể từ ngày đầu chiến tranh.
Tuy nhiên, đến mùa hè và mùa thu năm 1942, quân đội Liên Xô đã bị tổn thất lớn trên sườn phía nam của mặt trận Xô-Đức, vì thế quân Đức đã có điều kiện tiến sát bờ sông Vôn-ga và Bắc Cap-ca. Mặc dù bị lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn trên mặt trận Xô-Đức, Hồng quân Liên Xô vẫn kịp thời tổ chức lại lực lượng và đập tan kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” của phát xít Đức. Nền kinh tế Liên Xô đã bắt đầu sản xuất loại vũ khí mới, cán bộ chỉ huy quân sự có được nhiều kinh nghiệm cần thiết, tạo tiền đề để thay đổi cục diện chiến lược trên mặt trận Xô-Đức.
Ngày 2-2-1943, Hồng quân Liên Xô giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong trận đánh Xta-lin-grat, tạo ra bước ngoặt căn bản trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại nói riêng cũng như trong Chiến tranh thế giới lần thứ II nói chung. Bộ chỉ huy quân Đức buộc phải điều động lực lượng từ các mặt trận khác và tập trung lực lượng dự bị vào hướng chống Liên Xô. Trong điều kiện đó, các nước đồng minh đã giành chiến thắng trước quân Đức ở Bắc Phi.
Trong các chiến dịch tiến công tiếp sau đó, Hồng quân Liên Xô đã giải phóng U-crai-na, Be-lô-ru-xi-a, Môn-đa-vi-a, các nước cộng hoà cận Ban Tích, giải phóng thành phố Lê-nin-grat và bán đảo Crưm. Năm 1944, quân đội Liên Xô đã đuổi quân Đức ra khỏi biên giới quốc gia và chuyển hoạt động quân sự sang lãnh thổ các nước khác.
Chỉ tính riêng trên mặt trận Xô-Đức, Hồng quân Liên Xô đã đánh tan tất cả các cụm lực lượng chiến lược của phát xít Đức, bao gồm 314 sư đoàn và 47 lữ đoàn tinh nhuệ nhất. Trong tình thế đó, các nước đồng minh với phát xít Đức gồm Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Phần Lan và Hung-ga-ri rút khỏi cuộc chiến. Tháng 6-1944, các nước đồng minh chống phát xít gồm Mỹ, Anh và Pháp mở mặt trận thứ hai đổ bộ lên vùng Nooc-măng-đi của Pháp. Lúc đó phát xít Đức vẫn còn rất mạnh nên các lực lượng của Anh và Mỹ bị thất bại nặng nề trong chiến dịch En-dat A-đen vào tháng 1-1945. Theo đề nghị của thủ tướng Anh Sơc-sin, Hồng quân Liên Xô đã kịp thời điều động lực lượng tới chi viện cho quân đồng minh và tạo điều kiện cho họ chuyển sang thế tiến công.
Đầu năm 1945, Hồng quân Liên Xô đập ta các lực lượng lớn của Hit-le trên lãnh thổ Ba Lan và Đông Phổ, chiếm thành phố Bec-lin và phối hợp với quân đồng minh để hoàn toàn tiêu diệt phát xít Đức. Hoạt động trên một phòng tuyến rộng, Hồng quân Liên Xô đã giáng những đòn quyết định vào phát xít Đức, giải phóng hoàn toàn các nước Trung và Đông - Nam châu Âu, buộc quân Đức phải đầu hàng. Ngày 8-5-1945, ở ngoại ô thủ đô Bec-lin, Hiệp ước đầu hàng vô điều kiện của phát xít Đức đã được ký kết. Chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô kết thúc thắng lợi.
Mặc dù có nhiều nước tham gia mặt trận đồng minh chống phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng Liên Xô phải chịu gánh nặng chủ yếu. Trên mặt trận Xô-Đức diễn ra 37 chiến dịch tiến công quy mô lớn nhằm mục tiêu chiến lược, trong khi đó trên mặt trận phía tây chỉ có 6 chiến dịch, trên mặt trận I-ta-li-a và Bắc Phi-3 chiến dịch. Tổng thiệt hại về nhân lực của quân Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ II và 13,4 triệu người trong đó thiệt hại trên mặt trận Xô-Đức là 10 triệu người. Trong khi đó, thiệt hại về nhân lực của Liên Xô trên mặt trận Xô - Đức là gần 27 triệu người, trong đó có 8,6 triệu quân nhân Xô-Viết hy sinh trên các mặt trận.
Đánh giá về vai trò của của Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát xít và giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, trong một bức điện của Thủ tướng Anh Sơc-sin gửi Xta-lin ngày 27-10-1944 có ghi: "Quân đội Liên Xô đã đập tan bộ máy quân sự của phát xít Đức". Còn Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven khẳng định: "Xét về quan điểm chiến lược lớn, thì một thực tế không thể bác bỏ là số lực lượng và vũ khí của quân Đức do người Nga tiêu diệt lớn hơn rất nhiều so với số tương tự của tất cả 25 quốc gia đồng minh chống phát xít khác cộng lại”.
Hành động xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II có lợi cho ai?
Nếu trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, các hành động xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II chủ yếu liên quan đến việc đánh giá lại phần đóng góp của các nước đồng minh trong chiến thắng đập tan chủ nghĩa phát xít Đức, thì sau “chiến tranh lạnh” các nội dung xuyên tạc lịch sử lại diễn biến theo một hướng khác nguy hiểm hơn và nghiêm trọng hơn. Nhiều nước phương Tây đưa ra nhiều “bằng chứng” để chứng tỏ rằng Liên Xô cũng “có tội” như nước Đức quốc xã trong việc gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ II (!) (2).
Từ lâu, các nước phương Tây đã đưa ra lập luận rằng họ cũng “có tội” trong việc xoá bỏ chủ nghĩa quốc xã cũng như trong việc công nhận vai trò đáng kể nhất của Liên Xô trong cuộc chiến đập tan thảm hoạ diệt chủng đối với loài người. Định hướng xuyên tạc lịch sử này trước hết nhằm xoá bỏ ký ức của cộng đồng thế giới về cuộc đấu tranh thiêng liêng không chỉ của các dân tộc ở Liên Xô mà cả cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít. Thí dụ, nhiều quốc gia thuộc khu vực Ban Tích đã có quyết định tôn vinh những công dân của họ đã từng phục vụ trong các đội quân phát xít SS khét tiếng tàn bạo đã từng phạm tội sát hại dân thường vô tội, trước hết là những người Do Thái, cũng như những người du kích Xô-Viết hoạt động tại các khu vực giáp với biên giới của các nước cộng hoà này cũng như trên lãnh thổ của họ. Còn các cựu chiến binh trong Chiến tranh thế giới lần thứ II đã từng gan dạ chống lại chủ nghĩa phát xít Đức lại bị chính quyền các nước đó truy đuổi. Thí dụ điển hình nhất về xu hướng đáng lo ngại này là ông Va-xi-li Cô-nô-lốp (Vassili Kononov), đội trưởng một đội du kích chống phát xít, sau chiến tranh đã từng là đại tá công an Cộng hoà Lat-vi-a, đã bị Toà án tối cao Lat-vi-a quy kết “tội phạm chiến tranh” và tội “diệt chủng”. Ông Va-xi-li Cô-nô-lốp đã bị chết sau 2 năm bị giam hãm trong nhà tù. Ở thành phố Ta-lin, thủ đô Cộng hoà E-xtô-ni-a, chính quyền sở tại đã xây dựng một bức tường có dòng chữ "Ký ức về những kẻ xâm lược" ngay dưới chân tượng đài “Chiến sĩ giải phóng”. Tại thành phố Cu-tai-xi của Cộng hoà Gru-ri-a, chính quyền sở tại đã phá tượng đài kỷ niệm “Vinh quang thuộc về những chiến sỹ hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”. Đây chỉ là một số ít trong nhiều hành động nhằm xoá bỏ quá khứ anh hùng của các dân tộc trong đại gia đình Liên Xô trước đây. Nước Nga được kề thừa hợp pháp Liên Xô, cũng đang bị kết tội gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ II. Bằng cách cáo buộc Liên Xô là “kẻ xâm lược” ngang hàng với Đức quốc xã, những kẻ xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II cho rằng nước Nga ngày nay phải chịu trách nhiệm về “hành động xâm lược” đó. Đáng chú ý là những nước trước đây đã từng được Hồng quân Liên Xô giải phóng và cứu thoát khỏi hoạ bị diệt dụng thì nay quay sang xuyên tạc vai trò của Liên Xô và nước Nga, lấy đó làm “món quà” để được gia nhập NATO - liên minh quân sự lớn nhất thế giới hiện nay lẽ ra đã phải được giải thể sau “chiến tranh lạnh”.
Hành động xuyên tạc lịch sử về Chiến tranh thế giới lần thứ II nhằm phục vụ cho ý đồ chiến tranh xâm lược trong thời đại mới, khi các thế lực phản động và hiếu chiến đang mưu toan giành ưu thế toàn diện nhằm thiết lập vai trò “lãnh đạo” thế giới. Trước hết, những hành động xuyên tạc lịch sử ngày một trắng trợn nhằm tạo “luận cứ” cho việc tiếp tục mở rộng NATO sang phía đông, đưa hạ tầng cơ sở của liên minh này dịch chuyển về biên giới nước Nga. Thậm chí, họ còn sử dụng lập luận này để biện minh cho hành động của Gru-ri-a chống lại nước Nga khi phát động “Cuộc chiến tranh 5 ngày” ở Nam Ô-xe-ti-a vào năm 2008.
Bằng một chiến dịch tuyên truyền được dàn dựng công phu, các nước phương Tây tuyên truyền rằng “nước Nga tiến hành xâm lược một nước Gru-ri-a nghèo khó”. Đây là một trong những hậu quả thực tế của chiến dịch xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II. Ngoài ra, hiện nay một số nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc và Ru-ma-ni đã đồng ý cho Mỹ và NATO bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa và các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ là xuất phát từ “nguy cơ chiến tranh tiềm tàng” từ phía nước Nga (!).
Rõ ràng, những hành động xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới lần thứ II nói chung và Chiến tranh vệ quốc vĩ đại nói riêng đều nhằm đổi trắng thay đen để phục vụ cho mục đích của một số thế lực hiếu chiến và xâm lược vẫn ôm ấp tham vọng giành ưu thế toàn diện nhằm chiếm đoạt “không gian sinh tồn” của các nước khác, vi phạm chủ quyền thiêng liêng của các quốc gia và dân tộc. Các cuộc chiến tranh do họ gây ra trong những thập kỷ gần đây đã chứng tỏ điều đó, trong đó cuộc chiến tranh ở Li-bi do NATO chỉ huy đã vượt ra khỏi quyền hạn được uỷ nhiệm theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là một trong những minh chứng về xu hướng đáng lo ngại này./.
Lê Việt Nga
----------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Giá trị đích thực của Chiến thắng vĩ đại và sự tồn tại nền văn minh của chúng ta. http://nvo.ng.ru/history/2011-04-29/1_victory.html
2. Về vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến tranh tiêu diệt phát xít Đức. http://www.warandpeace.ru/ru/exclusive/view/57730/