Kỷ niệm 92 năm Ngày Thành lập Quốc tế Cộng sản (15-3-1919 - 15-3-2011) :
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc với một số đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V- Ảnh: Tư liệu |
Ngày
1-1-1914, Đảng Bôn-sê-vích Nga, dưới sự lãnh đạo của Lênin, ra tuyên
ngôn: “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” và “Tuyên bố
đoạn tuyệt với Quốc tế II”. Tại các cuộc hội nghị của những người xã hội
quốc tế, Lênin đã tập hợp phái tả đề ra cương lĩnh riêng. Phái tả gồm
Đảng Bôn-sê-vích Nga, đại biểu những người xã hội phái tả ở Đức,
Bun-ga-ri, Ba Lan, Li-tuy-a-ni, Thụy Điển, Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan. Tại
Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội - Dân chủ Nga
(4-1917), Lênin đề nghị Đảng Bôn-sê-vích đảm nhận sứ mệnh lập Quốc tế
cách mạng. Tháng 1-1918, Hội nghị đại biểu phái tả trong các Đảng xã hội
- dân chủ họp ở Pê-tơ-rô-grát thông qua nghị quyết về sự cần thiết lập
Quốc tế mới, Hội nghị nêu rõ điều kiện tham gia Quốc tế mới là tán thành
con đường đấu tranh chống chính phủ tư sản nước mình, ủng hộ Cách mạng
Tháng Mười và chính quyền Xô-Viết. Tháng 11-1919, Hội nghị các tổ chức
và Đảng Cộng sản (Nga, Ba Lan, Hung-ga-ri, Đức, Áo, Lát-vi-a, Phần Lan
và Liên hiệp cách mạng Ban căng) họp ở Mát-xcơ-va dưới sự chỉ đạo của
Lênin đã thông qua thư kêu gọi thành lập Quốc tế Cộng sản.
Đại
hội I thành lập Quốc tế III tổ chức ở Mát-xcơ-va có 51 đại biểu thay
mặt cho 30 nước tới dự. Ngoài đại biểu phương Tây còn có đại biểu các
nước phương Đông: Triều Tiên, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Đại hội được tiến
hành dưới sự lãnh đạo của Lênin. Đại hội I thông qua Cương lĩnh
của Quốc tế Cộng sản, trong đó trình bày những nguyên lý quan trọng
nhất của chủ nghĩa Lênin về chủ nghĩa đế quốc và lý luận cách mạng xã
hội chủ nghĩa, xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp vô sản và phương
pháp đấu tranh. Đại hội thông qua Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng
sản gửi những người vô sản trên thế giới, Lời kêu gọi “Gửi công nhân tất
cả các nước” và một số nghị quyết khác. Nguyên tắc tổ chức của Quốc tế
Cộng sản là tập trung dân chủ. Một ban chấp hành được bầu ra gồm đại
biểu cộng sản nhiều nước.
Như vậy, Quốc tế III ra đời từ hai điều kiện: Một là,
Quốc tế II phân liệt khiến cho nội bộ một số Đảng cũng có sự phân liệt,
làm cho phong trào công nhân bị chia rẽ về tổ chức, không còn một tổ
chức thống nhất để chỉ đạo phong trào. Hai là, phong trào cách mạng thế giới phát triển thành cao trào mới do ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Trong thời gian tồn tại của mình, Quốc tế Cộng sản đã tiến hành 7 kỳ đại hội:
-
Đại hội II Quốc tế Cộng sản từ 19-7 đến 7-8-1920 tại Pê-tơ-rô-grát và
Mát-xcơ-va, có 217 đại biểu của 67 tổ chức ở 37 nước tham dự.
- Đại hội III Quốc tế Cộng sản từ 22-6 đến 12-7-1921 tại Mát-xcơ-va, có 605 đại biểu của 103 tổ chức ở 52 nước tham dự.
-
Đại hội IV Quốc tế Cộng sản từ ngày 5-11 đến 5-12-1922, đúng vào dịp kỷ
niệm 5 năm Cách mạng Tháng Mười thành công. Tham gia Đại hội có 408 đại
biểu của 58 nước, đại diện cho gần 2 triệu đảng viên. Đây là Đại hội
cuối cùng Lênin tham dự.
-
Đại hội V Quốc tế Cộng sản họp ở Mát-xcơ-va từ ngày 17-6 đến ngày
8-7-1924, có 504 đại biểu thay mặt cho 49 đảng cộng sản tham dự.
-
Đại hội VI Quốc tế Cộng sản từ ngày 17-7 đến ngày 11-9-1928, có 532 đại
biểu đại diện cho 57 đảng cộng sản, công nhân và 9 tổ chức quốc tế tham
dự.
-
Đại hội VII Quốc tế Cộng sản từ 25-7 đến 25-8-1935, có 510 đại biểu của
65 Đảng, đại diện cho 3,141 triệu đảng viên, trong đó có 785 nghìn đảng
viên ở các nước tư bản chủ nghĩa tham dự.
Ngày
15-5-1943, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết định giải tán
Quốc tế Cộng sản. Ngày 8-6-1943, Hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành
Quốc tế Cộng sản ra nghị quyết từ 10-6-1943, tất cả các hoạt động của
Quốc tế Cộng sản kết thúc. Có hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Quốc
tế Cộng sản giải tán. Nguyên nhân trực tiếp: Do chiến tranh thế
giới nổ ra và lan rộng, có 61 nước với 170 triệu người bị động viên vào
chiến tranh, trong đó có tới 110 triệu người cầm súng. Chiến tranh đã
cản trở hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Việc lãnh đạo phong trào cộng
sản quốc tế từ một trung tâm duy nhất không còn thích hợp nữa. Nguyên nhân sâu xa:
Quốc tế Cộng sản đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình là tuyên truyền
chủ nghĩa cộng sản, thiết lập chuyên chính vô sản ở một số nước. Quốc
tế Cộng sản đã thúc đẩy sự ra đời của một loạt đảng cộng sản ở các nước.
Các đảng cộng sản đó đã trưởng thành về lý luận cũng như về chính trị,
đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở từng nước mà không cần sự lãnh đạo từ một trung tâm.
Quốc tế Cộng sản đã đóng vai trò lịch sử lớn lao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thể hiện ở những điểm sau:
Một là,
Quốc tế Cộng sản có công lao to lớn trong việc bảo vệ và phát triển chủ
nghĩa Mác-Lênin, chống lại mọi sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin từ hai
phía “tả” và “hữu”.
Hai là, Quốc tế Cộng sản đã thực hiện được sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân trên phạm vi thế giới.
Ba là, Quốc tế Cộng sản đã phát triển lý luận mác-xít như phát triển chiến lược, sách lược của đảng cộng sản.
Bốn là, giúp cho các đảng cộng sản, nhất là các đảng cộng sản trẻ tuổi động viên quần chúng đứng lên bảo vệ lợi ích của nhân dân và chống chiến tranh đế quốc.
Năm là, củng cố tình đoàn kết giữa giai cấp công nhân các nước trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Sáu là,
Quốc tế Cộng sản định ra chiến lược, sách lược đúng cho phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc các
nước thuộc địa.
Bảy là, Quốc tế Cộng sản đã tạo ra tiền đề cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và các nước châu Á.
Trong tác phẩm Quốc tế thứ ba và địa vị lịch sứ của nó
viết vào tháng 4-1919, Lênin cho rằng, Quốc tế Cộng sản là người thừa
kế, kế tục sự nghiệp của Quốc tế I. “Ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của
Quốc tế III là ở chỗ nó đã bắt đầu đem thực hiện khẩu hiệu vĩ đại nhất
của Mác, khẩu hiệu tổng kết bước tiến trong một thế kỷ của chủ nghĩa xã
hội và của phong trào công nhân, khẩu hiệu biểu hiện thành khái niệm:
chuyên chính của giai cấp vô sản”.
Quốc
tế Cộng sản có vai trò to lớn đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt
Nam và phong trào cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc từ nhà yêu nước trở
thành một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc trong Quốc tế Cộng sản, được Quốc tế
Cộng sản chỉ định là Ủy viên Thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ
trách Cục Phương Nam. Trường đại học Phương Đông, Viện nghiên cứu các
vấn đề dân tộc và thuộc địa, Trường Quốc tế Lênin và các cơ quan khác
của Quốc tế Cộng sản từ năm 1923 đến 1938 đã đào tạo hơn 70 nhà cách
mạng Việt Nam, ngoài Nguyễn Ái Quốc còn có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà
Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Công Trừng, Nguyễn
Thế Rục, ...
Khi
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta luôn có sự giúp đỡ trực tiếp,
tận tình của các đồng chí trong Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản như
các đồng chí Cưu-xi-nhen, Tô-gli-at-ti, Ma-min-xki, Gốt-van, Mác-ty và
trực tiếp nhất là đồng chí Va-xi-li-ê-va, Trưởng phòng Đông Dương. Tiếp
thu và vận dụng học thuyết Mác-Lênin, chỉ thị, nghị quyết của Quốc tế
Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo các văn kiện có tính cương
lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các văn kiện đó, Điều lệ tóm tắt của Đảng chỉ rõ: “Phải thực hành cho được chính sách và nghị quyết của Đảng và Quốc tế Cộng sản”, Chương trình tóm tắt
của Đảng có nội dung “Liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần
chúng vô sản trên thế giới”. Ngày 18-2-1930, báo cáo gửi Quốc tế Cộng
sản về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã
viết: “Chúng tôi cùng nhau xác định cương lĩnh và chiến lược theo đường
lối của Quốc tế Cộng sản”.
Ngày
nay, có kẻ muốn xóa bỏ lịch sử Quốc tế Cộng sản, nhưng sự thật là không
ai phủ nhận được. Quốc tế Cộng sản là một trong những sự kiện lịch sử
lớn bậc nhất của thế kỷ XX. Quốc tế Cộng sản xứng đáng là “Bộ tham mưu”
của cách mạng thế giới giữa hai cuộc đại chiến thế giới. Thực hiện khẩu
hiệu “Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hiệp
lại”, Quốc tế Cộng sản có sứ mệnh và công lao to lớn trong sự nghiệp tổ
chức và lãnh đạo phong trào cộng sản, phong trào công nhân, phong trào
giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có phong trào cách mạng Việt
Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Đệ tam quốc tế là một Đảng Cộng
sản thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ, đều phải nghe theo kế
hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lệnh và kế hoạch Đệ tam
quốc tế thì các đảng không được làm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ
“Đệ tam quốc tế chủ trương đạp đổ tư bản làm thế giới cách mạng,... giúp
dân thuộc địa chống lại đế quốc chủ nghĩa, ... dạy cho vô sản giai cấp
trong thế giới-bất kỳ nòi giống nào, nghề nghiệp gì, tôn giáo gì- hợp
sức làm cách mệnh”.
Kỷ
niệm 92 năm Ngày thành lập Quốc tế Cộng sản, chúng ta bày tỏ lòng biết
ơn Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam, khẳng định địa vị lịch
sử và những giá trị không thể phai mờ mà Quốc tế Cộng sản đã tạo ra trong lịch sử cách mạng thế giới nửa đầu thế kỷ XX.
Hà Thư
http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Lyluan-Thuctien-Kinhnghiem/2011/3497/Mot-su-kien-chinh-tri-bac-nhat-cua-the-ky-XX.aspx