Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

Tại sao Mỹ tăng cường hoạt động quân sự tại Yemen?

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/hosomat/2011/5/75062.cand
Cuối năm 2009, chính quyền Mỹ bắt giữ một người Nigeria trên chuyến bay của Hãng Hàng không Northwest Airlines từ Amsterdam đi Detroit với quả bom được giấu trong hành lý. Những ngày sau đó, nhiều hãng truyền thông nổi tiếng tại Mỹ và phương Tây đều khẳng định nghi can này đã được huấn luyện tại Yemen để thực hiện vụ khủng bố này.
Bằng cách này, báo chí phương Tây đã làm nổi lên một mục tiêu mới của cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, đó là một quốc gia biệt lập và nghèo khổ ở bán đảo Arập: Yemen.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, tất cả những sự kiện trên chỉ là trò bịp bợm, bức màn khói được Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo của Mỹ bịa ra nhằm lên kế hoạch cho chiến lược xâm chiếm trữ lượng dầu mỏ của quốc gia này.
Yếu tố khơi mào cho tình hình địa chính trị tại Yemen
Từ vài tháng nay, thế giới chứng kiến sự gia tăng các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Yemen, một quốc gia nghèo, có biên giới phía bắc giáp với Arập Xêút, phía tây giáp với Biển Đỏ và vịnh Aden dẫn ra biển Arập tại phía nam, chung biên giới với một quốc gia cũng là đề tài của giới truyền thông thời gian vừa qua: Somali. Đây là một trong những nút thắt cổ chai chiến lược nhất trong hành trình di chuyển của dầu lửa thế giới: eo biển Bab el-Mandab.
Tận dụng các hoạt động của cướp biển Somali và tuyên bố tái hoạt động của nhóm khủng bố Al-Qaeda tại Yemen, Mỹ nhắm đến việc quân sự hóa một trong những tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất. Thêm nữa, trữ lượng dầu chưa được khai thác tại Yemen và Arập Xêút có thể sẽ là mỏ dầu chính yếu của thế giới.

Nghi can khủng bố Abdulmutallab mà giới truyền thông Mỹ cho là được đào tạo khủng bố tại Yemen.
Người đàn ông Nigeria tên là Abdulmutallab, 30 tuổi, bị buộc tội có ý định khủng bố nhưng không thành, thú nhận rằng anh ta nhận nhiệm vụ từ chi nhánh của tổ chức Al-Qaeda tại bán đảo Arập (AQAP), có trụ sở tại Yemen. Điều này khiến dư luận chú ý đến Yemen như trung tâm đầu não mới của tổ chức khủng bố  Al-Qaeda.
Từ đầu năm 2009, những quân cờ trên bàn cờ Yemen đã có những bước đi đầu tiên. Tariq al-Fadhli, cựu thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo, người gốc miền Nam Yemen, đã phá vỡ liên minh mà ông ta tham gia từ 15 năm trước cùng với Chính phủ Yemen của Tổng thống Ali Abdallah Saleh, để gia nhập liên minh rộng lớn của phe đối lập trong Phong trào miền Nam.
Trước năm 1990, Washington và Vương quốc Arập Xêút đã hỗ trợ và giúp đỡ Tổng thống Ali Saleh trong chính sách Hồi giáo, họ đã đặt cược để ngăn chặn tham vọng của phe miền Nam Yemen. Kể từ đó, Saleh đã dựa vào sự chuyển động mạnh mẽ của thánh chiến Hồi giáo phái Salafi nhằm tăng cường quyền lực chuyên chế của bản thân. Sự cắt đứt của Al-Fadhli với quyền lực và liên minh với nhóm đối lập miền Nam bên cạnh những kẻ thù cũ là một sự thất bại nghiêm trọng của Tổng thống Saleh.
Sự góp mặt đầy quan trọng của Al-Fadhli đã thay đổi phong trào  tại Nam Yemen, vốn đang đứng bên bờ vực phá sản, nay trở thành một làn sóng mạnh mẽ trong cả nước. Làn sóng này cũng đã thúc đẩy Tổng thống Saleh, người vốn lo sợ về những hậu quả của phong trào lên cả bán đảo Arập, phải hành động bằng cách tìm sự giúp đỡ của Arập Xêút và những quốc gia khác thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Trong khi đó, tại miền Bắc Yemen, Saleh đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy của tín đồ giáo phái Zaidi Shiite dưới sự dẫn dắt của Al-Houthi, như một vài người nhận xét, cuộc nổi dậy này làm tình hình đất nước vốn đã phức tạp càng phức tạp hơn.
Al-Qaeda nói gì?
Bức chân dung hiện nay của Tổng thống Saleh là một nhà độc tài Vùng Vịnh, được Mỹ trợ giúp, mất quyền lực trong chớp nhoáng sau hai thập niên của chế độ chuyên quyền ở Yemen. Nền kinh tế của đất nước này đã trải qua một cuộc suy thoái đáng kể vào năm 2008 khi giá dầu giảm mạnh. Gần 70% tài sản của Yemen đến từ ngành khai thác dầu mỏ.
Chính phủ của Saleh đặt trụ sở tại Sanaa, miền Bắc đất nước, trong khi dầu mỏ lại nằm ở miền Nam Yemen. Tuy vậy, Saleh đã rất khôn khéo khi kiểm soát những dòng vốn từ dầu mỏ. Với Saleh, lợi nhuận từ ngành khai thác dầu mỏ giảm nhưng không thể bỏ qua những điều mà ông ta thường làm: hối lộ những nhóm đối lập.
Trong tình hình hỗn loạn từ bên trong, tháng 1/2009, xuất hiện một thông báo trên một vài trang web được chọn lựa kỹ càng. Theo đó, thông báo này đưa ra giả thuyết rằng tổ chức Al-Qaeda được thành lập bởi một người Arập Xêút từng được CIA huấn luyện, Osama bin Laden. Tổ chức này đã thành lập một chi nhánh tại Yemen, giữ vai trò quan trọng trong việc tiến hành hoạt động tại đất nước này và tại Arập Xêút.
Ngày 20/1/2009, qua những diễn đàn thánh chiến trên Internet, Nasir al-Wahayshi, lãnh đạo của Al-Qaeda tại Yemen đã công bố về việc thành lập một nhóm duy nhất theo lệnh của ông này trên bán đảo Arập. Al-Wahayshi đã cho đăng tải lên Internet một đoạn video với tiêu đề đe dọa: "Chúng tôi xuất phát tại đây và chúng tôi sẽ gặp lại nhau tại Al-Aqsa". Thánh đường Al-Aqsa  tại Jerusalem, nơi mà người Do Thái gọi là Temple Mount (Đồi Đền thờ), nơi có ngôi đền Salomon và cũng là nơi mà người Hồi giáo gọi là Al-Haram Al-Sharif.
Trong đoạn video này, những lời đe dọa nhắm tới những nhà lãnh đạo Hồi giáo, trong đó có Tổng thống Yemen Saleh, gia đình Hoàng gia Arập Xêút và Tổng thống Ai Cập Mubarak. Đoạn video cũng xác nhận ý đồ của nhóm khủng bố là muốn mở rộng cuộc thánh chiến từ Yemen về Israel để "giải phóng" những vùng đất thánh của đạo Hồi và Dải Gaza, những hành động này có thể dẫn đến một cuộc... chiến tranh thế giới thứ ba!

Eo biển Bab el-Mandab.
Theo tổ chức Al-Qaeda tại Yemen, rõ ràng, hoạt động của Al-Fadhli và Phong trào miền Nam quá thưa thớt. Al-Fadhli có phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Tôi có những mối quan hệ mật thiết với tất cả mọi phong trào thánh chiến tại miền Bắc, miền Nam và cả ở những nơi khác, nhưng không phải với Al-Qaeda". Điều này không ngăn cản Tổng thống Saleh nói rằng Phong trào miền Nam và Al-Qaeda là một, một lập trường thuận lợi để đảm bảo sự hỗ trợ từ phía Washington.
Theo những báo cáo của Sở Mật vụ Mỹ, có thể có 200 thành viên của Al-Qaeda đang ẩn náu tại miền Nam Yemen. Tháng 5/2009, Al-Fadhli đã tuyên bố trên báo giới: "15 năm trước, chúng tôi (miền Nam Yemen) bị xâm lược và phải chịu đựng một sự chiếm đóng vô đạo đức.  Giờ đây, chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chính mình và chúng tôi không phục vụ cho bất kỳ ai khác. Chúng tôi muốn được độc lập và chấm dứt sự chiếm đóng này". Cùng ngày, tận dụng cơ hội này, Al-Qaeda xúc tiến hoạt động của mình và thể hiện sự hỗ trợ của tổ chức này cho công cuộc tại Nam Yemen.
Các quan sát viên nhận thấy sự xuất hiện của Al-Qaeda tại Nam Yemen, một cơ sở nhỏ mà người ta không ngừng nhắc đến, trên vùng đất của Phong trào miền Nam là một màn chắn cho phong trào cực đoan của Al-Qaeda. Rất phù hợp với nhận định của Lầu Năm Góc, sự xuất hiện của tổ chức này là yếu tố khơi mào cho một cuộc chiến tranh và là cái cớ để tăng cường hoạt động quân sự trong vùng chiến lược.
Thật vậy, sau khi tuyên bố rằng những cuộc xung đột nội bộ tại Yemen không còn là việc riêng của Yemen, Tổng thống Obama đã ra lệnh không kích vào nước này. Lầu Năm Góc cho biết, những cuộc tấn công ngày 17 và 24/12/2009 đã tiêu diệt 3 phần tử quan trọng của Al-Qaeda, tuy nhiên không có gì chứng minh cho việc này. Ông Obama cũng đề nghị hỗ trợ quân sự cho chính phủ của Tổng thống Saleh.
Cùng lúc với tin tức về những vụ khủng bố đến từ Yemen, Hãng tin CNN cũng đăng tải thông tin về việc những cuộc tấn công của cướp biển Somali xuất hiện ngày càng nhiều trên tuyến đường giao thương xuất phát từ phía nam Yemen đến vịnh Aden và biển Arập. Những cuộc tấn công này gia tăng sau khi các cuộc tuần tra quốc tế giảm bớt tần suất hoạt động.
Ngày 29/12/2009, kênh truyền hình RIA Novosti của Nga cho biết: Hải tặc Somali đã bắt giữ một tàu hàng của Hy Lạp tại vịnh Aden, ngoài khơi Somalia. Trước đó cùng ngày, một tàu chở hóa chất của Anh và 26 thành viên thủy thủ đoàn cũng bị cướp biển bắt giữ tại vịnh Aden.  Hai sự kiện này đã đưa con số của những cuộc tấn công và cướp tàu lên mức kỷ lục.
Theo Trung tâm Giám sát của Cục Hàng hải quốc tế, tính đến ngày 22/12/2009, cướp biển Somali đã thực hiện 174 cuộc tấn công tại vịnh Aden và ngoài khơi bờ biển phía đông Somali, trong đó có 35 vụ cướp tàu và 587 người bị bắt làm con tin, chiếm gần như toàn bộ các cuộc tấn công thành công của hải tặc trên toàn thế giới. Một câu hỏi được đặt ra hiện nay: Từ ai mà hải tặc Somali nhận được vũ khí và các phần mềm giúp chúng có thể qua mặt các cuộc tuần tra quốc tế của nhiều quốc gia?
Ngày 3/1/2009, Tổng thống Saleh nhận được một cú điện thoại từ người đồng nhiệm của Somali, ông Sharif Sheik Ahmed, thông báo về diễn tiến tình hình tại Somali. Ông Sharif Ahmed, người mà quyền lực tại Mogadiscio rất hạn chế và thường được gọi là “Tổng thống sân bay Mogadiscio”, đã bày tỏ với Saleh rằng ông ta sẽ thông báo cho Saleh tất cả mọi thông tin mà ông ta có liên quan đến các hoạt động khủng bố tại Somali, điều đe dọa cho sự bền vững và an ninh của Yemen cũng như của khu vực.
Điểm thắt cổ chai trên đường vận chuyển dầu mỏ và các thương vụ dầu mỏ khác
Khu vực chiến lược nằm giữa Yemen và Somali có một ý nghĩa địa - chính trị đặc biệt. Tại khu vực này có eo biển Bab el-Mandab, được Chính phủ Mỹ xếp hạng là 1 trong số 7 vị trí nút chai chiến lược trong ngành vận tải dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng "việc đóng cửa eo biển Bab el-Mandab có thể ngăn cản các tàu chở dầu từ vịnh Persique đến kênh đào Suez và đường ống dẫn dầu Sumed, buộc các tàu này phải đi vòng qua phía nam châu Phi. Eo biển Bab el-Mandab là một điểm thắt cổ chai giữa vùng Sừng châu Phi và Trung Đông và đây cũng là một cây cầu chiến lược nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương".
Tại giao lộ của  Yemen, Djibouti và Érythrée, eo biển Bab el-Mandab nối liền vịnh Aden và biển Arập. Dầu mỏ và các hàng hóa khác đến từ vịnh Persique phải đi qua Bab el-Mandab trước khi đến kênh đào Suez. Năm 2006, Cục Năng lượng tại Washington cho biết mỗi ngày có khoảng 3,3 triệu thùng dầu đi qua eo biển này đến châu Âu, Mỹ, châu Á và có 2,1 triệu thùng xăng theo hướng bắc từ eo biển Bab el-Mandab đến khu Suez/Sumed để ra biển Địa Trung Hải.
Cái cớ cho việc quân sự hóa vùng biển bao quanh eo biển Bab el-Mandab của Mỹ và NATO sẽ là cơ hội cho Washington có một lợi thế mới trong việc theo đuổi quyền kiểm soát 7 vị trí nút chai trong đường vận tải dầu mỏ chính yếu của thế giới, đây là một phần quan trọng trong chiến lược tương lai của Mỹ, nhắm đến việc kiểm soát nguồn cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc, Liên minh châu Âu hoặc bất kỳ nước nào chống lại chính sách của Mỹ. Mỹ biết rằng lượng lớn dầu mỏ từ Arập Xêút được vận chuyển qua eo biển Bab el-Mandab và Mỹ kiểm soát quân sự tại vị trí này nhằm không cho Arập Xêút bán dầu cho Trung Quốc hoặc các nước khác trong tương lai.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang đe dọa đường vận chuyển dầu cho Trung Quốc từ cảng Sudan trên Biển Đỏ, ngay phía bắc eo biển Bab el-Mandab, đường cung cấp huyết mạch cho nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
Ngoài vị thế địa - chính trị  quan trọng Yemen cũng được ưu đãi một trữ lượng dầu đáng kể. Theo các công ty dầu khí thế giới, những mỏ dầu tại Masila và Shadwa rất có tiềm năng, là "lựa chọn số 1 cho khai thác". Tập đoàn Total của Pháp và một số công ty dầu khí khác cũng cam kết phát triển ngành khai thác dầu mỏ của Yemen.
Những lo ngại gần đây của Washington về tình hình tại Yemen đã vượt qua cả mối lo về một tổ chức Al-Qaeda đơn giản được thành lập một cách ngẫu nhiên. Việc dán mác cho tổ chức này như một tổ chức khủng bố toàn cầu đang bị nhiều người đặt nghi vấn

  Mộc Thạch - Văn Bôl (tổng hợp)