(Toquoc)-Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách can dự tích cực về kinh
tế, chính trị, quân sự và ngoại giao tại Đông Nam Á. Nhưng cần rút kinh
nghiệm bài học chính sách đối phó tình hình Ai Cập để đảm bảo sự nhất
quán trong chính sách “trở lại châu Á”.
Việc
Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton mới đây được chọn là “Nhân vật Đông
Nam Á năm 2010” mang lại một điều ngạc nhiên thú vị. Danh hiệu này nhằm
tôn vinh những cá nhân có ảnh hưởng lớn tới việc củng cố mối quan hệ của
Mỹ với Đông Nam Á. Khi thực hiện sự lựa chọn này, Trung tâm Nghiên cứu
chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ đánh giá đóng góp quan trọng nhất của
người đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ đối với quan hệ Mỹ-Đông Nam Á là
có một tầm nhìn rõ ràng trong việc củng cố mối quan hệ của Mỹ tại khu
vực và đã tích cực triển khai chính sách này trong năm 2010. Dưới sự
lãnh đạo của nữ Ngoại trưởng, nước Mỹ đã xây dựng được nền tảng an ninh
vững mạnh và sự can dự kinh doanh mạnh mẽ ở Đông Nam Á thông qua tăng
cường quan hệ với ASEAN, ký Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC), khởi
xướng cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN, Mỹ tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á. Bộ
Ngoại giao Mỹ đã triển khai khuôn khổ đối tác mới với các nước ASEAN
như Indonesia, Việt Nam và Malaysia, làm sâu sắc hơn quan hệ truyền
thống với Philipinnes và Singapore. Bà Clinton còn đề xướng Sáng kiến Hạ
nguồn sông Mê Kông nhằm hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững và phát triển hạ
tầng ở tiểu lục địa này.
Các máy bay F/A18F vừa được bổ sung vào lực lượng phòng vệ và răn đe của quân lực Australia
Tại
cuộc họp báo kết thúc Hội nghị ARF 17, ngày 22/7/2010, bà đã có một
tuyên bố mạnh mẽ gây chấn động liên quan Biển Đông: “Mỹ, cũng như các
quốc gia khác, có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và tôn trọng
luật quốc tế ở Biển Đông. (Mỹ) phản đối sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ
lực bởi bất kỳ bên yêu sách nào... Mỹ đang sẵn sàng để tạo điều kiện thực hiện các sáng kiến và các biện pháp xây dựng lòng tin phù
hợp với Tuyên bố (Ứng xử của các bên trên Biển Đông)”. Tuyên bố này trở
thành nền tảng chính sách của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.
Người
trong thiên hạ có thể khen hoặc phê phán các quan điểm thẳng thắn của
Hillary Clinton, nhưng điều dễ nhận thấy chúng thích hợp với vị thế nước
Mỹ hiện nay và với một khu vực tương quan quyền lực đang biến đổi nhanh
chóng. Tuy vậy nhân các sự kiện dẫn tới sự sụp đổ các chính quyền thân
Mỹ ở Trung Đông, các nhà quan sát cho rằng, phản ứng của Nhà Trắng đối
với những diễn biến ở Ai Cập, từ đầu tới cuối, đều là sự giật gấu vá
vai, cho thấy mâu thuẫn giữa việc bảo vệ lợi ích và việc phổ biến giá
trị dân chủ về lâu dài trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Bài học này
cần được Washington nghiên cứu trong quá trình “trở lại châu Á”
Chiến lược quân sự, ngoại giao: Hợp tác chiến lược, cạnh tranh chiến lược
Kể
từ sau cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh,
lần đầu tiên người ta ghi nhận một làn sóng mới nâng cấp vũ khí và hiện
đại hóa quốc phòng diễn ra với tốc độ mạnh mẽ, quy mô rộng lớn ở châu Á
- Thái Bình Dương. Hai yếu tố tạo ra chiều hướng này, đó là sự phát
triển nhanh chóng toàn diện của quân lực Trung Quốc; và Mỹ dường như
“lực bất tòng tâm”. Một chuyên gia quốc phòng của Australia cho rằng,
hiện nay có khả năng “hình thành một thế trận an ninh nghiêm trọng nhất
kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay”. Báo cáo của các cố vấn quân
sự nước này cho chính phủ Canbera cho rằng,
Australia cần tập trung phát triển quân sự để “triệt tiêu và uy hiếp lại
tốc độ phát triển của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)”.
Thích
ứng với tình hình mới, tại cuộc họp báo ngày 26/1 ở Lầu Năm Góc, phát
ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Morrell cho biết Mỹ đang xem xét việc
tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự trong vùng châu Á-Thái Bình
Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á, trong bối cảnh sức mạnh quân sự ngày
càng tăng của Trung Quốc.
Trong
chiến lược quân sự mới nhất của Mỹ từ 6 năm nay, công bố hôm 8/2/2011,
Lầu Năm Góc đề ra các phương hướng ưu tiên phân bổ quân sự Mỹ, trong đó
khẳng định việc chú trọng và tăng cường nguồn lực vào các nước Đông Nam
Á. Đây là phần đóng góp của Bộ Quốc phòng Mỹ cho Chiến lược An ninh Quốc
gia Mỹ 2011. Chiến lược An ninh Quốc gia thường kỳ này là tổng hợp các
đánh giá của chính phủ Mỹ về các đe dọa an ninh cũng như cách thức đối
phó.
Bản
chiến lược mới khẳng định quân đội Mỹ cần tìm cách “tăng chú ý và đầu
tư nguồn lực vào Đông Nam Á và Nam Á”, tăng số lượng các cuộc tập trận
với Thái Lan, Philippines và Việt Nam, cùng một số nước khác. Văn bản
cũng chỉ ra nhu cầu mở rộng và làm sâu thêm quan hệ quân sự với Ấn Độ và
Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ “quan ngại về quy mô và mục đích
chiến lược của quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, cũng như thái
độ ngày càng mạnh bạo của nước này trong không gian, không gian ảo, tại
Hoàng Hải, Đông Hải và Biển Đông. (Mỹ) sẽ tiếp tục theo dõi sát sao sự
phát triển quân sự của Trung Quốc cũng như tác động của nó lên cán cân
quân sự ở khu vực”; quân đội Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng để đáp lại điều
được gọi là “các khả năng chống tiếp cận” mà Trung Quốc đang triển khai.
Quân đội Mỹ sẽ tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác
Trung Quốc nhằm mở rộng các khu vực lợi ích và quan tâm chung, tăng
cường hiểu biết, giảm bớt hiểu lầm và ngăn chặn các tính toán sai lầm.
Bộ
trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và người đồng cấp Trung Quốc trong
chuyến thăm chính thức Bắc Kinh tháng 1/2011: Mỹ và Trung Quốc vừa tăng
cường hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực, vừa đẩy mạnh khả năng
răn đe và kiềm chế chiến lược về quân sự
Abraham
M. Denmark, nhà nghiên cứu về châu Á-TBD tại Trung tâm An ninh Mỹ, trả
lời phỏng vấn RFA, nhận xét Mỹ bắt đầu nhận ra rằng khu vực châu Á Thái
bình Dương ngày càng đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định của thế giới
và cho lợi ích của Mỹ. Thứ nhất, vì sự phát triển kinh tế của khu vực
Đông Nam Á, vì dân số đông đảo và vì vị trí địa lý của khu vực. Thứ hai,
vì sự gia tăng về sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc trong
khu vực mà Mỹ muốn đảm bảo sự hiện diện của mình ở khu vực này. Chính
sách của Mỹ là theo đuổi một mối quan hệ rất tốt và hiệu quả với Trung
Quốc đồng thời duy trì một khả năng quân sự cần thiết trong khu vực. Hai
hành động này đúng là sẽ dẫn đến một mối quan hệ phức tạp nhưng không
mâu thuẫn.
Giáo
sư Simon Tay, người đứng đầu Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở
Singapore, nói: “Chúng tôi nhìn Trung Quốc với những mối hy vọng về kinh
tế, nhưng lo ngại về vấn đề chính trị và an ninh. Chúng tôi trông đợi
Mỹ tiếp tục mang lại ổn định và hòa bình, vốn là nền tảng của sự tăng
trưởng và thịnh vượng của chúng tôi”.
Mặt
khác, Mỹ muốn tìm kiếm cơ chế đối thoại an ninh quốc phòng khu vực.
Ngày 1/2, Robert Scher, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói tại
Heritage Foundation, một viện nghiên cứu đặt tại Washington, bày tỏ mong
muốn tăng cường tần suất cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng các nước
trong khuôn khổ Hội nghị ADMM+, lần đầu tiên tổ chức ở Hà Nội tháng
10/2010.
Ngày 14/2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak đã rời Việt Nam, kết thúc 3 năm rưỡi nhiệm kỳ công tác của ông tại đây được đánh giá là thành công mỹ mãn, với việc mở rộng hơn nữa quan hệ Mỹ-Việt.
Chính
quyền Obama đã cử ông David Shear, nguyên Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ
phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, làm
Đại sứ mới tại Hà Nội. Ông David Shear là một nhà ngoại giao thông thạo
tiếng Trung và tiếng Nhật sau nhiều năm du học tại Đài Bắc, Nam Kinh và
Tokyo. Ông cũng là một chuyên gia về Trung Quốc, từng giữ chức vụ số
hai tại Sứ quán Mỹ tại Malaysia. Một nhà ngoại giao thâm niên về châu Á
có mặt tại Hà Nội sẽ giúp chính quyền Mỹ đưa sự hợp tác vào một giai
đoạn mới tích cực hơn, nhằm củng cố các trụ cột quan hệ về kinh tế, an
ninh, nhân quyền, giáo dục cũng như biến đổi khí hậu. Tại Campuchia, chính
quyền Mỹ cũng cử một nhân vật từng là phó Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ
trách châu Á-TBD, làm Đại sứ. Điều này cho thấy, chính quyền Mỹ muốn
tăng cường chất lượng các cơ quan ngoại giao để dự báo chiến lược và
thực thi đối sách thích hợp tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh
chiến lược./.
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/O-Cua-Chau-A/My-Va-Dong-Nam-A-2011.html
Nguyễn Nguyên