Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Dấu ấn ảnh hưởng của Thiên diễn luận trong văn học của nhà Nho Việt Nam đầu thế kỷ XX

PGS.TS. Trần Nho Thìn
Khoa Văn học - ĐHKHXH&NV Hà Nội

        Chúng ta đã biết nhiều về phong trào Duy tân của nhà Nho yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX qua các công trình nghiên cứu khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến ảnh hưởng của sách Tân thư đến từ Trung Quốc đối với tư tưởng của họ. Tuy nhiên, có một thực tế là tuy các tên tuổi được nhắc đến như Mạnh Đức Tư Cưu, Lư Thoa, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… được nói đến đây đó khi bàn về các nhân vật có ảnh hưởng đối với nhà Nho Việt Nam, song ở nước ta hiện chưa có nghiên cứu nào dành riêng cho việc khảo sát tỉ mỉ các nguồn ảnh hưởng. Chẳng hạn, nếu nói các nhà Nho duy tân Việt Nam đã đọc sách của Montesquieu (Mạnh Đức Tư Cưu) thì họ đã đọc qua ngôn ngữ nào? Nếu là đọc qua bản dịch tiếng Hán thì bản dịch ấy đã được thực hiện ra sao, dịch nguyên văn hay dịch ý, người dịch có thêm bớt hay lý giải theo thiên kiến chủ quan hay không, và những vấn đề như thế liệu có ảnh hưởng gì đến tư tưởng duy tân của người Việt Nam. Tóm lại là hiện nay, việc khảo sát quan hệ liên văn bản giữa các phát ngôn, các từ ngữ và khái niệm đã được nhà Nho Việt Nam sử dụng để diễn đạt tư tưởng duy tân với các tác phẩm triết học và văn học chữ Hán như là nguồn ảnh hưởng vẫn đang là công việc cần thiết. 
Trong đợt hội thảo về Tân thư tại trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn 1996-1997, đã bắt đầu nghe thấy nói trong loại Tân thư, có sách Thiên diễn luận, bản dịch của Nghiêm Phục dịch sách Evolution and Ethics của Thomas Henry Huxley(1). Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hồng, có ba dòng Tân thư cận đại: 1) dòng Tân thư phê phán tư tưởng bảo thủ; 2) dòng Tân thư giới thiệu tư tưởng phương Tây; 3) loại có nội dung tổng hợp, nằm trong các bản tấu, sớ, điều trần, bàn về kế sách thay đổi, tự cường. Về loại 2, ông viết: “Tân thư mang nội dung mở cửa học phương Tây, một loạt các sách dịch, các nhà Tây học tầm cỡ như: Quách Sùng Đào, Khâm sai sứ thần nhà Thanh ở Anh trong những năm 1876-1879; Ngụy Nguyên (1794-1857). Nhật Bản có Fukuzawa Yukichi (1835-1901) nhà tư tưởng Tây học tầm cỡ. Nghiêm Phục nhà Tây học Trung Quốc được mệnh danh là danh sư Tây học, người đã dịch cuốn sách Tiến hóa luận nổi tiếng của Hutxlây”(2). Một nhà nghiên cứu khác là Nguyễn Thạch Giang cũng viết: “Trong giai đoạn đầu thế kỷ XX, một tác giả nổi tiếng của Trung Hoa là Nghiêm Phục (1853-1921), người có uy tín nhất về mặt nghiên cứu tư tưởng Tây phương”(3). Thông tin về sự nghiệp dịch thuật của Nghiêm Phục như các dẫn chứng trên là rất hiếm hoi ở Việt Nam, vì đa số các nhà nghiên cứu thường chỉ nhắc đến Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu... Tiếc là hai nhà nghiên cứu chưa đi sâu khảo sát sự nghiệp dịch thuật của Nghiêm Phục qua Thiên diễn luận.
Chúng tôi chọn Thiên diễn luận khảo sát vì trong xu thế trí thức Trung Quốc hướng về phương Tây để tìm đường đổi mới tư tưởng, đây là một công trình dịch thuật tiêu biểu giới thiệu tư tưởng phương Tây, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng Duy tân ở Trung Quốc và qua đó, ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy hiện nay, chưa có bằng chứng cụ thể xác nhận các nhà Nho duy tân Việt Nam đã từng đọc Thiên diễn luận, song xét theo lý thuyết liên văn  bản, dấu ấn ảnh hưởng - dù là gián tiếp hay trực tiếp - của bản dịch này là rõ ràng. Phân tích bản dịch này và dấu ấn ảnh hưởng của nó có thể chỉ ra được một số đặc điểm của tư tưởng yêu nước của các nhà Nho Việt Nam trên con đường cứu nước đầu thế kỷ XX.
Có thể thấy, hai tư tưởng duy tân quan trọng nhất ở Trung Quốc và Việt Nam là cạnh tranh sinh tồnhợp quần. Nhìn từ mối quan hệ liên văn bản, nếu so sánh bản dịch Thiên diễn luận với sáng tác thơ văn của các nhà Nho Việt Nam, có thể nghĩ rằng hai tư tưởng này đã đến với các nhà Nho Việt Nam từ văn bản gốc là Thiên diễn luận, dẫu họ có thể đọc trực tiếp bản dịch hay đọc gián tiếp qua một tác giả khác có ảnh hưởng Thiên diễn luận. Đây là  những vấn đề mà chúng tôi sẽ làm rõ.
Như Ngô Nhữ Luân viết trong lời đề tựa cho Thiên diễn luận: “Thiên diễn giả, Tây quốc cách vật gia ngôn dã. Kỳ học dĩ thiên trạch, vật cạnh nhị nghĩa” (Thiên diễn là ngôn luận của nhà nghiên cứu phương Tây, cái học của ông ta gồm hai nghĩa vật cạnh, thiên trạch)(4). Có thể tóm tắt vấn đề như thế này: Nghiêm Phục (1853-1921) chọn dịch cuốn sách Tiến hóa và đạo đức của Thomas Henry Huxley là vì ông tìm thấy ở đây cơ sở tư tưởng cần thiết cho một yêu cầu cấp thiết đổi mới tư tưởng cho người Trung Quốc. Thực ra, ông không chỉ dịch cuốn sách này mà có liên hệ phân tích, so sánh với tư tưởng của Tư Tân Tắc - Herbert Spencer - một nhà tiến hóa luận xã hội quan trọng khác, được nhắc đến khá nhiều trong bản dịch này. Nửa cuối thế kỷ XIX, việc Trung Quốc đã chịu thất bại liên tiếp trong nhiều cuộc chiến tranh, từ chiến tranh Thuốc phiện (lần thứ nhất và thứ hai), đến chiến tranh năm Giáp Ngọ , việc liệt cường xâu xé Trung Quốc khiến người Trung Quốc cảm giác tổ quốc đang gặp vô vàn lâm nguy. Thông thường, nhà nho quan niệm lịch sử theo mô hình chu kỳ với sự thay đổi của hưng vong, thịnh- suy, bĩ- thái. Chu Dịch, Hệ từ hạ: “Dịch, cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Thi Kinh, Đại Nhã, Văn Vương Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân”. Nhưng thực tế thất bại trong chiến tranh cho thấy không thể có một thứ “biến”, “thông”, “cửu” theo ba chặng đó, cũng không thể có “mệnh” tự nó duy tân  nếu cứ nghĩ và hành động theo cách nghĩ cũ. Một nhu cầu thay đổi bắt nguồn từ chính sự thôi thúc, đòi hỏi của đời sống hiện thực, trước những thất bại thảm hại của nhà Mãn Thanh. Nhưng thay đổi như thế nào? Thuyết tiến hóa của Darwin qua cách diễn giải của Huxley và Spencer đã cấp cơ sở lý luận cho các nhà tư tưởng duy tân của Trung Quốc. Theo thuyết tiến hóa phổ quát, có một qui luật tự nhiên là sự vật cạnh tranh để sinh tồn. Loài nào mạnh thì tồn tại, yếu thì bị tiêu diệt. Vậy là không thể ngồi chờ sự vận động lịch sử theo chu kỳ để đến một ngày nào đó quay lại thời Nghiêu Thuấn mà cần bước vào cuộc đấu tranh sinh tồn trên qui mô toàn cầu để cứu nguy dân tộc. Vật cạnh (các loài vật cạnh tranh), thiên trạch (sự lựa chọn tự nhiên) là cách diễn tả tinh thần của tiến hóa luận ứng dụng vào xã hội. Nhưng sự nghiệp cạnh tranh sinh tồn của một dân tộc đòi hỏi sự đoàn kết, đồng tâm  nhất trí của cả xã hội, cả dân tộc. Từ đó mà có sự cấp thiết của hợp quần (đoàn kết xã hội), cần có sự ưu tiên cho hợp quần hơn là cá nhân. Không chỉ tư tưởng mà cả các khái niệm Hán ngữ dùng dịch các thuật ngữ tiến hóa luận như trên đã được Nghiêm Phục lần đầu tiên sử dụng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà tư tưởng của phong trào duy tân Trung Quốc. Điều này đã được khẳng định bởi nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Hồ Thích có kể lại là ông bị tác động mạnh bởi câu Vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn từ Thiên diễn luận đến mức đã lấy chữ Thích thay cho tên cũ của mình(5) và cho biết: “Nghiêm Phục qua việc dịch thuật lý luận của hai nhà Huxley và Spencer đã khiến cho người trong nước liên tưởng đến cảnh ngộ của mình, đồng thời nảy sinh tư tưởng duy tân, tự cường. Từ ý nghĩa đó thì nói Thiên diễn luận là một trước tác học thuật phương Tây được Nghiêm Phục dịch không bằng nói đó là một lợi khí tư tưởng của ông để hun đúc phong trào duy tân. Ý nghĩa hiện thực của nó vượt xa ý nghĩa học thuật. Trên thực tế, đại đa số quốc nhân bị cảm nhiễm bởi cuốn sách vị tất có thể lý giải đúng sự sai dị lý luận giữa Huxley và Spencer, nhưng các từ ngữ được dùng trong bản dịch như “thiên diễn”, “vật cạnh”, “thiên trạch”, “tiến hóa”, “bảo chủng” đối với họ có sức rung chuyển, chúng để lại ấn tượng không thể phai mờ trong ký ức của những người đương thời”(6); “Thuyết tiến hóa luận xã hội trong Thiên diễn luận có quan hệ mật thiết với Mậu Tuất biến pháp. Điều đó biểu hiện chủ yếu trong việc phần tử trí thức cuối đời Thanh giải thích mối quan hệ giữa tư tưởng cạnh tranh sinh tồn và hợp quần…Học thuyết cạnh tranh sinh tồn và tư tưởng hợp quần được diễn giải trong Thiên diễn luận vừa được tầng lớp tinh hoa quan tâm mà còn đem lại sự trọng thị của giới độc giả phổ thông”(7). Nghiêm Danh ghi nhận: “Trước khi chính thức xuất bản, Thiên diễn luận đã được đăng tải trên “Quốc văn báo” năm 1897 đã lập tức chấn động giới trí thức Trung Quốc, gây ảnh hưởng hết sức sâu xa. Đương thời, Ngô Nhữ Luân, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cho đến sau này, Lỗ Tấn, Hồ Thích… không ai không ca ngợi, tiếp nhận ảnh hưởng của sách một thời, Thiên diễn luận thịnh hành trên toàn quốc, trở thành căn cứ lý luận cho nền chính trị cải lương mà “vật cạnh thiên trạch, thích giả sinh tồn” thành câu nói cửa miệng trong xã hội”(8). Vương Thiên Căn dẫn ý kiến của một người ở đầu thế kỷ XX: Hồ Hán Dân viết: “Từ khi họ Nghiêm xuất bản sách này, thì cái qui luật vật cạnh thiên trạch ăn sâu vào lòng người mà cái dân khí của Trung Quốc vì thế mà biến đổi”. Vương Thiên Căn còn viết: “Trước Mậu Tuất biến pháp, Thiên diễn luận thu hút sự chú ý cao độ của bộ phận trí thức tiến bộ. Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Ngô Nhữ Luân, Hạ Tăng Hựu, Lã Tăng Tường, Hùng Quí Khang, Tôn Bảo Tuyên và “chư sinh” của Vị Kinh thư viện đều đã đọc bản cảo hay bản sao đầu tiên của Thiên diễn luận. Về sau, khi Thiên diễn luận được xuất bản, bắt đầu được lưu truyền rộng rãi trong xã hội”(9). Đó là một số sự kiện và ý kiến cho thấy, vấn đề cạnh tranh sinh tồn, hợp quần bảo chủng đã được Thiên diễn luận lần đầu tiên chuyển tải đến người Trung Quốc. Bản thân Nghiêm Phục trong Lời lệ ngôn viết cho bản dịch cũng ghi nhận chính ông là người sử dụng các từ ngữ nói trên: “Các danh từ như  vật cạnh, thiên trạch, trữ năng, hiệu thực đều do tôi mở đầu sử dụng”. Xét ngọn nguồn ảnh hưởng đến tư tưởng nhà Nho Việt Nam, cần tìm đến công trình này.
*
Như đã nói, trong Thiên diễn luận, Nghiêm Phục đã nhân tư tưởng của Huxley và Spencer về tiến hóa luận xã hội mà đề xướng phong trào cứu vong dân tộc đang rất bức thiết đối với Trung Quốc. Luận điểm quan trọng về cạnh tranh sinh tồn, chọn lọc tự nhiên được nhắc đến nhiều lần từ các góc độ khác nhau. Có thể dẫn một đoạn văn về điều này trong Đạo ngôn 1, Sát biến: “Lấy việc chọn lọc tự nhiên (thiên diễn) làm thể thì mặt dụng của nó có hai: đó là sự vật cạnh tranh sinh tồn (vật cạnh - struggle for existence), và đào thải tự nhiên (thiên trạch - selection). Vạn vật có loài nào lại không như thế, và trong các loài sinh vật, hình thành  loài ưu tú. Cái gọi là “vật cạnh”, là các loài vật cạnh tranh nhau vì sự tự sinh tồn, một loài vật cùng các loài vật khác cạnh tranh, hoặc là tồn tại, hoặc tiêu vong. Hiệu quả được qui về “thiên trạch”. Gọi là thiên trạch, tức là loài vật cạnh tranh để riêng mình tồn tại… Herbert Spencer nói: “cái gọi là thiên trạch là việc bảo tồn loài nào có khả năng thích nghi cao nhất. Loài vật đã cạnh tranh để sinh tồn thì sau đó trời theo sự cạnh tranh này mà lựa chọn. Cứ một lần cạnh tranh, một lần lựa chọn, theo đó xuất hiện sự tiến hóa”. Tinh thần của đoạn văn này là tôn chỉ của toàn bộ Thiên diễn luận mà các đoạn khác sẽ triển khai nhất quán.
Để cạnh tranh sinh tồn trong thế giới hiện đại, một dân tộc phải biết đoàn kết (hợp quần) để tạo nên sức mạnh. Đó là logic tất yếu dẫn đến lý luận hợp quần. Trong Đạo ngôn 13, Chế tư (chế ngự cái riêng tư), Án ngữ (bình luận): Lý luận về bảo tồn quần thể (bảo quần) của Huxley có thể biện luận được. Ông nói đạo hợp quần là do lòng người thiện có tương cảm mà hình thành, có thể đảo lộn nhân thành quả, không thể không biết. Con người từ chỗ tản mát mà hợp quần, nguyên do là vì lợi, như loài cầm thú, lúc đầu không phải do cảm thông mà nên quần thể. Nhưng khi đã hợp quần vì điều lợi thì việc chọn lọc tự nhiên (thiên diễn) là loài có khả năng hợp quần được tồn tại, không hợp quần bị diệt vong; khéo hợp quần được tồn tại, không khéo hợp quần bị diệt vong. Trong Đạo ngôn 8, Điểu thác bang (Utopia- Không tưởng), Nghiêm Phục viết lời “tán”: “Muốn cho thật sự phát triển thịnh trị, tất cầu lấy gốc của ba điều là dân lực, dân trí, dân đức. Cần phải lập trường học. Nhà trường đem lại điều tốt  thì trí nhân dũng của dân mới hưng khởi, trí nhân dũng của dân hưng khởi thì xã hội mới có sức mạnh, có tư bản, như thế thì nước mới giàu mà không nghèo, mới mạnh lên mà không thể bị yếu đi”. Từ đó mà ông nêu chủ trương “cổ dân lực, khai dân trí, tân dân đức”. Trong Tân dân thuyết của Lương Khải Siêu (bắt đầu công bố năm 1902), vấn đề “dân lực, dân trí, dân đức” tiếp tục được nhấn mạnh(10). Tư tưởng duy tân nhấn mạnh đến giáo dục thực ra đã xuất phát từ nhận thức về qui luật cạnh tranh sinh tồn và hợp quần.
Có thể nói các diễn ngôn tương tự về “vật cạnh thiên trạch”, “hợp quần” đều có thể gặp trong thơ văn của các nhà Nho duy tân Việt Nam. Nguyễn Thượng Hiền: “Sóng cạnh tranh lai láng giữa hoàn cầu” (Phú cải lương). Có thể liệt kê những diễn ngôn tương tự:
                 - Đương trong cuộc thắng ưu liệt bại,
                 Có ra ngoài mới biết văn minh.
                 Nếu khư khư chỉ biết mình,
                 Cùng người đua sức, hẳn vành mình thua.
                                                     (Phan Bội Châu - Hải ngoại huyết thư)
- Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn.
(Phan Bội Châu - Ái quần)
                 - Vật cạnh phong trào hám ngũ châu
                 (Phong trào cạnh tranh làm rung động cả năm châu)
                                                (Phan Châu Trinh - Đọc Giai nhân kỳ ngộ)
                 - Cuộc hoàn hải liệt cường tranh cạnh
                           (Trần Quí Cáp - Khuyên người nước học chữ quốc ngữ)
                 - Cuộc đời là cuộc đua chen,
                 Giống hay thì sống, giống hèn thì sa
                             (Ngô Quí Siêu - Địa dư lịch sử nước nhà)
Phan Bội Châu còn liên hệ đến sự thất bại của người da đỏ theo quan điểm cạnh tranh sinh tồn, ưu thắng liệt bại để thôi thúc người trong nước suy nghĩ về nguy cơ diệt chủng mà lo hợp quần tranh đấu:
Ai ơi! nghĩ lại kẻo mà,
Kìa gương giống đỏ có xa đâu nào!
Chữ rằng: "Đồng chủng, đồng bào"
Anh em liệu tính làm sao bây giờ?
(Ái quần)
Chưa bao giờ vấn đề chủng tộc được ý thức rõ rệt như đầu thế kỷ XX. Trong cách nhìn của các nhà Nho yêu nước, giống da vàng cũng không phải là kém cỏi. Người Việt có truyền thống oai hùng từ ngàn xưa nhưng hiện tình thật đáng buồn:
                 Ngán thay giống tốt nòi sang,
                 Bởi đâu sa sút mà mang tiếng hèn.
                                                     (Phan Bội Châu - Ái chủng)
Để cạnh tranh sinh tồn, vấn đề cấp thiết nhất lúc này là chống lại nguy cơ diệt chủng, là đoàn kết dân tộc thành một khối. “Đoàn kết” khi đó được các nhà Nho diễn đạt bằng khái niệm “hợp quần”. Chỉ có đoàn kết thành một khối mới tạo nên sức mạnh để đấu tranh tự cường mà giành lại độc lập dân tộc, khẳng định địa vị của dân tộc trên trường quốc tế. Từ vấn đề hợp quần lại có vấn đề quan hệ giữa cá nhân và tập thể (trong thơ các cụ gọi bằng chữ đàn), đòi hỏi cá nhân phải hy sinh trước lợi ích tập thể:
Họ hàng đông đủ cánh vây,
Chen vai ưu thắng, ra tay cạnh tồn.
Thể đoàn như đá chẳng mòn,
Như thành chẳng lở, như non chẳng dời.
Đừng như đàn quạ giữa trời,
Gặp cơn mưa gió vội rời nhau xa.
Có đàn thì mới có ta,
Đàn là rất trọng, ta là rất khinh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lợi đàn thì dẫu thiệt mình cũng cam.
Làm cho cố kết nghìn năm,
Mới hay rằng bọn người Nam anh hùng.
(Phan Bội Châu - Ái quần)
Hai chữ độc lập,
Với chữ hợp quần.
Hình thức tuy phân,
Tinh thần vẫn hợp.
Nhiều người tự lập,
Hợp lại nên quần.
Nhóm họp tinh thần,
Quần ta độc lập.
Cây nhiều núi rậm,
Nước nhiều bể sâu.
Quần hợp với nhau,
Bầy càng to tát.
Muôn nghìn sức góp,
Sức mạnh ai hơn?
Góp muôn nghìn khôn,
Khôn không xiết kể.
Tạo thời tạo thế,
Muôn nghìn anh hùng.
Quần đã hợp xong,
Khó gì độc lập.
Vậy lên độc lập,
Với chữ hợp quần.
Theo bề tinh thần,
Vẫn hai mà một.
(Phan Bội Châu - Độc lập với hợp quần)
Hợp quần theo cách hiểu duy tân là nhằm mục đích không chỉ tạo nên sức mạnh chính trị mà còn cả sức mạnh kinh tế, từ đó mà làm nên sức mạnh cạnh tranh thực sự của dân tộc. Nội dung tư tưởng yêu nước của nhà Nho đã thay đổi quan trọng. Nguyễn Thượng Hiền trong Hợp quần doanh sinh thuyết đã không chỉ thấy sự cần thiết của thương nghiệp mà còn trình bày các biện pháp tổ chức như hùn góp vốn, mua sắm máy móc để sản xuất những hàng hóa tinh xảo cạnh tranh khiến cho hàng ngoại thất bại:
                     Làm ra tinh xảo có thừa,
                     Ngoại dương các điếm ngồi trơ ế hàng...
                     Các hội đã gây nên đoàn thể,
                     Lợi nước mình không để ai tranh.
                     Ngoại dương xem cũng giật mình,
                     Khen ai khéo vẽ thông minh cho người. 
Ông đề cao giá trị của đồng tiền như là tiền đề của việc kinh doanh - một cách nhìn hoàn toàn mới so với thái độ khinh miệt cố hữu của nhà Nho đối với tiền - để từ đó, thuyết phục mọi người tiết kiệm và góp vốn để thành sức mạnh:
                     Thế mà nói không tiền sao được,
                     Không tiền thời dễ bước chân đi?      
Giới nghiên cứu đã nói đến việc thành lập công ty Liên Thành năm 1906 như là sự hiện thực hóa chủ trương duy tân của Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng trên các mặt giáo dục, chính trị, kinh tế.
Sự mô tả sơ lược trên đây cho thấy, dù trực tiếp hay gián tiếp, các nhà Nho duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX đã tiếp nhận các tư tưởng và diễn ngôn từ Thiên diễn luận (và có thể một số bản dịch các sách phương Tây khác) của Nghiêm Phục.
Từ khảo sát hiện tượng này, chúng ta có thể  kết luận như sau:
1.   Lịch sử tiếp nhận văn hóa Hán hàng ngàn năm đã hình thành ở người Việt một khuôn hình ứng xử văn hóa khá ổn định cho đến mãi đầu thế kỷ XX: dùng chữ Hán là công cụ để tiếp xúc văn hóa với thế giới bên ngoài vùng văn hóa Hán. Từ các phái bộ do nhà Nguyễn phái đi Đông Nam Á (miền Hạ Châu) cho đến các nhà nho yêu nước đầu thế kỷ tiếp nhận tư tưởng phương Tây đều có điểm giống nhau: dùng chữ Hán làm chuyển ngữ, chữ Hán được dùng để “bút đàm”. Nhà Nho Việt Nam coi thường chữ Tây vì cho rằng nó kém chữ của thánh hiền nên không thèm học? Hay họ cho rằng chỉ những thông tin diễn đạt bằng chữ Hán mới đáng tin cậy, đáng học tập, nghiên cứu?(11). Nhưng việc thông qua chữ Hán để tiếp nhận văn hóa  của thế giới phương Tây vừa có mặt tích cực, vừa tiêu cực. Mặt tích cực là sự thuận tiện. Các cụ xưa “thập niên đăng hỏa”, nắm vững chữ Hán không thua người Hán, các khái niệm, ngôn từ chữ Hán đều quen thuộc, dễ hiểu. Các nhà tư tưởng Trung Quốc có công đi tiên phong trong việc giới thiệu tư tưởng phương Tây, các nhà Nho Việt Nam nhờ chữ Hán như một phương tiện đã nhanh chóng nắm bắt được những tư tưởng mới của phương Tây, từ đó, phá bỏ những thành kiến tư tưởng cũ cản trở hoạt động yêu nước mà không cần đợi đến khi học được tiếng Anh, tiếng Pháp mới hiểu được những cái mới đó. Nói cách khác, chữ Hán đã giúp các nhà Nho Việt Nam tránh được tình trạng lạc hậu, đạt được một mặt bằng tư tưởng ngang với mặt bằng tư tưởng trong khu vực lúc đó, tiếp nhận được những thông tin quí báu từ văn hóa Tây phương. Đặc biệt phải ghi nhận sức mạnh tinh thần to lớn mà tư tưởng cạnh tranh sinh tồn, bảo chủng đã đem lại cho các nhà Nho yêu nước. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của hiện tượng dùng chữ Hán làm cửa sổ mở ra thế giới bên ngoài là nhà Nho Việt Nam phải chấp nhận nhìn và hiểu tư tưởng bên ngoài theo lăng kính của người Trung Quốc. Khi dịch Thiên diễn luận, mặc dù Nghiêm Phục tuyên bố chủ trương dịch thuật của ông là tín, đạt, nhã nhưng như giới nghiên cứu chỉ rõ, ông đã gia (thêm thắt), giảm (bớt đi), cải (thay đổi) và án (thêm lời bình luận). Ông chỉ làm công việc “ý dịch” (dịch ý) có thêm các “án ngữ” là lời bình luận chủ quan của bản thân với mục đích qua bản dịch, nêu vấn đề cứu nguy dân tộc, kích thích tinh thần tự cường như đã nói trên. Vương Khắc Phi đã so sánh bản dịch Thiên diễn luận với nguyên tác của Huxley và phát hiện thấy ông đã cắt bỏ nhiều đoạn và sửa đổi khi dịch nhằm nhấn mạnh chủ đề ông quan tâm là “tự cường, bảo chủng”(12). Do đó, không thể nói là bản dịch trình bày trung thành tư tưởng tác giả nguyên tác theo quan điểm tín. Rất may là các nhà Nho Việt Nam tìm thấy ở đây nền tảng lý luận cần thiết cấp bách cho công cuộc duy tân, cứu nước. Nhưng nếu cứ đọc qua bản dịch chữ Hán với cách giải thích chủ quan của người dịch như thế liệu có đảm bảo hiểu đúng tư tưởng triết học Tây phương hiện đại?
2.   Trong khi say mê với vấn đề tiến hóa  (evolution), cả Nghiêm Phục, cả các nhà tư tưởng tư sản Trung Quốc và các nhà Nho duy tân Việt Nam đã vô tình đứng về phía chống lại cách mạng mà chủ trương tiến triển xã hội dần dần. Vấn đề do thực tiễn đặt ra là phải làm cách mạng xã hội chứ không phải chỉ duy tân, tự cường hay đòi dân chủ, dân quyền một cách cải lương. Bản dịch hấp dẫn của Nghiêm Phục đã thu hút tâm trí của người Trung Quốc và Việt Nam, vừa có lợi song lại vừa có hại, vừa thúc đẩy tinh thần duy tân lại vừa làm lạc hướng tư tưởng cần có về cách mạng xã hội, giải phóng dân tộc. Bản thân Nghiêm Phục, vì theo tư tưởng tiến hóa dần dần, tuần tự nhi tiến, đã không ủng hộ các nhà cách mạng lật đổ chế độ Mãn Thanh năm 1912. Về cuối đời, ông  có cái nhìn khá bi quan vào hiệu quả của những tiến hóa lịch sử ở đất nước mình.
3.   Thuyết tiến hóa ứng dụng vào xã hội có những khía cạnh máy móc, cơ giới. Quan hệ giữa các dân tộc, các chủng tộc không phải chỉ có xung đột, kẻ mạnh tồn tại, kẻ yếu bị diệt vong như các loài trong giới tự nhiên. Tôn Trung Sơn từng đã phản đối thuyết cạnh tranh sinh tồn. Ông viết: “Thứ học thuyết này, tại giai đoạn đầu của văn minh tiến hóa Âu châu từng thích dụng, ngày nay nhìn lại, học thuyết về sự dã biến  như thế thực nguy hiểm. Ngày nay trình độ văn minh Âu-Mỹ đã cao, từ nghiên cứu về các vật người ta phát minh ra học thuyết thế giới hòa bình, luận bàn về công lý, không nói về cường quyền, hướng đến đạo đức chứ không hướng đến dã biến” (Tôn Trung Sơn toàn tập, quyển 2, 1982, tr.283). Tôn Trung Sơn thừa nhận sinh vật tiến hóa luận mà không tán đồng xã hội tiến hóa luận, ông hô hào hỗ trợ luận: “Lực tiến hóa chủ yếu của tiến hóa nhân loại nằm ở sự hỗ trợ lẫn nhau chứ không ở sự cạnh tranh như là cạnh tranh trong giới động vật” (Tôn Trung Sơn toàn tập, q.2, tr.423)(13). Đây là vấn đề mà những người nghiên cứu lịch sử tư tưởng, văn hóa Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ cần quan tâm xem xét1
___________
(1) Xem Nguyễn Văn Hồng: Tân thư, Tân học và nhận thức lịch sử, trong sách Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 1997, tr.38.
(2) Nguyễn Văn Hồng: Tân thư..., trong sách Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Sđd, tr.40.
(3) Nguyễn Thạch Giang: Thêm một vài tác giả Tân thư Trung Hoa và thực chất khái niệm Tân thư Việt Nam, trong sách Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Sđd, tr.228.
(4) Xem吴汝纶序,天演论,英赫胥黎著,严复譯Ngô Nhữ Luân tự Thiên diễn luận, (Anh, Hách Tư Lê trước, Nghiêm Phục dịch) (Thiên diễn luận, tác giả Huxley nước Anh; dịch giả Nghiêm Phục) Thương vụ ấn thư quán xuất bản, Bắc Kinh, 1981.
(5) Xem Du Chính俞政. 严复著譯研究. Nghiêm Phục trước dịch nghiên cứu. Tô Châu Đại học xuất bản xã, tr.80. 
(6) Xem Âu Dương Triết Sinh欧阳哲生. 中国近代思想史上的天演论. Thiên diễn luận trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc cận đại. Tạp chí “Quảng Đông xã hội khoa học”, số 2-2006.   
(7) Vương Thiên Căn, [天演论] 的传播及其影响, Sự truyền bá và ảnh hưởng của Thiên diễn luận, Quang minh nhật báo, ra ngày 23-1-2007.
(8) Nghiêm Danh严名, “严复和复旦公学”. Nghiêm Phục và Phúc Đán công học. Tạp chí Phúc Đán Đại học hiệu san, ra ngày 4-6-1985.
(9) Vương Thiên Căn: Sự truyền bá... Bài đã dẫn.
(10) Học thuyết tân dân của Lương Khải Siêu chịu ảnh hưởng của tư tưởng cạnh tranh sinh tồn do Nghiêm Phục giới thiệu. “Trong lý luận của Lương Khải Siêu, Dân trí, dân lực, dân đức- các tiêu chuẩn phát triển xã hội được vay mượn từ xã hội học Âu châu và được Nghiêm Phục cải biến khi áp dụng cho Trung Quốc ở cuối thế kỷ XIX, kết hợp hữu cơ với luận điểm về đổi mới ở sách Đại học, một kinh điển Nho gia” (Борох, Конфуцианство и Европейская мысль на рубеже ХIХ - ХХ веков. L.N. Borokh. Khổng giáo và tư tưởng châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nga văn. Nxb. “Sách phương Đông”, Viện Hàn lâm khoa học Nga, 2001, tr.109). 
(11) Nguyễn Văn Xuân viết về việc nhà Nho duy tân đọc Tân thư chữ Hán như sau: “Không phải họ không đọc nổi tiếng Pháp hay quốc ngữ nên chẳng biết gì về những tiến bộ, khoa học Âu Tây. Nếu họ không đọc được, sẽ có người đọc cho họ nghe. Nhưng theo truyền thống, họ không tin gì những tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn, những ông cố đạo, hoặc những người Công giáo hiểu biết giảng giải cho họ. Nghĩa là nhất định văn minh Âu Tây không thể truyền thẳng bằng tàu thủy từ Sài Gòn tới hay qua Mác Xây qua. Nó phải vòng vo qua Thượng Hải được các sĩ phu Trung Hoa đọc, tán thưởng, viết lại bằng chữ Tàu rồi lại theo thuyền buồm Tàu chuyển sang cùng hàng hỏa của Tàu mới được sĩ phu Việt Nam tin cậy!” (Phong trào Duy Tân, In lần thứ tư. Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr.75-76).
(12) Vương Khắc Phi王克非. “中国近代对西方政治哲学思想的摄取-严复与日本启蒙学者(Trung Quốc cận đại và việc tiếp nhận tư tưởng triết học Tây phương- Nghiêm Phục và nhà Khai sáng Nhật Bản”, 中国社会科学出版社,Nxb. Khoa học xã hội Trung Quốc, 1996, tr.51-60. Chuyển dẫn theo Từ Lôi, Lý Lý Phong, 徐蕾, 李里峰 严复譯著与翻譯的政治” (Dịch thuật của Nghiêm Phục và chiến  lược phiên dịch). Tạp chí  Quảng Đông xã hội khoa học, số 2-2006.
(13) Chuyển dẫn theo Vương Thiên Căn: Sự truyền bá..., Bài đã dẫn. 
Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8/2010