Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Những hạn chế của sức mạnh Trung Quốc ở Đông Nam Á

Trong bài phân tích đăng trên tạp chí Diễn đàn Đông Á (EAF) “The limits of chinese power in Southeast Asia” nhà phân tích Evelyn Goh thuộc Đại học Luân Đôn nhận định “chính bản thân việc liệt kê những nguồn vật chất ngày càng tăng của Trung Quốc không cho thấy quyền lực lớn của Trung Quốc”.
Trung Quốc là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới không còn là một sự khẳng định bị thách thức, nhưng chính bản thân việc liệt kê những nguồn vật chất ngày càng tăng của Trung Quốc không cho thấy quyền lực lớn của Trung Quốc. 
Một câu hỏi gây ấn tượng mạnh hơn là Trung Quốc làm thế nào để biến các nguồn lực ngày càng phát triển của mình thành ảnh hưởng đối với những lựa chọn chiến lược của các quốc gia khác cũng như những kết quả của các sự kiện một cách hữu hiệu? Đông Nam Á là một trường hợp dường như "dễ dàng" để tìm hiểu sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc. Căn cứ vào sự không đối xứng đáng kể trong sức mạnh, nếu sức mạnh của Trung Quốc tăng lên thì người ta có thể mong đợi nhìn thấy những sự ưa thích và cách ứng xử bị thay đổi trong số các nước láng giềng yếu hơn khi đáp lại tình trạng bị ép buộc, thuyết phục hay khích lệ. Những kết quả cho đến nay là lẫn lộn. Trong khi Trung Quốc có thể khai thác phần lớn năng lượng kinh tế của khu vực này theo một phương hướng thuận lợi, Bắc Kinh không phải luôn tìm được hướng đi trong các cuộc xung đột về lãnh thổ và tài nguyên. 
Trên đất liền của Đông Nam Á, sự tham gia của Trung Quốc vào các kế hoạch phát triển kinh tế khu vực rộng lớn tạo tính khả thi cho sáng kiến Tiểu vùng Mê Công mở rộng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), thu hút đầu tư quốc tế cho các dự án cơ sở hạ tầng. Những dự án đó liên kết các nước nghèo hơn (Campuchia, Lào và Việt Nam) với các thị trường của Trung Quốc và Thái Lan, trong khi cải thiện sự tiếp cận của Bắc Kinh đối với các nguồn cung cấp nguyên liệu thô và hải cảng ở Ấn Độ Dương và biển Hoa Đông. Những kế hoạch đó cũng thúc đẩy sự quan tâm và đầu tư của Nhật Bản và Mỹ trong khu vực Mê Công.
Nổi bật hơn, sáng kiến về một hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN đã vượt qua được vấn đề phức tạp của việc khuyến khích một dự án hội nhập kinh tế. Khi có hiệu lực vào năm 2010, FTA Trung Quốc-ASEAN hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm 1,9 tỉ người tiêu dùng và 4,3 nghìn tỉ USD trong thương mại. 
Những hoàn cảnh mà trong đó các ưu tiên tồn tại từ trước của những quốc gia khác là không rõ ràng và chưa dứt khoát (như cuộc tranh luận vào những năm 1990 về việc liệu nước Trung Quốc đang nổi lên có là một mối đe dọa hay không) mang lại các cơ hội để Trung Quốc gây ảnh hưởng với các nước láng giềng bằng cách thuyết phục họ rằng bài tường trình của Bắc Kinh là chính xác hơn và hầu như chắc chắn mang lại lợi ích nhiều hơn. Chiến dịch này, từ giữa những năm 1990, liên quan đến một bài tường trình khác về Khái niệm an ninh mới mang tính hợp tác của Trung Quốc, cũng như "sự trỗi dậy hòa bình" hoặc "sự phát triển hòa bình" của nước này khi Bắc Kinh phấn đấu vì một "thế giới hòa đồng". Thông điệp đó được dự định đưa ra để tái đảm bảo với các nước láng giềng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không đe dọa các lợi ích kinh tế hoặc an ninh của những nước đó do những ý định hòa bình, những khả năng quốc gia hạn chế, con đường phát triển đôi bên cùng có lợi và định kiến quốc tế đa nguyên của Trung Quốc.
Lời nói đi kèm với hành động chính sách. Ở Đông Nam Á, Trung Quốc đã thương lượng các cuộc tranh chấp biên giới trên bộ (dù cho không phải là trên biển) với Việt Nam; tham gia các thể chế của ASEAN; và công khai thực hiện kiềm chế cũng như viện trợ trong các cuộc khủng hoảng tài chính 1997 và 2008. Sức mạnh mang tính thuyết phục của Trung Quốc đã bao gồm sự khích lệ kinh tế. Các chương trình FTA Trung Quốc - ASEAN của Bắc Kinh với một số nước ASEAN (việc dỡ bỏ từng phần các hàng rào thương mại đối với những mặt hàng cụ thể) được các nhà phân tích Trung Quốc mô tả là Trung Quốc "cho nhiều và nhận ít hơn", làm việc hướng tới quyền lợi và việc làm giàu của các nước láng giềng.
Thế nhưng có những hạn chế trong việc các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á được đảm bảo đến mức nào liên quan đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Sức mạnh thuyết phục của Trung Quốc được bám rễ trong khả năng nước này duy trì chính sách ôn hòa. Ngoài những nỗ lực bù đắp một số tác động bất lợi từ sự cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc, các nước láng giềng của Trung Quốc cũng đang theo dõi cách ứng xử của Bắc Kinh trong những xung đột lợi ích nghiêm trọng hơn.
Biện pháp tốt nhất để đánh giá việc chuyển hóa sức mạnh thành ảnh hưởng là trong những trường hợp mà một bên hùng mạnh buộc một bên khác phải thay đổi chính sách đối với một vấn đề bất đồng nghiêm trọng. Trong trường hợp của Trung Quốc và ASEAN, những vấn đề như vậy bao gồm Đài Loan, các quan hệ quốc phòng với Mỹ và các chính sách đối với những tranh chấp lãnh thổ. Trong những trường hợp khó khăn tiềm tàng này, cho tới nay, khó có thể tìm thấy những thay đổi quan trọng trong chính sách của các nước Đông Nam Á liên quan đến những hành động của Trung Quốc.
Trong những trường hợp đó, Trung Quốc đã sử dụng hầu hết nỗ lực vào các tranh chấp về những đảo san hô ở Biển Đông. Trung Quốc và ASEAN nhất trí với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002, cam kết với các cuộc thương lượng hòa bình. Thế nhưng, hải quân Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện tập trận để khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của nước này, dẫn đến các vụ đụng độ nhỏ với Việt Nam và Philíppin. Hai tháng sau khi có được sự đồng ý của Việt Nam để phát triển các mỏ khí đốt ngoài khơi bờ biển Việt Nam năm 2007, BP đã phải đình chỉ các hoạt động, có tin nói là do Trung Quốc đe dọa không cho tập đoàn này tham gia các hợp đồng năng lượng trong tương lai ở Trung Quốc. Trong tháng 3/2011, các tàu hải quân Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản việc thăm dò dầu mỏ của Philíppin trong các vùng biển mà Manila coi là của mình.
Tại một hội nghị các bộ trưởng quốc phòng khu vực hồi tháng 6/2010, những tuyên bố gợi ý rằng Trung Quốc giờ đây coi Biển Đông là một phần trong "những lợi ích quốc gia cốt lõi" của nước này đã dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phải cảnh báo là Mỹ "phản đối việc sử dụng vũ lực và hành động gây trở ngại cho quyền tự do hàng hải". Một tháng sau, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định "lợi ích quốc gia" của Mỹ trong giải pháp hòa bình đối với những tranh chấp đa phương đó. Tháng 9/2010, sau khi Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc vì bị cáo buộc thâm nhập vùng biển của Nhật Bản, một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Một kết quả trực tiếp là sự củng cố thêm lợi ích của Mỹ trong cách ứng xử của Trung Quốc đối với các tranh chấp trên biển. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã công khai khẳng định rằng hiệp ước Mỹ - Nhật mở rộng tới quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku và tái nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hòa bình cho tranh chấp, quyền tự do hàng hải và sự tôn trọng các luật biển quốc tế ở Biển Đông.
Cách ứng xử của Trung Quốc trong những tranh chấp đó là một trắc nghiệm mang tính then chốt về những dự định của Bắc Kinh, và sự không khoan nhượng của Trung Quốc đã mang lại kết quả ngược lại mong đợi một cách nghiêm trọng, dẫn đến một sự xích lại gần nhau hơn trên khắp Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ. Những hành động của Bắc Kinh tác động đến những người bi quan trong khu vực (những người không được thuyết phục bởi sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc) và hành động cưỡng ép liên tục có thể khiến cho các nước láng giềng của Trung Quốc hướng tới những chính sách ngăn chặn mà họ muốn tránh.
Cho đến nay, có một vài ví dụ cho thấy hành động của Trung Quốc khiến cho các nước Đông Nam Á làm điều mà họ đã không muốn làm. Cùng với thành công của Bắc Kinh trong việc thuyết phục và khuyến khích, Trung Quốc đã cho thấy sự thận trọng trong việc gây sức ép đối với các nước láng giềng bằng những vấn đề thách thức nhất. Phản ứng dữ dội gần đây ở Biển Đông có thể sẽ khiến cho Trung Quốc thận trọng hơn. Khả năng quân sự vẫn còn hạn chế của Trung Quốc là một giải thích quan trọng vì sự hiện diện của Mỹ vẫn đóng vai trò như là một sự răn đe đáng kể, đặc biệt trong các tiếp cận biển và vũ đài an ninh. 

Theo Eastasiaforum
 Viết Tuấn (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/1505-1505