Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới

TCCSĐT - Cho đến nay, đã 125 năm trôi qua kể từ khi ngày 1-5 được chọn để trở thành ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Tinh thần và ý nghĩa của ngày này vẫn vẹn nguyên giá trị, và càng trở nên sống động hơn khi hiện nay hàng loạt các cuộc bãi công, biểu tình đang nổ ra rầm rộ ở nhiều nước trên thế giới đòi chính phủ phải bảo đảm việc làm, phản đối việc cắt giảm trợ cấp... đối với người lao động.
“8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”
Năm 1776, từ một nước vốn là thuộc địa của Anh, nước Mỹ giành được độc lập và nhanh chóng tiến lên con đường tư bản chủ nghĩa. Đến nửa cuối thế kỉ XIX, nước Mỹ phát triển mạnh mẽ, kéo theo sự xuất hiện của nhiều thành phố lớn, nổi bật là thành phố Chi-ca-gô. Với vai trò là trung tâm công nghiệp của Mỹ, tốc độ và thời gian lao động của công nhân Chi-ca-gô luôn được đẩy tới mức cao nhất. Công nhân thường phải làm việc từ 14 đến 18 giờ trong một ngày, bất kể là nam hay nữ. Không những thế, trẻ em cũng phải làm việc tới 12 giờ một ngày v.v... Đó là nguyên nhân chủ yếu nổ ra các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giới chủ.
Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Mỹ phát triển từ nhỏ đến lớn và bùng lên mạnh mẽ từ năm 1827, gắn liền với sự ra đời và phát triển của phong trào Công đoàn. Năm 1868, trước sự đấu tranh mạnh mẽ đòi tăng lương, giảm giờ làm của giai cấp công nhân, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định thời gian ngày làm 8 giờ đối với các cơ quan, xí nghiệp thuộc chính phủ Mỹ. Nhưng các xí nghiệp tư bản tư nhân vẫn giữ chế độ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân, các tổ chức công đoàn Mỹ cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn nữa. Trên tinh thần đó, tháng 1-1884, tại thành phố Chi-ca-gô, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ đã thông qua Nghị quyết nêu rõ: “... Từ ngày 1 tháng 5 năm 1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”(1).
Ngày 1-5 được chọn là ngày lao động bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa người thợ và người chủ sẽ được ký kết. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không kiếm cớ từ chối. Sau khi Nghị quyết Chi-ca-gô được thông qua, các công đoàn và báo chí Mỹ đã ra sức tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết này. Do đó, công nhân ở hầu hết các nhà máy, xí nghiệp trên toàn nước Mỹ lúc bấy giờ đã nhanh chóng nắm được tinh thần của Nghị quyết, từ đó tích cực chuẩn bị lực lượng để đấu tranh nếu giới chủ không thực hiện đúng chế độ ngày làm 8 giờ.
Với tinh thần đấu tranh bền bỉ, đến trước thời điểm ngày 1-5-1886, công nhân nhiều nơi trên nước Mỹ đã được hưởng chế độ ngày làm việc 8 giờ. Tuy nhiên, đến ngày 1-5-1886, do yêu cầu ngày làm việc 8 giờ không được giới chủ thực hiện một cách đầy đủ, ngay lập tức, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tiến hành bãi công gây áp lực buộc giới chủ phải thực hiện yêu sách của mình. Khắp nơi, công nhân biểu tình mang theo khẩu hiệu: Từ hôm nay trở đi, không người thợ nào phải làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập!. Nhận xét về kết quả đạt được trong ngày 1-5-1886, bản báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ viết: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy toàn diện trong quần chúng công nghiệp như vậy... Ý muốn rút ngắn ngày làm việc đã thúc đẩy hàng vạn người lao động tham gia các tổ chức công đoàn mà trước đó họ không quan tâm đến...”(2).
Ngọn lửa đấu tranh của giai cấp công nhân lan truyền nhanh chóng làm cho xã hội Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nhưng mạnh mẽ nhất, sôi động nhất là cuộc đấu tranh của công nhân ở thành phố Chi-ca-gô. Trong ngày 1-5-1886, khoảng 40.000 công nhân Chi-ca-gô đã nghỉ việc ra đường biểu tình, đòi ngày làm việc 8 giờ(3). Nhằm ngăn chặn làn sóng đấu tranh của công nhân Chi-ca-gô, giới chủ Mỹ đã cho báo chí đưa tin đe dọa: “Nhà tù và lao động khổ sai mới là biện pháp duy nhất có thể dùng được để giải quyết vấn đề xã hội”(4). Nhưng hành động đó không thể dập tắt được khí thế đấu tranh của giai cấp công nhân, mà ngược lại càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giới chủ.
Chiều ngày 3-5-1886, khoảng 8.000 công nhân bãi công đã đứng chờ ở cửa nhà máy Mắc-coóc-ních, để phản đối những kẻ chiếm gỗ của công nhân. Đối phó với cuộc biểu tình, giới chủ nhà máy đã câu kết với cảnh sát đàn áp công nhân làm 6 người bị chết và hơn 50 người bị thương. Hành động đàn áp dã man của giới chủ càng làm cho lòng căm phẫn của giai cấp công nhân dâng lên cao độ. Theo lời kêu gọi của các thủ lĩnh công đoàn, 15.000 công nhân đã tiến hành cuộc mít-tinh phản đối sự khủng bố của thế lực cầm quyền và giới chủ. Lợi dụng cơ hội này, giới chủ đã ném một quả bom vào lực lượng cảnh sát làm bị chết và bị thương một số người; đồng thời, hạ lệnh xả súng vào đoàn biểu tình, gây ra một trong những thảm kịch đau lòng nhất trong lịch sử giai cấp công nhân thế giới. Nhiều công nhân đã bị chết và bị thương, một số thủ lĩnh công đoàn bị bắt và xử tử.
Mặc dù chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng cuộc đấu tranh ngày 1-5-1886 mang lại nhiều ý nghĩa to lớn. Sau sự kiện này, 185.000 công nhân, đặc biệt là công nhân ngành xây dựng được thực hiện chế độ ngày làm việc 8 giờ. Thắng lợi đó không chỉ động viên phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào công nhân toàn thế giới. Ngày 20-6-1889, ba năm sau “thảm kịch” Chi-ca-gô, dưới sự chủ trì của Ph.Ăng-ghen, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản lần thứ II nhóm họp tại thủ đô Pa-ri (Pháp) nhân kỉ niệm 100 năm Cách mạng Tư sản Pháp (ngày 14-7), đã quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm là ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai cấp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1-5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Tinh thần ngày 1-5 vẫn vẹn nguyên giá trị
Năm 1890, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động đầu tiên với khí thế rất sôi nổi. Tại thủ đô Viên của nước Áo đã có hơn 90 cuộc họp của giai cấp công nhân được tổ chức. Tại thủ đô Bu-đa-pét của Hung-ga-ri, hơn 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình, tuyến bố tổng đình công và mang theo những lá cờ đỏ. Tại Ru-ma-ni, hơn 3.000 người biểu tình đã tham gia tuần hành. Tại Thụy Sĩ, có tới 4.000 người tuần hành thị uy ở thành phố Duy-rích và thành phố Bơn-nơ. Tại Hà Lan, nhiều cuộc hội họp của giai cấp công nhân đã diễn ra ngay tại các thành phố lớn như La Hay, Rốt-téc-đam. Ở Bồ Đào Nha, 2.000 người đã tụ tập tại mộ Giô-sê Phông-ta-na, người tổ chức ra phong trào đấu tranh xã hội chủ nghĩa. Ở các nước Bắc Âu, 3 tổ chức xã hội chủ nghĩa của Thụy Điển đã nêu ra tuyên bố đòi ngày làm việc 8 tiếng. Tại Đan Mạch, cuộc mít-tinh lớn tại Cô-pen-ha-gen thu hút 3.000 người tham dự v.v...
Mặc dù chịu sự đối phó của chính phủ các nước tư bản và giới chủ bóc lột, nhưng trên lĩnh vực quốc tế, ngày 1-5-1890 đã vượt qua khuôn khổ của những cuộc biểu tình đơn giản, trở thành ngày tổng bãi công rộng lớn, một ngày Quốc tế Lao động của tất cả công nhân và nhân dân lao động thế giới. Đánh giá sự kiện này, trong Lời tựa viết đúng vào ngày 1-5-1890 để xuất bản cuốn “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, Ph.Ăng-ghen đã viết: “Giữa lúc tôi viết những dòng chữ này, giai cấp vô sản ở châu Âu và châu Mỹ đang kiểm điểm lại lực lượng của mình, lực lượng lần đầu tiên được động viên thành một đạo quân duy nhất, dưới cùng một ngọn cờ và nhằm cùng một mục đích trước mắt: đòi pháp luật quy định ngày bình thường làm việc 8 giờ, yêu sách này từ năm 1886 đã được tuyên bố tại Đại hội Quốc tế họp ở Giơ-ne-vơ và sau này lại được tuyên bố lần nữa tại Đại hội công nhân ở Pa-ri năm 1889. Cảnh tượng ngày hôm nay sẽ chỉ cho bọn tư bản và bọn địa chủ tất cả các nước thấy rằng những người vô sản của tất cả các nước đã thực tế liên hợp lại với nhau...”.
Đã 125 năm trôi qua, thế giới trải qua nhiều thăng trầm, đời sống quốc tế đã có nhiều đổi thay, nhưng tinh thần ngày 1-5 vẫn vẹn nguyên giá trị. Đặc biệt khi hiện nay, do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đã làm tỉ lệ thất nghiệp trên thế giới gia tăng, đặc biệt trong thanh niên. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, số người thất nghiệp năm 2009 trên toàn cầu đã lên tới con số kỷ lục 212 triệu người, tăng 34 triệu người so với năm 2007 và năm 2010 khoảng 220 triệu người. Làn sóng bãi công, biểu tình dâng cao ở một loạt nước châu Âu, phản đối chính sách cắt giảm chi tiêu, cắt giảm phúc lợi xã hội, tăng thuế, tăng tuổi nghỉ hưu... của Chính phủ. Những người nghèo là những người đầu tiên chịu thiệt hại do khủng hoảng tài chính - kinh tế, vì thế đã nghèo lại càng nghèo hơn. Nếu chính phủ các nước không có những biện pháp hữu hiệu ổn định kinh tế, tạo việc làm cho người lao động thì đó sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho sự bất ổn định về chính trị.
Việt Nam với ngày Quốc tế Lao động
Tuy cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, nhưng tinh thần ngày Quốc tế Lao động đã lan truyền nhanh chóng và sớm rực cháy trong lòng nhân dân Việt Nam. Ngày 1-5-1930, lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động trên phạm vi toàn quốc dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của Đảng Cộng sản.
Trong 15 năm từ năm 1930 đến năm 1945, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam 15 lần đón chào ngày Quốc tế Lao động 1-5, khi công khai, rầm rộ như trong cao trào dân chủ (1936 - 1939), lúc nhỏ lẻ như trong thời kì khó khăn, ác liệt (1932 - 1935), khi sôi nổi, quyết liệt (1939 - 1945) v.v.. song tất cả đều chung một giá trị: phản ánh tinh thần cách mạng tiến công và sức mạnh quật khởi của công nhân, lao động Việt Nam. Nối tiếp, kế thừa và phát triển theo dòng chảy cách mạng, những sự kiện ngày 1-5 trong 15 năm ấy đã đúc kết thành những nấc thang tiến triển không ngừng, đưa giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đi từ kiếp nô lệ lầm than tới kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (ngày 2-9-1945), Chính phủ Việt Nam quyết định lấy ngày 1-5 là một trong những ngày lễ lớn của đất nước. Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, nhân dân được tự do kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động. Đó là ngày “Toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do, dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới...”(5). Từ đó đến năm 1954, trong 9 năm trường kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ở vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, ngày 1-5 là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam biểu dương lực lượng, biểu dương tinh thần và ý chí chiến đấu. Điều này đã tạo nên một sức mạnh vô địch, đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền dân tộc.
Trong 21 năm chiến đấu, hy sinh gian khổ chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng hàng ngàn sự kiện khác, ngày 1-5 thực sự là một sự kiện tiêu biểu, phản ánh tập trung chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp, sức mạnh kỳ diệu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, thống nhất dân tộc. Tiêu biểu cho tinh thần đó là cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân đồn điền An Lộc bãi công 3 ngày đòi tăng lương và hoan nghênh Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; cuộc đấu tranh của 5.000 công nhân cảng Sài Gòn đòi tăng lương (tháng 1-1957); cuộc đấu tranh của 14.000 công nhân các đồn điền tỉnh Bình Long phản đối hành động khủng bố của Ngô Đình Diệm (tháng 1-1958); cuộc bãi công của 5.000 công nhân đồn điền cao su Lộc Ninh đòi cải thiện đời sống (năm 1959); cuộc biểu tình của 1.200 công nhân đồn điền cao su Thủ Dầu Một chống khủng bố (tháng 4-1961) v.v... Đó là những minh chứng rõ nét nhất về sức mạnh vô địch của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các tổ chức Công đoàn luôn trung thành với đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần to lớn cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện phát triển toàn diện, bền vững, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng với các nước trên thế giới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu Khoá X của Đảng đã ra Nghị quyết số 20/NQ-TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ôn lại những trang sử oanh liệt của ngày Quốc tế Lao động 1-5, nhìn nhận những diễn biến hiện nay của phòng trào công nhân thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, để cùng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa sâu sắc của ngày lịch sử này. Đấu tranh cho tinh thần Ngày 1-5 bất diệt cũng chính là đấu tranh để hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn đối với những người lao động trên toàn thế giới./.


(1) Lịch sử những ngày lễ, ngày kỉ niệm quan trọng ở Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội. 2010, tr.52
(2) Một số ngày kỉ niệm quốc tế quan trọng, Nxb Sự Thật, Hà Nội.1962, tr.27
(3) Cũng trong ngày 1-5-1886, tại các trung tâm công nghiệp khác trên nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340.000 công nhân tham gia.
(4) Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Nxb Lao Động, Hà Nội.1976, tr.9
(5) Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỉ niệm ngày 1-5-1946, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội.2001, tr.219
http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=5&news_ID=30477115