Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

105. Những tiên đoán mới lạ về thế kỉ XXI


      NHỮNG TIÊN ĐOÁN MỚI LẠ VỀ THẾ KỈ 21
                                                                             ThS.Võ Minh Tập
                                                                                  (Giới thiệu) 
Hai chữ  “Tương lai”, đối với nhân loại xưa nay, có một sức hấp dẫn vô song, bao hàm mọi ưu tư lẫn hy vọng. Người ta, ai cũng như ai, đều khát khao muốn biết “Sẽ ra sao….ngày sau”? Một dấu hỏi hầu như xuất phát từ bản năng “cầu tri”, muốn tiên đoán, dự kiến hay dự trù hôm nay và ngày mai. Bảo rằng đó là tính tò mò nhất thời thì không đúng, vì có nhiều người “tò mò” muốn biết hàng trăm ngàn ngày và ngàn năm sau… cả hành tinh này và nhân loại sẽ ra sao?
Phần đông chúng ta nghĩ đến một tương lai rất gần như ngày mai, tuần sau, tháng sau hoặc năm sau là cùng. Nhưng cũng có những người nghĩ tới hàng trăm hàng ngàn năm sau.
Những con người này, quan trọng nhất là họ dám đoán trước những chu kì thăng trầm của lịch sử từ hàng chục, hàng trăm và hàng ngàn năm sau. Tuy nhiên, họ không quên quá khứ, không bỏ qua hiện tại khi hướng nhìn tới tương lai.
Đứng trên thềm thiên niên kỉ mới, họ ngoái nhìn trăm năm của thế kỉ XX trước khi tiên đoán thế kỉ XXI. Họ thấy rõ thập niên lộng hành của bệnh AIDS, những suy thoái kinh tế, những đe dọa của chiến tranh nguyên tử, của cách mạng bạo lực, thiên tai bão lũ, động đất, sóng thần, dịch hạch, nạn nhân mãn, ô nhiễm môi trường và đại nạn khủng bố toàn cầu như hiện nay đang diễn ra trước mắt và sau lưng chúng ta.
Phần đông chúng ta hay tưởng tượng tương lai khá lạc quan như tiến bộ khoa học kĩ thuật ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh và tiến thẳng lên “đường hạ giới”, không kinh qua bất kì một suy thoái hay một tai nạn bất ngờ nào? Thật ra Lịch sử không bao giờ tiến theo đường thẳng lý tưởng hóa như hình học phẳng. Trong những không gian và thời gian của hiện tượng giới, mọi sự vật đều di chuyển theo đường cong, đường xoắn ốc hoặc đường zigzag (Chữ CHI). Lịch sử thăng trầm như lượn sóng nhấp nhô, đôi khi chao đảo, quay cuồng như bảo biển.
Sự thực là trước thời đại Phục hưng, thế kỉ XV, nhân loại đã từng chứng kiến cả ngàn năm tăm tối (Dark Ages) thời Trung cổ châu Âu. Và nhiều nhà tiên tri thời đó đã cảnh báo rằng nhân loại, vào khoảng thế kỉ XXI, sẽ lại rơi vào một chu kì đại khủng hoảng tương tự như thế. Những lời tiên tri xưa nay được phát biểu bằng những ẩn dụ, những lời “sấm truyền”, những loại mật mã tùy thuộc rất nhiều ở khả năng giải mã của hậu thế.
Bên cạnh một số bậc chân tri thực sự hiểu được sấm truyền, không thiếu gì những kẻ giả hiệu, loan truyền những luận điệu chủ quan, thiên lệch, giả trá – “tiên tri giả”. Điều quan trọng nhất là phải minh định quan điểm về một số vấn đề liên quan đến định mệnh và tự do.
Định mệnh có thể hiểu theo nghĩa đen như là “Thiên mệnh tất định” bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được thanh cao?! (Kiều – Nguyễn Du).
Giả như có định mệnh, nhưng khi con người biết trước những chuyện sắp tới, liệu có khả năng chóng đỡ, hóa giải, hay thay đổi nó theo ý chí và nổ lực của mình được, như Nguyễn Du từng để cho Kiều nói: Có trời mà cũng có ta… Xưa nay “nhân định” thắng “thiên” cũng nhiều?
Dẫu sao đi nữa, khát vọng lớn và mạnh nhất của loài người, từ xưa đến nay, vẫn là mưu cầu tự do, hạnh phúc. Quá khứ lịch sử nhân loại cho thấy: dù “định mệnh” khắc khe, u ám đến đâu, vẫn có những người hiên ngang đối đầu với nó, như một thi sĩ Việt Nam ở thế kỉ XIX từng thốt lên: “ Cũng có lúc mưa dồn, sóng vỗ, Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong, Chí những toan xẻ núi lấp sông, Làm nên đấng anh hùng, đâu ấy tỏ!” (N.C.T).
Nói cách khác, loài người không bao giờ chịu khoanh tay thụ động trước định mệnh. Người ta biết chắc chắn không ai thoát khỏi định mệnh cuối cùng là cái chết. Chỉ có những kẻ cực kì ngu xuẩn, mù quán mới không hiểu điều đó. Tần Thủy Hoàng là một ví dụ điển hình cho loại người tham vọng, muốn sống mãi, khi mù quáng tín bọn thầy pháp và nịnh thần, sai người ra biển đông tìm thuốc trường sinh bất tử.
Riêng bậc tiên tri là những con người vì con người, không những can đảm nhìn thẳng vào định mệnh mà còn thấy trước vô số điều bất hạnh mà hậu thế phải đối đầu. mỗi lời tiên tri, có thể đúng hoăc sai nhưng khi xuất hiện vẫn luôn là một cảnh báo cát hung và cũng là lời khích lệ, giúp ta bình tĩnh và sáng suốt đối đầu với định mệnh.

Hãy đọc "NHỮNG TIÊN ĐOÁN MỚI LẠ VỀ THẾ KỈ XXI" của tác giả Paul Roland, Nxb VHTT, 2008. Với những đoán định, dự báo tương lai của các nhà Tiên tri trên thế giới. Hy vọng sẽ mang lại nhiều bổ ích và lí thú cho người đọc

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

104. Một số điểm nhấn của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc

22:55' 17/12/2012
TCCSĐT- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện lớn trong đời sống chính trị Trung Quốc và thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận quốc tế.


Một số điểm mới trong Báo cáo chính trị của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc
So với các kỳ đại hội trước, Đại hội XVIII với chủ đề “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, lấy lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và quan điểm phát triển khoa học làm chỉ đạo, giải phóng tư tưởng, cải cách mở cửa, tập trung sức mạnh, đột phá vượt qua khó khăn, kiên định tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu vì hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả”, có những điểm mới về lý luận.
Một là, lần đầu tiên xác định “quan điểm phát triển khoa học” là tư tưởng chỉ đạo cần được kiên trì thực hiện lâu dài.
Hai là, đưa ra lập luận mới về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, trình bày hệ thống lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, cũng như nội hàm của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc. “Chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc” lần đầu tiên được đưa vào Báo cáo chính trị của Đảng.
Ba là, bố cục tổng thể của Báo cáo chính trị từ 4 phần trước đây là kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội phát triển, được bổ sung thêm một phần là xây dựng văn minh sinh thái. Đây là kết cấu mới mang tính toàn diện và quán triệt quan điểm phát triển khoa học, được nối tiếp từ Đại hội XVII.
Bốn là, hoàn thành việc xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Một trong các chủ đề của Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII là “Phấn đấu hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện”. Điều này có phần khác so với cách đề cập “Phấn đấu giành thắng lợi mới trong xây dựng xã hội khá giả toàn diện” của Đại hội XVII, thể hiện sự thay đổi quan trọng về giai đoạn phát triển của Trung Quốc. “Hoàn thành” xây dựng xã hội khá giả toàn diện là sự cam kết với người dân Trung Quốc, cũng là thông điệp với thế giới, đồng thời chỉ rõ định hướng trong 5 năm tới có ý nghĩa then chốt trong việc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
Năm là, lần đầu tiên đề ra mục tiêu tăng gấp đôi “thu nhập bình quân đầu người ở thành thị và nông thôn”, để bảo đảm đến năm 2020 thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện. Ngoài việc nhấn mạnh tăng thu nhập cho người dân, Báo cáo còn nêu “hai đồng bộ”, tức là: tăng trưởng thu nhập của người dân cần được thực hiện đồng bộ với tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng thù lao và năng suất lao động cần được cùng nâng cao. Điều này thể hiện đầy đủ ý tưởng nhân dân Trung Quốc cần được chia sẻ những thành quả của tăng trưởng kinh tế.
Sáu là, nhấn mạnh thành quả tăng trưởng phải mang lại lợi ích công bằng hơn cho nhân dân, đề xuất “công bằng quyền lợi, công bằng cơ hội, công bằng luật chơi”. Giới quan sát ghi nhận rằng, kể từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XVI đề ra mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt công bằng, công lý xã hội lên vị trí nổi bật hơn, nhấn mạnh “công bằng” là sự sâu sắc hóa và cụ thể hóa quan điểm “lấy con người làm gốc”, là thông điệp rõ ràng trong cải thiện dân sinh và tăng cường xây dựng xã hội.
Bảy là, lần đầu tiên đưa ra nội dung “nắm chắc sợi chỉ xuyên suốt tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền, tính tiên tiến và trong sạch của Đảng”.
Xác định những thách thức và nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc
Tại Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định rõ thách thức và nguy cơ trong cầm quyền hiện nay và tương lai. “Bốn thách thức lớn” là: Thách thức cầm quyền, thách thức cải cách mở cửa, thách thức kinh tế thị trường và thách thức môi trường bên ngoài. “Bốn nguy cơ lớn” là: Nguy cơ buông lỏng tinh thần, nguy cơ thiếu năng lực, nguy cơ xa rời quần chúng và nguy cơ tiêu cực, tham nhũng.
Các điểm “nóng” mà Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định cần được giải quyết là:
Thứ nhất, duy trì tăng trưởng kinh tế lâu dài, lành mạnh. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách thể chế kinh tế sâu sắc, toàn diện; thực hiện chiến lược phát triển với động lực là sáng tạo; thúc đẩy điều chỉnh chiến lược về cơ cấu kinh tế; thúc đẩy phát triển nhất thể hóa giữa thành thị và nông thôn; nâng cao trình độ toàn diện của nền kinh tế mở. Trung Quốc sẽ ngày càng chú trọng quy luật thị trường trong phát triển kinh tế, thúc đẩy dòng vốn nhà nước đầu tư nhiều hơn vào các ngành, nghề trọng điểm và lĩnh vực then chốt liên quan tới an ninh quốc gia và huyết mạch kinh tế quốc tế. Khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nhà nước sẽ tăng cường các chính sách ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và làm giàu cho nông dân, nâng cao ưu thế tổng hợp và hiệu quả chung trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ hai, thúc đẩy cải cách, kiện toàn nền dân chủ. Trọng điểm hàng đầu là ủng hộ và bảo đảm cho nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân, trong đó nâng cao tỷ lệ đại biểu đến từ cơ sở. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tăng cường hiệp thương chính trị với các đảng phái dân chủ; đưa hiệp thương chính trị vào trình tự hoạch định quyết sách; Đảng cần phải hoạt động trong phạm vi của Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, cải thiện dân sinh, giữ gìn công bằng xã hội; cam kết thực hiện tốt công tác giáo dục, thúc đẩy tạo việc làm chất lượng cao, tăng thu nhập cho người dân, đẩy mạnh xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở thành thị và nông thôn, nâng cao chế độ chăm sóc sức khỏe cho người dân...
Thứ tư, nêu bật việc xây dựng văn minh sinh thái. Báo cáo chính trị Đại hội XVIII nhấn mạnh, xây dựng văn minh sinh thái là kế sách lâu dài liên quan tới hạnh phúc của nhân dân và tương lai của dân tộc, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái toàn cầu. “Dựa theo nguyên tắc cân bằng giữa dân số với tài nguyên và môi trường, sự thống nhất giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và sinh thái, kiểm soát cường độ khai thác, điều chỉnh kết cấu không gian…”.
Thứ năm, tăng cường xây dựng Đảng, kiên quyết chống tham nhũng; bảo đảm vị thế chủ thể của đảng viên, kiện toàn chế độ bảo đảm quyền lợi dân chủ của đảng viên, thực hiện quyền được thông tin, quyền tham gia, quyền bầu cử và quyền giám sát của đảng viên. Chống tham nhũng, xây dựng nền chính trị liêm khiết là lập trường chính trị kiên trì của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt.
Những điểm nhấn khác  
Về việc sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định quan điểm phát triển khoa học cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư trưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” là tư trưởng chỉ đạo của Đảng. Đại hội nhất trí đưa vấn đề con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, đưa xây dựng văn minh sinh thái vào Điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đã xác lập cơ chế đại biểu Đại hội theo toàn nhiệm kỳ, tư cách đại biểu đại hội không chỉ ở thời điểm đại hội mà kéo dài suốt 5 năm của nhiệm kỳ.
Về việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Đại hội  XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện thành công bước cơ bản thứ nhất việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo bằng việc bầu Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Quân ủy Trung ương khóa XVIII. Quy mô Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII có phần mở rộng hơn so với khóa trước. Chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã được chuyển giao cho Tổng Bí thư mới Tập Cận Bình ngay tại Đại hội XVIII. Hai gương mặt trẻ nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XVIII là Hồ Xuân Hoa và Tôn Chính Tài - đều ở tuổi 49./.
Trần Thọ QuangTS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

104. Úc – Nhật và an ninh khu vực

Trong khi việc xây dựng một đồng minh chính thức sẽ cần nhiều thời gian thì xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản là điều thực tế và hiệu quả mà Úc có thể đóng góp cho an ninh khu vực.

 
Hugh White, cựu cố vấn Công đảng và cựu quan chức quốc phòng mới đây kêu gọi Úc tạm ngưng việc xúc tiến xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản vì cho rằng việc xúc tiến xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản sẽ khiến Úc phải lựa chọn đứng về phía chống lại Trung Quốc, có thể bị lôi kéo vào xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku-Điếu Ngư và những nguy cơ như vậy sẽ phủ bóng lên những lợi ích có thể có của Úc.
Tuy nhiên, thực tế là, thứ nhất, ở giai đoạn hiện nay chưa hề có dự kiến về việc ký kết một liên minh quân sự giữa Úc và Nhật Bản. Một liên minh như vậy chưa hề được thảo luận ở các cuộc gặp cấp Bộ trưởng gần đây và phải mất hàng năm trời trước khi ý tưởng này trở thành hiện thực. Hai là, việc theo đuổi hợp tác quốc phòng với Nhật Bản chưa bao giờ được đặt ở vị trí đánh đổi với quan hệ của Úc với Trung Quốc. Ba là, phát triển quan hệ quân sự với Nhật Bản không phải là sự đường đột mà là kết quả của các chính sách thận trọng và những phát triển song phương gần đây với mục tiêu tăng cường an ninh khu vực chứ không phải làm suy yếu nó. Bốn là, mối quan hệ này phát triển đồng thời cùng với quan hệ sâu sắc hơn giữa Úc và nhiều nước châu Á khác. Quan hệ quân sự giữa Úc và Nhật Bản phát triển trong thời gian gần đây nhưng từ mức rất thấp do hạn chế của hiến pháp Nhật Bản và mới dừng ở việc hợp tác trong các hoạt động tại Iraq, giữ gìn hòa bình tại Sudan; đối thoại chiến lược gần gũi hơn và các hoạt động diễn tập hải quân chỉ tập trung vào cứu trợ thiên tai và đáp ứng nhân đạo. Hai nước cũng mới ở bước khởi đầu trong việc thảo luận về hợp tác công nghệ và công nghiệp quốc phòng.
Sau bầu cử Quốc hội lần này, có thể Nhật Bản sẽ có một số nới lỏng trong hạn chế hợp tác quốc phòng kể từ sau Chiến tranh Thế Giới lần II với việc đổi tên Lực lượng Phòng vệ thành Lực lượng Quốc phòng Nhật Bản và khả năng các đơn vị quân đội có quyền bắn trả nếu bị tấn công.
Lợi ích của Úc là khuyến khích sự phát triển của một Nhật Bản thực tế hơn, có khả năng hợp tác với các nước bạn bè và có những đóng góp thực tế vào an ninh châu Á. Sau 70 năm phát triển thể chế dân chủ ổn định và những biện pháp giới hạn khắc nghiệt nhất trong việc sử dụng lực lượng quân sự, nguy cơ từ Nhật Bản đối với khu vực không còn là sự quân phiệt hóa mà là khả năng Nhật Bản sẽ thất bại trong việc có ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình an ninh khu vực.
Vậy cách tốt nhất cho Nhật Bản trỗi dậy trở thành một nhân tố bình thường hơn đóng góp vào an ninh khu vực là gì? Trong cuốn “Sự lựa chọn Trung Quốc”, White cho rằng Nhật Bản nên tách mình ra khỏi Mỹ và tự mình trở thành một cường quốc, với ám chỉ rằng các cường quốc cần có vũ khí hạt nhân như một yêu cầu tối thiểu để thành lập một “tổ hợp châu Á”, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để có thể giữ cho khu vực hòa bình.
Thẳng thắn mà nói, việc Nhật Bản tách ra khỏi Mỹ và phát triển năng lực hạt nhân không phải là lợi ích của Úc. Cách tốt hơn là khuyến khích Nhật Bản trở thành một nhân tố mạnh phi hạt nhân, là đồng minh của Mỹ; phát triển quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với các nước bạn bè và đóng góp vào an ninh khu vực. Quan hệ quốc phòng Úc - Nhật Bản sẽ mang tính ổn định, có trách nhiệm và không đe dọa. Đây là cách thức tốt nhất và là cơ chế mở đầu để Nhật Bản xác định lợi ích chiến lược của mình cũng như hành động trong những xung đột khu vực tiềm tàng.
Điều tất yếu là sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc sẽ tạo tiền đề cho những suy tính an ninh trong khu vực nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu cho rằng hợp tác quốc phòng Úc - Mỹ hoặc Úc - Nhật Bản sẽ ngưng lại trong khi chờ xem Trung Quốc phát triển thành loại cường quốc nào. Xét từ góc độ của Bắc Kinh thì Trung Quốc không hề muốn thấy sự phát triển nào trong các mối quan hệ kể trên vì Trung Quốc muốn ít bị kiềm chế nhất trong việc triển khai lực lượng quân sự của mình. Trong thập kỷ tới, nhiệm vụ cho Úc, Nhật Bản và mọi quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là thuyết phục Trung Quốc rằng lợi ích của Trung Quốc sẽ được bảo đảm tốt nhất khi hội nhập cùng khu vực thay vì xây dựng một khả năng quân sự khiến Trung Quốc bị đơn phương cô lập với khu vực. Để làm được điều đó sẽ cần tạo không gian cho Trung Quốc theo đuổi vai trò quốc tế ngày càng tăng, nhưng với Úc, cũng cần khẳng định chắc chắn ưu tiên chiến lược của mình và cũng không nên vội vàng phán đoán rằng Trung Quốc sẽ không hài lòng với các lợi ích quốc phòng cốt lõi của Úc. Trong khi việc xây dựng một đồng minh chính thức sẽ cần nhiều thời gian thì xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản là điều thực tế và hiệu quả mà Úc có thể đóng góp cho an ninh khu vực. Nó sẽ tạo cho Nhật Bản sự tự tin mà không cần những hành động đơn phương có thể gây lo ngại cho các nước láng giềng và tạo cho Úc triển vọng hợp tác công nghệ để củng cố khả năng quốc phòng. Thay vì tạm ngưng, Úc nên đẩy mạnh việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản./.
Tác giả Peter Jennings là Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc và nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang The Australian.
Hương Trà (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3224-uc--nht-va-an-ninh-khu-vc

103. Sự phát triển của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản”

“ASEAN+Nhật Bản” là một thành phần quan trọng trong cơ chế hợp tác “ASEAN+1”, có tác động trực tiếp đến “ASEAN+3” và việc thúc đẩy hợp tác Đông Á. Trong quá trình phát triển, “ASEAN+Nhật Bản” đã thể hiện quỹ đạo phát triển, đặc điểm và vai trò của riêng mình.

I- Sự phát triển của “ASEAN+Nhật Bản” 
Trong các nước “ASEAN+1”, Nhật Bản là nước sớm nhất thiết lập mối quan hệ đối tác với các nước ASEAN. Từ năm 1977, hai bên bắt đầu đối thoại, và thông qua dự án hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp, kỹ thuật, văn hóa, thương mại, đầu tư, thành lập mối quan hệ hợp tác đa tầng nấc. Năm 1977, hai bên còn tổ chức hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản. Từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, cùng với Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phát triển của kinh tế Đông Á, trọng điểm ngoại giao của Nhật Bản bắt đầu chuyển sang châu Á. Để không bị tụt hậu, Nhật Bản dự tính thực thi chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa khu vực. Một mặt trong đó, Nhật Bản thông qua việc tăng cường quan hệ với ASEAN để chủ đạo hợp tác Đông Á. Cuối những năm 90 thế kỷ 20, quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đã được cơ chế hóa. Tháng 1/1997, khi tới thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro đã đề xuất mở rộng và làm sâu sắc thêm việc đối thoại ở các lĩnh vực và các cấp giữa Nhật Bản và ASEAN. Bắt đầu từ năm này, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản tổ chức không định kỳ trước đây chuyển thành hội nghị thường niên. Nhưng để giảm đi những nghi ngờ của nước khác, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Hàn Quốc cũng đồng thời tổ chức, cơ chế “10+3”, “10+1” chính thức khởi động thúc đẩy hợp tác Đông Á. Năm 1998, Nhật Bản đã khởi động Hội nghị nhóm bàn bạc ASEAN-Nhật Bản, thành lập Ủy ban hợp tác công nghiệp kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa Nhật Bản và ASEAN, giúp các nước ASEAN tăng sức cạnh tranh công nghiệp, đem lại sự viện trợ cho các nước thành viên mới của mình. Ngoài ra, Nhật Bản còn xây dựng một loạt cơ chế hợp tác mới, chẳng hạn như “Hội nghị bàn tròn phát triển Nhật Bản-ASEAN”, “Kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên nhân lực toàn diện”, “Hội nghị chống khủng bố Nhật Bản-ASEAN” v.v... Tháng 12/2003, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN được tổ chức tại Tôkyô là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ngoài khu vực. 
Quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản có nền tảng sâu đậm. Lâu nay, do thúc đẩy kinh tế các nước chủ yếu ASEAN cất cánh bằng phương thức phát triển “đàn nhạn bay”, Nhật Bản đã xác lập được vị thế chủ đạo đối với đầu tư, thương mại của các nước ASEAN cũng như sự phụ thuộc về kinh tế của các nước này vào Nhật Bản. Nhưng từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, do kinh tế Nhật Bản ảm đạm, thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đã từ đỉnh cao 121 tỷ USD hạ xuống 990 triệu USD. Năm 2000 và 2001, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN chỉ bằng 60% mức bình quân những năm 90 thế kỷ 20, dẫn đến quan hệ kinh tế song phương nảy sinh những thay đổi lớn, làm yếu đi vị thế truyền thống của Nhật Bản trong việc đầu tư và thương mại vào các nước ASEAN. Cho dù như vậy, Nhật Bản hiện vẫn là nước viện trợ kinh tế và đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của ASEAN. ASEAN tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản có lợi cho việc thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Cho dù gặp phải vấn đề tiếp cận thị trường, nhất là về mặt các sản phẩm nông nghiệp, nhưng người dân Đông Nam Á vẫn coi Nhật Bản là thị trường thu được thắng lợi; cho dù họ rất oán trách về sự hà tiện của Nhật Bản trong việc chuyển nhượng kỹ thuật, nhưng cũng không phủ nhận Nhật Bản đã đầu tư và trang bị kỹ thuật cho các nước Đông Nam Á, giúp các nước này thúc đẩy công nghiệp hóa. Mặt khác, viện trợ phát triển chính thức (ODA) là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Mấy chục năm qua, khu vực được cân nhắc ưu tiên viện trợ chính thức luôn là Đông Nam Á, ngoài Brunây và Xinhgapo, Nhật Bản là nước trợ giúp lớn nhất cho các nước khác ASEAN. Năm 1995, viện trợ của Nhật Bản cho các nước ASEAN chiếm 21% tổng mức viện trợ phát triển chính thức song phương của nước này. Nhưng viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cũng từng bị phê phán, chỉ trích là một kiểu viện trợ mang tính hạn chế đối với việc phát triển kinh tế, đặc biệt không có nhiều đóng góp tích cực cho các nước nhận được viện trợ trong việc phát triển kinh tế. 
Nhật Bản với tư cách là nước khởi nguồn quan trọng trong đầu tư vốn, kỹ thuật cho các nước ASEAN, viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản chủ yếu dùng để xây dựng các cơ sở thiết bị và công nghiệp nặng. Vì thế, việc tăng vốn ODA đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN. Nhật Bản đã thực thi chiến lược “viện trợ, thương mại, đầu tư”, xây dựng mạng lưới kinh tế độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á và kết hợp giữa sản xuất, phân phối, chi trả và cung cấp vốn, giúp đỡ các nước ASEAN đẩy nhanh việc phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo, nhưng cách làm kết hợp giữa viện trợ, thương mại, đầu tư lại khiến cho các nước ASEAN lo ngại Nhật Bản khống chế Đông Nam Á về kinh tế. Mặt khác, Nhật Bản thường không tích cực tham gia việc nhất thể hóa kinh tế khu vực, luôn khao khát tìm cách đạt được thương mại tự do đa phương thế giới, coi hợp tác kinh tế-thương mại song phương với các nước khác là con đường trợ giúp mở rộng thương mại thế giới. Nhưng từ những năm 1990 đến nay, hợp tác Đông Á từng bước phát triển, kinh tế trong khu vực ngày càng sôi động, buộc Nhật Bản bắt đầu tham gia hợp tác khu vực Đông Á. Sau khi bước vào thế kỷ 21, hợp tác khu vực Đông Á dưới khuôn khổ “ASEAN+3” nhanh chóng phát triển đã khiến Nhật Bản tỏ rõ thái độ tích cực đối với hợp tác khu vực. Với bối cảnh trên, Nhật Bản mong muốn tìm được điểm hội tụ, xây dựng lại mối quan hệ kinh tế với ASEAN để duy trì lợi ích và địa vị của mình ở Đông Nam Á. Còn việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN” luôn là một lựa chọn sáng suốt. Tháng 11/2002, việc Nhật Bản và ASEAN công bố “Tuyên bố chung” thành lập mối quan hệ đối tác toàn diện đã đạt được nhận thức chung về ý nghĩa, nội dung, con đường, mục tiêu và nguyên tắc trong việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Tháng 10/2003, tại Hội nghị thượng đỉnh “ASEAN-Nhật Bản”, hai bên đã chính thức ký “Hiệp định khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện”. Nội dung chủ yếu của hiệp định này bao gồm: lập tức thực hiện các biện pháp như viện trợ kỹ thuật và thúc đẩy đầu tư, thương mại cũng như trao đổi và tập hợp những số liệu liên quan về thuế quan và thương mại song phương. Hai bên quyết định vào năm 2012 thành lập Khu thương mại tự do và khiến cho xuất khẩu của ASEAN sang Nhật Bản đến năm 2020 nâng lên 44,2% so với mức năm 1997, và xuất khẩu cùng kỳ của Nhật Bản sang ASEAN tăng thêm 27,5%, nhưng các sản phẩm nông nghiệp, gạo và thịt bò v.v... bị gạt ra ngoài việc tự do hóa thương mại. Nhật Bản phát triển thương mại tự do thành “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện”, lấy điều kiện viện trợ phát triển, đầu tư và hợp tác kỹ thuật thay thế các điều kiện thương mại không bình đẳng mà các nước ASEAN phải chịu, bên cạnh đó mở ra thị trường ASEAN để bảo vệ ngành nông nghiệp của nước mình. 
Đầu năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đề ra việc cùng với ASEAN xây dựng “mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện” là chủ yếu căn cứ vào 2 tính toán sau: một là, có ý đồ đưa cơ chế hóa và pháp luật vào hợp tác khu vực. Nói cách khác, Nhật Bản coi hiệp định thương mại tự do của khu vực và song phương là biện pháp quan trọng của hợp tác. Những hiệp định tự do thương mại này không chỉ bao gồm những yếu tố truyền thống quy định về nơi sản xuất hàng hóa và thương mại hàng hóa, mà còn rất nhiều nhân tố “thời đại mới” như dịch vụ thương mại, đầu tư, thừa nhận lẫn nhau, bản quyền tri thức, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ chế giải quyết các vấn đề tranh chấp v.v.... Hai là, dựa vào “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN” để chủ đạo hợp tác Đông Á. Trên cơ sở “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN”, mục tiêu của Nhật Bản là xây dựng khối Đông Á, và thực hiện quyền lãnh đạo kinh tế ở khu vực bằng phương thức này. Đúng như học giả Nhật Bản nêu rõ: “Sau khi Trung Quốc-ASEAN ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện, Chính phủ Nhật Bản cảm thấy cần phải áp dụng hành động, cân bằng sự phát triển lớn mạnh của mối quan hệ kinh tế ‘Trung Quốc-ASEAN’ về mặt chiến lược. Không thể phủ nhận khi đưa ra Hiệp định thương mại tự do với ASEAN thông qua việc xây dựng ‘mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện’, Nhật Bản có ý thức ‘cạnh tranh’ với Trung Quốc, hơn nữa sự thật chứng minh quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với ASEAN là đề xuất thương mại tự do đầu tiên mà Nhật Bản đưa ra”. Đồng thời, cần phải nêu rõ ASEAN có vị thế nổi bật về các mặt chính trị, kinh tế và lợi ích trong các công việc bảo vệ an ninh quốc gia đối với Nhật Bản, đặc biệt là địa-kinh tế-chính trị của ASEAN là vô cùng quan trọng đối với nước này: ASEAN là nước cung cấp chủ yếu nguyên vật liệu thô cho Nhật Bản và là một trong những nơi khởi nguồn của việc nhập khẩu năng lượng. Ngoài ra, ASEAN là đường giao thông quan trọng trên biển trong việc vận chuyển dầu mỏ và ngoại thương. Nhu cầu kỹ thuật và đầu tư đến từ nước ngoài của các nước ASEAN có lợi cho Nhật Bản trong việc tái thiết ngành công nghiệp trong nước; sự ủng hộ ngoại giao của ASEAN có thể nâng cao vị thế của Nhật Bản ở Đông Á cho tới toàn thế giới. Vì vậy, ASEAN là bàn đạp để Nhật Bản vươn lên thành nước lớn về chính trị. Đúng như học giả Nhật Bản nêu rõ: “Để trở thành nước lãnh đạo khu vực và đóng vai trò mang tính toàn cầu, Nhật Bản cần phải phát triển mối quan hệ đặc biệt với các nước ASEAN”. 
II- Đặc điểm của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” 
Do Nhật Bản là nước sớm nhất xây dựng mối quan hệ đối tác với ASEAN, sự phát triển của mối quan hệ “ASEAN+Nhật Bản” này đã áp dụng phương thức tuần tự, chắc chắn. Nội dung chủ yếu trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN là: về kinh tế, đóng vai trò quan trọng, về chính trị phát huy vai trò tích cực, xây dựng mối quan hệ đặc biệt với các nước ASEAN. Đây là đặc điểm của mối quan hệ “ASEAN+Nhật Bản”. Khi nói đến tầm quan trọng của Nhật Bản đối với ASEAN, Cựu Thủ tướng Malaixia Mahathir từng đưa ra một loạt lý do sau: một là, về kinh tế, Nhật Bản là nước hùng mạnh, lời nói và hành động của nước này tất nhiên được các nước khác của châu Á quan tâm chặt chẽ. Hai là, tầm quan trọng của Nhật Bản đối với tương lai kinh tế Đông Á là Nhật Bản đầu tư lượng lớn các cơ sở và thiết bị sản xuất vào khu vực này, trong đó “23% tổng sản phẩm quốc nội của Malaixia là do các công ty Nhật Bản kinh doanh ở nước này đem lại”. Ba là, đạo đức nghề nghiệp của người Nhật Bản và nền văn hóa đặc sắc của nước này có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác Đông Á. Đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật, kỹ thuật, kỹ năng của người Nhật Bản vẫn rất đáng để các nước học tập, và Nhật Bản không thể vì nền kinh tế suy thoái lâu nay mà đánh mất đi. Đặc điểm về kinh tế, cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” lấy hợp tác song phương làm chính. Khác với “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc-ASEAN”, “Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN” quy định bất kỳ một nước thành viên ASEAN nào đều có thể cùng với Nhật Bản đàm phán xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế song phương, hơn nữa không cần phải tiếp tục đàm phán về thời gian tự do hóa trong “Hiệp định khung đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN”. Tính đến sự nhạy cảm của ngành nông nghiệp đối với nền chính trị Nhật Bản cũng như tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của một số nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, phương thức quan hệ đối tác kinh tế song phương này đã chứng minh là có hiệu quả hơn so với khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Đến tháng 8/2007, Nhật Bản đã cùng các nước thành viên cũ ASEAN ký hiệp định hợp tác kinh tế song phương với nội dung chính là thương mại tự do. Nhưng mối quan hệ đối tác kinh tế song phương giữa hai bên khác nhau cũng sẽ cản trở việc đàm phán Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Ví dụ, Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế “Xinhgapo-Nhật Bản” quy định về nơi sản xuất hàng hóa nghiêm khắc hơn nhiều so với Khu thương mại tự do ASEAN. Phương thức của quan hệ kinh tế song phương này có thể khiến cho kinh tế của các nước thành viên ASEAN trở thành “vệ tinh”, chứ không phải là “trung tâm” kinh tế của toàn khu vực.
Mặt khác, trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế song phương với Nhật Bản, Xinhgapo là nước thành thị, không có các sản phẩm nông nghiệp hoặc xuất khẩu lao động, cơ cấu kinh tế của các nước thành viên khác ASEAN khác với Xinhgapo, Nhật Bản ngoài lấy các lý do để gạt các mặt hàng nông nghiệp, còn không để cho công nhân của những nước thành viên khác của ASEAN này tiến vào thị trường lao động của Nhật Bản. Điều này khiến cho quan hệ đối tác kinh tế song phương mất đi ý nghĩa thực chất. Đặc điểm về an ninh của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” là Nhật Bản tích cực tham gia xây dựng cơ chế Diễn đàn khu vực ASEAN, tích cực tham gia các công việc an ninh khu vực do các nước ASEAN cùng chủ đạo. Nhưng từ sự kiện 11/9 đến nay, Nhật Bản đi theo lập trường chính sách chống khủng bố của Mỹ đã bị một số nước Hồi giáo nghi ngờ: Thủ tướng Koizumi sau khi nhậm chức đã nhiều lần đến thăm đền Yasukuni, thế lực cánh hữu Nhật Bản luôn phủ nhận lời nói và việc làm của cuộc chiến tranh xâm lược, ở mức độ nhất định, điều đó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ chính trị song phương. “Các cuộc điều tra dân ý liên tục của Nhật Bản đã cho thấy trong công chúng Nhật Bản, người dân Đông Nam Á bị đánh giá thấp. Quan hệ song phương giữa ASEAN và Nhật Bản vẫn cần phải được bồi đắp hơn nữa”. Những năm gần đây, tiến độ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN được đẩy nhanh, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tương đối ngừng trệ. Trong tình hình kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh và vị thế quốc tế được nâng cao chưa từng thấy, hợp tác với ASEAN đối với Trung Quốc là điều vô cùng tất yếu. Mặt khác, Trung Quốc vừa là thị trường lớn có sức hấp dẫn, vừa là đối thủ cạnh tranh. ASEAN lo lắng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lớn mạnh sẽ mở rộng hơn nữa ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. ASEAN cho rằng điều này không có lợi cho sự ổn định và phồn vinh lâu dài của khu vực này, dễ khiến cho “chính sách cân bằng nước lớn” của ASEAN mất hiệu quả, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của ASEAN. Vì vậy, ASEAN mong muốn bên cạnh việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, còn tăng cường hợp tác với Nhật Bản để bảo đảm duy trì thế cân bằng khu vực. “Nhưng do kinh tế Nhật Bản lâu nay ảm đạm, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, vị thế của Nhật Bản sẽ có phần hạ xuống trong thời gian tới”. Đối với ASEAN, việc làm thế nào tìm kiếm điểm cân bằng giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một sự lựa chọn lưỡng nan. 
III- Vai trò của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” 
Việc thành lập cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” khiến cho quan hệ song phương do Nhật Bản chủ đạo trước đây bắt đầu phát triển theo hướng tương đối bình đẳng: về lĩnh vực kinh tế lấy mối quan hệ đối tác bình đẳng trong việc tăng cường hợp tác để thay thế mối quan hệ viện trợ và được viện trợ, chuyển mối quan hệ lấy kinh tế làm trung tâm sang đối thoại rộng rãi hơn, mở rộng lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực chính trị. Về lĩnh vực an ninh, hai bên tiến hành hợp tác và tăng cường bàn bạc trong các lĩnh vực chống khủng bố, bảo vệ môi trường, chống buôn bán ma túy, buôn bán người, an ninh lương thực và năng lượng. Nhật Bản là nước lớn châu Á và có nền kinh tế phát triển trên thế giới, việc thành lập cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” đã khiến cho các nước ASEAN tin tưởng hơn khi kết bạn với các nước lớn ngoài khu vực. Về cơ chế hợp tác, “Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản”, Hội nghị thượng đỉnh “ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị ngoại trưởng “ASEAN-Nhật Bản” v.v... được thành lập trên nền tảng Diễn đàn cao su “ASEAN-Nhật Bản” đã khiến cho ASEAN và Nhật Bản duy trì sự giao lưu mang tính thường xuyên trong các lĩnh vực và tầng nấc khác nhau. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thêm sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, hơn nữa còn là tấm gương để cho các nước ASEAN và các nước khác xây dựng cơ chế hợp tác khu vực từ nay về sau, bao gồm “ASEAN+1”, “ASEAN+3”. Nhưng Nhật Bản có những tính toán lợi ích cho bản thân tương đối nhiều trong hợp tác khu vực. Trước tiên, Nhật Bản cho rằng: “Từ giữa những năm 1990 đến nay, ASEAN và Nhật Bản luôn lãnh đạo khu vực, thậm chí còn nhờ những cam kết của Nhật Bản đối với hợp tác Đông Á mới có thể thúc đẩy việc xây dựng cơ chế hợp tác ASEAN+3”.
Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng hợp tác khu vực của Đông Á xuất phát từ sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và ASEAN, điều này không phải là hạ thấp vai trò của các nước khác, nhất là vai trò của Trung Quốc, hơn nữa Trung Quốc mới chỉ tích cực tham gia các công việc trong hợp tác Đông Á mấy năm gần đây, không thể sánh ngang với Nhật Bản. Thứ hai, Nhật Bản và ASEAN tuy là hai động cơ của chủ nghĩa khu vực Đông Á, nhưng tồn tại những khác biệt về nhận thức chung. Nhật Bản tự cho mình là nhà nước dân chủ công nghiệp hóa tiên tiến, có quan niệm giá trị tự do nội tại như tự do nhân quyền, dân chủ và nền kinh tế thị trường, còn ASEAN không có nhận thức chung đối với những vấn đề này. Nhận thức của ASEAN xây dựng trên nguyên tắc quan hệ đối ngoại liên quan với “phương thức ASEAN”. Điều này khiến cho hai bên từng một thời xảy ra những bất đồng về vấn đề những nước tham gia, nghị trình của hợp tác ở châu Á. Nhật Bản cho rằng khối Đông Á cần bao gồm Ôxtrâylia và Niu Dilân, lý do là các nước này cũng là nhà nước dân chủ công nghiệp hóa tiên tiến. Năm 1995, khi trù bị hội nghị Á-Âu, Nhật Bản đề xuất muốn hai nước này tham gia, nhưng ASEAN không mời hai nước này tham dự. Trong nghị trình hợp tác, sau sự kiện 11/9, Nhật Bản mong muốn “ASEAN+3” có thể công bố tuyên bố chống khủng bố chung, nhưng do Nhật Bản và ASEAN thiếu lập trường chung về vấn đề chủ nghĩa khủng bố, ASEAN không sẵn sàng cùng với Nhật Bản thảo luận sâu về vấn đề này. Nhật Bản có ý đồ dựa vào ưu thế kinh tế của bản thân, thông qua khung “ASEAN+Nhật Bản” để xây dựng khung hợp tác khu vực có lợi cho Nhật Bản và nước này phát huy vai trò chủ đạo. Sở dĩ Nhật Bản có thái độ tiêu cực về việc mở cửa thị trường là vì thành lập khu thương mại tự do với ASEAN, các nước ASEAN có thể thêm cơ hội bước vào thị trường Nhật Bản, còn kinh tế Nhật Bản thu được lợi ích lại không phải là nhiều. Đặc biệt là đến nay, Nhật Bản chưa đưa ra kiến nghị mở cửa thị trường nông nghiệp trong nước, mà đa số các nước ASEAN là nước nông nghiệp đang mong chờ Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp, và điều này đã khiến cho các nước ASEAN hoài nghi về thành ý của Nhật Bản đối với việc thành lập khu thương mại tự do. Nói cách khác, nếu Nhật Bản không thể mở cửa thị trường trong nước, việc ký hiệp định thương mại tự do “ASEAN-Nhật Bản” không hề có ý nghĩa. Sách lược của Nhật Bản là cùng với các nước ASEAN đạt được hiệp định thương mại tự do song phương. Phương thức này đã sinh ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với khối ASEAN, nhất là khối kinh tế ASEAN. Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng ASEAN tồn tại vấn đề điều chỉnh trong nội bộ: các nước thành viên ASEAN phát triển không cân bằng, giữa hai bên tồn tại những bất đồng, khó có thể hình thành sự hợp nhất, điều đó khiến cho vai trò của các nước này bị hạn chế trong hợp tác Đông Á. 
Bước sang thế kỷ mới đến nay, Nhật Bản có những tiến triển chậm trong hợp tác khu vực. Nguyên nhân gồm trong và ngoài nước: Thứ nhất, nền kinh tế “bong bóng” bị vỡ đã khiến cho nền kinh tế Nhật Bản lâu nay ảm đạm; Nhật Bản phải tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề kinh tế, không chú ý đến hợp tác khu vực. Khi bước vào thế kỷ 21, Nhật Bản vẫn phải chịu ‘10 năm mất mát’ của những năm 1990 để lại, giới tinh hoa đều biết rằng nhà nước vẫn buộc phải đối mặt với những khiếm khuyết của nền kinh tế và chính trị cũng như các trang thiết bị thông tin và kỹ năng không đủ v.v... Tất cả những điều này đã làm giảm đi rất nhiều không gian hoạt động ngoại giao. Thứ hai, Nhật Bản không sẵn sàng trả giá cho sự hy sinh quan hệ với Mỹ để tham gia hợp tác Đông Á. Việc Nhật Bản ra sức đề xướng chủ nghĩa khu vực “mở cửa” chủ yếu là lo ngại Mỹ bị gạt ra ngoài Đông Á. Nhật Bản cho rằng “mối quan hệ giữa Nhật Bản, Đông Nam Á và Mỹ là sức mạnh trọng tâm để giữ vững ổn định và phồn vinh khu vực này”. Mối quan hệ đối tác đa phương Nhật Bản-Đông Nam Á hiển nhiên cần phải đẩy mạnh ngang bằng với mối quan hệ song phương Nhật-Mỹ truyền thống. Mặt khác, Nhật Bản lại muốn bên cạnh việc duy trì liên minh Nhật-Mỹ, phải xác lập quyền chủ đạo của mình trong hợp tác khu vực Đông Á. Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng “Việc điều tiết thành công giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ là nhân tố trọng tâm thúc đẩy chủ nghĩa mới Đông Á”. Như trên đã trình bày, mục đích chủ yếu của Nhật Bản trong cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” là chiếm đỉnh cao trong hợp tác khu vực. Nhưng do vai trò dẫn đầu của Trung Quốc cũng như sự phát triển hòa bình của nước này đã khiến cho ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á không ngừng mở rộng. Nhật Bản cho rằng điều này đã tạo thành thách thức đối với vị thế của mình ở khu vực này, cần phải điều chỉnh đối với chính sách ASEAN, đặc biệt là “việc Trung Quốc đưa ra kiến nghị thành lập khu thương mại tự do ASEAN là một đòn tấn công lớn đối với Nhật Bản”. Ban đầu, Nhật Bản chưa nhìn nhận nghiêm túc kiến nghị này, cho rằng việc đạt được hiệp định khu thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN không có tính khả thi, nhưng sau khi Trung Quốc và ASEAN đã ký hiệp định này, “Nhật Bản coi ngoại giao kinh tế của Trung Quốc đối với ASEAN là thách thức chủ yếu đối với sự hợp tác của bản thân với ASEAN trong việc xây dựng trật tự kinh tế ở Đông Á. Nhật Bản ngoài đưa ra những sự đáp trả cùng với ASEAN ký “Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện”, còn tỏ ra sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác Đông Á, và cùng với ASEAN xây dựng khối Đông Á. Tóm lại, “hành động của Trung Quốc hiển nhiên đã thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng đưa ra những phản ứng của mình, sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở thành động lực thúc đẩy quan trọng khiến Nhật Bản tham gia các công việc khu vực nhiều hơn”./. 
Theo Tạp chí “Hòa bình và phát triển” - Trung Quốc
Vũ Hiền (gt)

102. Đường chữ U của Trung Quốc ở biển Đông: phân tích bốn cách diễn giải

Việc Trung Quốc yêu sách vùng biển nằm ngoài 12 hải lý tính từ các các đảo tranh chấp ở biển Đông kể từ những năm 1990 và việc họ kèm một bản đồ vẽ đường chữ U trong các công hàm gửi đến Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) năm 2009 đã làm dấy lên nhiều quan ngại và tranh luận về ý nghĩa của đường này. Bài viết này xem xét một số cách diễn giải có thể có trong bối cảnh Bắc Kinh chưa có một sự giải thích rõ ràng.


 
Bối cảnh
Tranh chấp quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào năm 1909 giữa Trung Quốc và Việt Nam, lúc đó do Pháp đại diện, và tranh chấp quần đảo Trường Sa bắt đầu trong thập niên 1930 giữa Pháp và Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc mới đề ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Vào năm 1948 Trung Quốc phát hành một bản đồ với đường chữ U, nhưng lúc đó họ không nói đường đó là yêu sách về vùng biển bên trong đường này.
Tranh chấp đối với vùng biển nằm ngoài 12 hải lý tính từ các quần đảo này chỉ mới bắt đầu khá gần đây.
Trong thập niên 1960, Indonesia và Malaysia bắt đầu đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với thềm lục địa ở phần phía nam biển Đông, và vào năm 1969 hai nước này đã ký kết hiệp định phân giới. Năm 1971 Việt Nam Cộng Hòa đưa ra yêu sách thềm lục địa có chồng lấn với các yêu sách của Malaysia và Indonesia.
Mặc dù khu vực bên trong đường chữ U chồng lấn với các yêu sách thềm lục địa của Indonesia, Malaysia và Việt Nam Cộng Hòa, cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh lẫn Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc đều không phản đối các yêu sách này, không phản đối hiệp ước năm 1969 của Indonesia-Malaysia, và lúc đó họ cũng không đưa ra yêu sách gì về vùng thềm lục địa đó.
Phải tới thập niên 1990, Bắc Kinh mới bắt đầu phản đối các hoạt động dầu khí của Việt Nam ở khu vực Nam Côn Sơn và khu vực bãi Tư Chính (Vanguard Bank), và vào năm 1992 họ ký hợp đồng khảo sát với một công ty Mỹ cho một khu vực rộng 25.000 km² trong vùng bãi Tư Chính. Kể từ đó, các tuyên bố và hành động của Trung Quốc trong việc đòi hỏi vùng biển nằm ngoài 12 hải lý tính từ các đảo tranh chấp ngày càng thêm quyết đoán.
Trong bối cảnh này, việc Trung Quốc kèm bản đồ có vẽ đường chữ U trong các công hàm gửi cho CLCS năm 2009, mà không có lời giải thích nào về ý nghĩa của đường này, đã làm dấy lên rất nhiều tranh luận. Các chuyên gia và các nhà ngoại giao phỏng đoán về Trung Quốc có ý định yêu sách gì bên trong đường đó, và về Trung Quốc có thể sử dụng đường đó thế nào để biện minh cho yêu sách của mình.
Có bốn cách hiểu về đường chữ U đã được đưa ra và sẽ được xem xét ở đây.

Các cách diễn giải đường chữ U

1. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo bên trong đường chữ U. Theo luật quốc tế, yêu sách đó sẽ bao gồm thêm lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nếu có, của các đảo này.
Nếu đó là tất cả những gì Trung Quốc đòi hỏi, tức là Trung Quốc không đòi hỏi quyền hạn gì đối với toàn bộ vùng biển bên trong đường chữ U, thì đó sẽ là cách diễn giải đường chữ U ít phi lý và ít phi pháp nhất. Tất nhiên sẽ còn phải xét xem việc Trung Quốc đòi các đảo là có hợp pháp hay không, nhưng nếu đường chữ U chỉ có nghĩa đòi đảo thì nó sẽ chỉ tương đương với việc các nước khác đòi đảo. Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc không nói đó là tất cả ý nghĩa của đường chữ U.
2. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc (tức là nhà chức trách Đài Loan - một chính phủ không được công nhận là đại diện cho quốc gia nào) đã tuyên bố rằng khu vực bên trong đường chữ U là vùng nước lịch sử. Quan điểm này được một số học giả đại lục chia sẻ.
Tuy nhiên, luật quốc tế chưa từng công nhận đòi hỏi nào về các vùng nước lịch sử mà vươn quá xa ra biển và bao gồm một khu vực rộng lớn như vậy. Ngoài ra, không có bằng chứng cho thấy trong lịch sử Trung Quốc đã thực thi chủ quyền trên khu vực được bao bọc bởi đường chữ U. Vì vậy cách giải thích vùng biển bên trong đường chữ U như là vùng nước lịch sử bị luật pháp quốc tế và bằng chứng bác bỏ hoàn toàn. Hơn nữa, vì vùng nước lịch sử thường được bao bọc bên trong đường cơ sở chứ không nằm bên ngoài, việc đòi vùng biên bên trong đường chữ U sẽ không phù hợp với tuyên bố về đường cơ sở do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa ra.
3. Các công hàm của Trung Quốc gửi cho CLCS năm 2009, liên quan đến các đệ trình riêng và chung của Việt Nam và Malaysia, đòi chủ quyền đối với các "vùng nước liền kề" các đảo trong biển Đông và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với "các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy của chúng", có đính kèm một bản đồ có vẽ đường chữ U. Nhưng các công hàm này không hề tuyên bố rằng đường này là ranh giới của bất kỳ vùng nước nào. Năm 2011, Trung Quốc gửi CLCS thêm một công hàm khẳng định rằng "quần đảo Nam Sa của Trung Quốc được hưởng đầy đủ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa". Các công hàm này dường như ủng hộ một cách diễn giải thứ ba: Trung Quốc có ý định đòi hỏi vùng biển bên trong đường chữ U như là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough.
Tuy nhiên, đây chỉ là một suy đoán; không có bất kỳ tuyên bố chính thức nào của Trung Quốc xác nhận suy đoán đó. Hơn nữa, với thực tế rằng hầu hết các phần của đường chữ U đều nằm gần các vùng lãnh thổ không có tranh chấp hơn là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, Trung Quốc sẽ khó có thể biện minh đường này như là một ranh giới cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ các cấu trúc địa lý này.
4. Vì Trung Quốc chưa sẵn sàng chấp nhận cách diễn giải thứ nhất, và vì cách diễn giải thứ hai và thứ ba rõ ràng là không phù hợp với luật quốc tế, trong những năm gần đây các học giả Trung Quốc đã đưa ra một cách diễn giải thứ tư. Theo cách diễn giải này, yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông bao gồm ba lớp. Ở lớp đầu tiên, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với các đảo đang bị tranh chấp. Ở lớp thứ hai, họ yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ các đảo này. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa này có thể không vươn ra đến đường chữ U. Ở lớp thứ ba, Trung Quốc đòi "quyền lịch sử" đối với vùng biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo, với đường chữ U là phạm vi, hoặc vừa là cơ sở vừa là phạm vi, cho yêu sách này.

Đường chữ U có thể tạo ra quyền lịch sử?

Hai cách diễn giải thứ nhì và thứ tư khác nhau ở điểm: trong cách diễn giải thứ tư, những người đề xuất không đòi hỏi rằng “quyền lịch sử” trong lớp yêu sách thứ ba phải có nghĩa là chủ quyền lịch sử, hay khu vực bao bởi đường chữ U phải là vùng nước lịch sử. Thay vào đó, những người đề xuất cách diễn giải thứ tư đề nghị rằng các “quyền lịch sử này” không có nghĩa là tuyệt đối hay độc quyền, mà chỉ là quyền được chia sẻ, thậm chí có thể là được ưu tiên trong việc chia sẻ, tài nguyên cho tới sát đường chữ U, dù cho vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của những đảo đang trong tình trạng tranh chấp không vươn ra tới đường này.
Bằng cách lùi một bước và không yêu sách vùng nước lịch sử và chủ quyền tuyệt đối cho toàn bộ khu vực bên trong đường chữ U, có lẽ những người đề xuất cách diễn giải thứ tư hy vọng tránh được tính phi pháp của cách diễn giải thứ nhì, trong khi đó vẫn có cớ để Trung Quốc yêu sách việc chia sẻ tài nguyên tới sát đường chữ U, điều mà họ không thể làm được với cách diễn giải thứ nhất.
Muốn cho cách diễn giải thứ tư, tức là lập luận “quyền lịch sử”, có thể hợp lý, cần phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất, từ trước khi Công ước Luật Biển (UNCLOS) ra đời  Trung Quốc phải đã đạt được quyền lịch sử hợp pháp trên vùng biển nằm ngoài khu vực 12 hải lý của các đảo đang trong tình trạng tranh chấp. Thứ nhì, những quyền lịch sử này phải là những quyền được công nhận bởi công ước đó.
Mặc dù đường chữ U xuất hiện lần đầu tiên trên bản đồ chính thức của Trung Quốc từ năm 1948, Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố rằng đường đó thể hiện một yêu sách về quyền hạn trên biển bên trong đường đó. Thậm chí, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cố ý lờ đi những lời yêu cầu làm rõ về ý nghĩa của đường chữ U này.
Vì vậy, cho tới nay đường chữ U vẫn chỉ là một đường trên bản đồ chưa hề có ý nghĩa, và chưa bao giờ được chính thức đưa ra như là một yêu sách về quyền hạn đối với vùng biển phía bên trong nó. Vì đường chữ U chưa bao giờ được tuyên bố là yêu sách cho những quyền hạn nào đó đối với vùng biển bên trong nó, nó không thể là cơ sở pháp lý cho những quyền hạn đó.
Giả sử vào năm 1948 Trung Quốc có tuyên bố rằng đường chữ U là một yêu sách về các quyền trên biển đi nữa, thì theo luật quốc tế vào thời điểm đó, đường đó cũng nằm cách quá xa với các đảo có tranh chấp để được coi là một yêu sách hợp pháp. Vì vậy, đường chữ U đã không bao giờ có thể trở thành một yêu sách hợp pháp về quyền trên biển, và nó chưa bao giờ được công nhận như vậy bởi bất kỳ quốc gia nào.

Liệu có thể có nguồn nào khác là cơ sở cho quyền lịch sử?

Nếu không phải là đường chữ U thì liệu những hoạt động đánh cá truyền thống bởi ngư dân Trung Quốc có thể được coi là cơ sở cho yêu sách về quyền lịch sử trên biển được không?
Cần lưu ý rằng Trung Quốc chắc chắn không thể nào là nước duy nhất có ngư dân đánh cá lâu đời trên biển Đông. Bởi vậy, giả sử việc đánh cá truyền thống có tạo ra những quyền lịch sử nào đó, thì Trung Quốc cũng không phải là nước duy nhất có những quyền này.
Thêm nữa, trong vụ phân xử về thềm lục địa giữa hai nước Libya và Tunisia, Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết rằng những quyền lịch sử do các hoạt động đánh cá truyền thống là xuất phát từ một cơ chế pháp lý hoàn toàn khác với và không liên quan tới thềm lục địa. Bởi vậy giả sử những hoạt động đánh cá truyền thống trên Biển Đông có thể là lý do để các nước liên quan thỏa thuận tạo ra một khu vực đánh cá chung đi nữa, thì nó cũng không thể tạo ra cơ sở cho những yêu sách đối với thềm lục địa.
Liệu những tuyên bố hay hành động khác của Trung Quốc có thể được coi là cơ sở pháp lý cho yêu sách về quyền lịch sử trên biển không?
Trên thực tế, khi Indonesia và Malaysia đưa ra yêu sách về thềm lục địa ở phía Nam Biển Đông vào thập niên 60, khi hai quốc gia này ký thỏa thuận phân ranh giới vào năm 1969, và khi Việt Nam Cộng Hòa đưa ra yêu sách đối với khu vực này vào năm 1971, Trung Quốc đã không hề phản đối. Phải đến tận thập niên 1990 Trung Quốc mới bắt đầu đưa ra yêu sách về thềm lục địa trong khu vực này. Vì vậy, ở phía Nam của Biển Đông, nếu như có bất cứ quyền lịch sử gì đối với thềm lục địa phía ngoài 12 hải lý tính từ các quần đảo có tranh chấp, thì Indonesia, Malaysia và Việt Nam là những nước có những quyền lịch sử đó chứ không phải Trung Quốc.

Cách diễn giải ít phi pháp nhất

Vì vậy, trong khi có thể tồn tại một số quyền hạn mà một quốc gia đạt được trong thời kỳ tiền UNCLOS trên vùng biển nằm giữa 12 và 200 hải lý có thể ảnh hưởng tới sự phân định ranh giới các khu vực có các quyền lợi đối kháng nhau trong thời kỳ hậu UNCLOS, điều đó cũng không biện minh được cho đường lưỡi bò, vì Trung Quốc đã không hề đạt được những quyền đó.
Kết luận lại, trong ba cách diễn giải về đường chữ U như cơ sở hay giới hạn của những yêu sách đối với toàn bộ vùng biển trong nó (bao gồm yêu sách về vùng nước lịch sử, yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, hay là yêu sách về quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên), không có cách diễn giải nào có đủ cơ sở pháp lý.
Cách diễn giải ít phi pháp nhất cho đường chữ U là đó chỉ là một yêu sách đối với các quần đảo bên trong đường đó. Tất nhiên dù cách diễn giải thứ nhất là ít phi pháp nhất thì cơ sở pháp lý của nó cũng vẫn yếu hơn cơ sở pháp lý của Việt Nam về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng đó là một đề tài khác. Vấn đề ở đây là cơ sở và phạm vi của bất kỳ yêu sách nào về quyền trên biển cần phải được bắt nguồn từ các quần đảo dựa theo UNCLOS và các phán quyết trước đó của tòa án về phân định biển, chứ không phải từ đường chữ U.
TS. Dương Danh Huy (bài tiếng Anh đăng trên Asia Sentinel)
Phạm Thanh Vân, Phan Văn Song (dịch)
http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/2980-duong-chu-u-cua-trung-quoc-o-bien-dong-phan-tich-bon-cach-dien-giai