Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

26. Đã tới lúc phải "cài đặt lại" quan hệ Mỹ-Trung?

Thời gian biểu chính trị của Mỹ và Trung Quốc đi theo chu kỳ khác nhau, song cứ hai thập kỷ một lần, sự chuyển đổi lãnh đạo của Trung Quốc lại diễn ra đồng thời với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu đối với cả hai nhà lãnh đạo là thiết lập lại phương hướng chung của mối quan hệ Mỹ-Trung
 
Hiện nay, với việc Tổng thống Barack Obama tái đắc cử và ông Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, hai nước có cơ hội chú tâm hơn vào mối quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo có thể không muốn "lớn giọng" về điều này, song họ sẽ phải thừa nhận rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang gặp rắc rối. Trong khi giá trị của đồng nhân dân tệ và tranh chấp thương mại đang trở thành tâm điểm chú ý thì nguyên nhân thực sự của mối quan hệ đang xấu đi này còn sâu sắc hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tình trạng mất niềm tin chiến lược giữa hai nước đã liên tục gia tăng trong 2 năm qua và đang tạo ra một vòng luẩn quẩn, mà nếu không nhanh chóng chấm dứt thì một cuộc cạnh tranh khốc liệt gây thiệt hại cho cả hai nước sẽ sớm trở thành sự thực. Oasinhtơn và Bắc Kinh đổ lỗi cho nhau về những căng thẳng ngày càng gia tăng. Chính quyền Obama tin rằng cần có biện pháp đối phó trước sự quyết đoán của Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ và việc hiện đại hóa quân đội nước này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng phản đối sự ủng hộ ngoại giao mà Mỹ dành cho Việt Nam, Philíppin và Nhật Bản trong các tranh chấp lãnh thổ của các nước này với Trung Quốc. Điểm quan trọng nhất là Bắc Kinh không hài lòng với cái gọi là "Tái cân bằng hướng tới châu Á" - kế hoạch của Oasinhtơn tăng cường các căn cứ hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Vì vậy, ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu đối với cả hai nhà lãnh đạo là thiết lập lại phương hướng chung của mối quan hệ Mỹ-Trung. Tất nhiên, trong bối cảnh quan hệ Trung-Nhật gần như đổ vỡ, Tập Cận Bình sẽ phải dành nỗ lực đáng kể để giải quyết căng thẳng với Tôkiô. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải nhận thức được hai thực tế đan xen. Đó là quan hệ Mỹ-Trung có vị trí quan trọng hơn nhiều vì các lợi ích dài hạn của Trung Quốc và việc chỉnh sửa mối quan hệ với Tôkiô tuy chỉ là bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng trong phương hướng chung đó. Hầu hết người ta đều tin rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc duy trì một mối quan hệ ổn định với Mỹ. Những nhận thức như vậy đã góp phần ngăn các cuộc khủng hoảng trong ba thập kỷ qua làm đổ vỡ hoàn toàn mối quan hệ giữa hai nước.
Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại thực dụng và cố tránh đối đầu với Mỹ. Tuy nhiên, việc duy trì hiện trạng "mong manh" này ngày càng trở nên khó khăn. Một số xu hướng như các thay đổi về tương quan quyền lực tương đối có lợi cho Trung Quốc, sự tập trung một phía vào khía cạnh quân sự của chính sách "Tái cân bằng hướng tới châu Á" của Mỹ, các tranh chấp lãnh thổ leo thang có thể lôi kéo Oasinhtơn can dự và việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc - nhân tố đang làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin lẫn nhau giữa hai nước. Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải bắt đầu "cài đặt lại" chính sách để khẳng định với chính quyền nhiệm kỳ thứ hai của Obama rằng Bắc Kinh tìm cách đặt quan hệ hai nước trên một nền tảng vững chắc hơn. 
Chính sách của Trung Quốc có thể bắt đầu thay đổi với các biện pháp cụ thể để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin. Nếu Tập Cận Bình thành công, ông sẽ có thể chứng minh rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề như vậy. Thành công này sẽ loại bỏ các động lực cơ bản nguy hiểm nhất trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Á. Không chỉ vậy, việc ổn định mối quan hệ an ninh với Mỹ vốn đang bị xói mòn cũng là điều mà chính quyền Trung Quốc cần chú ý. Điều này sẽ khó khăn bởi sự thiếu niềm tin chiến lược do các khác biệt cơ bản trong hệ thống chính trị hai nước. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể áp dụng các biện pháp quan trọng nhằm đảo ngược các động thái thù địch, như tiến hành các trao đổi quân sự Trung-Mỹ một cách có ý nghĩa và thực chất hơn, nhất trí về các quy tắc nhằm tránh các va chạm hải quân hoặc bắt đầu các cuộc đối thoại song phương về an ninh mạng để tránh những sự cố tai hại tiềm tàng. Bắc Kinh sẽ tiếp tục vấp phải thái độ hoài nghi từ Oasinhtơn. Tuy nhiên, nếu Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến với các đề xuất cụ thể, ông sẽ tìm thấy sự tiếp nhận từ chính quyền Obama. 
Để thay đổi nhận thức của Mỹ về vai trò lãnh đạo của mình, thành tố thứ ba của việc "cài đặt lại" chính sách của Tập Cận Bình là cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách chính trị. Sự thụt lùi có tính bảo thủ ở Trung Quốc trong thập kỷ qua là nguyên nhân sâu xa khiến mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng tồi tệ. Chắc chắn rằng việc "cài đặt lại" chính sách sẽ không nhanh chóng làm thay đổi bản chất của mối quan hệ Mỹ-Trung. Đây sẽ là một chặng đường dài hướng tới việc định hình uy tín, hình ảnh của Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quyết đoán và có tầm nhìn tương lai theo đuổi việc nuôi dưỡng một mối quan hệ song phương bền vững hơn với Oasinhtơn.
Tác giả Minxin Pei là Giáo sư về chính quyền tại Đại học Claremont McKenna và là thành viên cấp cao không thường trực của Quỹ German Marshall, Mỹ. Bài viết được đăng trên trang Nytimes.
Hương Trà (gt)