THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 2/11/2012
TTXVN (Hồng Công 1/11)
Chính phủ Trung Quốc vừa yêu cầu tiến hành các
cuộc đàm phán với Nhật Bản về những tranh chấp giữa hai nước này xung
quanh chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông, nhưng các
quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc lại thể hiện những phản ứng tham
chiến quyết liệt hơn. Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Công) số
ra ngày 28/10, giới phân tích cho rằng những sĩ quan có quan điểm diều
hâu thực sự là thách thức đối với các nhà lãnh đạo sắp lên nắm quyền tại
Trung Quốc.
Viên tướng diều hâu La Viện đã tuyên bố tại một
diễn đàn với sự tham dự của nhiều học giả hồi tháng trước ở Thâm Quyến
rằng một quốc gia mà không có tinh thần chiến tranh là một quốc gia
không có khát vọng. Trong khi đó các quan chức ở Bắc Kinh vẫn tiếp tục
kêu gọi thương lượng. Thiếu tướng La Viện đã nói về việc: triển khai
hàng trăm tàu cá nhằm chiến đấu trong một cuộc chiến dân quân hàng hải,
biến những hòn đảo không có người ở thành những địa điểm nằm trong phạm
vi ném bom; xé tan những thỏa thuận từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai
và chiếm lại lãnh thổ hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản
nhưng từ lâu Trung Quốc đã tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Những phát biểu của Tướng La Viện phản ánh một
thách thức đối với ban lãnh đạo Trung Quốc là giới quân sự đang ngày
càng gia tăng mong muốn thúc đẩy giới hạn chính thức của Đảng Cộng sản
Trung Quốc cầm quyền đối với các mối quan hệ ngoại giao, tuyên bố lãnh
thổ và thậm chí là cải cách chính quyền. Đó là một thách thức cần phải
xử lý thận trọng nếu như tiến trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo 10
năm mới diễn ra một lần của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới diễn ra
suôn sẻ với danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc và sự tín nhiệm của Đảng
Cộng sản Trung Quốc đều được đảm bảo.
Được ủng hộ bởi thực tế hiện là nước có ngân sách
quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung
Quốc (PLA) đang sẵn sàng chiến tranh với những trang bị mới và sự quyết
liệt ngày càng gia tăng. Điều đó gây nguy hiểm cho các nước láng giềng
như Nhật Bản, Việt Nam và Philíppin. Tất cả các nước này đều liên quan
đến tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với Trung Quốc tại các khu vực giàu
tài nguyên dầu mỏ, thúc đẩy Mỹ tăng cường thêm nhiều tài sản quân sự đến
khu vực. Chỉ huy lực lượng này sẽ là thế hệ các nhà lãnh đạo quân sự
mới tiếp quản quyền lực cùng thời điểm với các nhà lãnh đạo chính trị
thế hệ mới.
Có tới 7 thành viên Quân ủy Trung ương – cơ quan
quyền lực tối cao chỉ huy PLA – là quân nhân và sắp về hưu. Những thành
viên của Quân ủy Trung ương khóa mới được dự đoán là những người sẽ đòi
hỏi tiếng nói lớn hơn trong việc đưa ra những quyết sách và lập trường
cứng rắn hơn trong những cuộc tranh chấp với các nước láng giềng của
Trung Quốc.
Trong khi sự chỉ huy toàn diện của Chủ tịch Hồ
Cẩm Đào đối với các lực lượng vũ trang đã từng có thời điểm bị nghi ngờ,
thì người kế nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào – đương kim Phó Chủ tịch Tập Cận
Bình – có thể sẽ có khoảng thời gian chỉ huy các sĩ quan dễ thở hơn bởi
các mối quan hệ gần gũi hơn với nhiều nhân vật quân sự cấp cao thuộc phe
Thái tử – những người có quan hệ với các nhà lãnh đạo lão thành sáng
lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tập Cận Bình có thể phải chờ đợi. Chủ tịch Hồ Cẩm
Đào nhiều khả năng sẽ tìm cách nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương
thêm 2 năm nữa giống như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân đã làm. Bên
cạnh đó, 5 sĩ quan cấp cao được coi là trung thành với Hồ cẩm Đào đã
được thăng chức lên các vị trí hàng đầu, như Tư lệnh Không quân, Tổng
Tham mưu trưởng PLA… Điều đó có nghĩa là họ sẽ có chân trong Quân ủy
Trung ương khóa mới vào tháng tới.
Về mặt chính thức, Trung Quốc tán thành triết lý
“trỗi dậy hòa bình” nhấn mạnh hành động phòng thủ quân sự và giải pháp
thương lượng các tranh chấp. Tuy nhiên, thế hệ mới nhất các tàu chiến,
tàu ngầm, máy bay chiến đấu và sự phát triển tàu sân bay của PLA đã thể
hiện khả năng tiến hành các chiến dịch “xa nhà”.
Các sĩ quan có quan điểm diều hâu như La Viện có
nhiều “khán giả” theo dõi rộng rãi trong PLA và trong lòng công chúng
đang ngày càng gia tăng kêu gào về chủ nghĩa dân tộc và mất bình tĩnh
với một đảng cầm quyền bị xem là hay thổi phồng, thờ ơ lãnh đạm và tham
nhũng. Tướng La Viện, người có cha đẻ là một sĩ quan an ninh cấp cao của
Mao Trạch Đông, đã nhiều lần công khai đặt câu hỏi về tính đúng đắn của
thuyết “sự trỗi dậy hòa bình” và cảnh báo rằng thuyết này không ngăn
chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực để đòi các lợi ích của mình. Quan điểm
của họ đã tìm được những khán giả sẵn sàng ủng hộ thông qua các cuốn
sách, các trang web và thậm chí là cả truyền thông Nhà nước Trung Quốc.
Denny Roy, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc
và là nghiên cứu viên cấp cao thuộc Trung tâm Đông-Tây ở Haoai nhận định
rằng có một “cuộc chiến đấu gay go giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và
PLA. Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ không muốn làm ra vẻ cố gắng kiềm
chế một lập trường dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng được thể hiện phổ
biến bởi một nhân vật quân sự, điều có thể làm chuyển hướng sự giận dữ
của công chúng vào các nhà lãnh đạo dân sự”.
PLA với 2,3 triệu quân nhân về mặt kỹ thuật là
ngôi nhà quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc, về cơ bản trung thành với
Đảng Cộng sản Trung Quốc hơn là với dân tộc Trung Quốc. Sứ mệnh chính
của PLA là đảm bảo việc nắm giữ quyền lực của Đảng Cộng Sản Trung Quốc
như nó đã từng làm năm 1989 trong vụ đàn áp đẫm máu những người biểu
tình đòi dân chủ tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc
Kinh.
Không có sĩ quan quân đội nào công khai thách
thức sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, một số người
đã mắng nhiếc những quan chức tham nhũng và kêu gọi thực hiện một sắc
lệnh chính trị cởi mở khiến các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc
phải lo lắng. Trong số những sĩ quan dũng cảm nhất có Tướng Lưu Á Châu,
một nhân vật ủng hộ sự dân chủ lớn hơn.
Chiến lược gia quân sự kiêm sử gia Edward Luttwak
ở Oasinhtơn, người có quan hệ cá nhân với Tướng Lưu Á Châu nhận xét:
“Các sĩ quan cấp cao cảm thấy họ có quyền bày tỏ tiếng nói của mình bởi
vì họ tin rằng sự tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nâng cao vị
thế của PLA”.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2009 mang tên “Giấc
mơ Trung Quốc”, Đại tá Lưu Minh Phúc thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc
đã kêu gọi Trung Quốc lật đổ sự thống trị của Mỹ trong các mối quan hệ
quốc tế, cho rằng Trung Quốc đã có một sự lựa chọn quyết đoán giữa việc
trở thành một cường quốc xuất chúng đi tiên phong hoặc là một cường quốc
“bị bỏ lại đằng sau và bị loại bỏ”.
Những quan điểm này đã được hưởng ứng trong một
tác phẩm học thuật năm 2010 của Tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch
Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ. Tướng Lưu Nguyên đã kêu gọi Trung Quốc gạt sang
một bên sự kiềm chế và tiến hành chiến tranh trên nền tảng văn hóa hiện
đại. Trong cuốn sách này, Thượng tướng Lưu Nguyên viết: “Những thứ liên
quan đến chiến tranh là những thứ huy hoàng, tuyệt vời và thê lương
nhất”.
Những yêu cầu phỏng vấn Tướng La Viện và 3 viên tướng họ Lưu nói trên (không phải họ hàng thân thích) đều đã bị từ chối.
Nhiều nhà quan sát đã phát hiện khoảng trống rất
dễ nhận thấy giữa những quan điểm nổi bật hàng đầu và những thông báo
khoa trương của các sĩ quan kiểu này – hầu hết dựa trên nền tảng học
thuật – với những viên chỉ huy các đơn vị, những người nhận thức được
nhiều hơn về các hạn chế của PLA, cũng như là những nhà lãnh đạo quân sự
hàng đầu được coi là trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sarah McDowall, một chuyên gia nghiên cứu về
Trung Quốc thuộc Tạp chí Quốc phòng IHS Janes ở Anh, nhấn mạnh: “Tôi
muốn nhấn mạnh rằng toàn bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sử
dụng quyền lực đưa ra quyết sách về các vấn đề an ninh quốc gia.
PLA đã thể hiện cho thế giới thấy một bộ mặt thân
thiện hơn trong những năm gần đây, như các hoạt động phối hợp tuần tra
chống cướp biển ở châu Phi, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của
LHQ và cử một tàu bệnh viện tới vùng biển Caribê. Tuy nhiên, một vài
hoạt động trong số này có thể nghiêng nhiều về việc kiểm tra khả năng
hoạt động ngoài mặt trận xa hơn là hoạt động ngoại giao.
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo sắp tới của Trung
Quốc, được coi là đại diện cho một chủ nghĩa dân tộc có chiều hướng mạnh
mẽ mặc dù không cần phải gào thét. Các mối quan hệ của Tập Cận Bình với
quân đội trở nên êm ả nhờ những năm nhà lãnh đạo này khoác quân phục
trong vai trò Thư ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Cảnh Tiêu từ năm 1979
đến năm 1982 – cũng như việc nhà lãnh đạo này là con trai của Tập Trọng
Huân, một nhân vật nổi tiếng của Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục thể hiện thế lực
thống trị của họ thông qua số lượng lớn đại diện trong các cơ quan lớn.
Lực lượng này sẽ có 251 đại biểu tham dự Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung
Quốc, nhiều gấp 3 lần số đại biểu của tỉnh đông dân nhất Trung Quốc là
Hà Nam. Ảnh hưởng của quân đội đã đảm bảo việc chi ngân sách khổng lồ
cho các tài sản mới của lực lượng này, như chiếc máy bay chiến đấu tàng
hình đầu tiên do Trung Quốc sản xuất mang tên J-20.
Chuyên gia McDowall cho rằng ảnh hưởng của PLA đã
gia tăng trong những năm gần đây “là nhờ việc gia tăng phân bổ các
nguồn lực cho PLA” và PLA có một tiếng nói hậu trường lớn trong tiến
trình chuyển giao quyền lực chính trị trong năm nay. Trong khi đó,
chuyên gia quân sự Denny Roy nhận xét: “Các quan chức quân đội cấp cao
có thể cảm thấy rằng họ mềm yếu trong vòng kiềm tỏa và có thể phát biểu
một cách liều lĩnh” khi đất nước có sự thay đổi về củng cố chính trị.
Theo chuyên gia này, “đối với nhiều quân nhân Trung Quốc, những nhân vật
nổi bật với tiếng nói liều lĩnh này là những người hùng yêu nước”.