Toàn bộ đường lối chính trị đối nội của Trung Quốc là nhằm
mục tiêu “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”, xây dựng Trung Quốc thành “cường
quốc số 1” thế giới. Toàn bộ đường lối chính trị đối ngoại của Trung Quốc là
nhằm thiết lập “vị thế số 1” của Trung Quốc đối với toàn thế giới. Giữa chính
trị đối nội và chính trị đối ngoại có mối quan hệ biện chứng: Chính trị đối
ngoại phục vụ chính trị đối nội, và chính trị đối nội tạo điều kiện để thực
hiện chính trị đối ngoại. Nói một cách cụ thể hơn, chính sách đối ngoại của
Trung Quốc là nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, và đất nước lớn
mạnh sẽ tạo điều kiện nâng cao vị thế đối ngoại, của Trung Quốc đối với thế
giới. Lịch sử CHND Trung Hoa trong hơn 60 năm qua đã thể hiện cách giải quyết
mối quan hệ giữa chính trị đối nội và đối ngoại ở Trung Quốc. Hiện nay và trong
tương lai, Trung Quốc vẫn tiếp tục giải quyết mối quan hệ đó nhằm mục đích bảo
đảm cho sự trỗi dậy và nâng cao vị thế của Trung Quốc trên thế giới.
I. NHÌN LẠI QUAN HỆ GIỮA CHÍNH TRỊ ĐỐI NỘI VÀ CHÍNH TRỊ
ĐỐI NGOẠI Ở TRUNG QUỐC HƠN 60 NĂM QUA
Từ đầu thế kỷ trước, nhà cách mạng dân chủ tư sản Tôn Trung
Sơn đã giương cao ngọn cờ “đại phục hưng dân tộc Trung
Hoa” và cho rằng dân tộc Trung Hoa “là dân tộc ưu tú nhất thế giới”, Trung Quốc
phải trở thành cường quốc giàu mạnh nhất thế giới, đứng đầu thế giới. Sau khi
“cách mạng dân chủ mới” do Đảng Cộng sản lãnh đạo thành công, nước CHND Trung
Hoa ra đời, Chủ tịch Mao Trạch Đông cho rằng Trung Quốc phải “vượt qua nước Mỹ”
(một cách thể hiện mục tiêu trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới) mới có thể
“cống hiến lớn cho loài người”. “Cống
hiến lớn cho loài người” có hàm ý như thế nào, là một vấn đề không dễ giải
thích. Nói theo quan điểm của một tướng lĩnh Trung Quốc hiện nay thì đó là trở
thành “lãnh tụ thế giới” để “lãnh đạo thế giới”(1). Còn “lãnh đạo
thế giới” có hàm nghĩa như thế nào thì còn là vấn đề…
Trong quá trình “đại phục
hưng dân tộc Trung Hoa”, chính trị đối nội và chính trị đối ngoại Trung Quốc có
mối quan hệ tương tác biện chứng, diễn biến qua các thời kỳ. Trong hơn 60 năm
qua, Trung Quốc đã có ít nhất 6 lần điều chỉnh quan hệ chính trị đối ngoại và
chính trị đối nội.
Lần
thứ nhất
là khi nước CHND Trung Hoa ra đời, thực hiện chính sách đối ngoại “ngả về một
bên” (“nhất biên đảo”). Trước đó, trong chiến tranh chống Nhật, Đảng Cộng sản
Trung Quốc vừa hợp tác với Liên Xô vừa hợp tác với Mỹ. Nhưng sau khi chiến
tranh chống Nhật kết thúc, nội chiến Quốc – Cộng bùng nổ, Mỹ đã đứng về phía
chính quyền Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch chống lại Đảng Cộng sản. Sau khi
Đảng Cộng sản giành được chính quyền, Mỹ đã không công nhận nước CHND Trung
Hoa, thực hiện chính sách thù địch: Cô lập về ngoại giao, cấm vận về kinh tế,
uy hiếp về quân sự đối với Trung Quốc. Trong khi đó, Liên Xô đã hết lòng ủng hộ
và viện trợ cho CHND Trung Hoa về mọi phương diện: ngoại giao, kinh tế, an
ninh. Trong bối cảnh đó, Mao Trạch Đông đã tuyên bố “ngả về một bên”, tức là về
bên Liên Xô, cũng là về bên cộng đồng các nước XHCN. Còn đối với Mỹ và phương
Tây thì Trung Quốc kêu gọi “Vô sản trên toàn thế giới liên hợp lại! Vô sản toàn
thế giới cùng nhân dân bị áp bức, các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại, phản đối
chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động các nước, tranh thủ hòa bình thế giới, giải
phóng dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội, củng cố và tăng cường phe
XHCN, từng bước giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng thế giới của giai cấp
vô sản, xây dựng một thế giới mới không có chủ nghĩa đế quốc, không có chủ
nghĩa tư bản, không có chế độ bóc lột”. Lúc bấy giờ vai trò ý thức hệ đã thể
hiện rất rõ trong chính trị đối nội và chính trị đối ngoại của Trung Quốc.
Lần
thứ hai
là từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi Trung Quốc chuyển sang “cách mạng
văn hóa vô sản” và mâu thuẫn Trung – Xô bùng nổ. Ở trong nước, Mao Trạch Đông
cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc có 2 phái: phái cách mạng theo đường lối của
giai cấp vô sản, phán xét lại theo đường lối của giai cấp tư sản. Phái vô sản
phải làm “cách mạng văn hóa” giành lại chính quyền từ tay phái xét lại. Trên
thế giới, Mao Trạch Đông cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô là đảng xét lại, Liên
Xô là “đế quốc xã hội”. Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã tập hợp những phần tử
chống đối các Đảng Cộng sản truyền thống để thành lập các Đảng Cộng sản theo
đường lối chủ nghĩa Mao (có khoảng 20 đảng mới ở 20 nước). Trung Quốc đã coi
Liên Xô là “kẻ thù số 1” và liên kết với Mỹ để chống Liên Xô. Thuyết “ba thế
giới” đã ra đời trong bối cảnh đó và trở thành cơ sở để hình thành chiến lược
đối ngoại của Trung Quốc.
Lần
thứ ba là
lúc Trung Quốc chuyển sang cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, Đại hội XII Đảng
Cộng sản Trung Quốc (năm 1982) chủ trương chuyển sang “chính sách ngoại giao
hòa bình, độc lập, tự chủ”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ hai, đứng
đầu là Đặng Tiểu Bình, đã cho rằng thời đại cách mạng đã qua, Trung Quốc cần
bước vào thời đại xây dựng hiện đại hóa, cần một môi trường hòa bình thế giới và
bối cảnh ổn định, trong khu vực để tập trung phát triển kinh tế. Trung Quốc
không thể dựa vào một bên để chống lại một bên khác, mà phải “mở cửa” đối với
các bên phục vụ cho công cuộc “hiện đại hóa”.
Lần thứ tư là đầu những
năm 90 của thế kỷ trước, khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô giải thể, Mỹ và
phương Tây chuyển trọng tâm hoạt động chống Cộng từ châu Âu sang Đông Á, phong
trào XHCN thế giới gặp khó khăn lớn và rơi vào thoái trào. Lúc bấy giờ, lãnh tụ
Triều Tiên Kim Nhật Thành đề nghị Trung Quốc ra một bản Tuyên bố và lãnh đạo
phong trào XHCN thế giới tiếp tục chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc
Mỹ. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã không chấp nhận đề nghị đó, tuyên bố Trung Quốc
“không đối đầu, không cầm đầu” chống Mỹ, ngược lại tăng cường quan hệ hợp tác
với Mỹ và phương Tây, thực hiện sách lược “thế thủ” về chính trị đối ngoại để
tiếp tục thúc đẩy cải cách, mở cửa, hiện đại hóa, “giấu mình chờ thời”.
Lần
thứ năm là
vào khoảng cuối thế kỷ trước, đầu thế kỷ mới, các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ
ba và thứ tư của Trung Quốc (nhân vật tiêu biểu là Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào)
trong điều kiện Trung Quốc đã thu được những thành tựu lớn trong cải cách, phát
triển, trở thành cường quốc khu vực, đã chủ động đề ra chiến lược đối ngoại
toàn cầu nhằm vươn lên vị thế cường quốc thế giới. Đại hội XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đánh
giá tình hình quốc tế là cơ hội thuận lợi cho Trung Quốc trỗi dậy và đưa ra một
chiến lược đối ngoại tương đối toàn diện “đối với các nước phát triển”, đối với
“các nước láng giềng”, đối với “thế giới thứ ba” (các nước đang phát triển),
đối với “các hoạt động ngoại giao đa phương” (quốc tế và khu vực), đối với “các
chính đảng, các tổ chức chính trị các nước và khu vực”; đối với “ngoại giao
nhân dân” v.v…
Chuyển sang thập niên thứ hai
của thế kỷ XXI, chính trị đối nội và chính trị đối ngoại của Trung Quốc có
những diễn biến mới và sự điều chỉnh mới (lần thứ sáu đang diễn ra).
II.
QUAN HỆ GIỮA CHÍNH TRỊ ĐỐI NỘI VÀ CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI Ở TRUNG QUỐC HIỆN TẠI VÀ
TRIỂN VỌNG
Thập
niên đầu tiên của thế kỷ XXI là những năm tình hình quốc tế có nhiều biến động
lớn, sâu sắc và phức tạp chưa từng có. Đầu thập niên là sự kiện khủng bố quốc
tế 11 tháng 9 năm 2001. Cuối thập niên là khủng hoảng tài chính và suy thoái
kinh tế toàn cầu, biến động chính trị Bắc Phi và Trung Đông. Đây cũng là những
năm Trung Quốc trỗi dậy về kinh tế và quân sự chưa từng có, dấu mốc nổi trội
nhất là năm 2010 Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai
thế giới. Cán cân so sánh sức mạnh tổng hợp giữa các nước lớn trên thế giới đã
có sự thay đổi có lợi cho phía Trung Quốc. Và do vậy, đây cũng là những năm
tinh thần “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” lên cao và những ý tưởng vươn lên
thay Mỹ “lãnh đạo” thế giới của những nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung
Quốc thể hiện công khai chưa từng thấy. Trong khi đó, để duy trì và củng cố vị
thế siêu cường và sức mạnh áp đảo của mình, Mỹ đã quyết định chuyển trọng tâm
chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Quan hệ quốc tế mà trục chính
là quan hệ Trung – Mỹ trở nên phức tạp, mâu thuẫn và cạnh tranh địa – chính trị
giữa các nước lớn trở nên sâu sắc. Nếu trong những thời đại trước thì có thể đã
nổ ra chiến tranh thế giới, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế và vũ khí
hạt nhân thì khả năng đó hầu như không thể xảy ra. Vậy thì các nước lớn làm thế
nào để đạt được mục tiêu chiến lược trong cạnh tranh quốc tế?
Từ
nghiên cứu tình
hình Trung Quốc, có thể tìm hiểu cách giải quyết mối quan hệ giữa chính trị đối
nội và đối ngoại ở Trung Quốc thời gian vừa qua và xu thế từ nay tới khoảng
cuối thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI.
Có thể nói Trung Quốc đã đạt
được thành tựu rất lớn trong các lĩnh vực
kinh tế - quân sự - ngoại giao v.v… nhưng trong lĩnh vực chính trị thì đang
đứng trước một số vấn đề phức tạp. Mâu thuẫn xã hội, trong đó có mâu thuẫn giữa
các giai tầng xã hội, các nhóm lợi ích, giữa các dân tộc, tôn giáo, và đặc biệt
là giữa các khuynh hướng chính trị đã bộc lộ gay gắt và sâu sắc hơn bao giờ
hết. Trong sự phức tạp về tư tưởng chính trị hiện nay ở Trung Quốc nổi bật
nhất là chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Đảng Cộng sản Trung Quốc hô hào phát huy
tinh thần dân tộc để xây dựng đất nước. Diễn
văn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong Đại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHND
Trung Hoa đã kêu gọi nhân dân Trung Quốc “…Tiến lên phấn đấu thực hiện những
mục tiêu hùng vĩ của cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa…, bằng lao
động quên mình và phấn đấu không mệt mỏi, tiếp tục cống hiến mới hơn, lớn hơn
cho nhân loại”. Phát huy tinh thần dân tộc để xây dựng đất nước là điều cần thiết
và chính đáng đối với mọi quốc gia. Nhưng giữa tinh thần dân tộc chân chính với
chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ là một dải phân cách mỏng manh, nhất là đối với
các dân tộc lớn, các nước lớn. “Mục tiêu hùng vĩ của cuộc phục hưng vĩ đại của
dân tộc Trung Hoa” đề ra từ thời Tôn Trung Sơn, qua thời Mao Trạch Đông cho tới
ngày nay là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc “giàu mạnh nhất thế giới”
là nguyện vọng chính đáng và khí phách hào hùng của dân tộc Trung Hoa. Vấn đề
đặt ra ở đây là Trung Quốc trỗi dậy giàu mạnh như thế nào, và “cường quốc giàu
mạnh nhất thế giới” sẽ cống hiến gì cho nhân loại. Trung Quốc trỗi dậy để giàu
mạnh như thế nào, chúng ta sẽ tìm hiểu qua chiến lược đối nội đối ngoại của
Trung Quốc. Còn khi Trung Quốc đã trở thành “cường quốc số 1” giàu mạnh nhất
thế giới thì sẽ đối xử với cộng đồng quốc tế như thế nào thì còn phải đợi xem.
Nhưng ngay từ bây giờ đã có những luồng tư tưởng theo chủ nghĩa dân tộc đề xuất
những ý tưởng cực đoan. Giữa những năm 90 của thế kỷ trước đã có đề xuất về
“Đại chiến lược của Trung Quốc” là thành lập một “Đại Á châu” do Trung Quốc làm “hạt nhân”, tiến tới “Văn hóa phương Đông sẽ
trở thành chủ lưu của thế giới, Trung Quốc sẽ sử dụng thực lực kinh tế, trí tuệ
văn hóa để lãnh đạo thế giới mới. Trung Quốc là Trung Quốc của thế giới. Thế
giới là thế giới của Trung Quốc”. Còn tác giả “Trung Quốc mộng” gần đây cho
rằng mục tiêu của Trung Quốc trong thế kỷ XXI không chỉ là trở thành “cường
quốc” mà phải trở thành “lãnh tụ của thế giới”(4).
Trong bối cảnh tình hình
chính trị trong nước và tình hình chính trị quốc tế có những thay đổi sâu sắc
và phức tạp hiện nay, Trung Quốc sẽ kết hợp chính trị đối nội và chính trị đối
ngoại như thế nào? Từ tầm cao chiến lược lãnh đạo Trung Quốc trong những năm
qua, và trong những năm tới vẫn nỗ lực tranh thủ những nhân tố quốc tế có lợi
để thúc đẩy quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, tiến tới hoàn thành công cuộc
hiện đại hóa. Cách đây 10 năm, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, trong
Báo cáo chính trị tại Đại hội XVI ĐCS Trung Quốc đã đưa ra quan điểm “Nhìn về
toàn cục, 20 năm đầu của thế kỷ XX, đối với Trung Quốc là một thời kỳ cơ hội
chiến lược quan trọng cần phải nắm bắt và có thể làm được nhiều việc lớn”. Gần
đây, trong bài phát biểu ngày 23-7, Tổng
Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã đưa ra nhận định: “Phân tích tổng hợp
tình hình quốc tế và trong nước hiện nay cho thấy: Chúng ta đang đứng trước
những cơ hội chưa từng có, và cả những thách thức chưa từng thấy, nhưng sự phát
triển của nước ta vẫn ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, có thể làm
được nhiều việc lớn”. Từ nhận định trên, có thể dự báo là trong thời gian tới,
Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm bắt thời cơ đẩy mạnh công cuộc cải cách mở cửa,
hiện đại hóa đất nước, và “thống nhất Tổ quốc” (thống nhất với Đài Loan). Cũng
trong bài phát biểu trên, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng đã đề cập
vấn đề làm nổi bật “đặc sắc thực tiễn”, “đặc sắc lý luận”, “đặc sắc dân tộc” và
“đặc sắc thời đại” của “CNXH đặc sắc Trung Quốc”, và vấn đề “thúc đẩy cải cách
thể chế chính trị” ở Trung Quốc trong thời gian tới.
Trên cơ sở phân tích tình
hình quốc tế, tình hình Trung Quốc, và quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc như
trên, chúng ta có thể dự báo về cách giải quyết mối quan hệ giữa chính trị đối
nội và đối ngoại trong thời gian tới ở Trung Quốc (có thể là từ nay tới cuối
thập niên thứ hai của thế kỷ XXI) đại thể như sau:
(1) Trung Quốc vẫn kiên trì
chủ trương chiến lược tập trung nỗ lực vào công cuộc hiện đại hóa, và do đó cố
gắng duy trì trạng thái hòa bình thế giới và hợp tác quốc tế. Như vậy, sẽ không
có chiến tranh giữa Trung Quốc với các nước lớn, nhất là Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và cả
Đài Loan. Mặc dầu khó tránh khỏi những va chạm về kinh tế - thương mại, ngoại
giao, an ninh, đặc biệt là trong tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, nhưng qua
thương lượng, các bên sẽ giải quyết vấn đề mà không dẫn tới chiến tranh. Như
vậy không có nghĩa là cạnh tranh địa – chính trị giữa Trung Quốc với các nước
lớn sẽ giảm bớt, mà là do Trung Quốc muốn tranh thủ “thời kỳ cơ hội chiến lược
quan trọng”, trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh địa – chiến
lược quyết liệt và lâu dài với các đối thủ, chủ yếu là Mỹ. Còn về mâu thuẫn
giữa các chế độ chính trị - xã hội thì sẽ hòa hoãn dần, Trung Quốc không còn
mục tiêu “chống chủ nghĩa tư bản” ở các nước, còn Mỹ và các nước tư bản phương
Tây mặc dầu vẫn còn ý đồ thúc đẩy “diễn biến hòa bình” ở Trung Quốc, nhưng hoạt
động “chống cộng” của họ không còn như thời chiến tranh lạnh. Trong Diễn từ chào
mừng Vòng 4 “Đối thoại Trung – Mỹ về chiến lược và kinh tế”, Chủ tịch Hồ Cẩm
Đào đã kiến nghị cùng Mỹ “phát triển quan hệ nước lớn kiểu mới”.
(2) Cạnh tranh địa – chính
trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước lớn khác sẽ diễn ra gay gắt và phức tạp
tại các “khu vực ngoại vi”, tức là “các nước xung quanh”.
Trong cạnh tranh địa – chính
trị các nước lớn tránh xung đột trực diện, và do đó, cạnh tranh sẽ diễn ra
quyết liệt tại các khu vực ngoại vi”. Trong điều kiện có thể được các nước lớn sẽ trực tiếp uy
hiếp bành trướng thế lực tới các nước nhỏ, hoặc xúi giục và đứng sau các thế
lực đồng minh gây ra các cuộc xung đột tại các nước nhỏ. (Thực chất của tình
hình Syria hiện nay là cạnh tranh địa – chính trị giữa Mỹ - Nga, Trung…). Về
phần mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ để duy trì chế độ chính trị Bắc
Triều Tiên, tiếp tục gây sức ép với Philippin và Việt Nam trên Biển Đông, phân
hóa ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc, cạnh tranh vừa quyết liệt vừa khôn
ngoan với Mỹ tại châu Phi và Trung Đông.
(3) Màu sắc chính trị (ý thức
hệ, chế độ chính trị) trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ tiếp tục mờ
nhạt. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại các nước có chế độ đa đảng, đa
nguyên chính trị cũng phản ánh xu thế đó. (Trung Quốc trong hoạt động ngoại
giao chính đảng, chỉ có quan hệ với các đảng cầm quyền).
(4) Chính trị đối nội của
Trung Quốc, trong một số trường hợp đã phát triển theo hướng phù hợp với chính
trị đối ngoại. Trong quá trình mở cửa, nhiều trào lưu tư tưởng chính trị phương
Tây cũng đã du nhập Trung Quốc. Trung Quốc đã có những cải cách về thể chế
chính trị để phù hợp với quan hệ đối ngoại, nhất là trong lĩnh vực dân chủ,
nhân quyền, tổ chức bộ máy hành chính… (Tổng Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước là
một ví dụ. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm về mô hình “tam quyền phân lập” trong
cơ cấu hệ thống chính trị, bắt đầu ở Thâm Quyến).
(5) “Một nước hai chế độ”
được thực hiện ở HồngKông và Ma Cao cũng là một sự thể hiện cách giải quyết mối
quan hệ đối nội và đối ngoại ở Trung Quốc. Tất nhiên hai “đặc khu hành chính”
HongKong và Ma Cao không còn thuần túy là “chủ nghĩa tư bản” như trước khi
Trung Quốc thu hồi chủ quyền nữa, nhưng nó cũng khác với đơn vị hành chính tại
Trung Quốc lục địa.
Tóm
lại,
chính trị đối nội của nước CHND Trung Hoa về hình thức là mâu thuẫn với chính
trị đối ngoại (mâu thuẫn giữa chính trị XHCN với chính trị TBCN), nhưng về thực
chất là không mâu thuẫn, bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kết hợp chính trị
đối nội và chính trị đối ngoại trên cơ sở lợi ích quốc gia. Có thể nói đó là
một trong những đặc điểm của “CNXH đặc sắc Trung Quốc”. Việt Nam cần đi sâu
nghiên cứu để nhận thức rõ hơn về bản chất đường lối đối ngoại của Trung Quốc
và có sự ứng xử thích hợp.
PGS. Nguyễn Huy Quý