Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc ở
trong tình trạng đối đầu bởi ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh Xô – Mỹ, và
do ảnh hưởng của những yếu tố nội tại của mỗi quốc gia. Chính vì vậy,
cho đến năm 1972, dù không ít lần lãnh đạo hai nước đã tìm cách thiết
lập quan hệ ngoại giao để thực hiện những toan tính riêng của mỗi bên
nhưng không vượt qua được những rào cản khách quan và chủ quan. Ngày
29-9-1972, khi Thủ tướng Nhật Bản Tanaka Kakuei và Thủ tướng Trung Quốc
Chu Ân Lai đặt bút vào kí bản Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại
giao, quan hệ Nhật – Trung đã bước sang một trang mới.
Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Trung Quốc
Trong
phần mở đầu của Tuyên bố chung có viết: “Phía Nhật Bản cảm nhận trách
nhiệm và bày tỏ lòng ân hận sâu sắc vì trước đây trong chiến tranh đã
gây tổn thất nặng nề cho nhân dân Trung Quốc”[1].
Nội dung của bản Tuyên bố chung này gồm 9 điểm như sau[2]|:
- Tình trạng không bình thường giữa Nhật Bản và Trung Quốc kết thúc kể từ thời điểm bản Tuyên bố chung này được công bố.
- Chính phủ Nhật Bản công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc.
- Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản thấu hiểu, tôn trọng lập trường nói trên của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và kiên định giữ vững lập trường dựa vào điều 8 của Tuyên bố Posdam.
- Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ ngày 29-9-1972 v.v...hai bên tiến hành thiết lập Đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước, tiến hành trao đổi Đại sứ trong thời gian sớm nhất.
- Vì tình hữu nghị của nhân dân hai nước, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố xóa bỏ yêu cầu bồi thường chiến tranh đối với Nhật Bản.
- Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí xây dựng mối quan hệ hòa bình hữu nghị Nhật- Trung dựa trên năm nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình. Chính phủ hai nước thống nhất giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
- Việc bình thường hóa mối quan hệ Nhật - Trung không nhằm vào nước thứ ba, không có mưu đồ bá quyền ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, phản đối bất cứ một quốc gia nào hay một thế lực nào có ý định thiết lập bá quyền.
- Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ hòa bình hữu nghị giữa hai quốc gia, hai bên sẽ tiến hành đàm phán tiến tới kí kết Hiệp định Hòa bình hữu nghị.
- Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và chính phủ Nhật Bản nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ tiến hành đàm phán đi tới kí kết các Hiệp định thương mại, hàng không, ngư nghiệp v.v...
Ý nghĩa của bản Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao đối với Nhật Bản và Trung Quốc
-
Đánh dấu sự chấm hết cho tình trạng thù địch giữa hai nước kéo dài một
phần tư thế kỷ. Thiết lập quan hệ ngoại giao là thực hiện nguyện vọng
chính đáng của nhân dân hai nước đồng thời mở ra một trang lịch sử mới
trong quan hệ giữa hai nước, tạo ra cơ sở pháp lý để phát triển mối quan
hệ ngoại giao giữa hai quốc gia.
- Thiết lập quan hệ ngoại giao
với Trung Quốc, Nhật Bản có cơ hội để nâng cao vị thế của mình trên
trường quốc tế nói chung và khu vực Đông Á nói riêng, góp phần cải thiện
hình ảnh của một quốc gia quân phiệt hiếu chiến trong Chiến tranh Thế
giới lần thứ II, phát huy ảnh hưởng chính trị trong khu vực và trên thế
giới. Về an ninh, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc là cũng phần
nào giảm bớt mối đe dọa từ phía Trung Quốc, nhất là từ khi Trung Quốc
tuyên bố thử thành công bom nguyên tử, tuy Nhật Bản nằm trong “chiếc ô”
bảo vệ của Mỹ. Trên phương diện kinh tế, đây là cơ hội để các doanh
nghiệp Nhật Bản từng bước tiếp xúc và xâm nhập vào thị trường khổng lồ
và giàu tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc.
- Thiết lập quan hệ
ngoại giao với Nhật Bản, Trung Quốc đã thoát ra khỏi tình trạng bị cô
lập về ngoại giao và kinh tế, tăng cường sức ép với chính quyền Đài
Loan, nâng cao vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên trường quốc
tế. Thông qua Nhật Bản, Trung Quốc có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn
và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh
tế đất nước.
- Sự kiện hai nước Nhật - Trung có chế độ chính trị
xã hội khác nhau và trình độ kinh tế rất xa nhau, lại có quá khứ thù
địch, nhưng thực hiện được bình thường hóa quan hệ đã góp phần giảm bớt
sự căng thẳng của môi trường Chiến tranh Lạnh tại thời điểm này, tạo nên
một môi trường hòa bình thân thiện hơn ở khu vực Đông Á nói riêng và
trên thế giới nói chung.
Thực hiện: Trần Hoàng Long, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.
[1] Mouri Kazuko (2006), Quan hệ Nhật – Trung từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II tới nay, Nhà xuất bản Iwanami,tr 75.
[2] http://www.mofa.go.jp/mofaj/area/china/nc_seimei.html,日本国政府と中華人民共和国政府の共同声明