Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

104. Úc – Nhật và an ninh khu vực

Trong khi việc xây dựng một đồng minh chính thức sẽ cần nhiều thời gian thì xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản là điều thực tế và hiệu quả mà Úc có thể đóng góp cho an ninh khu vực.

 
Hugh White, cựu cố vấn Công đảng và cựu quan chức quốc phòng mới đây kêu gọi Úc tạm ngưng việc xúc tiến xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản vì cho rằng việc xúc tiến xây dựng quan hệ đồng minh chiến lược với Nhật Bản sẽ khiến Úc phải lựa chọn đứng về phía chống lại Trung Quốc, có thể bị lôi kéo vào xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku-Điếu Ngư và những nguy cơ như vậy sẽ phủ bóng lên những lợi ích có thể có của Úc.
Tuy nhiên, thực tế là, thứ nhất, ở giai đoạn hiện nay chưa hề có dự kiến về việc ký kết một liên minh quân sự giữa Úc và Nhật Bản. Một liên minh như vậy chưa hề được thảo luận ở các cuộc gặp cấp Bộ trưởng gần đây và phải mất hàng năm trời trước khi ý tưởng này trở thành hiện thực. Hai là, việc theo đuổi hợp tác quốc phòng với Nhật Bản chưa bao giờ được đặt ở vị trí đánh đổi với quan hệ của Úc với Trung Quốc. Ba là, phát triển quan hệ quân sự với Nhật Bản không phải là sự đường đột mà là kết quả của các chính sách thận trọng và những phát triển song phương gần đây với mục tiêu tăng cường an ninh khu vực chứ không phải làm suy yếu nó. Bốn là, mối quan hệ này phát triển đồng thời cùng với quan hệ sâu sắc hơn giữa Úc và nhiều nước châu Á khác. Quan hệ quân sự giữa Úc và Nhật Bản phát triển trong thời gian gần đây nhưng từ mức rất thấp do hạn chế của hiến pháp Nhật Bản và mới dừng ở việc hợp tác trong các hoạt động tại Iraq, giữ gìn hòa bình tại Sudan; đối thoại chiến lược gần gũi hơn và các hoạt động diễn tập hải quân chỉ tập trung vào cứu trợ thiên tai và đáp ứng nhân đạo. Hai nước cũng mới ở bước khởi đầu trong việc thảo luận về hợp tác công nghệ và công nghiệp quốc phòng.
Sau bầu cử Quốc hội lần này, có thể Nhật Bản sẽ có một số nới lỏng trong hạn chế hợp tác quốc phòng kể từ sau Chiến tranh Thế Giới lần II với việc đổi tên Lực lượng Phòng vệ thành Lực lượng Quốc phòng Nhật Bản và khả năng các đơn vị quân đội có quyền bắn trả nếu bị tấn công.
Lợi ích của Úc là khuyến khích sự phát triển của một Nhật Bản thực tế hơn, có khả năng hợp tác với các nước bạn bè và có những đóng góp thực tế vào an ninh châu Á. Sau 70 năm phát triển thể chế dân chủ ổn định và những biện pháp giới hạn khắc nghiệt nhất trong việc sử dụng lực lượng quân sự, nguy cơ từ Nhật Bản đối với khu vực không còn là sự quân phiệt hóa mà là khả năng Nhật Bản sẽ thất bại trong việc có ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình an ninh khu vực.
Vậy cách tốt nhất cho Nhật Bản trỗi dậy trở thành một nhân tố bình thường hơn đóng góp vào an ninh khu vực là gì? Trong cuốn “Sự lựa chọn Trung Quốc”, White cho rằng Nhật Bản nên tách mình ra khỏi Mỹ và tự mình trở thành một cường quốc, với ám chỉ rằng các cường quốc cần có vũ khí hạt nhân như một yêu cầu tối thiểu để thành lập một “tổ hợp châu Á”, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ để có thể giữ cho khu vực hòa bình.
Thẳng thắn mà nói, việc Nhật Bản tách ra khỏi Mỹ và phát triển năng lực hạt nhân không phải là lợi ích của Úc. Cách tốt hơn là khuyến khích Nhật Bản trở thành một nhân tố mạnh phi hạt nhân, là đồng minh của Mỹ; phát triển quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với các nước bạn bè và đóng góp vào an ninh khu vực. Quan hệ quốc phòng Úc - Nhật Bản sẽ mang tính ổn định, có trách nhiệm và không đe dọa. Đây là cách thức tốt nhất và là cơ chế mở đầu để Nhật Bản xác định lợi ích chiến lược của mình cũng như hành động trong những xung đột khu vực tiềm tàng.
Điều tất yếu là sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc sẽ tạo tiền đề cho những suy tính an ninh trong khu vực nhưng sẽ hoàn toàn sai nếu cho rằng hợp tác quốc phòng Úc - Mỹ hoặc Úc - Nhật Bản sẽ ngưng lại trong khi chờ xem Trung Quốc phát triển thành loại cường quốc nào. Xét từ góc độ của Bắc Kinh thì Trung Quốc không hề muốn thấy sự phát triển nào trong các mối quan hệ kể trên vì Trung Quốc muốn ít bị kiềm chế nhất trong việc triển khai lực lượng quân sự của mình. Trong thập kỷ tới, nhiệm vụ cho Úc, Nhật Bản và mọi quốc gia khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là thuyết phục Trung Quốc rằng lợi ích của Trung Quốc sẽ được bảo đảm tốt nhất khi hội nhập cùng khu vực thay vì xây dựng một khả năng quân sự khiến Trung Quốc bị đơn phương cô lập với khu vực. Để làm được điều đó sẽ cần tạo không gian cho Trung Quốc theo đuổi vai trò quốc tế ngày càng tăng, nhưng với Úc, cũng cần khẳng định chắc chắn ưu tiên chiến lược của mình và cũng không nên vội vàng phán đoán rằng Trung Quốc sẽ không hài lòng với các lợi ích quốc phòng cốt lõi của Úc. Trong khi việc xây dựng một đồng minh chính thức sẽ cần nhiều thời gian thì xây dựng quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản là điều thực tế và hiệu quả mà Úc có thể đóng góp cho an ninh khu vực. Nó sẽ tạo cho Nhật Bản sự tự tin mà không cần những hành động đơn phương có thể gây lo ngại cho các nước láng giềng và tạo cho Úc triển vọng hợp tác công nghệ để củng cố khả năng quốc phòng. Thay vì tạm ngưng, Úc nên đẩy mạnh việc xây dựng mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn với Nhật Bản./.
Tác giả Peter Jennings là Giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc và nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Úc. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang The Australian.
Hương Trà (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3224-uc--nht-va-an-ninh-khu-vc