Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

70. Những tranh cãi liên quan tới vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản- Trung Quốc trong giai đoạn Thủ tướng Koizumi cầm quyền (2001-2006)

Koizumi Junichiro là một trong những vị Thủ tướng thành công nhất của Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Với tài chèo lái của mình, Thủ tướng Koizumi không những đã đưa nước Nhật ra khỏi cơn suy thoái kinh tế kéo dài, mà còn đem đến cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc một luồng sinh khí mới. Cũng chính trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi(2001-2006), mối quan hệ Nhật – Trung tuy “nóng “ về kinh tế, nhưng “lạnh” trong quan hệ chính trị và rơi vào tình trạng xấu nhất kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1972)[1]. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia này xuất phát từ những vấn đề lịch sử.
1. Vấn đề đền Yasukuni
Từ khi lên nhậm chức vào tháng 4-2001, Thủ tướng Koizumi đã có 6 lần đến viếng thăm đền Yasukuni (được xây dựng vào năm 1869). Mặc dù ông Koizumi nhiều lần nói rằng các chuyến thăm của ông không nhằm mục đích ca ngợi quá khứ chiến tranh của Nhật Bản và bác bỏ mọi sự chỉ trích từ phía Trung Quốc, nhưng phía Trung Quốc cho rằng ngôi đền này là biểu tượng của Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản nên luôn tỏ thái độ phản đối. Đối với Nhật Bản, ngôi đền là nơi thờ cúng những binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đất nước[2]. Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II, nơi đây thờ 2,5 triệu người Nhật Bản chết trong chiến tranh, trong đó bao gồm cả 14 tội phạm chiến tranh loại A trong Thế chiến thứ II. Đối với Trung Quốc, ngôi đền Yasukuni gợi lên trong tâm trí người Trung Quốc những ký ức đau buồn về chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Tranh cãi liên quan vấn đề này đã lên tới đỉnh điểm trong nhiệm kỳ của Thủ tướng chính phủ Koizumi Junchiro cầm quyền. Trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do tháng 4-2001, ông Koizumi thông báo sẽ thăm đền Yasukuni. Ngay lập tức, Trung Quốc gây sức ép với ông Koizumi, và ngày 25-6-2001, Đại sứ Trung Quốc ở Tôkyô yêu cầu Thủ tướng Nhật suy nghĩ lại. Khi các nhà lãnh đạo liên minh cầm quyền Nhật Bản đến Bắc Kinh ngày 10-7-2001, Chủ tịch Giang Trạch Dân bày tỏ sự quan ngại. Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Triền đề nghị Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó, bà Tanaka Makiko“hãy ngăn cản cuộc viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Koizumi"[3], khi hai người hội đàm với nhau vào tháng 5-2001. Ông Đường Gia Triền còn bày tỏ sự nghi ngại với một chính khách quan trọng của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản là Nokana Himoru tại Bắc Kinh. Mặc dù vậy, vào ngày 13-8-2001, ông Koizumi vẫn đến thăm đền Yasukuni. Bộ ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo phản đối kịch liệt vụ việc này. Các chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Koizumi hàng năm trong thời gian ông cầm quyền đều gây nên sóng gió trong quan hệ giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này.
Theo các nhà phân tích nước ngoài, việc viếng đền Yasukuni của ông Koizumi "làm đóng băng tình cảm ở cả hai nước và có thể dẫn tới sự rắc rối lâu dài", thậm chí có người cho rằng "vấn đề đền Yasukuni diễn biến theo hướng làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc, đã kích động tình cảm chủ nghĩa dân tộc và làm cho vấn đề càng trở nên khó giải quyết[4].Vấn đề đền Yasukuni tác động ra sao trong quan hệ chính trị của Nhật Bản đối với các nước khác?
Mặc dầu nhiều chính trị gia Nhật Bản tin rằng đền Yasukuni là vấn đề nội bộ nhưng thực ra nó tác động đáng kể đến chính sách đối ngoại của nước này. Trong nỗ lực giành một nghế thường trực ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cuộc tranh cãi về đền Yasukuni chắc chắn đã gây bất lợi cho Nhật Bản, và Trung Quốc với quyền phủ quyết đã ngăn trở điều đó. Thứ hai, vấn đề đó đã gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã nhiều lần từ chối tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao với Nhật Bản, gây trở ngại trong việc cải thiện quan hệ song phương của Nhật Bản với Trung Quốc.
2. Trung Quốc phản đối sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản
Ngày 5-4-2005, Nhật Bản cho phép các trường học chính thức sử dụng một trong 8 cuốn sách giáo khoa lịch sử bị phía Trung Quốc phê phán vào năm 2001. Phía Trung Quốc đã cho triệu Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đến để phản đối. Đại sứ của Trung Quốc tại Nhật Bản trong cuộc gặp Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Shotaro Yachi cho biết: “Cuốn sách giáo khoa của Nhà xuất bản Fushosha đã xuyên tạc lịch sử và làm tổn thương nhiều người dân Châu Á, trong đó có người dân Trung Quốc”[5]. Phía Trung Quốc cho rằng, những nội dung trong cuốn sách giáo khoa đó tô hồng quá khứ thời quân phiệt Nhật Bản, không dùng từ xâm lược khi nhắc đến cuộc chiếm đóng quân sự đối với với các nước Châu Á. Vụ thảm sát Nam Kinh do quân đội Nhật Bản gây ra từ tháng 12-1937 đến tháng 3-1938 chỉ được gọi là một vụ việc trong đó rất nhiều người Trung Quốc bị giết. Trung Quốc khẳng định, trong vụ thảm sát Nam Kinh đã có 300.000 người bị giết hại, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em[6]. Phía Nhật Bản thì cho rằng, Trung Quốc luôn ra sức thổi phồng những vấn đề lịch sử và không nhất thiết phải đưa tất cả tội lỗi của Nhật Bản trong thời kì chiến tranh vào sách giáo khoa vì nó không có tác dụng nâng cao lòng tự tôn dân tộc cho học sinh Nhật Bản. Tuy chịu sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, Nhật Bản vẫn cho xuất bản bộ sách giáo khoa trên và lưu hành trong các trường phổ thông kể từ tháng 4-2006.
Việc Thủ tướng Koizumi đến thăm đền Yasukuni, vấn đề lưu hành sách giáo khoa lịch sử của Nhật Bản không chỉ thể hiện quan điểm cá nhân đối ngoại cứng rắn của Thủ tướng Koizumi đối với Trung Quốc, mà còn có nhìn nhận cho rằng đây là hiện tượng chính trị xã hội Nhật Bản trong giai đoạn này, tức là lực lượng phái hữu có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc chiếm ưu thế. Lực lượng này hiện hữu trong các tầng lớp nhân dân - lực lượng cử tri ủng hộ đảng LDP cầm quyền.
Tóm lại, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Koizumi, mối quan hệ Nhật – Trung tuy “nóng “ về kinh tế, nhưng “ lạnh giá” trong quan hệ chính trị. Cặp quan hệ này luôn chứa đựng yếu tố kép. Một mặt, tính nhị nguyên tạo nhân tố tích cực cho sự phụ thuộc lẫn nhau ngày một cao hơn (lợi ích kinh tế) và đồng thời ở một khía cạnh khác xuất hiện những căng thẳng trong quan hệ an ninh chính trị giữa hai quốc gia. Nhưng các lợi ích kinh tế của cả hai phía được dùng như là “chất keo tự nhiên” gắn kết giữ mối quan hệ hữu nghị và duy trì các quan hệ hòa bình giữa hai quốc gia quan trọng ở Đông Bắc Á này.

Thực hiện: Trần Hoàng Long, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.


[1] http://www.rieti.go.jp/users/china-tr/jp/061011ntyu.htm,安倍訪中で改善する日中関係「政治と経済の両輪の作動」に向けて, 経済産業研究所 コンサルティングフェロー 関志雄.
[2] http://ja.wikipedia.org/wiki/%E9%9D%96%E5%9B%BD%E7%A5%9E%E7%A4%BE%E5%95%8F%E9%A1%8C,靖国神社問題.
[4] TTXVN, TLTKĐB ngày 17-2-2005, Những “Nấc thang nước lớn quân sự” và chiến lược ngoại giao của Koizumi, tr. 12.
[5] http://vnn.vn/thegioi/tintuc/2005/04/406309/