Sự chuẩn bị trên nhiều cấp độ sẽ được đặt ra để đạt được sự thống
nhất hai miền Nam - Bắc KOREA. Nhưng, trước khi thực hiện được bất cứ
điều gì, người dân ở cả hai miền phải được thuyết phục rằng họ sẽ được
sống một cuộc sống tốt hơn sau khi thống nhất đất nước. Thái độ của họ
sẽ là nền tảng đối với khả năng, biện pháp và quá trình lập lại mối quan
hệ hữu hảo như đã thấy trong kinh nghiệm thống nhất nước Đức.
I. So sánh những kỳ vọng về thống nhất
Để hiểu những giá trị và thái độ đối với sự thống nhất hai miền
Korea, nghiên cứu này so sánh và phân tích những cuộc điều tra được thực
hiện bởi Gallup Korea theo yêu cầu của Viện Nghiên cứu Hoà bình và
Thống nhất, Đại học Quốc gia Seoul. Các cuộc điều tra này được thực hiện
từ năm 2007 đến 2011, tổng cộng là 1200 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ
19 đến 65 và cư trú trên toàn đất nước đã trả lời. Đối với dữ liệu về
Triều Tiên, 296 người Triều Tiên bỏ trốn sang định cư ở miền Nam được
phỏng vấn vào năm 2008, 370 người khác được phỏng vấn năm 2009 và thêm
114 người được phỏng vấn năm 2011.
1. Mong muốn thống nhất đất nước
Lòng mong muốn thống nhất giữa hai miền Nam và Bắc khác nhau nhiều.
Câu hỏi “bạn có muốn tái thống nhất đất nước không?” thì 53,7% người Hàn
Quốc nói “có”, trong khi đó, 99,1% người Triều Tiên nói là “có”. Tỷ lệ
phần trăm trong phạm trù “được” là 95,5% người Triều Tiên, nhưng trong
số những người Hàn Quốc chỉ là 28,7%. Ở Hàn Quốc, 21,3% có quan điểm
tiêu cực về sự cần thiết thống nhất đất nước và 25% là không cam kết.
Trong số người miền Bắc có ít hơn 1% đã phản đối sự thống nhất và không
trốn tránh câu trả lời rõ ràng. Thống nhất là một mục tiêu tự nhiên và
có một mong muốn về mặt xã hội rõ ràng cho sự thống nhất ở miền Bắc.
Sự khác biệt nêu trên đã nhất quán trong nhiều năm qua. Thái độ trả
lời “được” đối với tái thống nhất ở Hàn Quốc trong năm 2008 chiếm
51,6%, năm 2009 là 55,8% và 53,7% trong năm 2011. Trong khi đó người
Triều Tiên là 95,2% năm 2008, 97% năm 2009, và 99,1% trong năm 2011. Ở
Hàn Quốc, cho đến những năm 1990, tỷ lệ phần trăm người dân muốn thống
nhất đất nước cao hơn nhiều (lên đến 91,6%), làm giảm nỗi đau của những
gia đình bị chia cắt (11%) và làm cho Hàn Quốc bình an trở lại (59%).
Nhưng kể từ năm 2000, mong muốn thống nhất đất nước đã giảm ở Hàn Quốc.
Trong số những người Hàn Quốc muốn tái thống nhất đã có lý do thực tế
như ngăn chặn một cuộc chiến tranh (27,3%) và được xếp ngang với các
nước tiên tiến (17%). Tái thống nhất là một cái gì đó mà người Triều
Tiên coi là hoàn toàn cần thiết, được cho là từ tình cảm dân tộc chủ
nghĩa mạnh mẽ cộng với một cảm giác không thể tránh khỏi.
Biểu đồ 1: Mong muốn thống nhất
2. Thời điểm được kỳ vọng tái thống nhất
Có một sự khác biệt lớn trong quan điểm về thời gian tái thống nhất.
Hầu hết người Hàn Quốc hình dung từ 20 đến 30 năm. Trong cuộc điều tra
năm 2011, có 2,5% người Hàn Quốc cho là mất 5 năm tái thống nhất và
16,3% cho rằng phải lên đến 10 năm. Những người cho rằng điều đó xảy ra
trong vòng 20 năm chiếm 26,1%, trong khi đó, 14% cho rằng tái thống
nhất trong vòng 30 năm. Khoảng 19,8% đưa ra con số hơn 30 năm và 21,3%
tin rằng tái thống nhất là không thể. Tóm lại, hơn một nửa số người Hàn
Quốc tin rằng tái thống nhất là không thể trong vòng 20 năm tới.
Trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Lee Myung-bak, phần lớn người Hàn
Quốc đã nghĩ rằng một chặng đường dài hơn để tái thống nhất đất nước
hoặc cảm thấy điều đó là không thể. Những người có quan điểm này tăng
từ 13,3% năm 2007 lên 22,3% trong năm 2008, năm đầu tiên dưới nhiệm kỳ
của ông Lee. Còn phía những người cho rằng "không thể" tăng lên đến
29,8% trong năm 2009 và sau đó giảm xuống còn 20,6% trong năm 2010 và
21,3% vào năm 2011. Bầu không khí này xuất hiện phù hợp với bối cảnh
một du khách Hàn Quốc bị binh sĩ Triều Tiên bắn chết tại khu nghỉ mát
núi Kim Cương cuối năm 2008 và việc giam giữ các nhà chức trách Triều
Tiên của nhân viên Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong. Tuy nhiên, vụ
chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc trong một cuộc tấn công vô cớ của ngư lôi
Triều Tiên và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong ở Biển Tây năm 2010, không làm
tăng một cách đặt biệt sự bi quan ở Hàn Quốc về triển vọng tái thống
nhất.
Biểu đồ 2: Thời điểm được kỳ vọng tái thống nhất (so sánh giữa hai miền Nam - Bắc)
Ngược lại, người Triều Tiên đã đưa ra thời điểm tương đối ngắn cho
việc tái thống nhất. Cuộc điều tra năm 2011 cho thấy 18,9% tin vào tái
thống nhất trong vòng 5 năm và 29,7% trong vòng 10 năm. Mặt khác, chỉ
14,4% tin tái thống nhất sẽ đến trong vòng 20 năm, 2,7% trong vòng 30
năm và 7,2% sau 30 năm hoặc hơn nữa. Người Triều Tiên (27%) tin tái
thống nhất là không thể nhiều hơn so với ở Hàn Quốc là 21,3%.
Nhìn chung, trong những năm gần đây, người Triều Tiên đã cho thấy một
xu hướng mở rộng triển vọng của họ cho sự tái thống nhất, thậm chí với
một tỷ lệ phần trăm cao hơn cho sự không thể thực hiện được so với Hàn
Quốc, có lẽ là do chịu ảnh hưởng của mối quan hệ căng thẳng kéo dài giữa
hai miền. Rõ ràng rằng, những cuộc xung đột giữa miền Bắc và Nam làm
tăng quan điểm tiêu cực về thống nhất đất nước.
3. Những kỳ vọng về lợi ích của sự tái thống nhất
Nhân dân hai miền đã cho thấy sự khác biệt rõ nét những kỳ vọng của
họ về lợi ích của sự thống nhất giống như lòng khát khao của họ đối với
vấn đề đó. Ở Hàn Quốc, 50,7% có kỳ vọng tích cực, trong khi đó, 49,3% có
quan điểm tiêu cực. Về mặt cá nhân, chỉ 27,8% tin rằng thống nhất đất
nước sẽ có lợi, phần còn lại cho thấy không có lợi đối với họ.
Người Triều Tiên có những mong đợi mạnh mẽ về lợi ích của việc thống
nhất. Hỏi về lợi ích từ sự thống nhất, 91,1% có câu trả lời tích cực và
8,9% là tiêu cực. Về mặt lợi ích cá nhân, 95,6% là tích cực và còn lại
là tiêu cực. Trong khi đó, người Hàn Quốc tin rằng, thống nhất đất nước
sẽ có lợi đối với toàn bộ tình hình hơn là đối với cá nhân, người Triều
Tiên đã thấy những lợi ích to lớn cả trên cấp độ tập thể và cá nhân.
Biểu đồ 3: Những kỳ vọng về lợi ích của sự thống nhất: Cấp độ tập thể và cá nhân (2011)
Nhìn chung, người Triều Tiên mong muốn rằng thống nhất sẽ đem lại sự
hỗ trợ kinh tế lớn hơn từ phía Hàn Quốc để làm giàu cho cả cá nhân và xã
hội. Đối với người miền Bắc, sự thống nhất là nhiệm vụ chung cao cả mà
sẽ mang lại sự thịnh vượng cho cá nhân và sự tồn vong của đất nước. Mặt
khác, người Hàn Quốc tin rằng thống nhất sẽ tạo ra gánh nặng.
II. Sự nhận thức lẫn nhau giữa hai miền Nam - Bắc
1. Nhận thức của phía bên kia
Quan hệ giữa hai bên có thể chuyển từ sự thù địch sang e ngại, cạnh
tranh, hợp tác và hỗ trợ. Cuộc điều tra năm 2011 đã chỉ ra rằng, cả hai
miền Nam và Bắc chủ yếu coi nhau như những đối tác hợp tác ( tương ứng
47% và 50,5%). Những người xem phía bên kia như một đối thủ cạnh tranh
thuộc nhóm thấp nhất (chiếm 2,3% ở miền Nam và 1,9% ở miền Bắc). Mức độ
hỗ trợ, e ngại và thù địch tương ứng 16,7%; 17,2% và 16,8% ở miền Nam,
và 11,4%; 21% và 15,2% ở miền Bắc.
2. Khả năng khiêu khích vũ trang
Năm 2011, có 78,3% người Hàn Quốc tin rằng, hành động khiêu khích
quân sự của Triều Tiên chống lại miền Nam là có thể. Trong những năm
qua, tỷ lệ người quan tâm về hành động quân sự của miền Bắc đã thay đổi
từ 59,7% năm 2007 xuống 52,2% năm 2008; 63,6% năm 2009 và 67,3% trong
năm 2010. Con số này đã tăng trong năm 2009 khi Triều Tiên tiến hành vụ
thử hạt nhân thứ hai của mình.
Tương tự, Triều Tiên đã lo ngại sâu sắc về cuộc tấn công quân sự từ
miền Nam. Những người Triều Tiên bỏ trốn được hỏi nếu họ nghĩ một cuộc
tấn công từ phía miền Nam là có thể khi họ sống ở miền Bắc. Trong cuộc
điều tra năm 2008, có 31,4% cho biết, họ nghĩ khả năng này là cao và năm
2009, có 39,1% cảm thấy tương tự như vậy. Mối quan tâm về hành động
khiêu khích quân sự từ phía Nam tăng mạnh tới 61,1% vào năm 2011.
Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân thứ hai của mình vào ngày 25
tháng 5 năm 2009 và bí mật theo dõi “150 ngày chiến đấu”, “100 ngày
chiến đấu” nhằm kiểm soát tư tưởng của người dân trong suốt cả năm.
Những sự kiện này có thể làm dấy lên mối quan tâm an ninh của Triều
Tiên. Ngoài ra, sự tuyên truyền của miền Bắc sau vụ chìm tàu Cheonan và
vụ pháo kích đảo Yeonpyeong năm 2010 có lẽ đã làm tăng thêm mối lo ngại.
Biểu đồ 4: Sự nhận thức về khả năng tấn công quân sự từ phía bên kia
3. Đe doạ hạt nhân
Đối với kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, 35,3% người Hàn Quốc cảm
thấy “bị đe dọa nghiêm trọng” và 45,4% cảm thấy “bị đe dọa đáng kể”. Mức
độ tổng hợp về sự lo sợ là 68,2% trong năm 2007; 61,3% năm 2008; 74,3%
năm 2009; 73,8% năm 2010, và 80,7% vào năm 2011. Vụ thử hạt nhân của
miền Bắc vào năm 2009 chiếm 13% điểm tăng lên năm đó và tương tự như
vậy, vụ pháo kích trên đảo Yeonpyeong năm 2010 tăng 7% điểm. Những người
bỏ trốn khỏi miền Bắc cũng cho biết, trong khi ở miền Bắc họ tin rằng
vũ khí hạt nhân của họ phải tạo ra một mối đe dọa đối với Hàn Quốc, tỷ
lệ phần trăm của những người với niềm tin như vậy vào năm 2008 là 80,7%;
năm 2009 là 82,8% và năm 2011 là 89,3%. Như vậy, các số liệu chỉ ra
rằng, người Triều Tiên tin vũ khí hạt nhân của họ là một mối đe dọa lớn
hơn so với nhận thức của người Hàn Quốc. Nói cách khác, hầu hết người
Triều Tiên tin rằng, kho vũ khí hạt nhân của họ bảo vệ họ một cách hiệu
quả trước Hàn Quốc và các cường quốc khác.
Biểu đồ 5: Sự nhận thức về mối đe doạ hạt nhân của Triều Tiên
Như quan sát ở trên, sự nhận thức của Bắc và Nam khá tương đồng và đã
thay đổi trong mô hình tương tự. Mặc dù các cuộc xung đột vẫn xẩy ra,
song họ coi nhau như những đối tác hợp tác có thể và rất ít bên này hay
bên kia xem họ đang cạnh tranh với nhau.
III. Sự khác biệt văn hoá trong nhận thức
1. Khoảng cách văn hoá và ý thức khác biệt
Đa số người Hàn Quốc tin rằng, có những khoảng cách lớn trong hệ
thống bầu cử giữa hai miền (93,9%), tiêu chuẩn sống (96,6%), các hệ
thống quy phạm pháp luật (88,3%), ngôn ngữ hiện tại (90,7%), lối sống
(88,3%) và ý nghĩa của các giá trị (93,6%). Ý thức bản sắc của người Hàn
Quốc với người Triều Tiên về các khía cạnh khác nhau đã giảm mạnh trong
năm 2009 và sau đó tăng nhẹ trong hai năm tiếp theo.
Người Triều Tiên có nhận thức khác biệt lớn trong bầu cử (96,2%),
tiêu chuẩn sống (97,3%), ngôn ngữ (94,4%), lối sống (95,3%), nhận thức
lịch sử (93,4%) và ý nghĩa của các giá trị (93,2%). Không có sự thay đổi
đáng chú ý được phát hiện trong suốt thời gian điều tra. Cả hai miền
Bắc và Nam có nhận thức sâu sắc về sự khác biệt văn hóa giữa họ, điều
này đặt ra một vấn đề nghiêm trọng về sự sẵn sàng tái thống nhất và hoà
nhập xã hội.
Những trao đổi vật chất và các cuộc thăm viếng giữa hai bên tăng lên
không đảm bảo giảm thiểu những khác biệt về chính trị, kinh tế và văn
hóa. Trên thực tế, trao đổi nhiều hơn có thể gây ra nhiều phiền hà.
2. Những liên hệ văn hóa
Các cuộc điều tra cho thấy rằng, chỉ có 31,5% người Hàn Quốc đã tiếp
xúc với chương trình phát sóng, phim ảnh hay tiểu thuyết của Triều Tiên.
Tỷ lệ này tương ứng với một sự suy giảm đáng kể từ 42,6% trong năm 2009
xuống 37,4% trong năm 2010. Sự sụt giảm này là do hành động cắt đứt
liên lạc và kiểm soát chính thức truyền thông Internet giữa hai bên
trong những năm qua. Không nhiều người ở miền Nam có cơ hội đến thăm
miền Bắc, tham gia vào bất kỳ sứ mệnh nhân đạo nào, hoặc gặp gỡ những
người Triều Tiên bỏ trốn. Số lượng người Hàn Quốc gặp gỡ người Triều
Tiên bỏ trốn ngày càng tăng và càng có nhiều hơn người Triều Tiên tới
Hàn Quốc trong những năm này.
Người Triều Tiên cho biết, tỷ lệ tiếp xúc với nền văn hóa Hàn Quốc
cao hơn. Cuộc điều tra năm 2008 chỉ ra, trong số những người bỏ trốn
sang Hàn Quốc, 64,7% cho biết, họ có tiếp xúc "thường xuyên" hoặc "không
thường xuyên" với văn hóa Hàn Quốc, tiếp theo, năm 2009 là 57,9% và năm
2011 là 77,7%. Tỷ lệ cao này có thể là do trên thực tế các cuộc điều
tra chỉ được tiến hành với những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên gần đây.
Tuy nhiên, điều đó phản ánh thực tế rằng, văn hóa Hàn Quốc đang du nhập
vào miền Bắc trên diện rộng bằng nhiều kênh khác nhau.
Điều đáng chú ý là có sự khác biệt về tư tưởng giữa thế hệ trước và
thế hệ sau trong tỷ lệ tiếp xúc với nền văn hóa Hàn Quốc. Thế hệ trẻ ở
các độ tuổi từ 20 đến 30 cho thấy tỷ lệ tiếp xúc cao nhất, 60% trong số
những người ở độ tuổi 30; 47,3% ở độ tuổi 20; 37,5% ở độ tuổi 40, và tỷ
lệ thấp hơn đáng kể trong độ tuổi 50 và 60. Những người có trình độ học
vấn cao có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nền văn hóa Hàn Quốc: 75% người
tốt nghiệp đại học, 66,6% tốt nghiệp cao đẳng và 32% là học sinh trung
học.
Các số liệu cho thấy tỷ lệ tiếp xúc với văn hóa Hàn Quốc đã tăng đều
đặn ở Triều Tiên, trong khi đó, sự tiếp xúc văn hóa Triều Tiên của người
Hàn Quốc đã giảm từ 77,6% năm 2009 xuống còn 31,5% vào năm 2011. Theo
quan điểm khép kín ở miền Bắc, kết quả điều tra thật khó khăn ngay cả
nếu chúng ta xem xét thực tế mẫu nghiên cứu là những người Triều Tiên bỏ
trốn sang định cư ở Hàn Quốc. Đó có thể là do thời gian gần đây Hàn
Quốc hạn chế áp dụng các chương trình phát sóng và các phương tiện
truyền thông khác sang Triều Tiên. Về cơ bản, đó có thể là vì người Hàn
Quốc không được thu hút với hệ tư tưởng có khuynh hướng, phong cách tiền
hiện đại của nền văn hóa Triều Tiên, trong khi đó theo quan điểm cởi mở
thì sự giải trí mang tính thương mại của văn hóa nhạc pop Hàn Quốc có
sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người Triều Tiên.
3. Nhận thức lẫn nhau
Công chúng Hàn Quốc có kiến thức khá tốt về những vấn đề hiện nay ở
Triều Tiên: 58,8% biết về chính sách "tiên quân (ưu tiên quân sự)";
83,2% biết về hệ tư tưởng Juche (chủ thể); 73,8% biết về Phong
trào Chollima (Thiên lý mã), 59,7% biết về "hành trình đau khổ" của
những năm 1990; 39,1% biết về thị trường jangmadang không chính
thức, và 64,4% về lễ hội Arirang. Những con số này giảm đi chút ít
trong năm 2009 và tăng trở lại trong năm 2010-2011, có lẽ do các chương
trình cho sự chuẩn bị thống nhất của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã có ảnh
hưởng nhất định trong việc nâng cao sự hiểu biết trong các vấn đề Triều
Tiên.
Trong số những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên được hỏi về 5 sự kiện
lớn diễn ra ở Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua thì 87,6% biết về Phong
trào Dân chủ Gwangju 18 tháng 5 năm 1980; 75% biết về cuộc Cách mạng
Sinh viên ngày 19 tháng 4 năm 1960; 73,7% biết về Thế vận hội Seoul năm
1988; 65,3% biết về World Cup 2002 Hàn Quốc-Nhật Bản và 59,8% biết về
các cuộc biểu tình dưới ánh nến tại Seoul chống lại nhập khẩu thịt bò Mỹ
trong mùa hè năm 2008. Tỷ lệ phần trăm nhận thức cao về Phong trào Dân
chủ Gwangju ngày 18 tháng 5 và Cách mạng Sinh viên ngày 19 tháng 4 có
thể là do sự nhấn mạnh của chế độ Bình Nhưỡng vào những cuộc nổi dậy phổ
biến trong sự giáo dục của người dân để chống lại chính phủ Hàn Quốc.
Ngược lại, sự nhận thức tương đối thấp hơn về Thế vận hội 1988 và World
Cup 2002 cho thấy, thông tin bị hạn chế về những sự kiện đã minh chứng
sự thịnh vượng kinh tế của Hàn Quốc.
Khoảng 61% người Hàn Quốc đã nhận thức được những sự kiện ở miền Bắc
và 72,3% nguời Triều Tiên cho thấy kiến thức của họ về các sự kiện ở
miền Nam. Những kết quả này mâu thuẫn với giả định chung là người Hàn
Quốc biết được nhiều thông tin về các vấn đề của Triều Tiên hơn so với
người Triều Tiên biết về các vấn đề của Hàn Quốc bởi dòng chảy thông tin
phong phú ở miền Nam. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc ít gây sự chú ý
đối với các vấn đề của Triều Tiên. Mặt khác, Rodong Sinmun (Báo Lao
động) bên phía Triều Tiên dành một phần sáu thời lượng của mình đối với
tin tức và bình luận về Hàn Quốc.
IV. So sánh các chính sách trao đổi giữa Hàn Quốc – Triều Tiên
1. Thái độ của Hàn Quốc về viện trợ cho miền Bắc
Trong cuộc điều tra năm 2011 với người Hàn Quốc, 39,8% số người được
hỏi muốn viện trợ ít hơn cho miền Bắc, so với 22,3% ủng hộ viện trợ
nhiều hơn. Có kết quả tương tự trong năm 2010, năm xẩy ra cuộc tấn công
của Triều Tiên đối với tàu hải quân Cheonan và đảo Yeonpyeong. Về hiệu
quả của viện trợ cho miền Bắc, 56,4% có sự hoài nghi về viện trợ cải
thiện cuộc sống của người dân Triều Tiên trong khi đó 43,4% tin rằng nó
sẽ đem lại lợi ích cho họ.
67% người Triều Tiên trả lời có quan điểm tích cực về viện trợ của
Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Chỉ có 10% bày tỏ quan điểm tiêu cực. Khi
hỏi về quan điểm của họ đối với quy mô viện trợ của Hàn Quốc cho Triều
Tiên, 71,2% nói rằng họ muốn có một sự gia tăng số lượng viện trợ, trong
khi đó 16,3% muốn giảm và 12,5% yêu cầu chấm dứt viện trợ. Như vậy, rõ
ràng là đa số người Triều Tiên mong muốn Hàn Quốc viện trợ nhiều hơn.
Về vấn đề đầu tư của Hàn Quốc ở Triều Tiên, tỷ lệ phần trăm người
Triều Tiên trả lời thậm chí còn cao hơn (79,3%) cho biết Triều Tiên sẽ
chào đón điều này trong khi một tỷ lệ phần trăm nhỏ (4,5%) bày tỏ quan
điểm tiêu cực. Năm 2008, những quan điểm tích cực chiếm 82% và năm
2009 là 75,7%. Nói chung, người Triều Tiên mong muốn nhận được viện trợ
và đầu tư từ Hàn Quốc, trong khi đó, người Hàn Quốc đang ngày càng trở
nên miễn cưỡng về sự giúp đỡ miền Bắc, 39,8% muốn giảm và 38% ủng hộ
việc duy trì mức hỗ trợ hiện nay. Mong muốn của Triều Tiên cho sự viện
trợ từ Hàn Quốc kết hợp với ấn tượng tích cực của họ về Hàn Quốc.
2. Tác động có thể của viện trợ đối với triển vọng thống nhất
Cuộc điều tra năm 2011 đã cho thấy tỷ lệ phần trăm cao của câu trả
lời về tiến trình hòa giải hướng tới thống nhất: các cuộc đàm phán chính
trị song phương thường xuyên (71,3%), hợp tác kinh tế (61,5%), giao lưu
văn hóa và xã hội (64,8%) và hỗ trợ nhân đạo (50,7%). Sự ủng hộ tương
đối thấp cho viện trợ nhân đạo (ví dụ như gạo, phân bón và thuốc men)
ngụ ý rằng người Hàn Quốc đã từng đưa ra lưu ý về sự thiếu minh bạch
trong phân phối viện trợ ở miền Bắc và tình trạng giao tranh không nhân
nhượng của chế độ Bình Nhưỡng đối với miền Nam.
Những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên cho thấy tỷ lệ ủng hộ cao cho
chương trình giao lưu và hợp tác hai miền như những yếu tố thuận lợi để
tái thống nhất; 76,4% ủng hộ các cuộc họp chính trị, 80,2% ủng hộ hợp
tác kinh tế; 83,7% ủng hộ giao lưu văn hóa - xã hội và 70,3% ủng hộ viện
trợ nhân đạo.
Biểu đồ 6: Sự đóng góp của các dự án hai biên đối với thống nhất đất nước
Kết quả điều tra cho thấy, trong khi người Triều Tiên tin các dự án
phi chính trị như hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa – xã hội có thể
giúp thúc đẩy tốt hơn sự tái thống nhất, Hàn Quốc có những kỳ vọng lớn
hơn về đàm phán chính trị. Viện trợ nhân đạo được coi là ít hữu ích nhất
của cả hai miền Nam và Bắc, có lẽ vì những tranh cãi chính trị tiếp tục
về cung cấp viện trợ giữa hai miền và cộng đồng quốc tế.
V. Kết luận
Quan điểm của người dân hai miền Nam và Bắc cho thấy sự khác biệt
đáng kể trong suy nghĩ của họ về sự cần thiết tái thống nhất, những kỳ
vọng vào lợi ích và chính sách trao đổi Hàn Quốc – Triều Tiên nhưng lại
tương đối giống nhau trong nhận thức của họ về các khía cạnh khác nhau
của chia rẽ dân tộc. Người Triều Tiên có mong muốn thống nhất mạnh hơn
và kỳ vọng nhiều hơn vào lợi ích của nó. Vì vậy, họ có niềm tin mạnh hơn
người Hàn Quốc về hợp tác kinh tế và đối thoại chính trị hai miền cũng
như các dự án viện trợ nhân đạo sẽ giúp đạt được sự thống nhất. Mặc dù
người dân của hai miền chấp nhận nhau như những đối tác hợp tác có thể,
họ cũng nhận ra khoảng cách văn hóa lớn giữa hai bên mà có thể tạo ra sự
nghi ngờ và khó chịu trong sự hợp tác của mình.
Hai miền Nam – Bắc nên chuẩn bị các chính sách thống nhất trên cơ sở
của sự khác biệt trong nhận thức của công chúng. Chỉ có 50 đến 60% người
Hàn Quốc mong muốn thống nhất đất nước so với sự đồng thuận áp đảo 95
đến 99% của người dân Triều Tiên. Đối với quá trình tiến tới thống nhất,
người Hàn Quốc cho rằng phải mất 20 đến 30 năm; còn người Triều Tiên
cho rằng thời gian ngắn hơn, chỉ khoảng từ 5 đến 10 năm. Gần như tất cả
người Triều Tiên tin rằng thống nhất đất nước sẽ là một phước lành - cả
về mặt cá nhân và tập thể. Song người Hàn Quốc ngày càng cảm thấy sẽ là
gánh nặng. Để vượt qua khoảng cách lớn về quan điểm trên, những nỗ lực
cần thiết để thực hiện một phân tích khách quan và khoa học về chi phí
và hiệu quả của sự thống nhất và phổ biến rộng rãi kết quả này.
Một sự thay đổi mô hình chính sách là hết sức cần thiết để giảm bớt
sự khó chịu và ngờ vực lẫn nhau giữa nhân dân hai miền. Thật may mắn
rằng, mặc dù xung đột và đối đầu vẫn xẩy ra, song, quan điểm tích cực
coi phía bên kia như là đối tác hợp tác vẫn còn tồn tại trong tâm trí
của ít nhất 47% người Hàn và 50,5% người Triều Tiên.
Mặt khác, những sự cố xung đột không ngừng trong vài năm qua đã gây
ra lòng thù địch và sự e ngại của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, đến mức
16 đến 17% so với 6 đến 12% trước đây. Sự ác cảm của người miền Bắc đối
với miền Nam cũng đã tăng từ 6,8% đến 21% từ năm 2009 đến năm 2011. Đáng
lo ngại nhất là sự nhận thức lẫn nhau về khả năng hành động khiêu khích
vũ trang tương ứng 78,35% và 61,1% ở Nam và Bắc. Trong trường hợp này,
số lượng người dân cả hai miền cảm thấy thống nhất đất nước là không thể
ngày càng tăng lên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó là một sự phát triển
không mong muốn nhất, người ta cho rằng, những người trẻ tuổi sẽ phải
gánh vác nhiệm vụ thực tế gắn liền với tái thống nhất. Các bước đặc biệt
nên được thực hiện để truyền tải cho thế hệ mới với một ý thức sứ mệnh
to lớn hơn trong khi những nỗ lực được thực hiện để cải thiện quan hệ
hai miền và cung cấp một tầm nhìn rõ ràng hơn về thống nhất đất nước.
Một sự phân tích kỹ hơn làm thay đổi nhận thức của người dân ở cả Bắc
và Nam là cần thiết cho việc xây dựng các chính sách thống nhất. Cuộc
điều tra đã chỉ ra rằng, người Triều Tiên có sự tiếp xúc với văn hóa Hàn
Quốc nhiều hơn so với người Hàn Quốc tiếp xúc văn hóa Triều Tiên. Điều
đó cũng cho thấy người Triều Tiên biết nhiều sự kiện lớn ở Hàn Quốc hơn
so với người Hàn Quốc biết về Triều Tiên. Văn hóa nhạc Pop của Hàn Quốc
lan tràn tới miền Bắc nhanh chóng, xóa tan quan điểm chung về sự cô lập
của miền Bắc.
Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách nên tìm cách tăng cường giao
lưu giữa hai miền Nam – Bắc trên cơ sở sự tương đồng và khác biệt trong
tư tưởng của người dân về thống nhất đất nước. Người Hàn có những kỳ
vọng lớn hơn từ đối thoại chính trị thường xuyên, trong khi đó người
Triều Tiên tin rằng hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa - xã hội sẽ đóng
góp nhiều hơn đối với sự thống nhất đất nước. Dựa vào kết quả ở trên,
cần phải nỗ lực hết sức thực hiện thúc đẩy đối thoại Hàn Quốc – Triều
Tiên để đáp ứng những kỳ vọng của người dân Hàn Quốc, phát triển hợp tác
kinh tế và các chương trình viện trợ để cải thiện tình cảm của nhân dân
Triều Tiên đối với Hàn Quốc.
Người dịch: Trần Thị Duyên
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Nguồn: http://www.koreafocus.or.kr/design3/essays/view.asp?volume_id=127&content_id=104245&category=G.