Khi được hỏi Việt Nam suy nghĩ như thế nào đối với “sự trỗi dậy” của
Trung Quốc? TS. Đặng Xuân Thanh (47 tuổi) – chuyên gia nghiên cứu về
Đông Bắc Á của Việt Nam, hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông
Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trả lời: “Ngày nay là thế kỷ
của châu Á – Thái Bình Dương, chứ không phải của Trung Quốc”. Ông nhấn
mạnh rằng: “Việc thiết lập hòa bình của châu Á là vấn đề cần sự hợp tác
thực hiện của tất cả các quốc gia trong khu vực, chứ không phải của
riêng Trung Quốc”. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ tại phòng
họp của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tại Hà Nội nhân buổi thảo luận về
Căng thẳng trong quan hệ ba nước Hàn – Trung – Nhật.
- Tình hình châu Á có vẻ không bình ổn.
“Hiện tại, tại châu Á, cùng lúc nổi lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ
tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. Vấn đề này
tại khu vực Đông Nam Á cũng theo đà gia tăng. Mỹ đang tiến hành rút quân
khỏi Iraq, Afghanistan và quay trở lại châu Á. Thế kỷ của châu Á đã bắt
đầu”.
- Trung Quốc đột ngột nổi lên thành một nước lớn trong vòng 30 năm qua có phải là sự thật không?
“Xét về mặt lịch sử, sự nổi lên đột ngột của Trung Quốc thường phủ
bóng xuống các nước láng giềng. Câu nói “Quyền lực tuyệt đối lạm dụng
tuyệt đối” cũng cần được áp dụng trong trường hợp này. Vai trò của các
quốc gia láng giềng rất quan trọng trong việc giúp Trung Quốc sử dụng
sức mạnh của mình một cách thích đáng. Trung Quốc rất cần công cụ để
điều tiết, điều hành vấn đề về an ninh, phát triển của khu vực”.
- Lập trường của Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như thế nào?
“Đây là vấn đề khó. Thậm chí 10 năm sau cũng khó có thể giải quyết.
Tôi nghĩ phải giải quyết bằng “cái đầu lạnh” (lý trí), trái tim nóng
(lòng yêu nước), bàn tay sạch (thủ đoạn hòa bình). Năm 2000, hai nước đã
ký thỏa thuận về phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Bộ. Năm 2002, các
nước ASEAN trong đó có Việt Nam cùng với Trung Quốc đã ký “Tuyên bố ứng
xử giữa các bên ở biển Đông”. Song, tuyên bố ứng xử đó không có khả năng
giải quyết vấn đề tranh chấp. Đó là lý do cần phải có Bộ quy tắc ứng
xử”.
- Việt Nam là quốc gia liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong thời gian gần đây nhất.
“Việt Nam không chỉ từng có chiến tranh với Trung Quốc mà còn với
Pháp, Mỹ. Chúng tôi không quên quá khứ, nhưng cũng không chỉ nhìn vào
quá khứ để hướng tới tương lai. Từ trước đến nay, những “vị khách không
mời mà đến” Việt Nam thì đều phải thất bại ra đi. Nhưng, sau đó nếu họ
có thiện chí thì chúng tôi vẫn chào đón họ trở lại như những người bạn.
Trung Quốc là quốc gia theo con đường chủ nghĩa xã hội như Việt Nam. Hai
nước đang cùng nhau giải quyết các vấn đề không chỉ thông qua sự giao
lưu giữa hai Đảng mà còn thông qua nhiều kênh khác nhau”.
Nguồn: Joongang ilbo, thứ hai ngày 27 tháng 8 năm 2012