Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

34. Nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống B. Ô-ba-ma

18:5' 13/11/2012
Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã chuẩn bị những sách lược để đưa nước Mỹ “Tiến về phía trước” trong nhiệm kỳ hai của mình.
TCCSĐT - Cách đây 4 năm, sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma với chủ trương “Thay đổi” đã có tác dụng ngăn nước Mỹ rơi vào thảm họa của cuộc khủng hoảng lớn nhất trong gần 80 năm qua và cải thiện được một phần hình ảnh nước Mỹ trước thế giới. Hiện nay, sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ hai, với chủ trương “Tiến về phía trước”, Tổng thống B.Ô-ba-ma sẽ đưa nước Mỹ đi tới đâu và sẽ tác động tới thế giới như thế nào?


Kết quả của chủ trương “Thay đổi”

Cách đây 4 năm kể từ thời điểm các cử tri Mỹ chọn sự thay đổi theo khẩu hiệu tranh cử “The change” của ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma tới nay, nước Mỹ thực sự đã có những thay đổi nhất định. Vào thời điểm năm 2008, nước Mỹ bị suy giảm sức mạnh toàn diện sau gần một thập niên cầm quyền của Tổng thống G.W.Bu-sơ. Nhận xét về thời điểm này, Tạp chí “Time” của Mỹ đăng bài bình luận với chủ đề “Kết thúc thập niên đầu thế kỷ XXI - Chào tạm biệt thập niên địa ngục”, mô tả khoảng thời gian này của nước Mỹ là “thập kỷ của những ước mơ đổ vỡ”, hoặc “thập kỷ bị đánh mất” dưới tác động của những biến cố tồi tệ.

Trong suốt thập niên đó, ở Mỹ gần như không tạo ra được việc làm mới, nạn thất nghiệp gia tăng, thu nhập trung bình của các gia đình Mỹ thấp hơn mức năm 1999. Nếu năm 2000, đa số người dân Mỹ tin rằng, Hoa Kỳ đang ở đỉnh cao của phát triển kinh tế và thịnh vượng thì đến cuối thập niên đầu thế kỷ XXI, niềm tin đó đã tan vỡ hoàn toàn. Sự thịnh vượng kiểu “bong bóng xà phòng” đã sụp đổ.

Nhiều chuyên gia phân tích về Mỹ cho rằng, do cách tiếp cận sai lầm của Mỹ đối với thế giới đã làm tiêu tan sức mạnh vượt trội toàn diện của cường quốc này, bao gồm cả sức mạnh chính trị và quân sự. Hình ảnh của nước Mỹ bị tổn thương trong các chiến dịch quân sự ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, trong đó có những vụ bê bối đầy tai tiếng liên quan tới việc đối xử với tù binh chiến tranh và các nghi can khủng bố. Cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố sau vụ tiến công nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 là hành động quan trọng nhất làm suy giảm sức mạnh quân sự của Mỹ, có tính quyết định số phận của chính quyền Tổng thống G.W.Bu-sơ và cũng có ý nghĩa quyết định toàn bộ diễn biến các sự kiện tiếp sau đó.

Ra tranh cử vào một thời điểm như vậy, khẩu hiệu “Chúng ta cần sự thay đổi” (“Change We Need”) của ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma đã lập tức nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri Mỹ và ông đã trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ qua, với chủ trương “Thay đổi” nước Mỹ và thế giới, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã gặt hái được một số kết quả nhất định. Trong chính sách đối nội, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma nhấn mạnh 3 ưu tiên lớn là nâng cao năng lực sản xuất; tích cực tìm kiếm các nguồn năng lượng tái sinh và cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo. Ông kêu gọi người dân quay trở lại với “các giá trị Mỹ”, xây dựng và phát triển một xã hội thịnh vượng và công bằng, trong đó trách nhiệm và cơ hội là dành cho tất cả mọi người.

Biện pháp mà Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đưa ra là tiếp tục hối thúc Quốc hội Mỹ sớm thay đổi bộ luật thuế, theo đó các tập đoàn và thiểu số những người giàu phải đóng thuế cao hơn để Chính phủ có tiền gia tăng đầu tư và bảo đảm sự công bằng xã hội; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các tuyến đường cao tốc liên bang và hệ thống cầu cống để tạo đà cho sự phát triển bền vững và lâu dài cho nền kinh tế Mỹ; tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sinh viên vay tiền đi học, tiếp tục tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng nhà đất; có các kế hoạch thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm; trợ cấp cho các bang đang gặp khó khăn; gia hạn hết năm 2012 đạo luật thuế thu nhập thấp cho 160 triệu người lao động và các khoản trợ cấp cho những người bị thất nghiệp; đề xuất miễn thuế cho những công ty có sáng kiến đưa “công ăn việc làm” từ nước ngoài trở về Mỹ; thúc đẩy năng lượng sạch; cải thiện môi trường giáo dục, đào tạo nghề.

Mặc dù vấp phải sự phản kháng ngay trong Quốc hội nhưng Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn đầu tư một khoản tiền lớn vào nền kinh tế Mỹ, cứu vớt ngành chế tạo ô-tô và hiện nay đang đưa nền kinh tế Mỹ đi vào tăng trưởng, mặc dù sự tăng trưởng này chưa cao nhưng cũng đủ tự tin và có thể dự báo trước. Theo các chuyên gia phân tích, thời gian vừa qua, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo có khả năng chống khủng hoảng hiệu quả, bằng chứng là ông đã cứu nước Mỹ tránh được cuộc khủng hoảng trên quy mô lớn. Tuy nhiên, đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thực vững chắc.

Trong chính trị nội bộ, nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa cơ quan hành pháp với Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Do đó, trong nhiệm kỳ đầu, những gì Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã làm được vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân Mỹ. Nguyên nhân cơ bản là khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã phải tiếp nhận một di sản không mấy tốt đẹp của người tiền nhiệm G.W.Bu-sơ, trong đó nặng nề nhất là hậu quả của hai cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ đầu năm 2008 và lan tỏa ra khắp thế giới.

Trong chính sách đối ngoại, với chủ trương áp dụng chính sách mới dựa trên “quyền lực thông minh”, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã phần nào cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên thế giới thông qua việc củng cố và tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác. Điểm sáng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma là ông chủ trương “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga với kết quả là Mỹ đã ký với Nga Hiệp ước về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START-3), Hiệp định hợp tác Mỹ - Nga trong lĩnh vực phát triển công nghệ nguyên tử vì mục đích hòa bình; thỏa thuận Nga - Mỹ áp dụng các biện pháp cấm vận đối với I-ran; Mỹ cũng đạt được thỏa thuận của Nga cho phép Mỹ chuyên chở hàng hóa phi quân sự từ Áp-ga-ni-xtan quá cảnh lãnh thổ Nga.

Chủ trương đưa nước Mỹ “Tiến về phía trước”

Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, sự kiện Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử nhiệm kỳ hai đã có tác động tích cực tới nền kinh tế Mỹ và kinh tế thế giới. Giới phân tích cho rằng, từ năm 2013 - 2014 trở đi, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi sau những cải cách mà Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã thực hiện trong 4 năm qua.

Trên thị trường thế giới, các nhà kinh tế cũng trông đợi vào chiến thắng của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma với hy vọng vào các gói kích thích cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia phân tích, giá vàng đã bắt đầu giảm, giá dầu mỏ nhích lên, tỉ giá đồng USD tăng ngay sau khi có kết quả bầu cử ở Mỹ bởi lúc này thị trường đã xác định chính xác ai sẽ bước vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, ảnh hưởng này sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, còn trong tương lai mọi thứ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tình hình thị trường.

Trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ tiếp tục thực hiện một số biện pháp mà ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Theo đó, ông sẽ thúc đẩy việc tăng thu nhập từ chủ trương nâng mức thuế đánh vào người giàu để giảm các khoản nợ quốc gia dành tiền đầu tư cho các chương trình xã hội; nỗ lực thông qua chương trình cắt giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ trước Quốc hội trong những tháng tới, tiếp tục thực hiện các chương trình khác như cải cách chế độ di trú… Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ phải điều chỉnh chương trình cải cách y tế của mình gọi tắt là “Obamacare” vì đạo luật này tuy đã được ban hành nhưng chính ông là tác giả cũng phải thừa nhận đó chưa phải là đạo luật hoàn hảo.

Theo các chuyên gia của Cơ quan Đánh giá và Xếp hạng tín dụng “Fitch”, nhiệm vụ của yếu của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong lĩnh vực kinh tế trong nhiệm kỳ 2 là xây dựng một lộ trình rõ ràng cho việc cắt giảm thâm hụt ngân sách để duy trì mức độ tín dụng “AAA”. Để làm được điều đó, ông phải giải quyết những vấn đề liên quan đến thâm hụt ngân sách và nợ công.

Trong chính sách đối nội, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ phải tiếp tục có những cách giải quyết mềm dẻo với Hạ viện do Đảng Cộng hòa chiếm đa số. Chủ tịch Hạ viện Giôn Bâu-nơ (John Boehner) từng phát biểu ngay trong đêm bầu cử rằng, Đảng Cộng hòa chủ trương sẽ không nâng mức thuế đánh vào người giàu. Ngoài ra, ông Ba-rắc Ô-ba-ma còn phải vượt qua một “bức tường lửa” nữa ở Thượng viện Mỹ khi mà tại đây Đảng Dân chủ vẫn đang phải chật vật duy trì vị thế đa số mong manh của họ nhằm ngăn chặn việc Đảng Cộng hòa phong tỏa các đạo luật quan trọng bằng chiến thuật kéo dài quá trình thảo luận để thông qua. Do đó, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ phải nhượng bộ ra sao đối với Đảng Cộng hòa vẫn còn là một bài toán chưa có lời giải. Tín hiệu đầu tiên để vị Tổng thống vượt qua “bức tường lửa” này là ngay sau khi được tin tái đắc cử, ông B. Ô-ba-ma đã tuyên bố sẽ hợp tác với ông Mít Rôm-ni nói riêng và Đảng Cộng hòa nói chung để đưa nước Mỹ “Tiến về phía trước”.

Trong quan hệ với các nước, theo nhận xét của giới phân tích chính trị, việc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử đã tạo ra một tình huống có thể dự báo trước là Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các đối tác của Mỹ trên thế giới và trong nhiệm kỳ hai này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục cải thiện hình ảnh của nước Mỹ. Ngày 7-11-2012, sau khi được tin Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử, từ châu Âu sang châu Á, từ châu Phi, Trung Đông đến Mỹ La-tinh, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã đồng loạt gửi điện chúc mừng ông.

Ngày 7-11-2012, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo gửi điện chúc mừng Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, duy trì quan hệ Trung - Mỹ phát triển lâu dài, lành mạnh và ổn định là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, thế giới nói chung. Còn theo giới phân tích ở nhiều nước, trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ tập trung nỗ lực chủ yếu vào Trung Quốc chứ không phải vào Nga.

Hiện nay, Trung Quốc là nước đóng vai trò quan trọng đối với Mỹ vì đây là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Mỹ sau EU. Do đó Trung Quốc sẽ là định hướng được ưu tiên đầu tiên trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Mối tương tác với Trung Quốc hiện rất quan trọng đối với Mỹ bởi nền kinh tế của Mỹ đang phụ thuộc rất lớn vào nền kinh tế Trung Quốc hơn là nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ không gây áp lực lớn đối với Trung Quốc. Đây là điều khác biệt so với tuyên bố của ứng cử viên Mít Rôm-ni. Cũng như trước đây, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tuy ủng hộ các nhà sản xuất trong nước nhưng sẽ không "tuyên chiến" với Trung Quốc.

Trong quan hệ với Nga, Tổng thống Nga V.Pu-tin gửi điện chúc mừng Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ngay sau khi được tin ông tái đắc cử và bày tỏ hy vọng sẽ có sự khởi đầu tích cực trong quan hệ song phương và trong quan hệ hợp tác Nga - Mỹ trên trường quốc tế vì lợi ích an ninh, ổn định và phát triển. Điều này hoàn toàn ngược lại với phản ứng chậm trễ của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sau khi được tin Tổng thống V.Pu-tin trúng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào đầu năm 2012.

Văn kiện có tính cương lĩnh cơ bản của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma về chính sách đối ngoại được ông đem ra sử dụng trong chiến dịch vận động tranh cử lần này là “Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ” công bố vào năm 2010. Phần nói về nước Nga được trình bày bằng những từ ngữ mang đậm “phong cách Ba-rắc Ô-ba-ma”, nghĩa là nhẹ nhàng nhưng thâm sâu, khác hẳn giọng điệu mang tính bộc trực và đối đầu gay gắt của ứng cử viên Đảng Cộng hoà Mít Rôm-ni. Trong văn kiện này, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma chủ trương xây dựng quan hệ ổn định, đa diện với nước Nga dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Ông nhấn mạnh: “Mỹ rất quan tâm đến một nước Nga vững mạnh, hòa bình và thịnh vượng nhưng tôn trọng tiêu chuẩn quốc tế; tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng; tôn trọng quyền tối cao của pháp luật ở nước Nga và “các giá trị dân chủ”. Nhận xét về luận điểm này, giới phân tích đặt dấu hỏi: nếu lập luận như ông Ba-rắc Ô-ba-ma thì hóa ra ông đang coi nước Nga từ trước tới nay “không tôn trọng các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế” và “không tôn trọng dân chủ”?!.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vẫn tiếp tục thực hiện cái gọi là "Tuần lễ các dân tộc bị áp bức" vào tháng 7 hằng năm, theo đó Mỹ coi một số dân tộc trên thế giới như các nước Đông Âu thời Liên Xô, một số vùng tự trị và nước cộng hòa trên lãnh thổ Nga là "những dân tộc bị áp bức". Bên cạnh đó, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma còn có những “sáng kiến” mới trong chính sách đối ngoại như sử dụng tôn giáo như một công cụ quan trọng để thực hiện chính sách đối ngoại. Bản báo cáo mang tựa đề "Thu hút các cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài: Định hướng mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ" được soạn thảo dưới thời Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, xác định tôn giáo không chỉ là một “sức mạnh thông minh” mà còn là “sức mạnh thông minh nhất”. Ngoài ra, dưới thời cầm quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, Ủy ban của Chính phủ Mỹ về quyền tự do tôn giáo trên thế giới (USCIRF - United States Commission on International Religious Freedom) đặc biệt chú ý đến việc sử dụng tôn giáo trong hoạt động đối ngoại. Tháng 4-2012, Đại sứ của Mỹ ở Nga Mai-cơn Mác-phôn (Michael McFaul) - chuyên gia bậc thầy về “cách mạng sắc màu” được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bổ nhiệm ngay trong thời điểm các cuộc bạo động chính trị đang diễn ra ở Mát-xcơ-va nhằm tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống Nga, đã có cuộc gặp với Đại giáo chủ Đạo chính thống của Nga và thảo luận về vấn đề tôn giáo. Sau cuộc gặp đó, USCIRF cho công bố bản báo cáo khẳng định Nga được liệt vào danh mục "các quốc gia không tôn trọng tự do tôn giáo", còn Mỹ đã đầu tư những khoản tiền khá lớn cho chiến dịch sử dụng tôn giáo để chống lại chính quyền của Tổng thống Nga V. Pu-tin. Vì thế, từ ngày 1-10-2012, Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) đã phải chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ Nga vì tổ chức này tham gia vào các hoạt động can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.

Vì thế, theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban Đu-ma Quốc gia Nga về quan hệ quốc tế, A-lếch-xây Pu-xơ-cốp (Alexey Puscov), trong quan hệ với Nga, chỉ có thể có giai đoạn mới trong quá trình "cài đặt lại" quan hệ giữa hai nước nếu cả hai bên đều vượt qua được sự thiếu tin cậy trong thời gian gần đây và bắt đầu xây dựng mối quan hệ mới. Trong nhiệm kỳ qua, quá trình "cài đặt lại" quan hệ Mỹ - Nga đã không mang lại những kết quả như mong đợi. Những quan điểm chiến lược của Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va vẫn còn mâu thuẫn chưa thể hóa giải. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, các chương trình hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Nga sẽ được tiếp tục triển khai trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới sau khi Nga chính thức gia nhập tổ chức này.

Trong vấn đề “lá chắn tên lửa” ở châu Âu và cắt giảm vũ khí hạt nhân, Oa-sinh-tơn có thể sẽ có những nhượng bộ nhất định với Nga. Có thể trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Oa-sinh-tơn sẽ dỡ bỏ đạo luật Giắc-xơn Va-níc (Jackson-Vanik) về hạn chế thương mại mà Mỹ đã từng áp dụng đối với Liên Xô trước đây và hiện vẫn còn hiệu lực đối với Nga.

Còn theo nhận định của Đại sứ Mỹ ở Mát-xcơ-va, ông Mai-cơn Mác-phôn, chiến lược của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn như 4 năm về trước khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bước vào Nhà Trắng. Đại sứ Mai-cơn Mác-phôn nói, nếu như ông Mít Rôm-ni giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vừa qua thì ông sẽ phải rời Mát-xcơ-va vì lúc đó chính sách đối ngoại giữa Mỹ và Nga sẽ thay đổi.

Theo giới phân tích, trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ đẩy nhanh tiến trình thực hiện chủ trương chiến lược chuyển trọng tâm tới châu Á - Thái Bình Dương mà biểu hiện rõ ràng nhất là cuối tháng 11-2012, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có chuyến thăm tới Cam-pu-chia, Thái Lan, Mi-an-ma. Đối với Mi-an-ma,.đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Mỹ tới quốc gia này. Trong quan hệ với Mi-an-ma, một quốc gia mà trong năm 2012, Mỹ đã tăng cường các mối quan hệ thương mại và chính trị để đáp lại những cải cách chính trị gần đây ở quốc gia này, chính giới ở đây nhận định, việc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử có nghĩa là họ có thể tiếp tục xây dựng mối quan hệ với Mỹ đã được tiếp tục cải thiện trên nền tảng hiện nay mà không phải bắt đầu xây mới một khi ứng cử viên Mít Rôm-ni giành chiến thắng.

Trong việc ứng xử với các diễn biến mang tên “Mùa xuân A-rập”, trước hết là cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Xy-ri, cũng như vấn đề hạt nhân của I-ran hay Triều Tiên, trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma, quan điểm giữa một bên là Mỹ, với bên kia là Nga và Trung Quốc sẽ vẫn mâu thuẫn gay gắt. Chỉ có điều, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ tiếp tục thực hiện học thuyết ngoại giao “thông minh”, trong đó kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm”. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ tới Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ thiên về sử dụng “sức mạnh cứng” nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước. Do đó, không loại trừ khả năng cục diện chính trị - quân sự quốc tế sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường./.
Lê Thế Mẫu