Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

79. Khái quát sự vận động chính trị trên bán đảo hàn thời kỳ chiến tranh lạnh

Trong thời gian từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, bán đảo Hàn luôn nằm trong khu vực xung đột lợi ích của 3 nước láng giềng Trung, Nga, Nhật. Cuối cùng, Nhật Bản chiếm được ưu thế và biến bán đảo Hàn trở thành thuộc địa của mình. Thực hiện kế hoạch bá chủ châu Á, Nhật Bản sử dụng bán đảo Hàn làm bàn đạp tiền tiêu và chiếm được hầu hết Trung Quốc.

Sự bành trướng quân sự của Nhật Bản đã dẫn đến xung đột với Mỹ, lúc đó đã trở thành một cường quốc hùng mạnh ở Thái Bình Dương. Sự đối đầu Nhật - Mỹ, mà đỉnh điểm là vụ tấn công Trân Châu Cảng (1941) đã buộc Mỹ tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ II. Đến khi Nhật Bản thua trận, tuyên bố đầu hàng, Mỹ và Liên Xô phân chia ảnh hưởng ở bán đảo Hàn. Tiếp đó, cuộc Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ đã để lại hậu quả nghiêm trọng, chia cắt lâu dài bán đảo Hàn.

Theo Nghị quyết của Hội nghị Yalta (tháng 2/1945), bán đảo Hàn tạm thời bị chia làm 2 miền. Miền Bắc thuộc quyền quân quản của Liên Xô và miền Nam thuộc quyền quân quản của Mỹ. Vĩ tuyến 38 được coi là ranh giới tạm thời của hai bên. Tuy nhiên, việc thành lập một chính phủ chung cho cả hai miền gặp rất nhiều khó khăn. Do những bất đồng sâu sắc giữa các phe phái theo những khuynh hướng chính trị đối lập nhau, đường ranh giới quân sự đã trở thành đường biên giới gần như không thể vượt qua giữa hai miền Bắc và Nam. Ở miền Nam, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã tuyên bố thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc vào ngày 15/8/1948. Ở miền Bắc, nước CHDCND Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) cũng được thành lập ngày 9/9/1948. Mặc dù về pháp lý, Mỹ và Liên Xô đã chấm dứt sự hiện diện vào năm 1948, nhưng sự cùng tồn tại của hai nhà nước đồng minh của họ đã làm cho cuộc xung đột Xô - Mỹ tiếp tục diễn ra ở bán đảo Hàn và cũng đồng thời làm cho căng thẳng giữa hai miền ngày càng quyết liệt.


Ngày 25/6/1950, chiến tranh giữa hai miền Nam – Bắc bùng nổ. Lúc đầu, Triều Tiên hầu như đã chiếm được toàn bộ bán đảo. Trước tình hình đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Mỹ và phương Tây thao túng đã thông qua Nghị quyết coi Triều Tiên là "kẻ xâm lược". Sau đó, Mỹ tổ chức quân đội 15 nước dưới danh nghĩa đội quân gìn giữ hoà bình của LHQ để can thiệp vào cuộc chiến tranh Triều Tiên. Quân đội Mỹ đã đổ bộ lên bờ biển Inchon (Nhân Xuyên) vào tháng 9/1950 và từ đó, quân đội Triều Tiên bị rơi vào thế bất lợi. Chiến lược của Mỹ là chuyển từ thế phòng thủ sang thế tiến công nhằm giành chiến thắng quân sự hoàn toàn và thống nhất bán đảo.


Sự tiến công của Mỹ đã đe dọa trực tiếp đến nền an ninh của Trung Quốc và để khẳng định vai trò truyền thống ở bán đảo Hàn, Trung Quốc đã cam kết đoàn kết cách mạng với  Triều Tiên. Giữa tháng 10/1950, Trung Quốc cử một lực lượng lớn quân chí nguyện vượt sông Yalu (áp Lục) sang Triều Tiên. Đến mùa hè năm 1951, Trung Quốc và Mỹ rơi vào thế giằng co ở khu vực gần vĩ tuyến 38. Trong khi đó, Mỹ và Liên Xô hợp tác với nhau dàn xếp một giải pháp thoả hiệp để chấm dứt chiến tranh. Ngày 10/7/1951, cuộc đàm phán ngừng bắn bắt đầu diễn ra tại Kaesong với sự tham gia của đại diện hai miền Nam – Bắc và đại diện của quân đội 3 nước Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc.


Tuy nhiên, phải 2 năm sau, hai bên mới thoả thuận được các điều khoản ngừng bắn. Ngày 27/7/1953, Hiệp định đình chiến ngăn chặn cuộc xung đột quốc tế trên quy mô lớn  ở khu vực đã được ký kết ở Panmuncheon (Bàn Môn Điếm). Theo Hiệp định, vĩ tuyến 38 được lấy làm ranh giới quân sự giữa hai miền Nam - Bắc; một khu phi quân sự rộng 4 km sẽ ngăn cách quân đội hai bên. Kết cục của cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm là sự nghi kỵ và thù địch lẫn nhau giữa hai miền ngày càng tăng, gây trở ngại lớn cho việc tổ chức đối thoại và hoà giải. Nhưng đồng thời, việc ký kết Hiệp định cũng chứng tỏ sự can thiệp quân sự của Mỹ đối với bán đảo Hàn bị thất bại, phá vỡ mộng tưởng bá chủ thế giới của Mỹ. Một sự cân bằng quyền lực tạm thời ở Đông Bắc Á được thiết lập.


Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, miền Bắc và miền Nam với hai nhà nước có chế độ chính trị khác nhau, không chịu công nhận sự tồn tại của nhau và luôn duy trì quan hệ thù địch, không cho phép một bên nào tiếp xúc hoặc đàm phán. Mỗi bên đều bị phía bên kia coi là đối tượng để giải phóng bằng vũ lực, hoặc là đối tượng để trả đũa. Do đó, thống nhất đất nước bằng cách sáp nhập của phía mạnh hơn là cở sở cho chính sách thống nhất của cả hai bên. Kể từ đó, cuộc chạy đua vũ trang và cuộc chiến tranh ngoại giao giữa hai miền diễn ra quyết liệt.


Kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ thực hiện chính sách kiềm chế quân sự, cô lập ngoại giao và cấm vận kinh tế chống  Triều Tiên. Năm 1953, Mỹ và Hàn Quốc đã ký một hiệp ước an ninh chung. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự và đóng một lực lượng quân sự lớn ở Hàn Quốc. Để thực hiện chính sách kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở khu vực Đông Bắc Á, Mỹ dã xây dựng một dây chuyền hiệp định an ninh song phương và đa phương với Đài Loan, Australia, New Zealand và Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á; đồng thời, Mỹ còn tích cực thuyết phục Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện quan hệ với nhau. Năm 1965, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thoả thuận gạt bỏ thù hận quá khứ và bình thường hoá quan hệ ngoại giao. Trước hành động đó, Liên Xô, Trung Quốc và Triều Tiên cực lực chỉ trích việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tokyo và Seoul, coi đó là âm mưu khôi phục chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và phá hoại sự nghiệp thống nhất Triều Tiên. Năm 1961, Hiệp ước phòng thủ chung song phương giữa Triều Tiên với Liên Xô và Trung Quốc được ký kết. Mặc dù sau đó, mâu thuẫn Xô - Trung ngày càng tăng, nhưng về cơ bản, hệ thống chiến lược hai cực vẫn chi phối tình hình ở bán đảo Hàn. Thời kỳ này, việc tổ chức các cuộc thương lượng hai miền là điều chưa bao giờ xảy ra.


Bước vào đầu thập niên 1970, do bầu không khí hoà hoãn được tạo ra trong quan hệ quốc tế, trước hết là quan hệ Mỹ - Trung, các cuộc đối thoại giữa hai miền Bắc - Nam Triều Tiên bắt đầu được tiến hành. Cột mốc quan trọng đầu tiên khai thông mâu thuẫn đối kháng Nam - Bắc, làm dịu tình trạng đối đầu chiến tranh lạnh ở Đông Bắc Á là vào đầu thập niên 1970, Mỹ thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, nhằm biến Trung Quốc thành đối trọng chiến lược chống Liên Xô, đồng thời, trở thành tác nhân quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề liên quan trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quyết định này của Mỹ đã mở ra cuộc đối thoại giữa hai miền Nam – Bắc trên bán đảo Hàn.


Ngày 4/7/1972, hai miền Nam – Bắc ra Thông cáo chung về việc hai bên nhất trí tìm cách thực hiện thống nhất Triều Tiên theo nguyên tắc hoà bình, độc lập, vượt qua những khác biệt về tư tưởng và chế độ chính trị, không có sự can thiệp của nước ngoài. Hai bên thoả thuận chấm dứt khiêu khích vũ trang, đẩy mạnh các chương trình trao đổi và thiết lập đường dây nóng giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Ủy ban phối hợp hai miền được thành lập để biến Thông cáo chung đó thành hiện thực. Thế nhưng, niềm lạc quan thật là ngắn ngủi. Hoạt động của Ủy ban phối hợp không tiến triển được do sự khác biệt về quan điểm chính sách và tình trạng nghi kỵ nhau quá sâu sắc giữa Seoul và Bình Nhưỡng.


Cột mốc quan trọng thứ hai là vào tháng 5/1989, khi Gorbachov và Đặng Tiểu Bình họp Hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Bắc Kinh, thoả thuận bình thường hoá mọi mặt quan hệ Xô - Trung. Cả Trung Quốc lẫn Liên Xô đều mong thấy giữa Seoul và Bình Nhưỡng giảm bớt căng thẳng và tiếp tục xu thế đối thoại. Sự hoà giải Xô - Trung đã thúc đẩy Hàn Quốc thực hiện "chính sách ngoại giao phương Bắc", cải thiện và phát triển quan hệ đối với các nước thuộc khối XHCN. Quan điểm cơ bản của Hàn Quốc là có thể cải thiện quan hệ với miền Bắc bằng cách cải thiện quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc. Tháng 6/1990, Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo nói: "Mục tiêu cuối cùng của "chính sách ngoại giao phương Bắc" của chúng ta là làm cho Triều Tiên mở cửa và như vậy sẽ tạo ra sự ổn định và hoà bình ở bán đảo Hàn. Con đường giữa Seoul và Bình Nhưỡng hiện nay hoàn toàn bế tắc. Do vậy, chúng ta phải chọn đường khác đi tới thủ đô Triều Tiên qua Matxơcva và Bắc Kinh. Đây không phi là con đường ngắn nhất, nhưng chúng ta hy vọng đó sẽ là con đường hiệu quả.". Đến cuối năm 1990, chính quyền Roh Tae-woo đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với Liên Xô và các nước Đông Âu, đồng thời thiết lập được Văn phòng thưng mại ở Trung Quốc.


Để bổ sung cho kế hoạch trao đổi, hợp tác với miền Bắc và cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên một cách thực sự, chính quyền Roh Tae-woo đã đưa ra hàng loạt chính sách tích cực. Tuyên bố đặc biệt của Tổng thống Roh Tae-woo ngày 7/7/1988 vì lợi ích dân tộc, thống nhất và phồn vinh là tuyên bố nổi tiếng trong chính sách Triều Tiên của Hàn Quốc thời kỳ này. Tuyên bố đó nhấn mạnh, Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh việc trao đổi con người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội ở cả hai miền, cho phép người dân ở cả trong nước và hải ngoại được tự do thăm viếng lẫn nhau, ủng hộ việc trao đổi và thăm viếng của các thành viên những gia đình bị ly tán; mở ra buôn bán Hàn Quốc – Triều Tiên, coi đây là buôn bán trong nước, trong phạm vi cộng đồng dân tộc; không phản đối những nước có quan hệ hữu hảo với Hàn Quốc buôn bán với Triều Tiên; loại bỏ ngoại giao đối đầu; hợp tác với miền Bắc trong nỗ lực nhằm ci thiện quan hệ với Mỹ và Nhật Bản...


Sau tuyên bố đặc biệt ngày 7/7, chính quyền Roh Tae-woo đã tiến hành nhiều biện pháp để trao đổi về người và của cải vật chất giữa hai miền. Trao đổi buôn bán đã không ngừng tăng lên, tuy còn ở quy mô nhỏ. Ngoài ra, đã bắt đầu có những cuộc gặp gỡ giữa các thành viên những gia đình bị ly tán ở các nước thứ ba. Đồng thời, những cuộc họp của quan chức chính phủ hai miền diễn ra liên tục. Tháng 5/1991, cả Triều Tiên và Hàn Quốc cùng đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc. Đặc biệt là sau các cuộc họp trù bị vào tháng 2/1989 và tháng 7/1990, cuộc họp đầu tiên giữa hai vị thủ tướng của hai miền đã được tiến hành vào tháng 9/1990 và sau 5 lần họp giữa các thủ tướng, "Hiệp định cơ bản về hoà giải, không xâm lược, trao đổi và hợp tác" giữa hai miền (hay còn gọi là Hiệp định cơ bản Bắc - Nam) đã được ký kết vào ngày 13/12/1991. Với việc ký kết Hiệp định cơ bản Bắc - Nam, một giai đoạn mới trong tiến trình hoà bình trên bán đảo Hàn được mở ra.




Thực hiện: Mai Hoài Anh, Viện Quan hệ quốc tế, học viện CTQG Hồ Chí Minh

Biên tập: Nhóm website
Nguồn: TCĐBA 0103