Ths. Ngô Hương Lan
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Quan
hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản đến nay đã trải qua một chặng đường
dài 35 năm. Trong thời gian này, với sự nỗ lực của cả hai quốc gia, mối
quan hệ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đều
đạt được những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, có thể nói, mối quan hệ
này chỉ thực sự khởi sắc trong vòng 15 năm trở lại đây, khi một số vấn
đề quốc tế được giải quyết, Việt Nam đẩy mạnh công cuộc cải cách kinh tế
và Nhật Bản nối lại viện trợ cho Việt Nam.
Quan hệ văn hóa giữa
Việt Nam và Nhật Bản tuy không diễn ra sôi động như trong lĩnh vực kinh
tế, nhưng tầm quan trọng của nó ngày càng được xác định rõ. Có thể thấy,
quan hệ văn hóa giữa hai nước hiện nay chủ yếu diễn ra trong các lĩnh
vực: Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ
tầng để phát triển các hoạt động văn hóa, giáo dục; Giao lưu văn hóa,
nghệ thuật giữa hai nước; Đào tạo tiếng Nhật Bản tại Việt Nam và tiếng
Việt Nam tại Nhật Bản; Trao đổi học thuật, phát triển ngành nghiên cứu
Nhật Bản tại Việt Nam và nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản và cuối cùng
là Hoạt động tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Bài
viết này điểm lại các sự kiện chính trong quan hệ văn hóa Việt Nam -
Nhật Bản từ năm 1993 đến nay, đồng thời đề xuất một số biện pháp nhằm
thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.
- 1. Viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa
Viện
trợ văn hóa không hoàn lại của Nhật Bản cho Việt Nam là một trong những
chương trình quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ văn hóa giữa hai nước.
Được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1983(1),
với dự án cung cấp trang thiết bị và đồ dùng dạy tiếng Nhật cho trường
Đại học Ngoại thương Hà Nội, chương trình bị gián đoạn trong khoảng gần
một thập kỷ vì những biến động không thuận lợi trong quan hệ ngoại giao
giữa hai nước. Đến đầu những năm 1990, chương trình được tiếp tục thực
hiện hàng năm, với quy mô ngày một lớn. Tính đến nay, đã có trên 30(2)
dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại quy mô lớn, tiêu biểu là các dự
án viện trợ Nhạc cụ cho giàn nhạc giao hưởng, Thiết bị học tiếng Nhật,
Thiết bị thể thao, Thiết bị làm phim hoạt hình, Cung cấp chương trình
truyền hình cho Đài truyền hình Việt Nam, Thiết bị nhà chiếu hình vũ
trụ, Thiết bị bảo tồn âm nhạc, múa truyền thống, Thiết bị bảo tồn thư
tịch cổ… Cũng nằm trong khuôn khổ các chương trình góp phần nâng cao
hoạt động văn hóa, giáo dục tại Việt Nam, bên cạnh các “Dự án viện trợ
văn hóa không hoàn lại quy mô lớn”, còn có các “Dự án Viện trợ văn hóa
không hoàn lại quy mô nhỏ” (trị giá dưới 10 triệu yên, tương đương
khoảng 90.000 đô la Mỹ) được thực hiện khoảng vài dự án trong một năm,
do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trực tiếp tiến hành. Đối tượng của
các dự án viện trợ này là chính quyền các địa phương, cơ quan học thuật,
nghiên cứu, cơ quan văn hóa, cơ quan giáo dục bậc đại học và sau đại
học, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phổ cập giáo dục
bậc đại học và sau đại học… Các viện trợ chủ yếu là cung cấp các thiết
bị sử dụng trực tiếp cho hoạt động văn hóa, hoạt động giáo dục đại học
và sau đại học như các thiết bị học ngoại ngữ, nhạc cụ, phần mềm chương
trình, thiết bị âm thanh, ánh sáng, thiết bị nghe nhìn, thiết bị liên
quan đến bảo tồn di tích… Các dự án xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất
cho các trường tiểu học Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ chương trình
này. Có thể kể tên một số dự án viện trợ văn hóa không hoàn lại tiêu
biểu như: Năm 1992, viện trợ thiết bị bảo quản tư liệu cho Viện Hán Nôm;
Năm 1993, mua sắm thiết bị dạy tiếng Nhật trị giá 45,1 triệu yên cho
trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay đổi tên thành Đại học Hà Nội); Năm
1996 cung cấp 500 triệu yên cho Nhạc viện Hà Nội và 450 triệu yên cho
Nhạc viện TP HCM trong dự án phát triển lĩnh vực âm nhạc; Năm 2003 hỗ
trợ cho Bảo tàng dân tộc học Việt Nam trên 64 ngàn USD trong “Dự án ghi
âm ghi hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc thiểu số Việt Nam”;
Năm 2005 ký quyết định viện trợ cho Đài truyền hình Việt Nam với mức 200
ngàn USD nhằm cung cấp cho Đài truyền hình phần mềm của hàng trăm
chương trình phim tài liệu giới thiệu về xã hội hiện đại và khoa học kỹ
thuật của Nhật Bản, các chương trình giáo dục khoa học, toán học, khoa
học tự nhiên của Nhật Bản; Năm 2008 mới đây, ký kết viện trợ 67 ngàn USD
cho Đại học Sư phạm TP HCM nhằm trang bị phòng nghe nhìn đa phương tiện
phục vụ cho khóa học tiếng Nhật hệ chính quy đầu tiên sẽ được tổ chức
trong kỳ tuyển sinh năm nay. Ngoài ra, trong 5 năm (1994-1999), Chính
phủ Nhật Bản đã viện trợ 9,5 tỉ yên (tương đương khoảng gần 950 ngàn
USD) để xây dựng 195 trường tiểu học ở các tỉnh miền núi và vùng ven
biển hay bị thiên tai, và từ năm 2001 trở đi, mỗi năm viện trợ cho hàng
chục trường tiểu học Việt Nam nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất của
trường, mỗi dự án có giá trị trung bình từ 80 ngàn đến 90 ngàn USD(3).
Cuối
cùng, việc bảo tồn, trùng tu tài sản văn hóa hữu hình - vô hình tại
Việt Nam cũng là một trong những lĩnh vực được phía Nhật Bản quan tâm
hợp tác, tài trợ. Cho đến nay, các dự án quan trọng đã được thực hiện
là: (1) Trùng tu Cung điện Huế (Ngọ Môn), (2) Hỗ trợ bảo tồn Nhã nhạc
Việt Nam, (3) Hỗ trợ một phần trùng tu Cầu Nhật Bản tại Hội An, (4) Hỗ
trợ Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, (5) Cử chuyên gia bảo tồn thư tịch
cổ, (6) Hoàn thiện môi trường bảo tồn di tích Mỹ Sơn, (7) Hỗ trợ thiết
bị bảo tồn Di tích Hoàng thành Thăng Long.
- 2. Giao lưu văn hóa, nghệ thuật
Giao
lưu văn hóa, nghệ thuật là hoạt động nổi bật nhất trong quan hệ văn hóa
giữa hai nước những năm gần đây. Kể từ đầu thập niên 1990, khi quan hệ
ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản được hâm nóng lại thì hoạt động giao lưu
văn hóa nghệ thuật giữa hai nước càng phát triển hơn bao giờ hết. Năm
1991, lần đầu tiên sau 20 năm bị gián đoạn, phía Nhật Bản đã đưa một
đoàn ca múa hiện đại sang biểu diễn tại Việt Nam trong chuyến đi 10
ngày. Tháng 9 cùng năm, phái đoàn gồm 76 người của Hội giao lưu văn hóa
Nhật - Việt đã sang ký kết hợp tác với Cục hợp tác Quốc tế - Bộ Văn hóa
Việt Nam. Năm 1992 - 1993, nhiều đoàn nghệ thuật Nhật Bản sang Việt Nam
trình diễn các bộ môn văn hóa truyền thống như cắm hoa, thả diều… Phía
Việt Nam cũng hợp tác với các nghệ sĩ Nhật Bản nhằm giới thiệu nghệ
thuật múa rối nước cổ truyền của dân tộc. Năm 1994, Đoàn nghệ nhân biểu
diễn trà đạo gồm 35 người của trường phái Chado Urasenke Nhật Bản đã
sang Việt Nam biểu diễn. Cũng trong những năm này, nhà xuất bản tranh
truyện thiếu nhi hàng đầu Nhật Bản Doshinsha đã hợp tác với Nhà xuất bản
Kim Đồng giới thiệu với độc giả nhỏ tuổi Việt Nam bộ truyện tranh manga
nổi tiếng “Doremon”. Nhà xuất bản này cũng kết hợp với Cung thiếu nhi
Hà Nội, Nhà văn hóa Hải Phòng và một số trường mẫu giáo thuộc các tỉnh
phía Bắc giới thiệu bộ môn nghệ thuật Kamishibai (kịch giấy) Nhật Bản
trong giáo dục mầm non. Như vậy, có thể nói, đầu những năm 1990, hoạt
động giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra khá sôi nổi, tuy còn mang tính
một chiều, phần lớn là các bộ môn văn hóa, nghệ thuật Nhật Bản được
giới thiệu cho người Việt Nam. Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam cho
người Nhật Bản mới chỉ bó hẹp trong những chuyến công du ngắn hạn của
các nhà văn hóa - nghệ thuật Việt Nam khi tham gia một số hoạt động văn
hóa quốc tế tại Nhật Bản như: Liên hoan âm nhạc (1989), Liên hoan phim
Tokyo (1989.1991, 1992), Biểu diễn đàn bầu Việt Nam (1992, 1993), Triển
lãm sách quốc tế tại Tokyo (1992, 1994)… và hầu hết các hoạt động này
được phía Nhật Bản đài thọ.
Sau năm 1993 - năm Kỷ niệm 20 năm
thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, các hoạt động giới
thiệu văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra sôi nổi, đã có những buổi
biểu diễn lớn, những cuộc triển lãm, hội thảo… về văn hóa Việt Nam được
người Nhật Bản đón nhận. Năm 1994, sau khi UNESCO tổ chức buổi tọa đàm
quốc tế về phát huy di sản văn hóa phi vật thể vùng Huế, Nhật Bản đã đưa
ra sang kiến và tài trợ cho Kế hoạch phục hồi âm nhạc cung đình Việt
Nam, đặc biệt là Nhã nhạc. Năm 1995, nhận lời mời của phía Nhật Bản,
giáo sư Hà Văn Cầu và một số nhà nghiên cứu Nghệ thuật Chèo, cùng Đoàn
chèo Thái Bình đã sang biểu diễn 4 đêm tại sân khấu Tokyo. Cũng trong
đợt biểu diễn này, Hội thảo khoa học về Chèo đã được tổ chức tại Nhật
Bản, thu hút sự tham gia của hơn 200 nhà nghiên cứu người Nhật. Năm
1998, Công ty may Ngân An lên đường sang Nhật Bản tham dự Triển lãm hàng
thủ công châu Á, giới thiệu với nhân dân Nhật Bản bộ trang phục truyền
thống “áo dài” của phụ nữ Việt Nam.
Từ năm 2000 trở đi đánh dấu
một bước tiến lớn trong quan hệ văn hóa giữa hai nước, khi các hoạt động
giao lưu văn hóa, nghệ thuật song phương nở rộ. Năm 2001, Festival Văn
hóa - Du lịch Việt Nam được tổ chức tại nhiều thành phố của Nhật Bản,
thu hút sự chú ý của người dân nước này. Năm 2002, để đáp lễ, Nhật Bản
gửi Đoàn nghệ thuật Kuna Uka tham dự biểu diễn tại Festival Huế, bên
cạnh các đoàn nghệ thuật của Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái
Lan, Indonesia…
Năm 2003, nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ
ngoại giao Việt - Nhật và năm giao lưu ASEAN - Nhật Bản, Lễ hội giao lưu
văn hóa Việt Nam - Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức tại Hội An với sự
tham gia của hàng ngàn người dân. Cuối năm 2003, buổi trình diễn thời
trang lớn chưa từng có của Việt Nam tại Nhật Bản - “Cuộc hiến dâng ở đền
thiêng” diễn ra tại ngôi đền cổ Kyomizu - Kyoto, đã giới thiệu với hàng
trăm vị khách tiếng tăm Nhật Bản và hàng ngàn du khách quốc tế 60 bộ
trang phục áo dài, kết hợp vẻ đẹp văn hóa Việt Nam và văn hóa Nhật Bản.
Năm
2004, đoàn Nghệ thuật dân gian Nhật Bản tham dự Liên hoan văn hóa nghệ
thuật dân gian Việt Nam tổ chức tại TP.HCM. Cũng trong năm này, một đoàn
làm phim của hãng truyền hình Asahi Nhật Bản đã đến Việt Nam trong vòng
1 tháng, từ 18-4 đến 18-5-2004 để thực hiện bộ phim truyền hình dài 10
tập (tổng cộng 300 phút) mang tên “Việt Nam mến yêu”. Đây là bộ phim
truyền hình dài hơi nhất của Nhật quay tại Việt Nam, “khám phá những nét
hấp dẫn của thiên nhiên, phong cảnh, sự độc đáo của nền văn hóa lâu
đời, sức hấp dẫn của nền ẩm thực cùng sự hồn nhiên, đôn hậu, thân thiện
của người Việt”(4).
Năm
2005, chính phủ Nhật Bản cử Phái đoàn giao lưu văn hóa đến Hà Nội và
TP.HCM. Chuyến viếng thăm của Phái đoàn lần này được thực hiện dựa trên
đề xuất của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi trong cuộc hội đàm với Thủ tướng
Phan Văn Khải vào cuối năm 2004 tại Hà Nội, trên quan điểm phát triển
sâu rộng mối quan hệ giữa hai nước vốn trước đây chỉ tập trung vào quan
hệ kinh tế, trong khi tại Việt Nam sự quan tâm đến Nhật Bản ngày càng
cao. Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, Phái đoàn đã soạn thảo và trình
Chính phủ hai nước Bản kiến nghị mang tính trung và dài hạn về các vấn
đề và phương sách trong giao lưu Nhật - Việt.
Năm 2006 được coi là
Năm xúc tiến giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự kiện Festival
Nhật Bản 2006 được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô lớn nhất từ
trước tới nay. Phía Nhật Bản có tới 800 người tham gia trong các chương
trình Giao lưu thể thao, Giao lưu văn hóa -nghệ thuật, Giao lưu nhạc nhẹ
và Giao lưu kinh tế. Năm 2007, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật
Bản được tổ chức tại Hội An với các màn trình diễn nghệ thuật cổ truyền,
thời trang, nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật ẩm thực…
Năm nay, năm
2008 - kỷ niệm 35 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, sẽ là năm
diễn ra nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quan trọng để chào mừng sự kiện
này. Trước hết phải kể đến Diễn đàn giao lưu văn hóa Nhật - Việt vừa
được tổ chức vào ngày 11 và 12-3-2008. Diễn đàn gồm 2 buổi “Tọa đàm nhân
dân” tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, với sự tham gia của đông đảo giới
tri thức hai nước, thuộc các lĩnh vực: đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn
di sản văn hóa, giao lưu tri thức, giao lưu văn hóa, văn nghệ. Vấn đề
xúc tiến hơn nữa giao lưu văn hóa Nhật - Việt là chủ đề chính được thảo
luận tại diễn đàn.
Một sự kiện được coi là “điểm đột phá” trong
quan hệ văn hóa hai nước là Đại nhạc hội Việt - Nhật vừa được tổ chức
hồi tháng 5 năm nay tại Hà Nội và TP.HCM. Đây là lần đầu tiên trong lịch
sử quan hệ song phương kéo dài hơn ba thập kỷ, hai nước cùng tổ chức
một chương trình âm nhạc tại Việt Nam với sự tham dự của nhiều ca sĩ
Nhật, và cũng là lần đầu tiên ca sĩ Việt Nam được giới thiệu tới công
chúng Nhật Bản. Sự kiện không bó hẹp trong ý nghĩa một chương trình nghệ
thuật, mà nhiều hơn, là sự kiện chính trị, ngoại giao, điểm dấu mốc đặc
biệt của chặng đường quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Dự kiến
Festival Việt Nam 2008 sẽ được tổ chức tại Nhật Bản với quy mô lớn chưa
từng có vào trung tuần tháng 8-2008, với tư cách là một Chương trình
hành động quốc gia của Nhật Bản trong năm nay. Về phía Việt Nam, Lễ hội
giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản vẫn tiếp tục được tổ chức tại thành
phố Hội An vào cuối năm nay, dự kiến sẽ thu hút khoảng 15.000 lượt
người tham dự. Tính từ khi Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản
được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, đến nay đã có gần 100 hoạt động
tổ chức ở hai nước, trong đó có khoảng 90 hoạt động song phương. Có thể
nói, các sự kiện giao lưu văn hóa giữa hai nước trong những năm gần đây
là phương tiện tốt nhất để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân
dân hai nước, góp phần xây dựng mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”.
- 3. Đào tạo tiếng Nhật Bản tại Việt Nam và đào tạo tiếng Việt Nam tại Nhật Bản
Đào
tạo tiếng Nhật Bản tại Việt Nam được thực hiện từ những năm đầu của
thập kỷ 1970 tại trường Đại học Ngoại thương và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội
(nay là Đại học Hà Nội). Tuy nhiên, trong suốt thập niên 1980, việc
giảng dạy tiếng Nhật bị đình trệ do quan hệ hai nước không phát triển.
Phải đến đầu những năm 1990, việc giảng dạy tiếng Nhật mới được thực
hiện trở lại, và phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Theo số liệu
thống kê của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, vào năm 1998, có khoảng
10.000 người Việt Nam học tiếng Nhật tại 30 cơ sở đào tạo công và tư
trên toàn quốc với số giáo viên giảng dạy chỉ vẻn vẹn 300 người(5),
kể cả giáo viên người Nhật sang tình nguyện giảng dạy. Sau 10 năm, vào
năm 2007, số học viên đã tăng lên 30.000 người, số cơ sở đào tạo là gần
100 trường với khoảng trên 1000 giáo viên(6), đưa Việt Nam trở thành nước có số người học tiếng Nhật đứng thứ 8 trên Thế giới.
Đào
tạo tiếng Nhật tuy là một ngành mới, song trong hơn 10 năm phát triển,
đã đạt những bước tiến đáng kinh ngạc. Nếu như vào đầu những năm 1990,
chương trình dạy tiếng Nhật còn lạc hậu với những bộ sách giáo khoa được
biên soạn từ năm 1970, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, phương
pháp giảng dạy ảnh hưởng nặng nề của nền giáo dục Nga và Trung Quốc, chỉ
chú trọng đến dạy ngữ pháp… thì vài năm gần đây, tiếng Nhật đã trở
thành bộ môn ngoại ngữ được cung cấp những phương tiện giảng dạy tiên
tiến nhất, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, hầu hết đều được tu nghiệp
ngắn hạn hoặc dài hạn tại Nhật theo chương trình tài trợ của Quỹ giao
lưu quốc tế Nhật Bản. Giáo trình giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam ngày
càng phong phú, đa dạng và được cập nhật liên tục. Đội ngũ giáo viên tu
nghiệp tại Nhật Bản trở về đã sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, chú
trọng đến mục đích nâng cao khả năng giao tiếp để học viên có thể nhanh
chóng sử dụng vốn kiến thức đã học vào giao tiếp thực tiễn. Một chuyên
gia Nhật Bản có kinh nghiệm công tác lâu năm ở Việt Nam đã nhận xét:
“Giảng dạy tiếng Nhật ở Việt Nam đang bước từ giai đoạn một - giai đoạn
tiếng Nhật được giảng dạy chủ yếu tại các trường đại học và các trung
tâm tiếng Nhật tư nhân tại các thành phố lớn sang giai đoạn hai - giai
đoạn mở rộng về đối tượng học viên (mở rộng đào tạo tiếng Nhật ở cấp
giáo dục phổ thông) và mở rộng về phạm vi địa lý, có thêm nhiều cơ sở
giảng dạy tại các địa phương”(7).
Thành quả này đạt được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhật Bản về
vốn, trang thiết bị giảng dạy, sách vở, giáo viên…, nhưng cũng không thể
phủ nhận sự chuyển biến tích cực từ phía các nhà tạo lập chính sách của
Việt Nam với việc chủ chương đưa tiếng Nhật vào giảng dạy thử nghiệm ở
cấp THCS và THPT. Đồng thời, sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt trong
quan hệ hai nước đã tạo ra nhu cầu của “thị trường” đối với ngành tiếng
Nhật.
Khác với ngành tiếng Nhật ở Việt Nam, đào tạo tiếng Việt tại
Nhật Bản chưa phải là một ngành phát triển. Mặc dù có lịch sử lâu dài
hơn, được bắt đầu từ những năm 1960 do một số nhà nghiên cứu Việt Nam
học học mở lớp dạy tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo và
trường Đại học Keio, nhưng việc giảng dạy tiếng Việt mới chỉ được mở
rộng trong thập kỷ 1990. Từ con số vài nhà nghiên cứu Việt Nam học biết
tiếng Việt, đến nay, cùng với sự phát triển ngành Việt Nam học tại Nhật
Bản, số nhà nghiên cứu sử dụng được tiếng Việt đã tăng tới hàng trăm, và
con số cơ sở đào tạo tiếng Việt cũng đã lên tới hàng hai chữ số(8). Riêng trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, chuyên ngành tiếng Việt đã đào tạo được khoảng trên 300 người(9),
phục vụ tại các ngành nghề khác nhau như: ngành giáo dục, ngành báo
chí, ngành ngoại giao, Đài truyền hình… Hiện nay, cùng với sự phát triển
giao lưu văn hóa, đặc biệt là du lịch giữa hai nước, học tiếng Việt
đang trở thành trào lưu trong một bộ phận giới trẻ Nhật Bản. Các cơ sở
dạy tiếng Việt được mở rộng, không chỉ ở các trường Đại học, mà tại các
Trung tâm ngoại ngữ tư thục, Hội hữu nghị Nhật - Việt ở các địa phương…
các lớp tiếng Việt được mở thường xuyên. Số sinh viên Nhật Bản đến Việt
Nam du học hiện nay giữ vị trí số một, cùng với sinh viên Hàn Quốc.
- 4. Trao đổi học thuật, nghiên cứu Nhật Bản học và Việt Nam học
Sự
phát triển của ngành Nhật Bản học tại Việt Nam và Việt Nam học tại Nhật
Bản trong những năm gần đây là bằng chứng khẳng định mối quan hệ hai
nước đã đi vào chiều sâu. Năm 1993, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản được
thành lập trong Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là
Viện Khoa học xã hội Việt Nam) như một cơ quan chuyên trách nghiên cứu
về Nhật Bản, được coi là bước khởi đầu của quá trình này. Cùng năm,
ngành Ngôn ngữ - văn hóa Nhật Bản (tiền thân của Khoa Đông Phương sau
này) được mở tại Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hai năm
sau đó, năm 1995, Khoa Đông Phương, trong đó có chuyên ngành Nhật Bản
học chính thức được thành lập tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn Hà Nội và TP.HCM. Cùng với việc mở chuyên ngành Nhật Bản học tại
các trường đại học lớn, các trường đại học tư thục cũng mở khoa đào tạo
tiếng Nhật, khiến cho hoạt động nghiên cứu Nhật Bản trở nên vô cùng sôi
nổi trong giai đoạn này. Ngoài các cơ quan kể trên, nghiên cứu Nhật Bản
còn được thực hiện tại một số đơn vị khác như Khoa Sử của trường Đại học
KHXH & NV, bộ phận nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản của Viện Kinh tế
và Chính trị Thế giới, Viện Sử học, Trường Đại học Ngoại thương, và các
đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Nội Vụ, Ban Đối ngoại Trung
ương… Mặc dù nghiên cứu Nhật Bản tại các đơn vị này được tiến hành khá
sớm, từ những năm 50-60, song chưa mang tính tổng hợp và chuyên sâu.
Theo
kết quả cuộc điều tra Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản phối hợp cùng Trung
tâm Nghiên cứu Nhật Bản thực hiện năm 1996, có khoảng 95(10)
nhà nghiên cứu Nhật Bản học ở Việt Nam, thuộc các lĩnh vực như lịch sử,
kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và quan hệ quốc tế. Phần nhiều họ thuộc thế
hệ trung niên, và do điều kiện khách quan của Việt Nam trong giai đoạn
đó, rất ít người biết tiếng Nhật.
Hiện nay, con
số những người nghiên cứu Nhật Bản ở Việt Nam đã lên tới hàng trăm
người, làm việc tại hàng chục cơ quan nghiên cứu và đào tạo trên khắp ba
miền Bắc, Trung, Nam. Một số cơ sở nghiên cứu mới như Đại học Thái
Nguyên, Đại học sư phạm Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Khoa
Đông phương Trường Đại học KHXH & NV TP.HCM, Đại học khoa học Huế,
Cao đẳng sư phạm Kontum, Cao đẳng sư phạm Vũng Tàu, Đại học Cần Thơ… Một
nét mới là số cán bộ nghiên cứu Nhật Bản học tại các trường đại học và
các cơ quan giảng dạy đang tăng lên. Hầu hết các cán bộ trẻ được đào tạo
tại Nhật Bản về, có khả năng sử dụng tốt tiếng Nhật. Tuy nhiên, tại các
cơ quan nghiên cứu, đội ngũ trung niên vẫn chiếm tỉ lệ lớn, và việc bồi
dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận đang là vấn đề được quan tâm. Hiện nay,
mỗi năm Chính phủ Nhật Bản dành khoảng một trăm suất học bổng du học
tại Nhật cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam. Tổng số lưu học sinh
Việt Nam ở Nhật hiện nay là khoảng 1.500 người. Có thể nói, đây là sự
giúp đỡ quý báu để bồi dưỡng nhân tài cho ngành nghiên cứu Nhật Bản học
tại Việt Nam.
So với ngành Nhật Bản học tại Việt Nam, nghiên cứu
Việt Nam tại Nhật Bản có bề dày lịch sử khá lâu, được bắt đầu ngay từ
sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy vậy, phải đến cuối những năm 1970
nó mới trở thành một ngành khoa học độc lập, tách khỏi ngành Sử học
Phương Đông. Đầu thập niên 1990, ngành Việt Nam học tại Nhật Bản thực sự
phát triển, nhờ quan hệ hai nước có bước tiến triển tốt đẹp. Việc sang
Việt Nam du học trở nên dễ dàng hơn, nhiều nhà nghiên cứu đã có bề dày
kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, có điều kiện để thâm nhập vào thực tế
xã hội, là cơ sở để họ cho ra đời những ấn phẩm về Việt Nam ngày một
phong phú. Hiện nay, con số nhà nghiên cứu tham gia vào Hội nghiên cứu
Việt Nam học ở Nhật Bản đã lên tới trên một trăm người, và số công trình
nghiên cứu về Việt Nam được xuất bản cũng lên tới hàng trăm cuốn sách.
Từ năm 1990 trở lại đây, nhiều cuộc hội thảo quốc tế, nhiều công trình
nghiên cứu tập thể với sự tham gia của học giả hai nước đã khiến cho sự
giao lưu học thuật giữa hai nước ngày càng trở nên sôi nổi.
- 5. Xúc tiến hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước
Nhận
thấy việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước là nền
tảng cho mọi quan hệ song phương chặt chẽ hơn, chính phủ Việt Nam và
Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua giao lưu
trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch, thể thao. Cụ thể là, hai
nước đang triển khai các chương trình đào tạo con người, chương trình
thanh niên ASEAN (100 người/năm), trao đổi các đoàn văn hóa, tình nguyện
viên, chuyên gia… Tháng 6/2008, đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam đã
tới Nhật Bản trong chương trình giao lưu giữa thế hệ trẻ Nhật Bản với
Thế hệ trẻ Đông Nam Á. Thanh niên Việt Nam đã có dịp tham quan thành phố
Tokyo và một số tỉnh thành, tới thăm các trường học, giao lưu gặp gỡ
với sinh viên và người dân địa phương Nhật Bản. Chương trình là một
trong các hoạt động của JENESYS – Chương trình giao lưu thế hệ trẻ các
nước Đông Nam Á được bắt đầu vào năm 2008 và sẽ kéo dài trong 5 năm. Kết
thúc mỗi đợt, chương trình lại tiếp tục mời 6.000 thanh niên và sinh
viên các nước Đông Nam Á sang thăm Nhật Bản.
Một sự kiện quan
trọng khác là sự ra đời của Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản của Quỹ
Giao lưu quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam vào tháng 3/2008. Sự kiến đánh
dấu mốc quan trọng trong chặng đường lịch sử quan hệ giữa hai nước, nó
không chỉ góp phần củng cố sự hợp tác về kinh tế, chính trị giữa hai
nước mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy và hiểu
biết sâu sắc giữa nhân dân hai nước thông qua các hoạt động giao lưu văn
hóa. Trung tâm tổ chức các hoạt động như: Giao lưu văn hóa nghệ thuật
(tổ chức biểu diễn ca nhạc, mời các nhà hoạt động văn hóa của Việt Nam
sang thăm Nhật Bản, tổ chức liên hoan phim Nhật Bản tại Việt Nam, hỗ trợ
các nhà xuất bản Việt Nam xuất bản các tác phẩm của Nhật Bản…); Hoạt
động giảng dạy tiếng Nhật (biên soạn sách giáo khoa, tổ chức và hỗ trợ
các hội thảo dành cho giáo viên, hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật cấp THCS,
cử các chuyên gia giảng dạy tiếng Nhật sang Việt Nam…); Nghiên cứu Nhật
Bản và giao lưu trí tuệ (hỗ trợ các cơ quan đang nghiên cứu về Nhật Bản,
hỗ trợ thành lập Hội nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản, cung cấp học bổng
cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản học, tổ chức hội thảo về Nhật Bản học…).
Với sự cống hiến tích cực của Trung tâm văn hóa Nhật Bản, chắc chắn một
“cây văn hóa Nhật Bản”(11) sẽ được vun trồng và mãi xanh tươi trên đất Việt Nam.
- 6. Kết luận và một số kiến nghị
Có
thể nói, giai đoạn từ năm 1993 đến nay là giai đoạn sôi nổi nhất, gặt
hái được nhiều thành công nhất trong chặng đường quan hệ văn hóa giữa
Việt Nam và Nhật Bản. Điều này có được là nhờ các điều kiện khách quan
thuận lợi trong quan hệ giữa hai nước, sự ổn định của môi trường quốc tế
trong vòng một thập kỷ rưỡi trở lại đây. Nhưng, cũng không thể phủ nhận
vai trò tích cực từ phía chính phủ hai nước khi ý thức được tầm quan
trọng của việc giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau có giá
trị như thế nào đối với việc phát triển quan hệ trong các lĩnh vực khác.
Chính phủ Nhật Bản hàng năm đã dành nguồn tài trợ lớn cho các hoạt động
giao lưu, hợp tác về văn hóa với Việt Nam. Về phía Việt Nam, chính sách
mở cửa, hội nhập của Đảng và Nhà nước ta cũng tạo môi trường thuận lợi
cho việc hợp tác, trao đổi và giao lưu văn hóa với Nhật Bản. Chính phủ
hai nước đã khẳng định muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện trên
mọi lĩnh vực, để trở thành “đối tác đặc biệt”, “đối tác bền vững” của
nhau trong thời gian tới. Năm 2006, Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản
một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm tăng cường và thúc đẩy hơn nữa quan hệ
song phương với tư cách là “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở
châu Á”.
Hai nước đang trong giai đoạn hợp tác tốt nhất trong
lịch sử quan hệ 35 năm qua. Chưa bao giờ, quan hệ văn hóa được chú trọng
và đề cao như lúc này. Cuộc viếng thăm của Phái đoàn giao lưu văn hóa
Nhật Bản tới Việt Nam năm 2005 sau chín năm gián đoạn - kể từ năm 1996,
và Diễn đàn giao lưu văn hóa Nhật Việt được thực hiện hồi tháng 5/2008
vừa qua chính là bằng chứng sinh động khẳng định chiều sâu của mối quan
hệ này. Lần đầu tiên trong lịch sử, hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa
giữa hai nước được xem xét và xây dựng một cách có chiến lược. Phái đoàn
giao lưu văn hóa đã đề xuất: “Nhằm xúc tiến giao lưu văn hóa Nhật -
Việt dựa trên sự hợp tác của chính phủ và các ban ngành liên quan, nên
thành lập Hội đồng cấp cao giữa hai nước gồm đại diện của chính phủ và
tư nhân để xem xét một cách toàn diện các vấn đề và phương sách trong
giao lưu Nhật - Việt”(12).
Tháng 3/2008, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản được khai trương tại
Hà Nội với tư cách là một cơ sở trợ giúp cho các hoạt động giao lưu và
hợp tác văn hóa giữa hai nước, lại một lần nữa khẳng định quyết tâm của
phía chính phủ Nhật Bản trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ văn hóa
với Việt Nam.
Tuy nhiên, về phía chúng ta, dường như còn thiếu sự
chủ động trong việc xây dựng một chiến lược phát triển quan hệ văn hóa
dài hơi với nước bạn. Rõ ràng rằng, giao lưu văn hóa cần sự tham gia của
cả hai phía. Cho đến nay, các hoạt động giao lưu văn hóa được thực hiện
phần lớn nhờ sự tài trợ của phía bạn. Thời gian gần đây, văn hóa Nhật
Bản như âm nhạc, phim ảnh, văn học… du nhập vào Việt Nam khá mạnh mẽ và
ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa nước ta, nhưng văn hóa Việt Nam
lại chưa được giới thiệu nhiều tới nhân dân Nhật Bản. Thiết nghĩ, chúng
ta cần có những chính sách cụ thể và sự tài trợ về mặt kinh phí từ Nhà
nước để thực hiện một cách có kế hoạch, có hiệu quả hoạt động giới
thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè Nhật Bản. Có lẽ, các cuộc
triển lãm về văn hóa truyền thống (sản phẩm thủ công truyền thống, nghệ
thuật biểu diễn truyền thống…), festival văn hóa, cử các đoàn nghệ thuật
sang biểu diễn tại nước bạn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa -
đất nước - con người Việt Nam tại Nhật, các cuộc hội thảo quốc tế về
văn hóa Việt Nam… sẽ là những phương tiện tốt để truyền bá văn hóa nước
ta tới nhân dân Nhật Bản.
Bên cạnh đó, ngoài kênh của chính phủ,
chúng ta cũng cần thu hút sự quan tâm của các tổ chức cá nhân, doanh
nghiệp, công ty… trong việc thực hiện trao đổi, giao lưu, hợp tác văn
hóa. Thực ra, chính những đơn vị nhỏ này là đối tượng được hưởng lợi
trực tiếp. Ví dụ, nếu các công ty, xí nghiệp Nhật Bản trước khi tuyển tu
nghiệp sinh Việt Nam có tổ chức các khóa học tiếng Nhật và giới thiệu
về văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Nhật Bản, thì những người này
sẽ không bị bỡ ngỡ khi bước chân vào môi trường làm việc tại Nhật Bản.
Hoặc, công việc này cũng có thể thực hiện bởi các công ty Việt Nam làm
công việc môi giới, giới thiệu tu nghiệp sinh, thực tập sinh sang Nhật.
Và
cuối cùng, cần chú trọng tới việc đào tạo tiếng Nhật cho người Việt Nam
và tiếng Việt cho người Nhật Bản, đồng thời tăng cường hoạt động nghiên
cứu Nhật Bản học và Việt Nam học. Nhật Bản đã làm tốt việc truyền bá
ngôn ngữ của họ ra Thế giới. Việt Nam cũng nên học tập họ trong việc
phát triển giảng dạy tiếng Việt bằng các hình thức như cử giáo viên sang
giảng dạy tại các cơ sở đào tạo của nước bạn, cung cấp các chương trình
học bổng học tiếng Việt tại Việt Nam cho sinh viên Nhật Bản… Đối với
hoạt động nghiên cứu, cần tăng cường các chương trình nghiên cứu tập thể
cho học giả hai nước cũng như đẩy mạnh xã hội hóa các thành quả nghiên
cứu. Hy vọng tới đây, quan hệ văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát
triển xứng tầm nó đáng phải có trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai
nước.
(Bài đăng lại từ Website NCNB cũ).
Tài liệu tham khảo chính:
1. Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình - Trần Anh Phương (đồng chủ biên). 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973-1998. NXB. Khoa học xã hội, 1999.
2. Ngô Xuân Bình - Trần Quang Minh (chủ biên). Quan hệ Việt Nam Nhật Bản quá khứ, hiện tại, tương lai. NXB. Khoa học xã hội, 2005.
3. Kimura Hiroshi - Furuta Motoo - Nguyễn Duy Dũng (chủ biên). Những bài học về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. NXB. Thống kê, 2005.
4. Shibahara Tomoyo: “Đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam và triển vọng”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1/2003.
5. Ngô Hồng Diệp: “Về sự hợp tác văn hóa Nhật Bản – ASEAN từ những năm 1970 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 12/2007.
6. Lưu Thu Thủy: “Học tiếng Việt tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2008.
7.
Báo cáo của Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC)
về tình hình giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam năm 2007.
8. Trang web. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: http://www.vn.emb-japan.go.jp
9. Trang web: http://www.jpf.org.vn
10. “Giao lưu văn hóa Việt-Nhật và sự quan tâm của người Nhật với văn hóa Việt Nam”. Trang web: http://www.thuvien-ebook.com/forums/
(1)
Trần Mạnh Cát: “Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản những năm gần
đây”, 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973-1998. NXB. Khoa học xã
hội, 1999.
(2) Nguồn: Trang web. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam http://www.vn.emb-japan.go.jp
(3)
Phạm Hồng Thái: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản qua những chặng đường văn
hóa”, Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản quá khứ, hiện tại, tương lai. NXB.
Khoa học xã hội, 2005.
(4) Nguồn: “Giao lưu văn hóa Việt-Nhật và sự quan tâm của người Nhật với văn hóa Việt Nam”. Trang web:
http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=8767
http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?t=8767
(5) Shibahara Tomoyo: “Đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam và triển vọng”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 1/2003.
(6)
Nguồn: Báo cáo của Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản
(VJCC) về tình hình giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam năm 2007.
(7) Shibahara Tomoyo, đã dẫn.
(8)
Furuta Motoo: “Vài nét về tình hình nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản”,
Những bài học về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Kimura Hiroshi, Furuta
Motoo, Nguyễn Duy Dũng, 2005.
(9) Lưu Thu Thủy: “Học tiếng Việt tại Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 3/2008.
(10) Dương Phú Hiệp: “Nhật Bản học ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra hiện nay”, 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đã dẫn.
(11) Trích “Lời chào của Giám đốc Trung tâm văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam”. Website: http://www.jpf.org.vn
(12) Thông tin về Phái đoàn Giao lưu văn hóa 2005: http://www.hcmcgj.vn.emb-japan.go.jp/vn/pro2005/may.htm