THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 20/11/2012
TTXVN (Hồng Công 18/11)
Trong cuốn Đặng Tiểu Bình thay đổi Trung Quốc vừa xuất bản, tác giả Ezra F. Vogel chorằng Tập Cận Bình sẽ trở thành “phiên bản mới của Đặng Tiểu Bình”. Từ nội dung trả lời phỏng vấn liên quan của Vogel được giới truyền thông đưa tin, theo tạp chí “Tin mật Trung Quốc” số tháng 11 phát hành ở Hồng Công, người ta có thể thấy 5 lý do mà Vogel đưa ra để bảo vệ cho luận điểm của mình.
Thứ nhất, do Tập Cận Bình xuất thân trong gia
đình quyền quý, chịu ảnh hưởng sâu sắc của bố (ông Tập Trọng Huân,
nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên Phó Ủy viên trưởng Đại
hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc) nên Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy
chính sách cải cách mở cửa.
Thứ hai, Tập Cận Bình là người chịu khó lắng nghe
nên cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo hiểu được nỗi niềm của người dân
và có thể tạo ra bước đột phá về thể chế chính trị ở Trung Quốc. Vogel
rất lạc quan đối với thể chế “Tập-Lý” (Tập Cận Bình-Lý Khắc Cường).
Thứ ba, từ thái độ tự nhiên cởi mở của Tập Cận
Bình trong những chuyến thăm nước ngoài, Vogel tin rằng Trung Quốc sẽ
tiếp tục con đường cải cách mở cửa. Dẫn lại tư duy chiến lược “giấu mình
chờ thời, làm nên công tích” của Đặng Tiểu Bình, Vogel cho rằng tư duy
này cũng thích hợp cho nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Trung Quốc
tham khảo, tiếp tục quán triệt trong khi xử lý quan hệ với các nước
theo phương thức hài hòa để có thêm thời gian tích lũy thực lực. Ví dụ:
Trong thời gian nắm quyền, Đặng Tiểu Bình không nói thẳng về mối đe dọa
quân sự trong vấn đề Biển Đông (Nam Hải), cũng không để cái gọi là “chủ
nghĩa yêu nước” trở thành dòng chủ lưu, mà coi trọng biện pháp ngoại
giao hơn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tham dự mạnh mẽ hơn vào các hoạt
động quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế mới như các tổ chức bảo vệ môi
trường quan tâm tới vấn đề Trái Đất nóng lên.
Thứ tư, Tập Cận Bình sẽ giống Đặng Tiểu Bình, áp dụng tư duy quản lý đất nước mạnh dạn hơn và tiên tiến hơn.
Thứ năm, Tập Cận Bình sẽ ra sức chống tham nhũng.
Vogel cho rằng sự kiện Bạc Hy Lai (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên
Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã bị cách chức, sẽ bị đưa ra truy tố trước
tòa) làm chấn động Trung Quốc là cơ hội tốt để Trung Quốc đẩy mạnh
chống tham nhũng một cách toàn diện, làm trong sạch chốn quan trường,
đặc biệt là trước Đại hội 18 để mang tới cho người dân cảm giác mới.
Hành động chỉnh đốn quan tham khó tránh khởi gây ra xung đột hoặc mâu
thuẫn, nhưng lại là chuyện tương đối tốt đối với sự thống trị lâu dài
của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ở một góc độ khác, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu Giáo
dục Chính trị, Giáo sư Học viện Xã hội Chủ nghĩa Trung ương Bắc Kinh
Vương Chiêm Dương đã so sánh Tập Cận Bình với Đặng Tiêu Bình qua xem xét
tố chất cá nhân của Tập Cận Bình. Vương Chiêm Dương cho rằng đây là
nhân vật có chiều sâu, rất thông minh và chịu khó đọc sách, người chịu
khó đọc sách có thể hiểu được sự việc phức tạp, có thể làm được những
việc mà người đọc báo hoặc vặn kiện không làm được. Theo Vương Chiêm
Dương, Tập Cận Bình thường đọc sách liên quan đến “mâu thuẫn xã hội” của
Trung Quốc và một trong những mâu thuẫn xã hội hiện nay chính là nguy
cơ bất ổn gia tăng bởi mấy chục năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao.
Ngày 11/7/2012, tờ “Thời báo Niu Yoóc” của Mỹ
đăng bài “Rủi ro nắm quyền lãnh đạo của Trung Quốc”, đặc biệt nhấn mạnh
tới quan điểm của Vươmg Chiêm Dương rằng Tập Cận Bình sẽ trở thành “Đặng
Tiểu Bình thời trẻ”. Tờ “Thời báo Niu Yoóc ” còn chỉ rõ: Một số học giả
dự đoán sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình sẽ đẩy nhanh tốc độ cải
cách. Một học giả giấu tên có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo Trung
Quốc tiết lộ “đây sẽ là cải cách toàn diện và việc mở cửa sẽ bước vào
một thời kỳ mới”. Những “chính trị gia chủ chốt” của Trung Quốc đang
“liên hợp với nhau đẩy mạnh cải cách để giúp xã hội ổn định”.
Rất nhiều nhà phân tích cho rằng sự lớn mạnh của
nhóm lợi ích kinh tế quốc doanh, đặc biệt là ngành bất động sản, năng
lượng và viễn thông, có sức ảnh hưởng lớn đến chính sách của Trung ương,
làm thu hẹp không gian cải cách. Đây chính là nguyên nhân khiến một số
lĩnh vực được đặt kỳ vọng lớn vào Tập Cận Bình và cũng là ý nghĩa của
việc Vương Chiêm Dương so sánh Tập Cận Bình với Đặng Tiểu Bình. Có học
giả cho rằng “Trung Quốc vẫn là đất nước bị lãnh đạo bởi tố chất con
người, không phải là đất nước pháp trị. Vì thế, nhà lãnh đạo là người
như thế nào là vấn đề rất quan trọng, cũng là vấn đề then chốt bởi tất
cả bắt nguồn từ đây. Ban lãnh đạo tương lai sẽ có nhiều nhân vật mạnh.
Tuy nhóm lợi ích là một vấn đề đối với Trung Quốc, nhưng nếu nhà lãnh
đạo đủ mạnh thì cũng có khả năng thay đổi được tình trạng này”, Tập Cận
Bình có thể có tố chất của nhà lãnh đạo kiểu này.
Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc Vương Chiếu Hoa cũng cho rằng Tập Cận Bình giống
Đặng Tiểu Bình. Trong bài báo “Tập Cận Bình trong con mắt của nguyên Phó
Ban Tổ chức Trung ương Vương Chiếu Hoa”, tác giả Ngô Chinh đã dẫn lời
của Vương Chiếu Hoa nói rằng “Tập Cận Bình làm việc nhất quán rõ ràng,
dám tỏ thái độ, điểm này rất giống với Đặng Tiểu Bình khi xưa”, Vương
Chiếu Hoa cho biết thêm trong số con cháu quan chức cấp cao của Đảng
Cộng sản Trung Quốc, ông chỉ yêu thích hai người, một là Tập Cận Bình và
hai là Đào Tư Lượng, con gái đồng nghiệp Tăng Chí. Theo Vương Chiếu
Hoa, Tập Cận Bình là “rường cột” của nước nhà còn Đào Tư Lượng thì có
tài văn chương. Khi Vương Chiếu Hoa mất, Tập Cận Bình là người đầu tiên
trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sàn Trung Quốc gửi
vòng hoa tới viếng.
Trung tuần tháng 2/2012, Tập Cận Bình tới thăm
Mỹ, báo Đa chiều đăng bài của tác giả Tử Nha với tiêu đề: “Tại sao Tập
Cận Bình là phiên bản thời trẻ của Đặng Tiểu Bình?” Tử Nha so sánh
chuyến thăm Mỹ của Tập Cận Bình với chuyến thăm Mỹ lịch sử của Đặng Tiểu
Bình vào năm 1979 và rút ra kết luận rằng Tập Cận Bình có thể trở thành
nhân vật thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ bước vào xu thế hoàn toàn mới. Tử
Nha cho rằng Tập Cận Bình có tố chất chính trị tiềm tàng để trở thành
một Đặng Tiểu Bình khác của Trung Quốc. Tử Nha đã đưa ra hai lý do để
chứng minh cho luận điểm của mình.
Thứ nhất, Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình có trải
nghiệm chính trị và mang trong mình truyền thống cách mạng rất giống
nhau. Đặng Tiểu Bình và bố của Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân, đều
trải qua ba giai đoạn “đi lên” và ba giai đoạn “đi xuống”.
Thứ hai, Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình có chung
khuynh hướng chính trị. Tập Cận Bình từng bày tỏ một cách rõ ràng là sẽ
không làm Boris Yeltsin (cố Tổng thống Nga), không làm Mikhail Gorbachov
nhà lãnh đạo tối cao cuối cùng của Liên bang Xôviết). Việc này giống
với Đặng Tiểu Bình khi xưa cười nhạo Gorbachev là kẻ ngốc.
Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình có thể trở thành
“Đặng Tiểu Bình phiên bản mới” hay không còn tùy thuộc vào việc Tập Cận
Bình có đủ mạnh hay không, có thể trở thành hạt nhân lãnh đạo thực chất
của Trung Quốc trong tương lai hay không? Đối với Trung Quốc, việc này
là tốt hay xấu, là tiến bộ hay thụt lùi tới nay vẫn là ẩn số.
Có người cho rằng hiện nay vẫn chưa rõ quan điểm
chính trị của Tập Cận Bình. Tháng 5/2012, Ngô Quốc Quang, tác giả cuốn
“Bá quyền không la bàn đạo đức: Trung Quốc thời hậu cách mạng”, cho biết
sách của ông đã được hãng Sankei xuất bản bằng tiếng Nhật. Tháng
6/2012, sau khi đọc cuốn sách này, cây bút hàng đầu của tờ Sankei thường
trú ở Bắc Kinh, Aido Kusya, đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Ngô
Quốc Quang. Aido hỏi: “Ông nhìn nhận Tập Cận Bình như thế nào, cả về
quan điểm chính trị và năng lực? Tập Cận Bình sẽ trở thành nhà lãnh đạo
như thế nào?” Ngô Quốc Quang trả lời: “về cơ bản, tôi cho rằng quán tính
và sự ràng buộc của thể chế chính trị ở Trung Quốc là rất lớn. So với
nhân tố cá nhân, hiện nay, quán tính và sự ràng buộc của thể chế chính
trị ở Trung Quốc đóng vai trò quyết định lớn hơn đối với việc nhà lãnh
đạo làm gì và làm như thế nào. Tập Cận Bình có thể trở thành nhà lãnh
đạo có lý tưởng, có ý chí, có năng lực phá vỡ quán tính chính trị nêu
trên hay không, hiện nay chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy khả năng
ấy”.
Nếu xem xét ở khía cạnh gìn giữ quan điểm thống
nhất với Trung ương Đảng, Tập Cận Bình không phải là nhân vật không có
quan điểm chính trị rõ ràng. Chí ít, chính trị công khai hiện nay của
Tập Cận Bình được miêu tả bằng những nét chính như thận trọng, bảo thủ,
coi tham nhũng như kẻ thù, lập trường chính trị tả khuynh. Nhưng vấn đề
là quan điểm chính trị thật sự của Tập Cận Bình là gì? Ngoài việc cố ý
giữ quan điểm thống nhất với Trung ương Đảng, quan điểm chính trị và lập
trường chính trị của Tập Cận Bình có ảnh hưởng thế nào đối với chính
sách, phương châm và đường lối phát triển chính trị của Trung Quốc? Đáp
án cho câu hỏi này xem ra chỉ có thể dần sáng tỏ sau khi Tập Cận Bình
lên nắm quyền.
Tuy nhiên, việc Tập Cận Bình trở thành “Đặng Tiểu
Bình phiên bản mới” không phải là chuyện tốt lành đối với Trung Quốc.
Bởi Trung Quốc tuyệt đối không nên có Đặng Tiểu Bình thứ hai! Hiện nay,
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, gồm sự mục nát về chính
trị, sự đồi bại trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, thói
quyền quý lộng hành, đạo đức truyền thống suy vi…. Lẽ nào tình trạng này
không phải do cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình gây ra? Lẽ nào cuộc cải
cách của Đặng Tiểu Bình không phải là lực cản đối với việc đưa ra đánh
giá đúng đắn về Mao Trạch Đông, xem xét lại sự kiện. Thiên An Môn cũng
như việc thanh toán một số phong trào chính trị như chống hữu khuynh.
Bên cạnh đó, vấn đề mà Tập Cận Bình đối mặt hiện
nay hoàn toàn không giống với những gì mà Đặng Tiểu Bình phải đối mặt
khi xưa. Năm xưa, Đặng Tiểu Bình sử dụng biện pháp kinh tế để cứu Đảng
Cộng sản Trung Quốc đang đứng bên bờ đổ vỡ. Hiện nay, vấn đề quan trọng
mà Tập Cận Bình phải đối mặt là có thể trở thành nhà lãnh đạo mạnh để
kiềm chế các nhóm lợi ích hay không. Liệu Tập Cận Bình có thể phá vỡ sự
ràng buộc về thể chế hay không? Nút thắt của mọi vấn đề nằm ở chỗ này.
Xem xét lại sự kiện Thiên An Môn, cải cách thể chế chính trị, công bố
tài sản của cán bộ lãnh, đạo, tách bạch giữa đảng và chính quyền, thực
hiện độc lập tư pháp, tự do thông tin, ngăn chặn tình trạng trong khi
kinh tế đất nước đi lên thì cuộc sống người dân thụt lùi…, muốn thực
hiện bất cứ hạng mục cải cách nào trong số các hạng mục nêu trên đều sẽ
bị tập đoàn quyền quý ra sức can dự và gây cản trở. Đập tan sự can dự và
cản trở này là vấn đề khó khăn nhất đối với Tập Cận Bình khi lên nắm
quyền.
Một vấn đề khác là Tập Cận Bình có thể trở thành
“nhà chuyên chế văn minh” duy nhất hay không? Dùng định nghĩa của Giáo
sư Đinh Học Lương thuộc Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Công, “chuyên
chế văn minh” là phương thức chuyển giao quyền lực và sắp xếp nhân sự
tối cao của Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc. Mô hình “chuyên chế
văn minh” này có một hạt nhân, chính là việc phải có một “nhà chuyên chế
văn minh” duy nhất ở bên trên, nếu không mô hình chỉ cải cách kinh tế
không cải cách chính trị của Đặng Tiểu Bình sẽ rất khó có thể được triển
khai. Tuy nhiên, sau Đặng Tiểu Bình, trong ban lãnh đạo tối cao của
Trung Quốc không có bất cứ ai giống Đặng Tiểu Bình, đủ tư cách trở thành
“nhà chuyên chế văn minh”. Sau Đặng Tiểu Bình, môi trường và mảnh đất
sản sinh ra “nhà chuyên chế văn minh” duy nhất,không còn tồn tại và một
nhà lãnh đạo đại gia trưởng như Đặng Tiểu Bình cũng không thể có nữa.
Cuối cùng, Đặng Tiểu Bình là nhà chính trị điển
hình cho tín ngưỡng “súng chỉ huy đảng”. Chuyên gia phân tích Tái Tử
Lăng từng cho biết vai trò mạnh mẽ đặc biệt của Đặng Tiểu Bình là do thể
chế đảng lãnh đạo nhà nước trao quân quyền vào tay Đặng Tiểu Bình. Vào
thời khắc then chốt, tập đoàn quyền quý đã đẩy Đặng Tiểu Bình tới chỗ
đối lập với nhân dân và nhân vật này không thể không đóng vai “nhà độc
tài”, sử dụng súng chỉ huy đảng, phế truất vị Tổng Bí thư từ chối nổ
súng vào nhân dân, gây ra thảm án Thiên An Môn, Giai đoạn lịch sử đó
chứng minh hậu quả của hành động trấn áp Thiên An Môn chính là nhằm bảo
vệ cho chủ nghĩa tư bản quyền quý, không có bất cứ ý nghĩa tiến bộ nào
đối với lịch sử. Vậy lẽ nào một nhà lãnh đạo mạnh theo kiểu “súng chỉ
huy đảng” sẽ lại tái hiện ở Trung Quốc?
***
Cuối tháng 9/2011, tạp chí “Lợi ích Quốc gia”của
Mỹ đăng bài “Đối diện với phần tử theo Chủ nghĩa Mao Trạch Đông mới”
của Trợ lý Giáo sư Bruce Gilley thuộc Đại học Portland cho rằng về hình
thái ý thức, Tập Cận Bình là phần tử Mao Trạch Đông mới. Trong bài báo
của mình, Gilley nói Tập Cận Bình không thuộc phái ôn hòa. Càng gần tới
thời điểm Tập Cận Bình lên nắm quyền càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Tập
Cận Bình là một người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trong xử lý vấn đề
ngoại giao và nghiêng về hướng sử dụng cảnh sát để giải quyết xung đột
và rối loạn ở trong nước. Sự “trỗi dậy” của Tập Cận Bình đồng nghĩa với
việc cuộc đấu tranh lâu dài giữa phái Mao Trạch Đông và phái cải cách
xung quanh vấn đề cải cách mở cửa sẽ sớm kết thúc. Bởi Tập Cận Bình có
thể sẽ dẫn dắt Trung Quốc trở lại với thời kỳ đầu thành lập nước Cộng
hòa Nhân dân Trung Hoa, giai đoạn mà một số học giả cánh tả ở Trung Quốc
coi là thời kỳ hoàng kim của nước này. Nhằm chứng minh Tập Cận Bình là
phần tử theo Chủ nghĩa Mao Trạch Đông mới, Gilley đã lấy một số ví dụ.
Thứ nhất là khi phát biểu với Hoa kiều trong
chuyến thăm Mêhicô năm 2009, Tập Cận Bình nói rằng: “Có một số người
nước ngoài ăn no rồi không có việc gì làm, hoa chân múa tay bàn chuyện
của chúng ta. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai,
Trung Quốc không xuất khẩu đói nghèo. Thứ ba, Trung Quốc không dày vò
họ. Vậy họ còn có gì để nói nữa”. Phát biểu này của Tập Cận Bình đã nhận
được sự ngợi khen của một số phần tử theo Chủ nghĩa Mao Trạch Đông và
chủ nghĩa dân tộc.
Thứ hai là khi tới thăm Trùng Khánh, Tập Cận Bình
đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào “xướng hồng đả hắc” (hát nhạc
đỏ, tấn công tội phạm) của Bạc Hy Lai (nguyên ủy viên Bộ Chính trị,
nguyên Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, đã bị cách chức, khai trừ khỏi Đảng
Cộng sản Trung Quốc và chờ đưa ra truy tố trước tòa). Tại Trùng Khánh,
Bạc Hy Lai đã nêu ra một số khẩu hiệu dưới thời Mao Trạch Đông, khuyến
khích người dân hát nhạc đỏ, từ đó giành được sự ủng hộ. Gilley cho rằng
Tập Cận Bình rõ ràng đã nhận thấy mối liên hệ giữa khẩu hiệu thời Mao
Trạch Đông và lòng dân, cho nên mới ủng hộ phong trào “xướng hồng đả
hắc” do Bạc Hy Lai khởi xướng.
Thứ ba là những biểu hiện của Tập Cận Bình trong
chuyến thăm Tây Tạng dự lễ kỉ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Tây Tạng vào
tháng 7/2012. Ngược với chính sách nhân đạo hòa giải với Tây Tạng mà Hồ
Diệu Bang (cựu Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) đưa ra
trong chuyên thăm Tây Tạng của nhân vật này vào thập niên 1980, trong
chuyến thăm Tây Tạng vừa qua, Tập Cận Bình thể hiện rõ tâm thái của kẻ
thống trị Tây Tạng. Thức ăn nước uống và cả nước tắm, Tập Cận Bình đều
cho tùy tùng tự mang tới, không dùng đồ của Tây Tạng, Tập Cận Bình cũng
không tiếp xúc với dân thường Tây Tạng. Cả ngày, bao bọc xung quanh Tập
Cận Bình là một lượng lớn nhân viên bảo an và cảnh sát mật. Cuối cùng,
tại lễ kỉ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Tây Tạng, Tập Cận Bình đã có bài
phát biểu dài 75 phút với lời lẽ cứng rắn, chỉ trích Đạtlai Lạtma và
nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc duy trì lực lượng quân sự quy mô
lớn ở khu vực này.
Nhà quan sát vấn đề Trung Quốc của Hồng Công Lâm
Hòa Lập cũng cho rằng Tập Cận Bình có thể là một phần tử theo Chủ nghĩa
Mao Trạch Đông kiên định. Trong một bài viết đăng trên tạp chí “Chính
sách Ngoại giao” của Mỹ, Lâm Hòa Lập cho biết vào tháng 8/2011, Tập Cận
Bình và Phó Tổng thống Mỹ J. Biden tới thăm trường trung học Thanh Thành
Sơn ở thành phố Đô Giang Yến thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Khi đó, Tập Cận Bình
đã nhắc lại cho học sinh trường trung học Thanh Thành Sơn câu nói của
Mao Trạch Đông: “Thế giới này là của các cháu, cũng là của chúng ta,
nhưng rốt cuộc sẽ là của các cháu”. Theo Lâm Hòa Lập, không có căn cứ để
chứng minh rằng việc Tập Cận Bình nhắc lại câu nói trên của Mao Trạch
Đông là nhằm nhắc nhở và cảnh báo Biden. Nhưng nhiều phương diện cho
thấy nhà lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc là phần tử kiên định theo
Chủ nghĩa Mao Trạch Đông.
Vấn đề ở đây, theo tạp chí “Tin mật Trung Quốc”
số tháng 11/2012 phát hành ở Hồng Công, là những ví dụ mà Gilley và Lâm
Hòa Lập đưa ra có đủ để chứng minh rằng về hình thái ý thức, Tập Cận
Bình có là phần tử Mao Trạch Đông mới hay không. Nêu nghiên cứu những
phát biểu công khai của Tập Cận Bình tại Trường Đảng Trung ương Trung
Quốc và trong nhiều trường hợp khác nữa, quả thực, người ta có thể tìm
được thêm nhiều chứng cứ để chứng minh cho nhận định nêu trên của Gilley
và Lâm Hòa Lập.
Một là việc Tập Cận Bình suy tôn hạt nhân lãnh
đạo thế hệ thứ nhất do Mao Trạch Đông làm đại diện. Tháng 8/2006, Tập
Cận Bình cho đăng bài viết dài với tiêu đề “Nhìn lại và suy nghĩ về công
tác xây dựng Đảng trong 30 năm cải cách mở cửa” trên “Thời báo Học tập”
của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Sau khi tổng kết bối cảnh, tiến
trình lịch sử, những thành tích và tiến bộ, thành quả sáng tạo về lý
luận đã đạt được của công tác xây dựng Đảng trong 30 năm cải cách mở cửa
cũng như một số gợi ý rút ra, Tập Cận Bình viết: “Ở đây, vấn đề mà tôi
muốn đặc biệt nhấn mạnh là công tác xây dựng Đảng trên các mặt trong 30
năm qua được triển khai trên nền tảng công trình xây dựng Đảng vĩ đại
được tập thể lãnh đạo Trung ương thế hệ thứ nhất do đồng chí Mao Trạch
Đông làm hạt nhân khởi xướng thành công”.
Hai là việc Tập Cận Bình suy tôn tư tưởng Mao
Trạch Đông. Từ khi đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương,
Tập Cận Bình đều tới phát biểu tại lễ khai mạc hoặc bế giảng khóa học ở
đây. Những phát biểu này được nhìn nhận là thể hiện tư duy cầm quyền của
Tập Cận Bình, do đó, nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt. Hai năm trở
lại đây, Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc lại phát biểu của Mao Trạch Đông
trong lễ khai mạc hoặc bế giảng khóa học tại Trường Đảng Trung ương
Trung Quốc, yêu cầu các quan chức nước này phải nghiêm túc học tập các
nguyên tác của Mao Trạch Đông, “nắm chắc trọng điểm, tiếp thu tinh túy”,
bảo đảm lập trường chính trị kiên định vững vàng. Tháng 5/2011, phát
biểu tại lễ khai mạc khóa học mùa Xuân, Tập Cận Bình nhấn mạnh cán bộ
lãnh đạo phải học tập các tác phẩm quan trọng của Cácmác, Ăngghen, Lênin
và Mao Trạch Đông. Tháng 5/2012, Tập Cận Bình lại phát biểu yêu cầu
toàn đảng phải kiên trì “thực sự cầu thị” bởi “thực sự cầu thị” là linh
hồn và tinh túy của tư tưởng Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang
Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Ba là việc Tập Cận Bình suy tôn Mao Trạch Đông.
Tập Cận Bình từng tới thăm Thiều Sơn, quê của Mao Trạch Đông, vào năm
1966, 1997 và 2011. Chuyến thăm Thiều Sơn làn thứ ba của Tập Cận Bình
diễn ra trong chuyến điều tra nghiên cứu ở Hồ Nam từ ngày 20 tới ngày
23/3/2011, không lâu sau kỳ họp Lưỡng hội (Quốc hội và Mặt trận Tổ
quốc). Khi đó, Tập Cận Bình đã tới dâng hoa trước tượng Mao Trạch Đông,
thăm quan nơi ở cũ của Mao Trạch Đông và nơi ở cũ của Lưu Thiếu Kỳ
(nguyên Chủ tịch nước), Bành Đức Hoài (nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung
ương). Tập Cận Bình nói rằng ôn lại sự nghiệp huy hoàng, nêu cao tinh
thần và đạo đức của các vị tiền bối cách mạng như Mao Trạch Đông có ý
nghĩa giáo dục sâu sắc. Tập Cận Bình còn nói việc Trung Quốc sản sinh ra
Mao Trạch Đông là niềm kiêu hãnh của Thiều Sơn, là niềm kiêu hãnh của
Hồ Nam, là niềm kiêu hãnh của toàn thế nhân dân Trung Quốc và là niềm
kiêu hãnh của cả dân tộc Trung Hoa.
Việc Tập Cận Bình cùng suy tôn hạt nhân lãnh đạo
thế hệ thứ nhất do Mao Trạch Đông làm đại diện, tư tưởng Mao Trạch Đông
và cá nhân Mao Trạch Đông tương đối khó hiểu. Bởi trước đây, Đặng Tiểu
Bình, một nhân vật thông minh, đã tách tư tưởng Mao Trạch Đông với cá
nhân Mao Trạch Đông; cây bút lý luận xuất sắc của Trung Quốc Hồ Kiều Mộc
(nguyên ủy viên Thường vụ ủy ban cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc, nguyên Viện trưởng Danh dự Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) cũng
chủ trương tách tư tưởng Mao Trạch Đông với những lỗi lầm cuối đời của
nhân vật này. Vậy hình thái ý thức bộc lộ qua những phát biểu công khai
nêu trên có thực sự đại diện cho cách suy nghĩ của cá nhân Tập Cận Bình?
Nếu những phát biểu trên xuất phát từ đáy lòng
của Tập Cận Bình thì nó không thể không khiến người ta đặt câu hỏi: Liệu
Tập Cận Bình có suy xét thấu đáo về những sai lầm lớn mà Mao Trạch Đông
phạm phải trong những phong trào chính trị mà nhân vật này khởi xướng
như “tam phản ngũ phản”, “chống hữu khuynh”, “đại nhảy vọt”, “Cách mạng
Văn hóa”… hay không? Hay liệu Tập Cận Bình có phân tích về sự khác biệt
hoàn toàn giữa lý luận Mao Trạch Đông và thực tiễn hành động của Mao
Trạch Đông hay không? Nếu suy xét thấu đáo, tại sao Tập Cận Bình lại suy
tôn Mao Trạch Đông như vậy? Nếu như không suy xét thấu đáo, sau khi nắm
quyền, Tập Cận Bình có gây ra thảm họa đối với sự phát triển chính trị
tương lai của Trung Quốc giống như Mao Trạch Đông hay không?
Nếu phân tích về Tập Cận Bình chỉ bó hẹp với
những ví dụ nêu trên, kết quả là sẽ rút ra kết luận giống Gilley rằng
“Tập Cận Bình là phần tử theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông mới”.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kĩ lưỡng phát
biểu của Tập Cận Bình trong ba năm đầu sau khi được lựa chọn làm người
kế nhiệm của Hồ Cẩm Đào và phát biểu của Tập Cận Bình trong hai năm trở
lại đây, người ta phát hiện Tập Cận Bình đã tự mâu thuẫn, trước sau
không nhất quán. Trong ba năm đầu sau khi được lựa chọn làm người kế
nhiệm của Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình thường phát biểu những lời thể hiện
cá tính, làm một số việc thể hiện cá tính. Nhưng hai năm lại đây, Tập
Cận Bình đã cố ý duy trì sự nhất trí với Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc, không còn đưa ra những phát biểu thể hiện cá tính nữa. Những phát
biểu công khai của Tập Cận Bình thận trọng giống Hồ Cẩm Đào.
Tháng 11/2011, trang tin Boxun có trụ sở ở Mỹ đã
cho đăng tải phỏng vấn đối với thư ký của Văn phòng Tập Cận Bình. Phóng
viên hỏi: “Tập Cận Bình rất thần bí, tới nay vẫn chưa cho thấy quan điểm
chính trị của mình, ông có thể khái quát một cách đơn giản về vấn đề
này được không?”. Thư ký Văn phòng Tập Cận Bình đã trả lời: “Không thể.
Câu hỏi của bạn có vấn đề. Kỳ thực, Tập Cận Bình luôn thể hiện quan điểm
chính trị của mình, từ trước tới nay chưa từng che giấu quan điểm chính
trị của mình”. Nhưng vị thư ký này sau đó nói thêm: “Quan điểm của Phó
Chủ tịch Tập Cận Bình có sự nhất trí cao độ với Trung ương”.
Xem xét các phát biểu công khai của Tập Cận Bình,
sự nhất trí cao độ của nhân vật này với Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc chí ít được thể hiện ở mấy phương diện sau đây:
Một là chủ trương ra sức chống tham nhũng và đề
cao sự thanh liêm. Ngày 16/3/2012, tạp chí “Cầu thị” đăng bài của Tập
Cận Bình chỉ rõ cán bộ lãnh đạo phải đi đầu trong công tác duy trì Sự
thuần khiết của Đảng bằng hành động bản thân, phải loại bỏ ra khỏi Đảng
các phần tử tham ô trụy lạc, thoái hóa biến chất, mất tư cách đảng viên.
Theo tiết lộ của WikiLeak, Tập Cận Bình ghét nhất là các tham quan làm
việc cho chính quyền, ghét sự giàu lên nhanh chóng và lo lắng về sự đi
xuống của các quan niệm giá trị đạo đức trong xã hội Trung Quốc.
Hai là nhấn mạnh “lấy con người làm gốc”. Những
năm đầu cầm quyền, Hồ Cẩm Đào đã chi tiết hóa quan điểm “lấy con người
làm gốc” thành “Chủ nghĩa Tam dân mới”. Trong một phát biểu vào tháng
12/2002, Hồ Cẩm Đào chỉ rõ: “Phải sử dụng quyền lực phục vụ nhân dân,
phải gắn bó tình cảm với nhân dân và phải mưu cầu lợi ích cho nhân dân”.
Phát biểu này của Hồ Cẩm Đào sau đó được truyền thông Hồng Công khái
quát thành “Chủ nghĩa Tam dân mới”. Ngày 1/9/2010, phát biểu tại lễ khai
mạc khóa học mùa Thu tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, Tập Cận
Bình đặc biệt nhấn mạnh nhân tố “quyền lực là do dân giao phó”. Tập Cận
Bình kêu gọi cán bộ của đảng phải xác định quan điểm về quyền lực đúng
đắn cũng như quan điểm về sự nghiệp đúng đắn. Tập Cận Bình chỉ rõ: “Quan
điểm về quyền lực của Chủ nghĩa Mác được khái quát trong hai câu:
‘quyền lực do nhân dân giao phó’, ‘sử dụng quyền lực để phục vụ nhân
dân’”.
Các nhà bình luận nước ngoài cho rằng “Chủ nghĩa
Tứ dân” (Chủ nghĩa Tam dân mới của Hồ Cẩm Đào cộng thêm nhân tố “quyền
lực do dân giao phó”) của Tập Cận Bình đã vượt qua “Chủ nghĩa Tam dân
mới” của Nhật Bản, Tập Cận Bình đưa ra yêu cầu ngoài chương trình – hội
kiến với Nhật hoàng; tháng 1/2011, Tập Cận Bình chủ đạo việc bay thử máy
bay tàng hình J-20, khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang
thăm Trung Quốc giật mình, trong khi Hồ Cẩm Đào không được biết trước sự
tình! Tổng Biên tập tạp chí Bình luận Quân sự Hán Hòa của Canada, ông
Bình Khả Phu cho rằng “cuộc thử nghiệm J-20 như một ‘vở kịch’ là do Phó
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sắp xếp”…
Vậy tại sao càng gần tới cuộc chuyển giao quyền
lực, Tập Cận Bình càng trở nên bảo thủ và cẩn trọng? Giải thích thế nào
về sự khác biệt trong lời nói và hành động của Tập Cận Bình trong ba năm
đầu sau khi được lựa chọn làm người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào với lời nói và
hành động của Tập Cận Bình trong hai năm lại đây? Sự bất nhất của Tập
Cận Bình cho thấy mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, chính trường Trung Quốc vô cùng hiểm
ác, ngồi vào vị trí người kế nhiệm, Tập Cận Bình phải thận trọng hơn,
nếu không sẽ bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Chỉ vì một số lời nói và hành
động thể hiện chút cá tính mà gây phiền toái cho việc kế nhiệm thì chi
bằng làm người kế nhiệm lặng lẽ, không tỏ rõ quan điểm chính trị.
Thứ hai, cuộc tranh giành quyền lực ở Trung Quốc
vô cùng quyết liệt, việc Tập Cận Bình đột nhiên nổi lên ở Đại hội 17 đã
trở thành mũi dùi tấn công của một số nhân vật cạnh tranh trong Đảng
Cộng sản Trung Quốc. Sự kiện Bạc Hy Lai xảy ra chứng minh việc Tập Cận
Bình kế nhiệm Hồ Cẩm Đào chưa phải chuyện “ván đã đóng thuyền”, nếu Bạc
Hy Lai vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 thành công, việc Tập Cận Bình
bị “lật thuyền trong rãnh nhỏ” không phải là không thể xảy ra.
Thứ ba, với vai trò là Hiệu trưởng Trường Đảng
Trung ương, đứng đầu về công tác nghiên cứu hình thái ý thức, Tập Cận
Bình không có quyền “vượt qua bãi mìn” trong đánh giá về vị trí của Mao
Trạch Đông cũng như tư tưởng Mao Trạch Đông trong lịch sử Đảng Cộng sản
Trung Quốc. Một ví dụ liên quan là phát biểu của Ezra F. Vogel về cuốn
sách “Đặng Tiểu Bình thay đổi Trung Quốc”. Vị Giáo sư Đại học Harvard
này cho biết hiện nay có nhà xuất bản ở Trung Quốc Đại lục mong muốn ấn
hành cuốn sách trên của ông, nhưng yêu cầu phải sửa đổi một số nội dung
nhạy cảm. Một là nội dung liên quan tới sự kiện Thiên An Môn. Trung Quốc
Đại lục lo lắng người dân sau khi xem xong nội dung này sẽ xuống đường
gây chuyện. Hai là cách nhìn về Mao Trạch Đông vì trong cuốn sách có một
số từ ngữ tương đối sắc nhọn phê phán trực tiếp Mao Trạch Đông về chủ
trương “đại nhảy vọt”, “công xã nhân dân”, “phong trào chống hữu
khuynh”. Trong khi đó, thái độ của các nhà xuất bản Trung Quốc Đại lục
cho thấy Trung Quốc Đại lục đã thần thánh hóa Mao Trạch Đông, không cho
phép phê phán trực tiếp Mao Trạch Đông.
Vậy thì việc Tập Cận Bình trước sau không thống
nhất trong lời nói và hành động phải chăng cho thấy thực tế là nhân vật
này chưa chắc đã suy tôn Mao Trạch Đông? Hiện nay, người ta vẫn chưa thể
rút ra một kết luận như vậy. Tổng biên tập tạp chí “Khai phóng” (Hồng
Công) Sái Vịnh Mai cho rằng hiện nay mọi người đều bàn luận xem có tiến
hành cải cách thể chế chính trị hay không và nhà lãnh đạo mới sẽ xử lý
vấn đề này như thế nào. Tuy nhiên, không ai biết câu trả lời chính xác
ra sao vì không biết lựa chọn tương lai của Tập Cận Bình là gì. Dầu vậy,
người ta cũng có thể nói về một số lựa chọn tương lai mà Tập Cận Bình
không lựa chọn. Ví dụ: Khả năng đi lại con đường của Bạc Hy Lai là không
có; khả năng sử dụng hình thái ý thức kiểu Mao Trạch Đông để giúp chính
quyền Trung Quốc giành lại tính hợp pháp cũng không có.
Nhưng việc Tập Cận Bình ngày hôm nay ca ngợi Mao
Trạch Đông có thể sẽ trở thành trở ngại sau này cho Tập Cận Bình trong
việc đánh giá lại hoặc phủ định Mao Trạch Đông. Việc Tập Cận Bình lấy
lòng các phe phái trong Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày hôm nay cũng có
thể trở thành cái cớ để các phe phái tấn công Tập Cận Bình sau này.
Chính vì vậy, trước sau không thống nhất trên thực tế là nỗi bi ai đối
với các chính trị gia.