Quan hệ ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Hàn Quốc được thiết
lập cách đây 20 năm (ngày 22-12-1992), nhưng có thể nói hai dân tộc Việt
Nam và Hàn Quốc đã gắn bó từ lâu và có nhiều điểm tương đồng về lịch sử
và văn hoá. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế,
hai nước còn có những tiềm năng rất to lớn có thể bổ sung cho nhau trong
quá trình hợp tác và phát triển[1].
Hơn thế nữa, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc còn được sự thúc đẩy
rất mạnh mẽ bởi quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước[2].
Chính vì vậy, chỉ sau 20 năm, một khoảng thời gian không dài so với
lịch sử hàng ngàn năm của hai nước, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát
triển hết sức ngoạn mục trở thành một tấm gương điển hình về quan hệ hợp
tác song phương trong khu vực.
[1]
. Việt Nam có nhiều tài nguyên, đang phát triển, có lợi thế về nhân
công rẻ lại có tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng
tương đối cao, đang tích cực hội nhập quốc tế và khu vực; Hàn Quốc có
nền kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới, các ngành công nghiệp rất
phát triển, có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn.
[2] . Tháng 8/2001, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nướcViệt Nam Trần Đức Lương, hai bên đã ra tuyên bố chung về lập “Quan hệ Đối tác trong thế kỷ 21”;
tiếp đó nhân chuyến thăm Việt nam của Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên
tháng 10/2004, hai nước đã thoả thuận nâng quan hệ Việt-Hàn lên thành “Quan hệ Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”;
trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 28 đến
ngày 31 tháng 5/2009, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các biện
pháp thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa trong
thời gian tới, thỏa thuận về nguyên tắc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn
Quốc lên thành "Đối tác hợp tác chiến lược" vì hòa bình, ổn
định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây là một bước ngoặt mới
trong quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả
các lĩnh vực. Và gần đây nhất, trong các chuyến thăm Hàn Quốc tháng
11/2011 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tháng 3/2012 của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã trao đổi và đạt được sự đồng thuận về nhiều
biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên
một tầm cao mới.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức
giữa Việt Nam và Hàn Quốc, bài viết này sẽ điểm lại một số thành tựu nổi
bật của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 20 năm qua và dự báo triển
vọng trong thời gian tới.
I. Một số thành tựu nổi bật
1. Từ đối tác thông thường trở thành đối tác chiến lược
Có thể khẳng định rằng việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức
giữa Việt Nam và Hàn Quốc là một quyết định lịch sử phù hợp với lợi ích
của hai nước, đưa quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới,
hướng tới tương lai, hợp tác cùng phát triển. Trong 20 năm qua, quan hệ
giữa hai nước đã phát triển với tốc độ nhanh hiếm thấy trên hầu hết các
lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị và kinh tế. Hàn Quốc đã trở thành một
trong những đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam và Việt Nam cũng
đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Hàn Quốc ở Đông Nam Á.
Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã duy trì đều
đặn hàng năm việc trao đổi đoàn và các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao.
Kết quả của mỗi lần thăm viếng lẫn nhau ở cấp cao này không chỉ là hàng
loạt các văn bản và thỏa thuận hợp tác được ký kết, mà mức độ chặt chẽ
của quan hệ song phương giữa hai nước cũng được tăng thêm một bậc. Hai
trong số các dấu mốc quan trọng của việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước
cần được kể đến là: năm 2001 quan hệ hai nước từ đối tác thông thường
được nâng lên thành “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”; và năm 2009 tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.
Như vậy là chỉ sau chưa đầy hai thập kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở
thành những đối tác hợp tác chiến lược của nhau. Trong số rất nhiều quốc
gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao chính thức trong những năm đầu
thập kỷ 1990, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trở thành đối tác chiến lược
của Việt Nam. Đây là một sự phát triển hết sức nhanh chóng và ngoạn
mục. Việc hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác
chiến lược” chính là kết quả tất yếu của quá trình phát triển quan hệ
song phương trong hai thập kỷ qua, đồng thời cũng là sự thể hiện quyết
tâm chung của Chính phủ và nhân dân hai nước thúc đẩy mối quan hệ đó
ngày càng phát triển tốt đẹp và sâu sắc hơn trong thời gian tới.
2. Quan hệ kinh tế phát triển nhanh và mạnh trên hầu hết các lĩnh vực
Có thể nói quan hệ kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc là lĩnh vực phát triển
nhanh nhất, năng động nhất, và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa
Việt Nam và Hàn Quốc trong 20 năm qua trên các khía cạnh như viện trợ
phát triển, đầu tư trực tiếp và thương mại.
Về viện trợ phát triển, Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên
trong chính sách viện trợ phát triển của Hàn Quốc, và cũng là nước nhận
được nhiều nhất trong tổng vốn viện trợ phát triển của Hàn Quốc. Giá
trị của các khoản viện trợ cũng tăng nhanh qua từng năm. Tổng vốn ODA
của Hàn Quốc dành cho Việt Nam giai đoạn 1993 - 2008 mới đạt 471,4 triệu
USD; nhưng chỉ trong 3 năm gần đây (2009-2011), Hàn Quốc đã cam kết hỗ
trợ 1 tỷ USD cho các dự án phát triển của Việt Nam. Với cam kết này, Hàn
Quốc đã trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ
sau Nhật Bản). Những lĩnh vực ưu tiên viện trợ của Hàn Quốc dành cho
Việt Nam bao gồm: (1) Phát triển nguồn nhân lực và những nhu cầu cơ bản
của con người như: giáo dục, đào tạo và y tế; (2) Hỗ trợ nhân đạo cho
các vùng sâu vùng xa và vùng nghèo đói; (3) Xây dựng thể cho các khu vực
đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường; và (4)
Phát triển nông nghiệp và nông thôn. Năm 2011, Hàn Quốc đã tuyên bố coi
Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA và chọn Việt Nam là 1
trong 26 nước thuộc “Đối tác chiến lược hợp tác ODA”, với 3 trọng tâm là: Tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng.
ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam tăng nhanh không chỉ về số lượng
mà còn về chất lượng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát
triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam có tầm quan trọng nhất
định trong việc triển khai chiến lược của Hàn Quốc ở Đông Nam Á, là nhân
tố mà Hàn Quốc không thể bỏ qua trong chính sách của mình đối với các
nước trong khu vực. Mặt khác, nhân tố Hàn Quốc có ý nghĩa quan trọng và
cần thiết trong chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Do đó, đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, trong đó có ODA,
là một yêu cầu khách quan đáp ứng lợi ích trước mắt và lâu dài của hai
nước.
Về đầu tư trực tiếp, theo Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế
hoạch và Đầu tư), lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến ngày 30/6/2012,
Hàn Quốc có gần 3.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký
đạt gần 24 tỷ USD, tăng khoảng 100 lần so với thời điểm ban đầu. Hàn
Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong số các quốc gia và
vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam phần
lớn (tới 70%) là vào các ngành công nghiệp chế tạo. Đây cũng là lĩnh vực
được ưu tiên nhất trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, đóng góp
quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Hiện
nay, FDI của Hàn Quốc đã được trải rộng trên hầu khắp các tỉnh thành
trong cả nước, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, các địa phương
như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai vẫn là những địa
phương đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, với số lượng
dự án và vốn đầu tư vượt trội.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện và môi trường đầu tư thông
thoáng cho các nhà tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Từ 1/7/2004, Chính phủ Việt nam cũng đã quyết định miễn thị thực nhập
cảnh cho tất cả khách Hàn Quốc vào Việt Nam nếu ở Việt Nam dưới 15 ngày.
Do đó các doanh nhân Hàn quốc có thể dễ dàng đến Việt Nam tìm hiểu thị
trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài các doanh nghiệp lớn như Samsung,
Daewoo, LG, SK đã có mặt tại Việt Nam từ lâu, các doanh nghiệp vừa và
nhỏ của Hàn Quốc cũng đã và đang tăng cường đầu tư và đầu tư thành công
tại Việt Nam.
Hiện nay, các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một thị trường
đầu tư hấp dẫn. Chính do làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc
vào Việt nam đang tăng lên, tại Việt Nam đã hình thành cộng đồng doanh
nhân Hàn Quốc lên đến hơn 35.000 người (trong đó ở Thành phố Hồ Chí Minh
hơn 30.000 người và Hà Nội là hơn 5.000 người). Đây là cộng đồng doanh
nhân nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam (sau Trung Quốc).
Về thương mại, kể từ những năm 1980, Việt Nam đã có sự trao đổi mậu
dịch với Hàn Quốc. Song quan hệ thương mại giữa hai nước chỉ thực sự
phát triển nhanh kể từ đầu những năm 1990 sau khi hai nước thiết lập
quan hệ ngoại giao chính thức đến nay. Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc
luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Kể từ sau khi thiết
lập quan hệ ngoại giao đến nay, giao dịch thương mại hai chiều giữa hai
nước đã tăng 26 lần. Tốc độ tăng trưởng thương mại song phương từ năm
1992 đến năm 2011 đạt mức bình quân 27%/năm. Đặc biệt giai đoạn kể từ
sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007 đến
nay), tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt bình
quân 42,5%/năm. Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của
Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong năm 2011 đạt
gần 18 tỷ USD, tăng trên 39% so với năm trước; hai nước đang tiếp tục
đẩy mạnh quan hệ thương mại để phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch
thương mại hai chiều 20 tỷ USD vào trước năm 2015, và 30 tỷ USD vào năm
2020; đồng thời tích cực hợp tác nhằm giảm dần và hướng tới sự cân bằng
cán cân thương mại giữa hai nước.
3. Sự hiểu biết lẫn nhau về văn hóa xã hội ngày càng sâu sắc
Với những nét tương đồng của các dân tộc vùng Á Đông, văn hóa, nghệ
thuật cũng là một lĩnh vực góp phần quan trọng gắn kết hai dân tộc Việt
Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là trong giới trẻ. Ngày nay, giới trẻ Việt Nam
biết rất nhiều, ngưỡng mộ và yêu thích nhiều gương mặt nổi bật của làng
nghệ thuật giải trí Hàn Quốc. Với họ, dường như có sợi dây vô hình gắn
kết, hòa nhập và họ luôn nhiệt liệt tán thưởng, dành tình cảm chào đón
mỗi chuyến lưu diễn của các ca sỹ, diễn viên điện ảnh Hàn Quốc, cùng hòa
mình trong những đêm diễn sôi động của các ngôi sao Hàn Quốc. Và dường
như giữa họ không còn tồn tại bất cứ thứ rào cản ngôn ngữ, văn hóa
nào…Hallyu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc, đã được tiếp nhận ở Việt Nam một
cách sâu rộng hơn bất cứ ở quốc gia nào khác trong khu vực.
Về giao lưu nhân dân, từ chỗ chỉ có vài chục người, đến nay trên mỗi
quốc gia đã có khoảng 100.000 người của bên kia sinh sống. Mỗi năm có
khoảng nửa triệu người của mỗi bên thăm viếng lẫn nhau. Thêm vào đó, với
khoảng 40 ngàn cặp vợ chồng Việt Nam-Hàn Quốc, quan hệ hai nước đã vượt
lên trên quan hệ thông thường và thực sự trở thành một mối quan hệ thân
thích.
Nói về quan hệ hợp tác Việt-Hàn, chúng ta không thể không để cập tới
một lĩnh vực hết sức quan trọng là hợp tác lao động giữa hai nước. Hợp
tác lao động Việt-Hàn là điểm sáng nhất trong quan hệ hợp tác lao động
của Việt Nam với các nước. Hợp tác lao động Việt-Hàn, ngoài ý nghĩa quan
trọng về kinh tế, còn có ý nghĩa về văn hóa và xã hội. Nó không chỉ góp
phần rất to lớn vào việc xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam, đào tạo tay
nghề cho đội ngũ lao động Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho sự hòa nhập
của người Việt Nam vào cuộc sống thường ngày của đời sống kinh tế cũng
như văn hóa, xã hội Hàn Quốc. Quan trọng hơn cả, đội ngũ lao động Việt
Nam làm việc trong các công ty của Hàn Quốc tại Việt Nam hoặc sang lao
động ở Hàn Quốc trở về với sự am hiểu về văn hoá, ngôn ngữ Hàn Quốc, sẽ
là một trong những cầu nối quan trọng tăng cường sự hiểu biết, quan hệ
hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được thực hiện
khá thành công. Trước hết phải kể đến là việc đào tạo và tuyển chọn các
cán bộ quản lý, kỹ thuật viên và công nhân người Việt Nam làm việc tại
các công ty của Hàn Quốc có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc là một
trong số các nước có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam. Hơn nữa, các dự án đầu
tư của Hàn Quốc phần lớn là các dự án với quy mô vừa và nhỏ đòi hỏi sử
dụng nhiều lao động. Vì vậy, các nhà đầu tư của Hàn Quốc ở Việt Nam đã
có những đóng góp đáng kể vào việc đào tạo lao động và giải quyết việc
làm ở Việt Nam.
Hàn Quốc cũng là một thị trường lớn và hấp dẫn đối với lao động Việt
Nam. Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ 3 của Việt
Nam. Hợp tác lao động sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì giành được sự ưu
tiên cao của chính phủ hai nước. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao những
ưu đãi của phía Hàn Quốc đối với lao động Việt Nam, những nỗ lực của các
cơ hữu quan của Hàn Quốc, đặc biệt là KOILAF, trong việc thúc đẩy hợp
tác lao động với Việt nam. Về phần mình, chính phủ Việt Nam đang cũng đã
có những biện pháp thiết thực nhằm nâng cao tay nghề, trình độ văn hoá,
trình độ tiếng Hàn, cách ứng xử của lao động để cung cấp cho thị trường
Hàn Quốc một đội ngũ lao động có chất lượng cao, ổn định, đáp ứng tốt
các yêu cầu của các chủ doanh nghiệp tại Hàn Quốc.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền kinh tế Việt Nam
đang trải qua những diễn biến tương tự mà Hàn Quốc đã trải qua trong
những thập kỷ trước đây. Một nét đặc trưng điển hình trong quan hệ giữa
Việt Nam và Hàn Quốc, nếu so sánh với rất nhiều quan hệ song phương khác
của Việt Nam, là Hàn Quốc sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình
và sẵn sàng hỗ trợ một cách đầy đủ nhất cho Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc
đã coi Việt Nam là một trong những quốc gia đối tác quan trọng về hợp
tác phát triển và đã đề xuất thực hiện Chiến lược Đối tác quốc gia (CPS) với Việt Nam giai đoạn 2011-2015 gắn liền với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội và Khuôn khổ Chiến lược ODA của Việt Nam.
Các lĩnh vực ưu tiên trong CPS được lựa chọn theo 2 tiêu chí: Hàn Quốc
có thể làm gì một cách tốt nhất trong hợp tác phát triển với Việt Nam và
Việt Nam cần gì nhất? Chính phủ Hàn Quốc coi môi trường và phát triển
xanh là lĩnh vực then chốt có thể thay đổi mạnh mẽ đời sống trong tương
lai của toàn nhân loại và tiềm năng kinh tế của mỗi quốc gia. Hàn Quốc
đã dành mối quan tâm và nỗ lực lớn cho lĩnh vực này và có nhiều điều có
thể chia sẻ với Việt Nam. CPS được thiết kế để giúp Việt Nam chuẩn bị và
thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc gìn
giữ môi trường và tăng trưởng xanh. Những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính
sách và các chương trình xây dựng năng lực sẽ được đưa ra để nâng cao
khả năng xử lý các vấn đề trên của Việt Nam.
II. Triển vọng
Trong 20 năm qua mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển hết
sức nhanh chóng về mọi mặt. Tiếp nối nền tảng của sự phát triển này,
việc hai nước chọn năm 2012 làm năm hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc có thể
coi là một dấu mốc mới cho sự phát triển hơn nữa mối quan hệ lâu dài của
hai nước, trước hết là cho 20 năm tiếp theo. Có thể khẳng định triển
vọng của mối quan hệ này là hết sức tốt đẹp. Giai đoạn mới của quan hệ
hai nước được đánh dấu bằng các chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước
Việt Nam, Trương Tấn Sang, vào tháng 12/2011 và Thủ tướng Việt Nam,
Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng 3/2012.
Trong các chuyến thăm này, hai bên đã ra các Tuyên bố chung thể hiện
những nhận thức chung cũng như quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước
trong việc đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược song phương lên tầm
cao mới. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Lee Myung Bak, Hàn Quốc là “người bạn
thân thiết và chân thành nhất,” là “đối tác tốt nhất và thực chất” của
Việt Nam, sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam trên tất cả các
lĩnh vực, cả về kinh tế, thương mại, chính trị, quốc phòng, giao lưu
nhân dân và hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, khu vực.
Về kinh tế, hai bên đã nhất trí tiến hành khởi động đàm phán về một
hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Điều này sẽ mở ra một
triển vọng hết sức to lớn cho quan hệ thương mại giữa hai nước, tiến tới
một sự hợp tác mậu dịch song phương cân bằng, cùng có lợi. Phía Hàn
Quốc cũng đã nhất trí sẽ xem xét nghiêm túc những đề nghị của Việt Nam
về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn
Quốc cũng như giúp Việt Nam trong việc phát triển các ngành công nghiệp
hỗ trợ phù hợp với kế hoạch phát triển của Việt Nam.
Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng Hàn Quốc hợp tác xây dựng nhà
máy điện hạt nhân tại Việt Nam cũng như đào tạo cho Việt Nam nguồn nhân
lực trong việc sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình. Hai bên còn thỏa
thuận với nhau hàng loạt các vấn đề quan trọng khác nữa, như: Các doanh
nghiệp Hàn Quốc sẽ đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khai thác và chế
biến sâu khoáng sản của Việt Nam; Mở rộng hợp tác về tư pháp dân sự, ứng
dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, chuyển giao công nghệ mũi
nhọn, hợp tác trong kiểm dịch, bảo vệ môi trường, y tế, lao động, dạy
nghề; Và hợp tác trong chống khủng bố, bảo vệ an ninh hàng hải trên các
vùng biển của khu vực theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ hai nước thời gian tới
vẫn là tăng cường hợp tác về kinh tế- thương mại, việc mở rộng hợp tác
trong vấn đề ngoại giao – an ninh với tư cách là đối tác hợp tác chiến
lược cũng được coi là hết sức quan trọng. Hai bên cũng chủ trương đẩy
mạnh hợp tác trong lĩnh vực mang tính toàn cầu như môi trường, ứng phó
với biến đổi khí hậu và tình hình tín dụng quốc tế bất ổn định.
Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng
giữa các bộ, ngành của hai nước[3].
Việc ký kết các văn bản hợp tác này có ý nghĩa tích cực đánh dấu một
bước phát triển mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện
giữa hai nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Việt Nam
và Hàn Quốc.
Hai mươi năm qua, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã tiến
những bước dài và là một trường hợp điển hình của những cặp quốc gia
quyết tâm gạt quá khứ, hướng về tương lai và đạt được những thành tựu
rực rỡ. Vậy 20 năm tới sẽ ra sao? Câu trả lời không khó vì từ xuất phát
điểm ở những bậc thang rất thấp, quan hệ giữa hai nước đã tiến lên những
nấc thang cao hơn với một tốc độ phát triển nhanh nhất thì nay từ nấc
thang mới đó nhất định hai nước sẽ tiến lên tầm cao hơn nữa của quan hệ
quốc tế.
Theo nhận định của tờ báo Thế giới và Việt Nam, “Quan hệ Việt-Hàn (trong 20 năm tới) không
phải là tiếp tục phát triển như 20 năm vừa qua, nó không phải là phép
cộng của 20 năm tới mà nó là phép nhân, phát triển theo cấp số nhân.
Không phải là 20+20 mà là 20x20 hoặc gần như thế. Hai mươi năm nữa nếu
theo đà quan hệ này, theo ý chí của lãnh đạo và nguyện vọng của nhân dân
hai nước như thế này, thì Việt Nam và Hàn Quốc nhất định sẽ trở thành
đôi bạn, đôi anh em phồn vinh và hùng mạnh trên bờ Thái Bình Dương”.[4]
Theo đà phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước trong 20 năm qua,
chúng ta có thể tin tưởng vững chắc rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác
giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn
nữa trong thời gian tới.
Trần Quang Minh*
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bản tin Kinh tế, TTXVN (nhiều số).
- Báo Đầu tư (nhiều số).
- Hana, Hợp tác phát triển giữa Hàn Quốc và Việt Nam: Tình hình và triển vọng, luận văn Thạc sĩ tại Trường đại học KHXH và NV, Đại học quốc gia Hà Nội
- Korea's ODA Policy Direction, Rae-Kwon Chung, Ministry of Foreign Affairs and Trade, November 5, 2003
- Nghĩa tình Việt Nam Hàn quốc, NXB Văn hoá- Thông tin, Hà nội, 2002.
- Tài liệu tham khảo, TTXVN (nhiều số)
- Thời báo Kinh tế Việt Nam (nhiều số).
- Trần Quang Minh, Quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc, Tạp chí Khoa học xã hội, số 6, 2009
- Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam: http://www.mpi.gov.vn/
- Website của Bộ Ngoại giao Nam http://www.un.int/vietnam/
- Website của Bộ Thương mại Việt Nam: http://www1.mot.gov.vn/tktm/
- Website của Tổng cục Thống kê Việt Nam: http://www.gso.gov.vn/
[1]
. Việt Nam có nhiều tài nguyên, đang phát triển, có lợi thế về nhân
công rẻ lại có tình hình chính trị, xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng
tương đối cao, đang tích cực hội nhập quốc tế và khu vực; Hàn Quốc có
nền kinh tế đứng hàng thứ 10 trên thế giới, các ngành công nghiệp rất
phát triển, có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn.
[2] . Tháng 8/2001, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nướcViệt Nam Trần Đức Lương, hai bên đã ra tuyên bố chung về lập “Quan hệ Đối tác trong thế kỷ 21”;
tiếp đó nhân chuyến thăm Việt nam của Tổng thống Hàn Quốc Rô Mu Hiên
tháng 10/2004, hai nước đã thoả thuận nâng quan hệ Việt-Hàn lên thành “Quan hệ Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”;
trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 28 đến
ngày 31 tháng 5/2009, hai bên đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các biện
pháp thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu sắc hơn nữa trong
thời gian tới, thỏa thuận về nguyên tắc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn
Quốc lên thành "Đối tác hợp tác chiến lược" vì hòa bình, ổn
định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đây là một bước ngoặt mới
trong quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước trên tất cả
các lĩnh vực. Và gần đây nhất, trong các chuyến thăm Hàn Quốc tháng
11/2011 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tháng 3/2012 của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã trao đổi và đạt được sự đồng thuận về nhiều
biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên
một tầm cao mới.
[3]
. Sáng 28/03/2012 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, Bộ trưởng Tài chính Việt
Nam Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc Bahk
Jaewan đã ký Biên bản hợp tác trên lĩnh vực tài chính giai đoạn
2013-2015. Chiều ngày 29/03/2012, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik, Bộ trưởng Bộ
Tài chính Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc
(FSC) Seok Dong Kim đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo
hiểm giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc. Bộ
trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu
Hàn Quốc (Korea Eximbank) Dongsoo Kim cũng đã ký Hiệp định vay Dự án
điện mặt trời tỉnh Quảng Bình và Dự án hệ thống xử lý nước thải và thoát
nước thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); Và nhiều hiệp định khác cũng
đã được ký kết như: Thỏa thuận về việc tiếp tục tăng cường hợp tác phát
triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Biên bản ghi nhớ về hợp
tác xây dựng Vườn ươm Công nghệ quốc gia...
[4] . Như trên