40
năm trước, Tổng Thống Mỹ Nixon đã đi thăm Trung Quốc, mở đầu cho tiến
trình bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Trải qua hơn 6 năm gian nan tìm
kiếm, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày
1/1/1979.
Trong
40 năm qua, quan hệ Trung-Mỹ đã trải qua quá trình phát triển dài đằng
đẵng, đầy trắc trở, nhưng cũng thu được thành quả to lớn. Là hai nước
lớn có ảnh hưởng trên thế giới, xu hướng phát triển từ nay về sau của
quan hệ Trung-Mỹ sẽ ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng trong tương lai
của quan hệ hai nước thậm chí cả thế giới, vì thế ngày càng thu hút sự
chú ý của cộng đồng quốc tế.
I/ Quan hệ Trung-Mỹ lên bổng xuống trầm
Quan
hệ Trung-Mỹ là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất
trên thế giới. Quá trình phát triển phức tạp của mối quan hệ hai nước
này rất ít thấy ở bất cứ nước lớn nào trên thế giới, cho đến ngày hôm
nay cũng chưa gặp nhiều. Cơ sở của quan hệ Trung-Mỹ vốn rất yếu kém, hầu
như bắt đầu từ con số không. Tháng 10/1949, Trung Quốc mới ra đời trong
bối cảnh quốc tế lớn Mỹ-Xô đang đối đầu trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Mỹ
có thái độ thù địch với một Trung Quốc đang “nghiêng về” phe Chủ nghĩa
Xã hội, tập hợp các nước phương Tây thực hiện chính sách thù địch với
Trung Quốc như cô lập về chính trị, phong tỏa về kinh tế, bao vây về an
ninh…; đồng thời còn liên minh quân sự với nhà cầm quyền của Đài Loan,
trực tiếp cản trở sự nghiệp thống nhất của Trung Quốc. Sau đó, hai nước
Trung-Mỹ còn tiến hành “chiến tranh Nóng” tại Triều Tiên và Việt Nam,
khiến cho hai bên rơi vào trạng thái đối đầu và thù địch nhau trong một
thời gian tương đối dài, hầu như không có một sự trao đổi nào. Cho đến
năm 1954, hai nước Trung-Mỹ mới có sự tiếp xúc trong những ngày diễn ra
Hội nghị Giơnevơ để bàn về việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên
cũng như vấn đề khôi phục hòa bình Đông Dương, và cho đến ngày 1/8/1955
bắt đầu tổ chức hội đàm cấp đại sứ - đây cũng là kênh trao đổi duy nhất
giữa Trung Quốc và Mỹ khi đó. Tính đến ngày 20/2/1970 hai bên đã tổ chức
tổng cộng 136 cuộc hội đàm, cuộc “đàm phán theo kiểu Ma-ra-tông” này
diễn ra suốt 15 năm, nhưng không đạt được bất kỳ tiến triển gì đối với
những vấn đề mang tính thực chất, bị coi là “cuộc đối thoại giữa những
người điếc”.
Tháng
1/1969, Nixon lên làm tổng thống, ông nhận định rằng tình hình quốc tế
đã nảy sinh những biến đổi to lớn, thế giới xuất hiện 5 trung tâm sức
mạnh lớn là Mỹ, Tây Âu, Liên Xô, Trung Quốc và Nhật Bản, và cho rằng
Liên Xô đã trở thành “đối thủ cạnh tranh hùng mạnh”. Lợi dụng mâu thuẫn
và sự đối lập giữa Trung Quốc và Liên Xô, Mỹ muốn lôi kéo Trung Quốc
cùng đối phó với Liên Xô, nhằm bảo vệ địa vị bá quyền của Mỹ, vì thế
Nixon có ý định cải thiện quan hệ đối với Trung Quốc. Khi đó Trung Quốc
đang phải đối diện với sự đe dọa an ninh trực tiếp từ Liên Xô, vì thế
Trung Quốc đã có những hồi âm tích cực đối với mong muốn cải thiện quan
hệ hai nước của Nixon. Ngày 21/2/1972, Tổng thống Nixon nhận lời mời đến
thăm Trung Quốc, Trung-Mỹ đã thực hiện “cú bắt tay xuyên Thái Bình
Dương” lần đầu tiên kể từ hơn 20 năm qua, hai bên sau đó công bố “Thông
cáo chung Thượng Hải” nổi tiếng; 6 năm sau, phía Mỹ đã chấp nhận ba điều
kiện “huỷ bỏ hiệp ước ký với Đài Loan, rút quân khỏi Đài Loan, cắt đứt
quan hệ ngoại giao với Đài Loan” mà Trung Quốc đưa ra, hai bên ra thông
cáo chung về việc thiết lập quan hệ ngoại giao, và Trung-Mỹ chính thức
thiết lập quan hệ ngoại giao; ngày 17/8/1982, Trung-Mỹ đã ra thông cáo
chung về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tức “thông cáo chung 17/8”.
Ba thông cáo chung này đã đặt cơ sở cho quan hệ Trung-Mỹ.
Quan
hệ Trung-Mỹ phát triển nhanh chóng trong mười năm sau khi thiết lập
quan hệ ngoại giao. Nhu cầu chiến lược cùng nhau đối phó với chủ nghĩa
bành trướng Liên Xô là sợi dây gắn bó nhất trong việc duy trì quan hệ
hai nước khi đó. Mỹ coi trọng địa vị đặc thù của Trung Quốc trong “tam
giác lớn Trung-Mỹ-Xô”, coi Trung Quốc là “nước hữu hảo phi đồng minh”.
Trung-Mỹ từng bước mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực, sự tin tưởng nhau
về chiến lược giữa hai bên không ngừng được tăng cường. Trong thời gian
này, giữa Trung-Mỹ cũng tồn tại mâu thuẫn, nhưng nhân tố chiến lược vẫn
chủ đạo hướng đi trong quan hệ giữa hai nước, các vấn đề khác đều bị coi
là thứ yếu. Sau khi Gorbachev lên nắm quyền, Liên Xô đã thúc đẩy cương
lĩnh “chủ nghĩa xã hội nhân đạo và dân chủ” cũng như “tư duy mới” trong
chính sách đối ngoại, quan hệ Mỹ-Xô dần dần ấm lên. Cùng với sự thay đổi
của môi trường chính trị quốc tế, nhân tố chiến lược trong mối quan hệ
Trung-Mỹ dần dần yếu đi. Vào dịp Xuân-Hè năm 1989, Trung Quốc đã xảy ra
động loạn lớn, Mỹ tuyên bố biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, các
nước phương Tây dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ, quan hệ
Trung-Mỹ nhanh chóng xấu đi. Nhưng việc trừng phạt Trung Quốc lại không
phù hợp với chiến lược toàn cầu và lợi ích lâu dài của Mỹ. Ngày
1/7/1989, Tổng thống G.Bush đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Brent
Scowcroft bí mật đến Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình bày tỏ rõ ràng: “Không
cho phép bất cứ nước nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ không làm theo sự chỉ huy của những nước khác”. Ông nói
với phía Mỹ rằng, “ai bầy ra người ấy phải dọn”, “muốn chấm dứt quá khứ,
thì Mỹ nên chủ động…muốn Trung Quốc cầu xin ư, chuyện đó khó có thể xảy
ra”. Tháng 11, Brent Scowcroft lần nữa đến thăm Trung Quốc, Đặng Tiểu
Bình lại đưa ra kiến nghị cả gói, hai bên đồng ý nhanh chóng chấm dứt
mối bất hoà, mở ra tương lai cho quan hệ Trung-Mỹ. Vào lúc quan hệ
Trung-Mỹ xuất hiện sự thay đổi, thì các nước Đông Âu lại có những đột
biến, Liên Xô tan rã. Mỹ đánh giá lại tình hình quốc tế, cho rằng Trung
Quốc cũng khó mà duy trì lâu dài, và còn mất đi giá trị chiến lược đối
với Mỹ, nên Mỹ cũng không vội vàng cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Tình
trạng này kéo dài cho đến năm 1993.
Nhưng
nằm ngoài dự tính của Mỹ, thế giới sau Chiến tranh Lạnh lại không phát
triển theo ý đồ của Oasinhtơn; Trung Quốc không những không sụp đổ mà xu
hướng phát triển ngày càng mạnh. Các nước phương Tây đua nhau huỷ bỏ
trừng phạt đối với Trung Quốc, tích cực cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Trước tình hình này, Tổng thống Bill Clinton đã đề ra chính sách mới đối
với Trung Quốc "tiếp xúc và kiềm chế". Tháng 9/1993, lãnh đạo hai nước
Trung-Mỹ đã có cuộc gặp gỡ chính thức lần đầu tiên sau 4 năm tại Seattle
, quan hệ hai nước đã được cải thiện, về tổng thể duy trì được xu thế
phát triển tốt đẹp, hai bên còn xác định cố gắng xây dựng quan hệ đối
tác chiến lược Trung-Mỹ. Sau khi Bush (Con) lên nhậm chức Tổng thống, Mỹ
đã thúc đẩy chính sách “bá quyền đơn cực”, trong giai đoạn đầu của
nhiệm kỳ có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, trong vấn đề Đài Loan ngang
nhiên công bố “giúp Đài Loan phòng vệ” và quyết định bán lượng lớn vũ
khí cho Đài Loan; sau đó lại xảy ra sự kiện va chạm máy bay đã dẫn đến
quan hệ Trung-Mỹ lại trở nên căng thẳng. Sau sự kiện 11/9, Mỹ tiến hành
điều chỉnh chiến lược, việc chống khủng bố và ngăn chặn phổ biến vũ khí
huỷ diệt hàng loạt được Mỹ đưa lên làm mục tiêu chiến lược chủ yếu, theo
đó nhu cầu chiến lược đối với Trung Quốc cũng được nâng cao, mang lại
cơ hội cho việc cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Mỹ. Trong thời
gian Tổng thống Bush (Con) cầm quyền, quan hệ Trung-Mỹ về tổng thể phát
triển tương đối thuận lợi. Tháng 9/2005, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại
giao Mỹ Robert Zoellick đưa ra quan điểm cho rằng Trung Quốc và Mỹ đều
là “bên tương quan lợi ích”, tỏ rõ trong thời kỳ hệ thống quốc tế trải
qua sự biến đổi sâu sắc, Mỹ càng phải coi trọng vai trò của Trung Quốc,
hy vọng cùng Trung Quốc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện.
Năm
2009, Barack Obama vào làm ông chủ Nhà Trắng, cơ bản đã làm theo chính
sách đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm và có sự phát triển mới.
Lãnh đạo hai nước Trung-Mỹ đã tổ chức gặp mặt lần đầu tiên trong thời
gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Luân Đôn, định vị rõ quan hệ
Trung-Mỹ là “tích cực, hợp tác, toàn diện”, và quyết định thiết lập cơ
chế đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ. Tháng 11/2009, Tổng thống
Obama có chuyến thăm Trung Quốc thành công, đây là lần đầu tiên một Tổng
thống Mỹ chính thức đến thăm Trung Quốc đúng vào năm nhậm chức. Tháng
1/2011, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào chính thức tới thăm Mỹ, nguyên
thủ hai nước đã đạt được nhận thức chung quan trọng trong việc xây dựng
mối quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi cùng thắng
lợi, xác định phương hướng mới cho việc phát triển quan hệ hai
nước. Trên con đường phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong 40 năm qua, có
hợp tác cũng có đấu tranh, có thành công cũng có trắc trở, có cao trào
cũng có thoái trào, nhưng phương hướng lớn phát triển đi lên chưa bao
giờ thay đổi. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy được những mặt tích
cực của nó :
Thứ
nhất, hai nước Trung-Mỹ tồn tại sự khác biệt có tính kết cấu, khó tránh
khỏi nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn hay đấu tranh. Quan hệ hai nước có
thể duy trì và phát triển, về cơ bản là do hai bên có lợi ích chung to
lớn. Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, hợp tác cùng có lợi là sợi dây
gắn bó bền chắc nhất để duy trì quan hệ Trung-Mỹ.
Thứ
hai, Trung-Mỹ đều là những nước lớn chủ quyền độc lập, nội chính không
dễ can thiệp, không bên nào có thể có mưu đồ thay đổi và kiểm soát đối
phương, quan hệ hai nước cần phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn
nhau, chung sống hòa bình, không đối đầu và hợp tác phát triển. Thực tế
nhiều lần chỉ ra rằng hợp tác thì hai bên đều có lợi, đối đầu thì hai
bên đều thiệt hại.
Thứ
ba, tình hình thế giới thay đổi ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ
Trung-Mỹ cũng ảnh hưởng tới tình hình thế giới. Quan hệ Trung-Mỹ từ khi
bắt đầu đã không phải là quan hệ song phương đơn thuần, nó có quan hệ
mật thiết đối với hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực châu Á-Thái
Bình Dương, thậm chí là thế giới. Sự bình yên và hạnh phúc, cũng như
nguy cơ và tai họa của toàn cầu đều là vấn đề lớn mà Trung Quốc và Mỹ
đều phải xem xét một cách nghiêm túc.
Thứ
tư, hai nước Trung-Mỹ đều có thuộc tính và đặc điểm riêng của mỗi nước,
đều có lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của mỗi nước. Việc tìm ra
điểm hội nhập tốt nhất của lợi ích hai nước và không ngừng mở rộng lợi
ích chung chắc chắn là điều đặc biệt quan trọng. Nhưng việc hai nước tồn
tại khác biệt và chia rẽ cũng là sự thực khách quan, việc giải thích
đầy đủ và xử lý ổn thoả những chia rẽ, kiểm soát tích cực những mâu
thuẫn lớn giữa hai nước cũng quan trọng như là việc phát triển lành mạnh
ổn định quan hệ Trung-Mỹ.
II. Đánh giá một cách bình tĩnh và toàn diện quan hệ Trung-Mỹ hiện nay
Từ
khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, những nhân tố quyết định và ảnh hưởng
đến quan hệ Trung-Mỹ không ngừng có sự thay đổi, nhưng có hai xu thế lớn
quan trọng hơn đó là:
Thứ
nhất, cục diện thế giới đang có sự phát triển, thay đổi và điều chỉnh
lớn. Sau Chiến tranh Lạnh, toàn cầu hoá tiếp tục phát triển, ngày càng
bao trùm lên toàn thế giới, mối liên hệ giữa các nước ngày càng mật
thiết, hòa chung lợi ích, an nguy có nhau, mức độ dựa vào nhau lớn chưa
từng có, không gian dành cho “trò chơi dược mất ngang nhau” đã thu hẹp
lại. Nhiều mối đe dọa về an ninh và sinh tồn nguy hại cho nhân loại đã
trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, bất cứ quốc gia nào cũng đều khó có
thể đơn độc đối phó, cần cộng đồng quốc tế hợp tác giải quyết. Chính
trị cường quyền và chủ nghĩa bá quyền truyền thống đã gặp phải sự phản
đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trật tự thế giới đòi hỏi có sự sắp
xếp và tư duy mới. Hòa bình, phát triển và hợp tác đã trở thành mục tiêu
mà tất cả các nước cùng theo đuổi.
Thứ
hai, so sánh lực lượng thế giới đang phát triển theo hướng cân bằng
hơn. Sự trỗi dậy của nhiều nước đang phát triển đã dần dần vẽ lại bản đồ
cũ về kinh tế chính trị quốc tế, trở thành lực lượng mới ảnh hưởng tới
sự thay đổi của cục diện thế giới. Các nước lớn truyền thống tuy vẫn có
ưu thế thực lực về nhiều mặt, nhưng khả năng độc quyền và thao túng các
công việc quốc tế đã yếu đi rõ rệt. Các nước lớn mới nổi yêu cầu tiến
hành cải cách sự phân phối quyền lực trong việc quản lý thế giới, để
được hưởng quyền tham gia, quyền quyết sách và quyền phát ngôn công bằng
hợp lý hơn. Những thay đổi trong so sánh sức mạnh Trung-Mỹ là điểm nổi
bật nhất. Mỹ đã trải qua sự kiện 11/9 và hai cuộc chiến ở Ápganixtan và
Irắc, thực lực cứng và mềm đều chịu tổn thất. Khủng hoảng kinh tế tài
chính nổ ra năm 2008 càng khiến cho Mỹ lâm vào cảnh khó khăn ở trong và
ngoài nước, vị thế siêu cường có được từ Chiến tranh Lạnh đến nay đang
trượt xuống từ trên đỉnh cao. Đồng thời, do Trung Quốc kiên trì chính
sách cải cách mở cửa, nắm bắt thời cơ quốc tế có lợi nhanh chóng phát
triển, GDP đã lần lượt vượt qua cả ba nước Pháp, Đức, Nhật, trở thành
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khoảng cách với Mỹ đã thu hẹp rõ rệt.
GDP năm 2000 của Trung Quốc bằng 12% của Mỹ, con số này trong năm 2010
đã tăng lên đến 40%.
Thực
lực tổng hợp của Trung Quốc tăng lên còn của Mỹ lại giảm đi, ảnh hưởng
quốc tế của Trung Quốc tăng lên còn của Mỹ lại giảm đi. Điều này đương
nhiên sẽ tăng thêm nội hàm mới trong quan hệ hai nước. Chính quyền Obama
ra sức điều chỉnh chiến lược của Mỹ, điều đặc biệt khiến người ta chú ý
là cùng với việc thu hẹp chiến lược tổng thể, lại tăng cường đầu tư với
mức độ lớn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với ý đồ muốn tạo ra một
cấu trúc xuyên Thái Bình Dương do Mỹ chủ đạo. Sáu biện pháp mang tính
then chốt của “ngoại giao tiền duyên” mà Mỹ thúc đẩy mang sắc thái kiềm
chế, phòng ngừa Trung Quốc rõ rệt, lập tức đưa tới bình luận và phản ứng
của cộng đồng quốc tế. Các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có
mục đích và tâm trạng khác nhau, phối hợp với hành động của Mỹ ở mức độ
khác nhau, một số dư luận phương Tây còn tung ra luận điệu “xung đột
Trung-Mỹ”, thậm chí còn nói Trung-Mỹ đang rơi vào trạng thái “chiến
tranh Lạnh”, điều này khiến dân chúng hai nước hoài nghi và lo ngại đối
với quan hệ hai nước. Việc đánh giá toàn diện khách quan hiện trạng quan
hệ Trung –Mỹ là có ý nghĩa hiện thực và lâu dài đối với việc duy trì
bầu không khí và môi trường phát triển quan hệ hai nước cũng như đại cục
ổn định và hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
(1) Quan hệ Trung-Mỹ liệu có phải đang xấu đi?
“Quan
hệ Trung-Mỹ đang xấu đi” là một cách nói khá thịnh hành hiện nay. So
với lúc Obama mới bước chân vào Nhà Trắng thì bầu không khí trong quan
hệ hai nước quả thực không bằng trước đây. Song nhìn vào quá trình phát
triển 40 năm của quan hệ Trung-Mỹ thì có thể thấy quan hệ hai nước vẫn ở
trong giai đoạn phát triển tốt đẹp.
Thứ
nhất, cấp cao hai nước giao lưu mật thiết và rộng rãi hơn bao giờ hết.
Nguyên thủ hai nước Trung-Mỹ trong 3 năm gặp gỡ nhau tổng cộng 11 lần.
Cấp cao hai bên không ngừng thăm hỏi lẫn nhau. Trung-Mỹ đã xây dựng hơn
60 cơ chế tham vấn, bao trùm lên lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế thương
mại, tài chính, năng lượng, môi trường, chấp pháp, nhân văn và an
ninh... Đặc biệt là hai cơ chế cấp cao Đối thoại chiến lược và kinh tế
Trung-Mỹ và Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân văn Trung-Mỹ, hai cơ chế
này đều phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu giữa
hai bên, đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác mang tính thực
chất giữa hai nước.
Thứ
hai, nhận thức chiến lược của hai nước về quan hệ song phương tương đối
rõ ràng. Việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác cùng có lợi cùng thắng
lợi là nhận thức chung quan trọng của hai bên Trung-Mỹ. Hai nước đều coi
mối quan hệ này là một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất
thế giới hiện nay, đặt nó vào vị trí quan trọng trong chiến lược đối
ngoại của mỗi bên. Trung Quốc cho rằng, địa vị dẫn đầu thế giới và lợi
ích của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là được hình thành từ
trong lịch sử, Trung Quốc tôn trọng điều này và hoan nghênh Mỹ với tư
cách như là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực cống hiến cho hòa
bình ổn định và phồn vinh của khu vực này. Mỹ tỏ ra hoan nghênh sự trỗi
dậy hòa bình của Trung Quốc, cho rằng một Trung Quốc hùng mạnh, phồn
vinh và ổn định sẽ có lợi cho sự phồn vinh, ổn định của khu vực châu
Á-Thái Bình Dương cũng như thế giới, và còn nhiều lần bày tỏ không có ý
định kiềm chế Trung Quốc
Thứ
ba, Trung-Mỹ tiếp tục đi sâu và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực, và
không ngừng đạt được những thành quả thực chất, thực hiện được việc cùng
có lợi cùng thắng lợi. Hợp tác kinh tế thương mại hai nước là ví dụ
điển hình: Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 1979 chỉ là 2,4 tỷ
USD, năm 2011 đạt mức 446, 64 tỷ USD, tăng gấp 180 lần; tổng kim ngạch
thương mại song phương năm 2003 đột phá mức 100 tỷ USD, năm 2005 là 200
tỷ USD, năm 2007 là 300 tỷ USD, xu thế tăng trưởng mạnh mẽ; Trung-Mỹ
hiện đã là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau. Tính đến cuối năm
2011, Mỹ đầu tư vào Trung Quốc tổng cộng 61.068 dự án, kim ngạch đầu tư
theo hợp đồng đạt 162,3 tỷ USD, kim ngạch đầu tư thực tế đạt 67,59 tỷ
USD. Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ cũng tăng dần theo từng năm, tính đến
cuối năm 2011, kim ngạch đầu tư trực tiếp đạt 6 tỷ USD (tất cả số liệu
đều dựa theo thống kê của Trung Quốc).
Thứ
tư, giao lưu nhân văn và trao đổi nhân viên giữa hai nước ngày càng mật
thiết. Tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước dần dần sâu sắc hơn,
đang hình thành nên cơ sở dân ý tốt đẹp trong quan hệ hai nước; lấy việc
lưu học sinh làm ví dụ, lưu học sinh Trung Quốc tại Mỹ hiện nay khoảng
150.000 người, Tổng thống Obama bày tỏ sẽ đưa số lưu học sinh Mỹ tại
Trung Quốc lên 100.000 người.
Thứ
năm, hiệp thương và hợp tác Trung-Mỹ trong các công việc quốc tế không
ngừng đẩy mạnh, hai nước đã xây dựng các cơ chế như tham vấn an ninh
châu Á - Thái Bình Dương… Hai nước tích cực hợp tác trong việc cùng nhau
đối phó với các vấn đề mang tính toàn cầu, duy trì sự trao đổi và phối
hợp trong việc đối phó với các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng.
Đương
nhiên, quan hệ Trung-Mỹ cũng tồn tại rất nhiều nhân tố tiêu cực, có
những bất đồng được tạo ra từ sự khác biệt vốn có giữa hai nước, cũng có
những vướng mắc lịch sử còn chưa được giải quyết, còn có những vấn đề
mới nảy sinh do tình hình thay đổi. Những nhân tố tiêu cực này thỉnh
thoảng đưa tới các phiền phức, trở thành hiện tượng “thường thấy” trong
quan hệ hai nước. Trong thời kỳ mà so sánh sức mạnh giữa hai nước
Trung-Mỹ có nhiều biến đổi, có một vài nhân tố tiêu cực “nổi lên”, từ đó
tạo nên sự phiền phức và ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc phát triển
bình thường của quan hệ hai nước. Đặc biệt trong thời gian bầu cử của
Mỹ, hai đảng đối lập thường đem Trung Quốc ra làm “vật hy sinh” cho cuộc
đấu tranh chính trị giữa hai đảng, tìm mọi cớ để thể hiện sự cứng rắn
đối với Trung Quốc, nhằm tranh thủ lá phiếu của các cử tri Mỹ. Quan hệ
Trung-Mỹ luôn có tính hai mặt rõ rệt, mặt tích cực và mặt tiêu cực kiềm
chế lẫn nhau, có lúc tạo nên sự bất ổn định giữa quan hệ hai nước. Những
hiện tượng xuất hiện trong quan hệ Trung-Mỹ những năm gần đây đều phản
ánh tính hai mặt này. Nhận thức về quan hệ Trung-Mỹ đòi hỏi phải có tầm
nhìn xa trông rộng và toàn cục, không thể đơn giản chỉ nhìn vào một vài
sự việc mà tùy tiện kết luận. Về tổng thể mà nói, mặt tích cực vẫn chiếm
vai trò chủ đạo trong sự phát triển của quan hệ Trung-Mỹ, tình hình
phát triển trước mắt vẫn chưa xấu đi.
(2) Trung-Mỹ thiếu sự tin tưởng hoặc nghi ngờ lẫn nhau về mặt chiến lược
Tin
tưởng nhau về chiến lược là vấn đề trọng tâm trong việc phát triển ổn
định lành mạnh lâu dài quan hệ Trung-Mỹ. Hiện nay về tổng thể, Trung-Mỹ
thiếu tin tưởng nhau về chiến lược, tồn tại sự mất niềm tin nghiêm
trọng; về mặt an ninh thậm chí còn tồn tại sự hoài nghi về chiến lược,
chủ yếu biểu hiện ở việc hai bên thiếu tin tưởng nhau về ý đồ chiến lược
và xu hướng phát triển. Phía Mỹ rất quan ngại về sự trỗi dậy nhanh
chóng của Trung Quốc, lo lắng Trung Quốc sẽ thách thức, thậm chí thay
thế địa vị “lãnh đạo thế giới” của Mỹ. Cùng với sự thay đổi trong việc
so sánh sức mạnh Trung-Mỹ, tâm trạng lo lắng của Mỹ ngày càng gia tăng,
tìm mọi cách phòng ngừa. Trung Quốc lo lắng Mỹ tìm cách kiềm chế sự phát
triển hòa bình của Trung Quốc, coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh"
hoặc "kẻ thù" chủ yếu, tiến hành đối kháng và cản trở sự trỗi dậy của
Trung Quốc.
Sự
hoài nghi của phía Trung Quốc là có cơ sở, “không có lửa làm sao có
khói”. Trung Quốc trong lịch sử từng bị Mỹ xâm lược và áp bức, Trung
Quốc mới cũng từng nhiều lần bị Mỹ cấm vận. Sau khi quan hệ hai nước
được cải thiện, phía Mỹ vẫn thỉnh thoảng mượn cớ để gây sức ép với Trung
Quốc, thậm chí nhiều lần tiến hành trừng phạt, cho đến nay vẫn chưa dỡ
bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí. Nhiều năm nay, Mỹ tung ra các luận điệu như
“Thuyết về sự sụp đổ của Trung Quốc”, “Thuyết về mối đe dọa từ Trung
Quốc”, “Thuyết về trách nhiệm của Trung Quốc”, “Thuyết về sự cứng rắn
của Trung Quốc” v..v... Những sự việc kiểu như vậy rất khó làm cho người
Trung Quốc thực sự yên tâm về ý đồ chiến lược của Mỹ với Trung Quốc.
Lãnh đạo Mỹ nhiều lần bày tỏ “không có ý kiềm chế Trung Quốc”, nhưng
hành động và lời nói khác xa thực tế khiến cho người Trung Quốc khó mà
chấp nhận. Trung Quốc có thể lý giải việc Mỹ điều chỉnh mạnh mẽ chính
sách châu Á-Thái Bình Dương, nhưng những hành động nhằm vào Trung Quốc
một cách rõ rệt của Mỹ không thể không khiến người Trung Quốc quan tâm
và cảnh giác. Những quan ngại của Mỹ về Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ
tư duy và quan niệm cũ. Thứ nhất là tư duy Chiến tranh Lạnh; Mỹ vẫn tồn
tại một số thế lực bảo thủ kiên trì tư tưởng Chiến tranh Lạnh, họ cố
vạch ra những khác biệt về chế độ xã hội và ý thức hệ, luôn coi Trung
Quốc là quốc gia "khác biệt", thể hiện tình cảm thù địch sâu sắc đối với
Trung Quốc, cho dù Trung Quốc mạnh hay yếu đều coi Trung Quốc là mối đe
dọa. Thứ hai là tư duy bá quyền, có một vài người Mỹ trong thời gian
dài chìm đắm trong vai trò "lãnh tụ thế giới", theo dõi chặt chẽ sự trỗi
dậy của Trung Quốc, lo lắng Trung Quốc sẽ thách thức thậm chí thay thế
địa vị “bá chủ” của Mỹ, hoài nghi nhất cử nhất động của Trung Quốc đều
có ý đồ thách thức Mỹ. Thứ ba là tư duy về lợi ích, các nước đều phải
bảo vệ lợi ích của nước mình, nhưng cũng nên xem xét và quan tâm đến lợi
ích của nước khác, như vậy mới có thể đạt được việc cùng có lợi cùng
thắng lợi. Mỹ quen với việc đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của
nước khác, vì lợi ích nước mình mà thường xuyên không tôn trọng thậm chí
làm tổn hại đến lợi ích nước khác. Kinh tế Mỹ những năm gần đây xuất
hiện khó khăn, có người đã đẩy trách nhiệm này cho Trung Quốc.
Những
tư duy và quan niệm cũ này có cơ sở xã hội tương đối sâu sắc ở Mỹ.
Trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc, có một số người đã rơi vào
vòng xoáy logic truyền thống “nước mạnh tất phải bá quyền”, đặc biệt
“quá nhạy cảm” với việc Trung Quốc nâng cao khả năng quốc phòng, tung
tin Trung Quốc phải gạt Mỹ ra khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mượn
cớ để thực hiện kế hoạch bố trí quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình
Dương
Nhìn
lại quá trình phát triển hơn 40 năm quan hệ Trung-Mỹ có thể thấy ở mức
độ nào đó hai nước đã xây dựng được sự tin tưởng nhau về mặt chiến lược.
Hai nước lớn hoài nghi nhau về mặt chiến lược thì trước mắt khó mà đạt
được sự hợp tác sâu rộng và toàn diện, cũng như khó có thể thực hiện
được sự hòa nhập và dựa vào nhau về mặt lợi ích giữa hai nước. Song,
việc thiếu hụt nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau về mặt chiến lược cũng
là hiện thực khách quan. Việc thiếu hụt sự tin tưởng lẫn nhau về chiến
lược trước mắt đương nhiên có nguyên nhân từ hai phía, nhưng phía Mỹ
chịu trách nhiệm chủ yếu. Nhân sĩ các giới hai nước Trung-Mỹ bắt đầu ý
thức được đây chính là sự cản trở to lớn đối với việc phát triển hơn nữa
quan hệ hai nước và kêu gọi tăng cường hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau về
mặt chiến lược. Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực chung từ hai
phía, vận dụng các biện pháp thiết thực để tăng cường niềm tin và xóa
bỏ hoài nghi. Mỹ nên lựa chọn thái độ tích cực chủ động và thể hiện bằng
hành động cụ thể. Tính quan trọng và tính phức tạp của quan hệ Trung-Mỹ
cùng tồn tại, chỉ coi trọng cái đầu mà coi nhẹ cái thứ hai, thì nhìn
nhận vấn đề đương nhiên sẽ thiếu toàn diện. Chỉ có phân tích một cách
toàn diện quan hệ Trung-Mỹ mới có thể nắm bắt được chính xác xu thế lớn
của quan hệ Trung-Mỹ, vừa có lòng tin mà lại không mất đi sự cảnh giác
trong việc thúc đẩy hợp tác.
III. Phát triển quan hệ nước lớn theo mô hình mới là lựa chọn chính xác duy nhất của Trung-Mỹ
Mỹ
là nước phát triển lớn nhất thế giới, Trung Quốc là nước đang phát
triển lớn nhất thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước chiếm
1/3 GDP của thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hoá
chiếm 40% toàn thế giới. Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai của thế
giới, Trung-Mỹ có điều kiện phát huy tiềm năng hợp tác, mở rộng lĩnh
vực hợp tác, nâng cao trình độ hợp tác, từ đó thúc đẩy nền kinh tế, tài
chính và kỹ thuật của hai nước phát triển ở cấp độ cao hơn. Đồng thời,
là hai đầu tàu lớn của nền kinh tế thế giới, hai nước Trung-Mỹ có trách
nhiệm thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, thúc đẩy hợp tác
quốc tế phát triển. Trung-Mỹ là hai nước lớn có ảnh hưởng quan trọng ở
hai bờ Đông-Tây Thái Bình Dương, đều là thành viên thường trực của Hội
đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò quan trọng trong các công
việc quốc tế. Trung-Mỹ có thể cống hiến cho cộng đồng quốc tế trong việc
duy trì hoà bình ổn định thế giới đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình
Dương cũng như đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu. Việc Tổng
thống Mỹ Obama tuyên bố “Quan hệ Trung-Mỹ sẽ được xây dựng lại trong thế
kỷ 21” không phải là không có cơ sở.
Quan
hệ Trung-Mỹ đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới, cơ hội và thách thức
đều đang tăng lên, sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ trong tương lai đang
đứng trước ba sự lựa chọn dưới đây:
Thứ
nhất, chưa thể thoát khỏi cục diện truyền thống đó là không thể tránh
được cạnh tranh giữa các nước lớn. Cạnh tranh Trung-Mỹ sẽ huỷ hoại sự
phát triển, tiến tới đối kháng, thậm chí xung đột quân sự, khiến chiến
tranh Lạnh diễn biến thành chiến tranh Nóng, cuối cùng khó tránh khỏi
hai bên cùng thiệt hại, đưa tới tai họa to lớn cho sự phát triển hòa
bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Thứ
hai, tiếp tục duy trì cấu trúc cơ bản vừa hợp tác vừa cạnh tranh, duy
trì đại cục lấy việc hợp tác cùng có lợi làm chính, xử lý ổn thoả bất
đồng hai bên, tìm kiếm điểm chung gác lại bất đồng, cố tránh sự thăng
trầm trong quan hệ Trung-Mỹ. Về bản chất, đây vẫn là chính sách “vừa
tiếp xúc vừa kiềm chế” mà Mỹ sẽ thực hiện lâu dài trong quan hệ với
Trung Quốc. Quan hệ Trung-Mỹ trong trạng thái này khó tránh khỏi xuất
hiện rủi ro, nhưng nhìn từ quá trình phát triển tương đối ổn định trong
hơn 20 năm qua có thể thấy mô hình này sẽ tiếp tục diễn ra trong một
thời gian tương đối dài.
Thứ
ba, trong điều kiện lịch sử mới Trung-Mỹ thông qua tư duy mới, cùng xây
dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng
tin tưởng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng lợi.
Cùng
với sự thay đổi sâu sắc xảy ra trên thế giới và giữa hai nước Trung-Mỹ,
hai bên đều đang xem xét một cách nghiêm túc hướng đi trong tương lai
của quan hệ hai nước. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến thăm Mỹ
năm 2011, lãnh đạo hai nước đã từng tiến hành thảo luận vấn đề “phá vỡ
quan niệm truyền thống cạnh tranh nước lớn không thể tránh khỏi”. Trong
thời gian Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Mỹ vào năm 2012, cũng nhiều
lần bàn về vấn đề này với phía Mỹ. Ngoại trưởng Hillary Clinton gần đây
cũng phát biểu, đề xuất hai bên Trung-Mỹ phải cố gắng tìm được đáp án
mới để xử lý ổn thỏa vấn đề cũ này trong quan hệ giữa những nước lớn và
những nước lớn mới nổi. Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ vòng
thứ 4 tháng 5/2012 được tổ chức tại Bắc Kinh. Trong diễn văn với chủ đề
“Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi cùng thắng lợi, phát triển quan hệ giữa
các nước lớn mới nổi lên”, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đưa ra 5 ý tưởng là:
“đổi mới tư duy, tin tưởng lẫn nhau, bình đẳng thông cảm, tích cực hành
động, tăng cường hữu nghị”, đã giải đáp cho vấn đề này. Trong ba sự lựa
chọn nêu trên, hậu quả mà kiểu quan hệ thứ nhất có thể đưa tới thực sự
khó lường hết , kiểu quan hệ thứ hai ngày càng khó thích ứng với sự thay
đổi của tình hình chung, kiểu quan hệ thứ ba là lựa chọn chính xác duy
nhất. Hiển nhiên, hai bên Trung-Mỹ đều đã có nhận thức sâu sắc và đã bắt
đầu xem xét một cách nghiêm túc vấn đề này. Hai nước nếu có thể đạt
được nhận thức chung về vấn đề này và từng bước thực hiện, thì quan hệ
Trung Mỹ sẽ đứng trước triển vọng phát triển ngày càng tốt đẹp và mở
rộng, cũng rất có lợi cho sự phát triển của thế giới trong tương lai.
Nguyện vọng tốt đẹp đòi hỏi phải có hành động thiết thực./.