Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

80. Nhà giáo: Trách nhiệm, danh dự và tâm tư

TS. Hồ Thiệu Hùng
Nguyên Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy 
Tham luận trong hội thảo 8/11/2012 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại hội trường 111 Huyện Thanh Quan, Tp.HCM.
Nhà giáo, người mà từ xa xưa người đời luôn gọi tôn kính bằng “thầy”, là nhân vật chủ yếu làm việc tại một tổ chức mà bất kỳ ai dù là nguyên thủ quốc gia, là nhà khoa học được giải Nobel hay người lao động bình thường đều phải trải qua và bất hạnh thay cho ai không trải qua nó trước khi vào đời - đó là trường học.
Do vậy nhà giáo nhận trách nhiệm rất lớn lao trong xã hội. Đó là hàng ngày tiếp xúc, dạy dỗ, giáo dục thế hệ là báu vật của mỗi gia đình, mỗi dân tộc và quốc gia - đó là thế hệ con cái. Nhà giáo phải lo dạy người, dạy chữ, dạy nghề, những thứ làm nên thương hiệu của nguồn nhân lực- tài nguyên quý giá nhất của mọi quốc gia trong thời đại của kinh tế tri thức.
Được xã hội phân công làm trọng trách này nên nhà giáo có số giờ lao động không chỉ là 40 giờ tuần như người lao động bình thường mà từ 40 đến 60 giờ/tuần[1] để hoàn thành vô số công việc không tên. Lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, lương thì thấp nhưng nhà giáo là người đặc biệt coi trọng danh dự. Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để sống kiểu “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhà giáo chân chính không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” đối với nhà giáo, gây ra điều tiếng cho danh dự nhà giáo và cho ngành.
Năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện khảo sát "Thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục"[2] tại 3 đô thị lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong các kết quả thu nhận được, có số liệu về dạy thêm, học thêm do thầy cô tổ chức riêng. Như vậy lẽ nào việc học thêm dạy thêm đã mặc nhiên được coi là một dạng tham nhũng nên được đưa vào báo cáo khảo sát  thực trạng một số vấn đề tham nhũng trong giáo dục – đào tạo? Xót xa thay cho nhà giáo chân chính.
Năm học 2012-2013 này, nhà giáo và cả cấp trên của nhà giáo cũng bị nhắc nhở công khai về việc vẫn còn dạy thêm, vẫn còn lạm thu. Xin trích từ tin của một tờ báo lớn ra ngày thứ Hai, 15-10-2012: “Từ ngày 26 đến 29/9, đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, các phòng Giáo dục (và một số trường)… Bộ kết luận Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý dạy thêm, học thêm, Ủy ban nhân dân các quận và phòng Giáo dục chưa cấp phép theo quy định, công tác quản lý về vấn đề này chưa đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, nhận thức của một số hiệu trưởng và giáo viên đối với các quy định này chưa đúng. Nhiều hiệu trưởng chưa quản lý tốt việc làm này ngoài nhà trường. Tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại thành phố Hồ Chí Minh còn phổ biến, các lớp này đều vi phạm khi chưa được cấp phép, dạy học sinh của lớp mình, dạy học sinh học 2 buổi/ngày và dạy nội dung trong chương trình học... ”.
Nhà giáo hiện có tâm tư rất nặng nề bởi uy tín đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ dạy tiểu học lo lắng hỏi Hiệu trưởng : “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không cô?” Các hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào thế phải làm thêm việc bất khả thi là quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt giấy cấp phép như thế nào, phải hậu kiểm ra sao, dùng lực lượng nào, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì… Có nơi còn tổ chức đi kiểm tra việc dạy thêm, bắt được ai thì lập biên bản trước mặt của học trò. Thật bẽ bàng! Một cô giáo già viết trên mạng:  “Người ta đã cấm giáo viên dạy thêm không phải một lần. Những biện pháp đi kèm lệnh cấm nghe ra chẳng khác gì phát hiện và tố cáo tội phạm. Liệu người thầy có còn uy trước học trò không khi giới thầy bị hành xử như thế?”
Pháp luật có cấm người lao động được làm thêm để có thu nhập không?  Không. Lẽ ra phải khuyến khích người lao động có thêm thu nhập từ nghề của mình, miễn đó là thu nhập chính đáng. Ai đẩy giáo viên vào tình trạng dạy thêm  “tràn lan”, nhà trường lạm thu “tràn lan”? Câu trả lời không chỉ nằm trong lĩnh vực giáo dục như chương trình ôm đồm, thi cử nặng nề, trang bị cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, trường dột, nhà vệ sinh hư không thể chờ kinh phí rót xuống mới sửa… Câu trả lời còn nằm ngoài lĩnh vực giáo dục, đó là cha mẹ ngày nay khi rời con đi làm rồi muốn con tránh được các cạm bẫy giăng giăng  trong xã hội thì chỉ còn mỗi một nơi tin cậy để giữ con được an toàn là vòng tay của thầy cô giáo…Nhưng trước hết, câu trả lời phải tìm trong việc xét xem câu khẩu hiệu “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” đã được thực thi  ra sao.
Bảng thống kê lương dưới đây cho phép nhận ra câu trả lời:
Ngành
Thu nhập bình quân
Nguồn
Mỏ, luyện kim
9,2  (triệu đồng/ tháng)
Điều tra của Bộ LĐ-TB-XH trong năm 2010
Ngân hàng
7,6    (triệu đồng/ tháng)                           
như trên
Dược
7    (triệu đồng/ tháng)                              
như trên
Điện tử viễn thông
5,5   (triệu đồng/ tháng)                            
như trên
Giảng viên ĐH ngành Kỹ thuật công nghệ
5,1 (triệu đồng /tháng)
Vụ trưởng Vụ KH-TC (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cho biết ngày 10/1 tổng hợp từ báo cáo "3 công khai" của 291 trường ĐH, CĐ[3]
DN hoạt động theo Luật DN
4,65 (triệu đồng/ tháng)
Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội năm 2011
Doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước
3,98 (triệu đồng/ tháng)
Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Hà Nội năm 2011
Giáo viên từ Tiểu học  đến THPT
3 ~ 3,5 (triệu đồng/ tháng). Quá nửa số GV lãnh dưới mức này
Đề tài cấp nhà nước[4] do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm
Lái xe cơ quan, nhân viên đánh máy
Bậc 1 có hệ số 1,87 (1.96 tr)
Bậc 10 có hệ số 3,67
Nghị định 204 của Chính phủ ban hành 20/12/2004
Giáo viên Mầm non
Bậc 1 có hệ số 1,86 (1.95 tr)
Bậc 10 có hệ số 3,66
Như trên
Lương của giáo viên Mầm non đều thấp hơn bậc lương tương ứng của… lái xe cơ quan và kỹ thuật viên đánh máy trong khi hiện nay một người biết lái xe và sử dụng vi tính để tự lo cho mình là quá phổ biến còn mỗi khi trường mầm non nghỉ trong ngày làm việc thì cha mẹ lúng túng, cơ quan  bối rối vì sự hiện diện và quậy phá của trẻ con. Có thể thấy ngay trong  bảng thiết kế lương trong Nghị định 204,  quan điểm giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu đã được quán triệt ra sao rồi. Ngay cả giảng viên đại học thì lương bình quân tháng cao nhất [5] là của giảng viên khối ngành kỹ thuật công nghệ cũng chỉ 5,1 triệu đồng, thua lương trung bình của người lao động ngành điện tử viễn thông.
Thử hỏi hiện nay lương nhận được từ trường đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu? Một tuần  hay nửa tháng là cùng. Không sống được bằng lương nhà nước thì phải tự cứu mình, trước hết là bằng nghề chuyên môn của mình, bằng dạy thêm. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn này, nhiều người giữ được phẩm chất, nhờ vậy mà tiếp tục phục vụ trong trường học, nhưng có người lại không thể, có hành vi tiêu cực. Thế là dạy thêm học thêm bị xem là hành vi tiêu cực, bị làm khó.
Không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, bị dồn vào chân tường, nhà giáo với lương ba cọc ba đồng lại không có người thân  trợ cấp sẽ sống  bằng cách nào đây mà vẫn giữ mình là người lương thiện? Giáo viên đã có người nghĩ đến việc dạy một buổi, ra chợ một buổi để bán hành tỏi; có người tính buổi tối xin làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc  “chuyển địa bàn” để chạy xe ôm; có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh… Đã có giáo viên năng lực rất tốt của một trường THPT nổi tiếng xin nghỉ dạy học, về mở lớp dạy tại nhà để có thời gian trực tiếp chăm sóc mẹ già bệnh nặng, vậy mà thu nhập cao hơn hẳn, bản thân mình và trường lại khỏi bị điều tiếng khi dạy “thêm”. Rất có thể rồi đây, nhiều nhà giáo cũng sẽ theo tấm gương này chăng để khỏi thấy bị xúc phạm danh dự và khi đó trường học vốn đã khó thu hút người giỏi sẽ bị chảy máu chất xám. Và có thể thấy trước các học sinh thật sự có nhu cầu học thêm sẽ dồn về học đông, rất đông tại đây khi các lớp dạy thêm khác bị làm khó. Rồi đây sẽ hình thành kiểu kiếm thêm thu nhập nào khác nữa phù hợp và không phù hợp với danh dự nhà giáo?
Nhà giáo có nguyện vọng gì?
Nguyện vọng số 1- đó là sống được bằng lương để có thể toàn tâm toàn ý dốc sức tại lớp, để có thời gian chăm sóc học sinh hơn, để tích cực tham gia đổi mới giáo dục, để tự học,  để nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình. Một đòi hỏi rất chính đáng và rất tối thiểu vậy mà mấy đời Bộ trưởng của ngành quốc sách hàng đầu này chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới được. Trong khi đó, những ngành nghề khác không hề được tôn vinh là quốc sách hàng đầu lại có thu nhập cao hơn ngành giáo dục- đào tạo nhiều. Cán bộ ngồi văn phòng của EVN có thu nhập trung bình khoảng 30 triệu đồng/ tháng[6], một mức lương  gấp 3,5 lần lương tột bậc của Giáo sư trong nghị định 204.  Rồi còn nhiều ngành dành đặc quyền đặc lợi riêng cho người của mình trong khi chưa làm tròn nghĩa vụ nộp ngân sách. Một nhà giáo lão thành- GS.TSKH Vũ Minh Giang [7] đã nhận định rất đúng “Chính sách đối với nhà giáo phải được xem là thái độ chính trị đối với trí thức, đồng thời đó cũng là thái độ chính trị với tương lai của đất nước. Chính vì vậy cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo".
Lãnh một đồng lương đủ sống (nuôi được bản thân, một con và một cha/mẹ già- tất cả là 3 người) là bao nhiêu? Là ít nhất gấp 3 lần mức mà các cuộc thảo luân tổ tại kỳ họp Quốc hội đang ủng hộ  là 3,6 triệu đồng/tháng để miễn trừ cho người phụ thuộc khi tính thuế thu nhập cá nhân. Một giáo viên làm trong một ngành được coi là quốc sách hàng đầu mà thu nhập chưa bằng mức cần cho người phụ thuộc đủ sống, đây quả thật là một nghịch lý bi hài. Xin lưu ý là theo đề tài khoa học đã dẫn thì quá 50% số nhà giáo lĩnh dưới mức 3 đến 3,5 triệu đ/tháng, nghĩa là đã đi làm rồi mà lãnh chưa bằng một người sống phụ thuộc. Nhưng nếu lương bằng 3 lần mức tính cho người phụ thuộc thì hóa  ra lương giáo viên là khoảng 10,8 triệu đồng, cao hơn lương hệ số 10 của Bộ trưởng?
Vậy thì trong khi lương chưa đủ sống được thì nguyện vọng nhà giáo là được sống bằng nghề dạy học. Nhà nước cứ đối xử với nghề nhà giáo bình đẳng với những nghề  khác mà thôi: nhà giáo được làm thêm để có thêm thu nhập bằng nghề dạy học để sống như một công dân lương thiện. Bác sĩ mở phòng mạch tư được, vậy sao  coi dạy thêm là biểu hiện tham nhũng trong giáo dục? Nghị định 49 của chính phủ ra ngày 14/5/2010, có mục 2, Điều 11 quy định rằng “Từ năm học 2011 - 2012 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo”. Mấy năm qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng vùn vụt, nhiều mặt hàng  được Chính phủ cho phép, lắm mặt hàng cứ tự động tăng theo, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng cả hai chữ số,  vậy sao mà học phí cứ vẫn được quy định giữ nguyên?
Xin đừng lấy cớ là trong dạy thêm học thêm có tiêu cực mà làm khó, thậm chí làm nhục nhà giáo phải sống bằng dạy thêm. Bộ GD-ĐT hãy tiếp xúc trực tiếp với giáo viên từng cấp, với Công đoàn Giáo dục cơ sở, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của giáo viên, mời chính họ đề xuất biện pháp ngăn chặn mặt tiêu cực trong hoạt động dạy thêm của một số người. Và cũng nên tham khảo tại sao các trường dân lập lại đối phó hiệu quả hơn với tình trạng dạy thêm học thêm “tràn lan”. Tách việc DT-HT ở tiểu học khỏi DTHT ở bậc cao hơn để cùng giáo viên và cha mẹ học sinh tìm biên pháp khắc phục tiêu cực.
Nhà giáo đứng lớp là chỉ là thủy thủ đang làm nhiệm vụ trên con tàu giáo dục đang chở thế hệ tương lai vượt đại dương của thời đại. Lòng tự hào của thủy thủ, vị thế của thủy thủ sẽ được nâng lên rất nhiều nếu  được phục vụ không phải trên một con tàu cũ, thiết kế lạc hậu, chạy chậm lại đang lạc lối mà là trên một con tàu mới được thiết kế hiện đại, chạy nhanh, có thuyền trưởng vững vàng và sáng suốt, biết tôn trọng thủy thủ. Khi đó chắc chắn dân gian sẽ không còn chê bai “chuột chạy cùng sào cũng… không vào sư phạm”, khi đó tương lai của đất nước sẽ tươi sáng hơn.

[1] Đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” (Mã số 01/2010). Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước
[2]  Thanh niên online 15/10/2012
[3] VietNamnet  11/1/2010
[4] Đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” (Mã số 01/2010), công bố năm 2012.
[5] VietNamnet  11/1/2010: Thông tin do Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cho biết ngày 10/1 tổng hợp từ báo cáo "3 công khai" của 291 trường ĐH, CĐ
[6] Thanh niên online 21/12/2011
[7] Phó GĐ ĐHQGHN, thành viên Hội đồng lý luận trung ương. Hội thảo quốc tế nhân dịp Kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN với chủ đề "Chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong tiến trình đổi mới giáo dục" được tổ chức từ 9 - 10/12. http://www.education.vnu.edu.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=1022&Itemid=664 

http://www.ier.edu.vn/content/view/606/174/