Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

78. Đại cương quan hệ đối ngoại của Hàn quốc: tiến trình phát triển

I. Tổng quan lịch sử quan hệ quốc tế của Hàn Quốc:
1. Trước năm 1948.
Mặc dù lịch sử bán đảo Hàn có một bề dầy nhiều nghìn năm nhưng ảnh hưởng của Hàn Quốc, trong tư cách là một quốc gia và là một bộ phận của vùng lãnh thổ bán đảo Hàn,  trên trường quốc tế mới chỉ bắt đầu trong khoảng 1 vài thập kỷ lại đây.
Nếu nhìn lại lịch sử các mối quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc trong tư cách quốc gia thì nước này có mối quan hệ lâu đời với các nước láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng chỉ có quan hệ rời rạc với Ấn Độ, Ba Tư và Nga.
Cho đến cuối thế kỷ 19, Hàn Quốc mới chính thức mở của thông với thế giới bên ngoài. Hàng thế kỷ nay, Hàn Quốc vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và chịu ảnh hưởng rất lớn cả về văn hoá và chính trị của Trung Quốc trong khi vẫn duy trì nền độc lập với những bản sắc riêng.
Khoảng 1/4 cuối thế kỷ 19, Nhật Bản bị Trung Quốc và Nga cản đường khi 3 cường quốc này đấu tranh để giành quyền thống trị toàn bộ bán đảo Hàn. Tuy nhiên, sự cân bằng quyền lực cuối cùng bị phá vỡ do chiến tranh Nhật-Trung; Nhật - Nga gây ra đã cho phép Nhật xâm lược Hàn Quốc năm 1910 và tước đi nền độc lập của Joseon lần đầu. Nhật Bản đã kéo dài việc cai trị thuộc địa đến năm 1945 khi  bán đảo Hàn được giải phóng bởi quân đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ II. Việc giải phóng khỏi sự đô hộ thuộc địa của Nhật cũng đã dẫn tới sự chia cắt bán đảo Hàn lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới cho hai quốc gia: Cộng Hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên  và Đại Hàn Dân Quốc hay gọi tắt là Hàn Quốc theo Hiệp định thời chiến giữa Mỹ và Liên Xô.
Đại Hàn Dân Quốc ra đời năm 1948, quan hệ Hàn Quốc với thế giới được mở rộng trên mọi lĩnh vực, đặc biệt, sau hơn 3 thập kỷ (1960-1990) Hàn Quốc tạo ra kỳ tích Sông Hàn về tăng trưởng kinh tế, giống như Nhật Bản trong câu chuyện Thần kỳ Nhật Bản (1955-1972).
2. Từ 1948 đến nay:
a. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh:
Từ khi được thành lập 15/8/1948 với cái tên Đại Hàn Dân Quốc, chính phủ nước này đã cam kết đi theo các quan niệm dân chủ và theo đuổi một nền kinh tế thị trường tự do kiểu Phương Tây. Nhưng đối với lĩnh vực đối ngoại, các quan hệ quốc tế của chính phủ Hàn Quốc đã trải qua nhưng thay đổi rất lớn kể từ khi nước này ra đời.
Khi thế giới còn đang tồn tại sự đối đầu Đông-Tây với biểu hiện quyền lực chính trị và quân sự tập trung xoay quanh hai cực siêu cường là Mỹ và Liên Xô thì các quan hệ quốc tế trên thế giới chịu ảnh hưởng của tình trạnh chiến tranh Lạnh kéo dài bắt đầu từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ II. Quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc lúc này là ngả theo các nước Phương Tây, những người luôn cổ vũ cho một nền dân chủ mà Hàn Quốc đang theo đuổi. Bởi vậy, mối quan hệ ngoại giao của Hàn Quốc trước hết được thiết lập với Mỹ và đồng minh do sự hỗ trợ lớn nhất của Mỹ về chính trị, quân sự và kinh tế cho nước này trong buổi đầu thành lập.
Những năm kéo dài của cuộc chiến tranh Hàn (1950-1953), Hàn Quốc dưới con mắt của cộng đồng quốc tế được xem như là một quốc gia bị tàn phá ghê gớm bở chiến tranh và nghèo đói. Nhưng hình ảnh đó đẵ bắt đầy thay đổi vào năm 1962 khi mà Hàn Quốc áp dụng chính sách phát triển kinh tế hướng theo xuất khẩu và đã bắt đầu theo đuổi một cách tích cực các hoạt động thương mại quốc tế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự đối đầu Đông -Tây được định hình trong suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, với tư cách là một thành viên của khối liên minh phương Tây, Hàn Quốc một mặt tiếp tục mở rộng liên kết chặt chẽ các quan hệ đối ngoại của mình với các đồng minh truyền thống trong liên minh phương Tây, song cũng bắt đầu xây dựng các quan hệ hợp tác với các nước thuộc thế giới thứ 3. Từ những năm 1970, chính sách ngoại giao của Hàn Quốc được xây dựng để thúc đẩy sự độc lập và tái thống nhất hoà bình trên bán đảo Hàn đồng thời Hàn Quốc tiếp tục cũng cố các mối liên kết của mình với các nước đồng minh phương Tây và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế.
b. Kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh
Với nền tảng ngoại giao được xác lập như trên, trong suốt thập kỷ 80 của thế kỷ 20, Hàn Quốc đã tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ đối tác có tính hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, bắt đầu từ  cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, những sự thay đổi ở Đông Âu và Liên Xô cũ đã đặt một dấu chấm hết cho thời kỳ chiến tranh Lạnh. Do đó, Hàn Quốc cũng đã có sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của mình bằng việc tích cực thúc đẩy chính sách ngoại giao phương Bắc.
Sự theo đuổi một cách đầy quyết tâm trong chính sách ngoại giao phương Bắc của Hàn Quốc đã góp phần đề cao sự kết gắn của nó với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Những mối quan hệ như thế này trước kia bị ngăn cản bởi những khác biệt mang tính chất hệ tư tưởng và hệ thống kinh tế. Các mối quan hệ với phần lớn các nước như vậy, bao gồm cả Liên Xô cũ và Trung Quốc đã được bình thường hoá trong một trình tự ngắn ngủi, bởi vậy, nó đã có thể khiến các quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc đã trở nên mang tính toàn cầu. Sự kiện cả hai quốc gia Hàn Quốc và Triều Tiên đều gia nhập Tổ chức Liên hợp quốc đồng thời vào tháng 9 năm 1991 đã chứng tỏ sự thành công của chính sách ngoại giao phướng Bắc.
Hơn thế nữa, cơ sở cho sự cùng tồn tại hoà bình của hai miền Nam và Bắc đã được xây dựng vào tháng 12 năm 1991. Nội dung của nó bao gồm cả một Hiệp định về hoà giải, không xâm lược và trao đổi và hợp tác (được gọi là Hiệp định cơ bản Bắc-Nam) và thông qua một tuyên bố chung về việc phi hạt nhân trên bán đảo Hàn.
Những văn kiện có tính lịch sử như thế đã gieo các hạt giống của "cây hoà bình" trên bán đảo Hàn và ở vùng Đông Bắc Á. Đồng thời nó cũng cho thấy đó là một bước quan trọng hướng tới sự tái thống nhất trong hoà bình của một quốc gia đang bị chia cắt.
c. Phương châm chính sách ngoại giao cơ bản của Hàn Quốc với thế giới bên ngoài
Tiếp tục tập trung đóng góp cho thế giới và mở rộng vai trò của mình trên trường quốc tế, Hàn Quốc vẫn giữ mối quan hệ với tất cả các nước và hoạt động tích cực để cải thiện các mối quan hệ này. Theo số liệu thống kê tạm thời tính từ năm 1948 đến tháng 3/2002, Hàn Quốc đã xây dựng và thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, có 91 sứ quán, 29  toà lãnh sự, 4 văn phòng đại diện và tham gia 95 tổ chức quốc tế.
Nhìn lại trong suốt những năm 1990, Hàn Quốc đã kiên trì đi theo đường lối chính sách ngoại giao nhằm đảm bảo sự ủng hộ của thế giới đối với hoà bình và ổn định ở Đông Bắc Á, từ đó đặt nền móng cho sự thống nhất  trên bán đảo Hàn. Kể từ đó, Hàn Quốc cũng tích cực thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế sao cho Hàn Quốc có thể gia nhập hàng ngũ các nước tiên tiến, có một vai trò to lớn xứng đáng với vị trí quốc tế tăng lên của mình. Kể từ tháng 9 năm 1991, Hàn Quốc chính thức trở thành thành viên của tổ chức Liên hợp quốc. Đánh giá trong quãng thời gian phát triển hơn 10 năm, tính từ năm 1991 đến thời điểm tháng 5 năm 2002, Hàn Quốc đã là thành viên của 38 cơ quan, tổ chức quốc tế thuộc LHQ. Đó là một thành công rất lớn trong hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc với tổ chức quốc tế mang tính đa phương lớn nhất và có quyền lực nhất hành tinh.
Hiện nay, trong nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm (2008-2012) ông Ban ki Moon là người của Hàn Quốc đang giữ trọng trách đó. Đây là một vinh dự rất lớn về ngoại giao cho Đại Hàn Dân Quốc.
II. Những đặc điểm chính trong một số quan hệ song phương điển hình
1. Quan hệ Hàn Quốc - Hoa Kỳ (Mỹ).
- Từ liên minh chính trị- quân sự tới một liên minh an ninh toàn diện
Hàn Quốc và Hoa kỳ đều là hai quốc gia chia sẻ các giá trị tự do theo quan điểm phương Tây và theo đuổi một nền kinh tế thị trường. Trải qua hơn 5 thập kỷ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã duy trì một mối liên kết đồng minh chặt chẽ để đảm bảo một cách có hiệu quả hoà bình và ổn định ở bán đảo Hàn và cũng như ở khu vực Đông Bắc Á. Hàn Quốc và Hoa kỳ đã có một loạt các thoả thuận mang tính chính trị, pháp lý và thể chế để thiết lập một sự hợp tác an ninh chống lại những thách thức từ phía Triều Tiên. Hơn thế nữa, liên minh an ninh Hàn Quốc- Hoa kỳ được mở rộng trên phạm vi địa lý và chức năng để phản ứng một cách nhanh nhất với những tình huống có thể xẩy ra ở bán đảo Hàn và khu vực Đông Bắc Á. Do vậy, mặc dù chiến trạnh lạnh đã kết thúc vào đầu những năm 1990, nhưng sự có mặt quân sự của Hoa Kỳ ở Hàn Quốc là rất lớn, số quân nhân Mỹ đồn trú  là 36.400 quân (vào năm1992). Từ đó đến nay, số quân Mỹ tại Hàn Quốc tuy có giảm xuống nhưng vẫn là một số lượng đáng kể.
-  Quan hệ kinh tế: Hàn Quốc và Mỹ là những đối tác gần gũi không chỉ trên khía cạnh chính trị, quân sự mà cả trên lĩnh vực kinh tế như là thương mại, khoa học kỹ thuật và đầu tư. Với tư cách là một nguồn cung cấp quan trọng về vốn nước ngoài và công nghệ tiên tiến, Hoa Kỳ đã đóng góp một cách đáng kể hướng tới sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong suốt giai đoạn 1962-1979, khi nền kinh tế Hàn Quốc được phát triển một cách nhanh chóng. Mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế giữa Hàn Quốc và Hoa kỳ được khẳng định trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính của Hàn Quốc kết thúc vào cuối năm 1997 khi Hoa Kỳ đóng vai trò quyết định trong viêc tổ chức sự trợ giúp khẩn cấp cho Hàn Quốc.
Tổng kim ngạch mậu dịch hai chiều giữa Hàn Quốc và Hoa kỳ đạt con số 60 tỷ USD vào năm 2001. Hoa kỳ vẫn là bạn hàng lớn nhất của Hàn Quốc và chiếm tới 20% tổng xuất khẩu của Hàn Quốc. Mặc dầu là các bạn hàng quan trọng của nhau và ngày càng tỏ rõ sự phụ thuộc lẫn nhau. Song cũng luôn xuất hiện cách tranh chấp và mâu thuẫn thương mại giữa hai nước
- Hợp tác trao đổi văn hoá: Hàn Quốc không chỉ duy trì các quan hệ hợp tác về kinh tế, chính trị và quân sự mà còn có các hoạt động trao đổi trên lĩnh vực văn hoá cũng như xã hội thông qua các cấp khác nhau từ chính phủ tới các hội,  cộng đồng cư dân Hàn - Mỹ ở cả trên đất Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
2. Quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản:
- Quan hệ chính trị: Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia láng giềng cách nhau bởi eo biển Korea. Hai nước đã có các mối liên kết mang tính văn hoá gần gũi và đã chia sẻ các hoạt động giao lưu văn hoá từ thời cổ xưa. Tuy nhiên, trong thế kỷ trước (20) hai nước đã trải qua một thời kỳ bất hạnh của lịch sử khi Hàn trở thành một bộ phận thuộc địa của Nhật Bản (1910-1945)
Vào năm 1965, các quan hệ ngoại giao giữa hai nước lần đầu tiên được thiết lập lại (kể từ ngày Hàn Quốc tuyên bố độc lập 1948). Hai quốc gia có thể đã lấy lại được các thuận lợi bởi sự gần gũi về địa lý và tương đồng văn hoá, và từ đó đã theo đuổi một cách tích cực các quan hệ chính trị cho mục đích phát triển và các quan hệ hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàng loạt các cuộc viếng thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc và Nhật Bản đã được thực hiện. Mở đầu chuyến thăm Hàn Quốc của cựu thủ tướng Nhật Bản, Nakasone, vào 1/1984 và chuyến thăm Nhật Bản của cựu Tổng thống Hàn Quốc,Chung Đô Hoan, 9/1984 đã thúc đẩy bầu không khí chính trị hữu nghị giữa hai nước.
Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế để cải thiện hơn nữa mối quan hệ hữu nghị hai nước do còn có những bất đồng về các vấn đề lịch sử để lại từ thời kỳ chiến tranh, ví dụ như vấn đề sách giáo khoa, vấn đề tranh chấp chủ quyền hòn đảo Dokdo hay Takeshima.
Tuy nhiên, sự hợp tác chính trị của Hàn Quốc với Nhật Bản không chỉ giới hạn trong những vấn đề song phương mà còn mở rộng tới các vấn đề chung của khu vực, liên quan tới sự ổn định và thịnh vượng của Đông Bắc Á, cũng như các vấn đề toàn cầu. Các bộ trưởng ngoại giao hai nước đã tổ chức một cách thường niên các cuộc trao đổi, tư vấn các vấn đề liên quan của hai nước. Các quan chức ngoại giao khác theo hình thức từ 4 đến 5 lần trong một năm. Hơn thế nữa, có rất nhiều kênh trao đổi khác nhau để hai nước có thể giải quyết các vấn đề này sinh có khả năng làm phương hại tới mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
Hàn Quốc và Nhật Bản có một điểm chung trong liên minh chính trị và quân sự với Hoa kỳ, cùng chia sẻ quan niệm giá trị tự do kiểu phương Tây của kinh tế thị trường. Đây được coi là nền tảng của quan hệ chính trị giữa hai nước.
- Quan hệ kinh tế và văn hoá: Vì có sự thuận lợi về địa lý và tương đồng văn hoá nên quan hệ kinh tế và văn hoá giữa Hàn Quốc được phát triển nhanh. Mỗi năm có khoảng trên 3 triệu du khách Hàn Quốc và Nhật Bản tới thâm lẫn nhau. Kim ngạch buôn bán hai chiều đạt con số 53 tỷ USD/năm (số liệu năm 2001). Hai nước ngày càng gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau trong phát triển kinh tế, đặc biệt qua hoạt động thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư cũng như các lĩnh vực kinh tế khác.. Nhật Bản là bạn hàng lớn thứ hai của Hàn Quốc. Hai nước đang xem xét một cách nghiêm túc việc tiến tới hình thành một khu vực thương mại tự do (FTA) Hàn Quốc- Nhật Bản. Hai nước vừa là đối tác kinh tế quan trọng của nhau và cũng vừa là các đối thủ cạnh tranh lẫn nhau.
Về hợp tác văn hoá với nét nổi bật là Hàn Quốc và Hàn Quốc cùng tổ chức thành công vòng chung kết giải bóng đá thế giới 2002 được xem là bằng chứng củng cố cho sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nứoc. Hàn Quốc và Nhật Bản đồng ý rằng mở rộng hơn nữa các kênh giao lưu văn hoá nhằm để có được một sự hiểu biết tốt hơn và cố gắng thu hẹp các khoảng cách do các vấn đề lịch sử để lại trong ý tưởng của nhân dân mỗi nước.
3. Quan hệ Hàn Quốc- EU:
- Hàn Quốc đã có các mối quan hệ chính trị truyền thống với các nước phương Tây, được xây dựng trên nền tảng các giá trị tự do phương Tây và kinh tế thị trường. Các mối liên kết giữa Hàn Quốc và Cộng đồng Châu âu có một lịch sử lâu dài. Anh, Pháp và nhiều nước ở Tây âu khác đã ngầm ủng hộ Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh Hàn dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc. Và mỗi nước có một cách thức khác nhau giúp đỡ Hàn Quốc trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Hàn Quốc và các nước Tây âu hoạt động cùng nhau trong việc làm giảm sự căng thẳng của đối đầu Đông-Tây, nhưng tham gia vào Liên minh của Hoa Kỳ. Quan hệ của Hàn Quốc với Châu âu trong suốt thời kỳ này là được tập trung chủ yếu vào sự phát triển và hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại.
Ngày nay, Hợp tác giữa Hàn Quốc và EU đã được mở rộng và nhấn mạnh trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ đơn thuần trong các quan hệ mậu dịch, công nghệ mà còn lan rộng sang các quan hệ chính trị và văn hoá
Năm 1996, Hàn Quốc và EU đã ký một hiệp định khung về hợp tác kinh tế và chính trị. EU cũng đã cam kết dành sự ủng hộ chính trị và tài chính cho tổ chức phát triển năng lượng bán đảo Hàn (KEDO, 1999) để góp phần giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Hàn cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo khác cho Triều Tiên.
- Về kinh tế, EU đã trở thành bạn hàng lớn thứ ba của Hàn Quốc. Kim ngạch mậu dịch hai chiều Hàn Quốc và EU năm 2001 đạt 34,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng kim ngạch ngoại thương của Hàn Quốc. Thăng dư thương mại của Hàn Quốc đạt 4,7 tỷ USD năm 2001. Các quan hệ kinh tế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, EU đang kêu gọi Hàn Quốc mở rộng hơn nữa thị trường nội địa của mình. Chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng cam kết có các biện pháp để làm giảm thiểu các xung đột kinh tế xẩy ra có thể làm xấu đi các quan hệ này. Ví dụ đang nghiên cứu vấn đề mở rộng thị trường nông sản, trợ giá,...
4. Quan hệ Hàn Quốc-Trung Quốc:
- Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Hàn Quốc không có bất kỳ một quan hệ nào vơí Trung Quốc vì sự khác biệt ý thức hệ và vấn đề ủng hộ Triều Tiên. Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Hàn Quốc lớn mạnh lên, Trung Quốc đã nhìn thấy những lợi thế về các mối liên kết kinh tế với Hàn Quốc và đã đi tới gạt bỏ quan điểm ý thức hệ về vấn đề bán đảo Hàn. Từ đó, Hàn Quốc đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1992, sau 2 năm khi Hàn Quốc chính thức có quan hệ ngoại giao với Nga. Cả hai nước Trung Quốc và Liên xô (cũ) đã rút quyền phủ quyết để Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1991.
Ngày nay, Hàn Quốc và Trung Quốc chia sẻ quan điểm rằng hoà bình và sự ổn định trên bán đảo Hàn là sự sống còn cho việc hiện thực hoá nền hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. Trung Quốc đã phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên và đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở bán đảo Hàn hiện nay.
- Kể từ khi đạt được các quan hệ ngoại giao đầy đủ với Trung Quốc vào năm 1992, các quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa hai nước đã được phát triển nhanh. Sau 8 năm, từ 1992 với kim ngạch chính thức hầu như là con số 0 thì đến năm 2000, quan hệ mậu dịch 2 chiều đạt 31,3 tỷ USD. Trung Quốc là bạn hàng song phương lớn thứ 3 của Hàn Quốc sau Mỹ và Nhật Bản. Các quan hệ đầu tư tiếp tục được tăng cường ở các lĩnh vực khác nhau cả ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Trên cơ sở của sự gia tăng các quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, hai nước cũng có những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực khác của các quan hệ song phương bao gồm các vấn đề chính trị, ngoại giao, văn hoá và trao đổi học thuật.
5. Quan hệ Hàn Quốc - Nga:
- Giống như Trung Quốc, trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Hàn Quốc không có bất kỳ một mối quan hệngoại giao nào với Liên Xô (cũ) vì các trở ngại của ý thức hệ và vấn đề ủng hộ Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nga nhanh chóng có quan hệ ngoại giao khi có những thay đổi ở Liên Xô và trên thế giới trong những năm cuối của thập kỷ 1980. Sự bình thường hoá về mặt ngoại giao giữa Hàn Quốc và Liên xô (cũ) vào năm 1990 là kết quả của chính sách "ngoại giao phương bắc" của Seoul và kết quả của chính sách ngoại giao có những "suy nghĩ mới" của Nga đối với Hàn Quốc trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.
Kể từ đó, xuất phát từ các lợi ích quốc gia của mỗi nước cả ở trên khía cạnh chính trị và kinh tế, Hàn Quốc và Nga đã tiến tới gần nhau hơn. Việc Putin được bầu làm Tổng thống nước Nga và cuộc gặp gỡ Hàn Quốc - Triều Tiên tháng 6/2000 đã mang lại một cơ hội cho quan hệ chính trị hai nước Hàn Quốc và Nga được phát triển hơn nữa.
Ngày nay, Hàn Quốc và Nga đều chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt vai trò của cả Nga và Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề hoà bình và ổn định trên bán đảo Hàn và khu vực Đông Bắc Á. Nga cũng bày tỏ mối quan tâm và ủng hộ sự đốí thoại của hai miền Korea, về tương lai thống nhất trên bán đảo Hàn, thể hiện quan điểm một bán đảo phi hạt nhân.
- Về kinh tế: Kể từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao, hai nước cũng đồng ý thúc đẩy tiến hành các dự án kinh tế bao gồm cả việc thực hiện thông tuyến đường sắt đi qua Triều Tiên. Các chương trình hợp tác kinh tế Hàn Quốc và Nga được thực hiện trên các lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, nghề cá,vận tải, thông tin và công nghệ thông tin. Tổng kim ngạch hai chiều từ 900 triệu USD năm 1990 đạt 3,8 tỷ USD năm 1996. Mặc dù năm 1997 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Hàn Quốc, mậu dịch hai chiều có sụt giảm đáng kể, song đến năm 2000 nó đã được khôi phục trở lại với kim ngạch hai chiều đạt trên 5 tỷ USD. Các công ty Hàn Quốc cũng đang có mặt trong hoạt động FDI ở Nga từ nhiều năm nay và nhận được sự cổ vũ của cả hai phía.

III. Hàn Quốc với Liên Hợp Quốc
Gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 1991, Hàn Quốc mở rộng sự  đóng góp và tham gia tích cực của mình trong các nỗ lực quan hệ ngoại giao đa phương trong các diễn đàn của Liên hợp quốc.
Tháng 9/2001, TS. Han Seung-Soo, khi đó là Bộ trưởng Bộ ngoại giao và ngoại thương Hàn Quốc đã được lựa chọn bởi sự tín nhiệm với tư cách là Chủ tịch phiên họp lần thứ 56 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, thậm trí trước khi gia nhập Liên hợp quốc, Hàn Quốc được cho là một đối tượng hoạt động tích cực trong các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc như là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD), Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) và Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), cũng như là Hiệp định chung về mậu dịch và thuế quan (GATT) và một số những cơ quan liên chính phủ quan trọng khác.
Hàn Quốc cũng đã giúp xây dựng và cho ra mắt Chương trình các đại sứ thiện chí được thực hiện trong chương trình kiểm soát ma tuý quốc tế do tổ chức liên hợp quốc chấp nhận như là một phần của các hoạt động vì một thập kỷ chống lại sự lạm dụng ma tuý của UN. Hàn Quốc cũng đã giữ vai trò chủ nhà phiên họp lần thứ 18 của cuộc gặp gỡ những người đứng đầu các cơ quan phòng chống ma tuy quốc gia ở Châu á và Thái Bình Dương, tổ chức ở Seoul vào tháng 9 năm 1993.
Với tư cách là thành viên của tổ chức liên hợp quốc, Hàn Quốc đã từng bước củng cố các nỗ lực để mở rộng vai trò trên phạm vi quốc tế của mình. Vào năm 1992, Hàn Quốc đã trở thành một thành viên trong một số cơ quan quan trọng của LHQ như là Uỷ ban ngăn ngừa tội phạm và xét tử tội phạm, Hội đồng điều hành chương trình phát triển của LHQ (UNDP), Uỷ ban nhân quyền, và Uỷ ban chương trình và điều phối LHQ. Tại phiên họp lần thứ 47 của đại hội đồng LHQ vào tháng 10 năm 1992, Hàn Quốc được bầu vào Hội đồng Kinh tế và xã hội của LHQ. Đây là một trong những cơ quan quan trọng của tổ chức LHQ cùng tồn tại giống như Hội đồng an ninh và đại hội đồng.
- Sự đóng góp tài chính của Hàn Quốc cho ngân sách thường xuyên của LHQ lên tới 21 triệu USD vào năm 2002, đứng hàng thứ 10 trong số tất cả các thành viên của LHQ.
Tại phiên họp tháng 1 năm 1993 của Hội đồng Kinh tế-xã hội (ECOSOC), Hàn Quốc đã được bầu là phó chủ tịch, và sau đó cũng trở thành chủ tịch uỷ ban ECOSOC. Hàn Quốc cũng được bầu vào Tiểu ban phát triển bền vững, một cơ quan mới được thành lập bên trong Uỷ ban ECOSOC vào tháng 2 năm 1993 để điều phối và giám sát các hoạt động trong các lĩnh vực môi trường và phát triển.
Suốt hàng thập kỷ với tư cách là thành viên của LHQ, Hàn Quốc đã tham gia một cách tích cực vào những vấn đề lớn do Liên hợp quốc xử lý như là sứ mệnh gìn giữ hoà bình và ngăn chặn các xung đột, các cuộc đối thoại giải trừ quân bị, bảo vệ môi trường, các dự án phát triển và bảo vệ nhân quyền. Đặc biệt, với vai trò của mình như là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ trong suốt giai đoạn 1996-1997 đã cung cấp cho Hàn Quốc những kinh nghiệm quý báu trong hành trang hoạt động ngoại giao trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ đó, Hàn Quốc đã có nhứng đóng góp mang tính xây dựng trong các cuộc thảo luận để giải quyết những xung đột lớn mang tính khu vực bằng việc làm sáng tỏ các vấn đề thuộc về "những người tị nạn chính trị".
- Với tư cách là một thành viên yêu chuộng hoà bình của LHQ, Hàn Quốc đã cam kết duy trì an ninh và hoà bình thế giới, và do đó Hàn Quốc đã và đang tích cực tham gia trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ. Hàn Quốc đã phái 250 nhân viên kỹ thuật tới Somali vào năm 1993 theo nghị quyết UNOSOM II của LHQ. Sau đó, đã phái một đơn vị 42 nhân viên y tế tới Tây Sahara theo nghị quyết MINUR-SO của LHQ vào năm 1994, và một đơn vị kỹ thuật 198 người tới Angola theo nghị quyết UNAVEM III của LHQ vào năm 1995.
Hàn Quốc đã tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ bằng việc lần đầu tiên gửi 1 đơn vị quân đội hơn 400 nhân viên quân sự tới Đông Ti Mo theo nghị quyết UNTAET thực hiện gìn giữ trật tự an ninh tại đó. Hơn nữa, năm 2002, một quan chức quân sự của Hàn Quốc được chỉ định làm Tư lệnh lực lượng gìn giữ hoà bình tại đảo  Síp theo nghị quyết UNFICYP.
- Trong việc tham gia vào các hoạt động quốc tế, Hàn Quốc thấy rằng các nước đang phát triển thường phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng bởi vì họ thiếu kinh nghiệm trong việc soạn thảo các kế hoạch, khát khao có các nguồn vồn đấu tư cần thiết và thiếu các chính sách kinh tế căn bản cho sự tăng trưởng bền vững. Hàn Quốc tự đánh giá mình là đã có đủ các kinh nghiệm đó trong phát triển và do đó có thể giới thiệu mô hình phát triển của mình cho các quốc gia đang phát triển khác trên thế giới học tập và tham khảo.
- Hàn Quốc đã thực sự bắt đầu trợ giúp phát triển cho các nước đang phát triển từ những năm 1960. Khi đó, Hàn Quốc đã mời một số lượng nhỏ tu nghiệp sinh nước ngoài đến đào tạo tại Hàn Quốc và đã phái một vài chuyên gia ra nước ngoài. Sau năm 1975, khi nền kinh tế đã phát triển tới một trình độ cao hơn, Hàn Quốc đã bắt đầu gia tăng sự trợ giúp của mình trong nhiều hình thức khác nhau vì dụ như trợ giúp máy móc và vật liệu, viện trợ kỹ thuật xây dựng, Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho vay và trợ giúp nhân sự trực tiếp, đặc biệt thông qua chương trình thanh niên tình nguyện.
- Hàn Quốc cũng cung cấp sự trợ giúp cho các nước đang phát triển thông qua các tổ chức đa phương như là IMF, IBRD, ADB và gần 1 tá các tổ chức tài chính quốc tế khác.
Tháng 4 năm 1991, Hàn Quốc mặc dù chuẩn bị được kết nạp là thành viên của LHQ đã chủ động xây dựng cơ quan Hợp tác quốc tế của riêng mình gọi là KOIKA đặt dưới sự điều phối của Bộ ngoại giao nhằm củng cố sự trợ giúp của mình cho các nước đang phát triển. Cơ quan này cung cấp sự viện trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển và chia sẻ các kinh nghiệm phát triển và chuyên gia của Hàn Quốc với họ.
KOIKA đã triển khai một loạt các chương trình hợp tác như là việc phái các bác sỹ y khoa, các chuyên gia trong ngành công nghiệp, các hướng dẫn viên Tăewondo và các nhân viên tình nguyện; việc mời tới đào tạo tại Hàn Quốc và trợ giúp các tổ chức phi chính phủ. KOIKA đóng góp vào sự đề cao hình ảnh của Hàn Quốc thông qua việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các nước đang phát triển. Tính đến năm 2001, Hàn Quốc đã đóng góp số tiến là 264 triệu USD cho viện trợ phát triển chính thức (ODA) tới các nước đang phát triển.
- Hàn Quốc đã cam kết theo đuổi sự giao lưu văn hoá với các nước để đề cao sự hiểu biết và hữu nghị song phương và nhằm góp phần vào sự điều chỉnh và hợp tác mang tính toàn cầu. Hàn Quốc cũng tìm kiếm việc giới thiệu và quảng bá văn hoá và nghệ thuật truyền thống của mình ra nước ngoài và hỗ trợ các chương trình nghiên cứu Hàn Quốc ở nước ngoài cũng như là hàng loạt các hội thảo khoa học và các giao lưu thể thao. Quỹ Hàn Quốc (Korea Foundation: KF) được thành lập năm 1991 là nhằm mục đích như vậy. Nó là cơ quan điều phối và xây dựng các chương trình giao lưu văn hoá và thể thao quốc tế.

IV. Hàn Quốc với khu vực Đông Bắc Á:
Quan điểm ngoại giao kinh tế nội vùng Đông Bắc Á của các nhà Lãnh đạo Hàn Quốc:
- Quan điểm của người Hàn Quốc cho rằng thời đại Đông Bắc Á đang tới trong một khung cảnh của thời hậu chiến tranh lạnh, sự toàn cầu hoá, tri thức và thông tin. Đông Bắc Á ngày nay đang đóng vai trò động lực cho nền kinh tế thế giới như là vốn, công nghệ, sản xuất,.v.v.
- Bán đảo Hàn nằm ở giữa khu vực Đông Bắc Á hiện vẫn bị bế tắc theo trật tự của kiểu chiến tranh lạnh. Cấu trúc xung đột mang tính lịch sử giữa Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Mỹ chưa hẳn nhìn thấy một sự chuyển tiếp sang một "hệ thống nhìn về phía trước" vì hoà bình và hợp tác.
- Chính quyền của cựu Tổng thống Roh Moo Hyun trước đây và nay là Tổng thống Lee Myung - bak (2009) đang tìm kiếm cách thức khởi xướng việc dẫn dắt khu vực Đông Bắc Á tới một kỷ nguyên Hoà bình và thịnh vượng. Điều căn bản cho Hàn Quốc là thiết lập một cấu trúc hoà bình trên bán đảo Hàn và xây dựng Hàn Quốc như là trái tim của Đông Bắc Á.
Với lý do đề cập trên, chính sách chính quyền Lee Myung - bak tập trung  vào sự tìm kiếm vai trò biến Hàn Quốc trở thành trung tâm kinh tế của vùng Đông Bắc Á bằng cách: (1)Theo đuổi sự hợp tác và trao đổi kinh tế hai miền; (2) thiết lập một hệ thống hợp tác kinh tế Đông Bắc Á và (3) xây dựng mạng lưới hạ tầng cho trung tâm kinh doanh và vận tải.
Chính phủ lên kế hoạch xây dựng một trung tâm vận tải khổng lồ ở Đông Bắc Á theo các bước sau:
1- Phát triển sân bay liên quốc gia Incheon như là một trung tâm hàng không khổng lồ ở Đông Bắc Á; trong khi đó biến các cảng biển Gwangyang và Busan thành các siêu cảng biển của khu vực.
2- Phát triển cảng hàng không quốc tế Incheon và cảng biển Incheon như là trung tâm vận tải của vùng Thủ đô Seoul.
3- Nối lại hai tuyến đường sắt và đường bộ hai miền và thiết lập mạng lưới vận tải nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia của Nga và tuyến đướng vận tải sắt xuyên Trung Quốc.
4- Xây dựng và hoà mạng một mạng lưới thông tin vận tải thống nhất nối liền với các cảng hàng không và cảng biển vào năm 2015.

T.S Phạm Quý Long
Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hàn Quốc đất nước con người; NXB Trung tâm thông tin hải ngoại Hàn Quốc, Seoul , 1993.
2. Fact About Korea; Korean Oversears Information Service; Seoul, 2003.
3. Nghĩa tình Việt Nam Hàn Quốc, NXB Văn hoá- Thông tin, Hà nội, 2002.
4. Dương Phú Hiệp-Ngô Xuân Bình: Hàn Quốc trước thềm thế kỷ XXI; NXB Thống kê, Hà nội, 1999.
5. Ngô Xuân Bình-Phạm Quý Long: Hàn Quốc trên đường phát triển;  NXB Thống kê, Hà nội, 2000.
6. Byung-Nak Song; Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy; NXB Thống kê, Hà nội, 2002 (Phạm Quý Long và các đồng nghiệp dịch)