Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

41. Cải cách thi cử


Ảnh minh họa
Cứ vào dịp hè, cả nước lại nóng hơn lên vì mùa thi lên cấp, thi tốt nghiệp THPT và đại học. Tiếp diễn trong nhiều năm qua, biết bao mồ hôi, nước mắt, giấy mực và tiền bạc đổ vào những tờ giấy thi. Phải thay đổi cách thi cử - vấn đề không hề mới, câu chuyện luôn được quan tâm và đã được nói đi nói lại nhiều lần nhưng tại sao mọi việc dường như vẫn giẫm chân tại chỗ?

Mới đây, Tờ AP của Mỹ đã đưa ra lời bình luận về nền giáo dục của Việt Nam khiến nhiều người phải suy nghĩ. AP cho rằng, tại quốc gia từng theo Nho giáo đề cao giáo dục và thi cử, các trường học ở mọi cấp đều đối mặt với tình trạng gian lận, hối lộ cũng như thiếu các chương trình tiêu chuẩn thế giới. Tờ báo này còn mạnh dạn nhận định, giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống quản lý tập trung kém hiệu quả và thiếu tư duy phê phán. Dù Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở quản lý kém chứ không do thiếu đầu tư. Hơn nữa, tác giả bài báo còn đề cập trực tiếp đến những vụ bê bối liên quan đến giáo dục, trong đó vụ việc gây xôn xao gần đây nhất là việc giám thị ở một trường THPT dân lập tại tỉnh Bắc Giang ném đáp án cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp vừa qua…
Nhìn về ngày xưa…
Chế độ thi cử thời phong kiến chủ yếu là lo việc thi cử để tuyển chọn người ra làm quan các cấp và cũng để khảo hạch việc dạy và học trong dân. Vì vậy, việc thi cử được nhà vua quan tâm đến dự, các quan vừa có tài vừa có tâm đảm trách, để tuyển chọn những người hiền tài phục vụ đất nước. Nước ta bắt đầu có thi Nho học từ năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông và chấm dứt thi Nho học vào năm 1919 đời vua Khải Định nhà Nguyễn. Trong 845 năm đó, đã có nhiều hình thức thi cử, khoa thi khác nhau, ở mỗi triều đại lại có những đặc điểm khác nhau, song có một đặc điểm chung là các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi.
Theo sách của Phan Huy Chú viết về thi Đình thời nhà Nguyễn, sau khi làm lễ khai mạc xong, vua về cung, các quan cũng ra về chỉ để lại hai ông quan võ canh giữ trường thi. Họ là quan to nhưng là quan võ, không đủ chữ nghĩa để "gà bài" cho các thí sinh. Trong “Lều chõng ”, Chu Thiên cũng tả về kỳ thi ở điện Thái Hoà. Trên điện đã có sẵn chiếu, khi Vua cho phép "khai độc chế sách" các thí sinh mới cầm đầu bài mở xem. Khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn (1807) đã cấm thí sinh không được mang sách vào trường, không được rời khỏi lều. Nếu mượn người làm bài, hay làm bài thay người khác đều bị tội đồ, trước năm 1826 tội này chỉ bị đóng gông, đánh rồi đuổi ra, nhưng từ 1831 ai phạm tội sẽ bị gông một tháng, mãn hạn đánh 100 trượng rồi mới tha.
Thi cử thời xưa rất nghiêm túc. Đối với các vị quan đảm trách việc thi cử, nếu xảy ra sai phạm, tùy theo vụ việc mà trị tội, có thể cách hết chức tước và bị đi đày. Sau này, nếu những người đỗ Cử nhân, Tú tài, Giám sinh nếu phát hiện thi cử gian dối, đều bị xoá tên trong sổ Danh sắc. Ngẫm lại chuyện thi cử ngày xưa, hẳn chúng ta vẫn còn thu được rất nhiều bài học quý trong việc đào tạo nhân tài cho thời hiện đại…
Thi cử bây giờ
Ở thời điểm hiện tại, hàng triệu thí sinh và phụ huynh vẫn chưa bước chân qua kỳ thi sinh tử - kỳ thi vào các trường ĐH năm 2012. Ngay trước đó, chính các em cũng đã phải trải qua một kỳ thi quốc gia không kém phần quan trọng - thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù bản thân các thí sinh và gia đình các em thở phào nhẹ nhõm bởi đã vượt qua kỳ thi một cách suôn sẻ nhưng một câu hỏi vẫn được đặt ra: Liệu có cần thiết phải có cả hai kỳ thi quốc gia tổ chức liền nhau, cùng gây tốn kém cả về sức lực, tiền bạc cũng như thời gian như vậy không?
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, cả nước có gần 1 triệu thí sinh tham dự, trong số đó có 856.271 thí sinh giáo dục THPT và 107.300 thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX), với 40.620 phòng thi tại 2.307 hội đồng coi thi; có tổng số 124.135 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi và 27.472 cán bộ chấm thi. Trong cả năm, có lẽ đây là kỳ thi mà số lượng học sinh dự thi tập trung đông nhất và đương nhiên, tiền của, vật chất đổ vào kỳ thi này không nhỏ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tốn kém ít nhất hơn 14,7 tỷ đồng.                       
Mới đây, nhiều địa phương lại hồ hỏi công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2012 với những con số cao chót vót. Có lẽ, việc gần như 100% địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp THPT từ 95% đến 99,9% lại không phải là tin quá mừng. Theo GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì bệnh thành tích đã “thâm căn cố đế” từ xã hội vào nhà trường, người lớn đến trẻ em. Từng nghiên cứu về con số của xã hội học giáo dục, ông cho biết: “Cần phải tính toán từ con số trung bình của xã hội học giáo dục để điều khiển những con số ở lớp cuối cấp trong bậc trung học, chứ không thể như tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2007 là gần 6,3%, đến năm 2011 lên 99%”.
Hơn nữa, một câu hỏi khác cũng đã được dư luận quan tâm từ lâu: Có nên tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH tốn kém trong khi đã có một kỳ thi tốt nghiệp THPT ở cấp quốc gia? Không phải là chưa có câu trả lời, vì Bộ GD&ĐT đã đề ra kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH vào năm 2010. Nhưng lý do khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện là thi tuyển sinh ĐH là một chủ trương lớn, cần có thời gian để đạt sự đồng thuận cao của xã hội. Ngoài ra, bản thân Bộ cũng cần thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi nói trên.
Tại cái vòng luẩn quẩn
Có thể nói, việc cải cách thi cử ở nước ta đã được đặt ra từ hơn 20 năm. Lúc ấy, khoảng đầu thập niên 1990, người ta rất nói nhiều đến việc cải cách tuyển sinh, rồi áp dụng hình thức thi trắc nghiệm như một hình thức thi cử tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm, chính xác, khoa học. Đến nay, công cuộc cải cách này đã đi qua một chặng đường dài với những hình thức thi mới mẻ hơn. Mặc dù, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã có những hướng cải cách trong thi cử như ra đề sát với trình độ học sinh, đề thi mang tính gợi mở… nhưng tiêu cực trong chấm thi và trông thi vẫn còn đó. Đây cũng chính là lý do một số người đồng tình với quan điểm nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tuyển sinh ĐH.
Tuy nhiên, cách làm hiện nay của Bộ GD-ĐT vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao của xã hội. Mặc dù vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về kỳ thi tuyển sinh nhưng hầu như mọi người đều đồng ý là việc tổ chức hai kỳ thi quốc gia liền nhau như hiện nay vừa trùng lắp không cần thiết, vừa quá tốn kém. Như vậy, liệu có phải việc cải cách thi cử ở nước ta đã đi một vòng để trở về đúng chỗ cũ?
Trên thực tế, mọi việc không hẳn là vậy. Những nỗ lực cải cách của ngành giáo dục trong những năm qua chắc chắn cũng phải có những tác dụng của nó. Nói như TS Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM thì: “Chính những kinh nghiệm - cả tốt lẫn xấu - cũng như rất nhiều tranh luận nên xã hội đã hiểu rõ hơn về yêu cầu của các kỳ thi khác nhau, cũng như vai trò của thi cử tại Việt Nam như một phần của nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ có điều, những cải thiện đang diễn ra quá chậm chạp, trong khi đòi hỏi của thực tế vô cùng ráo riết. Giờ đây, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhanh chóng áp dụng những giải pháp đã được đề ra trong đề án cải cách tuyển sinh với những lộ trình và bước đi cụ thể đã được xây dựng sẵn”.
“Cải” theo hướng nào?
Một số quốc gia như Australia, Slovenia, Ireland...và rất nhiều nước khác đã sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và học tập các năm để xét tuyển vào cao đẳng, đại học. Bên cạnh việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, thì cũng có kỳ thi ở những trường đại học với những yêu cầu đào tạo chuyên biệt như y dược, luật, âm nhạc, thể thao... như ở Canada. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất không phải ở chỗ chọn mô hình tổ chức nào: thi chung - xét riêng hay thi riêng - xét riêng. Cốt lõi của sự việc là mục tiêu đánh giá của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Thử lật lại đề án cải cách thi cử với mục tiêu chỉ còn một kỳ thi quốc gia vào năm 2010. Một là, chỉ giữ lại một kỳ thi quốc gia; kỳ thi đó sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh sẽ dự thi tám môn trong chương trình học và đa số các môn thi sẽ áp dụng hình thức trắc nghiệm. Vì đây là kỳ thi tốt nghiệp nên yêu cầu của kỳ thi cần vừa sức, nghĩa là thí sinh chỉ cần đạt mức trung bình thì đã có thể đậu, mặc dù để đạt điểm cao vẫn sẽ không dễ dàng. Hai là, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ là một yếu tố quan trọng để xét tuyển vào ĐH nhưng không bắt buộc phải là yếu tố duy nhất. Nếu thực hiện đúng như trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có vai trò tương tự với kỳ thi tú tài trước năm 1975 (kết quả thi tú tài thời ấy được phân thành năm hạng: tối ưu, ưu, bình, bình thứ, thứ). Tuy nhiên, đề án này khi đưa ra lấy ý kiến góp ý đã vấp phải một số ý kiến không đồng thuận. Một tiền đề quan trọng để thực hiện cải cách tuyển sinh đã được đặt ra, đó là: Chỉ bỏ thi ĐH sau khi đã tổ chức được kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc và đúng thực chất.
Một điều cũng cần lưu ý khác trong đổi mới là giao chỉ tiêu tuyển sinh để tránh hiện tượng các trường dân lập và thậm chí cả công lập chạy theo chỉ tiêu vì gắn liền với thu nhập. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhiều chuyên gia giáo dục, việc giảm tải các kỳ thi chỉ là thời gian.
Chuyện không của riêng Việt Nam
Đó là sự kiện năm 2005 khi Bộ Giáo dục Ba Lan cho tiến hành cải cách kì thi tốt nghiệp THPT được gọi là matura với quyết định xóa bỏ hoàn toàn phương thức thi cũ. Kì thi matura mới được tổ chức khách quan và bảo đảm rằng sự quen biết của giáo viên và học sinh sẽ không còn là một nhân tố tác động. Bài thi được rọc phách và bất cứ sự gian lận nào sẽ bị xử phạt trượt tốt nghiệp và phải đợi kì thi một năm sau đó.
Dưới hệ thống cũ, để lấy tấm bằng matura, học sinh phải vượt qua các môn thi vấn đáp và viết tiếng Ba Lan và một môn khác, và có thể thêm một môn thi bằng vấn đáp khác. Giờ đây, học sinh phải vượt qua môn tiếng Ba Lan, một ngoại ngữ và một môn khác mà học sinh lựa chọn. Những học sinh tham vọng hơn có thể lựa chọn thêm 2 môn thay vì một môn. Tuy nhiên, giống như bất cứ cải cách nào, kì thi mới là tiêu điểm cho những chỉ trích và cảnh báo về gian lận trong thi cử mới. Phải chăng, việc cải cách thi cử ở Việt Nam cũng sợ sẽ phải đối mặt với những hệ lụy như vậy?
Chìa khóa vẫn trong tay Bộ GD-ĐT
Ngay từ năm 2007, ngành giáo dục Việt Nam đã chịu “đau” để thực hiện một kỳ thi tốt nghiệp theo hướng thực chất và chấp nhận một tỉ lệ tốt nghiệp khá thấp. Tiếc thay, vì sức ép của dư luận, chúng ta đã vội vã thay đổi mỗi khi có ý kiến trái chiều, khiến cho việc tổ chức kỳ thi không năm nào hoàn toàn giống với năm nào. Để giờ đây, dư luận lại có quyền nghi ngờ chất lượng của kỳ thi, khi tỉ lệ thi tốt nghiệp năm 2011 đã tương đương với mức trước cải cách.
Năm nay, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định. Dù cho các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật có được giao chủ động đề xuất phương án tuyển sinh, nhưng về cơ bản vẫn có những thay đổi lớn. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM thì vấn đề tuyển sinh ĐH-CĐ rất nhạy cảm vì nó không chỉ là chuyện của các trường mà còn là một vấn đề xã hội. Khó khăn của giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng hiện nay chính là hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT còn quá thấp. Phần lớn học sinh sau THPT đều sẽ dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% số lượng thí sinh dự thi, tạo một áp lực rất lớn cho kỳ thi này.
Trong khi xã hội đang có rất nhiều ý kiến trái chiều, mới đây Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lại khẳng định: “Ít nhất đến năm 2015 vẫn có thi tốt nghiệp. Sau năm 2015, khi thực hiện thay đổi sách giáo khoa, đổi mới giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nhiều thay đổi, hình thức thi để cân nhắc xem có nên giữ hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Đổi mới thi cử phải đồng bộ với đổi mới phương pháp đánh giá dạy và học có kết hợp kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra cuối năm học... nên chưa thể nói ngay về vấn đề này được. Đổi mới thi còn đang trong quá trình xem xét đề xuất".
VŨ BÌNH-
 http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/7/99659FD7789C264B/


Kinh nghiệm từ tuyển sinh đại học Mỹ
Sau nhiều thay đổi và cải cách, tuyển sinh vào các trường đại học tại Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên hình thức thi tuyển. Bất cập thường thấy của quy trình này là cánh cửa đầu vào hẹp, nhưng chất lượng đào tạo còn thấp. Trong khi đó, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, cánh cửa vào Đại học rộng mở và không quá cạnh tranh, nhưng chất lượng đầu ra vẫn đảm bảo, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Lấy ví dụ từ nền giáo dục đại học tại Mỹ. Tuyển sinh đại học ở Mỹ là một quá trình phi tập trung hóa. Mỗi trường đại học có những chiến lược và tiêu chuẩn xét chọn khác nhau, nhưng phần lớn đều dựa trên kỳ thi chuẩn gọi là SAT (Scholastic Aptitude Test) hoặc American College Test (ACT). Kỳ thi này do Hội đồng Đại học (College Board), một cơ quan độc lập với mọi trường đại học, tổ chức nhiều lần trong năm cho bất kỳ ai muốn dự thi.
Bài thi SAT 1 gồm 2 phần: Ngôn ngữ và Toán. Phần thi ngôn ngữ không chỉ nhằm kiểm tra kỹ năng đọc và vốn từ vựng của thí sinh mà nhằm xác định xem sau khi đọc một đoạn văn, thí sinh hiểu được những gì tác giả nói và rút ra được những kết luận hợp lý căn cứ trên bài đọc hay không. Phần thi toán không phải là kiểm tra trình độ toán học mà là khả năng của thí sinh trong việc sử dụng những kiến thức toán học sẵn có để suy ra lời giải cho bài toán. Chính vì vậy, bất cứ đại học nào, bất cứ chuyên ngành đào tạo nào cũng có thể xem xét kết quả thi SAT 1 như một thông số cơ bản nhằm đánh giá khả năng ngôn ngữ và suy luận định lượng của thí sinh, những phẩm chất tư duy cần để tiếp thu kiến thức và tiến tới sáng tạo trong bất cứ lĩnh vực nào.
Bài thi SAT 2 gồm nhiều môn, thí sinh có thể tự chọn một hoặc nhiều môn để thi: Toán, Lý, Hóa, và Văn viết (Writing). Khác với SAT 1, bài thi SAT 2 chú trọng nhiều hơn đến kiến thức, nhằm kiểm tra những kiến thức cơ bản mà thí sinh nắm được trong một lĩnh vực cụ thể, điều được coi là một tiền đề để tiếp thu những kiến thức cao hơn ở bậc đại học.
Điểm khác biệt cơ bản giữa đề thi SAT và đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam là đề thi tuyển sinh đại học Việt Nam nhằm kiểm tra khối lượng kiến thức mà thí sinh đã tích lũy được, trong lúc đề thi SAT nhằm kiểm tra khả năng tiếp nhận kiến thức của thí sinh, hay nói cách khác, kiểm tra khả năng suy luận hợp lý. Tuy đề thi chỉ dựa trên những kiến thức cơ bản của bậc trung học nhưng để đạt được điểm tối đa là rất khó. Mặt khác, đề thi đã được thiết kế rất chuyên nghiệp để trở thành một thứ thước đo đáng tin cậy.
Tuyển sinh đại học Mỹ hoàn toàn không chỉ là vấn đề “thi vào đại học”, điểm SAT cao không phải là yếu tố duy nhất. Ngoài điểm thi SAT, các trường đại học Mỹ còn yêu cầu thí sinh viết một hai bài tự luận về một chủ đề cho trước, và một hoặc vài thư giới thiệu của thầy cô giáo; có những trường còn yêu cầu cả thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng hoặc bạn đồng môn. Sau khi xét vòng sơ tuyển dựa vào bảng điểm, bài viết và thư giới thiệu, nhiều trường, nhất là những trường danh tiếng còn phỏng vấn trực tiếp từng thí sinh. Thông qua bài luận, thư giới thiệu và phỏng vấn, trường có thể hình dung được một cách đầy đủ nhất về những phẩm chất và năng lực tinh thần của từng thí sinh, qua đó có thể đánh giá được liệu thí sinh đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích, và phương pháp đào tạo của mình hay không, liệu thí sinh đó có thể tận dụng được tất cả những cơ hội giáo dục của nhà trường để phát huy năng lực của mình theo mục tiêu của nhà trường hay không.
Thiết nghĩ, để có chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì trước tiên đầu vào cũng cần tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế. Một hệ thống giáo dục được áp dụng theo quy chuẩn quốc tế chắc chắn góp phần ngăn chặn tình trạng chảy máu chát xám. Khi đó, người dân Việt Nam được thực sự yên tâm học tập và làm việc tại nước mình thay vì tốn kém chi phí cho việc học tập tại nước ngoài.
Phạm Ly



Thế nào là một hệ thống thi cử tốt?
Chữ “tốt” ở đây hiểu là tốt chung cho xã hội, theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội, chứ không chỉ tốt riêng cho một nhóm người nào đó. Một hệ thống thi cử tạo ra các bằng cấp rởm thì “tốt” cho nhóm người mua bán bằng cấp rởm, nhưng tồi cho xã hội, bởi vì người bằng cấp rởm sẽ chiếm những vị trí cần trình độ thật và phá hoại xã hội.
Nói một cách lý tưởng, một hệ thống thi cử tốt là một hệ thống có được 10 tính chất cơ bản sau: đúng mục đích (fitness of purpose), ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học (beneficial effects on teaching and learning practices), công bằng (equity), trung thực (integrity), minh bạch (transparency), khách quan (objectivity), ít sai phạm (error-proof), có hiệu suất chi phí cao (cost-effectiveness), hiệu quả (efficiency), và linh hoạt (flexibility).
Tất nhiên, các tính chất này không độc lập với nhau, mà có ảnh hưởng qua lại với nhau và với toàn bộ hệ thống giáo dục nói chung. Để có được 10 tính chất cơ bản này, các hệ thống thi cử cần có được nhiều yếu tố thuận lợi, ví dụ như là được nâng cấp thường xuyên, sử dụng công nghệ hiện đại, có được những người có trình độ và tư cách phụ trách, có được tính độc lập nhất định và không bị thao túng.
P.B (Theo NTZung)



Ý kiến
Áp lực thi cử tại nước ta quá nặng nề. Tôi đã nhiều lần nói với Cục Khảo thí và Vụ THPT là hành lang pháp lý có rồi, những người làm chương trình đã chỉ rõ tư tưởng, tại sao các anh không ra đề mới, nhưng họ vẫn không dám. Chuyện thi cử mà không đổi mới còn kéo theo đủ hệ lụy khôi hài. GS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Việc tiêu cực trong thi cử là một chuyện có thực trong xã hội và chúng ta đang phấn đấu để có được một kỳ thi khách quan, nghiêm túc hơn. Hiện nay, vấn đề thi cử vẫn còn tiêu cực trong cả nước chắc chắn đánh giá, kiểm định chất lượng sẽ không chuẩn được. Nói rằng kỳ thi này làm thước đo chuẩn kiến thức của học sinh phổ thông cũng không chuẩn. Thực tế, các nước có nền giáo dục phát triển, họ không quan tâm đến chất lượng đầu vào mà chủ yếu là chất lượng đầu ra. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội
Tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nó không cần thiết, học sinh đã học đủ 12 năm, sau khi học xong thì nên cấp cho các em chứng nhận đã học xong chương trình phổ thông và đủ điều kiện để thi vào đại học nếu các em muốn. Hoặc có thể nhập hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học thành một kỳ thi sao cho hợp lý, tiết kiệm. Bùi Thu Cúc, GV Trường THPT Phan Huy Chú- Hà Nội
Theo tôi thì trong lúc này chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được khi chúng ta chưa có một phương án nào khả dĩ hơn để đánh giá, kiểm định chất lượng học sinh. Nhưng chúng ta cần thay đổi cách tổ chức thi, không tổ chức một kỳ thi toàn quốc tốn kém, rầm rộ như thế này nữa. GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội
Với chất lượng giáo dục hiện nay mà tỉ lệ tốt nghiệp THPT gần 100% thì phải xem lại. Những năm qua, giáo dục có điều gì đột phá để tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên đến mấy chục phần trăm từ năm 2007 đến nay. Bên cạnh việc cải tiến thi cử cho gọn nhẹ, cần có một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập ngoài ngành giáo dục để đánh giá thường xuyên về chất lượng dạy và học chứ không nên để “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay. Vũ Lạng, Nhà giáo