Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

59. Trung Quốc: Con người và kế hoạch

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Sáu, ngày 2/11/2012
Tạp chí Der Spiegel (Đức) – s 27/2012
Trung Quốc là một nhà nưc chuyên chế, nhưng việc sử dụng các chuyên gia và tiến hành những thử nghiệm đã giúp cơ chế quyền lực bt cứng nhắc.
Khi Duan Tingzhi nằm mơ, ông thấy một tương lai tràn ngập đài phun nuớc. Ông mơ thấy nước bắn vào không khí trong khắp thành phố mới của mình, trước sự vui mừng của người dân. Theo báo chí, trong tương lai sẽ có một nghìn đài phun nước ở “Lan Châu New Area”, khu vực phía Bắc thành phố cổ Lan Châu.
Giờ đây Duan chỉ nhìn thấy cừu. Những con cừu với bộ lông bẩn, xám xịt như bầu trời phía trên chúng. Chúng chạy dọc theo những con đường nhiều làn mới rải nhựa của Duan và gây phiền nhiễu. Chúng nhắc nhở Duan, người hiện giờ đang làm việc cho Sở Xây dựng, rằng những cầu cảng container, những sân vận động bóng đá, hồ và cả tương lai miền Tây Bắc Trung Quốc vẫn còn xa vời, và tương lai này còn tạo cho ông bao nhiêu việc cần làm. Duan giờ ngủ lại trong khu New Area cả tuần, ông không còn có thời gian cho gia đình mình hay cho các nhà báo.
Hiếm có người quan tâm đến Cam Túc, một tỉnh nghèo với những ngọn núi và sa mạc. Duan vươn người qua bàn hội thảo và nói, như thể ông muốn ra lệnh cho tương lai tới nơi đây. Ông nói nơi đây có những tiềm năng rất lớn, bàn tay ông chém vào không khí để nhấn mạnh lý lẽ của mình. Tiềm năng thứ nhất là sân bay, đường sắt và đường cao tốc, tất cả đều đã có ở đây. Tiềm năng thứ hai là nguồn điện không giới hạn. Tiềm năng thứ ba là nguồn khoáng sản như than đá, dầu mỏ, niken; và đương nhiên rất nhiều nhân công.
Giọng nói Duan trở nên dịu đi. Ông rất muốn thu hút các doanh nghiệp quốc tế tới đầu tư vào “Lan Châu New Area”, ông nói tiếp, giọng nhẹ nhàng: “Có thể cô giúp được chúng tôi thuyết phục hãng Siemehs đầu tư vào đây”. Người cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc ngồi cạnh anh gật đầu.
Sau đó Duan phải đi ngay, đó là một ngày trời xám xịt, gió thổi qua những tòa nhà xây thô. Vào năm 2015 sẽ có 300.000 người sống ở đây, đến năm 2020 sẽ có 600.000 người, sau đó sẽ là một triệu người.
Thế nhưng Duan chỉ là một nhà hoạch địch cấp thấp. Những nhà hoạch định cấp cao làm việc tại Bắc Kinh và có một trong số các công việc khó khăn nhất thế giới: lãnh đạo một dân tộc với 1,3 tỉ người. Dân số các tỉnh của Trung Quôc đông bằng dân số của cả một nước trên các châu lục khác, như dân số tỉnh Hồ Nam bằng dân số nước Pháp, tỉnh Hồ Bắc bằng Italia, tỉnh Tứ Xuyên bằng nước Đức. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu. Nếu dưới thời Mao Trạch Đông vẫn còn hàng triệu người chết đói, thì giờ đây Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Châu Âu, vốn đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công và khủng hoảng về ý nghĩa tồn tại, đang quan sát say sưa sức mạnh đang lên của châu Á và tự hỏi việc lãnh đạo ở những quốc gia này thực sự hoạt động như thế nào. Và một câu hỏi gây sốc được đặt ra, liệu một chính phủ không dân chủ có thế là một chính phủ tốt?
Đối với Trung Quốc, một chính phủ tốt được hiểu trước tiên là một chính phủ cố gắng đảm bảo được nhu cầu vật chất của người dân. Tại quốc gia này, cư dân các vùng duyên hải phía Đông là nhũng người đầu tiên có thể vui mừng trước sự phồn vinh ngày càng tăng nhanh. Trong thời kì của mình, nhà cải cách Đặng Tiểu Bình cuối cùng đã cố tình quyết định phát triển khu vực duyên hải trước tiên. Những người thua thiệt trong chính sách của Đặng Tiểu Bình là ở vùng nông thôn và ở phía Tây quốc gia này.
Và giờ đây, khi người dân Thượng Hải đang chăm chú theo dõi nhiệt độ nào là phù hợp cho rượu vang qua phim quảng cáo trên các màn hình ở ghế ngồi trong xe taxi, thì những người nông dân ở phía Tây phải sống trong các hang động, vì họ không đủ tiền xây một căn nhà gạch. Câu trả lời của Chính phủ Trung Quốc cho tình trạng này là dự án “Xây dựng miền Tây” hoặc như ở Bắc Kinh người ta gọi là “Chiến lược phát triển miền Tây”.
Việc chính phủ trung ương coi trọng chính sách này như thế nào, được thể hiện qua việc họ chỉ định một nhóm chỉ huy, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, và thậm chí thành lập cả một cơ quan riêng, để điều hành dự án này. Quyết định về chiến lược mới được thông qua vào năm 1999, dưới thời Chủ tịch nước lúc đó là Giang Trạch Dân. Ngay cả khi Giang Trạch Dân có thể suy nghĩ lại về đóng góp của mình trong các sách lịch sử, điểm mạnh của chính sách “Tiến về miền Tây” của Trung Quốc nằm ở chỗ: một khi cái gì được coi là vấn đề quốc gia, được xác định là nỗ lực quốc gia, sẽ được giải quyết liên tục và lâu dài. Một chính phủ không được cử tri bầu sẽ không phải quan tâm đến nhóm bầu cử và thời gian bầu cử, đó là ưu điểm của một hệ thống chuyên chế.
Bà Li Yingming tiếp đón chúng tôi trong một khối nhà bằng đá xám tại Bắc Kinh. Bà là Vụ phó Vụ Phát triển miền Tây thuộc ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC). Li cảm thấy hài lòng, ở mức độ mà người ta hiện nay có thể, trong năm thứ hai của kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc.
10.000 km đường sắt và đường cao tốc đã được xây dựng, trong đó có cả tuyến đường sắt gây tranh cãi tới Lhasa tiêu tổn tới 3,3 tỉ euro; ngoài ra còn có các nhà máy thủy điện, sân bay, đường ống dẫn khí, hệ thống cáp sợi thủy tinh. Li nói: “Thành tựu mà chúng tôi đạt được trong lĩnh vực này 10 năm gần đây còn lớn hơn tiến bộ đã đạt được trong 50 năm qua”.
Vậy khi nào người Trung Quốc ở phía Đông và phía Tây sẽ có chất lượng sống ngang nhau?
Li nói và mỉm cười: “Đó là một chặng đường dài”. Những thành phố không phải là điều mà bà quan tâm. Trung Quốc hiện nay cũng có cả “Chỉ số Starbucks”, nó cho thấy nơi nào có thể tìm thấy tầng lớp trung lưu ưa chuộng hàng hiệu. Thật ra khu vực Lan Châu hẻo lánh không có quán cà phê Starbucks nào, trong khi ở Thượng Hải có tới gần 150. Nhưng Li lại quan tâm tới những người nông dân và tỉ lệ mù chữ. Tỉ lệ mù chữ ở tỉnh Cam Túc trong vòng 10 năm đã giảm từ 14,3% xuống còn 8,7% trong năm 2010. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn ở mức cao nếu so với tỉnh miền Nam Quảng Đông, nơi tỉ lệ mù chữ chỉ gần 2%.
Li nói: “Các nhân tài đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của Trung Quốc”. Sau đó bà kể tiếp cách những nhân tài này xây dựng trường học, đóng các giường ngủ; cách hàng trăm chương trình hợp tác đã kết nối các khu vực của đất nước. Các trường đại học ở vùng duyên hải phía Đông trợ giúp cho các trường đại học ở phía Tây, các tỉnh phía Đông kết nghĩa với các tỉnh phía Tây. Ngoài ra, bà Li còn kể rằng mỗi năm có hơn 10.000 cử nhân đại học tình nguyện đến miền Tây dạy học, ví dụ như dạy tiếng Anh. Đương nhiên việc này đem lại lợi ích cho những người trẻ muốn thăng tiến trong các cơ quan nhà nước sau này, và một phần trong số các vị trí được thèm muốn nhất đã được dành sẵn cho họ. Nhưng bà Li cho rằng: “Những cử nhân này có tinh thần tình nguyện rất cao. Họ muốn được đóng góp cho xã hội”.
Cuối cuộc gặp, khi chúng tôi đi qua tiền sảnh, bà nói tiếp: “Nhà lãnh đạo của chúng tôi đã nói với chúng tôi rằng, đây là một dự án trăm năm”. Và bà vội vã đi ngang qua chiếc bình sứ Trung Hoa cao cả mét để tới cuộc hẹn tiếp theo. Thời gian tiếp tục trôi.
Ngay cả Duan, viên chức ở miền Tây, cũng đang rất vội vã. Duan xây nhà, và ông làm thế vì đó là điều ông có thể làm. Thành phố Lan Châu không phải là Stuttgart, những người theo trường phái thực dụng ở Trung Quốc không phải lo lắng liệu những kế hoạch của họ có ảnh hưởng tới những loài vật đang gặp nguy hiểm như loài bọ cánh cứng không.
Đất đai dù gì cũng thuộc về nhà nước và những người lao động nhập cư đang xây dựng tại thành phố này rất chăm chỉ và vui vẻ khi kiếm được 2500 Nhân dân tệ (NTD), vào khoảng 300 euro/tháng. Người dân đang sống tại đó giờ có thể tái định cư. Một cuốn sách mỏng của chính phủ đã thể hiện rõ người dân nên cảm thấy như thế nào về toàn bộ dự án: “Dự án xây dựng Lan Châu New Area là một giải pháp tuyệt vời, do chính quyền thành phố và Đảng ủy đưa ra, nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển miền Tây”. Quyển sách này cũng liệt kê chi tiết, giá trị các khoản bồi thường mà nhà nước chi trả và ai có quyền nhận những khoản này, ví dụ một giếng nước bằng bêtông sẽ được trả 4000 NDT, tức khoảng 500 euro; một ngôi mộ sẽ được trả 700 NDT cho mỗi quan tài.
Thật ra ở Lan Châu có những người nông dân ủng hộ dự án New Area, ngay cả khi họ biết tại vị trí ngôi nhà của họ sau này sẽ là một hồ nước. Những người nông dân này hy vọng có thể làm nghề lái xe cho các doanh nhân trong thành phố mới. Nhưng cũng có những người như nam sinh viên ngành y này, muốn sau này sẽ chuyển đến Bắc Kinh, nơi những người giỏi nhất làm việc. Anh nói giấc mơ lớn nhất của đời anh là được sở hữu một chiếc xe hơi Lamborghini.
Chính phủ làm tất cả mọi thứ cho họ, muốn chào mời họ một chất lượng cuộc sống mới. Người sinh viên ấy nên ở lại, việc những nhân tài rời bỏ quê hương là một trong số những vấn đề lớn của thành phổ Lan Châu. Những người nông dân nên mang trong mình hi vọng chứ không phải cơn thịnh nộ. Và đương nhiên thị trưởng và bí thư đảng ủy của thành phố này cũng nghĩ tới cả sự nghiệp của mình. Tăng trưởng kinh tế vẫn luôn là thước đo thành công cho các chính trị gia địa phương.
Trong khi đó, thành phố này đang phát triển nhanh chóng, với dân số hiện nay là 3,6 triệu người. Tuy nhiên Lan Châu, nằm kẹp giữa những ngọn núi, cách đây 14 năm còn được coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, không thể mở rộng ra thêm nữa. Các quan chức thành phố thậm chí đã suy nghĩ về việc san phẳng các đỉnh núi, nhưng thay vào đó họ lại chọn vùng đất bằng phẳng mới xây nằm ngoài sân bay.
Ở Lan Châu cũng có những người thích đầu tư tiền vào thành phố cũ hơn, nhưng họ không muốn tên mình được in lên báo. Sự hiệu quả của Trung Quốc, vốn được nhiều người ở phương Tây khen ngợi, luôn có cái giá của nó: sự im lặng của những người chỉ trích. Chính phủ xác định điều gì là tốt, và khi một thứ được coi là tốt cho tất cả thì cá nhân riêng lẻ sẽ phải tuân theo.
Tuy nhiên, “Lan Châu New Area” chỉ là một mảnh nhỏ trong bức tranh ghép hình. Với chương trình phát triển miền Tây của mình, Bắc Kinh còn muốn nhiều hơn thế. Trước tiên, Bắc Kinh muốn đưa khu vực phía Tây theo kịp với phần còn lại của đất nước. Điều này tạo nên sự ổn định, mà “ổn định” là từ được các nhà lãnh đạo chuyên chế của Trung Quốc ưa thích. Ngoài ra, người ta cũng đưa chiến lược “Tiến về miền Tây” vào kế hoạch 5 năm.
Kế hoạch 5 năm là một công cụ chính trị chuyên chế, mà riêng việc soạn thảo nó thôi cũng mất tới hơn hai năm. Trước tiên, một nhóm nhỏ các nhà hoạch định trong một nhóm lớn các nhà hoạch định, nói chính xác hơn là Vụ Kế hoạch chiến lược thuộc ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (NDRC), sẽ phát triển những kiến nghị đầu tiên, đương nhiên dưới sự chỉ đạo của ủy ban Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
Sau đó, chính quyền các thành phố và các tỉnh cũng đưa ra các kiến nghị của mình, cũng như các Bộ và các chuyên gia đến từ các trường đại học và viện chiến lược. Rất nhiều bản thảo được thẩm định, được sửa đổi cho phù hợp và được ủy ban Trung ương Đảng đánh giá, cho đến khi một kế hoạch được đưa ra và đạt được sự nhất trí. Một hiệu ứng phụ có lợi là việc soạn thảo kế hoạch này đã kết nối các cơ quan trong bộ máy hành chính khổng lồ của Trung Quốc. Ngoài ra, một nguyên tắc chung được áp dụng như ở bất cứ nơi nào trong đời sống chính trị Trung Quốc, nơi các dự thảo liên tục được xem xét và các buổi hội thảo không bao giờ chấm dứt: sự đồng thuận đi cùng với trách nhiệm, và ai đồng ý với dự thảo thì sau này phải chịu trách nhiệm về nó.
Trong năm thứ 3 của kế hoạch 5 năm đang diễn ra sẽ có đánh giá giữa kì về kế hoạch đó. Trong lần đánh giá gần đây nhất, NDRC thậm chí còn hỏi ý kiến Ngân hàng Thế giới và cơ quan này đã công bố báo cáo của riêng họ về việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 11 vào năm 2008. Và vào năm thứ 4 của kế hoạch, quá trình chuẩn bị cho kế hoạch tiếp theo lại bắt đầu.
Đương nhiên những kế hoạch 5 năm của Trung Quốc đã có nhiều thay đổi kể từ kế hoạch đầu tiên vào năm 1953. Trong khi trước đây, các lãnh đạo Trung Quốc làm theo các kế hoạch 5 năm của Liên Xô, thì hiện nay họ muốn điều tiết nền kinh tế dựa theo những nguyên tắc cơ bản của thị trường, chứ không thay thế hẳn vai trò của thị trường. Ngay cả tên gọi cũng có sự thay đổi: các quan chức Trung Quốc gọi đó là chương trình, nhưng việc lập kế hoạch vẫn luôn diễn ra.
Các kế hoạch 5 năm có động lực của riêng nó, vì thời điểm bắt đầu một kế hoạch mới theo quy định sẽ không trùng với thời điểm thay đổi bộ máy lãnh đạo. Như vậy, nhà lãnh đạo mới thường sẽ tiếp tục giữ nguyên kế hoạch đang diễn ra cùng với những mục tiêu của nó và không thể tiến hành một sự thay đổi chính sách triệt để. Điều này có thể khiến những nhà lãnh đạo theo đường lối cá nhân bực tức, vì việc tiếp tục thực hiện theo kế hoạch cũ sẽ khiến họ khó tạo được danh tiếng cho mình. Nhưng quy định này tạo nên tính liên tục trong bức tranh toàn cảnh chính trị. Kế hoạch sẽ giúp kiềm chế quyền lực.
Ding Wenguang mơ được trở thành một phần của kế hoạch 5 năm của chính quyền trung ương. Ding năm nay 48 tuổi, vóc người nhỏ thó, khôn ngoan. Ding biết sự tham gia, một trong những yếu tố quan trọng trong việc điều hành tốt một chính phủ, có vẻ ngoài như thế nào ở Trung Quốc, khi người ta có sự kiên nhẫn. Và ông cũng biết Bắc Kinh mới đây đang cố gắng kết hợp hai cách thức lãnh đạo: từ trên xuống duới và từ dưới lên trên.
Ding cũng muốn chống lại sự đói nghèo ở khu vực phía Tây, nhưng không chỉ với các khoản đầu tư, mà còn bằng ý tưởng, ông là lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ và là giảng viên tại Đại học Lan Châu. Khi Ding đến ngôi làng Qingshuiling vào năm 2003, ông đã chứng kiến một cái vòng luẩn quẩn: nông dân chặt cây để sưởi ấm, nấu nướng và bán gỗ. Hậu quả là xói mòn và sạt lở đất. Thiên nhiên càng trừng phạt con người thường xuyên hơn, thì con người càng nghèo hơn.
Ding muốn tạo ra “một vòng quay tốt”. Theo đó, nông dân sẽ chăn nuôi bò, vì thế họ sẽ phải trồng cỏ và phân bò có thể được chuyển đổi thành khí sinh học. Ban đầu, một tổ chức cứu trợ tài trợ bò cho những người nghèo nhất làng. Những người này sẽ phải chuyển những con bê cho những người nghèo thứ hai trong làng và thế hệ tiếp theo của những con bê này sẽ được chuyển cho những gia đình nghèo thứ ba trong số những hộ nghèo. Kết quả là nông dân giờ được sống trong những ngôi nhà gạch, họ có nhiều máy kéo, xe gắn máy và điện thoại di động hơn, và tất cả mọi người đều có tivi màu.
Nhưng liệu Ding làm cách nào để thuyết phục chính phủ cho áp dụng mô hình của ông trên quy mô lớn? Ông có thể giải thích như thế nào với chính phủ, rằng người ta phải quan tâm đến mọi mặt của vấn đề, kể cả phân bò và quản lý thảm họa. Ding bắt đầu công việc vận động hành lang.
Ai muốn thực hiện nguyện vọng của Ding, người đó trước hết cần sự tin tưởng. Nhưng một vị trí nhất định trong xã hội là rất cần thiết để xây dựng lòng tin. Ding nói: “Tôi là một giáo sư. Nếu tôi chẳng là ai, các quan chức sẽ không lắng nghe tôi nói”. Mọi chuyện càng trở nên dễ dàng nếu Ding có giải thưởng và một vị trí trong cơ quan nhà nước, ví dụ như là đại biểu một hội đồng nhân dân. Ông đã được mời đến dự hội thảo của chính quyền tỉnh, khi một trận sạt lở đất cướp đi sinh mạng của 1500 người ở tỉnh Cam Túc. Ding hiện giờ là chuyên gia tư vấn thường trực cho bộ Khoa học tại Bắc Kinh và thường viết các báo cáo đánh giá. Ngoài ra Ding cũng là đảng viên, ông nói điều này rất quan trọng ở Trung Quốc và bật cười.
Lúc đó, Ding trước hết cần tới một “người cộng tác” trong chính quyền địa phương. May mắn thay, ông có quen biết với một người trong chính quyền tỉnh, đó là cha vợ một trong số các sinh viên của ông. Người này đảm bảo với Ding rằng các quan chức địa phương sẽ quan tâm tới làng dự án của ông.
Một nhân tố khác cũng tham gia cuộc chơi, đó là “quan hệ” (guanxi), có nghĩa là mối quan hệ giữa một người xin và một người bảo trợ. Guanxi là một phần của văn hóa Trung Quốc và cả nền chính trị của Trung Quốc. Điều kiện để có được guanxi là có điểm chung nào đó với ai, ví dụ như học cùng trường phổ thông hoặc đại học hay cùng phục vụ trong một đơn vị quân đội.
Ding từng làm việc 4 năm trong chính quyền địa phương và phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo. Những đồng nghiệp cũ của ông đã giúp ông có được mối quan hệ với các cấp trên của họ. Việc Ding từng cùng các quan chức đi khắp châu Âu để luyện tập “kĩ thuật động não” (brainstorming) cũng rất hữu ích. Nhưng điều quan trọng nhất là Ding trong tương lai sẽ tham gia dự án nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc và do đó sẽ thường xuyên bay tới Bắc Kinh, ông nói: “Nếu bạn có guanxi, bạn sẽ mất ít thời gian vận động hành lang hơn”.
Tuy nhiên, Ding cũng phải chỉ ra rằng cải cách của ông có thể thực hiện được và ít tốn kém. Ông học được một điều rằng trong khi cần rất nhiều cuộc gặp mặt với các quan chức, thì các bản báo cáo ngược lại không nên dài quá 3 trang A4 và nhà hàng nơi họ gặp mặt phải nấu ăn ngon. Ding cho biết: “Bữa tối có thể tạo ra bầu không khí rộng mở và thân thiện, tạo điều kiện cho bạn trình bày tốt hơn những mối quan tâm của mình”. Guanxi phát triển tốt trong những bữa tối kiểu này, nơi người tham gia thoát khỏi những ràng buộc trong vai trò của họ. Những bữa tiệc và chính trị là một cặp song sinh có quan hệ chặt chẽ với nhau ở Trung Quốc.
Và do Ding liên tục đưa các nhà báo tới thăm những ngôi làng dự án của ông và một trang web của đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí đã đưa tin về ý tưởng của ông, Ding đã thành công. Ding tin rằng mô hình của ông sẽ nằm trong chính sách điều hành của địa phương vào năm 2014. Ông cũng trông đợi năm 2016 sẽ là một năm trọng đại đối với ông, khi Bắc Kinh đưa ý tưởng của ông vào kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Trong lúc đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đang cần tới sự giúp đỡ trong việc điều hành đất nước. Lí do cho việc này đã được Thủ tướng Ôn Gia Bảo thẳng thắn thừa nhận trước đó: “Do thực trạng kinh tế của đất nước là rất phức tạp, nên việc trông đợi một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo luôn đưa ra những quyết định đúng đắn là không thực tế. Do đó, chúng ta phải tìm kiếm những tư vấn của các chuyên gia, để quy trình ra quyết sách khoa học hơn và dân chủ hơn”. Quản lý chuyên nghiệp, vốn cũng là một mặt của việc điều hành tốt chính phủ, đang là một yêu cầu của Bắc Kinh.
Bộ não của quyên lực tại Trung Quốc có trụ sở là một ngôi nhà cao tầng bằng gạch màu nâu nhạt: Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS). Cơ quan này là một trong số các viện chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc. Nhưng khác với các viện chiến lược ở phương Tây, nơi sự độc lập với chính phủ gia tăng tính xác thực của bản thân các cơ quan này, những viện chiến lược có tầm ảnh hưởng lớn của Trung Quốc thường có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ.
Đôi khi, Quốc vụ viện Trung Quốc giao những nhiệm vụ nhất định cho viện này, ví dụ như các giáo sư của viện soạn thảo các kiến nghị cho luật dân sự mới. Trong trường hợp khác, Bộ Đường sắt Trung Quốc muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu hành khách phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi mua vé tàu. Lúc thì CASS tự thúc đẩy những cải cách, ví dụ như việc hợp nhất các cơ quan chính phủ. Và đương nhiên cả Thủ tướng ôn Gia Bảo cũng nhờ đến các chuyên gia của CASS để có những tư vấn trong chính sách kinh tế. Nhiều khi CASS thậm chí công khai chỉnh sửa các cơ quan chính phủ, cơ quan này đã từng chỉ trích Cục Thống kê do những sai sót trong tính toán tỉ lệ lạm phát.
Nhà cải cách Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu thời kì các chuyên gia nhận được sự kính trọng ở Trung Quốc. Thay vì Mao và hệ tư tưởng, ông tập trung vào sự chuyên nghiệp và kiến thức và muốn giới trí thức đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Đại học Pennsylvania cho biết ở Trung Quốc có 425 viện chiến lược, xếp thứ hai thế giới về số lượng các cơ quan này, chỉ đứng sau Mỹ với 1815 viện.
Nền chính trị Trung Quốc đang theo đuổi một hình mẫu chung: trước hết các ý tưởng được đưa ra xem xét, sau đó chúng được thử nghiệm. Chính phủ đã biến các thử nghiệm này thành các quy định. Họ cho các phòng thí nghiệm nhỏ ở cấp địa phương áp dụng những thử nghiệm này, khi những dự án thử nghiệm này thu được thành công và có thể áp dụng được ở nhiều vùng khác nhau, chính quyền mới dám áp dụng các cải cách trên quy mô lớn hơn. Phương thức này hoàn toàn ngược lại với hình mẫu nhà nước hiến pháp của phương Tây, nơi các quy định được đưa ra trước, sau mới đến việc áp dụng.
Phiên bản của Trung Quốc có những ưu điểm như sau: người ta có thể đánh giá tốt hơn các kết quả mà những đổi mới này đern lại. Những kết quả thu được khi đem thử nghiệm vào thực tiễn cũng thuyết phục được cả những người phản đối. Người ta phát triển các hình mẫu có tính cạnh tranh và giữ được sự linh hoạt. Nhà Hán học Sebastian Heilmann gọi Trung Quốc là một “hệ thống chuyên chế đang học hỏi”.
Việc áp dụng các đặc khu kinh tế trong những năm 1980 phù hợp với hình mẫu này. Ở Trung Quốc có các dự án tiên phong trong lĩnh vực y tế, cải cách lương hưu và hệ thống đăng kí. Thu phí đường bộ, quy định cấm hút thuốc hoặc các yêu cầu khi du lịch Đài Loan, tất cả đều được đem ra thử nghiệm.
Chính phủ thậm chí còn cho thử nghiệm ở cấp độ địa phương những yếu tố của “điều hành chính phủ tốt” mà bình thường họ sẽ từ chối: sự minh bạch và cho phép người dân bày tỏ ý kiến. Vì thế mà các khu vực như Ôn Lĩnh và Bạch Miêu trở nên nổi tiếng nhờ công khai ngân sách của mình và liệt kê chi tiết các khoản chi tiêu. Việc này đã thúc đẩy tờ báo nhà nước “China Daily” cho đăng tải một bài báo với nhan đề “Ngân sách minh bạch, người dân hạnh phúc”. Bài báo này đã đưa ra kết luận rằng công khai ngân sách đã dẫn đến việc ít người dân phàn nàn về việc lãng phí tiền thuế và chấm dứt nạn lạm dụng quỹ công.
Đây là những tín hiệu nhỏ của thiện ý mà Chính phủ Trung Quốc đang gửi tới người dân. Luật môi trường, trong đó yêu cầu phải thu thập ý kiến của công chúng được coi là một cột mốc lịch sử. Thậm chí người dân còn được mời đóng góp ý kiến cho kế hoạch 5 năm thông qua email.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc giờ đây cảm thấy rằng họ không thể điều hành đất nước theo cách riêng của họ nữa và họ đang cảm nhận được áp lực. Mỗi năm ở Trung Quốc xảy ra gần 180.000 cái được gọi là các vụ việc đông người. Người dân đã trở nên quen thuộc với việc ngồi biểu tình và chặn các con phố để thể hiện mối quan tâm của mình. Cái trước đây chỉ là vấn đề cho một số ít người dân, nay đã phát sinh những hành động, bày tỏ tình đoàn kết trên cả nước. Internet đã trở thành nơi thể hiện ý kiến và những cái mới. Ví dụ như những tin đồn về một cuộc đảo chính ở Bắc Kinh có thể nhận được nhiều sự quan tâm, vì các nhà cầm quyền Trung Quốc thường hành xử trong bí mật và do không có tự do báo chí, người dân chỉ còn cách suy đoán. Cái thực sự xảy ra trên Internet là sự tham gia trực tiếp, sự tham gia này tuy ngắn ngủi nhưng mạnh mẽ, một sự tham gia bị dồn ép hơn là tự nguyện vào đời sống chính trị.
Các quan chức ở Lan Châu cũng đã phải nếm trải cơn giận dữ của người dân. Khi họ muốn tổ chức một cuộc chạy xuyên thành phố vào ngày đầu tiên của năm mới 2012, nghệ sĩ Ma Qizhi đã phản đối bằng cách viết trên mạng Sina Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc: “Hãy từ chối trở thành cái máy lọc bằng người sống”. Người dân Lan Châu không nên hít thở không khí bị ô nhiễm vào phổi của họ.
Làn sóng phản đối lan truyền trên mạng Internet chỉ trong vài ngày, hơn 10.000 người đã thảo luận những ý kiến của họ về kế hoạch của thành phố Lan Châu. Một người bình luận: “Những người ra quyết định ắt đã nuốt phải một loại thuốc nào đó khi họ cho trẻ em chạy bộ trong những điểu kiện như thế này”. Một người khác viết: “Ở Trung Quốc các nhà lãnh đạo quan tâm đến việc giữ thể diện của họ hơn là quần áo lót của họ, nên họ sẽ không rút lại những chỉ thị này”.
Cơ quan thông tấn nhà nước thậm chí đã đưa tin có thiện cảm với những người phản đối. Cơ quan thể thao địa phương tuyên bố rằng sau này họ sẽ lưu ý đến những kiến nghị của cơ quan môi trường.
Đối với nghệ sĩ Ma, đây là một bài học mà anh cũng có phần đóng góp: “Điều tồi tệ nhất là người dân không bày tỏ điều mà họ muốn nói ra. Những người đóng thuế nuôi nhóm người này, do đó họ nên hoàn thành tốt nghĩa vụ của họ”.
Chính phủ Trung Quốc phải dần làm quen với việc người dân sẽ ràng buộc trách nhiệm lên họ. Sự lạc quan vẫn đang tràn ngập quốc gia này. Kinh nghiệm rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người đã tạo dấu ấn lên xã hội Trung Quốc. Sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và lòng yêu nước đã tạo cho chính phủ sự hợp pháp và giáo dục người dân thành một xã hội của những người tiêu dùng và những người yêu nước.
Nhưng những nông dân, những cử nhân đại học thất nghiệp và những người dân ở phía Tây cũng muốn được hưởng phần của mình. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã nhận diện tham nhũng – ngược lại với “điều hành chính phủ tốt”, là một trong những nguy cơ đe đọa lớn nhất đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo xếp hạng mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 75 trong số 183 nước. Bắc Kinh đã cho trừng phạt nặng, thậm chí áp dụng cả mức án tử hình đối với những người bị cáo buộc tham nhũng, thế nhưng bằng cách đổ lỗi lên những cá nhân riêng lẻ, Bắc Kinh muốn đánh lạc hướng dư luận khỏi những sai lầm trong hệ thống.
Một số người đã đơn giản từ chối thỏa thuận của Chính phủ Trung Quốc với chính người dân: Chúng tôi sẽ không can thiệp vào cuộc sống riêng của bạn nếu bạn cũng không tham gia vào chính trị. Những nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc phải vào tù vì những giá trị mà chỉ một số ít người dân phương Tây nghi ngờ. Nhưng một số người dân phía Tây Trung Quốc đã quên rằng quyền bầu cử, bộ máy tư pháp độc lập và nhà nước pháp quyền dân chủ không bao giờ chỉ là một công cụ để đạt được mục đích, không bao giờ chỉ là thứ đem lại kết quả. Tự bản thân chúng là những giá trị riêng. Phần lớn người dân Trung Quốc đang hài lòng với những kết quả, nhưng chúng phải thực sự tốt. Một nhóm nhỏ những người khác muốn nhiều hơn, và họ đang bị giam cầm vì những ý kiến của mình.
Không một chính phủ nào làm việc đó có thể tự gọi mình là một chính phủ tốt, kể cả khi họ đạt được những kết quả tốt.