Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

101. Mỹ, Ấn Độ và Ôxtrâylia hướng tới trọng tâm địa chiến lược mới

Những ưu tiên đặc biệt về chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ, Ấn Độ và Ôxtrâylia đang hướng đến một khái niệm địa chiến lược mới - “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Điều gì ẩn đằng sau khu vực địa chiến lược này và liệu nó có ngầm ý thể hiện một sự hội tụ chiến lược giữa ba nền dân chủ nói trên?

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith, cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon và Bí thư Đối ngoại nước này Ranjan Mathai đều đã nói đến khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” – một khu vực bao trùm cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – như một “trọng tâm chiến lược”. 
Một nhà phân tích cho rằng cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được thúc đẩy bởi mong muốn giải quyết những quan ngại về chính sách đối ngoại và đối nội đặc biệt của các nước này hơn là thúc đẩy một tầm nhìn khu vực. Đối với Mỹ, những vấn đề về chính sách chủ yếu, bao gồm cả việc phục hồi kinh tế và thay đổi cán cân lực lượng ở châu Á sao cho vẫn giữ nguyên được các luật lệ quốc tế hiện hành và vị trí của Mỹ như một “nhà đề ra luật chơi” của thế giới. Trong khi đó, mặc dù tiếp tục là đồng minh thân cận của Mỹ, liên kết kinh tế ngày càng tăng với châu Á đã chi phối các cuộc tranh luận về chính sách ngoại giao của Ôxtrâylia trong thời gian gần đây. 
Cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một phần chủ yếu trong chính sách “trục châu Á” của Mỹ, mà Ôxtrâylia đã bày tỏ sự ủng hộ. Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ và Ôxtrâylia, việc thích nghi và định hình “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” như một loại hình địa chiến lược sẽ giúp họ giải quyết những tình huống khó khăn chủ yếu trong chính sách đối nội và đối ngoại, trong khi vẫn duy trì được vị trí của họ trong trật tự toàn cầu như một thế lực lớn (Mỹ) và thế lực trung bình (Ôxtrâylia). 
Ấn Độ sẽ thích nghi với khái niệm mới này như thế nào? Trong khi ủng hộ sự tôn trọng luật quốc tế, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp, Ấn Độ ngày càng tỏ rõ họ muốn cấu trúc khu vực trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được định hình bởi những nhu cầu về tái cơ cấu kinh tế trong nước và tiếp tục tôn trọng nguyên tắc tự chủ chiến lược. 
Mới đây Mỹ đã triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một sáng kiến tự do thương mại không có sự tham gia của Trung Quốc - bao gồm cả buôn bán, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chăm sóc y tế, môi trường và tiêu chuẩn lao động. Mỹ cũng kêu gọi thiết lập một cơ chế khu vực nhằm thực thi các nguyên tắc quốc tế về an ninh, thương mại, luật lệ, nhân quyền và sự điều hành có trách nhiệm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những sáng kiến khu vực này được xây dựng nhằm khuyến khích thiết lập các khung luật lệ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ để phục vụ các chương trình nghị sự về kinh tế và chính trị trong nước… 
Trong khi đó, Ôxtrâylia đang cố gắng hành động như một cầu nối giữa Đông và Tây bằng cách cân bằng cam kết của mình đối với khuôn mẫu luật lệ, quy tắc do Mỹ chi phối và thừa nhận rằng tương lai kinh tế của Canbêra ngày càng gắn kết với châu Á và đặc biệt với Trung Quốc. 
Để chế ngự những căng thẳng, Ôxtrâylia khuyến khích trục Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi tán thành sự can dự lớn hơn về chính trị, kinh tế và chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời tái tập trung sự chú ý vào Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IOR-ARC). Ôxtrâylia cũng hoan nghênh cả TPP, do Mỹ chủ đạo và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), do ASEAN chủ đạo. RCEP bao gồm cả Trung Quốc và tập trung vào ít vấn đề hơn TPP. Mặc dù có sự khác nhau giữa hai cơ chế này, song Ôxtrâylia coi TPP và RCEP như những con đường bổ sung cho một khu vực tự do thương mại và tuyên bố kiên quyết thúc đẩy đưa những yếu tố như tiêu chuẩn lao động và môi trường vào các cuộc thương lượng về RCEP. 
Trong khi đó, những đòi hỏi cấp bách trong nước buộc Ấn Độ phải chú ý hơn đến các nhóm như IOR-ARC và các nhóm nhỏ hơn, những diễn đàn cụ thể hơn để giải quyết với những vấn đề như chống cướp biển, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Do đó, một thời kỳ mới về “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” có thể chỉ mới “ló rạng”. Sự chấp nhận khái niện này trong các cuộc thảo luận về chính sách ngoại giao và trong từ vựng của Ấn Độ, Ôxtrâylia và Mỹ phản ánh sự chú ý của ba nước về những thách thức chính trị và kinh tế trong nước hơn là sự hội tụ chiến lược hoặc tầm nhìn khu vực chung. 
Theo báo The Hindu
Thuỳ Anh (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3213-my-an-do-va-oxtraylia-huong-toi-trong-tam-dia-chien-luoc-moi