Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

86. Vị trí và vị thế của Nam bộ thế kỷ XVII-XIX

PGS.TS. Trần Thị Mai
Trường ĐHKHXH và NV,  ĐHQG-HCM
 1.VỊ TRÍ ĐỊA CHIẾN LƯỢC CỦA NAM BỘ TRONG CÁC THẾ KỶ XVII – XIX
1.1. Ngay từ đầu công nguyên, vùng đất Nam Bộ Việt Nam ngày nay đã được các nhà hàng hải và thương nhân quốc tế biết đến như là một trung tâm thương mại lớn nhất của Đông Nam Á cổ đại. Trong các thế kỷ I- VII, vương quốc cổ Phù Nam - mà lãnh thổ của nó trên đại thể tương ứng với Nam Bộ ngày nay - đã khẳng định sức hút mạnh mẽ  với thế giới nhờ vị trí địa lý mang tính chiến lược trên con đường mậu dịch biển nối liền phương Tây với phương Đông. Trong thời kì cường thịnh, Phù Nam đã mở rộng ảnh hưởng, chi phối toàn bộ vùng vịnh Thái Lan và kiểm soát con đường giao thương huyết mạch từ Nam Đông Dương sang Ấn Độ qua eo Kra. Óc Eo là “bộ phận duyên hải của vương quốc cổ Ấn Độ hóa Phù Nam”, là cảng thị đại diện cho Phù Nam tiếp xúc với bên ngoài, là đầu mối của đường mậu dịch hàng hải quốc tế trên “con đường hồ tiêu”, “con đường tơ lụa”, là một trung tâm buôn bán hàng hóa lớn bậc nhất của Đông Nam Á. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Óc Eo từ năm 1942 đến nay đã làm phát lộ nhiều bằng chứng vật chất gồm các hiện vật trong sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt đời thường và các loại tiền bạc của Phù Nam và cả nước ngoài.

Lương thư – một bộ sử của Trung Quốc được biện soạn vào thế kỷ thứ VI đã mô tả về vị trí của Phù Nam đối với khu vực và thế giới: “ nước Phù Nam ở phía nam quận Nhật Nam, trong vịnh lớn phía Tây của biển, cách Nhật Nam có đến 7000 lí, cách Lâm Ấp ở phía Tây Nam đến hơn 3000 lí. Thành cách biển 500 lí, có sông lớn rộng đến 10 lí từ Tây Bắc chảy sang Đông nhập vào biển. Nước rộng lớn hơn 3000 lí, đất trũng ẩm thấp nhưng bằng phẳng rộng rãi. Khí hậu, phong tục đại để cũng giống như Lâm ấp. Sản xuất vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, mộc hương, ngà voi, chim công lông biếc, anh vũ năm sắc.
Địa giới phía Nam cách hơn 5000 lí có nước Đốn Tốn. Trên bờ biển mấp mô, đất vuông 1000 lí. Thành cách biển 10 lí, có 5 vua thần thuộc Phù Nam. Phía Đông Đốn Tốn thông với Giao Châu, phía Tây tiếp giáp với Thiên Trúc, An Tức. Các nước ngoài bờ cõi đi lại buôn bán là điều dĩ nhiên vì lẽ nước Đốn Tốn quanh co giáp biển tới hơn 1000 lí. Biển rộng mênh mông không bờ bến, thuyền bè chưa từng vượt qua. Chợ nơi đó đông tây gặp gỡ hội họp. hằng ngày có hơn vạn người, sản vật hàng hóa quý hiếm không gì không có. Lại có cây rượu giống như cây An thạch lựu, hứng nước hoa ấp ủ trong bình một số ngày thành rượu. Ngoài nước Đốn Tốn, trong vùng đất ngoài biển lớn lại có nước Tì Khiên cách Phù Nam 8000 lí…[1]
Quốc gia Phù Nam có hệ thống cảng sông và cảng biển rất thuận lợi để giao lưu với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Với lợi thế là dòng chảy sông Mê-Kông, từ Phù Nam dễ dàng ngược theo sông Hậu và sông Tiền để đến Chân Lạp, Nam Lào. Trong giai đoạn phồn thịnh, người Phù Nam đã tiến hành đào hệ thống kênh chính Tây – Đông nhằm tận dụng tối đa lợi thế giao lưu khu vực trên phần lãnh thổ phía Tây sông Hậu. Điểm cực tây của hệ thống kênh này là Angkor Borei và điểm cực đông chính là cảng thị Óc Eo. Theo bản đồ không ảnh và khảo sát của các nhà khảo cổ thuộc Viễn Đông bác cổ, từ Angkor Borei có 5 con kênh thẳng đến đầu trục kênh Châu Đốc – Óc Eo và hướng ra biển. Bằng đường biển, từ Óc –Eo có thể dễ dàng vượt vịnh Xiêm La để đến Băng Kôk, theo bờ biển đến với các quốc gia sơ kỳ trên bán đảo Malaisia, các đảo và quần đảo thuộc Indonêsia hoặc ngược lên phía Bắc đến Lâm Ấp – Chămpa, Giao Chỉ và vùng ven biển Nam Trung Quốc.
Chính vị trí địa chiến lược đã sớm đưa Phù Nam trở thành một kiểu nhà nước thành bang với ưu thế về kinh tế thương mại trong 7 thế kỷ đầu công nguyên. Đồng thời, đưa Phù Nam trở thành “cầu nối” giữa Ấn Độ và Đông Nam Á cổ trên các lãnh vực kinh tế, văn hóa.
Đáng tiếc là vị trí chiến lược này đã không được người Chân Lạp phát huy trong gần 10 thế kỷ tiếp theo đó, khi mà người Chân Lạp đã chiếm đóng và quản lý vùng đất này từ tay người Phù Nam. Suốt từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVII, vùng đất này được biết đến như một vùng hoang vu ngự trị “Bắt đầu vào Chân Bồ (vùng biển Vũng Tàu ngày nay), gần hết cả vùng đều là bụi rậm của rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chảy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây, mây dài tạo thành nhiều chỗ trú sum suê. Khắp nơi vang tiếng chim hót và tiếng thú kêu. Vào nửa đường trong sông, thấy những cánh đồng hoang không có một gốc cây. Xa nửa tầm mắt chỉ thấy toàn cỏ cây đầy rẫy. Hàng trăm, hàng nghìn trâu rừng tụ họ từng bầy. Tiếp đó nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm ‘’ [2].
1.2. Từ cuối thế kỷ XVI, ở Đại Việt, Nhà Lê lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Quyền lực không còn nằm trong tay tôn thất nhà Lê, các vua Lê bạc nhược trở thành quân cờ trên bàn cờ chính trị của các dòng họ phong kiến. Những sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực phong kiến nổ ra và kéo dài đã đưa đến hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với quốc gia Đại Việt: nội chiến và chia cắt. Bối cảnh chính trị hỗn loạn là nguyên nhân đẩy Nguyễn Hoàng phải chạy vào Đàng Trong. Từ đó, thế lực cát cứ họ Nguyễn đã hình thành và từng bước làm chủ vùng đất Đàng Trong. Trên vùng đất mới, họ Nguyễn vừa phải chống lại áp lực truy bức của họ Trịnh Đàng Ngoài, vừa phải tìm chỗ dựa tại chỗ để tồn tại, đồng thời không ngừng tìm kiếm các mối quan hệ mới với các láng giềng phía Nam để giữ gìn lực lượng và phát triển. Mối quan hệ vừa là đồng minh, vừa là đối trọng giữa họ Nguyễn và các vương triều phong kiến Chămpa, Chân Lạp và Xiêm đã hình thành và phát triển trong bối cảnh đó.
Bước sang đầu thế kỷ XVII, nội chiến Trịnh – Nguyễn nổ ra khốc liệt, kéo dài gần nửa thế kỷ. Cục diện chiến tranh đã thúc đẩy họ Nguyễn nhanh chóng mở rộng lãnh thổ về phía Nam, mục tiêu là vùng đất Nam Bộ. Trong gần 2 thế kỷ, bằng nhiều biện pháp khác nhau: lợi dụng các lớp người Việt, Hoa xiêu tán, phá sản dưới các hình thức khác nhau mở rộng khai khẩn vùng đất Nam Bộ; lợi dụng lực lượng “có vật lực” ở miền Thuận – Quảng chiêu mộ dân nghèo vào khai phá đất hoang; sử dụng quân đội đồn trú; kiến tạo quan hệ đồng minh dưới nhiều hình thức với triều đình Chân Lạp… các chúa Nguyễn nhanh chóng khẩn hoang, lập làng, xác lập và khẳng định chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ.
Với trí tuệ và khả năng lao động phi thường, chính quyền họ Nguyễn và các cộng đồng cư dân Việt – Hoa – Khmer… không chỉ mở mang tạo dựng cơ nghiệp trên vùng đất hoang hóa, sình lầy để mưu sinh mà còn làm thay đổi lớn lao diện mạo của vùng đất mới.
Lợi thế về đất và nước cộng với kinh nghiệm tích hợp được của cộng đồng cư dân Việt , Khmer trong sản uất nông nghiệp, khả năng thiên phú của cộng dồng người Hoa trong phát triển thương mại, đã sớm đưa Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp phát triển mang đặc tính của nền kinh tế nông nghiệp hàng hóa ngay từ đầu thế kỷ XVIII. Nam Bộ trở thành nơi cung cấp hàng hóa nông sản cho miền Trung Việt Nam, Chân Lạp, Xiêm, Các nước thuộc khu vực hải đảo Đông Nam Á và nam Trung Quốc.
Chính vì vậy mà trong các thế kỷ XVII - XVIII, các giáo sĩ và thương nhân Pháp đang cĩ mặt ở Việt Nam đã thường xuyên gửi về Pháp những bản tường trình về tình hình Việt Nam, thôi thúc chính phủ họ xúc tiến kế hoạch chiếm lấy Nam bộ Việt Nam. Theo họ thì:… Tất cả  những nước Châu Aâu đều muốn có một kho chứa hàng trong vịnh Đàng Trong … Ngoài những mối lợi buôn bán ra ngoài, Đàng Trong do vị trí của mình sẽ trở nên rất lợi cho sự buôn bán với Trung Quốc, và chính do điều đó làm cho thương cục trở nên thật sự quan trọng. Từ những bờ biển của xứ này, đi chỉ cần 3 ngày vượt biển để tới Macao, Manila, Boócnêo, Battavia. Một thương cục nằm trên bờ biển đó là nằm trên ngay con đường  của tất cả các thuyền tàu đi đến Trung Quốc và đến tất cả các thương điếm khác. Nước nào đặt được thương điếm đó sẽ làm chủ độc nhất tất cả việc buôn bán với Trung Quốc và các đảo của nó. Há chẳng nên lo ngại là những người Anh hiện đã rất có thế lực ở Aán Độ rồi lại chẳng đặt thương cục ấy hay sau, nếu chúng ta không nghĩ đến trước…
… Các nước Châu Âu cho đến bây giờ thấy rằng không thể kiếm được những chuyến hàng đầy đủ có thể trao đổi lấy hàng Trung Quốc, đành buộc lòng phải bù vào chỗ thiếu sót đó bằng cách gởi sang những số nén bạc rất lớn. Như vậy, từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã thu hút tất cả tiền bạc trên đời, của Tây Âu cũng như của Á Đông. Số thuyền hàng năm đi đến Đàng Trong chứng tỏ là rất nhiều sản vật của xứ này rất được ưa chuộng ở Trung Quốc. Những sản vật đó nếu chúng ta có một thương cục là một ảnh hưởng vững vàng trong xứ rồi, thì có thể dễ dàng tập trung trong tay ta bằng cách đem hàng ở Ấn Độ và Âu Châu đổi lấy.
2.VỊ THẾ CỦNAM BỘ TRONG CÁC THẾ KỶ XVII – XIX
2.1.    ĐỐI VỚI QUỐC GIA:
Nam Bộ có vị thế cực kỳ quan trọng đối với việc củng cố nền độc lập, tự chủ và thống nhất Quốc gia
Từ trước năm 1698, vùng đất Đồng Nai – Gia Định vẫn chưa nằm trong sự quản lý hoàn toàn của các chúa Nguyễn về mặt nhà nước, điều đó có nghĩa là về mặt chủ quyền quốc gia vùng đất này vẫn chưa được chúa Nguyễn xác lập để trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XVII, với những bước đi thích hợp và cực kỳ khôn khéo, chúa Nguyễn đã mở đường cho những lớp di dân người Việt vốn là những nông dân lưu tán, thợ thủ công nghèo khổ, những binh lính lao dịch bị lưu đày dưới sự áp bức bóc lột của địa chủ phong kiến và do chiến tranh, thiên tai đã phải bỏ làng xóm vào vùng đất phía Nam để lập nghiệp.
Quá trình hoạch định biên giới Việt Nam – Campuchia (Chân Lạp) là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều biến cố phức tạp mà nội dung cơ bản của nó là sự thiết lập và củng cố chủ quyền hợp pháp của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Về cơ bản, qúa  trình đó kéo dài từ đầu thế kỉ XVII  – khi những cộng đồng dân cư người Việt đầu tiên đã có mặt trên vùng đất Nam Bộ - cho đến khoảng giữa thế kỉ XVIII (1757). Sự hoạch định đó dựa trên những cơ sở tư liệu lịch sử và pháp lý sau đây: 
Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là Công chúa Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II làm Hoàng hậu của Vương triều Chân Lạp. Đặt cơ sở thuận lợi cho Chúa Nguyễn từng bước hợp pháp hóa chủ quyền của mình một cách hoà bình đối với vùng đất đã được người Việt khai khẩn.
Năm 1623, được sự đồng thuận của triều đình Chân Lạp, Chúa Nguyễn đã cho lập thương điếm tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé) vị trí tương ứng với Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay để thu thuế.
Năm 1679, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần Anh Bình đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẵng, không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đến để xin làm tôi chúa Nguyễn… Chúa liền trao cho họ quan chức và sai đến ở đất Đông Phố. Binh thuyền của họ vào cửa Lôi Lạp (nay thuộc đất Gia Định) đến đóng ở Bàn Lân (nay thuộc Biên Hoà). Sách Đại Nam nhất thống chí, căn cứ vào các dấu tích hoạt động cụ thể đã cho biết nhóm Trần Thượng Xuyên đến Biên Hoà, còn nhóm Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho. Như vậy cùng với Sài Gòn - Gia Định, Biên Hoà và Mỹ Tho cũng đã đang dần dần trở thành những trung tâm cư dân và kinh tế phát triển dưới quyền cai quản của Chúa Nguyễn ở miền Đông và cả miền Tây Nam Bộ.
Cùng thời gian này, Mạc Cửu là người xã Lôi Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng ''để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức Ốc Nha…”. Sau đó, nhờ mối quan hệ gắn bó với triều đình Chân Lạp,  Mạc Cửu đã có toàn bộ vùng đất Hà Tiên - Long Xuyên - Bạc Liêu - Cà Mau (được gọi chung là Hà Tiên) và kiến tạo vùng này thành khu vực cát cứ của dòng họ mình, không còn lệ thuộc vào chính quyền Chân Lạp nữa. Sự phát triển “độc lập” của vùng đất Hà Tiên dưới quyền cai quản của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ đã từng được người Trung Quốc đương thời nhìn nhận như là một quốc gia riêng. Sách Thanh triều văn hiến thống khảo gọi đây là nước Cảng Khẩu (Cảng Khấu quốc): ''nước này có nhiều núi cao, địa hạt khoảng 100 dặm vuông. Thành và các cung thất làm bằng gỗ không khác Trung Quốc mấy. Chỗ Vua ở xây bằng gạch ngói. Chế độ trang phục phảng phất các Vua đời trước, búi tóc, đi võng, chít khăn, đội mũ. Vua mặc áo bào vẽ trăn rắn, lưng thắt dải đai, giày dép bằng da: Dân mặc áo vạt cổ rộng. Khi có tang thì mặc đồ màu trắng, bình thường thì áo nhiều màu... Họ gặp nhau thì chắp hai tay chào theo lễ Phong tục nước này ham chuộng thơ văn, trong nước có dưng đền thờ Khổng Tử. Vua và dân đều đến lễ...”. Năm 1708, Mạc Cửu xin nội thuộc chúa Nguyễn và đem đất Hà Tiên sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn.
Những sự kiện trên cho thấy, vai trò của Chân Lạp ngày càng lu mờ, còn vai trò Chúa Nguyễn thì ngày càng được khẳng định, mở rộng và củng cố trên đất Nam Bộ. Năm 1674, Vương triều Chân Lạp bị chia thành Chính Quốc Vương (đóng ở U Đông) và Phó Quốc Vương (đóng ở Sài Gòn), cả hai đều triều cống Chúa Nguyễn. Năm 1691, Phó Quốc Vương Nặc Ông Nộn (Ang Non) ở Sài Gòn qua đời. Từ đây, khu vực Nam Bộ không còn đại điện của Vương triều Chân Lạp cai quản.
Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai. Tại đây, ông tiến hành ''chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ) dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Binh (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiến Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lộ thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh”.
Đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, Chúa Nguyễn còn đặt ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hóa vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực ''các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”.
Năm 1744, Chúa Nguyễn Phúc Khoát  tổ chức lại bộ máy hành chính thống nhất. Nam Bộ lúc ấy gồm 3 dinh là Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và trấn Hà Tiên.
Năm 1756, Nặc Nguyên ''xin hiến đất hai phủ Tầm Bồn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu 3 năm về trước để chuộc tội”. Sau khi bàn tính kỹ, Chúa Nguyễn đã chấp nhận việc ''lấy đất hai phủ ấy, uỷ cho thần xem xét hình thế, đặt luỹ đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới cho đặt lệ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu”. Năm sau (1757), Nặc Nguyên qua đời. Người chú họ là Nặc Nhuận tạm trông coi việc nước, nhưng ngay sau đó triều đình Chân Lạp lại rối loạn, đánh giết lẫn nhau. Người con của Nặc Nhuận (em họ của Nặc Nguyên) là Nặc Tôn (Outey II) chạy sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đã cưu mang và giới thiệu Nặc Tôn lên Chúa Nguyễn. "Chúa bèn sắc phong cho Nặc Tôn làm Vua nước Chân Lạp, sai Thiên Tứ cùng với tướng sĩ năm dinh hộ tống về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long... Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa cho lệ năm phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, Thiên Tứ xin đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp làm địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng”.
Như vậy, đến năm 1757, những phần đất còn lại ở miền Tây Nam Bộ mà trên thực tế đã thuộc quyền cai quản của Chúa Nguyễn từ trước đó, chính thức thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sau này, dưới thời Nhà Nguyễn (1802 - I945), tuy có một số địa điểm cụ thể vẫn còn được tiếp tức điều chỉnh, nhưng trên căn bản khu vực biên giới Tây Nam Việt Nam đã được hoạch định từ năm 1757.
Cùng với việc xác lập và thực thi chủ quyền, các chúa Nguyễn còn chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Vai trò đó thể hiện qua một số việc làm, biện pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, các chúa Nguyễn khi xác lập được chủ quyền đến đâu thì ngay lập tức xâu dựng bộ máy chính quyền và xây dựng quân đội để bảo vệ đến đó. Năm 1698, sau khi đã có cơ sở vững chắc (cộng đồng dân cư người Việt đã đông đảo, thiết lập được thương điếm thu thuế ở Sài Gòn, tổ chức được các đoàn di dân khẩn hoang lập làng của người Việt, người Hoa…) và điều kiện thuận lợi (từ năm 1691, khi vua Ang Non của Chân Lạp mất, chính quyền Chân Lạp không còn đại diện ở Nam Bộ nữa), chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Tại đây, Nguyễn Hữu Cảnh tiến hành “chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ) dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Binh (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiến Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lộ thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất đai được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những người dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn, phong ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệ thuế tô dung,làm sở đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà,ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ [của ta]” (Đại Nam thực lực). Thực chất của việc làm này là để hợp thức hóa và bảo vệ vùng đất vốn đã được khai phá bởi các cộng đồng người Việt từ trước đó. Như Vậy Chúa Nguyễn đã xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với các xứ Đồng Nai (huyện Phúc Long) - Sài Gòn (huyện Tân Bình), sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Đàng Trong, tổ chức các đơn vị hành chính và bộ máy chính quyền từ cấp dinh trấn cho đến tận các thôn xã, thực thi quyền lực nhà nước trong việc quản lý đất đai, hộ khẩu thu thuế và trưng thu các nguồn lợi tự nhiên và thu thuế qua việc trao đổi với thương nhân nước ngoài. Năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên '”xin hiến đất hai phủ Tầm Bồn, Lôi Lạp và nộp bù lễ cống còn thiếu 3 năm về trước để chuộc tội”. Chúa Nguyễn chấp nhận và “lấy đất hai phủ ấy, uỷ cho thần xem xét hình thế, đặt luỹ đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới cho đặt lệ vào châu Định Viễn để thu lấy toàn khu”. Đến năm 1757, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long và cắt năm phủ Hương Úc, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạt, Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ và chúa Nguyễn, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa Nguyễn liền cho năm phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, đặt Giá Khê làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp làm địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng. Năm 1774, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia vùng đất từ Nam dải Hoành Sơn đến Cà Mau làm 12 đơn vị hành chính gọi là dinh. Vùng đất Thuận - Quảng cũ gồm 6 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu Đồn, Cựu Dinh (hay Chính Dinh cũ), Chính Dinh, Quảng Nam. Vùng đất mới chia thành 6 dinh: Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ (Vĩnh Long). Ngoài ra, còn có một trấn phụ thuộc là Hà Tiên. Mỗi dinh quản hạt một phủ, dưới phủ có huyện, tổng hay xã…
Các chúa Nguyễn cũng rất chú trọng đến việc xây dựng quân đội để bảo vệ các vùng đất vừa xác lập và thực thi chủ quyền. Ngoài quân chính quy thường trực ở các dinh, các chúa Nguyễn còn tổ chức lực lượng Thổ binh ở các địa phương. Quân chính quy thường trực là quân đóng ở các dinh, được phiên chế theo thứ tự: dinh, cơ, đội, thuyền. Đứng đầu quân đội ở mỗi dinh là chức Chưởng dinh, ở cấp có chức Chưởng cơ  và Cai cơ, ở cấp đội Cai đội Đội trưởng. Thổ binh, Tạm binh hay Thuộc binh là quân đội địa phương. Đây là lực lượng tập trung nhiều ở Nam Bộ để bảo vệ vùng đất mới và trấn áp các lực lượng chống đối của nước Chiêm Thành và Chân Lạp.
Thứ hai, các Chúa Nguyễn cũng đã bố trí lực lương quân sự, thiết lập các đồn thủ “nơi xung yếu” để chống giặc, giữ dân, bảo vệ chủ quyền, đã đập tan các cuộc xâm lược lãnh thổ Nam Bộ của Xiêm vào các năm (1715,177)... Ngay từ năm 1658, khi Vua nước Chân Lạp là Nặc Ông Chân (Chan Ramathipali) “xâm lấn biên thuỳ”, “dinh Trấn Biên báo lên. Chúa sai phó tổng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, cai đội là Xuân Thắng, tham mưu là Minh Lộc (hai người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc (bấy giờ gọi là Mô Xoài, nay thuộc huyện Phúc Chính tỉnh Biên Hoà) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần hàng năm nộp cống”. Tư liệu trên xác nhận những hoạt động quan trọng đầu tiên của Chúa Nguyễn trên con đường từng bước hình thành và bảo vệ chủ quyền của mình đối với vùng đất miền Đông Nam Bộ trong những thập kỷ đầu và giữa thế kỷ XVII.
Đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Chúa Nguyễn đã sớm có ý thức khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo và quần đảo ở Biển Đông, nhất là hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay từ “buổi quốc sơ”, các chúa Nguyễn đã đặt ra đội Hoàng Sa để kiểm soát và khai thác tài nguyên ở các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn chép: “…họ Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa… Đội Hoàng Sa này gồm 70 người, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương thực đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy (chỉ Hoàng Sa). Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ dùng khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, đồi mồi, ba ba, hải sâm… rất nhiều. Đến tháng 8 thì về đến Cửa Eo, đến kinh thành Phú Xuân để nộp”. Sách Đại Nam thực lục (tiền biên) cũng ghi: “Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng 3 thì thuyền ra độ 3 đêm ngày thì đến bãi, tìm hóa vật, đến tháng tám thì về nộp”. Bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, Chúa Nguyễn còn đặt ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của dội Hoàng Sa), chịu trách nhiệm ở khu vực phía Nam Hoàng Sa tức là Trường Sa, Côn Đảo và các đảo thuộc khu vực Hà Tiên (Phú Quốc, Thổ Chu…). Đội Bắc Hải có trách nhiệm khai thác hóa vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực này. Phủ biên tạp lục chép: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượng vật của tàu, vá các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai Cai đội Hoàng Sa kiêm quản”.
Thứ ba, Các chúa Nguyễn còn sử dụng các lực lượng thuần phục để bảo vệ chủ quyền của vùng đất mới. Đó là trường hợp của dòng họ Mạc ở đất Hà Tiên, dựa vào chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn hậu đãi, đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở phần đất phía Tây Nam Bộ. Mạc Cửu rồi sau đó là Mạc Thiên Tứ không chỉ ra sức xây dựng và phát triển Hà Tiên trở thành một trung tâm kinh tế phồn thịnh, mà còn nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền với tư cách là người được giao trách nhiệm bảo vệ vùng biên giới cực Nam đất nước. Nhờ đó mà vùng biên giới với Chân Lạp và Xiêm được giữ vững. Sách Đại Nam thực lục cho biết vào năm 1739: “Nặc Bồn nặc Chân Lạp lấn Hà Tiên... Thiên Tứ đem hết quân bản bộ ra đánh đuổi tới Sài Mạt, ngày đêm đánh hăng, lương thực không tiếp kịp. Vợ là Nguyễn Thị đốc suất vợ lính vận lương đến nuôi quân, quân không bị thiếu ăn, hăng hái cố đánh phá được quân Bồn. Tin thắng trận báo lên, Chúa cả khen ngợi, đặc biệt cho Thiên Tứ chức Đô đốc tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ đai, phong Nguyễn Thị làm Phu nhân. Do đó Chân Lạp không dám nhòm ngó Hà Tiên nữa”. Năm 1771, quân Xiêm do Taksin chỉ huy, đem 6 vạn quân lại đánh chiếm Hà Tiên, tiến sâu vào Gia Định. Nhưng chỉ một năm sau, quân Xiêm đã bị quân của chúa Nguyễn đánh bại và tháo chạy về nước. Đến năm 1773, quân chúa Nguyễn đã lấy lại được trấn Hà Tiên….
Như vậy có thể khẳng định, với việc các chúa Nguyễn có được Nam Bộ trong những thế kỉ XVII, XVIII đã góp phần rất to lớn vào việc bảo vệ và củng cố chủ quyền của nước ta trên vùng đất Nam Bộ. Các thế lực âm mưu đe dọa và xâm phạm đến biên giới đất nước đều bị đẩy lùi. Nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh lãnh thổ của đất nước, nhất là trên vùng đất Nam Bộ, đã được bảo vệ vững chắc.
Dung hợp thêm các thành phần dân cư mới, mở rộng và tăng cường tính thống nhất trong đa dạng cộng đồng tộc người và văn hóa
So với nhiều vùng đất khác trong cả nước thì Nam Bộ là một vùng đất mới có lịch sử khai phá mới chỉ hơn 300 năm nhưng từ lâu vùng đất này đã có rất nhiều cư dân sinh sống. Sau khi nước Phù Nam bị xóa tên trên bản đồ Đông Nam Á, thì hầu hết diện tích Nam Bộ  không có người sinh sống. Vùng đất cao ở miền Đông tiếp tục do người Mạ và người Stiêng chiếm ngụ. Họ là những người dân bản địa đã sinh sống ở nơi đây từ thời tiền sử và là dân cư của nước Phù Nam. Còn người Khơme từ  Chân Lạp di cư đến rất ít và tập trung chủ yếu ở vùng miền Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc, Kiên Giang…Vùng đất Nam bộ chỉ thực sự trở thành “một miền đất hứa” khi lưu dân người Việt đến đây khai phá vào đầu thế kỷ XVII cùng với di dân người Hoa, Chăm…Như vậy, quá trình hình thành các cộng đồng cư dân trên vùng đất Nam Bộ thực chất là quá trình hợp cư bởi các lớp di dân qua các thời kỳ lịch sử. Đây là một  đặc điểm hết sức nổi bật của quá trình khai mở vùng đất Nam Bộ.
Cư dân Nam bộ có nguồn gốc rất đa dạng. Từ đầu thế kỷ XVII, những người Việt ở miền Trung, miền Bắc đã vào vùng Đồng Nai, Gia Định khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp. Cùng với người Khmer và những cư dân đã có mặt ở vùng đất Nam bộ trước đó, họ đã nhanh chóng trở thành bộ phận cư dân chủ đạo trong cuộc chinh phục vùng đất này. Ngoài 4 tộc người Việt, Khmer, Chăm và Hoa nói trên, bức tranh tộc người ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn trở nên đa dạng, phong phú thêm bởi sự có mặt của nhiều tộc người khác như Tày, Nùng, Ngái, Mnông, Stiêng, Mường, v.v... gắn bó mật thiết với mảnh đất mà họ coi là quê hương của mình, cư dân các dân tộc luôn sống hòa thuận, chia sẻ mọi thuận lợi và khó khăn với các tộc người khác trong khu vực.
Cùng với sự đa dạng về tộc người và như hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa và hỗn dung văn hóa, Nam Bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng là một khu vực hết sức đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Ở đây có đầy đủ 6 tôn giáo lớn ở nước ta là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo và là khu vực đứng đầu trong cả nước về số lượng tín đồ tôn giáo. Ngoài các tôn giáo kể trên, cư dân trong vùng còn theo một số tín ngưỡng khác như Tứ Ân, Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư sĩ.
 Điều kiện cộng cư xen cài làm cho các dân tộc có điều kiện tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Trong quá trình tiếp xúc, các dân tộc vừa giao lưu, vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhau để làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có của mình. Các tộc người sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Trong công cuộc khẩn hoang để khai phá đất đai và phát triển nghề trồng lúa nước cũng như trong cuộc sống, ảnh hưởng và giao lưu văn hóa giữa các tộc người diễn ra thường xuyên. Từ công cụ sản xuất, nhà ở đến cách ăn mặc, nếp sống, lễ nghi... đều có thể tìm thấy sự đan xen giữa các truyền thống văn hóa. Trong quá trình giao lưu, tiếng Việt dần trở thành tiếng phổ thông của các dân tộc anh em, trong khi hiện tượng song ngữ hay đa ngữ là hiện tượng bình thường ở những vùng cộng cư Việt – Khơme, Việt – Chăm, Việt – Khơme – Chăm – Hoa, hiện tượng hôn nhân hỗn huyết ở những vùng này càng diễn ra phổ biến. Chiếc phảng, cái nóp, cái cà ràng vốn của người Khơme đã được người Việt cải tiến thành những công cụ quen thuộc và thích dụng hơn cho người làm nông ở Nam Bộ. Chiếc khăn rằn của người Khmer Nam Bộ đã trở nên phổ biến và trở thành một biểu trưng quen thuộc của người Nam Bộ nói chung. Chiếc áo “bà ba” vốn có của người Việt đã trở nên phổ biến đối với các dân tộc ít người ở đây.
Một đặc điểm hết sức quan trọng nữa trong quá trình hình thành các cộng đồng cư dân trên vùng đất Nam Bộ đó chính là việc thiết lập nên các làng xã trong quá trình khai hoang. Vùng nông thôn ở khu vực Nam Bộ cũng được tổ chức thành những làng xã, nhưng với tên gọi “làng” không được phổ biến như ở phía Bắc mà thay vào đó là phương ngữ mang đậm tính chất Nam bộ đó là “thôn ấp”. Làng Nam Bộ không có lũy tre bao quanh với các cổng làng đặc trưng của từng địa phương, sáng mở tối đóng như làng xã ở Bắc Bộ, mà làng thường được định vị ở vùng đất cao (gọi là miệt giồng), phần nhiều các thôn ấp đồng ruộng mênh mông thẳng cánh cò bay, ở rời rạc cách xa nhau, không quy tụ chen chúc, không có những lũy tre xanh bao bọc xung quanh mà bờ tre chỉ là một biểu trưng để phân biệt ranh giới giữa các thôn ấp với nhau. Ở Nam Bộ đặc trưng là vùng sông nước (miệt sông), kênh rạch chằng chịt, hoạt động đi lại thường diễn ra trên sông nước, do đó các thôn ấp đều trải dài theo các bờ kênh rạch. Quanh miệt sông, nhà cửa san sát, ghe xuồng tấp nập ngang dọc. Mỗi bờ tre thường là địa đầu của một thôn ấp và thường trải dài theo triền kênh. Người dân không bị gắn chặt với quê hương, không bị bó hẹp trong thôn ấp của mình, do đó tính cách của người cư dân Nam Bộ theo đó cũng trở nên phóng khoáng hơn, tự do hơn.
Những ghi chép phản ánh trong các bộ sử lớn của nhà Nguyễn đều cho thấy chính sách dân tộc là một trong những chính sách lớn và quan trọng của nhà Nguyễn trong việc cai trị đất nước. Gia Định từ rất sớm đã là địa bàn cộng cư của nhiều cộng đồng sắc tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer … vì thế nhà Nguyễn càng chú trọng hơn đến chính sách dân tộc. Cụ thể là:
- Đối với cộng đồng cư dân Hoa: Kế thừa kinh nghiệm của các triều đại trước, nhà Nguyễn thực thi một chính sách xuyên suốt là cho họ nhập tịch và hưởng nhiều ưu đãi, tạo cho người Hoa một cuộc sống làm ăn ổn định để họ dần dần gia nhập vào cộng đồng người Việt, trở thành một bộ phận gắn bó trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu về nhân lực để khai khẩn vùng đất mới, nhà Nguyễn khôn khéo vừa khoan hoà, vừa thu phục trong chủ trương nhu viễn nhân: đối với kẻ sĩ, nhà Nguyễn thực thi chính sách tôn hiền; với nông dân, thực hiện sự khoan hoà rộng rãi giữa dân bản địa và bộ phận nhập cư; với thợ thủ công, thực hiện chính sách lai bách công, thu hút thợ trăm nghề; với thương nhân, tạo điều kiện cho họ làm ăn, nhưng cũng luôn đề cao tinh thần cảnh giác.
Do quan niệm về sự “đồng văn”, cùng hệ tư tưởng Nho giáo, nhà Nguyễn đã có chính sách tương đối cởi mở đối với bộ phận người Hoa. Ngay từ buổi đầu, cùng với những cải cách xã hội, nhà Nguyễn đã cho phép người Hoa ở Gia Định được phép tụ cư trong các nhóm cộng đồng của họ theo nguồn gốc địa phương, có quan hệ thân tộc từ Trung Quốc sang.
- Đối với người Chăm: nhà Nguyễn chủ trương gia tăng mạnh mẽ công cuộc giáo hoá và chính trị. Theo đó, nhà Nguyễn vừa xoa dịu sự phản ứng của người Chăm bằng các biện pháp mềm dẻo như tạm duy trì về mặt hình thức việc tồn tại của các dòng họ vua Chăm, cho phép “ dựng miếu thờ vua Chăm ở Kinh đô và thành Bình Thuận, mỗi năm cúng tế hai kỳ”; mặt khác vừa đẩy mạnh việc quản lý hành chính, áp đặt sự thống trị của nhà nước phong kiến, ban họ cho người Chăm, quy định y phục, sinh hoạt cho họ theo lối sống Việt.
- Đối với người Khmer: Người Khmer là cộng đồng đã đóng góp nhiều công sức vào công cuộc khai khẩn đất Gia Định, lại có mối quan hệ mật thiết với người Khmer ở Campuchia, có vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Nhà Nguyễn chủ trương dành cho người Khmer những quy chế mang tính “ tư trị” nhất định, như: cho phép các quan lại người Khmer cai quản các vùng Khmer, phong chức tước cho họ, duy trì các phong tục, tập quán dân tộc… .
Từ thời Minh Mạng, do nhu cầu củng cố hơn nữa vị trí, vai trò của nhà nước trung ương, Minh Mạng tăng cường kiểm soát các khu vực người Khmer bằng cách cử các quan lại người Việt đến cai trị ở các địa phương, ban họ cho người Khmer, cho lập sổ sách quản lý nhân đinh, điền thổ, thực hiện chính sách hoà mục dân tộc… . đặc biệt với vùng biên cương phía Tây Nam, vua Minh Mạng thường xuyên nhắc nhở các quan lại: “ hết sức khéo léo trong mọi trường hợp, trấn an và phủ dụ dân địa phương”, “ vùng biên giới quan trọng của quốc gia… phải đặc biệt chú ý đến việc cai trị”
Phát triển kinh tế, phá vỡ dần tính chất tự nhiên của nền kinh tế
Lê Quý Đôn trong cuốn Phủ Biên tạp lục viết vào những năm 80 của thế kỷ XVIII đã cho biết: người dân Thuận Hóa chủ yếu sống nhờ vào thóc gạo của xứ Đồng Nai-Gia Định. “Ngày trước việc buôn bán với Đồng Nai được lưu thông thì tại kinh thành Phú Xuân giá gạo một hộc mười thăng chỉ có ba tiền đồng mà có thể đầy đủ cho một người ăn trong một tháng, cho nên nhân dân ở Thuận Hóa chưa hề phải lưu tâm chú ý đến việc làm nghề nông. Ngày nay thành Quy Nhơn bị loạn lạc, thành Gia Định bị núi cách sông ngăn, nên nhân dân ở nơi đây lấy việc thiếu ăn làm điều lo lắng lớn”. Ghi nhận của Lê Quý Đôn cho thấy, từ thế kỷ XVIII, Gia Định đã là nơi cung cấp lúa gạo chủ yếu không chỉ cho nội vùng mà còn của cả xứ Đàng Trong, nhất là Thuận Hóa.
Trên cơ sở một nền nông nghiệp phát triển, các ngành nghề thủ công đã ra đời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của dân chúng và chính quyền. Hiện chưa có số liệu thống kê chính xác về số ngành nghề và số lượng thợ thủ công chuyên nghiệp, nhưng qua sử liệu của Nhà Nguyễn đã biết rằng vào cuối thế kỷ XVIII (1791), chính quyền chúa Nguyễn đã cho đặt ở Gia Định 62 ty, cục, tượng chuyên chế tạo các loại vật phẩm cung ứng cho nhu cầu của triều đình phong kiến. Đó là còn chưa kể đến thủ công nghiệp gia đình mang tính tự phát của nhân dân.
Việc lưu thông, buôn bán cũng đã diễn ra tấp nập. Lê Quý Đôn cũng mô tả “Miền Gia Định có rất nhiều lúa thóc… những lúc bình thường, người  ta chuyên chở thóc gạo ra bán tại thành Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc, nhiễu, trừu đoạn của người Tàu đem về may mặc, nên quần áo của họ toàn là hàng hoa màu tươi tốt đẹp đẽ. Ít khi họ dùng những áo quần bằng vải trắng”.
Cũng qua ghi chép về cuộc trò chuyện của một thương nhân ở nam Bố Chánh tên là Trùm Châm với Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục mà ta được biết về cách thức buôn bán của người Nam bộ khi ấy: “Khi đến địa giới Gia Định, xứ Vũng Tàu là xứ hải đảo có cư dân thì thu buồm nghỉ ngơi một chút, hỏi thăm nơi nào được mùa, nơi nào mất mùa, biết rõ nơi nào được mùa mới đến. Trước vào cửa Cần Giờ, rồi vào cửa Sài Lạp, cuối cùng vào cửa Đại, cửa Tiểu. Đến nới nào cũng thấy thuyền buồm đầy bến. Khi mặc cả thành giá thì người bán tự sai người nhà chuyển thóc xuống thuyền cho. Một tiền cổ mua được mười đấu lớn thóc, bằng ba bát ngang miệng của hộ phiên, tức là 30 bát quan, tính ra một quan đong được 300 bát quan thóc. Không có nơi nào giá thóc rẻ như thế. Ở đó, gạo rất trắng và mềm, cá tôm to và béo không thể ăn hết, nên dân thường luộc chín phơi khô để bán”.
Do sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế sớm mang tính chất hàng hóa, nên ngay từ thế kỷ XVIII, nhiều thị tứ, trung tâm buôn bán sầm uất đã ra đời, trong đó có những trung tâm thương mại nổi tiếng như: thương cảng Cù Lao Phố, tức Nông Nại đại phố (ở Biên Hòa); thương cảng Sài Gòn (tức Chợ Lớn ngày nay) hình thành và phát triển từ năm 1788; thương cảng Mỹ Tho (tức Mỹ Tho đại phố); thương cảng Bãi Xàu (Mỹ Xuyên ngày nay)  hình thành vào đầu thế kỷ XVIII…
Bằng tư duy thương nghiệp, tư duy hàng hóa, tiền tệ nhóm Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra ưu thế của Cù Lao Phố với vị trí quan trọng trong kinh doanh của đường thủy, đường bộ nối liền miền Trung, đường bộ lên Cao Miên và đường thủy xuống Gia Định. Tuy nằm không gần biển nhưng là nơi sông sâu, nước chảy có thể tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ và có thể sang tận Cao Miên. Phần lớn trong số họ đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù Lao Phố phát hoang, dựng nhà, lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ. Sẵn vốn liếng tiền bạc, với kinh nghiệm đã được tích lũy, họ liên lạc, móc nối lại các đường dây, khách hàng buôn bán cũ, họ đã khai thác các nguồn hàng lâm thổ sản dồi dào và phong phú trong vùng lúc bấy giờ. Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả: “Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội…”. Chỉ trong vòng vài ba thập niên đến nửa đầu thế XVIII, những di dân người Hoa đã biến Cù Lao Phố thành một thương cảng xuất nhập khẩu lớn thu hút thuyền buôn các nước đến buôn bán và trao đổi hàng hóa.
Việc buôn bán ở nơi thương cảng này được tổ chức khá bài bản, khéo léo và mang tính chất kinh doanh lớn dưới dạng xuất nhập khẩu, có nhiều kho hàng dự trữ hàng hóa nhập vào và dự trữ hàng hóa thâu mua với nhiều chân rết. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc giao dịch buôn bán với thương nhân nước ngoài. Theo Gia Định Thành thông chí thì: “phía Bắc ghềnh có vực sâu làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền các nước. Tàu buôn đến đây, hạ neo xong là lên bờ thuê phố ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lấy giấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuôn cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá và mua bao tất cả hàng hóa tốt xấu, không bỏ sót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là “hồi Đường”, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ hiệu buôn ấy cũng chiều ý ước đơn mà mua giùm và chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ và khách chiếu theo hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã có nước ngọt tắm rửa sạch sẽ, lại không lo hà trùng ăn lủng ván thuyền, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”[3].
Nguồn xuất khẩu chính ở Cù Lao Phố là lúa gạo, kế đến là nguồn gỗ quý dùng để đóng tàu và xây dựng nhà ở, ngoài ra còn có những mặt hàng lâm sản khai thác được như: ngà voi, sừng tê giác, gạc nai, các loại dược thảo, sáp ong, mật ong là những mặt hàng xuất khẩu rất được các chủ thuyền buôn ưa chuộng đặt hàng. Các loại nông sản khác như: chuối, xoài, trà, đường mía; các loại hải sản như tôm, cá, sò huyết, cua…;các loại khoáng sản như sắt, đá ong, cát…;các hàng mỹ nghệ thủ công như: hàng vàng bạc, đồ gốm, chiếu…cũng là những mặt hàng xuất khẩu ở Cù Lao Phố.
Nguồn nhập khẩu vào Cù Lao Phố, phổ biến là đồ sứ Trung Quốc, tơ lụa, vải bố, thuốc bắc, và các loại dược phẩm, đồng để đúc chuông, gạch ngói dùng để trang trí, các loại vật liệu dùng để xây dựng chùa, miếu và các loại khác như: nhang đèn, giấy, tiền, vàng bạc…
Trịnh Hoài Đức đã mô tả khá cụ thể về địa điểm buôn bán ngày xưa ở Cù Lao Phố, dài 5 dặm (khoảng từ 2 đến 3 km) tương ứng với các làng Bình Quang, Bình Kính, Thành Hưng, Tân Mỹ, Hưng Phú thuộc ấp Nhị Hòa, là những vùng không có nhiều ruộng để canh tác nhưng lại tập trung nhiều nhất những làng nghề thủ công, hơn nữa vùng này hướng chính của các ngôi nhà đều nằm ở bờ sông, có bến chợ để thuyền bè neo đậu dễ dàng.
Phạm vi hoạt động thương nghiệp ở Cù Lao Phố trong giai đoạn này được giới hạn về phía Bắc là Tân Giám, vì nơi đây lòng sông toàn cát, khi nước ròng người ta có thể lội từ bờ bên này sang bên kia sông, do đó thuyền bè khó có thể vượt qua được hoặc neo lại nơi đây và giới hạn về phía Nam là Bình Quang. Các tàu buôn thường đến Cù Lao Phố là tàu buôn phương Tây, Mã Lai, Nhật Bản, Trung Hoa…trong đó thương nhân Trung Hoa đóng vai trò trọng yếu, họ đã tạo ra một hệ thống đại lý thu mua và phân phối hàng hóa ăn sâu vào các bến sông, bến chợ từ đầu nguồn cho đến nơi cửa biển.
Có thể nói, Trần Thượng Xuyên có công rất lớn trong việc phát triển thương mại ở một vùng đất mới, chuyển đổi từ nông nghiệp tự túc, tự cấp sang nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Ông đã phát hiện ra tiềm năng lớn trong hoạt động kinh tế của vùng, khéo léo kích hoạt và tổ chức khai thác hiệu quả những tiềm năng đó. Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của trung tâm thương mại Cù Lao Phố đã mở đường đưa nông sản, lúa gạo sản xuất trong vùng trở thành hàng hóa.
Ở vùng Sài Gòn – Gia Định không chỉ phát triển nông nghiệp, mà nhiều trung tâm thủ công nghiệp, trung tâm thương mại đã rất phát triển. Như nghề thủ công, ở Sài Gòn có thôn chuyên làm nghề gốm, có thôn chuyên làm đinh, rồi thôn đan buồm, thôn đúc đồng, thôn làm nghề nhuộm… . Về thương nghiệp có vô số chợ lớn nhỏ, như ghi chép từ Trịnh Hoài Đức: chợ Bến Nghé với “phố xá trù mật”, chợ Cây Da Còm “ buôn bán suốt ngày”, chợ Bến Thành sầm uất hai bên kênh Sa Ngư, có đò ngang, cầu ván, “ phố ngói, hàng hóa tụ tập rất nhiều, dọc sông thương thuyền đậu liên tiếp”, chợ Thị Nghè trên bến dưới thuyền, rồi chợ Tân Kiểng, chợ Quán, Chợ Nguyễn Thực, chợ Bình An…  Ở các chợ, theo mô tả của du khách người Anh là Finlayson, có mặt ở Sài Gòn vào năm 1821 thì: gà, vịt, thịt heo, thịt sấu… đã nhiều lại rẻ, gạo trắng, cá tươi, cá khô, thuốc lá, hạt tiêu, đường, dao, kéo, đinh, sơn, buồm, chiếu, sừng v,v… không thể kể xiết, và trầu cau thì không thấy ở đâu nhiều bằng xứ này. Trịnh Hoài Đức cũng mô tả: trong các cửa tiệm bày bán gấm, đoạn, đồ sứ, giấy mực, sách vở, châu báu, thuốc men, trà lá…“ không thiếu món gì”.
Đặc biệt, Sài Gòn còn là một thương cảng lớn của khu vực. Từ đây, lúa gạo được thương lái chất lên thuyền đem bán cho nhiều nước ở Đông Nam Á, Trung Quốc. Ngoài người Việt, Sài Gòn còn là nơi tụ hội, lui tới của đủ mọi thành phần dân cư: Hoa, khmer, Ấn, Âu….              
Ở vùng Bắc sông Tiền, trên cơ sở những thành tựu của sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân đã đi vào nề nếp, hai khối cộng đồng dân tộc Việt và Hoa đã chung sức đồng lòng, ra sức phát triển Mỹ Tho, để nơi đây trở thành một trong ba trung tâm thương mại lớn nhất được thành lập đầu tiên ở Nam bộ.  Từ chợ phố lớn Mỹ Tho, thuyền buôn ngược dòng sông Tiền theo hướng tây lên Cai Lậy, Cái Bè và xa hơn nữa là Cao Miên; hoặc xuôi dòng sông Tiền về phía đông đến Chợ Gạo, Gò Công, rồi ra cửa Tiểu, sau đó đến chợ Sài Gòn hay Phú Xuân – Huế; hoặc theo kênh Bảo Định qua sông Vàm Cỏ Tây, Bến Lức đến chợ Sài Gòn. Không chỉ thế, chợ phố lớn Mỹ Tho còn là thương cảng có quan hệ buôn bán với nước ngoài, nhất là với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Chân Lạp (Campuchia), Giava (Indonêxia), Lữ Tống (Philippin), v.v Mỹ Tho đại phố là một trong những đầu mối giao thương giữa người Việt, người Hoa, Khmer, Ấn Độ và các quốc gia lân cận. Sách xưa mô tả, hàng ngày ghe thuyền từ khắp nơi tụ về đậu kín, trên bờ "ngựa xe như nước, áo quần như nêm", khung cảnh phồn vinh tấp nập. Tới năm 1781, triều đình cho dời lỵ sở của dinh Trấn Định từ thôn Tân Hiệp (huyện Châu Thành ngày nay) về Mỹ Tho đại phố và từ đó hình thành trung tâm kinh tế, thương mại, hành chính Mỹ Tho.
Cùng với hoạt động nông nghiệp là nhân tố chính đem đến sự giàu có của Hà Tiên, hoạt động thương nghiệp đã tạo ra một diện mạo mới cho Hà Tiên. Kinh tế thương nghiệp nhanh chóng trở thành ngành kinh tế chủ đạo của trấn Hà Tiên với hải cảng Hà Tiên là nơi thu hút những tàu buôn người Mã Lai, người Xiêm, người Việt, người Trung Hoa hay cả những người phương Tây như Bồ Đào Nha tới buôn bán, làm cho Hà Tiên nhanh chóng trở thành khu vực phồn thịnh. Theo Mạc Thị gia phả thì sự sầm uất của Hà Tiên khi ấy chính là kết quả của nhiều yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhưng căn bản nhất vẫn là nhân hòa. Họ Mạc đã áp dụng ở nơi đây một chính sách thuế nhẹ nhàng, khôn khéo nên thu được khách thương về tụ hội. Sự phồn thịnh đó còn bắt nguồn từ chính sách của họ Mạc trong việc nhanh chóng phát huy khối đoàn kết giữa các tộc người Hoa, Việt, Khơ Me, Đồ Bà…vì mục đích chung.
2.2.     ĐỐI VỚI QUỐC TẾ:
Tăng cường ảnh hưởng chính trị đối với khu vực
Thành quả mở đất về phương Nam trong các thế kỷ XVII-XIX đã tạo cho Đại Việt tầm ảnh hưởng to lớn đối với khu vực Đông Nam Á. Các Lào, Chân Lạp là những  quốc gia có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa lại chung đường biên giới với Đại Việt nên đã sớm thiết lập quan hệ nhiều mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế…). Xiêm đến đầu thế kỷ XIX (1807) cũng chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Gia Long. Nhờ đó, vị thế của Đại Việt ngày càng được củng cố và phát triển.
Về mặt ngoại giao, đến thế kỷ XIX chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ đã chính thức được các nước láng giềng, trong đó có cả Cao Miên thừa nhận trong các văn bản có giá trị pháp lý quốc tế.
Trong quan hệ chính trị - ngoại giao, Việt Nam và Xiêm có mối quan hệ khá đặc biệt từ thời các chúa Nguyễn, có lúc đối đầu, có lúc bình đẳng, có lúc lệ thuộc nhau. Nguyễn Ánh từng lưu vong, cậy nhờ Xiêm. Quân Xiêm từng kéo vào Nam Bộ giúp Nguyễn Ánh khôi phục vương quyền, bị Nguyễn Huệ đánh cho đại bại. Kể từ triều Gia Long (1802), quan hệ giữa Đại Việt và Xiêm La ở thế cân bằng, mặc dù đôi khi vẫn xung đột và tranh chấp quyền bảo hộ Chân Lạp. Hai nước cũng từng ký các văn bản liên quan đến việc phân định lãnh thổ. Tháng 12 năm 1845, ba nước An Nam, Xiêm La (Thái Lan) và Cao Miên ký một Hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm 1846, một Hiệp ước ký giữa An Nam và Xiêm La có nhắc lại điều đó và Cao Miên sau đó cũng tham gia vào Hiệp ước này.
Tạo thế và lực thúc đẩy giao lưu kinh tế với quốc tế
Khi làm chủ đất Nam Bộ, chính quyền họ Nguyễn đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển các mối quan hệ với quốc tế, đặc biệt là các láng giềng gần thông qua nhiều biện pháp chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế… . Một trong những biện pháp tích cực để phát triển các mối giao lưu là chú trong mở mang hệ thống giao thông thủy bộ và hệ thống giang trạm ở Nam bộ.
Công trình xây dựng đường sá đáng chú ý là công trình xây dựng con đường “Thiên Lý” đi về phía Tây, gọi là đường “Sứ”. Nguyên từ thời Nguyễn có con đường mòn đi từ dinh Điều Khiển qua Chân Lạp. Tháng 10 năm Aát Hợi (1818), niên hiệu Gia Long thứ 14, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt cho đo đạc từ cửa Đoài Duyệt phía Tây thành Bát Quái đến cầu Tham Lương bến đò Thị Lựu qua Chằm Lão Nhông giáp ngã ba đường Sứ qua Khê Lăng đến kho phế nước Chân Lạp rồi đến sông lớn (tức sông Mê Kông) dài 439 dặm (đường Thiên lý ngày nay là đường quốc lộ 22).
Tại tỉnh lỵ Gia Định có đường đi đến miền Tây, miền Trung và lập các đường liên thôn, liên phường (có nhiều cầu, nhiều bến đò)
Năm Gia Long thứ 18 (1819) nhà vua hạ lệnh cho phó tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý huy động 11.460 dân khu khởi đào từ cầu Thị Thông đến kinh Ruột Ngựa dài 1064 trượng, bề ngang 7 trượng 5 thước, sâu 9 thước, 2 bên bờ để khoảng đấùt trống dọc theo rộng 1 trượng. Vua đặt tên cho là An Thông Hà thông thương đường thuỷ từ Bến Nghé đến miền Tây (kinh Tàu Hũ).
Công trình thứ hai dưới thời Gia Long là sông Bảo Định năm Kỷ Mão (1819) Gia Long thứ 18, vua sai trấn thủ Định tường là Bửu Thiện Hầu Nguyễn Văn Phong đo từ Tổ Thang trông đến Húc Đồng dài 40 dặm rưỡi, huy động 9679 dân phu trong trấn, cấp tiền, gạo, chia làm ba phía thay nhau đào mở , bề ngang 15 tầm, sâu 9 thước, hai bên có đường quan lộ rộng 6 tầm, toàn bộ kinh dài 22 km nối sông Vàm Cỏ Tây, nối thị xã Tân An với sông Mỹ Tho.
Ngoài ra, còn tu chỉnh nạo vét các con sông như sông Thoại Hà ( tên cũ là Tam Khê) và sông Vĩnh Tế ở vùng Hà Tiên, Châu Đốc. Riêng kênh Vĩnh Tế đã huy động dân Việt, dân Chân Lạp và binh lính đồn Uy Viễn khởi công đào từ năm Kỷ Mão (1819) đến tháng 5/1824 thời Minh Mạng mới hoàn thành. Công trình sông Vĩnh Tế là công trình lớn, có sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Văn Thoại. Nhà vua đặt tên là Vĩnh Tế Hà là công trình có giá trị cao về mặt kinh tế và quân sự.
Thời bấy giờ vận tải chủ yếu bằng ghe. Tháng giêng năm Quý Dậu( 1813) Gia Long năm thứ 12, nhà vua truyền lệnh cho các quan trấn thủ, tức là quan giữ các cửa biển phải đo cửa biển, chỗ nào sâu, rộng, cạn, hẹp để mỗi năm đầu mùa xuân, mùa đông dâng bản vẽ lên triều đình. Bộ Công giao cho các đội lính thủy đào vét, kiểm tra.
Tất cả các thuyền phải ghi họ tên lên thuyền để dễ phân biệt. Các tỉnh phải có màu sắc riêng: Gia Định màu đỏ, Vĩnh Long, Định Tường màu đen, Trấn Tây ( Chân Lạp) An Giang, Hà Tiên sắc lục… kẻ màu sơn màu sai quy định thì phạt tội nặng.
Công tác vận tải phải lên lịch ( kỳ vận tải) sổ vận tải, người giữ chức thống lãnh và người phụ giải.
Dưới thời các chúa Nguyễn – hệ thống bưu trạm được tổ chức chu đáo. Hình thức chuyển, nhận thông tin là các trạm truyền thông nhau giống như  chạy tiếp sức.
Phương tiện gồm: đi bộ, ngựa , thuyền bè. Dọc đường giao thông thủy bộ đặt các trạm cách nhau một khoảng vừa sức đi bộ trong một ngày thong thả – khoảng 40 – 50 km.
Trong năm Nhâm Thân (1812), Gia Long năm thứ 11 cho xây dựng nhà trạm, mỗi trạm cấp cho 300 quan tiền, đặt một viên đội trưởng, một viên phó đội trưởng – thường gọi là đội trạm. Quan chức đội trạm mỗi năm được cấp 600 phương gạo. Trên đường thủy, số nhân viên phụ trạm đông hơn, vì phải nhiều người chèo thuyền, tất cả giấy tờ bỏ vào ống tre có nắp đậy và dấu niêm phong. Thường nơi đặt các trạm dần dà trở thành trung tâm thị tứ, chợ búa, dân cư đông đúc.
Những chính sách, biện pháp thúc đẩy giao thương, mở mang giang trạm của chính quyền đã góp phần thay đổi nhanh chóng hoạt động kinh tế - xã hội ở Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ XIX, Nam Bộ đã trở thành một trung tâm kinh tế phát đạt của khu vực Đông Nam Á và thiết lập quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.
Các giáo sĩ, thương nhân Pháp có mặt tại Nam Bộ vào đầu thế kỷ XIX đã không ngớt ca tụng về sự giàu có và thuận tiện của xứ này, đồng thời không ngừng thúc giục chính phủ Pháp bằng mọi cách phải chiếm lấy Nam Bộ làm thuộc địa. Dưới đây là một số ghi chép của họ về  trieån voïng Nam Kyø:
“Thưa Ngài, hiện nay xứ Nam Kỳ không giống bất cứ một thuộc địa nào khác của chúng ta. Nam Kỳ không cần những viện trợ nhân đạo phải vun bón khó nhọc như đối với một số thuộc địa khác. Nam Kỳ tự đủ sức nuôi sống dân cư gấp 20 lần. Năm 1862, chúng ta thu nhập ở Nam Kỳ 3 triệu francs, và sẽ còn thu nhập hơn thế.
“ Những cửa cảng tuyệt vời, một dòng sông mênh mông và ưu đãi, thuận tiện cho những con tàu trọng tải lớn nhất dễ dàng di chuyển suốt hai đầu xứ sở, lại có thể chuyên chở ít tốn kém những sản vật giàu có của miền Thượng về các kho chứa tại sài Gòn. Những con rạch chằng chịt mọi nẻo, chỉ cần vài tu chỉnh đơn giản và bảo đảm được an ninh là có thể trở thành những tuyến thương mại hạng nhất.”
“ Đất đai Nam kỳ với độ phì nhiêu kỳ lạ, với hàng triệu lao động nông nghiệp bản xứ, đó là thực tế hùng hồn của thuộc địa tuyệt diệu này. Và một khi toàn bộ Nam Kỳ thuộc về nước Pháp, thì ngoài Aán Độ của Anh, chẳng có thuộc địa nào trên hành tinh này có thể sánh bằng…
“Nam Kỳ cũng có thể là kho gạo dự trữ của Trung Quốc và Ấn Độ, là kho bông, lục và hương liệu của nước Pháp. Từ ngày 22/3/1860 đến ngày 1/7/1860 (nghĩa là chỉ trong 4 tháng)  đã có 79 tàu từ châu Aâu thuộc hầu hết các nước châu Aâu vào cảng Sài Gòn, không kể  118 tàu thuyền Trung Hoa. Trị giá hoạt động thương mại này – trong đó lúa gạo chiếm 2/3 – có thể lên đến 7 triệu francs. Trong năm 1861, nghĩa là sau hai năm chiến tranh và phải đối phó với đủ mọi trở ngại, Nam Kỳ đã xuất khẩu từ 10.000 đến 15.000 piculs (gần 2 triệu livres) bông sống có phẩmchất cao. Những kết quả trên cho thấy một triển vọng to lớn trong lĩnh vực trồng trọt, một khi được khuyếb khích và tổ chức khai thác tốt (…). Lại còn những mỏ than đã được thăm dò ở Angkor phía Bắc Biển Hồ, một khi được ta khai thác thì Sài Gòn sẽ là điểm trung chuyển của tất cả các tàu đi Trung Hoa và Nhật Bản. Sài Gòn cung cấp gỗ dồi dào cho hàng hải. Sẽ có một hải đoàn tại chỗ với những công trường, những bến hậu cần, sửa chữa tàu bè… vả chăng, nếu Nam Kỳ không hứa hẹn những nguồn lợi vô tận như vậy thì tại sao Công ty vận tải Hoàng gia lại khẩn thiết xin bao thầu dịch vụ chuyển vận thường xuyên giữa Suez và Sài Gòn? Và hẳn rằng dịch vụ này sẽ được hình thành trong những điều kiện khá thuận lợi, có thể cạnh tranh với hải đoàn Anh về độc quyền thông vận mau lẹ với vùng Viễn Đông… .[4].
3.KẾT LUẬN
Nam Bộ là vùng địa lí, lịch sử văn hoá đặc sắc, một không gian văn hoá xã hội mang đặc trưng đa dạng cộng đồng tộc người, (Kinh - Hoa - Khmer - Chăm...), đa dạng tôn giáo. Đó là một quần thể văn hoá phong phú, đầy sức sống, phong cách ứng xử tự do, phóng khoáng, sáng tạo… . Đây là những yếu tố đặc thù quan trọng đóng vai trò là tác động chính tạo ra nếp sống, tính cách sinh hoạt sản xuất, sinh  hoạt văn hoá, qui định các mối quan hệ giao lưu, ứng xử trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người trong vùng từ khi mở cõi.
Về  kinh tế - xã hội, Nam Bộ có nền kinh tế nông nghiệp truyền thống  mang màu sắc “khẩn hoang”; các loại hình kinh tế đa dạng: kinh tế biển, kinh tế rừng, kinh tế đồng bằng… nhưng nổi bật vẫn là nông nghiệp đồng bằng vùng ngập lũ. Với những nét đặt trưng của vùng kinh tế khẩn hoang, cư dân trong vùng sớm hình thành thế ứng xử năng động, sáng tạo đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trên vùng đất mới ngay từ thời kỳ đầu khai phá. Cư dân Nam Bộ không chấp nhận vòng luẩn quẩn của nền kinh tự cung tự cấp, bảo thủ mà luôn sẵn sàng đổi mới, linh hoạt trong sự cạnh tranh và hợp tác để phát triển.
Vị trí địa lí của Nam Bộ có sức hấp dẫn đối với cả trong nước và quốc tế: có vùng biển rộng tiếp giáp với các nước  ASEAN; có hệ thống sông ngòi chằng chịt chứa đựng nhiều tiềm năng về nhiều mặt; có hệ thống cảng sông, cảng biển thuận lợi, .. tạo cho Nam Bộ có vị thế mở ra thị trường quốc tế.
Đối với trong nước, Nam Bộ có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo thế chiến lược để tiếp xúc và giao lưu với các vùng lãnh thổ khác khá thuận lợi. Nguồn lợi từ đất, nước, nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu…  đã tạo cho vùng này một ưu thế vượt trội trong liên kết, hợp tác với các vùng lãnh thổ và kinh tế của cả nước.
Từ những đặc điểm và lợi thế trên, Nam Bộ là vùng kinh tế - xã hội quan trọng của Việt Nam, có những yếu tố đặc thù về nguồn tài nguyên, kinh tế - xã hội, những cơ sở của một vùng kinh tế giàu tiềm năng phát triển và hội nhập toàn diện, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của dân tộc. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Trịnh Hoài Đức - Gia Định thành thông chí, Viện Sử học, NXB Giáo dục, 1998.
2. Huỳnh Lứa – Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1987
3. Trần thị Mai – vai trò của cộng đồng người Việt trong công cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long (thế kỷ XVII-XIX), đề tài khoa học cấp Bộ, 2008.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt.
5. Nguyễn Phan Quang- Góp thêm tư liệu về Sài Gòn – Gia Định từ 1859 – 1945, Nhà xuất bản Trẻ.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam bộ, 2010


[1] Dẫn lại từ Lương Ninh, Vương quốc phùNam lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa và NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 209.
[2] Huỳnh Lứa (chủ biên), lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Trang 37.
[3] Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí, bản dịch, Nxb giáo dục, 1998, tr 24.
[4] Nguyễn Phan Quang- Góp thêm tư liệu về Sài Gòn – Gia Định từ 1859 – 1945, Nhà xuất bản Trẻ., tr. 29 – 31