THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 1/11/2012
TTXVN (Niu Yoóc 31/10)
Đánh giá vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở các nước
khu vực Bancăng trong những năm gần đây, tạp chí “National Interest” của
Mỹ mới đây cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang có chuyến
công du đến các nước khu vực này. Tình hình chính trị hiện nay của khu
vực là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Oasinhtơn, nhưng thực tế ảnh
hưởng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực đang mất dần, trong
khi các cường quốc khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ixraen ngày càng hoạt
động tích cực trong khu vực.
Hy Lạp, quốc gia đầu tiên của khu vực Bancăng trở
thành thành viên NATO và EU, là câu chuyện thành công lớn của Đông Nam
Âu và cũng là nước có nguy cơ sụp đổ nghiêm trọng nhất. Hơn nữa, các khó
khăn và tính không chắc chắn ở khu vực châu Âu đang lan rộng do cuộc
khủng hoảng khu vực đồng euro và khu vực Bancăng đang trải qua quá trình
chuyển đổi không ổn định từ một cơ cấu an ninh tương đối rõ ràng sang
một cơ cấu an ninh không rõ ràng, trong đó các lực lượng mới đóng vai
trò ngày càng quan trọng khi các cường quốc trước đây không quan tâm và
đánh mất ảnh hưởng trong khu vực. Giai đoạn kéo dài từ khi ký thỏa thuận
hòa bình Dayton cuối năm 1995 đến tuyên bố đơn phương độc lập của
Côxôvô tháng 2/2008 đã xác định Nền hòa bình kiểu Mỹ của Bancăng, trong
đó tất cả các nước lớn trong thể chế chính trị châu Âu đều chấp nhận kế
hoạch an ninh của Mỹ đối với khu vực Bancăng. Quan trọng hơn, thậm chí
Nga cũng ủng hộ quan điểm của Mỹ về sự ổn định của Bancăng như: thỏa
thuận Dayton, Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an chấm dứt cuộc xung đột
Côxôvô và thỏa thuận Ohrid năm 2001 ở Mácxêđônia. Những sự đồng thuận
quốc tế về cơ cấu an ninh và chính trị của Bancăng bị đổ vỡ sau khi
Côxôvô tuyên bố độc lập-vấn đề khiến Chính phủ Nga thường xuyên tuyên bố
không bao giờ chấp nhận. Bên cạnh đó, ngay cả trong nội bộ EU cũng chia
rẽ về vấn đề này, trong đó 5 nước thành viên EU không công nhận sự độc
lập của Côxôvô. Do sự đồng thuận quốc tế về một cơ cấu an ninh và chính
trị hợp pháp của Bancăng tan vỡ, từ năm 2008 sức mạnh và ảnh hưởng của
Mỹ ở Bancăng ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, Mỹ không còn sở hữu các
phương tiện ngoại giao, kinh tế hay quân sự để thúc đẩy sự thay đổi tích
cực trong khu vực và trái lại nền ngoại giao không chuyên nghiệp và
không hiểu hết các khó khăn trong khu vực của Oasinhtơn cho thấy Mỹ chỉ
có thể tạo nên các khó khăn ở Đông Nam Âu nhiều hơn là giải quyết các
khó khăn đó.
Bên cạnh việc mất quyền lãnh đạo ở Đông Nam Âu
của Mỹ là cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro – hậu quả do Brúcxen không
thể tạo ra cho khu vực một con đường rõ ràng về hội nhập trong tương lai
hoặc các sáng kiến nhằm cải cách cơ cấu kinh tế và chính trị quan
trọng. Mácxêđônia đã chờ đợi vô ích từ năm 2005 đến nay để nhận được
thời hạn bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU và trong toàn khu vực.
Nỗi lo sợ lớn nhất sau khi Crôatia gia nhập EU giữa năm 2013 là vấn đề
mở rộng EU hơn nữa sẽ chấm dứt trong thập kỷ tới. Một ví dụ rõ ràng cho
thấy EU đánh mất ảnh hưởng trong khu vực là gần đây Bungari quyết định
không tham gia khu vực đồng euro. Sự chấm dứt Nền hòa bình kiểu Mỹ ở
Bancăng và mối lo ngại của EU trước những khó khăn đã tạo nên một khoảng
trống ở Đông Nam Âu và do thể chế chính trị luôn căm ghét khoảng trống,
một số cường quốc đang lao vào để lấp đầy khoảng trống chính trị và an
ninh ở khu vực này. Mấy năm qua, ảnh hưởng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm
chí Ixraen ngày càng tăng khi sức mạnh của Mỹ và EU ngày càng suy yếu.
Hơn nữa, các cuộc bầu cử tự do và công bằng đã mang lại cho các nhà hoạt
động chính trị, các tiến trình và các tổ chức trong khu vực tính hợp
pháp hơn và cùng với điều đó vấn đề độc lập đã thách thức các tuyên bố
tùy tiện của các quan chức quốc tế. Văn phòng Đại diện cấp cao (OHR) tại
Bôxnia được các bên tham gia Thỏa thuận Dayton thành lập là ví dụ quan
trọng cho thấy ảnh hưởng giảm sút của phương Tây. Một đánh giá của OHR
cho biết từ lâu cơ quan này trở nên hoàn toàn không phù hợp tại Bôxnia.
Một đánh giá thực tế khác còn công khai thừa nhận rằng OHR của chủ nghĩa
thực dân kiểu mới đã biến thành trở ngại chính cản trở quá trình chuyển
sang dân chủ và đồng thuận liên sắc tộc của Bôxnia. Tại Côxôvô, gần đây
cơ quan Đại diện Dân sự Quốc tế của OHR đã đóng cửa hoàn toàn và cho
biết cộng đồng quốc tế không muốn bị lừa dối hơn nữa tại Côxôvô.
Khoảng trống ở Đông Nam Âu đang được lấp đầy chủ
yếu bởi hai cường quốc láng giềng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Recep
Tayyip Erdogan quyết định áp dụng một chương trình Hồi giáo quyết đoán
/Ốttôman kiểu mới trong khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng ủng hộ những người
Hồi giáo khu vực mà họ coi là những người kế thừa di sản Ốttôman.
Như ông Erdogan tuyên bố sau khi chiến thắng cuộc
bầu cử quốc hội của đảng mình tháng 6/2011: “Xaraevô chiến thắng hôm
nay cũng là chiến thắng của Ixtanbun”. Thậm chí gần đây ông Erdogan
tuyên bố cố lãnh đạo người Hồi giáo Alija Izetbegovic đã để lại Bôxnia
cho ông ta khi còn trên giường bệnh. Trong khi đó, Nga thâm nhập khu vực
bằng cách riêng của họ. Bằng cách cung cấp cho đảo Síp gói cứu trợ tài
chính hoặc cung cấp cho Hy Lạp các khoản vay để nước này cho phép Nga sử
dụng bến cảng Piraeus, ảnh hưởng của Nga tại khu vực Bancăng đã và đang
gia tăng đáng kể trong mấy năm qua. Hiện nay Nga là nguồn đầu tư nước
ngoài chủ yếu ở Bôxnia và Xécbia. Cơ sở tạo nên ảnh hưởng ngày càng tăng
của Nga trong khu vực là đường ống dẫn khí đốt phía Nam, từ đó phát
triển đến hầu hết các nước Đông Nam Âu. Tổng thống Putin sẽ tham gia
buổi lễ khởi công xây dựng đường ống này ở Xécbia tháng 12/2012. Cùng
lúc đó, một trong những phát triển thú vị nhất của khu vực Bancăng những
năm gần đây là vai trò ngày càng tích cực của Ixraen trong khu vực. Để
bổ sung cho sự giảm sút trong quan hệ Ixraen-Tho Nhĩ Kỳ, Ixraen tích cực
tìm kiếm các đồng minh Bancăng mới. Ví dụ, hợp tác quân sự giữa Ixrean
với Hy Lạp đã được hai nước thúc đẩy và phát triển mấy năm qua. Tiếp đó
hai nước phát triển các khu vực khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung
Hải. Ixraen cũng đã bắt đầu phát triển các mối quan hệ chặt chẽ với
người Serb ở Bôxnia và Hécxêgôvina, Cộng hòa Srpska (RS). Trong tương
lai không xa, Ixraen sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Bungari, Rumani và
Xécbia.
Thật đáng tiếc, hiện nay Bancăng còn có lực lượng
gây mất ổn định an ninh cho khu vực: đó là mối đe dọa của các chiến
binh Hồi giáo và Wahhabite đang phát triển ở Đông Nam Âu. Cuộc tấn công
khủng bố ngày 18/7 trên một chiếc xe buýt chở đầy khách du lịch Ixraen ở
Burgas của Bungari chỉ là ví dụ mới nhất. Tháng 4/2012, các chiến binh
Hồi giáo sát hại 5 người ở ngoại ô thủ đô Xcốpgie của Mácxêđônia. Tháng
10/2011, một lực lượng Wahhabite tấn công Sứ quán Mỹ ở Xaraevô. Ngoài
ra, bọn khủng bố liên tục tấn công hàng loạt mục tiêu khác trong khu vực
như: vụ đánh bom tháp Khobar, tàu USS Cole, Sứ quán Mỹ ở Kênia và
Tandania… và tất cả các cuộc tấn công đó đều có quan hệ với khu vực
Bancăng. Nhưng Oasinhtơn và Brúcxen liên tục không công nhận mức độ
nghiêm trọng của vấn đề. Vì vậy, nếu không có sự đồng thuận quốc tế về
các kế hoạch thích hợp của một cơ cấu an ninh mới ở Bancăng, Mỹ ngày
càng tập trung vào các vấn đề ở Trung Đông và các thách thức dọc vành
đai Thái Bình Dương, EU tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hiện
nay của họ và các nước khu vực mới hỗ trợ các đồng minh khu vực của họ…
những khó khăn hiện nay của Bancăng sẽ kéo dài và ít có khả năng được
quản lý như giai đoạn từ 1995-2008. Bôxnia vẫn phải vật lộn với các khó
khăn chính trị và hiến pháp như nước này vấp phải cách đây 12 năm và rõ
ràng vấn đề chủ yếu của Bôxnia là Thỏa thuận Oasinhtơn năm 1994, theo đó
thành lập một liên bang giữa những người Hồi giáo và người Croatia.
Côxôvô tiếp tục chia rẽ nội bộ và không được đa số cộng đồng quốc tế
công nhận (kể cả các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
và các nước BRICS). Mối quan hệ liên sắc tộc ở Mácxêđônia đang xấu đi và
cuộc tranh chấp tên giữa Mácxêđônia với Hy Lạp tiếp tục cản trở hy vọng
của Xcốpgie nhằm hội nhập đầy đủ vào các tổ chức của châu Âu-Đại Tây
Dương. Tân Chính phủ Xécbia có rất nhiều vấn đề để nghi ngờ các nước
láng giềng khu vực, Oasinhtơn và Brúcxen. Chưa kể tất cả các nước khu
vực đang bị thất nghiệp từ 20-50%.
Tóm lại, thách thức đối với chính sách của Mỹ khi
Ngoại trưởng H. Clinton đến thăm các nước Bancăng là liệu các nhà hoạch
định chính sách của Mỹ có hiểu hết những thay đổi đang diễn ra ở Đông
Nam Âu để điều chỉnh chính sách của Mỹ cho phù hợp. Mục tiêu chiến lược
của Mỹ trong hầu hết thập kỷ qua là lôi kéo tất cả các nước Đông Nam Âu
vào EU và NATO. Mặc dù mục tiêu đó vẫn có khả năng thực hiện, nhưng nó
đòi hỏi Mỹ phải quan tâm hơn nữa đến khu vực thông qua các chuyến thăm
thường xuyên của các quan chức cấp cao kèm theo các khoản viện trợ nhân
đạo và phát triển. Bên cạnh đó, khu vực cũng yêu cầu Mỹ phải nhận thức
rằng vấn đề ổn định khu vực đòi hỏi sự đồng thuận khu vực; sự thỏa hiệp
giữa các cường quốc quốc tế và quan tâm đầu tư của họ.