THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 6/11/2012
Tạp chí “The World” (Mỹ) vừa có bài phân tích
sự tranh giành ảnh hưởng và lợi ích giữa Mỹ với Trung Quốc tại một số
địa bàn trọng yếu trên thế giới. Nội dung chính như sau:
Cả hai cùng giành giật châu Phi
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiến
hành chuyến thăm nhiều nước châu Phi, với mục tiêu được công bố là “xúc
tiến nền dân chủ”, nhưng thực ra còn có một mục tiêu khác, quan trọng
hơn, đó là nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Phi trước mối nguy hiểm
của cuộc tấn công kinh tế của Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, một cuộc chiến tranh bí mật
tranh giành nguồn tài nguyên ở châu Phi đã diễn ra giữa các nước phương
Tây đang trên đà suy giảm và Trung Quốc đang bành trướng rất mạnh mẽ. Từ
năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của châu
Phi. Năm 2009, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt kỷ lục tới 166,3 tỷ
USD, tăng 83% so với năm 2008. Trung Quốc lại vừa thông báo tăng (tới
20 tỷ USD các khoản tín dụng cho châu Phi. Trung Quốc xây dựng đường sá,
tài trợ cho các trường đại học và các trung tâm xã hội tại các nước mà
người Trung Hoa gọi là “bị thế giới lãng quên”. Trong những chuyến thăm
trên, bà Hillary Clinton đã nhiều lần nói úp mở với các vị chủ nhà châu
Phi rằng lịch sử xưa và nay đã cho thấy cần phải dè chừng Trung Quốc như
thế nào.
Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục chi phối châu Phi
thông qua các mạng lưới chính trị kinh doanh của họ và các thể chế đa
phương, như Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), và đã
đạt được kết quả. Chẳng hạn, Mali đã bị WB buộc phải chuyên về sản xuất
bông, cạnh tranh với bông của Bắc Mỹ là nơi được hưởng trợ cấp của cường
quốc tự do hàng đầu. Bà Clinton chắc chắn đã không yêu cầu châu Phi
phải dè chừng các tổ chức này, nhưng bà đã đề nghị họ quan hệ với Trung
Quốc như thế.
Trung Quốc và Mỹ với những lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương
Tình hình căng thẳng mới đây trong khu vực, nhất
là về vấn đề kiểm soát một số hòn đảo ở Biển Đông, đã cho thấy những
tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc, và Mỹ đang tìm cách ngăn chặn
bằng mọi giá.
Tình hình căng thẳng ở châu Á-Thái Bình Dương có
nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng hoặc chiến tranh, đấy là nhận xét
của Mỹ tại diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), được
tổ chức tại Vladivostok, miền cực Đông của Nga, cách đây chưa lâu. Diễn
đàn năm nay được tổ chức nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế thế
giới, nhưng nó cũng bị chi phối bởi các cuộc tranh cãi về lãnh thổ đang
nổi lên mới đây giữa các nước châu Á tại Biển Đông. Diễn đàn hợp tác
kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 nước nằm xung quanh Thái Bình
Dương. Trong cuộc họp cấp cao này, nhiều nhà lãnh đạo đã bày tỏ mối lo
ngại về tình hình ở Biển Đông. Nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng
này là do Trung Quốc, nước không ngừng đòi chủ quyền đối với toàn bộ
vùng Biển Đông (nằm ở Thái Bình Dương và giàu tài nguyên thiên nhiên),
kể cả các vùng gần bờ biển của các nước láng giềng như Việt Nam và
Philíppin. Các ý đồ này của Trung Quốc đã khiến các nước ASEAN chia rẽ
tới mức đây là lần đầu tiên trong 45 năm tồn tại, các nước ASEAN đã
không thỏa thuận được với nhau về một thông cáo chúng trong một cuộc họp
cấp cao vào tháng 7 vừa qua.
Việt Nam và Philíppin đã tố cáo Trung Quốc có
những hành động hăm dọa để mở rộng chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Ngoài hai nước này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản cũng nhanh
chóng bị xấu đi nghiêm trọng trong những ngày qua do tranh chấp chủ
quyền các đảo Senkaku/Điếu Ngư là trung tâm của một cuộc chiến đòi chủ
quyền giữa hai nước. Các hòn đảo này, giàu cá và dầu lửa, hiện thuộc
Nhật Bản, và những người theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản đã
thể hiện ý muốn quốc hữu hóa nó. Thông báo này đã lập tức châm ngòi và
làm bùng phát tình hình căng thẳng giữa Tôkyô và Bắc Kinh. Các nhà lãnh
đạo Trung Quốc coi đây là một sự khiêu khích mới và một sự vi phạm lãnh
thổ của Trung Quốc, và đòi Nhật Bản phải chấm dứt ý tưởng trên, phải
thực hiện những hành động cụ thể để cùng với Trung Quốc giảm bớt tình
hình căng thẳng.
Trong một nỗ lực tháo ngòi nổ cho cuộc khủng
hoảng giữa hai siêu cường kinh tế này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
đã thực hiện một chuyến thăm tới Bắc Kinh, tại đây bà đã ủng hộ một quan
điểm đa phương để tìm cách giải quyết bất đồng về lãnh thổ ở Biển Đông.
Trên thực tế, từ khi cuộc khủng hoảng diễn ra, Mỹ đã đứng về phía đồng
minh của mình là Nhật Bản. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Victoria
Nuland, đã thẳng thắn chỉ rõ Senkeku/Điếu Ngư nằm trong điều khoản 5 của
Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, vì vậy, Mỹ sẵn sàng tới cứu giúp Nhật Bản bảo
vệ các hòn đảo này. Chính vì thế mà bà Clinton đã nhận được “một sự đón
tiếp lạnh nhạt” từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ đã công khai
yêu cầu bà đừng dính líu vào cuộc tranh chấp lãnh thổ và cảnh cáo bà
trước mọi sự gây tổn hại của Mỹ đến nhũng lợi ích cơ bản của Trung Quốc.
Được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đón tiếp, bà Clinton đã
đưa ra những lời lẽ mang tính hòa giải, khẳng định rằng vì lợi ích chung
nên Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như các nước có tranh chấp lãnh
thổ, lãnh hải khác với Trung Quốc, phải tiến hành một tiến trình ngoại
giao, phải đối thoại để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, chuyến thăm
Trung Quốc của bà Hillary Clinton nằm trong khuôn khổ một chuyến thăm
châu Á-Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày bắt đầu là Inđônêxia, sau đó là
Timo Lexte, Brunây và cuối cùng là Vladivostok của Nga. Chuyến thăm này
của bà Clinton nhằm chống lại hoặc đúng hơn là cân bằng với ảnh hưởng
ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và tăng cường tình đoàn kết
của các nước ASEAN mới đây đang bị sứt mẻ do những bất đồng về lãnh thổ
với nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc. Trong chuyến thăm của mình, bà
Clinton đã khuyến khích các nước châu Á lập ra một mặt trận vững chắc
trước nhừng tham vọng của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, chuyến thăm này đã khiến
Trung Quốc rất lo ngại bởi Ngoại trưởng Mỹ đã không ngừng nói rằng Thái
Bình Dương đã trở thành một khu vực mang tính sống còn đối với Mỹ về mặt
kinh tế và chiến lược, thể hiện tham vọng của Mỹ biến thế kỷ 21 thành
“thế kỷ của nước Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương”. Trong những năm qua,
Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công ngoại giao chưa từng thấy trong khu
vực này, gia tăng các chuyến thăm chính thức, trong khi vẫn quyết định
triển khai 60% khả năng quân sự của mình tới khu vực này. Dường như là
Trung Quốc khó mà thực hiện được những tham vọng của mình tại Biển Đông
bởi Mỹ đang là đối trọng đáng gờm đối với sự trỗi dậy của một siêu cường
Trung Quốc trong khu vực.
Ai Cập: Một mục tiêu tranh giành mới
Một đoàn đại biểu kinh tế quan trọng của Mỹ vừa
mới hoàn thành một chuyến thăm 4 ngày tới Ai Cập, nhằm tạo đà mới cho
mối quan hệ giữa hai nước. Đoàn đại biểu lớn chưa từng thấy mà Mỹ đã
phái tới một nước Arập này, gồm hơn 100 giám đốc của 54 công ty hùng
mạnh trong giới kinh doanh Mỹ, như Boeing, General Electric, IBM,
Google, Microsoft, Citigroup hay Coca Cola. Mục tiêu của chuyến thăm,
như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Patrick Ventrell, cho biết là “xác
định những cơ hội mới về sự hợp tác và quan hệ đối tác, bày tỏ niềm tin
của Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh của Ai Cập và chứng tỏ cam kết về lâu
dài của Mỹ ủng hộ sự phát triển kinh tế của Ai Cập”. Chuyến thăm diễn ra
vào lúc Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị xóa một tỷ USD khoản nợ của Ai Cập
đối với Mỹ. Số tiền này tương đương với một phần ba toàn bộ số tiền nợ
3,2 tỷ USD của Ai Cập đối với Mỹ. Chính quyền Barack Obama cũng lập ra
nhiều quĩ và chương trình kinh tế trị giá 500 triệu USD để giúp Ai Cập
tạo công ăn việc làm. Cuối cùng, Mỹ đã sử dụng ảnh hưởng của mình để
thúc đẩy IMF chấp nhận khoản tín dụng 4,8 tỷ USD mà Ai Cập cần để lấp
đầy khoản thâm hụt ngân sách và đẩy mạnh nền kinh tế của mình.
Đối với Mỹ, sự việc là rõ ràng: các chương trình
khác nhau này và các kế hoạch cứu trợ về kinh tế là nhằm bảo đảm cho
mình có được thiện chí về chính sách đối ngoại của chế độ mới ở Ai Cập
do tổ chức Anh em Hồi giáo chi phối. Đây cũng là nhằm bảo đảm sao cho
chế độ Hồi giáo tiếp tục tôn trọng hiệp định Trại David đã ký năm 1979
với Ixraen. Cũng cần phải nói thêm rằng Mỹ vẫn thường xuyên sử dụng đòn
bẩy về kinh tế cũng như viện trợ về quân sự để gây ảnh hưởng đến chính
sách đối ngoại của Ai Cập, từ thời kỳ Tổng thống Anouar Al-Sadate trong
những năm 1970. Giờ đây, bằng cách viện trợ kinh tế, Mỹ đang tìm cách có
lợi về chính trị từ tình hình kinh tế xấu đi của Ai Cập do cuộc cách
mạng ngày 25/1/2011 gây ra. Đúng là Ai Cập đang cấp bách tìm kiếm viện
trợ kinh tế và tài chính của nước ngoài, trông chờ tất cả các bên nước
ngoài có thể cung cấp cho mình, chẳng hạn các chế độ quân chủ vùng Vịnh,
IMF, WB, Trung Quốc, và nhất là Mỹ. Nhận thức được rằng các yêu cầu về
kinh tế là quan trọng nhất đối với đa số người dân Ai Cập do các cuộc
nổi dậy của nhân dân lật đổ Hosni Mubarak, chế độ Hồi giáo mới ở Ai Cập
không thể tự mình đáp ứng những yêu cầu này nhưng cũng không thể thất
bại về mặt kinh tế vì sự sống còn của mình, và Mỹ đang hoạt động một
cách chủ động theo hướng này để giữ vững và cải thiện chỗ đứng của mình ở
Ai Cập, và rộng ra là toàn khu vực Trung Đông-Bắc Phi.
Sau những do dự trong việc ủng hộ một chế độ do
người Hồi giáo chi phối, cuối cùng Mỹ đã quyết định ủng hộ họ xuất phát
từ chủ nghĩa thực dụng về chính trị. Dù vẫn bất đồng với Tổ chức Anh em
Hồi giáo, Mỹ vẫn phải bắt tay với họ để bảo vệ những lợi ích của nước
này tại khu vực Trung Đông. Sự vồn vã mới đây của Mỹ trong việc tỏ ý sẵn
sàng giúp đỡ Ai cập về kinh tế và tài chính ngay trước khi Tổng thống
Ai Cập Mohamad Morsi tiến hành chuyến thăm Mỹ ngày 24/9 vừa qua liên
quan đến những mối lo ngại của Mỹ về phương hướng mới trong chính sách
đối ngoại của Ai Cập. Các chuyến thăm của Tổng thống Morsi tới Trung
Quốc, đối thủ về kinh tế của Mỹ ở cấp độ thế giới, và tới Iran, kẻ đối
đầu với Mỹ ở khu vực Trung Đông đã khiến Mỹ lo ngại và tức giận vì Mỹ lo
ngại Ai Cập sẽ rời xa khỏi phạm vi ảnh hưởng của mình. Tổng thống Morsi
không che giấu ý muốn tái cân bằng chính sách đối ngoại của Ai Cập và
thoát khỏi liên minh quá chặt chẽ với Mỹ, được thiết lập trong suốt 4
thập kỷ qua. Đối với ông Morsi, đây là tìm lại một sự độc lập lớn hơn và
một sự tự do hành động quan trọng hơn trong thế giới bên ngoài. Đối với
vị tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ thì đây cũng là
đáp ứng những khát vọng của người dân, phản đối những sự can thiệp của
Mỹ, bằng cách sử dụng viện trợ kinh tế và quân sự hàng năm, vào các công
việc nội bộ của đất nước và bất bình trước sự liên kết có hệ thống của
Mỹ với chính sách xâm lược của Ixraen chống nhân dân Palextin. Trong
những điều kiện này, chế độ mới của Ai Cập một mặt đang tìm cách giữ
khoảng cách đối với Mỹ, nhưng mặt khác vẫn phải làm sao để không gây tổn
hại đến những lợi ích kinh tế của Ai Cập và của quân đội nước này, hàng
năm vẫn nhận được 1,3 tỷ USD viện trợ của Mỹ.
Để thành công trong hoạt động này đòi hỏi trước
tiên phải có những giải pháp thay thế đáng tin cậy hơn Mỹ về mặt tài
chính và vũ khí. Đây không hề là việc làm dễ dàng. Trung Quốc, từ khi có
chuyến thăm của Tống thống Morsi tới Bắc Kinh từ ngày 27 đến 29/8,
thường được nêu lên là sự lựa chọn thay thế cường quốc Mỹ của Ai Cập.
Người Ai Cập thời hậu Mubarak hiểu rất rõ ràng với vị trí là cường quốc
kinh tế thứ hai trên thế giới, Trung Quốc có thể truất ngôi của Mỹ trong
vài thập kỷ tới, và vì thế, họ cũng đang tìm mọi cách tranh thủ quốc
gia này. Ý muốn của Ai Cập thời hậu cách mạng thực hiện một sự tái cân
bằng chính sách đối ngoại của mình đã mang tới cho Trung Quốc nhũng cơ
hội lớn bành trướng về kinh tế trong thị trường rộng lớn nhất của thế
giới Arập. Để thu hút vốn đầu tư của
Trung Quốc mà Ai Cập có nhu cầu rất lớn, trong
chuyến thăm của mình, ông Morsi đã khiến Trung Quốc hoa mắt vì khả năng
nước ông trở thành một bàn đạp cho nền công nghiệp Trung Quốc ở châu Phi
nhờ nhân công dồi dào và giá rẻ. Trung Quốc, đối tác thương mại hàng
đầu của châu lục đen từ năm 2008, có một vùng công nghiệp ở tỉnh Xuyê mà
Trung Quốc đang muốn mở rộng. Ngoài ra, cũng phải nhắc đến một lợi thế
khác của Trung Quốc, đó là người dân Ai Cập có cảm tình với họ hơn so
với Mỹ, băng chứng là một cuộc thăm dò dư luận mới đây do trung tâm thăm
dò dư luận Mỹ Pew thực hiện, đã cho thấy rằng 52% người dân Ai Cập
thích Trung Quốc so với 17% thích Mỹ.
Bức tranh này, đã biến Ai Cập thời hậu cách mạng
thành một địa điểm lý tưởng đối với cường quốc Trung Quốc, nhưng không
ai có thể nói rằng vị tổng thống Hồi giáo và Tổ chức Anh em Hồi giáo của
ông lại muốn thay thế Mỹ bằng Trung Quốc “cộng sản”. Tất cả những gì mà
họ tìm kiếm trong ngắn hạn và trung hạn là tái cân bằng chính sách đối
ngoại của Ai Cập và giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ thông qua
việc tăng cường quan hệ với các nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, không phải
là Ai Cập muốn thay thế cường quốc này bằng một cường quốc khác, mà là
Ai Cập sử dụng các con bài để phục vụ những lợi ích kinh tế của mình và
mở rộng phạm vi hoạt động ở bên ngoài.
Về phần mình, Trung Quốc, là một người khổng lồ
về kinh tế trên thế giới, vẫn chưa thể hiện tham vọng thực hiện vai trò
như vậy ở cấp độ chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, vị trí hàng đầu của
Trung Quốc trong quan hệ thương mại với châu lục đen đã không thể hiện
bằng một chính sách đối ngoại tích cực đối với các cuộc xung đột đang
tàn phá châu Phi. Mong muốn lớn nhất của Trung Quốc vẫn là có được nguồn
nguyên liệu và năng lượng của châu Phi để phục vụ cho nhu cầu phát
triển kinh tế của mình. Trừ khu vực Đông Á, Trung Quốc có xu hướng thông
qua một chính sách không can thiệp vào các cuộc xung đột lớn đang tàn
phá các vùng khác nhau trên thế giới, như trường họp cuộc xung đột
Ixraen – Palextin, cho dù Bắc Kinh có tỏ ra tích cực hơn về một số vấn
đề như chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, với đất nước Ai Cập
mới thời hậu Mubarak, dường như Trung Quốc đang có cách tiếp cận khác
hẳn, có vẻ như họ đang công khai thách thức lợi ích và ảnh hưởng của Mỹ
tại đây. Và chắc chắn, nếu thành công, sau đó người Trung Quốc sẽ sớm mở
rộng những thành quả đã đạt được trong cuộc cạnh tranh ấy ra cả một
vùng rộng lớn, giàu tài nguyên ở Trung Đông-Bắc Phi.