Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

28. Mỹ-Trung: Đọ sức mạnh tại Thái Bình Dương

Bắc Kinh đang tăng cường sức mạnh hải quân và điều đó gây lo ngại cho các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Oasinhtơn cũng đang củng cố hạm đội hùng mạnh nhất mọi thời đại. Cuộc chạy đua vũ trang trên biển này có liên quan đến ảnh hưởng chiến lược, dầu mỏ và các tuyến đường thương mại.



Vị trí tốt nhất hiện nay để quan sát chiếc tàu chỉ huy mới của Trung Quốc và là nỗi sợ hãi cho các kẻ thù của họ, đó là qua một cái cửa sổ trên tầng 4 một cửa hàng của hãng đồ nội thất IKEA tại thành phố cảng Đại Liên ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Tại đó, ai đó đã chọc một cái lỗ trên tấm màn che cửa sổ và tạo một tầm nhìn để quan sát bến tàu nằm đối diện.
Con tàu “Liêu Ninh” đang nằm ở đó, với thân tàu được đóng từ thời Liên Xô và mới được hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đưa vào sử dụng gần đây. Các công nhân đóng tàu đã mất nhiều năm sửa chữa, khoan và hàn con tàu này. Sau đó, nó biến mất tổng cộng 10 lần để chạy thử nghiệm, khiến các nhà địa chiến lược học và các chuyên gia hải quân từ Tôkyô tới Oasinhtơn liên tục đồn đoán xem con tàu này có thể đang neo đậu ở đâu, và người Trung Quốc sẽ trang bị cho nó những loại vũ khí và máy bay nào. 
Từ cuối tháng 8/2012, tàu “Liêu Ninh” lại được neo đậu tại một bến tàu ở thành phố Đại Liên. Vào sáng 2/9/2012, người ta quan sát thấy một nhóm thợ sơn đang làm việc tại đó. Đến chiều ngày hôm sau (3/9/2012), các thợ sơn đã hoàn thành công việc: một số 16 khổng lồ nổi bật trên thân tàu màu xám. Đây có thể sẽ là số hiệu của tàu sân bay đầu tiên mà lực lượng hải quân Trung Quốc đưa vào phiên chế. Con số này được cho là để tưởng niệm Đô đốc hải quân Lưu Hoa Thanh, cha đẻ của hải quân hiện đại Trung Quốc, người sinh vào năm 1916.
Một ngày sau, vào ngày 4/9/2012, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có chuyến thăm Bắc Kinh. Đây là chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến đi của Clinton, bắt đầu từ quần đảo Cook, qua Inđônêxia, Trung Quốc, Timo Lexte và Brunây, trước khi tới Vladivostok (Nga) để dự Hội nghị thượng đỉnh APEC. Clinton đại diện cho một chính phủ đang dành sự quan tâm đặc biệt tới các hoạt động của hải quân Trung Quốc và mục đích chính trong chuyến đi của bà là để nhắc nhở các đồng minh của Mỹ trong khu vực rằng nước Mỹ là bá chủ tại khu vực Tây Thái Bình Dương và muốn điều này tiếp tục được duy trì. 
Clinton cũng đã có cuộc gặp với phái viên các nước đồng minh của Mỹ tại quần đảo Cook, bao gồm Nhật Bản, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Philíppin. Trong số các phái viên tới tham dự còn có cả đại diện của Việt Nam, đối thủ một thời của Mỹ. Clinton đã nói với họ: “Thái Bình Dương đủ rộng cho tất cả chúng ta.” Tuy nhiên, một số người tỏ ra nghi ngờ tuyên bố này, vì họ biết Oasinhtơn và các đồng minh đang có đối thủ trong khu vực: Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. 
Bắc Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của một nhà độc tài chưa tới 30 tuổi, có vẻ là một đối thủ nguy hiểm hơn. Nhưng xét về nhiều mặt, Trung Quốc mới là đối thủ đáng gờm hơn với Mỹ. Nước này hiện giờ đang thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, vũ trụ và giờ đây trong cả một khu vực mà các siêu cường của thế giới đã có những xung đột ngay từ thế kỉ 16: trên biển.
Từ nhiều tháng nay tại khu vực Tây Thái Bình Dương, tình hình đã trở nên căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước đồng minh của Mỹ. Bắc Kinh hiện đang có tranh cãi với Manila về bãi cạn Scarborough, một bãi đá san hô ngầm không người ở, mà phần lớn chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Vào tháng 5/2012, Oasinhtơn đã lặng lẽ tiến hành những cuộc đàm phán và đạt được một thỏa thuận, theo đó tàu của cả Trung Quốc và Philíppin sẽ rút khỏi bãi cạn này. Thế nhưng sau đó, hải quân Trung Quốc đã chặn lối vào khu vực có trữ lượng cá dồi dào này và lại cho tàu tới tuần tra. 
Quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản cũng đang căng thẳng do tranh chấp chủ quyền một quần đảo không người ở nằm giữa Đài Loan và đảo Okinawa, Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Vào tháng 8, một nhóm các nhà hoạt động từ Hồng Công đã kéo cờ Trung Quốc trên một trong số các đảo trên và đã tạo ra một làn sóng bày tỏ tình cảm yêu nước tại Đại lục.
Bất đồng cũng xảy ra giữa Trung Quốc với nước láng giềng theo chủ nghĩa xã hội là Việt Nam, khi Trung Quốc cho thành lập một thành phố trên quần đảo Hoàng Sa vào tháng 7/2012. Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này cùng với quần đảo Trường Sa ở phía Nam. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu thành lập một đơn vị đồn trú tại đó. Hành động này đã thể hiện rõ việc nước này tuyên bố chủ quyền lên hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Khu vực này có diện tích gần 2 triệu km² và được các chiến lược gia người Mỹ gọi "đường lưỡi bò” do hình dạng đặc biệt của nó.
Khó có thể đánh giá đầy đủ ý nghĩa kinh tế và quân sự của Biển Đông, vùng biển kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Hơn một nửa trọng tải hàng hóa của tất cả các đội tàu buôn trên thế giới hàng năm được vận chuyển qua những tuyến đường biển liền kề và 1/3 hoạt động giao thông trên biển của thế giới cũng diễn ra tại đây. 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc cũng đi qua vùng biển này. Ngoài ra, người ta ước tính trữ lượng dầu mỏ dưới lòng Biển Đông vào khoảng 130 tỉ thùng và khí đốt là 9.300 tỉ m³. 
“Mọi xu thế nhân khẩu học, địa chính trị và kinh tế đều hướng về Thái Bình Dương. Những thách thức chiến lược của chúng ta chủ yếu sẽ xuất phát từ khu vực này”, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã nói như vậy khi ông cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố chiến lược phòng thủ mới của Mỹ vào tháng 1/2012. 
Obama, người sinh ra tại Hawaii và lớn lên ở Inđônêxia, đã tuyên bố khu vực Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược quân sự của Mỹ. Trong tương lai, khu vực này với Mỹ còn quan trọng hơn châu Âu hay các khu vực của NATO dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Vào năm ngoái, Obama đã công bố việc triển khai một căn cứ của lính thủy đánh bộ tại Ôxtrâylia, và chính phủ Mỹ đã có kế hoạch tiến hành các hoạt động chung với Việt Nam cũng như lắp đặt các thiết bị tại Nhật Bản cho hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại tại châu Á.
Hạm đội 7, được thành lập vào năm 1943 và hiện giờ đang đóng tại Nhật Bản và đảo Guam, là hạm đội lớn nhất và mạnh nhất của hải quân Mỹ, với hơn 60 tàu chiến và khoảng 40.000 người. Trong những năm tới, hạm đội này sẽ tiếp tục được mở rộng, để tới năm 2020 khoảng 60% số tàu chiến của Mỹ sẽ đóng tại Thái Bình Dương, nhiều hơn số tàu tại Đại Tây Dương và vịnh Pécxích, nơi từng là trọng tâm của hải quân Mỹ trong nhiều thập kỉ qua.
Đây là sự đổi hướng chiến lược quan trọng mà chính quyển Tổng thống Obama tiến hành. Một trong những lí do quan trọng cho sự thay đổi này là việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân. 
Theo một nghiên cứu của Quốc hội Mỹ mới được công bố vào ngày 10/8, Mỹ coi việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình là một hành động hiếu chiến. Nghiên cứu này cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn không chỉ muốn bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển và công dân của mình tại nước ngoài, mà còn muốn thực hiện những yêu cầu chủ quyền của họ, làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Bình Dương và khẳng định vị thế là một siêu cường toàn cầu.
Nghiên cứu này còn cho biết để đạt được những mục tiêu này, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm, đây là loại tên lửa đầu tiên có thể vươn tới các tàu sân bay mà trước đó được cho là không thể. Trong ngôn ngữ quân sự, những tên lửa này được gọi là “carrier killer” (sát thủ tàu sân bay). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng ba tàu ngầm nguyên tử tự phát triển có khả năng phóng các tên lửa hạt nhân liên lục địa. Trung Quốc còn muốn có ít nhất hai tàu sân bay do chính nước này tự đóng và đang thực hiện chiến lược “cải cách và cải thiện trong bảo dưỡng, hậu cần, đào tạo và luyện tập”.
Một số chuyên gia cho rằng một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở thời điểm hiện tại là khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, cho dù không có xung đột, tương quan sức mạnh quân sự giữa hai cường quốc này có thể ảnh hưởng lên “các quyết định hàng ngày của các quốc gia Thái Bình Dương”, trong đó có cả “diễn tiến chính trị ở Thái Bình Dương.” 
Xu Guangyu, 78 tuổi, một tướng về hưu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và hiện là nhà phân tích cao cấp của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc, cho biết: “Tôi thấy phương Tây đang lo lắng không cần thiết.” Theo ông, Trung Quốc chỉ muốn “xây dựng một lực lượng hải quân đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù, đủ mạnh để tự bảo vệ đất nước mình và đủ mạnh để đáp trả các cuộc tấn công.”
Xu Guangyu có lối sống giản dị, từng tham gia chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) và chiến tranh biên giới Việt Nam – Trung Quốc (1979). Ông cho rằng tình hình quân sự của đất nước ông về cơ bản đang bị hiểu nhầm. Ông nói: “Chúng tôi còn đi sau các nước khác nhiều thập kỉ trong phát triển quân sự. Ngay cả Ấn Độ cũng đã vượt xa chúng tôi tới 60 năm.” 
Xu khẳng định 30% lính Mỹ thuộc lực lượng hải quân, trong khi ở Trung Quốc con số này chỉ là 15%. Tuy nhiên số liệu của Xu không chính xác, tỉ lệ này ở Mỹ vào khoảng 20%. Ngoài ra, Xu cho biết Lầu Năm Góc có tới 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Trung Quốc chỉ có một tàu chạy bằng động cơ diesel và “cứ vài tuần là cần phải bảo dưỡng”. Ông tiếp tục đưa ra thêm dẫn chứng: “Ở Trung Quốc cứ 10.000 dân thì có 17 quân nhân, trong khi ở Mỹ là 43. Chúng tôi chỉ trả cho mỗi quân nhân 14.000 USD/ năm. Anh có biết người Đức trả cho mỗi quân nhân của họ bao nhiêu không? 200.000 USD/ năm.” 
Theo Xu, hải quân Trung Quốc vì thế vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đuổi kịp các nước khác. Tàu “Liêu Ninh” đã được đưa vào sử dụng trong năm nay, nhưng Bắc Kinh cần ít nhất 6 đến 8 tàu sân bay “thực thụ” nữa. Tầm quan trọng của hải quân trong toàn bộ lực lượng quân đội cũng phải được tăng lên đáng kể. Hiện nay tỉ lệ quân nhân giữa lục quân và hải quân ở Trung Quốc là 7:1,5; tỉ lệ này tốt nhất nên nằm ở mức 5:2,5. Tuy vậy, nó vẫn luôn nhỏ hơn nhiều so với tỉ lệ của quân đội Mỹ. 
Nếu áp dụng được tỉ lệ này, Trung Quốc (với số lượng quân nhân khổng lồ) sẽ trở thành nước có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với gần 500.000 lính thủy. Tuy vậy, Xu cho biết tổng số binh lính của Trung Quốc sẽ giảm từ gần 2,3 triệu hiện nay xuống còn 2 triệu, và cuối cùng xuống mức 1,5 triệu người. Vị tướng về hưu giải thích cho sự cắt giảm này: “Chúng tôi cũng muốn trả cho mỗi quân nhân 100.000 USD. Nhưng về tàu chiến và trang thiết bị, chúng tôi sẽ đứng thứ ba sau Mỹ và Nga.” 
Cho dù vị thế chiến lược của Trung Quốc có thay đổi như thế nào trong những năm tới, tầm quan trọng của hải quân vẫn sẽ được nâng lên. Xu cho biết: “Chúng tôi có một số tranh chấp trên biên giới đất liền, nhưng mối nguy hiểm lớn nhất đối với Trung Quốc luôn đến từ biển. Liên quân 8 nước, lực lượng đã đàn áp cuộc khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn và tàn phá Bắc Kinh vào năm 1900, đã tiến vào Trung Quốc bằng đường biển, giống như Nhật Bản khi nước này tấn công Trung Quốc trong thập niên 30 và 40 của thế kỉ trước. Và tôi có cảm tưởng rằng người Mỹ sẽ không chỉ sử dụng đường hàng không.” 
Cách đây 7 năm, khi quân đội Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến Irắc, chiến lược gia người Mỹ Robert D. Kaplan đã tiên đoán rằng sớm hay muộn thì Mỹ cũng sẽ chuyển sự quan tâm của mình từ Trung Đông sang khu vực Thái Bình Dương. Các mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đang phát triển theo xu hướng đó. 
Cho đến nay lịch sử đã chứng minh Kaplan đã đúng. Tổng thống Mỹ Barack Obama rõ ràng đã chuyển trọng tâm chiến lược của quân đội Mỹ từ Bộ Chỉ huy Trung ương (CENTCOM), nơi chịu trách nhiệm về khu vực Trung Đông, sang Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM). 
Theo Kaplan, việc Trung Quốc, một cường quốc mới nổi, muốn củng cố tầm ảnh hưởng của họ vươn ra xa đường bờ biển của nước này, là “hoàn toàn hợp lý”. Zhu Feng, chuyên gia an ninh tại Đại học Bắc Kinh cho biết Mỹ chỉ đang “đẩy mạnh” cuộc chạy đua vũ trang bằng các biện pháp như lá chắn tên lửa. 
Một quốc gia có thể cho Trung Quốc lời khuyên về lĩnh vực này, vì các nhà sử học của đất nước này đã rất quen thuộc với chính sách hạm đội và các cuộc chạy đua vũ trang trên biển, là Đức. Cách đây 100 năm, Béclin cũng đang ở vị thế giống như Bắc Kinh hiện nay, một cường quốc kinh tế mới nổi, được thế giới ngưỡng mộ, ghen tị và kinh sợ. Lúc đó, Đức muốn có một hạm đội để thể hiện sự tự tin của mình với thế giới và có thể sánh ngang với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là hải quân Anh. 
Kế hoạch đó gần như đã thành công, nhưng nó không hề có một kết thúc tốt đẹp./. 
Bernhard Zand, Tạp chí Der Spiegel (Đức) - số 37/2012
Thuỳ Anh(gt)