Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

54. 5 vấn đề bị tác động nhiều nhất đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ  Tư, ngày 7/11/2012
TTXVN (Niu Yoóc 5/11)
Mức độ quan tâm của thế giới đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có thể không bằng năm 2008. Nguyên nhân của vấn đề này một phần do cuộc bầu cử năm nay chủ yếu tập trung vào chính sách đối nội của nước Mỹ. Ngoài ra, khi theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình lần thứ ba khán giả toàn cầu đã không thể tìm thấy sự khác biệt nào trong chính sách đối ngoại của Mitt Romney với những gì Nhà Trắng đang làm. Mỹ hiện vẫn là cường quốc số một về sức mạnh quân sự và là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dù khả năng định hình các sự kiện kinh tế và địa chính trị của Mỹ đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, đây có thể là Ápganixtan, Irắc, thế giới Arập đang thay đổi hoặc cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, thế nhưng trong ngắn hạn, Oasinhtơn vẫn có khả năng áp đặt được ý chí của mình đối với nơi này. Điều đó cho thấy rằng Nhà Trắng vẫn là trung tâm quyền lực mạnh nhất thế giới và kết quả cuộc bầu cử ngày 6/11 sẽ được thế giới theo dõi sát sao. Tạp chí Time (Mỹ) ngày 5/11 đã đề cập đến 5 vấn đề có thể bị tác động nhiều nhất từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012.
1. Xyri: Phá v thế bế tắc?
Cuộc nội chiến ở Xyri đã làm hơn 20.000 người thiệt mạng nhưng đất nước này vẫn đang ở thế hoàn toàn bế tắc: chế độ của Tổng thống Bashar Assad không thể tiêu diệt được quân nổi dậy, và quân nổi dậy cũng không thể lật đổ được chế độ al Assad. Xét nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở khu vực, tạo cơ hội cho lực lượng Hồi giáo cực đoan trà trộn vào nước này, Mỹ lại do dự trước quyết định can thiệp trực tiếp, ngay cả khi muốn tạo điều kiện cho quân nổi dậy tiếp cận vũ khí hạng nặng nhằm tạo thế cân bằng với quân chính phủ. Cả Barack Obama lẫn Mitt Romney đều khẳng định họ phản đối việc đưa binh sỹ Mỹ vào Xyri ngay cả giới hạn ở việc thực thi một “vùng cấm bay” hoặc bảo vệ những nơi mà quân nổi dậy đã kiểm soát được, khiến cho các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp tức giận. Chính quyền Obama đang tập trung thiết lập một cơ cấu lãnh đạo đối lập thống nhất với quan điểm ôn hòa để thu hút sự hỗ trợ của bên ngoài cho lực lượng này. Nhiều nhà hoạt động đối lập và quân nổi dậy đã bày tỏ sự không hài lòng và giận dữ trước tính bị động trong chính sách của Chính quyền Obama bất chấp gây thương vong ngày càng tăng cho dân thường. Vì vậy, cùng với việc Romney công khai bày tỏ sẵn sàng trang bị vũ khí cho quân nổi dậy và một số tuyên bố cứng rắn đối với Tổng thống al Assad đã đem lại tia hy vọng cho lực lượng nổi dậy rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn cho số này nếu Romney thắng cử.
2. Ixraen: Một nhà nước Do Thái “Đỏ”
Tổng thống Obama đã giành được 78% số phiếu từ cử tri Mỹ gốc Do Thái trong cuộc bầu cử năm 2008, và dù phe Cộng hòa đã nỗ lực hết sức để xóa bỏ lợi thế này của Obama trong cuộc bầu cử năm nay nhưng theo thăm dò dư luận Obama sẽ vẫn giành được tới 70% số phiếu từ cử tri Do Thái, so với khoảng 25% bỏ phiếu cho Romney. Như vậy, con số này cho thấy Ixraen không phải là vấn đề duy nhất tác động đến cử tri Mỹ gốc Do Thái dù ở Ixraen phần lớn người dân nước này (khoảng 52%) ủng hộ Romney, so với chỉ 25% ủng hộ Obama thắng cử.
Dù sao Ixraen cũng chỉ là một trong số ít quốc gia trên thế giới mà người dân muốn Romney trúng cử. Điều này có thể bắt nguồn từ căng thẳng giữa Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu trước nỗ lực năm 2009 của Obama muốn tái khởi động tiến trình hòa bình với người Palextin. Bình luận của Romney bị ghi lén trong buổi gây quỹ ở Florida đầu năm nay (Romney bày tỏ nghi ngờ về bất kỳ giải pháp nào đối với cuộc xung đột Ixraen – Palextin và đổ lỗi cho người Palextin cho thế bế tắc hiện nay) chắc chắn đã củng cố suy nghĩ của người Ixraen tới thời điểm này. Tuy nhiên, sau đó ít lâu Romney lại bày tỏ mong muốn một giải pháp 2 nhà nước được hai bên đàm phán. Hiện vẫn chưa rõ các ứng cử viên sẽ làm gì để khởi động lại tiến trình đàm phán nếu trúng cử.
Với mối quan ngại hàng đầu của Chính phủ Ixraen hiện nay – Iran, Romney đã sử dụng những ngôn từ khá cứng rắn nhưng các cam kết chính sách thực tế của ứng cử viên này lại có vẻ gần giống với những gì Obama đang làm – tăng cường cấm vận kết hợp với đe dọa hành động quân sự. Tuy nhiên, việc ông Romney vẽ ranh giới với Iran nếu nước này có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và tuyên bố của một trong những cố vấn hàng đầu của Romney rằng phe Cộng hòa sẽ tôn trọng quyết định của Ixraen sử dụng vũ lực đối với Iran, dường như đã làm giới diều hâu ở quốc gia này hài lòng. Bộ máy hoạch định chiến lược của Ixraen vẫn ngầm hiểu rằng kịch bản tối ưu nhất không phải là Mỹ bật đèn xanh cho một cuộc tấn công vào Iran, mà chính Mỹ sẽ phải lãnh đạo một cuộc tấn công như thế. Về vấn đề này, Romney cũng đã bày tỏ rõ quan điểm rằng ông “không tin rằng trong những phân tích mới nhất của mình, nước Mỹ sẽ phải sử dụng tới hành động quân sự” (đối với Iran). Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao đối với thế bế tắc hiện nay nhiều khả năng sẽ được nối lại sau cuộc bầu cử tổng thống và chính phủ diều hâu Ixraen có thể hy vọng vào một chính quyền Romney cởi mở hơn trước những thuyết phục của Ixraen trong lựa chọn biện pháp cứng rắn khi đối thoại với Iran.
3. Trung Quốc: Sẽ không có thay đổi lớn
Trong ngày có mặt đầu tiên ở Nhà Trắng nếu được bầu, Romney thề rằng ông sẽ tuyên bố Trung Quốc là “kẻ lũng đoạn tiền tệ”, đe dọa một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Về phần mình, Chính quyền Obama đã cố gắng đưa việc ngăn chặn Trung Quốc là ưu tiên chiến lược hàng đầu. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc không lấy gì làm sợ hãi. Mặc dù thăm dò dư luận cho thấy người Trung Quốc có thái độ tích cực hơn với Obama, giới lãnh đạo nước này vẫn đưa ra lời cảnh cáo đối với cả hai ứng cử viên vì đã lạm dụng quá nhiều chủ đề Trung Quốc trong tranh cử. Bắc Kinh không xem mối đe dọa về tiền tệ của Romney là đặc biệt nghiêm trọng. Nhà phân tích Jia Qinggua cho biết: “Theo kinh nghiệm của lịch sử, một tổng thống mới sẽ không thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc vì mối quan hệ giữa hai nước quá gần gũi và lợi ích quá đan xen. Rất khó để một chính quyền mới thay đổi đột ngột chính sách đối với Trung Quốc nếu nó mang lại nhiều thiệt hại cho kinh tế và lợi ích quốc gia của Mỹ”.
Do ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là sự ổn định trong quan hệ, giới lãnh đạo Trung Quốc đang hy vọng cho sự tái cử của Obama vì quan hệ với bất kỳ chính quyền mới nào thường bắt đầu không được suôn sẻ. Mặt khác như nhà nghiên cứu Shen Dingli thuộc Đại học Phúc Đán lại lập luận: “Nếu Romney trúng cử, cả ông và Tập Cận Bình vẫn sẽ bắt tay nhau và quên ngay những gì ứng cử viên đã nói cũng giống như những gì mà Bắc Kinh và Oasinhtơn đã vượt qua sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008”. Như vậy, bất chấp những gì các ứng cử viên tổng thống đã thể hiện, Bắc Kinh dường như không quá bận tâm vì khoảng cách giữa lời nói và việc làm ở đây là hoàn toàn khác nhau.
4. Liên minh châu Âu (EU): Thắt lưng buộc bụng hay nớilỏng tiền tệ?
Cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 4 năm qua đã cho thấy 27 quốc gia trong cộng đồng này ngày càng trở lên gắn kết chặt chẽ với nhau. Cuộc khủng hoảng này cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu, trong đó phải kể đến trước hết là kinh tế Mỹ. Sự sụt giảm tiêu dùng ở Mỹ là nguồn gốc chính cản trở sự phục hồi của các nền kinh tế EU do xuất khẩu giảm sút trong khi đó, tình trạng nợ nần ở Mỹ có ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính ở mọi nơi.
Obama là ứng cử viên được ưa thích ở châu Âu và những người cùng phe với Tổng thống Pháp Francois Hollande coi Obama như một đồng minh quan trọng trong cuộc tranh luận giữa chính sách trung tả – thúc đẩy tăng trưởng theo trường phái Keynes với chủ trương thắt lưng buộc bụng theo trường phái trung – hữu do Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng đầu. Trong khi đó, các tiếp cận với thách thức kinh tế của Romney có vẻ thiên hữu, giống với quan điểm của bà Merkel nhưng nhìn nhận chung của giới lãnh đạo EU cho rằng quan điểm kinh tế của Romney vẫn chưa rõ ràng. Những ngôn từ diều hâu của Romney với Nga và Iran làm các chính phủ ở châu Âu cảm thấy không thật thoải mái trong khi việc ông ta phản đối giám sát chặt chẽ hơn đối với các thị trường tài chính đã không được giới lãnh đạo châu Âu hoan nghênh.
Sự suy yếu tương đối của Mỹ đồng nghĩa với việc châu Âu không còn phải nhất nhất tuân theo chỉ đạo từ Oasinhtơn đối với các vấn đề từ quy mô ngân sách quân sự của mình, việc chia sẻ các cam kết của NATO đến điều hành nền kinh tế của mình. Vào ngày 6/11, quan ngại chính của châu Âu, giống như của phần lớn cử tri Mỹ, là xem nước Mỹ có sớm vực dậy được nền kinh tế của mình hay không. Một nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sẽ có tầm quan trọng đặc biệt đến kinh tế toàn cầu.
5. Băng Bắc Cực đang tan nhanh
Bắc Cực, nơi tốc độ băng tan nhanh chóng đang khiến sự mong chờ từ kết quả cuộc bầu cử vào ngày 6/11 tăng lên. Băng tan là dấu hiệu của hành tinh ấm lên, một hiện tượng đã nhận được sự đồng thuận của các nhà khoa học rằng nguyên nhân chủ yếu là do lượng khí thải cácbon do con người gây ra. Thế nhưng việc hạn chế lượng khí thải này lại không được ứng cử viên nào đề cập trong cuộc bầu cử mà chỉ tập trung vào vấn đề tạo việc làm, ít nhất là cho tới khi có sự đổ bộ của bão Sandy.
Thị trưởng thành phố Niu Yoóc, Michael Bloomberg, từng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, cuối tuần trước đã bày tỏ ủng hộ Barack Obama tái cử với lập luận rằng Obama đã có những chính sách tích cực nhằm hạn chế lượng khí thải cácbon, trong khi Romney đã thay đổi quan điểm trước đó về sự ủng hộ hành động chống biến đổi khí hậu. Bloomberg đã ủng hộ Obama vì ứng cử viên này có thể tiến hành các hành động cần thiết hơn dù vị đương kim tổng thống này đã làm nhiều nhà hoạt động môi trường thất vọng trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu gấu bắc cực được quyền bỏ phiếu, Bắc Cực đã không phải thấp thỏm chờ đợi sự lựa chọn được đưa ra vào ngày 6/11. Nhưng như Ngài Thị trưởng Bloomberg, chúng có thể lựa chọn ứng cử viên mà chúng tin là ít thất hứa hơn.