Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

66. ASEAN và Trung Quốc đang đi qua vùng biển đầy biến động

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 25/10/2012
TTXVN (Băngcốc 23/10)
Trong bài viết liên quan tới vấn đề Biển Đông được đăng trên tờ “The Nation”, Yang Razali Kassim – một nghiên cứu sinh cao cấp của Học viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam,trường Đại học Tổng hợp Công nghệ Nanyang (Xinhgapo) – cho rằng ASEAN và Trung Quốc đang đi qua những vùng bin đy biến động. ASEAN cần phải có sự đoàn kết và thống nhất để đi phó với những thách thức từ sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Nội dung bài viết như sau:
Trong năm 2012, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN, Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa đã bày tỏ sự lạc quan rằng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử trên Biển Đông sẽ sẵn sàng vào cuối năm.
Để chứng minh cho điều này, ông Marty chỉ ra sự chuyển động của ASEAN tiến tới một giai đoạn mới tích cực hơn trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông bằng việc thúc đẩy việc sớm thông qua COC được chờ đợi lâu nay. Tinh thần lạc quan này của Ngoại trưởng Inđônêxia xuất hiện sau những thành công của ông trong việc đạt được sự đồng thuận trong ASEAN thể hiện qua nguyên tắc sáu điểm trên Biển Đông.
Nguyên tắc này đã hàn gắn lại sự rạn nứt trong ASEAN giữa các thành viên có tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Campuchia Chủ tịch ASEAN, nước từ chối tìm kiếm một lập trường thỏa hiệp, dẫn tới lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm ASEAN không ra được thông cáo chung. Campuchia cần tập trung sửa lại vết rạn này trong ASEAN để họ có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đáng tin cậy vào tháng 11/2012.
Để sớm đạt được COC, ASEAN cũng cần phải sửa chữa lại vết rạn xung quanh những tranh chấp lãnh thổ giữa một số thành viên của mình với Trung Quốc, một cường quốc đang nổi trong khu vực. Điều này đã dẫn tới một thái độ hợp tác hơn từ phía Trung Quốc. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì, trong chuyến thăm Giacácta gần đây, đã cam kết xây dựng lòng tin, tiến tới thông qua COC.
Mặc dù có lập trường chung như vậy, nhưng ASEAN vẫn cần đạt được sự thống nhất về mục tiêu để lựa chọn hướng đi của cả khối, ông Marty từng nói rằng bạn có thể có một ASEAN ở trung tâm khu vực nếu ASEAN tự nó thống nhất và gắn kết. Sự thống nhất là điều quan trọng đối với ASEAN để thực hiện mục tiêu lớn hơn của họ về một Cộng đồng chung vào năm 2015, trong khi một ASEAN thống nhất là cơ sở cho vai trò của họ như một bên tham gia trung tâm trong quá trình kiến thiết an ninh và kinh tế Đông Á.
Tuy nhiên, ASEAN không hoàn toàn đã hết những khó khăn khi khu vực này bước vào một giai đoạn bất ổn sâu sắc. Tình tiết Phnôm Pênh đã thể hiện ba mối quan tâm, đầu tiên và trước hết là về sự đổ vỡ trong lòng ASEAN.
Kể từ khi ASEAN mở rộng lên 10 thành viên vào cuối những năm 1990, đôi khi xuất hiện những câu chuyện về sự phát triển của một “ASEAN hai tầng”. Một tầng là những thành viên nòng cốt tạo nên ASEAN như Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan, Xinhgapo, Philíppin và Brunây gia nhập năm 1984. Tầng kia là “lớp bên ngoài” mới của ASEAN, bao gồm các nước từng nằm bên lề của ASEAN – một số thậm chí còn có tư tưởng ngược lại hoàn toàn – và được sáp nhập sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Họ là những quốc gia Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam (CLMV).
Việc gia nhập của các nước CLMV từng được đưa ra trong viễn cảnh về một Đông Nam Á thống nhất của những người sáng lập ASEAN. Tuy nhiên, một số thành viên lại lo ngại về một sự mở rộng quá nhanh. Liệu các nước CLMV, là các quốc gia xã hội chủ nghĩa hoặc kinh tế tập trung, có phù hợp với giá trị văn hóa chính trị thông thường và những giá trị chủ đạo của ASEAN hay không? Nhưng những người hợp nhất khu vực đã thuyết phục được và giành chiến thắng hôm nay.
Thực têd, trong thập kỷ tiếp theo, một ASEAN mở rộng đã tạo được dấu ấn của mình về một khu vực rộng lớn hơn, mở đường cho những sáng kiến như ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc). Một Đông Nam Á thống nhất đã phát triển một cách đầy tự tin rằng ASEAN thậm chí còn có thể theo đuổi chiến lược ngoại giao đầy tham vọng để trở thành trung tâm của kiến trúc khu vực rộng lớn hơn, ví dụ như Hội nghị cấp cao Đông Á.
Tuy nhiên, việc mở rộng này đã xuất hiện nhiều xu hướng. Đầu tiên, việc kết nạp Mianma, nước gây thất vọng đối với các đối tác phương Tây, làm tổn hại xu thế chủ đạo của ASEAN. Thứ hai, Campuchia đang chứng tỏ là một thành viên mới gai góc. Kể từ sau khi ASEAN hình thành, các thành viên đã tranh cãi về những tranh chấp song phương nhưng chưa bao giờ họ phải sử dụng tới “chiến tranh”. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong năm 2008, khi Campuchia và Thái Lan xung đột trong một cuộc tranh chấp biên giới, súng đã nổ. Việc dễ dàng để xảy ra một cuộc xung đột vũ trang chưa co tiền lệ này, gợi lại tình trạng thù địch trong lịch sử là một điều báo xấu. Liệu có tồn tại một vấn đề sâu sắc giữa ASEAN chủ đạo và ASEAN bên lề?
Lớp các nước thứ hai, như những lo ngại ban đầu, đã mang đến một loạt những thách thức mới. Một số cho rằng đó là những vết thương nên được xem xét. Nhưng thất bại của Hội nghị Phnôm Pênh trong việc đưa ra một thông cáo chung phản ánh sự chia rẽ ngày càng lớn trong nội bộ. Không có thành viên ASEAN cốt lõi trong vai trò chủ tọa có thể sẽ để cho hội nghị thường niên kết thúc mà không có được một thông cáo chung – một sự ghi nhận quan trọng về những quyết định then chốt. Một thành viên chủ chốt ASEAN có thể phải vận dụng một vài mưu mẹo trong ngôn từ ngoại giao trong văn bản để phản ánh những mối quan tâm chung. Việc Chủ tịch Campuchia dễ dàng gạt bỏ thông cáo chung một lần nữa phản ánh vấn đề sâu sắc hơn: Liệu các nước CLMV có cam kết giống với ASEAN và tất cả có vì điều đó hay không?
Mối quan ngại thứ hai là tác động của sự rạn nứt này đối với việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Kế hoạch này hiện đang bên bờ của sự đổ vỡ và hiện vấn đề đáng quan tâm đang xoay xung quanh việc ai sẽ làm chủ tịch khối này trong vòng ba năm tới. Brunây và Malaixia là những thành viên chính, Mianma thì không phải. Thực tế, Mianma sẽ chèo lái ASEAN vào một thời điểm nhạy cảm trong tiến trình phát triển của tổ chức này. Liệu Mianma có phải là nước tiếp theo gây bất ngờ không?
Mối quan ngại thứ ba là sự can dự ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc vào lĩnh vực hoạch định chính sách đối ngoại của ASEAN. Rõ ràng Bắc Kinh đã dựa vào Phnôm Pênh, một đồng minh thân cận, để tác động tới cách xử lý các tranh chấp trên Biển Đông trong thông cáo chung của ASEAN. Hành động của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng thêm mối lo ngại sâu sắc trong khu vực rằng nước đang trỗi dậy như một siêu cường này chỉ là kẻ hay gây sự thậm chí là kẻ hay can thiệp vào chuyện người khác. Những dấu hiệu này đang là vật cản trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc.
Trung Quốc đã áp đặt ý chí của họ lên ASEAN mà không phải động chân tay. Tất cả những gì họ làm chỉ là thì thầm vào tai một đồng minh khu vực. Kéo dài những căng thẳng ngấm ngầm sẽ khiến Biển Đông trở thành một điểm bùng nổ mà nhiều người đang lo ngại và ASEAN đang đi vào vùng biển đầy biến động tiềm tàng này.
Tuy nhiên, các nhà quan sát ASEAN đã chỉ ra những điểm bù đắp trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc đó là giữ yên vùng biển đầy trục trặc này. Đang xuất hiện ngày càng nhiều mối quan hệ nhiều mặt giữa tất cả các thành viên ASEAN và Trung Quốc, từ kinh tế, xã hội tới quân sự và an ninh. Một số quốc gia ASEAN cốt lõi như Malaixia và Xinhgapo có quan hệ thương mại với Trung Quốc nhiều hơn các quốc gia bên lề. Cùng thời điểm này, nhiều nước trong ASEAN cũng có quan hệ hợp tác lâu dài về an ninh và quốc phòng với Mỹ và các cường quốc phương Tây.
ASEAN có các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các nước như Ôxtrâylia, Nhật Bản và Ấn Độ để cân bằng với Trung Quốc. về phần mình, Bắc Kinh có một phần vai trò trong sự thống nhất và gắn kết của ASEAN để đảm bảo khu vực này vẫn thân thiện. Những nhân tố này sẽ củng cố sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN khi họ đang đối mặt với những thách thức xuất phát từ sự ganh đua của hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
***
Tờ “The Nation” gần đây cũng đăng các bài viết của Yang Razali Kassim khẳng định sự cần thiết phải có Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm xoa dịu những tuyên bố lãnh hải. Việc chuyển từ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) sang COC là cấp thiết nếu khu vực này muốn kiềm chế và giải tỏa căng thẳng trên Biển Đông.
ASEAN đang thể hiện mong muốn sớm đạt được COC trên Biển Đông. Tinh thần này đã từng được thể hiện trong thông cáo chung giữa lãnh đạo Việt Nam và Xinhgapo nhân chuyến thăm Xinhgapo gần đây của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Sự cấp thiết về việc bắt đầu phải đàm phán về COC cũng đã được thể hiện ở từng nước ASEAN kể từ khi khối này khôi phục được một phần uy tín bằng Nguyên tắc 6 điểm hôm 26/7 sau thất bại tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 45 ở Phnôm Pênh không ra được thông cáo chung về tranh chấp trên Biến Đông.
Dự thảo COC, từng được ASEAN thảo luận tại Phnôm Pênh, phải được đưa ra đàm phán với Trung Quốc và phải được chuẩn bị săn vào đúng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhau trước và sau đó sẽ có các cuộc gặp thượng đỉnh với các các đối tác Đông Á Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng 5 cường quốc khác, trong đó có Mỹ. Những bên tham gia chủ chốt này có quyền lợi trong một khu vực có những căng thẳng liên tiếp về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những người theo chủ nghĩa dân tộc bài Nhật tại Trung Quốc đang đe dọa đẩy nhanh tới một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia láng giềng này xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á sắp tới vì thế sẽ là những cuộc gặp quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo khu vực trong năm. Chúng sẽ có ảnh hưởng tới hòa bình khu vực và sự hình thành kiến trúc an ninh của không chỉ với Đông Á mà còn cả khu vực rộng lớn hơn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Với khoảng thời gian chỉ còn hơn một tháng, thì việc thúc đẩy tiến trình COC để sẵn sàng cho đàm phán ít nhất là về khuôn khổ là điều quan trọng. Nếu có thể thực hiện được, một COC có khả năng cũng sẽ trở thành một khuôn mẫu cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Hoa Đông. Mỹ, trong khi vẫn tuyên bố trung lập, đã khuyến cáo về một cuộc xung đột có thể xảy ra nếu có sự tính toán sai lầm xung quanh tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đang trở nên ngày càng căng thẳng. Không cần phải nói, những lời bóng gió giống nhau đằng sau sự vội vàng gần đây của ASEAN về COC là vì Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc, với tư cách là một bên tham gia trong các tranh chấp lãnh thổ ở cả hai vùng biển và là một bên then chốt trong COC với ASEAN, dường như lại không vội vã. Trong chuyến thăm Giacácta, một phần trong hành trình khu vực gần đây, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực hiện DOC. Nhưng vào thời điểm hiện nay, việc làm này nên “dựa trên cơ sở của sự nhất trí” để tiến tới “thông qua COC”, Ông này cũng nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ tiếp cận COC “khi thời điểm chín muồi”.
Nói một cách khác, cho dù ASEAN có nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thì họ cũng vẫn chưa có được sự đồng tình của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trước khi COC được thỏa thuận, Bắc Kinh vẫn còn muốn tập trung vào thực hiện DOC – là một bước quan trọng trước khi có coc. Rõ ràng việc đàm phán COC là rất khó khăn vì sẽ bị kéo dài. Trong khi ASEAN và các bên khác muốn thúc đẩy việc này, đặc biệt là khi căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng, thì Trung Quốc dường như lại có ý định chờ một cơ hội khác.
Không giống như DOC, COC được cho là có sự ràng buộc. Nhưng liệu nó có cần phải như vậy khi chưa có sự chắc chắn. ASEAN đã đề xuất các nhân tố then chốt để phản ánh các nguyên tắc chính trong việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế; và các cơ chế cho việc giải quyết tranh chấp và giám sát việc thực hiện COC. Cho tới nay, các nhân tố then chốt này đã được chuyển cho phía Trung Quốc xem xét.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tham gia ở điểm nào trong việc soạn thảo COC? Ngày 4/4, phía Philíppin đã nói rằng chỉ có các thành viên ASEAN mới được tham gia soạn thảo. Ngoại trưởng Inđônêxia Marty Natalegawa, có một chiến thuật khác, cho biết cần có trao đổi liên tục thông qua khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc trước khi ASEAN có được lập trường cuối cùng.
Theo Trung Quốc, tranh chấp trên Biển Đông nên được đưa ra chỉ trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc (ASEAN+1). Nói một cách khác, việc soạn thảo COC nhất thiết phải có sự nhất trí của Bắc Kinh. Công thức của Ngoại trưởng Marty về sự tham gia của Trung Quốc trong quá trình soạn thảo như vậy là một sự thỏa hiệp: nó cho phép ASEAN có khoảng trống của riêng mình để thảo luận về những gì lả quan trọng có thể ảnh hưởng tới các nước thành viên có tuyên bố chủ quyền trong khi vẫn tiến hành trao đổi với Trung Quốc như một bên đàm phán.
Như biện pháp xây dựng lòng tin, một COC khu vực phù hợp với địa chiến lược của Trung Quốc. Cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình từng đưa ra công thức giải quyết tranh chấp lãnh thổ: các bên tranh chấp nên gác lại các tuyên bố của mình cho tới khi có được một giải pháp và trong khi vẫn cùng phát triển các khu vực tranh chấp. Nếu Bắc Kinh thực hiện cái gọi là “giải pháp Đặng Tiểu Bình”, việc cùng phát triển sẽ là một trong những nhân tố then chốt trong dự thảo của Trung Quốc về COC.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa nó sẽ được các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền chấp nhận. Trong khi công thức của Đặng Tiểu Bình là thực dụng, tranh chấp cơ bản về chủ quyền vẫn sẽ theo cách này. Trên thực tế, một số nước ASEAN tuyên bố chủ quyền có thể ưu tiên cách tiếp cận “phát triển trước, giải quyết sau”. Nhưng họ sợ rằng việc chấp nhận như vậy có thể là ngụ ý công nhận tuyên bố của Trung Quốc trong các khu vực tranh chấp.
Nhưng dù sao, việc chuyển từ DOC sang giai đoạn COC vẫn là điều quan trọng nếu khu vực này muốn kiềm chế và giải tỏa căng thẳng gần đây trên Biển Đông. Thực tế, nó có thể cũng có ảnh hưởng tới những căng thẳng ở phía Bắc trên Biển Hoa Đông, nơi người ta kêu gọi cần có những cái đầu lạnh.
***
TTXVN (Giacta 24/10)
Biển Đông không chỉ là nơi có các tranh chấp lãnh thổ, mà một số khu vực trên vùng biển này còn có thể là những nơi khởi nguồn các trận động đất gây sóng thần cường độ mạnh, gây tác hại lớn cho các nước xung quanh. Từ thực tế đó, tác giả Syamsidik –  Phụ trách bộ phận nghiên cứu ứng dụng – Trung tâm Nghiên cứu sóng thần và giảm nhẹ thiên tai (TDMRC), đồng thời là giảng viên Đại học Syiah Kuala, Banda Aceh (Inđônêxia) có bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta”, nhan đề “Quản lý thảm họa sóng thần và xung đột ở Biển Đông”. Trong bài viết này, tác giả đã đề cập đến nghiên cứu, ý kiến chuyên môn về đặc điểm địa chất, khả năng gây động đất sóng thần trên một số khu vực ở Biển Đông đang có tranh chấp; đưa ra cách tiếp cận về hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin, đối phó và giảm nhẹ thiên tai giữa các nước có tranh chấp và không có tranh chấp, trong đó những quốc gia như Inđônêxia có thể và cần đóng vai trò điều phối trung gian. Sau đây là nội dung bài viết này.
Quan ngại về các vùng biển tranh chấp giữa các nước Đông Á đã được nhiều nhân vật nổi tiếng nhắc đi nhắc lại, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton – người đã có lần cảnh báo về khả năng tranh chấp leo thang.
Những đụng độ ngoại giao gần đây nhất là các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và bãi Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông. Từ một góc độ khác, các vùng lãnh thổ nói trên cũng là nơi khởi nguồn của thiên tai trên biển, chẳng hạn như sóng thần.
Bằng chứng địa chất của sóng thần đã rõ và các biện pháp giảm thiểu tác động của sóng thần cần những nỗ lực khẩn cấp, to lớn và nhất quán từ các quốc gia xung quanh.
Điều này đã được thể hiện trong các trận động đất cường độ 7,6 độ ríchte xảy ra ngày 31/8, làm rung chuyển các thành phố ven biển ở miền Nam Philíppin. Mặc dù tâm chấn không nằm trong các khu vực tranh chấp, nó có thể là một thử nghiệm về khả năng phản ứng của các nước và các cộng đồng ven biển trước nguy cơ sóng thần. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii đã phát hành một cảnh báo sóng thần cho các nước có khả năng bị ảnh hưởng, bao gồm Inđônêxia, nơi có tỉnh Bắc Sulawesi tiếp giáp với vùng biển miền Nam Philíppin. Các mối đe dọa sóng thần từ trong lãnh thổ Philíppin đã được đặt trong sự giám sát chặt chẽ.
Mặt khác, chính rãnh Manila cũng nằm trong lưu vực của Biển Đông đang có tranh chấp, được sử dụng như là giới hạn tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc. Đối với Inđônêxia, các tranh chấp kéo dài ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã cản trở những nỗ lực để giảm thiểu nguy cơ thảm họa sóng thần.
Tranh chấp Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tháng 7/2012 tại Phnôm Pênh không đạt được một thoả thuận giữa các quốc gia có chủ quyền. Lịch sử lâu dài của các tranh chấp chưa bao giờ được giải quyết sau khi xảy ra tranh chấp đầu tiên giữa các bên trong những năm 1970. Nhiều học giả cũng nhận thấy rằng tranh chấp Biển Đông sẽ nổi lên như là nguồn xung đột tiềm tàng lớn nhất ở khu Vực trong tương lai.
Bên cạnh các vấn đề về lãnh thổ, khu vực này đã được mô tả như là một lưu vực của các trận bão gây chết người và các trận động đất gây sóng thân. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền có thế quản lý vấn đề sóng thần? Trong tranh chấp tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, làm thế nào để các nước sẽ không bị phân tâm nhằm bảo vệ công dân của họ từ bất kỳ trận sóng thần nào đó trong tương lai?
Nơi có khả năng xảy ra sóng thần lớn nhất trên Biển Đông là đảo Luzon ở Philíppin. Các nhà khoa học đã đặt tên cho khu vực này là Rãnh Manila, nơi có khả năng tạo ra rãnh vỡ đáy biển dài 1.500 km nếu xảy ra một trận động đất cường độ rất mạnh. Độ dài đó gần như tương đương với sự đứt vỡ đã xảy ra dọc theo biển Aceh-Andaman năm 2004.
Rãnh Manila là nơi lục địa Âu-Á tiếp giáp với địa tầng biển Philíppin. Trong hơn 100 năm qua nơi đây chưa xảy ra trận động đất nào có cường độ lớn hơn 7,6 ríchte. Nhiều nhà nghiên cứu sóng thần đã cảnh báo điều này. Rãnh này đã tích lũy năng lượng trong gần năm thế kỷ và đã sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào. Và thật đáng tiếc khi biết rằng một số bộ phận năm trong rãnh này cũng là một phần của khu vực tranh chấp giữa Philíppin và Trung Quốc.
Nếu các nhà nghiên cứu từ hai nước bận tâm bởi các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, quá trình nghiên cứu về các mối đe dọa sóng thần trong tương lai sẽ bị gián đoạn.
So với Trung Quốc, Philíppin được xác định là dễ bị tổn thương bởi thiên tai, vì nước này nằm gần khu vực có thể tạo động đất gây sóng thần hơn so với Trung Quốc. Sóng thần sẽ tràn tới bờ biển Philíppin nhanh hơn so với các nước khác. Nếu xảy ra một sự sụt vỡ đáy biển lớn ở nơi này, các cơn sóng thần có thể vươn tới Xinhgapo, Trung Quốc đại lục, Serawak-Sabah ở Malaixia, Việt Nam, Campuchia và một số địa phương của Thái Lan.
Biển Đông có thể là vùng thiên tai nguy hiểm nhất thế giới trong trường hợp kịch bản xấu nhất xảy ra. Từ sự nghiên cứu các bằng chứng địa chất trong Rãnh Manila, chuyên gia Philip Liu từ Đại học Cornell đã xác nhận rằng mối đe dọa sóng thần đối với khu vực là có thật. Các nhà khoa học Philíppin cũng đã có nhiều nỗ lực khoa học để xác minh các mối đe dọa này.
Chuẩn bị cho cộng đồng sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào nỗ lực giảm nhẹ thiên tai.
Sau khi tìm hiểu về các mối đe dọa sóng thần và thảm họa thiên tai trên biển khác có thể tấn công xung quanh vùng Biển Đông, cam kết của các nước trong tranh chấp ưu tiên cho các vấn đề nhân đạo là bắt buộc. Quá trình hành động tích cực của các quốc gia trong việc xây dựng sự chuẩn bị sẵn sàng cho cộng đồng dân cư trước thiên tai cần phải được tiếp tục và tăng cường. Công tác này bao gồm chia sẻ bài học giữa các cộng đồng ven biển và kiểm tra, thử nghiệm hệ thống cảnh báo sớm của khu vực — những cách thức có thể giảm thiểu rủi ro một cách có hiệu quả.
Liệu các quốc gia có tranh chấp có thể cho phép bất cứ con tàu nào qua lại các vùng biển vì các mục đích nghiên cứu thảm họa mà không làm xấu đi tranh chấp? Nếu không, điều này sẽ là động lực cho một quốc gia không có tranh chấp đi tiên phong. Inđônêxia là một trong những quốc gia có khả năng thực hiện đầy đủ vị trí này với tư cách là một “người anh em lớn” trong cộng đồng ASEAN.
Inđônêxia có thể đóng một vai trò trung gian bằng việc mời các nhà nghiên cứu điều tra các nguồn nghi vấn gây sóng thần tại các vùng lãnh hải đang bị tranh chấp. Điều đó sẽ giúp tăng cường các chương trình bảo vệ bờ biển trong cộng đồng dân cư Inđônêxia.
Với thực tế Inđônêxia cũng đã nhiều lần phải hứng chịu thảm họa sóng thần, thì những nỗ lực duy trì cam kết của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở mức độ nghiên cứu thảm họa và hỗ trợ nhân đạo là những vấn đề quan trọng. Đây là một công việc hợp lý cho Inđônêxia, trừ khi quốc gia này quá bận rộn trong xử lý các thảm họa lớn của mình.