Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

103. Sự phát triển của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản”

“ASEAN+Nhật Bản” là một thành phần quan trọng trong cơ chế hợp tác “ASEAN+1”, có tác động trực tiếp đến “ASEAN+3” và việc thúc đẩy hợp tác Đông Á. Trong quá trình phát triển, “ASEAN+Nhật Bản” đã thể hiện quỹ đạo phát triển, đặc điểm và vai trò của riêng mình.

I- Sự phát triển của “ASEAN+Nhật Bản” 
Trong các nước “ASEAN+1”, Nhật Bản là nước sớm nhất thiết lập mối quan hệ đối tác với các nước ASEAN. Từ năm 1977, hai bên bắt đầu đối thoại, và thông qua dự án hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp, kỹ thuật, văn hóa, thương mại, đầu tư, thành lập mối quan hệ hợp tác đa tầng nấc. Năm 1977, hai bên còn tổ chức hội nghị lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản. Từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, cùng với Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phát triển của kinh tế Đông Á, trọng điểm ngoại giao của Nhật Bản bắt đầu chuyển sang châu Á. Để không bị tụt hậu, Nhật Bản dự tính thực thi chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa khu vực. Một mặt trong đó, Nhật Bản thông qua việc tăng cường quan hệ với ASEAN để chủ đạo hợp tác Đông Á. Cuối những năm 90 thế kỷ 20, quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản đã được cơ chế hóa. Tháng 1/1997, khi tới thăm Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Hashimoto Ryutaro đã đề xuất mở rộng và làm sâu sắc thêm việc đối thoại ở các lĩnh vực và các cấp giữa Nhật Bản và ASEAN. Bắt đầu từ năm này, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản tổ chức không định kỳ trước đây chuyển thành hội nghị thường niên. Nhưng để giảm đi những nghi ngờ của nước khác, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc, Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN-Hàn Quốc cũng đồng thời tổ chức, cơ chế “10+3”, “10+1” chính thức khởi động thúc đẩy hợp tác Đông Á. Năm 1998, Nhật Bản đã khởi động Hội nghị nhóm bàn bạc ASEAN-Nhật Bản, thành lập Ủy ban hợp tác công nghiệp kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác công nghiệp giữa Nhật Bản và ASEAN, giúp các nước ASEAN tăng sức cạnh tranh công nghiệp, đem lại sự viện trợ cho các nước thành viên mới của mình. Ngoài ra, Nhật Bản còn xây dựng một loạt cơ chế hợp tác mới, chẳng hạn như “Hội nghị bàn tròn phát triển Nhật Bản-ASEAN”, “Kế hoạch phát triển nguồn tài nguyên nhân lực toàn diện”, “Hội nghị chống khủng bố Nhật Bản-ASEAN” v.v... Tháng 12/2003, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN được tổ chức tại Tôkyô là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra ngoài khu vực. 
Quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản có nền tảng sâu đậm. Lâu nay, do thúc đẩy kinh tế các nước chủ yếu ASEAN cất cánh bằng phương thức phát triển “đàn nhạn bay”, Nhật Bản đã xác lập được vị thế chủ đạo đối với đầu tư, thương mại của các nước ASEAN cũng như sự phụ thuộc về kinh tế của các nước này vào Nhật Bản. Nhưng từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, do kinh tế Nhật Bản ảm đạm, thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đã từ đỉnh cao 121 tỷ USD hạ xuống 990 triệu USD. Năm 2000 và 2001, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN chỉ bằng 60% mức bình quân những năm 90 thế kỷ 20, dẫn đến quan hệ kinh tế song phương nảy sinh những thay đổi lớn, làm yếu đi vị thế truyền thống của Nhật Bản trong việc đầu tư và thương mại vào các nước ASEAN. Cho dù như vậy, Nhật Bản hiện vẫn là nước viện trợ kinh tế và đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của ASEAN. ASEAN tăng cường hợp tác kinh tế với Nhật Bản có lợi cho việc thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Cho dù gặp phải vấn đề tiếp cận thị trường, nhất là về mặt các sản phẩm nông nghiệp, nhưng người dân Đông Nam Á vẫn coi Nhật Bản là thị trường thu được thắng lợi; cho dù họ rất oán trách về sự hà tiện của Nhật Bản trong việc chuyển nhượng kỹ thuật, nhưng cũng không phủ nhận Nhật Bản đã đầu tư và trang bị kỹ thuật cho các nước Đông Nam Á, giúp các nước này thúc đẩy công nghiệp hóa. Mặt khác, viện trợ phát triển chính thức (ODA) là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Mấy chục năm qua, khu vực được cân nhắc ưu tiên viện trợ chính thức luôn là Đông Nam Á, ngoài Brunây và Xinhgapo, Nhật Bản là nước trợ giúp lớn nhất cho các nước khác ASEAN. Năm 1995, viện trợ của Nhật Bản cho các nước ASEAN chiếm 21% tổng mức viện trợ phát triển chính thức song phương của nước này. Nhưng viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cũng từng bị phê phán, chỉ trích là một kiểu viện trợ mang tính hạn chế đối với việc phát triển kinh tế, đặc biệt không có nhiều đóng góp tích cực cho các nước nhận được viện trợ trong việc phát triển kinh tế. 
Nhật Bản với tư cách là nước khởi nguồn quan trọng trong đầu tư vốn, kỹ thuật cho các nước ASEAN, viện trợ phát triển chính thức của Nhật Bản chủ yếu dùng để xây dựng các cơ sở thiết bị và công nghiệp nặng. Vì thế, việc tăng vốn ODA đã thúc đẩy Nhật Bản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước ASEAN. Nhật Bản đã thực thi chiến lược “viện trợ, thương mại, đầu tư”, xây dựng mạng lưới kinh tế độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á và kết hợp giữa sản xuất, phân phối, chi trả và cung cấp vốn, giúp đỡ các nước ASEAN đẩy nhanh việc phát triển kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo, nhưng cách làm kết hợp giữa viện trợ, thương mại, đầu tư lại khiến cho các nước ASEAN lo ngại Nhật Bản khống chế Đông Nam Á về kinh tế. Mặt khác, Nhật Bản thường không tích cực tham gia việc nhất thể hóa kinh tế khu vực, luôn khao khát tìm cách đạt được thương mại tự do đa phương thế giới, coi hợp tác kinh tế-thương mại song phương với các nước khác là con đường trợ giúp mở rộng thương mại thế giới. Nhưng từ những năm 1990 đến nay, hợp tác Đông Á từng bước phát triển, kinh tế trong khu vực ngày càng sôi động, buộc Nhật Bản bắt đầu tham gia hợp tác khu vực Đông Á. Sau khi bước vào thế kỷ 21, hợp tác khu vực Đông Á dưới khuôn khổ “ASEAN+3” nhanh chóng phát triển đã khiến Nhật Bản tỏ rõ thái độ tích cực đối với hợp tác khu vực. Với bối cảnh trên, Nhật Bản mong muốn tìm được điểm hội tụ, xây dựng lại mối quan hệ kinh tế với ASEAN để duy trì lợi ích và địa vị của mình ở Đông Nam Á. Còn việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN” luôn là một lựa chọn sáng suốt. Tháng 11/2002, việc Nhật Bản và ASEAN công bố “Tuyên bố chung” thành lập mối quan hệ đối tác toàn diện đã đạt được nhận thức chung về ý nghĩa, nội dung, con đường, mục tiêu và nguyên tắc trong việc xây dựng Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Tháng 10/2003, tại Hội nghị thượng đỉnh “ASEAN-Nhật Bản”, hai bên đã chính thức ký “Hiệp định khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện”. Nội dung chủ yếu của hiệp định này bao gồm: lập tức thực hiện các biện pháp như viện trợ kỹ thuật và thúc đẩy đầu tư, thương mại cũng như trao đổi và tập hợp những số liệu liên quan về thuế quan và thương mại song phương. Hai bên quyết định vào năm 2012 thành lập Khu thương mại tự do và khiến cho xuất khẩu của ASEAN sang Nhật Bản đến năm 2020 nâng lên 44,2% so với mức năm 1997, và xuất khẩu cùng kỳ của Nhật Bản sang ASEAN tăng thêm 27,5%, nhưng các sản phẩm nông nghiệp, gạo và thịt bò v.v... bị gạt ra ngoài việc tự do hóa thương mại. Nhật Bản phát triển thương mại tự do thành “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện”, lấy điều kiện viện trợ phát triển, đầu tư và hợp tác kỹ thuật thay thế các điều kiện thương mại không bình đẳng mà các nước ASEAN phải chịu, bên cạnh đó mở ra thị trường ASEAN để bảo vệ ngành nông nghiệp của nước mình. 
Đầu năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đề ra việc cùng với ASEAN xây dựng “mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện” là chủ yếu căn cứ vào 2 tính toán sau: một là, có ý đồ đưa cơ chế hóa và pháp luật vào hợp tác khu vực. Nói cách khác, Nhật Bản coi hiệp định thương mại tự do của khu vực và song phương là biện pháp quan trọng của hợp tác. Những hiệp định tự do thương mại này không chỉ bao gồm những yếu tố truyền thống quy định về nơi sản xuất hàng hóa và thương mại hàng hóa, mà còn rất nhiều nhân tố “thời đại mới” như dịch vụ thương mại, đầu tư, thừa nhận lẫn nhau, bản quyền tri thức, phát triển nguồn nhân lực, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ chế giải quyết các vấn đề tranh chấp v.v.... Hai là, dựa vào “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN” để chủ đạo hợp tác Đông Á. Trên cơ sở “quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN”, mục tiêu của Nhật Bản là xây dựng khối Đông Á, và thực hiện quyền lãnh đạo kinh tế ở khu vực bằng phương thức này. Đúng như học giả Nhật Bản nêu rõ: “Sau khi Trung Quốc-ASEAN ký Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện, Chính phủ Nhật Bản cảm thấy cần phải áp dụng hành động, cân bằng sự phát triển lớn mạnh của mối quan hệ kinh tế ‘Trung Quốc-ASEAN’ về mặt chiến lược. Không thể phủ nhận khi đưa ra Hiệp định thương mại tự do với ASEAN thông qua việc xây dựng ‘mối quan hệ đối tác kinh tế toàn diện’, Nhật Bản có ý thức ‘cạnh tranh’ với Trung Quốc, hơn nữa sự thật chứng minh quan hệ đối tác kinh tế toàn diện với ASEAN là đề xuất thương mại tự do đầu tiên mà Nhật Bản đưa ra”. Đồng thời, cần phải nêu rõ ASEAN có vị thế nổi bật về các mặt chính trị, kinh tế và lợi ích trong các công việc bảo vệ an ninh quốc gia đối với Nhật Bản, đặc biệt là địa-kinh tế-chính trị của ASEAN là vô cùng quan trọng đối với nước này: ASEAN là nước cung cấp chủ yếu nguyên vật liệu thô cho Nhật Bản và là một trong những nơi khởi nguồn của việc nhập khẩu năng lượng. Ngoài ra, ASEAN là đường giao thông quan trọng trên biển trong việc vận chuyển dầu mỏ và ngoại thương. Nhu cầu kỹ thuật và đầu tư đến từ nước ngoài của các nước ASEAN có lợi cho Nhật Bản trong việc tái thiết ngành công nghiệp trong nước; sự ủng hộ ngoại giao của ASEAN có thể nâng cao vị thế của Nhật Bản ở Đông Á cho tới toàn thế giới. Vì vậy, ASEAN là bàn đạp để Nhật Bản vươn lên thành nước lớn về chính trị. Đúng như học giả Nhật Bản nêu rõ: “Để trở thành nước lãnh đạo khu vực và đóng vai trò mang tính toàn cầu, Nhật Bản cần phải phát triển mối quan hệ đặc biệt với các nước ASEAN”. 
II- Đặc điểm của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” 
Do Nhật Bản là nước sớm nhất xây dựng mối quan hệ đối tác với ASEAN, sự phát triển của mối quan hệ “ASEAN+Nhật Bản” này đã áp dụng phương thức tuần tự, chắc chắn. Nội dung chủ yếu trong chính sách của Nhật Bản đối với ASEAN là: về kinh tế, đóng vai trò quan trọng, về chính trị phát huy vai trò tích cực, xây dựng mối quan hệ đặc biệt với các nước ASEAN. Đây là đặc điểm của mối quan hệ “ASEAN+Nhật Bản”. Khi nói đến tầm quan trọng của Nhật Bản đối với ASEAN, Cựu Thủ tướng Malaixia Mahathir từng đưa ra một loạt lý do sau: một là, về kinh tế, Nhật Bản là nước hùng mạnh, lời nói và hành động của nước này tất nhiên được các nước khác của châu Á quan tâm chặt chẽ. Hai là, tầm quan trọng của Nhật Bản đối với tương lai kinh tế Đông Á là Nhật Bản đầu tư lượng lớn các cơ sở và thiết bị sản xuất vào khu vực này, trong đó “23% tổng sản phẩm quốc nội của Malaixia là do các công ty Nhật Bản kinh doanh ở nước này đem lại”. Ba là, đạo đức nghề nghiệp của người Nhật Bản và nền văn hóa đặc sắc của nước này có ảnh hưởng rất lớn đến các nước khác Đông Á. Đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật, kỹ thuật, kỹ năng của người Nhật Bản vẫn rất đáng để các nước học tập, và Nhật Bản không thể vì nền kinh tế suy thoái lâu nay mà đánh mất đi. Đặc điểm về kinh tế, cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” lấy hợp tác song phương làm chính. Khác với “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện Trung Quốc-ASEAN”, “Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN” quy định bất kỳ một nước thành viên ASEAN nào đều có thể cùng với Nhật Bản đàm phán xây dựng mối quan hệ đối tác kinh tế song phương, hơn nữa không cần phải tiếp tục đàm phán về thời gian tự do hóa trong “Hiệp định khung đối tác kinh tế toàn diện Nhật Bản-ASEAN”. Tính đến sự nhạy cảm của ngành nông nghiệp đối với nền chính trị Nhật Bản cũng như tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của một số nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, phương thức quan hệ đối tác kinh tế song phương này đã chứng minh là có hiệu quả hơn so với khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Đến tháng 8/2007, Nhật Bản đã cùng các nước thành viên cũ ASEAN ký hiệp định hợp tác kinh tế song phương với nội dung chính là thương mại tự do. Nhưng mối quan hệ đối tác kinh tế song phương giữa hai bên khác nhau cũng sẽ cản trở việc đàm phán Khu thương mại tự do “Nhật Bản-ASEAN”. Ví dụ, Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế “Xinhgapo-Nhật Bản” quy định về nơi sản xuất hàng hóa nghiêm khắc hơn nhiều so với Khu thương mại tự do ASEAN. Phương thức của quan hệ kinh tế song phương này có thể khiến cho kinh tế của các nước thành viên ASEAN trở thành “vệ tinh”, chứ không phải là “trung tâm” kinh tế của toàn khu vực.
Mặt khác, trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế song phương với Nhật Bản, Xinhgapo là nước thành thị, không có các sản phẩm nông nghiệp hoặc xuất khẩu lao động, cơ cấu kinh tế của các nước thành viên khác ASEAN khác với Xinhgapo, Nhật Bản ngoài lấy các lý do để gạt các mặt hàng nông nghiệp, còn không để cho công nhân của những nước thành viên khác của ASEAN này tiến vào thị trường lao động của Nhật Bản. Điều này khiến cho quan hệ đối tác kinh tế song phương mất đi ý nghĩa thực chất. Đặc điểm về an ninh của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” là Nhật Bản tích cực tham gia xây dựng cơ chế Diễn đàn khu vực ASEAN, tích cực tham gia các công việc an ninh khu vực do các nước ASEAN cùng chủ đạo. Nhưng từ sự kiện 11/9 đến nay, Nhật Bản đi theo lập trường chính sách chống khủng bố của Mỹ đã bị một số nước Hồi giáo nghi ngờ: Thủ tướng Koizumi sau khi nhậm chức đã nhiều lần đến thăm đền Yasukuni, thế lực cánh hữu Nhật Bản luôn phủ nhận lời nói và việc làm của cuộc chiến tranh xâm lược, ở mức độ nhất định, điều đó đã ảnh hưởng đến mối quan hệ chính trị song phương. “Các cuộc điều tra dân ý liên tục của Nhật Bản đã cho thấy trong công chúng Nhật Bản, người dân Đông Nam Á bị đánh giá thấp. Quan hệ song phương giữa ASEAN và Nhật Bản vẫn cần phải được bồi đắp hơn nữa”. Những năm gần đây, tiến độ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN được đẩy nhanh, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN tương đối ngừng trệ. Trong tình hình kinh tế Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh và vị thế quốc tế được nâng cao chưa từng thấy, hợp tác với ASEAN đối với Trung Quốc là điều vô cùng tất yếu. Mặt khác, Trung Quốc vừa là thị trường lớn có sức hấp dẫn, vừa là đối thủ cạnh tranh. ASEAN lo lắng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc lớn mạnh sẽ mở rộng hơn nữa ảnh hưởng chính trị và sức mạnh quân sự của Trung Quốc. ASEAN cho rằng điều này không có lợi cho sự ổn định và phồn vinh lâu dài của khu vực này, dễ khiến cho “chính sách cân bằng nước lớn” của ASEAN mất hiệu quả, trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh của ASEAN. Vì vậy, ASEAN mong muốn bên cạnh việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, còn tăng cường hợp tác với Nhật Bản để bảo đảm duy trì thế cân bằng khu vực. “Nhưng do kinh tế Nhật Bản lâu nay ảm đạm, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh, vị thế của Nhật Bản sẽ có phần hạ xuống trong thời gian tới”. Đối với ASEAN, việc làm thế nào tìm kiếm điểm cân bằng giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một sự lựa chọn lưỡng nan. 
III- Vai trò của cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” 
Việc thành lập cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” khiến cho quan hệ song phương do Nhật Bản chủ đạo trước đây bắt đầu phát triển theo hướng tương đối bình đẳng: về lĩnh vực kinh tế lấy mối quan hệ đối tác bình đẳng trong việc tăng cường hợp tác để thay thế mối quan hệ viện trợ và được viện trợ, chuyển mối quan hệ lấy kinh tế làm trung tâm sang đối thoại rộng rãi hơn, mở rộng lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực chính trị. Về lĩnh vực an ninh, hai bên tiến hành hợp tác và tăng cường bàn bạc trong các lĩnh vực chống khủng bố, bảo vệ môi trường, chống buôn bán ma túy, buôn bán người, an ninh lương thực và năng lượng. Nhật Bản là nước lớn châu Á và có nền kinh tế phát triển trên thế giới, việc thành lập cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” đã khiến cho các nước ASEAN tin tưởng hơn khi kết bạn với các nước lớn ngoài khu vực. Về cơ chế hợp tác, “Diễn đàn ASEAN-Nhật Bản”, Hội nghị thượng đỉnh “ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị ngoại trưởng “ASEAN-Nhật Bản” v.v... được thành lập trên nền tảng Diễn đàn cao su “ASEAN-Nhật Bản” đã khiến cho ASEAN và Nhật Bản duy trì sự giao lưu mang tính thường xuyên trong các lĩnh vực và tầng nấc khác nhau. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thêm sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên, hơn nữa còn là tấm gương để cho các nước ASEAN và các nước khác xây dựng cơ chế hợp tác khu vực từ nay về sau, bao gồm “ASEAN+1”, “ASEAN+3”. Nhưng Nhật Bản có những tính toán lợi ích cho bản thân tương đối nhiều trong hợp tác khu vực. Trước tiên, Nhật Bản cho rằng: “Từ giữa những năm 1990 đến nay, ASEAN và Nhật Bản luôn lãnh đạo khu vực, thậm chí còn nhờ những cam kết của Nhật Bản đối với hợp tác Đông Á mới có thể thúc đẩy việc xây dựng cơ chế hợp tác ASEAN+3”.
Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng hợp tác khu vực của Đông Á xuất phát từ sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và ASEAN, điều này không phải là hạ thấp vai trò của các nước khác, nhất là vai trò của Trung Quốc, hơn nữa Trung Quốc mới chỉ tích cực tham gia các công việc trong hợp tác Đông Á mấy năm gần đây, không thể sánh ngang với Nhật Bản. Thứ hai, Nhật Bản và ASEAN tuy là hai động cơ của chủ nghĩa khu vực Đông Á, nhưng tồn tại những khác biệt về nhận thức chung. Nhật Bản tự cho mình là nhà nước dân chủ công nghiệp hóa tiên tiến, có quan niệm giá trị tự do nội tại như tự do nhân quyền, dân chủ và nền kinh tế thị trường, còn ASEAN không có nhận thức chung đối với những vấn đề này. Nhận thức của ASEAN xây dựng trên nguyên tắc quan hệ đối ngoại liên quan với “phương thức ASEAN”. Điều này khiến cho hai bên từng một thời xảy ra những bất đồng về vấn đề những nước tham gia, nghị trình của hợp tác ở châu Á. Nhật Bản cho rằng khối Đông Á cần bao gồm Ôxtrâylia và Niu Dilân, lý do là các nước này cũng là nhà nước dân chủ công nghiệp hóa tiên tiến. Năm 1995, khi trù bị hội nghị Á-Âu, Nhật Bản đề xuất muốn hai nước này tham gia, nhưng ASEAN không mời hai nước này tham dự. Trong nghị trình hợp tác, sau sự kiện 11/9, Nhật Bản mong muốn “ASEAN+3” có thể công bố tuyên bố chống khủng bố chung, nhưng do Nhật Bản và ASEAN thiếu lập trường chung về vấn đề chủ nghĩa khủng bố, ASEAN không sẵn sàng cùng với Nhật Bản thảo luận sâu về vấn đề này. Nhật Bản có ý đồ dựa vào ưu thế kinh tế của bản thân, thông qua khung “ASEAN+Nhật Bản” để xây dựng khung hợp tác khu vực có lợi cho Nhật Bản và nước này phát huy vai trò chủ đạo. Sở dĩ Nhật Bản có thái độ tiêu cực về việc mở cửa thị trường là vì thành lập khu thương mại tự do với ASEAN, các nước ASEAN có thể thêm cơ hội bước vào thị trường Nhật Bản, còn kinh tế Nhật Bản thu được lợi ích lại không phải là nhiều. Đặc biệt là đến nay, Nhật Bản chưa đưa ra kiến nghị mở cửa thị trường nông nghiệp trong nước, mà đa số các nước ASEAN là nước nông nghiệp đang mong chờ Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp, và điều này đã khiến cho các nước ASEAN hoài nghi về thành ý của Nhật Bản đối với việc thành lập khu thương mại tự do. Nói cách khác, nếu Nhật Bản không thể mở cửa thị trường trong nước, việc ký hiệp định thương mại tự do “ASEAN-Nhật Bản” không hề có ý nghĩa. Sách lược của Nhật Bản là cùng với các nước ASEAN đạt được hiệp định thương mại tự do song phương. Phương thức này đã sinh ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với khối ASEAN, nhất là khối kinh tế ASEAN. Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng ASEAN tồn tại vấn đề điều chỉnh trong nội bộ: các nước thành viên ASEAN phát triển không cân bằng, giữa hai bên tồn tại những bất đồng, khó có thể hình thành sự hợp nhất, điều đó khiến cho vai trò của các nước này bị hạn chế trong hợp tác Đông Á. 
Bước sang thế kỷ mới đến nay, Nhật Bản có những tiến triển chậm trong hợp tác khu vực. Nguyên nhân gồm trong và ngoài nước: Thứ nhất, nền kinh tế “bong bóng” bị vỡ đã khiến cho nền kinh tế Nhật Bản lâu nay ảm đạm; Nhật Bản phải tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề kinh tế, không chú ý đến hợp tác khu vực. Khi bước vào thế kỷ 21, Nhật Bản vẫn phải chịu ‘10 năm mất mát’ của những năm 1990 để lại, giới tinh hoa đều biết rằng nhà nước vẫn buộc phải đối mặt với những khiếm khuyết của nền kinh tế và chính trị cũng như các trang thiết bị thông tin và kỹ năng không đủ v.v... Tất cả những điều này đã làm giảm đi rất nhiều không gian hoạt động ngoại giao. Thứ hai, Nhật Bản không sẵn sàng trả giá cho sự hy sinh quan hệ với Mỹ để tham gia hợp tác Đông Á. Việc Nhật Bản ra sức đề xướng chủ nghĩa khu vực “mở cửa” chủ yếu là lo ngại Mỹ bị gạt ra ngoài Đông Á. Nhật Bản cho rằng “mối quan hệ giữa Nhật Bản, Đông Nam Á và Mỹ là sức mạnh trọng tâm để giữ vững ổn định và phồn vinh khu vực này”. Mối quan hệ đối tác đa phương Nhật Bản-Đông Nam Á hiển nhiên cần phải đẩy mạnh ngang bằng với mối quan hệ song phương Nhật-Mỹ truyền thống. Mặt khác, Nhật Bản lại muốn bên cạnh việc duy trì liên minh Nhật-Mỹ, phải xác lập quyền chủ đạo của mình trong hợp tác khu vực Đông Á. Ngoài ra, Nhật Bản còn cho rằng “Việc điều tiết thành công giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ là nhân tố trọng tâm thúc đẩy chủ nghĩa mới Đông Á”. Như trên đã trình bày, mục đích chủ yếu của Nhật Bản trong cơ chế hợp tác “ASEAN+Nhật Bản” là chiếm đỉnh cao trong hợp tác khu vực. Nhưng do vai trò dẫn đầu của Trung Quốc cũng như sự phát triển hòa bình của nước này đã khiến cho ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á không ngừng mở rộng. Nhật Bản cho rằng điều này đã tạo thành thách thức đối với vị thế của mình ở khu vực này, cần phải điều chỉnh đối với chính sách ASEAN, đặc biệt là “việc Trung Quốc đưa ra kiến nghị thành lập khu thương mại tự do ASEAN là một đòn tấn công lớn đối với Nhật Bản”. Ban đầu, Nhật Bản chưa nhìn nhận nghiêm túc kiến nghị này, cho rằng việc đạt được hiệp định khu thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN không có tính khả thi, nhưng sau khi Trung Quốc và ASEAN đã ký hiệp định này, “Nhật Bản coi ngoại giao kinh tế của Trung Quốc đối với ASEAN là thách thức chủ yếu đối với sự hợp tác của bản thân với ASEAN trong việc xây dựng trật tự kinh tế ở Đông Á. Nhật Bản ngoài đưa ra những sự đáp trả cùng với ASEAN ký “Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện”, còn tỏ ra sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác Đông Á, và cùng với ASEAN xây dựng khối Đông Á. Tóm lại, “hành động của Trung Quốc hiển nhiên đã thúc đẩy Nhật Bản nhanh chóng đưa ra những phản ứng của mình, sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở thành động lực thúc đẩy quan trọng khiến Nhật Bản tham gia các công việc khu vực nhiều hơn”./. 
Theo Tạp chí “Hòa bình và phát triển” - Trung Quốc
Vũ Hiền (gt)