Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

95. Chiến cuộc Iraq: Lời đáp cho Libya sau 20 năm?

20 năm sau Chiến tranh vùng Vịnh đầu tiên chống lại Iraq, các cuộc không kích của phương Tây vào Libya hiện tại cũng được sự ủng hộ của LHQ và các nước Ảrập, và cũng đặt ra những câu hỏi tương tự.
Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 (còn gọi là Chiến dịch Bão táp Sa mạc) là một cuộc xung đột giữa Iraq và liên minh gần 30 quốc gia do Mỹ dẫn đầu và được LHQ phê chuẩn để giải phóng Kuwait.
Sự kiện dẫn tới chiến tranh việc Iraq tấn công Kuwait ngày 2/8/1990, sau khi Iraq cho rằng Kuwait đã "khoan nghiêng" giếng dầu của họ vào biên giới Iraq. Hậu quả của cuộc xâm chiếm là Iraq ngay lập tức bị LHQ áp đặt trừng phạt kinh tế. Những hành động quân sự bắt đầu từ tháng 1/1991, liên quân đã buộc quân đội Iraq phải rút khỏi Kuwait.
Khói lửa ngút trời Libya Ảnh: Reuters
Liên minh chống Iraq trong cuộc chiến thứ nhất gồm 34 quốc gia – lớn hơn nhiều với ilên minh giờ đây đang chống lại Moamer Kadhafi. Giống như Libya, nó xuất phát từ một nghị quyết của LHQ cho phép áp dụng “mọi biện pháp cần thiết” để đạt được mục tiêu, được sự ủng hộ của các quốc gia Ảrập và bắt đầu với một chiến dịch trên không.
Nhưng trong cuộc chiến cách đây hai thập niên, các cuộc không kích được tiếp nối bởi chiến dịch triển khai lực lượng mặt đất có sự giám sát của liên minh nhằm đảm bảo không tồn tại một lực lượng chiếm đóng.
"Quyết định đưa ra cho sứ mệnh này là thay đổi chế độ tại Libya. Chuỗi chiến lược ấy được xây dựng kể từ 1991, nhưng lần này có sự tham gia lớn hơn của châu Âu”, George Friedman thuộc Tổ chức Cố vấn an ninh Mỹ Stratfor cho biết. "Những ngày đầu sẽ rất thành công nhưng không có nghĩa chiến tranh là thành công”.
Một vấn đề lớn khi ấy cũng như bây giờ, là thay đổi chế độ.
Năm 1991, Tổng thống Mỹ George Bush đã ngừng điều lực lượng tới Baghdad để lật đổ Saddam. Sứ mệnh này phải chờ tới khi Mỹ dẫn đầu liên minh trong cuộc chiến Iraq năm 2003 dưới thời Bush con.
Tại Libya năm 2011, tình hình có lẽ “khả quan hơn” khi các nhà lãnh đạo liên minh nói rằng, họ muốn lật Kadhafi nhưng LHQ ủy nhiệm không rõ ràng cho phép hành động chống lại ông.
Tổng thống Barack Obama hôm qua (21/3) cho biết, chính sách của Mỹ là Kadhafi phải từ bỏ quyền lực, nhưng đồng thời nhấn mạnh, Washington sẽ tuân thủ sự ủy nhiệm của Nghị quyết 1973 mà Hội đồng Bảo an đưa ra về Libya.
Thủ tướng Anh David Cameron đã nhắc lại rằng, nghị quyết “không bao gồm một lực lượng chiếm đóng dưới bất kể hình thức nào trên bất kể một phần lãnh thổ nào của Libya” và không cung cấp những cơ sở pháp lý cho việc lật đổ Kadhafi bằng biện pháp quân sự.
Có điều tương đồng nữa với năm 1991 khi vùng cấm bay được thiết lập lập tức tại miền bắc Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh để bảo vệ cộng đồng thiểu số người Kurd khỏi sự tấn công từ lực lượng của Saddam.
Tại quốc hội Anh hôm qua, nghị sĩ Nadhim Zahani tuyên bố “có những tương đồng giữa chiến dịch hiện tại với cuộc chiến Iraq bảo vệ người Kurd”, trong khi lại phản đối việc thay đổi chế độ bởi các lực lượng phương Tây.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox đã bác bỏ so sánh này và khẳng định, vùng cấm bay tại Libya không có “triển vọng” kéo dài. Và trong khi Mỹ tuyên bố không có ý định điều động lực lượng mặt đất tới Libya thì một số bộ trưởng nội các Anh đã từ chối bác bỏ khả năng triển khai lực lượng bộ binh của nước này tại quốc gia Bắc Phi. Các bộ trưởng Anh chỉ cho biết, hiện tại họ chưa có kế hoạch về vấn đề này.
Trong đêm thứ ba kể từ lúc phương Tây bắt đầu tấn công vào Libya, hỏa lực phòng không vẫn lóe sáng khắp bầu trời Tripoli nhưng hoạt động không kích dường như chậm lại, một tướng Mỹ cho biết.
Washington có thể do lo lắng sa lầy vào một cuộc chiến khác sau những chiến lịch kéo dài tại Iraq và Afghanistan, đã bác bỏ hành động cụ thể để lật đổ Gaddafi. "Cảm giác của tôi là, trừ khi xảy ra điều bất thường, chúng ta có thể thấy tần suất tấn công sụt giảm”, Tướng Carter Ham, người lãnh đạo lực lượng Mỹ trong hoạt động tại Libya nói với báo chí ở Washington.
Đài truyền hình Libya tiếp tục phát đi hình ảnh một số nơi tại Tripoli trở thành mục tiêu của những đợt tấn công mới. Đài truyền hình Al Jazeera đưa tin, hệ thống radar tại hai căn cứ phòng không ở đông Libya bị tấn công. Tuy nhiên, một phát ngôn viên lực lượng Pháp tham gia không kích ở phía đông khẳng định, không có máy bay hoạt động thời điểm này.
Mỹ và các đồng minh đang chịu nhiều chỉ trích về việc sử dụng hỏa lực mạnh mẽ tấn công Libya, trong đó có việc bắn hơn 110 tên lửa 110 Tomahawk vào hôm thứ Bảy.
Quan chức tại Tripoli cho biết, một tên lửa hôm Chủ nhật mà họ nói là nhằm giết chết Gaddafi, đã phá hủy một phần căn cứ của lãnh đạo Libya. "Đó là vụ oanh tạc khủng khiếp”, phát ngôn viên chính phủ Mussa Ibrahim, đưa ra những mảnh đạn và nói. “Nó mâu thuẫn với tuyên bố của Mỹ và phương Tây … rằng đó không phải là mục tiêu tấn công của họ”.
Thái An (Theo france24, Reuters)
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/13494/chien-cuoc-iraq--loi-dap-cho-libya-sau-20-nam-.html