Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

24.Hướng tới một thế giới bền vững không có chiến tranh

TCCS - Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai do bọn phát-xít gây ra đã mang lại thảm hoạ tàn khốc chưa từng có trong lịch sử loài người, cướp đi hàng chục triệu sinh mạng con người, phá hoại nguồn của cải vật chất trị giá hàng ngàn tỉ USD, và gây nên đau thương thảm khốc không thể tính bằng con số. Kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát-xít, không gì thiết thực hơn là nhân dân các nước trên thế giới cùng nhớ lại và suy ngẫm bài học lịch sử, hướng tới một tương lai hoà bình bền vững, vĩnh viễn loại bỏ chiến tranh khỏi cuộc sống của con người trên trái đất.
Nhớ lại bài học lịch sử của cuộc chiến tranh chống phát-xít
Trong 65 năm qua, đã có hàng ngàn quyển sách, hàng vạn bài báo viết về đề tài chiến tranh chống phát xít, nhất là trong các dịp kỷ niệm năm chẵn. Chủ đề được các công trình nghiên cứu và các tác phẩm nghệ thuật (nhất là điện ảnh) tập trung nhiều nhất là nguyên nhân bùng nổ chiến tranh và nguyên nhân thắng lợi của chiến tranh chống phát-xít.
Về nguyên nhân bùng nổ chiến tranh, các nhà sử học Liên Xô trước đây nhấn mạnh Hiệp ước Muy-ních (về vấn đề Tiệp Khắc) do các nước Anh, Pháp ký với nước Đức quốc xã đã dọn đường cho phát-xít Đức gây chiến tranh ở châu Âu; chính sách Muy-ních phương Đông của Mỹ đã dẫn đến việc quân phiệt Nhật Bản gây chiến tranh ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, các nhà sử học phương Tây lại cho rằng "Hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức" đã tạo điều kiện cho Hít-le gây chiến tranh ở Tây Âu, để sau đó quay lại tấn công Liên Xô.
Về nguyên nhân thắng lợi của chiến tranh chống phát-xít, giới sử học Liên Xô khẳng định vai trò chủ lực của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến tranh tiêu diệt phát-xít Đức ở châu Âu và trong cuộc chiến chống quân phiệt Nhật trên chiến trường châu Á. Ngược lại, giới sử học phương Tây nhấn mạnh "Mặt trận thứ hai" do liên quân Anh - Mỹ mở tại Noóc-măng-đi là nhân tố quyết định thảm bại của phát-xít Đức, và hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki là đòn giáng quyết định Nhật hoàng đầu hàng Đồng minh.
Thậm chí sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, và nhất là hiện nay, cuộc tranh luận nói trên không những vẫn tiếp tục theo quán tính, thậm chí còn được ráo riết đẩy mạnh hơn. Một số người trong giới nghiên cứu phương Tây còn lợi dụng việc Liên Xô giải thể, lợi dụng một số tài liệu mới được công bố, mưu toan bóp méo, xuyên tạc, xét lại lịch sử, cố tình phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ hai góp phần giải phóng loài người khỏi họa diệt chủng... Trước tình hình này, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã cho thành lập "Uỷ ban chống xuyên tạc lịch sử" để đáp trả những luận điểm trâng tráo đó.
Thiết nghĩ sau 20 năm chiến tranh lạnh kết thúc, và trong bối cảnh toàn cầu hoá, nhân loại đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, những người nghiên cứu về chiến tranh chống phát-xít trên thế giới nên có sự đổi mới về tư duy, phương hướng và đối tượng nghiên cứu, tập trung vào chủ đề phê phán chủ nghĩa phát-xít, tìm ra bản chất gây chiến xâm lược của chúng, và chủ đề đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít vì những mục tiêu cao cả của thời đại: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, và tiến bộ xã hội.
Về bản chất của chủ nghĩa phát-xít: có thể khẳng định rằng chủ nghĩa phát xít là “quái thai lịch sử”, và những tên đầu sỏ Hít-le, Mút-sô-li-ni v.v.. là những con thú dữ, kẻ thù của loài người, kẻ thù của nước Nga, Mỹ, Anh, Pháp, kẻ thù của các nước ở châu Âu, châu Á, châu Phi bị chúng xâm lược v.v.. Ra đời trong một môi trường thế giới bất công, chúng khuếch trương thế lực, phát động chiến tranh bằng chính sách xảo quyệt lừa mị nhân dân. Có thể lấy chủ nghĩa phát-xít Đức - một điển hình của chủ nghĩa phát-xít quốc tế làm ví dụ.
Những thập niên cuối của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là thời kỳ chủ nghĩa đế quốc tranh giành, xâu xé đất đai trên thế giới bằng những thủ đoạn xâm lược tàn bạo, và khi không còn đất để xâm chiếm nữa thì chúng dùng thủ đoạn chiến tranh thế giới để cướp tay trên của nhau, phân chia lại thế giới theo nguyên tắc so sánh sức mạnh. Đó là ngòi nổ gây nên cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất trong lịch sử loài người (1914 - 1918). Ở nước Đức từ cuối thế kỷ XIX, những phần tử dân tộc cực đoan đã giải thích lịch sử loài người như lịch sử của loài động vật. Học thuyết của nhà sinh vật học Sác-lơ Đác-uyn về sự tiến hoá của giới động vật đã bị chúng lợi dụng, biến thành thuyết "Đác-uyn - xã hội", giải thích lịch sử tiến hoá của nhân loại là một quá trình "cạnh tranh không gian sinh tồn", giết hại lẫn nhau để tồn tại và phát triển, như quy luật "cá lớn nuốt cá bé" trong lịch sử tiến hoá của giới động vật. S.Đác-uyn chia giới động vật thành từng loài, còn chúng chia loài người thành từng giống: da trắng, da đen, da vàng, da đỏ. Da trắng là giống người "thượng đẳng", trong đó nòi Giéc-manh là "siêu đẳng", còn các giống người da màu là "hạ đẳng", chỉ đáng làm nô lệ hoặc bị tiêu diệt. Khi Đức - Áo bị thảm bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Đức không những không cướp thêm được thuộc địa từ tay các đối thủ Anh, Pháp, Mỹ, mà đã mất hết thuộc địa từng có, và bản thân dân tộc Đức bị các nước thắng trận kìm kẹp và nô dịch bằng Hiệp ước Véc-xay, thì những phần tử dân tộc cực đoan càng trở nên hung hãn, kích động tâm lý phục thù để lôi kéo cả dân tộc Đức vào cuộc chiến tranh mới - chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945). Hít-le vốn chỉ là lính đen một tên cảnh sát. Hắn trở thành quốc trưởng nước Đức phát-xít chỉ vì đã lừa bịp được nhân dân Đức bằng những khẩu hiệu đánh trúng vào tâm lý bất mãn chính đáng của từng tầng lớp xã hội và cả dân tộc Đức. Năm 1919, Hít-le và đồng bọn thành lập Đảng Quốc xã (National sozialistiche_ Nazi) nấp dưới chiêu bài "Quốc gia", "xã hội", hò hét "giải phóng nước Đức khỏi sự nô dịch của Hiệp ước Véc-xay", "giải phóng giai cấp công nhân Đức khỏi sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản", "đưa nông dân Đức tới những vùng đất phì nhiêu mênh mông", "đưa thanh niên Đức tới một tương lai xán lạn, ở đó mọi người có thể phát huy tài năng và trí tuệ" v.v.. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 - 1932 làm cho cạnh tranh giữa các đế quốc trở nên cực kỳ gay gắt và nước Đức ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Đó là thời cơ để bọn phát xít Hít-le lên cầm quyền, biến nước Đức thành một "trại lính" và "lò đúc súng", biến thanh niên Đức thành những "cỗ máy giết người" có thể phạm bất cứ tội ác nào miễn là đặt được sự thống trị của nòi giống Giéc-manh lên toàn thế giới. Ở nước Ý, đảng phát-xít của Mút-sô-li-ni (chính thức thành lập năm 1921) cũng đã đưa ra những khẩu hiệu mị dân để mê hoặc và lôi kéo quần chúng, lên cầm quyền từ năm 1922, dùng "bàn tay sắt và máu" đàn áp trong nước và chuẩn bị chiến tranh thế giới. Cùng lúc đó, Nhật Bản dưới chế độ quân phiệt Thiên Hoàng cũng đã tung ra thuyết "Đại Đông Á" lừa mị cả dân tộc Nhật lao vào một cuộc chiến tranh "giải phóng giống da vàng".
Có thể nói rằng, bọn phát xít Đức - Ý - Nhật phát động được chiến tranh trước hết là do chúng đã lừa bịp được quần chúng trong nước, đã đầu độc được một bộ phận người dân, nhất là thanh niên, bằng tư tưởng Sô-vanh. Tư liệu lịch sử còn ghi lại những cuộc duyệt binh, những cảnh diễn thuyết của Hít-le trước sự hưởng ứng cuồng nhiệt của hàng triệu dân Đức, nhất là thanh niên và học sinh. Chính vì bị lừa bịp, mê hoặc bằng tư tưởng hiếu chiến mà hàng chục triệu thanh niên là binh lính nước Đức, Ý, Nhật đã phơi thây trên các chiến trường, đã bị lợi dụng để gây nên cuộc “đại tàn sát” man rợ nhất trong lịch sử loài người... Trải qua cơn ác mộng lịch sử ấy, ngày nay người dân các nước Đức, Ý, Nhật hơn ai hết thấu hiểu giá trị của hoà bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc, và càng nhận thức rõ chân lý: một dân tộc bị lôi kéo gây chiến xâm lược dân tộc khác, dân tộc đó sẽ không có hoà bình và hạnh phúc.
Tuy nhiên, bọn phát-xít sẽ không thực hiện được âm mưu gây chiến tranh thế giới, hoặc lò lửa chiến tranh có thể bị dập tắt ngay từ khi chúng mới nhen nhóm, nếu nhân dân và chính phủ các nước trên thế giới thực sự đoàn kết lại trong một mặt trận bảo vệ hoà bình và kịp thời chặn đứng bàn tay của bọn gây chiến. Tương quan lực lượng lúc bấy giờ cho phép Liên Xô và các nước dân chủ phương Tây, Mỹ, Anh, Pháp v.v.. hoàn toàn có khả năng chặn đứng hành động gây chiến của phát xít Hít-le ngay từ khi chúng khởi sự xâm lược Tiệp Khắc (tháng 8-1938). Nhưng lực lượng chống phát-xít đã không tập hợp được do đàm phán giữa Liên Xô với Anh, Pháp (đứng sau là Mỹ) không đi đến kết quả, đã tạo thời cơ cho Hít-le mở cuộc tấn công Ba Lan, sau đó chuyển sang hướng Tây tập trung tấn công đánh chiếm châu Âu tư bản, rồi quay sang phía Đông tấn công xâm lược Liên Xô.
Tuy nhiên, nhờ có "Mặt trận đồng minh chống phát-xít", chính thức ra đời vào ngày 1-1-1942 đã tạo điều kiện cho các lực lượng chống phát-xít trên toàn cầu hợp đồng tác chiến và giành thắng lợi. Chiến thắng phát-xít là chiến công chung của toàn nhân loại, trong đó có vai trò quan trọng của Liên Xô, là chiến thắng của nền văn minh toàn nhân loại, gắn liền với sự sống còn của tất cả các dân tộc, gắn liền với lợi ích của tất cả các quốc gia. Nếu chủ nghĩa phát-xít không bị đánh bại thì thảm hoạ khủng khiếp sẽ bao trùm toàn thế giới, tất cả các nền văn minh sẽ bị huỷ diệt, tất cả dân tộc đều bị nô dịch, các quốc gia đều bị diệt vong. Nếu các nhà lãnh đạo các quốc gia, nhất là các cường quốc, sớm nhận thức được điều đó, bỏ qua những tính toán hẹp hòi trước mắt, xuất phát từ tầm cao chiến lược, thực sự đoàn kết lại trong Mặt trận Đồng minh dân chủ và kịp thời hành động, thì có lẽ nhân dân thế giới đã tránh được những thảm hoạ kinh hoàng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng may mắn là thực tế chiến tranh khi mới nổ ra đã làm cho các nhà lãnh đạo các cường quốc tỉnh ngộ, cùng nhau hiệp đồng chiến đấu trong Mặt trận Đồng minh, xoay chuyển được cục diện cuộc chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng. Nghiên cứu lịch sử chiến tranh chống phát-xít ngày nay không nên quá chú tâm vào việc tranh công chiến thắng, mà nên tập trung vào bài học đoàn kết quốc tế nhằm mục tiêu ngăn chặn nguy cơ chiến tranh, giữ vững hoà bình thế giới.
Cùng phấn đấu cho một nền hoà bình bền vững
Chiến tranh chống phát-xít kết thúc, các bên trong Mặt trận Đồng minh chống phát xít lại đối địch nhau, tạo nên cục diện chiến tranh lạnh với sự đối đầu Xô - Mỹ kéo dài suốt 35 năm. Một số nước phương Tây sau khi được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của phát-xít Đức, lại đem quân đi đàn áp phong trào giải phóng dân tộc tại các nước từng bị họ xâm chiếm. Nhưng xu thế hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ngày càng lớn mạnh và không thể nào ngăn nổi. Sự thay đổi cán cân so sánh lực lượng giữa các cường quốc sau chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo ra nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới. Nhưng chính sự thay đổi cán cân so sánh giữa thế lực gây chiến và lực lượng bảo vệ hoà bình đã tạo ra sức mạnh ngăn chặn được nguy cơ chiến tranh thế giới mới, mặc dầu những cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang cục bộ vẫn liên tục xảy ra.
Chiến tranh lạnh kết thúc, xu thế hoà bình và hợp tác phát triển đã trở thành dòng chảy chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế thế giới, các nước lớn đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thoả hiệp và hợp tác phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược địa - chính trị, địa - kinh tế không vì thế mà suy giảm. Trong nhiều trường hợp, cuộc cạnh tranh đó không thể hiện một cách trực diện trong quan hệ giữa các nước lớn, mà bộc lộ một cách gián tiếp trong xung đột quân sự tại các khu vực ngoại biên (các nước nhỏ), từ đó làm bùng nổ các cuộc chiến cụ bộ, làm xuất hiện các "điểm nóng" tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh. Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, cuộc chiến liên quan đến sự kiện Cô-xô-vô năm 1999, xung đột quân sự kéo dài giữa I-xra-en và Pa-le-xtin từ nhiều năm nay, vấn đề hạt nhân I-ran, vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan, vấn đề Biển Đông v.v.. đều có liên quan đến cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.
Trong khi đó, bước sang thế kỷ XXI, loài người lại đứng trước nguy cơ những hiểm hoạ phi truyền thống: chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thiên tai, dịch bệnh. Ứng phó với những hiểm hoạ ấy là trách nhiệm chung của toàn nhân loại, vì lợi ích của tất cả các quốc gia, trong đó các nước lớn có nghĩa vụ phải gánh vác phần chủ yếu. Hiện đã có vai trò của Liên hợp quốc và những cơ chế quốc tế giải quyết các vấn đề "điểm nóng" như cơ chế "4 bên" về vấn đề xung đột I-xra-en – Pa-le-xtin (gồm Liên hợp quốc, Mỹ, EU, và Nga); cơ chế giải quyết vấn đề hạt nhân Iran "5 + 1" (5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc + Đức), cơ chế giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bằng "đàm phán 6 bên" (CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga) v.v.. Trong các quan hệ song phương quan trọng và nhạy cảm như quan hệ giữa Nga và EU, NATO, quan hệ Trung - Mỹ v.v.. cũng đã hình thành những cơ chế đối thoại. Trong các vấn đề toàn cầu cũng đã có những cơ chế hoạt động phối hợp, gần đây nhất là Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) tháng 12-2009. Thế nhưng, trong khi đối phó với những nguy cơ an ninh chung đó, giữa các cường quốc cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn do tính toán lợi ích riêng, hạn chế kết quả phối hợp để giải quyết vấn đề chung. Thể hiện nghiêm trọng nhất là sự kiện Cô-xô-vô năm 1999 với chủ thuyết "nhân quyền cao hơn chủ quyền", và hai cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan và I-rắc với hành động đơn phương của Mỹ bất chấp vai trò của Liên hợp quốc.
Tình hình trên cho thấy, ngày nay đã xuất hiện những nhân tố thuận lợi trong việc ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thế giới, nhưng mặt khác cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã gây ra, hoặc khó ngăn chặn được chiến tranh và xung đột khu vực, làm tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.
Vũ khí hạt nhân là một sản phẩm chiến tranh đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa. Nước Mỹ đã làm ra bom nguyên tử để diệt đối thủ trong chiến tranh và khống chế thế giới sau chiến tranh. Nhưng sau khi việc khó cấm nổi "phổ biến vũ khí hạt nhân", thì đây không chỉ là mối hiểm hoạ treo lơ lửng trên đầu nhân loại, mà cũng là mối đe doạ nghiêm trọng đối với nước Mỹ trong trường hợp vũ khi này rơi vào tay bọn khủng bố quốc tế. Việc ký kết "Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược - START II" giữa Mỹ và Nga ngày 8-4-2010 vừa qua là một nỗ lực theo hướng giảm bớt nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Mỹ và Nga sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Theo quy định trong START II, số đầu đạn hạt nhân sẽ giảm 30% và các loại phương tiện chuyên chở đầu đạn hạt nhân sẽ giảm một nửa so với START I. Hy vọng Hiệp định sau khi được ký kết giữa Tổng thống B.Ô-ba-ma và Tổng thống Đ.Mét-vê-đép sẽ được Quốc hội Mỹ và Đu-ma quốc gia Nga phê chuẩn. Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Oa-sinh-tơn (với sự tham gia của lãnh đạo 47 nước, trong đó có Việt Nam trong 2 ngày 12 đến 13-4-2010) cũng đã thể hiện tầm quan trọng và tính cấp bách của vấn đề ngăn chặn nguy cơ hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, việc phê chuẩn và thực thi START II không phải là không còn khó khăn, nhất là điều khoản liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) mà Mỹ định bố trí tại Đông Âu và các nơi khác. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nói đến ý tưởng về "một thế giới không có vũ khí hạt nhân". Nhưng viễn cảnh lý tưởng đó có trở thành hiện thực hay không, còn phải xem hành động cụ thể của các cường quốc hạt nhân, sự phối hợp hành động của các lực lượng hoà bình trên toàn thế giới.
*
*        *
Kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng phát-xít (1945 - 2010) là dịp nhân dân thế giới nhớ lại và suy ngẫm về những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh đó, để cùng nhau phấn đấu cho một nền hoà bình, tình hữu nghị và sự hợp tác giữa các dân tộc, vĩnh viễn loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi cuộc sống của loài người.
Thế giới ngày nay đã có những thay đổi lớn lao so với thế giới trước chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là sự tăng cường hợp tác, cùng phát triển; đối thoại thay cho đối đầu giữa các quốc gia; những thay đổi lớn lao trong sự thức tỉnh của con người về chiến tranh và hoà bình. Các thế lực hiếu chiến cực đoan không dễ gì lừa mị nhân dân lao vào con đường gây chiến ngông cuồng như bọn phát xít trước kia; phong trào hoà bình thế giới đã lớn mạnh có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để kịp thời ngăn chặn nguy cơ chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, bài học cảnh giác qua vẫn luôn có ý nghĩa. Các nguy cơ tiềm ẩn tại các “điểm nóng” trên thế giới hiện nay nếu không được giải quyết thoả đáng, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường.
Lịch sử qua đi nhưng không cho phép ai lãng quên quá khứ và những bài học xương máu, bởi nó sẽ giúp nhân dân các nước thêm cảnh giác, quyết tâm, và lòng tin vào sự nghiệp đấu tranh cho một thế giới hoà bình bền vững. Nói như Thủ tướng Ba Lan Đô-nan Tu-scơ nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai: chúng ta đều hiểu rất rõ rằng ký ức về sự hung tàn, về sự diệt chủng sẽ là lá chắn quan trọng nhất, hiệu quả nhất chống lại nguy cơ của cuộc chiến tranh tiếp theo. Thủ tướng Nga V.Pu-tin cũng nhấn mạnh rằng cần phân tích kỹ những sự kiện trong chiến tranh thế giới thứ hai, từ đó rút ra bài học cần thiết để không bao giờ cho phép tái diễn một thảm kịch tương tự.(1)
_____________________________________________________________________________________________
(1) http://www.cpv.org.vn/, ngày 3-9-2009

PGS.TSNguyễn Huy Quý
TCCS: Số 9 (201) năm 2010