TCCS - Thực tiễn cho
thấy, quốc gia nào đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và
giáo dục, nước đó sẽ dẫn đầu trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh
tế. Vậy làm thế nào để đào tạo và thu hút đội ngũ nhân tài để họ có thể
phục vụ một cách tốt nhất cho công cuộc phát triển kinh tế của đất
nước, đây là một bài toán khó luôn được các quốc gia đặt lên hàng đầu để
tìm lời giải.
Cuộc chạy đua thu hút nhân tài trên thế giới
Cùng với sự phát triển
như vũ bão của nền kinh tế tri thức, cuộc chạy đua tranh giành nguồn lực
nhân tài giữa các quốc gia ngày càng diễn ra quyết liệt. Hầu hết các
nước trên thế giới đều coi “chiến lược nhân tài” là quốc sách quan
trọng, không ngừng phát triển nguồn lực nhân tài trong nước, bảo đảm an
ninh nhân tài cho quốc gia. Song song với việc đẩy mạnh công tác đào tạo
và bảo vệ nguồn tài nguyên nhân tài, các nước còn ban hành nhiều chính
sách ưu đãi nhằm thực thi chiến lược tranh giành nhân tài, tạo nên một
cuộc đua “giành giật” nhân tài gay gắt trên phạm vi toàn cầu.
Biến động rõ nét nhất của
sự dịch chuyển nhân tài thế giới là, các quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp,
Đức, Ca-na-đa và một số nước phát triển ở Đông Âu là những nước “nhập
khẩu” nhân tài chủ yếu, còn các nước đang phát triển lại là nguồn “xuất
khẩu” nhân tài quan trọng. Theo thống kê, từ thập niên 60 đến thập niên
90 của thế kỷ XX, đã có trên hai triệu người có trình độ khoa học kỹ
thuật cao ở các nước đang phát triển di cư sang các nước phát triển. Các
nước phương Tây như một “ống hút” khổng lồ không ngừng “hút” nguồn chất
xám từ các nước đang phát triển bằng cách thu hút các nhân tài trẻ sang
đất nước họ học tập, rồi sau đó giữ lại làm việc. Năm 2009, trong số
những nghiên cứu sinh đang theo học nhóm ngành tự nhiên ở Mỹ, tỷ lệ du
học sinh nước ngoài chiếm tới 27,8%, tỷ lệ du học sinh nước ngoài tốt
nghiệp tiến sĩ (người không có quốc tịch Mỹ) lên tới 32,8%. Còn ở Pháp,
năm 2009, trong số nghiên cứu sinh theo học nhóm ngành tự nhiên, có tới
26,3% là du học sinh nước ngoài.
Trong cuộc chiến giành
nhân tài, Mỹ là quốc gia đóng vai trò chủ đạo. Chiến lược mà Mỹ áp dụng
là thu hút nhân tài trên phạm vi toàn cầu. Các đời tổng thống Mỹ đều
tích cực đề cao chiến lược “ưu tiên cho giáo dục”, “đầu tư cho con
người” và xây dựng “cường quốc trí tuệ”. Dựa vào thế mạnh kinh tế có một
không hai của mình và thông qua chính sách di dân mở cửa, Mỹ đã thu hút
được một đội ngũ nhân tài hùng hậu phục vụ cho đất nước. Theo thống kê,
mỗi năm toàn thế giới có 1,5 triệu du học sinh, trong đó có 48.000 du
học sinh học tập và nghiên cứu ở Mỹ. Từ năm 1993 đến năm 2005, Mỹ đã
tiếp nhận 900.000 nhà khoa học và kỹ sư của nước ngoài sang Mỹ làm việc.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trong vòng 10 năm (1969
-1979), Mỹ đã tiếp nhận gần 500.000 nhân tài nước ngoài có trình độ
chuyên môn kỹ thuật cao, trong đó có 3/4 số người đến từ các nước đang
phát triển, trong số này, có 1/2 số người đến từ châu á. Tháng 5-2000,
Tổng thống Mỹ B.Clin-tơn đã trình lên Quốc hội Mỹ Chương trình “nhập
khẩu” nhân tài, theo đó, từ năm 2001 - 2003, mỗi năm số nhân tài nước
ngoài có trình độ kỹ thuật cao mà Mỹ tiếp nhận sẽ tăng từ 115.000 người
lên 200.000 người, và từ năm 2001 đến 2010, Mỹ sẽ thu hút 1 triệu nhân
tài có trình độ kỹ thuật cao từ các quốc gia khác vào đất nước mình.
Chính phủ Mỹ cho phép mỗi năm có 6.000 nhà khoa học nổi tiếng và các
chuyên gia cao cấp của nước ngoài được định cư hợp pháp vào Mỹ.
Ngược lại với Mỹ, các
quốc gia và khu vực phát triển khác, một mặt, vừa thu hút nhân tài từ
các nước đang phát triển; mặt khác, cũng phải đối mặt với tình trạng
“chảy máu” chất xám. Theo thống kê của Hội đồng châu Âu (EC), năm 2005,
số nhân tài của EC vào Mỹ chiếm 15% tổng số nhân tài của các nước vào
Mỹ, trong đó tình trạng “chảy máu” chất xám ở Anh là nghiêm trọng nhất,
25% số hội viên có quốc tịch Anh trong Hội Hoàng gia Anh đang làm việc ở
nước ngoài. Đến năm 2008, có khoảng 400.000 chuyên gia cao cấp của Liên
minh châu Âu (EU) đang làm việc ở Mỹ. Báo cáo chỉ tiêu khoa học kỹ
thuật của EU năm 2008 đã chỉ ra rằng, 75% chuyên viên cao cấp mang quốc
tịch châu Âu muốn tiếp tục ở lại Mỹ làm việc. Theo điều tra của Hiệp hội
nghiên cứu sinh Ô-xtrây-li-a, tình trạng “chảy máu” chất xám ở quốc gia
này đang gia tăng với tốc độ 10% mỗi năm, chỉ riêng năm 2007, 65% số
nghiên cứu sinh thuộc nhóm ngành khoa học tự nhiên của quốc gia này ra
nước ngoài làm việc sau khi tốt nghiệp.
Năm 1998,
Mỹ thông qua Luật về sức cạnh tranh nhằm tăng cường lực lượng nhân tài
cho nước Mỹ. Thực chất của Luật về sức cạnh tranh là đẩy nhanh quá trình
tranh giành nhân tài trên thế giới, nhất là nguồn lực nhân tài ở các
nước đang phát triển.
|
Ngoài những quy luật phổ
biến nói trên, một quy luật biến động mới của thị trường nhân tài là các
công ty xuyên quốc gia của phương Tây xây dựng trung tâm nghiên cứu
công nghệ cao ở nước bản địa để thu hút nguồn lực nhân tài của quốc gia
đó phục vụ cho họ. Kết quả điều tra đối với 10 trung tâm nghiên cứu công
nghệ cao xuyên quốc gia ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho thấy,
năm 2008, tỷ lệ nghiên cứu viên người Trung Quốc và người nước ngoài là
40:1. Một cuộc điều tra với 164 trung tâm nghiên cứu công nghệ cao ở Bắc
Kinh năm 2008 cho thấy, các trung tâm này tổng cộng tuyển dụng 22.000
nghiên cứu viên Trung Quốc, trong đó có 8.000 thạc sĩ và tiến sĩ, chiếm
hơn 36%. Hiện tượng “đầu quân” cho công ty nước ngoài là rất phổ biến ở
các nước đang phát triển, điều này vô hình trung đã khiến nguồn chất xám
của các quốc gia đang phát triển “chảy máu” một cách nghiêm trọng.
Giữ chân nhân tài: Không còn là chuyện nhỏ
Sách Xanh năm 2007 của
Viện Khoa học xã hội Trung Quốc viết: 28 năm trở lại đây, tỷ lệ du học
sinh Trung Quốc học tập ở nước ngoài về nước làm việc chỉ đạt 25,77%,
trong khi đó hơn 70% số sinh viên Trung Quốc đi du học đều ở lại nước
ngoài làm việc. Theo thống kê, từ đầu thập niên 70 đến giữa thập niên 90
của thế kỷ XX, Mỹ đã thu hút được hơn 200.000 nhân tài là các chuyên
gia cao cấp sang Mỹ làm việc. Sử dụng mỗi chuyên gia người nước ngoài
làm việc cho mình, Mỹ tiết kiệm được 40.000 USD kinh phí đào tạo, như
vậy chỉ riêng chi phí giáo dục mà Mỹ tiết kiệm được đã lên tới 80 tỉ
USD, và nếu tính trong vòng 20 năm, đội ngũ nhân tài này đem lại ít nhất
60 tỉ USD thu nhập cho nước Mỹ.
Vài năm gần đây, các nước
phát triển đã đẩy nhanh tốc độ tranh giành nguồn lực nhân tài, nhiều
chính sách nhập cư ưu đãi được các quốc gia ban hành để thu hút những
người có năng lực vào nước mình làm việc. Các nước trong EU như Pháp,
Đức, Ai-len, Thụy Điển, Anh đã áp dụng chính sách di dân tiện lợi để thu
hút nhân tài có trình độ kỹ thuật cao, đặc biệt là các chuyên gia về
công nghệ thông tin. Tháng 10-2007, EU đã ban hành “Thẻ Xanh” để cạnh
tranh với Thẻ cư trú vô thời hạn “Thẻ Xanh” của Mỹ, tạo điều kiện thuận
lợi cho các nhân tài có trình độ kỹ thuật cao nhập cư vào EU.
Trước cuộc tranh giành
nhân tài gay gắt của Mỹ, Chính phủ Nga cũng áp dụng nhiều biện pháp để
bảo vệ nguồn nhân tài trong nước. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động
nghiên cứu khoa học và giáo dục của Nga không ngừng gia tăng, dự toán
ngân sách của Viện Hàn lâm khoa học Nga vài năm gần đây tăng trên
20%/năm. Chính phủ Nga đã nâng cao mức đãi ngộ vật chất và an sinh xã
hội cho đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong nước, đồng thời mở
rộng quy mô xây dựng nhà ở cho các nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, Chính phủ
Nga còn áp dụng những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng “chảy
máu” chất xám như hạn chế những chuyên gia đầu ngành ra nước ngoài làm
việc, khuyến khích các nhà doanh nghiệp và chính phủ hỗ trợ các học giả
trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau...
Cũng giống Nga, vài năm
gần đây Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực thông qua nhiều chính sách để tạo
môi trường phát triển thuận lợi cho đội ngũ học giả đang làm việc ở nước
ngoài về nước làm việc. Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng nhiều trung tâm kỹ
thuật cao ở các thành phố mới nổi, như Ben-ga-lu-ru, Hy-đê-ra-bát và
khuyến khích đội ngũ nhân tài có trình độ kỹ thuật cao về nước làm việc.
Hiện nay, nhiều nhân tài Ấn Độ sang trung tâm công nghệ cao Sillicon
Valley (Mỹ) làm việc đã mang theo vốn và kỹ thuật quản lý hiện đại từ Mỹ
về các trung tâm kỹ thuật cao của Ấn Độ để đầu tư, đem lại nguồn sinh
lực mới cho ngành công nghệ thông tin của quốc gia này. Bắt đầu từ năm
2003, mỗi năm Chính phủ Ấn Độ tổ chức “Ngày người Ấn Độ ở nước ngoài”
với quy mô lớn nhằm kêu gọi, thu hút người Ấn Độ ở nước ngoài góp tiền,
góp sức cho công cuộc xây dựng đất nước. Còn đối với Trung Quốc, để ngăn
chặn tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra nghiêm trọng, hằng năm,
Chính phủ Trung Quốc đều trao một giải thưởng cao quý nhất nhằm vinh
danh nhà khoa học có cống hiến lớn lao nhất cho đất nước trong lĩnh vực
khoa học kỹ thuật với trị giá lên tới 5 triệu NDT (tương đương với 15 tỉ
VNĐ).
Đôi điều suy nghĩ về việc sử dụng nhân tài ở Việt Nam
Gần đây, một sự kiện lớn
được báo chí đề cập nhiều là trường hợp Giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt
Nam giành được giải thưởng Fields cao quý. Sự kiện này là niềm vinh dự
và tự hào lớn lao, vì đây là lần đầu tiên nhà toán học người Việt Nam
được thế giới vinh danh. Tuy nhiên, chúng ta và ngay cả bản thân giáo sư
Ngô Bảo Châu đều phải thừa nhận rằng, nếu như không được tiếp cận với
hai nền giáo dục tiên tiến, được học hỏi, nghiên cứu và giảng dạy tại
Pháp và Mỹ - hai cường quốc về khoa học cơ bản, giáo sư Ngô Bảo Châu có
thể sẽ không được bước lên đỉnh cao vinh quang của môn toán học - lĩnh
vực khoa học chỉ dành cho những bộ óc siêu việt. Khoa học cơ bản không
phải là thế mạnh và cũng không phải là nhu cầu bức thiết của các nước
đang phát triển vì nhiều lý do dễ hiểu, trong đó có cả lý do kinh tế.
Cho dù là nhân tài ở lĩnh vực nào cũng đều mong muốn có môi trường làm
việc tốt, được hưởng mức đãi ngộ phù hợp để có thể phát huy tối đa khả
năng của mình. Chúng ta cần nắm bắt quy luật biến động của thị trường
nhân tài để kiện toàn cơ chế sử dụng nhân tài cho phù hợp, để có thể
chiêu nạp hiền tài phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển đất nước.
Qua đó, có thể thấy, kinh nghiệm trọng dụng nhân tài của các nước phát
triển là bài học quý đối với một nước đang phát triển, có nền kinh tế
lạc hậu muốn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
nước như Việt Nam. Do đó, qua sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận
giải Fields và những kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc
đào tạo và sử dụng nhân tài, có thể khái quát một số điểm sau:
Thứ nhất,
cần xóa bỏ quan niệm “gừng càng già càng cay”. Năm 2005, Ngô Bảo Châu,
một nhà toán học tài ba được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và
trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Được
đặc cách, có nghĩa là chưa “hội đủ” tiêu chuẩn giáo sư của Việt Nam,
mặc dù trước đó Ngô Bảo Châu đã được phong giáo sư tại Đại học Pa-ri VI
và Pa-ri XI, đồng thời được nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay
(Mỹ). Điều đó cho thấy, tiêu chuẩn về học hàm học vị trong hệ thống đại
học của chúng ta còn khắt khe và nghiêm ngặt về tuổi tác.
Quan niệm “gừng càng già
càng cay” có thể là một chuẩn mực tốt trong một vài lĩnh vực, nhưng
trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật nó lại là một rào cản
lớn cho sự phát triển của những bộ óc sớm bộc lộ tài năng. Hiện nay, ở
nhiều nước phát triển trên thế giới đã có nhiều vị “giáo sư thanh niên”
bước lên bục giảng đại học từ lúc còn rất trẻ, chưa đến tuổi 30.
Thứ hai, cần
thay đổi tư duy về giáo dục. Qua sự kiện Ngô Bảo Châu, đã đến lúc chúng
ta cần phải thay đổi lại tư duy giáo dục và xây dựng một cơ chế thích
hợp để đào tạo và giữ chân nhân tài, đặc biệt là các nhân tài trẻ có
năng lực thực sự. Trường hợp để những nguồn chất xám quý giá như giáo sư
Ngô Bảo Châu ra nước ngoài làm việc là một thiệt thòi lớn cho nước nhà.
Đào tạo nhân tài đã khó, nhưng giữ chân nhân tài lại càng khó hơn. Hiện
nay, chúng ta đã có con số thống kê tương đối chính xác về tỷ lệ lưu
học sinh về nước làm việc sau khi đi tu nghiệp ở nước ngoài hay chưa?
Phải chăng chúng ta cũng nên xây dựng một cơ chế khích lệ nhân tài cho
phù hợp với tình hình đất nước, đặc biệt, hằng năm nên có các giải
thưởng dành cho những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu với giá
trị lớn để khuyến khích các nhà khoa học trong nước có thể dồn nhiều tâm
huyết hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Để trong một tương lai
không xa, chúng ta lại được vinh dự đón mừng một trí tuệ Việt khác tiếp
nhận một giải thưởng uy tín quốc tế với tư cách là một công dân Việt
Nam, do Việt Nam đào tạo mà không chỉ là người gốc Việt!
Thứ ba, cần
có cơ chế và chính sách linh hoạt trong việc thu hút nhân tài. “Hiền tài
là nguyên khí quốc gia”, trong thời đại hiện nay, nhân tài chính là
động lực để phát triển đất nước. Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ
trương, chính sách để đào tạo, phát triển và thu hút nhân tài. Nhưng cơ
chế hành chính của chúng ta đã tạo ra không ít ràng buộc, do vậy chưa
phát huy, tận dụng ở mức cao nhất trí tuệ Việt Nam, cơ chế sử dụng người
tài vẫn còn bất cập. Thực tiễn đã chứng minh, bất kỳ lĩnh vực nào, nếu
không tạo ra được một cơ chế thích hợp theo đúng quy luật phát triển,
nếu người lãnh đạo không biết nhìn nhận, thu hút, trọng dụng nhân tài
thì chúng ta không thể sớm tạo ra được sự bứt phá trên nhiều lĩnh vực.
Hiện nay nhiều địa phương trên cả nước trọng dụng nhân tài theo kiểu
phong trào, cụ thể là địa phương nào cũng có chính sách “trải thảm đỏ”
thu hút nhân tài, nhưng không thiết thực, hiệu quả, làm lãng phí nguồn
chất xám của đất nước. Ví dụ, tại một số địa phương, hằng năm, có chính
sách ưu đãi thu hút sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa, nhưng có
không ít người từ chối. Một số người nhận làm việc song rồi lại ra đi
sau một thời gian ngắn với lý do là không được phân công theo đúng
chuyên ngành đào tạo của họ. Do đó, hiện nay, các địa phương cần căn cứ
vào nhiệm vụ và nhu cầu phát triển kinh tê - xã hội của mình để ký những
“hợp đồng” cụ thể với những người có năng lực thực sự, đồng thời trả
công thỏa đáng cho họ theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, ngoài kết quả
công việc theo hợp đồng, những người có tài sẽ không bị ràng buộc và chi
phối bởi bất cứ yếu tố nào trong quá trình thực hiện công việc của
mình. Như vậy, người tài sẽ phát huy được hết khả năng và địa phương
cũng có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt
ra trước mắt.
Thứ tư, chú
trọng đầu tư cho đại học, đổi mới công tác quản lý du học sinh. Bộ Giáo
dục và Đào tạo cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý du học sinh để bảo
đảm số lượng du học sinh sau khi học tập, phần lớn sẽ trở về cống hiến
cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều quan trọng là chúng
ta cũng cần phải có những chiến lược đầu tư thích đáng hơn nữa cho giáo
dục nói chung, đặc biệt là giáo dục đại học. Trong bối cảnh hiện nay,
cần phải đầu tư xây dựng những trường đại học có khả năng thu hút sinh
viên trong nước và quốc tế có nhiều tố chất của một nhân tài.
Ngoài ra, chúng ta cần
nhìn nhận một điều sâu xa hơn, đó là Việt Nam có rất nhiều tài năng trên
nhiều lĩnh vực. Thực tế những cuộc thi quốc tế nhiều năm qua đã chứng
minh điều đó. Nếu những nhân tài được ươm, trồng, phát triển trên những
mảnh đất có đủ điều kiện về mọi mặt, được chăm chút bởi những con người
có tri thức, có tâm huyết thì chắc chắn Việt Nam không chỉ có một Ngô
Bảo Châu, một Đặng Thái Sơn... Và như vậy, nhân tài Việt Nam không chỉ
phụng sự đất nước, mà còn cho cả sự phát triển của nhân loại, nhất là
trong thời kỳ hội nhập và mở cửa. Như vậy, cần có một “điểm nhìn” và tạo
ra những cơ chế mới để trọng dụng và thu hút nhân tài trong bối cảnh
hiện nay./.
Số 2 (218) năm 2011