Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

48. Từ chính sách “Cộng sản thời chiến” đến chính sách kinh tế mới

TCCS - Sau cuộc cải cách nông nô năm 1861, nền kinh tế Nga phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa (TBCN). Theo V.I.Lê-nin, ở nước Nga trước Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa tư bản (CNTB) phát triển chưa vững mạnh, còn đi sau các nước Tây Âu, nhưng Nga đã bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Tuy chưa bằng một số nước tư bản phát triển ở Tây Âu, nhưng Nga đã đạt được trình độ cao về tổ chức sản xuất công nghiệp, do đó nền kinh tế quốc dân có tốc độ phát triển nhanh chóng. Cùng thời điểm này, Anh, Pháp, Đức lại đầu tư rất mạnh vào Nga, riêng Pháp là 5 tỉ rúp, vốn của Anh, Pháp chiếm 45% - 60% tư bản cổ phần ở Nga. Vì vậy, nhiều ngành công nghiệp quan trọng phát triển rất nhanh như luyện kim, khai khoáng, cơ khí, dầu khí... tỷ trọng công nghiệp của Nga chiếm 4% sản phẩm công nghiệp và đứng thứ 5 thế giới. Nhưng nước Nga, tuy bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, song vẫn là tư bản loại yếu, lệ thuộc vào tư bản phương Tây.
Cuối thế kỷ XIX những tổ chức độc quyền đầu tiên được hình thành ở Nga và đến đầu thế kỷ XX nước Nga thực sự bước sang chủ nghĩa đế quốc như các nước tư bản khác, nhưng ở Nga vẫn còn tồn tại các tàn tích của chế độ phong kiến nông nô, chế độ chuyên chế chưa được xóa bỏ. Vì vậy, đế quốc Nga mang tính chất đế quốc phong kiến quân phiệt.
Năm 1914, Nga hoàng đẩy nhân dân vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Cuộc chiến tranh đã tàn phá nước Nga, làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ: tiềm lực công nghiệp chỉ còn một nửa mức trước chiến tranh, sản lượng nông nghiệp bị giảm 20%, chỉ còn lại 1/2 chiều dài đường sắt và các phương tiện vận tải, lạm phát nghiêm trọng, năm 1916 nạn đói khủng khiếp xảy ra.
Đó là bối cảnh lịch sử kinh tế - xã hội trước khi xảy ra cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười (Cách mạng Tháng Mười nổ ra ngày 7-11-1917 (25-10)). Đó là một cuộc cách mạng có ý nghĩa lịch sử trọng đại không chỉ đối với nước Nga, mà còn đối với toàn thế giới, mở ra thời đại mới - thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
1 - Từ chính sách “Cộng sản thời chiến”...
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, song song với việc củng cố chính quyền của giai cấp vô sản, Nhà nước Xô-viết chuẩn bị tiền đề cho việc xây dựng nền kinh tế XHCN.
Dựa vào đường lối kinh tế trong "Luận cương tháng Tư" do V.I.Lê-nin vạch ra, Chính quyền Xô-viết đã tiến hành:
+ Quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất của địa chủ, nhà tù và nhà thờ, giữ lại một phần (14%) xây dựng nông trường quốc doanh, còn một phần lớn đem chia cho nông dân sử dụng. Sắc lệnh về quốc hữu hóa ruộng đất được ban hành ngày 8-11-1917, đánh dấu giai đoạn kết thúc cuộc cách mạng dân chủ - tư sản ở Nga, mở đầu cho quá trình đi lên CNXH.
+ Thực hiện chế độ kiểm soát của công nhân: sắc lệnh này được ban hành ngày 14-11-1917 và từ đó đến cuối tháng 11-1917 tất cả các xí nghiệp lớn và vừa trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp, tài chính quan trọng nhất đều thành lập các ủy ban kiểm soát của công nhân. Đó là biện pháp quá độ để công nhân làm quen với việc quản lý xí nghiệp, ngăn chặn những hành vi phá hoại của tư sản.
+ Quốc hữu hóa với đường sắt, hầm mỏ, ngoại thương, bưu điện, ngân hàng lớn và công nghiệp. Từ tháng 11-1917 đến tháng 10-1918 tất cả đã có 3.668 xí nghiệp đã vào tay nhân dân lao động (trong thời gian này toàn bộ công nghiệp nặng và các xí nghiệp có trên 50 công nhân mới quốc hữu hóa. Những xí nghiệp có dưới 50 công nhân thì sang thời kỳ sau mới quốc hữu hóa).
+ Các cơ sở công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, bưu điện đã quốc hữu hóa, được đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng kinh tế tối cao (thành lập ngày 2-12-1917).
Thực hiện kế hoạch tiến quân vào cách mạng XHCN, đầu năm 1918, V.I. Lê-nin đã đề ra kế hoạch khôi phục lại nền kinh tế và kế hoạch phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt - kế hoạch xây dựng CNXH. Nhưng đến cuối năm 1918, kế hoạch đó phải hoãn lại vì xảy ra nội chiến.
Cuối năm 1918, nội chiến đã nổ ra ở nước Nga (bọn địa chủ, bọn tư bản bị lật đổ đã nổi dậy chống Chính quyền Xô-viết). Từ bên ngoài có sự can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc do Anh, Pháp cầm đầu hòng bóp chết Nhà nước Xô-viết còn non trẻ. Cuộc nội chiến và can thiệp của nước ngoài làm cho nước Nga càng thêm khó khăn chồng chất.
Trước tình hình đó, V.I.Lê-nin nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiêu diệt kẻ thù" và thi hành Chính sách "cộng sản thời chiến".
Nội dung cơ bản của Chính sách "cộng sản thời chiến" bao gồm các vấn đề như:
+ Trưng thu lương thực thừa của nông dân, Nhà nước độc quyền mua bán lúa mì để cung cấp cho thành thị và quân đội.
+ Nhà nước kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm không những đối với đại công nghiệp mà cả trung và tiểu công nghiệp.
+ Quốc hữu hóa cả những xí nghiệp vừa và nhỏ, có từ 5 công nhân trở lên (nếu có động cơ) và 10 công nhân trở lên dù không có động cơ.
+ Cấm buôn bán trao đổi sản phẩm ở trên thị trường, nhất là lúa mì, thực hiện chế độ tem phiếu, trực tiếp phân phối bằng hiện vật cho người tiêu dùng, xóa bỏ ngân hàng nhà nước.
+ Đặt chế độ lao động cưỡng bức với nguyên tắc: "Không làm thì không ăn".
Nhờ thực hiện Chính sách "cộng sản thời chiến" mà Nhà nước Xô-viết mới có lương thực để cung cấp cho quân đội và nhân dân, bảo đảm đánh thắng thù trong giặc ngoài. Khi đánh giá về chính sách đó, V.I.Lê-nin đã từng nói: Trong điều kiện chiến tranh mà chúng ta đã lâm vào thì về cơ bản chính sách đó là đúng.
Bắt đầu từ sáng kiến vĩ đại của công nhân đường sắt và sau đó được công nhân cả nước hưởng ứng, khí thế lao động của quần chúng được lên cao: "Ngày thứ bảy lao động Cộng sản chủ nghĩa" được thực hiện trên toàn nước Nga.
Ngay trong thời kỳ này, V.I.Lê-nin đã tổ chức lại toàn bộ nền kinh tế, trên cơ sở sử dụng năng lượng điện, xây dựng kế hoạch điện khí hóa nước Nga - kế hoạch kinh tế quốc dân dài hạn đầu tiên của Liên Xô: quy định 10 - 15 năm thay đổi bộ mặt của nước Nga, cải tạo nền kinh tế về cơ bản, đặt nền móng vững chắc cho CNXH.
Chính sách "cộng sản thời chiến" hoàn toàn không phải là một chính sách kinh tế tất yếu của thời kỳ quá độ lên CNXH, mà chỉ là một chính sách tạm thời. Do đó việc kéo dài thực hiện chính sách đó, trong điều kiện có nội chiến và can thiệp, đã làm cho nền kinh tế nước Nga bị lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng: năm 1920 so với năm 1913, tổng sản lượng nông nghiệp chỉ còn 1/2; đại công nghiệp còn 1/7; ngành giao thông vận tải bị tê liệt vì thiếu than, thiếu phương tiện; tình trạng mất mùa đã diễn ra, nhân dân nhiều nơi bị đói và rất thiếu thốn. V.I.Lê-nin đã ví nền kinh tế nước Nga lúc này như một người bị đánh “thập tử nhất sinh” chỉ có thể đi lại bằng đôi nạng.
... Đến Chính sách kinh tế mới
Cuối năm 1920, nội chiến kết thúc, nước Nga chuyển sang thời kỳ xây dựng chế độ xã hội mới. Do đó, Chính sách "cộng sản thời chiến" đã hoàn thành vai trò lịch sử bất đắc dĩ của nó, giờ đây không thể tiếp tục được thực hiện, vì chính sách này không còn kích thích nông dân hào hứng sản xuất, nông dân nhiều nơi đã tỏ ra bất mãn với Chính sách "cộng sản thời chiến" (thể hiện rõ ở cuộc bạo loạn Cron - Xtat gần Lê-nin-grat); khối liên minh công nông có nguy cơ tan vỡ. Cho nên cần thiết phải trở lại thực hiện Kế hoạch xây dựng CNXH do V.I.Lê-nin đề ra vào đầu năm 1918, phải trở lại những quan hệ kinh tế khách quan giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn. Do những yêu cầu đó, Đại hội X của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga (họp từ ngày 8-3 đến ngày 16-3-1921) đã chủ trương thay Chính sách “cộng sản thời chiến” bằng Chính sách kinh tế mới (NEP).
Nội dung cơ bản của Chính sách kinh tế mới là:
+ Bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa thay vào đó là thuế lương thực.
+ Những xí nghiệp nhỏ trước đây bị quốc hữu hóa, nay cho tư nhân thuê hay mua lại để kinh doanh tự do (chủ yếu là xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng).
+ Phát triển mạnh tiểu, thủ công nghiệp
+ Cho phép mở rộng trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp, cho thương nhân được tự do hoạt động (chủ yếu trên lĩnh vực bán lẻ) để góp phần khôi phục kinh tế, củng cố lại lưu thông tiền tệ trong nước, chú trọng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa.
+ Phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
+ Thực hiện chế độ hạch toán kinh doanh trong các xí nghiệp quốc doanh.
Chính sách kinh tế mới đã tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất, vì nó đáp ứng được yêu cầu của các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH là nền kinh tế hàng hóa và có nhiều thành phần. Nhờ đó, trong một thời gian ngắn, Nhà nước Xô-viết đã khôi phục được nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá; đã tiến được một bước dài trong việc củng cố khối liên minh công nông; một nhà nước công nông nhiều dân tộc đầu tiên trên thế giới đã được thành lập, đó là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô-viết (tháng chạp năm 1922).
Chính sách kinh tế mới có ý nghĩa quốc tế to lớn. Đối với các nước tiến lên CNXH đều cần thiết vận dụng nội dung cơ bản của chính sách kinh tế mới, chẳng hạn như vấn đề quan hệ hàng hóa - tiền tệ, phát triển kinh tế hàng hóa, nguyên tắc liên minh công nông, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần v.v..
Chính sách kinh tế mới được thực hiện trong các ngành kinh tế và lấy việc khôi phục nông nghiệp làm nhiệm vụ hàng đầu, là vấn đề cấp bách trước mắt. Nhờ đó kinh tế Xô-viết ngày càng phát triển. Đến cuối năm 1922 Liên Xô đã vượt qua được nạn đói và đến năm 1925, nông nghiệp Liên Xô đã vượt mức trước chiến tranh, cung cấp 87% sản phẩm.
Ngành đại công nghiệp được phục hồi. Tổng sản lượng công nghiệp năm 1925 so với năm 1913 đạt 75,5% và đến năm 1926 thì khôi phục được 100%. Kế hoạch điện khí hóa tiến hành có hiệu quả, ngành điện và cơ khí chế tạo vượt mức trước chiến tranh, nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm đã đạt và vượt mức trước chiến tranh.
Trong việc thực hiện Chính sách kinh tế mới, V.I.Lê-nin coi thương nghiệp là "mắt xích" trọng yếu trong chuỗi dây xích các sự biến lịch sử mà Nhà nước phải đem toàn lực ra mà nắm lấy nó. Do đó, thương nghiệp đã được tăng cường mạnh mẽ (về nội thương: tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 1926 đã bằng 2 lần năm 1924; về ngoại thương: mở rộng quan hệ buôn bán với hơn 40 nước - thực hiện nguyên tắc độc quyền ngoại thương).
Ngân sách nhà nước đã được củng cố lại: năm 1925 - 1926 ngân sách nhà nước tăng lên gần 5 lần so với năm 1922 - 1923.
Năm 1921, ngân hàng nhà nước được lập lại, đã tiến hành các đợt đổi tiền vào các năm 1922, 1923. Giá trị đồng rúp đã được nâng lên đáng kể, có tác dụng rõ rệt trong việc áp dụng chế độ hạch toán kinh tế, góp phần khôi phục nhanh chóng nền kinh tế.
Thực tiễn đó đã bác bỏ những luận điệu của kẻ thù của Nhà nước Xô-viết và của những bọn hoài nghi khác coi Chính sách kinh tế mới như một chính sách quay về chủ nghĩa tư bản.
Và việc vận dụng ở Việt Nam
Qua hơn 20 năm đổi mới (từ năm 1986), nền kinh tế nước ta đã và đang phát triển theo tư tưởng của Chính sách kinh tế mới của V.I.Lê-nin trong điều kiện và hoàn cảnh mới:
"Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"(1)
"Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc"(2)
"Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh..."(3)
"Mở mang các làng nghề, phát triển các điểm công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đưa công nghiệp sơ chế và chế biến về nông thôn và vùng nguyên liệu; phát triển lĩnh vực dịch vụ cung ứng vật tư kỹ thuật, trao đổi nông sản hàng hóa ở nông thôn,... tăng nhanh việc làm cho khu vực phi nông nghiệp"(4).
"Mục tiêu tổng quát và lâu dài của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại"(5).
"Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất sáng tạo của Đảng ta. Từ Đại hội VI, Đảng ta đã dứt khoát từ bỏ mô hình kinh tế phi hàng hóa, phi thị trường, mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp; chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) khẳng định: "Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Đại hội VIII đưa ra quan niệm mới, rất quan trọng: "Sản xuất hàng hóa không đối lập với chủ nghĩa xã hội, mà là thành tựu phát triển của nền văn minh nhân loại, tồn tại khách quan, cần thiết cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cả khi chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng". Đến Đại hội IX, khái niệm kinh tế thị trường được chính thức nêu trong Văn kiện Đại hội. Khẳng định kinh tế thị trường của ta không phải kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, và cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Đại hội IX đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xem đó là mô hình kinh tế tổng quát trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCH, nền kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư bản tư nhân, là một bộ phận quan trọng hợp thành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vai trò của kinh tế tư nhân đang và sẽ có xu hướng tăng lên. Vì lợi ích của đất nước và của CNXH, Đảng và Nhà nước chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm, kể cả tư nhân quy mô lớn. Vấn đề đặt ra là: phải có chính sách và những giải pháp tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tự phát - tiêu cực, vừa không làm mất động lực phát triển, vừa chủ động khống chế phân hóa hai đầu, giữ vững định hướng XHCN. Như vậy, bảo đảm định hướng XHCN phải được thể hiện ngay trong chính sự vận động của mỗi thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường nước ta.
Có thể khái quát một số đặc trưng của đổi mới tư duy kinh tế ở nước ta như sau:
+ Từ tư duy hiện vật sang tư duy hàng hóa, tư duy thị trường.
+ Từ tư duy bao cấp, ỷ lại, thụ động sang tư duy chủ động, sáng tạo.
+ Từ tư duy kinh tế "khép kín" sang tư duy mở, chủ động hội nhập quốc tế.
+ Từ tư duy đơn sở hữu sang tư duy đa sở hữu, đa thành phần.
+ Từ không thừa nhận đến thừa nhận đa dạng hóa hình thức phân phối, kể cả phân phối theo vốn, tài sản.
+ Từ tư duy "Nhà nước làm tất cả", độc quyền sang tư duy đa dạng hóa các chủ thể làm kinh tế, giảm độc quyền nhà nước, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp..."(6)./.
_______________________________________________________________________________________________
(1), (2), (3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2001, tr 86, 87, 95, 96, 279
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 95 - 96
(6) Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 142 - 143
Vũ Văn Phúc
PGS, TS, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên
số 10 (202) năm 2010