TCCSĐT - Đẹp biết bao và
cũng phức tạp biết bao thế giới mà chúng ta đang sống. Những chuyển biến
lớn lao của thế giới có những điều kỳ diệu nhưng cũng có cả những biến
cố, bí ẩn khôn lường. Có một thế giới đang đi về phía trước ngày càng
tốt đẹp hơn nhưng trong đó vẫn tồn đọng bao điều phi lý, mâu thuẫn. Có
những nỗi buồn vô cớ đến kỳ cục của giai tầng quá giàu có đến nỗi mọi
nhu cầu, mọi khát vọng của họ đều được đáp ứng, thỏa mãn, kể cả việc bay
lên trời hay chui xuống biển; họ buồn vì như vậy là “bất hạnh”, chẳng
còn điều gì cần thiết và đáng để mà mong đợi, không còn gì để có được
niềm vui. Trong khi đó, có những niềm vui thật lớn lao khi chỉ nhận được
những gói hàng cứu trợ là lương thực, thuốc men đối với những người
cùng cực do đói khổ loạn lạc, thiên tai. Có những thành phố cực kỳ sang
trọng, sầm uất đầy sắc hoa và không khí trong lành quyến rũ thì cũng có
những nơi đổ nát hoang tàn khét lẹt mùi súng đạn. Ấm áp, thanh bình có ở
nhiều nơi, nhưng súng vẫn nổ chưa bao giờ ngưng nghỉ cũng ở nhiều nơi
trên trái đất vì thế giới còn bao kẻ lái súng chẳng muốn ai yên.
Đúng là thế giới có bao
nghịch lý và biết bao sự kiện ngổn ngang đang diễn ra từng ngày, từng
giờ, nhưng trong các phức tạp và hỗn độn ấy vẫn có thể tìm ra những nét
chung nhất và chiều hướng vận động phát triển của thế giới. Nhận diện
được đặc điểm và những nhân tố quan trọng nhất đang tác động và chi phối
thế giới hôm nay và thời gian sắp tới là công việc vô cùng hệ trọng cho
mỗi đất nước và cho mỗi chúng ta. Có thể phác họa bức tranh thế giới
đương đại với những đường nét chính yếu như sau:
Những nét chính đã hình thành, đang rõ nét và tiếp tục phát triển của bức tranh thế giới
Cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện đại, kinh tế tri thức và sự phát triển mạnh mẽ của sức sản xuất xã hội
Cuộc cách mạng khoa học
và công nghệ hiện đại bắt đầu từ giữa thế kỷ XX đến nay đang phát triển
mạnh mẽ với nhiều kỳ tích trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực
công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, vật liệu
mới, nanô, vũ trụ… Khoa học và công nghệ đã cải biến về chất các lực
lượng sản xuất và biến khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất
trực tiếp, làm cho lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hoá rất cao.
Cuộc cách mạng khoa học
và công nghệ hiện đại đã làm thay đổi sâu sắc các yếu tố của lực lượng
sản xuất, tác động sâu sắc đến sản xuất và cuộc sống tất cả các quốc
gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, dù có những chế độ chính trị
và lối sống khác nhau, làm thay đổi bộ mặt hành tinh chúng ta và thúc
đẩy dòng chảy của thế giới hiện nay.
Những thành tựu của cách
mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển đã biến tri thức trở
thành yếu tố quan trọng bên trong của quá trình sản xuất và quyết định
sự phát triển của nền kinh tế. Bất cứ sản phẩm nào của con người cũng
hàm chứa tri thức. C.Mác đã nhận định từ giữa thế kỷ XIX: “Tất cả sản
phẩm lao động đều là kết quả của quá trình vật hoá sức mạnh của tri
thức”(1).
Quả nhiên như vậy, hiện nay trên thế giới đã xuất hiện một thế hệ máy
móc thông minh có tính thần kỳ đáp ứng được cơ chế vận hành của tri
thức. Từ những tiền đề vật chất kĩ thuật và thực tiễn, trên thế giới đã
xuất hiện và trở thành quen thuộc khái niệm “nền kinh tế tri thức”. Đấy
là một nền kinh tế trong đó sự sản sinh, sự truyền bá và sử dụng tri
thức là động lực chủ yếu của tăng trưởng, tạo ra của cải, tạo ra việc
làm trong tất cả các ngành kinh tế.
Toàn cầu hoá
Quá trình toàn cầu hoá
ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và bề sâu, thúc đẩy sự phát
triển và xã hội hoá lực lượng sản xuất, sự liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau
giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới, nhất là về thương mại, tài
chính quốc tế. Toàn cầu hoá làm sâu sắc hơn sự chuyên môn hóa và phân
công lao động quốc tế, kích thích gia tăng sản xuất không chỉ ở cấp quốc
gia mà còn trên quy mô toàn thế giới, làm cho cạnh tranh quốc tế ngày
càng gay gắt, dẫn đến tăng năng suất lao động nhờ hợp lý hoá, thúc đẩy
sự giao lưu giữa các quốc gia, làm cho con người ở mọi châu lục hiểu
biết nhau hơn, nắm được thông tin toàn thế giới rất nhanh chóng.
Toàn cầu hoá kinh tế là
một quá trình vận động phức tạp, chứa đựng cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu
cực, cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, dân tộc, nhất là cho các
nước đang phát triển và nước nghèo; là một quá trình vừa hợp tác vừa đấu
tranh. Toàn cầu hoá kinh tế thúc đẩy toàn cầu hoá trên các lĩnh vực
khác.
Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh
Trong thế giới hiện nay,
mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, xét về lâu dài và
toàn cục, là mâu thuẫn cơ bản nhất. Thời đại ngày nay là thời đại quá độ
từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội nên bản chất xuyên suốt thời
kỳ quá độ là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.
Nhưng, thế giới hiện nay
đã có nhiều thay đổi, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại không nhiều, thế
giới đi vào toàn cầu hóa, trở thành một thị trường thống nhất, vì vậy
cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản trên thế giới vẫn tiếp tục cùng
tồn tại hòa bình, hợp tác để cùng phát triển, hai bên cùng có lợi, không
còn đối đầu trực tiếp và đối kháng quyết liệt như trước. Sự hợp tác
diễn ra trên mọi lĩnh vực, ở cấp song phương, đa phương cũng như trên
phạm vi toàn cầu. Các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vừa hợp
tác vừa đấu tranh, vừa “diễn biến hòa bình” vừa “chống diễn biến hòa
bình”, tăng cường đối thoại để giải quyết tranh chấp; đấu tranh để hợp
tác và phát triển.
Những gam màu chi phối bức tranh thế giới
Chủ nghĩa xã hội hiện thực
* Thực trạng các nước xã hội chủ nghĩa
- Chủ nghĩa xã hội hiện
thực trong hơn 90 năm tồn tại đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa
lịch sử, làm thay đổi bộ mặt thế giới hiện đại: góp phần quan trọng đánh
thắng chiến tranh đế quốc, chiến tranh phát xít, bảo vệ hoà bình thế
giới, là chỗ dựa cho phong trào giải phóng dân tộc; là niềm cổ vũ cho
phong trào cách mạng thế giới; là tấm gương và niềm tin ở tương lai tươi
sáng cho loài người.
- Sự sụp đổ của chế độ xã
hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu bắt nguồn từ những nguyên
nhân trực tiếp và sâu xa. Cải tổ là tất yếu nhưng sụp đổ không phải là
tất yếu. Đấy không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội mà là sự sụp
đổ của một mô hình sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, xa rời bản chất
khoa học, cách mạng, biện chứng và sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
- Chủ nghĩa xã hội lâm
vào thoái trào, nhưng lý tưởng của chủ nghĩa xã hội hiện thực vẫn rực
sáng, vẫn tranh thủ được trái tim, khối óc của hàng tỉ con người trên
thế giới, nhất định sẽ vượt qua khó khăn, thử thách để tiếp tục phát
triển. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, với những đặc thù khác nhau,
có sự phát triển khác nhau, đang ra sức tìm tòi, sáng tạo, hoàn thiện mô
hình mới của chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay (Việt Nam, Trung
Quốc, Cu-ba…).
Mô hình mới của chủ nghĩa
xã hội trước hết ở tốc độ phát triển cùng chất lượng phát triển cao và
bền vững, có hiệu quả thực sự và mang lại tiến bộ, công bằng xã hội.
Biện pháp để đạt tới mục tiêu đó là hết sức phong phú, đa dạng. Vấn đề
ưu tiên đặt ra là phải phát triển lực lượng sản xuất và căn cứ vào yêu
cầu ưu tiên đó mà lựa chọn các hình thức quan hệ sản xuất, xã hội và
chính trị phù hợp.
Thực hiện mô hình mới nói
trên phải bảo đảm không để tụt hậu về kinh tế – xã hội, phải có sự lãnh
đạo thống nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền, giữ vững định hướng xã hội
chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn tạo ra sự
đồng thuận xã hội, phải kiên quyết, thường xuyên chống các căn bệnh bè
phái, quan liêu, tham nhũng, thoái hoá, biến chất trong hệ thống chính
trị và đấu tranh với sự chống phá của các thế lực thù địch.
* Thực trạng các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Sau khi chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa tư bản ở thế
thượng phong, cho rằng chủ nghĩa xã hội đã kết thúc nhiệm vụ lịch sử,
chủ nghĩa tư bản tồn tại vĩnh hằng, loài người chỉ còn một con đường là
đi theo chủ nghĩa tư bản.
Nhưng cuộc sống không
diễn ra như thế. Nhiều nước độc lập dân tộc và nước đang phát triển
thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân, đã quá thấu hiểu rõ bản
chất của chủ nghĩa tư bản, đế quốc nên kiên quyết từ bỏ con đường phát
triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó, điều hiển nhiên mà
người ta vẫn thấy chủ nghĩa xã hội là tương lai, là hy vọng của loài
người. Vì vậy một số nước ở châu Á, Trung Á, châu Phi và Mỹ La-tinh chọn
con đường đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nước đặt quốc hiệu
với tính từ “xã hội chủ nghĩa”, hoặc tuyên bố theo “chủ nghĩa xã hội
kiểu mới”. Tinh thần chung là nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, đề cao
vai trò làm chủ của nhân dân, nhà nước phấn đấu giải quyết tốt những vấn
đề kinh tế - xã hội cấp bách trong cuộc sống của nhân dân.
Nhưng khó khăn chung của
các nước nói trên là trình độ phát triển còn thấp, cơ sở vật chất kỹ
thuật và kết cấu hạ tầng đều yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó
khăn, Đảng Cộng sản chưa nắm quyền lãnh đạo, lại gặp sự chèn ép của các
nước phát triển và các tập đoàn xuyên quốc gia. Tuy nhiên, nhân dân và
chính quyền nước sở tại vẫn hướng tới những mục tiêu xã hội chủ nghĩa,
có niềm tin ở chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại
* Sự phát triển lực lượng sản xuất ở các nước tư bản và các tập đoàn xuyên quốc gia
Chủ nghĩa tư bản hiện đại
trong thời đại ngày nay đã khác nhiều so với chủ nghĩa tư bản đầu thế
kỷ XX, càng khác xa so với chủ nghĩa tư bản cổ điển ở thế kỷ XIX mà
C.Mác, Ph.Ăng-ghen từng chứng kiến.
Chủ nghĩa tư bản thời Mác
là chủ nghĩa tư bản tiền độc quyền, thời Lê-nin là chủ nghĩa tư bản độc
quyền và ngày nay là chủ nghĩa tư bản toàn cầu hoá.
Nhờ tận dụng được những
thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, chủ
nghĩa tư bản ngày nay đã phát triển vượt bậc lực lượng sản xuất của
mình. Các nước tư bản phát triển chiếm ưu thế tuyệt đối trong nghiên cứu
và sản xuất các ngành điện tử, tin học, vật liệu mới, năng lượng mới,
công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, công nghệ nanô… Các nước đó đã
thật sự đi vào nền kinh tế tri thức, cơ cấu kinh tế của các nước đó cũng
thay đổi rất lớn. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong tổng GDP rất thấp,
khu vực công nghiệp tăng mạnh và khu vực dịch vụ tăng gấp ba khu vực
công nghiệp.
Trong các nước tư bản chủ
nghĩa phát triển, quy mô sản xuất kinh doanh của các công ty, tổng công
ty ngày càng lớn, từ vài chục triệu USD lên đến hàng nghìn tỉ USD, hình
thành nên những tập đoàn xuyên quốc gia. Các tập đoàn này trở thành lực
lượng kinh tế hùng mạnh trong nền kinh tế toàn cầu về sở hữu tài sản
(đang nắm hàng trăm nghìn tỉ USD); về số lượng (70.000 tập đoàn với
600.00 chi nhánh bám rễ vào hầu hết các nước trên thế giới); về nắm FDI
(nắm 15.000 tỉ USD bằng 37% GDP toàn cầu). Chiến lược hoạt động của các
tập đoàn xuyên quốc gia là toàn cầu hoá hoạt động kinh doanh; phối hợp
chiến lược toàn cầu; đa dạng hoá hoạt động kinh doanh toàn cầu.
Để thích nghi với thời
đại và thế giới đang ngày càng có nhiều biến đổi, chủ nghĩa tư bản hiện
đại đã có những điều chỉnh về quan hệ kinh tế và quan hệ xã hội. Về chế
độ sở hữu, hình thức cổ phần và sở hữu hỗn hợp đã trở thành các hình
thức phổ biến ở các nước tư bản chủ nghĩa. Đông đảo nhân dân, công nhân,
người ăn lương đều là chủ sở hữu các cổ phần, nhưng số cổ phần lớn nhất
vẫn thuộc về chủ tư bản.
- Về chế độ phân phối thu
nhập: Ở nhiều nước tư bản phát triển đã có những điều chỉnh quan trọng
trên lĩnh vực phân phối thu nhập: tăng tiền lương, giảm giờ làm, cải
thiện điều kiện làm việc, giảm nặng nhọc cho người lao động. Nhờ đó, mức
sống và đời sống người lao động dần được cải thiện nhiều, có cuộc sống
sung túc hơn. Nhà nước thông qua các loại thuế thu vào ngân sách một số
tiền rất lớn mà một phần quan trọng dành cho các nhu cầu xã hội của
người lao động.
- Những điều chỉnh về xã
hội của chủ nghĩa tư bản: Những biện pháp mà chủ nghĩa tư bản sử dụng là
thiết lập các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm
nhân thọ, bảo hiểm y tế công cộng, bảo trợ xã hội như chương trình nhà ở
công cộng cho người có thu nhập thấp, chương trình bữa trưa học đường
cho con em gia đình nghèo, chương trình trợ cấp người già, phụ nữ, trẻ
sơ sinh; cứu trợ xã hội và phúc lợi xã hội.
Rõ ràng là chủ nghĩa tư
bản đã tồn tại và tiếp tục phát triển, đã có những bước điều chỉnh đáng
kể trên nhiều lĩnh vực, đã hình thành những đường nét khá sinh động. Tuy
nhiên, những mâu thuẫn bên trong nền kinh tế và xã hội ở các nước tư
bản chủ nghĩa vẫn đang hiện hữu luôn chờ có dịp bùng nổ. Cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ Mỹ hiện tại là minh chứng rõ ràng. Ở
một khía cạnh khác, chính những thành công của các chiến lược thích
nghi của chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những tiền đề vật chất và những yếu
tố xã hội chủ nghĩa cho một sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa
xã hội. Chính C.Mác đã cho rằng, đến một giai đoạn phát triển nhất định
của các lực lượng sản xuất vật chất và của những hình thái sản xuất xã
hội tương ứng với những lực lượng đó, thì tất nhiên là một phương thức
sản xuất mới tất yếu sẽ nảy sinh và phát triển từ trong lòng phương thức
sản xuất cũ.
Các nước đang phát triển
Các nước đang phát triển
chiếm 75% số nước trên thế giới. Phá sập hệ thống thuộc địa của chủ
nghĩa đế quốc là thành quả vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc dựa
vào hệ thống xã hội chủ nghĩa ở thế kỷ XX. Các nước mới giành được độc
lập tự do ấy bắt tay vào xây dựng kinh tế mới, một xã hội mới và thường
được gọi là “các nước đang phát triển “ hoặc “thế giới thứ ba”. Trong số
các nước đang phát triển, có nước đi theo con đường phát triển tư bản
chủ nghĩa, có nước đi theo con đường “định hướng xã hội chủ nghĩa” hoặc
con đường “phi tư bản chủ nghĩa”
Theo Ngân hàng Thế giới
(WB), các nước đang phát triển là những nước có mức thu nhập bình quân
đầu người từ 765 USD đến 9.385 USD và được chia theo ba loại : nước đang
phát triển có thu nhập thấp, có thu nhập trung bình và có thu nhập cao.
Các nước đang phát triển
trong thế giới toàn cầu hoá kinh tế đứng trước những cơ hội và những khó
khăn, thách thức hết sức to lớn. Cuộc đấu tranh của các nước đó chống
nghèo đói và lạc hậu, chống sự chèn ép của các nước phát triển, chống sự
can thiệp và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm bảo vệ độc lập dân
tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là cực kỳ khó khăn. Các nước tư bản
phát triển khai thác nguyên liệu, nhiên liệu và nhân công các nước đang
phát triển với giá rẻ mạt và bán vật tư, hàng hoá cho các nước đó với
giá cắt cổ. Theo UNDP, các nước phát triển chiếm 85% thu nhập của thế
giới, còn các nước đang phát triển mỗi năm mất 500 tỉ USD về xuất khẩu
hàng hoá, lao động sang các nước phát triển.
Tuy còn gặp nhiều khó
khăn thách thức, các nước đang phát triển đã từng bước vươn tầm, khẳng
định vai trò và vị trí của mình trên thế giới.
Từ sự lớn mạnh về kinh tế
và tinh thần đấu tranh kiên cường, các nước đang phát triển có vị trí
chính trị ngày quan trọng trong đời sống quốc tế. Trong những năm tới,
có thể thêm đại diện các nước đang phát triển được bầu vào Uỷ viên
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức của Liên hợp
quốc cũng như vào ban lãnh đạo các tổ chức thương mại, tài chính lớn của
thế giới. Các nước đang phát triển sẽ có tiếng nói quyết định để ngăn
chặn các cuộc chiến tranh xâm lược, các hành động áp bức ngang ngược của
các nước đế quốc.
Những điểm chuyển dịch tác động đến bức tranh thế giới sắp tới
Trật tự mới của thế giới
Kể từ thập niên 90, thế kỷ XX, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ
trở thành siêu cường duy nhất. Mỹ chiếm vị trí hàng đầu với ưu thế vượt
trội về kinh tế, khoa học - công nghệ, quân sự. Về kinh tế, GDP của Mỹ
hiện chiếm khoảng 30% GDP thế giới trong khi dân số Mỹ chỉ bằng 4,6% dân
số thế giới. Mỹ đóng góp nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất trong
nhiều tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế quan trọng như trong IMF là
18,4% và WB là 14,5%. Về khoa học - công nghệ, Mỹ dành ngân sách cho
nghiên cứu và phát triển chiếm hơn 40% ngân sách của toàn cầu cho việc
đó, chiếm hơn 60% số bằng phát minh khoa học trên thế giới và chiếm hầu
hết các giải Nobel về khoa học - công nghệ. Về quân sự, Mỹ có ngân sách
quốc phòng lớn nhất thế giới, gần như bằng tổng chi phí quân sự của tất
cả các nước trên thế giới, chiếm 80% tổng chi phí cho nghiên cứu khoa
học - kỹ thuật quân sự của toàn thế giới; có nhiều vũ khí và phương tiện
chiến tranh hiện đại nhất; có gần 300.000 quân với 800 căn cứ quân sự ở
nước ngoài.
Nhưng sức mạnh của Mỹ
đang suy giảm tương đối. Kinh tế Mỹ bị suy thoái nghiêm trọng và đã trở
thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỹ đang bị sa
lầy trong các cuộc chiến tranh ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và trong cuộc
chiến chống khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, mặc dù vậy, vẫn chưa có cường
quốc nào, kể cả Nga và Trung Quốc, có đủ sức thách thức vị trí số một
của Mỹ.
Sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc
là nét nổi bật của đầu thế kỷ XXI. Trong gần ba thập niên liên tục,
Trung Quốc có GDP bình quân hằng năm tăng trên 9,4%, tổng kim ngạch
thương mại xếp thứ 3 thế giới, là một nước thu hút vốn FDI và có dự trữ
ngoại tệ lớn nhất thế giới. Sức mạnh về quân sự của Trung Quốc cũng tăng
lên, đặc biệt là vũ khí chiến lược, hải quân và không quân. Trung Quốc
đã chuyển từ chiến lược “giấu mình chờ thời” sang chiến lược “ngoại giao
nước lớn”, “ngoại giao năng lượng”. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang
đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sau những trận động đất
lớn trong tháng 5-2008, sự kiện ở Tân Cương đầu năm 2009 và sự kình địch
của những nước lớn khác cũng như của một số nước láng giềng lo ngại về
“mối đe doạ của Trung Quốc”. “Hiện tượng Trung Quốc” tác động mạnh đến
lực lượng so sánh giữa các nước lớn.
Nhật Bản tuy
chững lại trong phát triển kinh tế nhưng vẫn duy trì vị trí siêu cường
kinh tế thứ hai sau Mỹ và vẫn là một đầu tàu của nền kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, vị trí kinh tế đó đang bị thách thức nghiêm trọng trong khi
tình hình chính trị của đất nước chưa thật ổn định. Nhật Bản có tham
vọng trở thành “cường quốc chính trị”, giành vai trò chủ đạo ở châu Á,
tạo thế cân bằng quyền lực với Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, đang vận
động trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Liên minh châu Âu (EU)
đã trở thành một tổ chức khu vực hùng mạnh gồm 27 nước, có vị trí ngày
càng cao trong thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, có trình độ liên
kết cao và phạm vi liên kết rộng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, EU chưa có
khả năng trở thành siêu cường vì còn nhiều khó khăn về kinh tế, chính
trị, an ninh, do đó chưa có vai trò đáng kể trong việc giải quyết các
cuộc khủng hoảng trên thế giới.
Nga đã có
những chuyển biến cơ bản và nổi bật kể từ tháng 3-2000 khi Pu-tin làm
tổng thống. Kinh tế phát triển mạnh, quốc phòng được tăng cường, đời
sống nhân dân được cải thiện, uy tín quốc tế được nâng cao, việc chấn
hưng đất nước đang có đà tiến triển vững vàng. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép
tiếp tục đường lối của cựu Tổng thống Pu-tin, quyết tâm đưa nước Nga trở
lại vị trí siêu cường như Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, Nga còn gặp
nhiều khó khăn và chịu nhiều sức ép từ Mỹ và các nước phương Tây.
Ấn Độ vươn
lên mạnh mẽ cũng là một nét nổi bật của thế kỷ XXI. Kinh tế Ấn Độ phát
triển nhanh và ổn định, đứng thứ 9 thế giới về mức GDP, đứng thứ 7 thế
giới về dự trữ ngoại tệ, thứ 2 thế giới về sản xuất phần mềm máy vi
tính, chỉ đứng sau Mỹ. Ấn Độ có mục tiêu trở thành một cường quốc khu
vực và toàn cầu. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng gặp nhiều thách thức như khan
hiếm năng lượng, kết cấu hạ tầng yếu kém, phân hoá giàu nghèo khá lớn,
người mù chữ còn nhiều, chính trị nội bộ chưa thật ổn định và phải đối
phó với sự kiềm chế của Trung Quốc và Pa-ki-xtan.
Vai trò và quan hệ giữa các nước lớn
Các nước lớn gồm Hoa Kỳ,
Ca-na-da, Anh, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Nga, Trung
Quốc, Ấn Độ, Bra-xin. Các nước trên chiếm hơn 1/3 lãnh thổ, hơn 1/2 dân
số, hơn 70% GDP của cả thế giới; đa số là những cường quốc hàng đầu về
kinh tế, khoa học và công nghệ, sức mạnh quân sự. Năm nước lớn là ủy
viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các nước lớn có vai trò
rất quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình thời đại ngày nay
và tác động đến an ninh, phát triển của các quốc gia trên hành tinh.
Xu hướng cơ bản trong
quan hệ giữa các nước lớn là trên cơ sở tính độc lập, tự chủ ngày càng
cao, các nước tăng cường hợp tác và đối thoại, tránh xung đột, đối đầu
mặc dù giữa họ còn nhiều mâu thuẫn và bất đồng. Xu hướng cạnh tranh để
giành ảnh hưởng và lợi ích giữa họ trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều khu vực
trên thế giới ngày càng gay gắt trong tư thế vừa hợp tác vừa đấu tranh,
vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau.
Tình hình quan hệ giữa
các nước lớn có nhiều chuyển biến mới. Hình thái vừa hợp tác vừa đấu
tranh giữa các nước lớn trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới
còn diễn ra phức tạp khó lường, tác động nhiều mặt đến hoà bình, an ninh
và phát triển của các quốc gia. Nhưng khi các nước lớn thỏa hiệp với
nhau để nhằm đạt một số lợi ích chung nào đó thì sẽ bất lợi cho các nước
nhỏ và các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trên thế giới
hiện nay, các nước nhỏ cũng có vai trò đáng kể góp phần quyết định tiến
trình phát triển của thế giới. Không phải các nước lớn muốn làm gì cũng
được.
Đặc điểm bức tranh thế giới đương đại
Do tác động của các xu thế lớn đã đề cập và phân tích ở trên, bức tranh thế giới sẽ có một số đặc điểm là:
- Cách mạng khoa học công
nghệ và quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi nhanh chóng sắc màu bức
tranh toàn cảnh của thế giới. Đời sống xã hội loài người ngày càng văn
minh, khoảng cách địa lý càng thu hẹp, mức độ tùy thuộc lẫn nhau giữa
các quốc gia ngày càng cao, sự giao thoa văn hóa và hiểu biết lẫn nhau
ngày càng lớn hơn. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy khả năng hợp
tác quốc tế, ngăn ngừa rủi ro xung đột và chiến tranh.
- Thế giới đứng trước
nhiều vấn đề toàn cầu đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các nước để xử lý.
Một mặt, các quốc gia cạnh tranh với nhau để bảo đảm sự an toàn cho
mình; mặt khác, lại buộc phải phối hợp với nhau để tìm giải pháp giải
quyết những vấn đề toàn cầu vì sự sinh tồn và phát triển chung của nhân
loại và chính mình.
- Hệ thống thể chế quốc
tế phát triển hơn, cả về chiều rộng (độ phủ) lẫn chiều sâu (vai trò,
hiệu lực) và vai trò các chủ thể phi chính phủ tăng lên, tạo ra mạng
lưới liên kết toàn cầu, gắn chặt hơn các quốc gia với nhau trong các
khuôn khổ và luật chơi với những quan niệm giá trị mới được thừa nhận
rộng rãi. Đời sống quốc tế do đó có xu hướng dân chủ hơn và hạn chế phần
nào khả năng các nước lớn tập hợp các lực lượng theo từng khối nhóm
nước để chống khối nước khác.
Từ những đường nét
chính yếu nêu trên, bức tranh toàn cảnh của thế giới đương đại là bức
tranh đa màu, đa sắc, đa cực và có những gam màu sáng tối. Theo quy luật
phát triển của lịch sử, nhất định bức tranh đó sẽ ngày càng khởi sắc,
tươi màu. Nhận rõ cảnh sắc chung đó để chúng ta biết người biết mình hơn
và càng tự tin về những định hướng đất nước ta đi tới, đó là con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội sáng tươi màu nhân loại./.
--------------------------------------
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000, t46, tr 368-372
Số 22 (190) năm 2009