Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

69. Kỹ năng tập trung

Bài viết được trích từ Tài liệu "Những kỹ năng học tập cần thiết" do CEEA biên soạn, tháng 10/2010
Tập trung được xem là một bí mật của mọi thành công trong cuộc sống, đặc biệt là trong hoạt động học tập. Tuy nhiên trong một cuộc khảo sát về mức độ tập trung của học sinh – sinh viên trong khu vực Châu Á, Việt Nam lại là một trong bốn nơi có chỉ số tập trung của học sinh – sinh viên ở mức đáng báo động:

ky_nang_tap_trung_1
Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tăng chỉ số tập trung nhằm đạt được một kết quả học tập tốt nhất?
Để luyện tập kỹ năng tập trung, bạn cần:

1.  Xác định những nguyên nhân thường quấy rầy sự tập trung của bạn

Những nguyên nhân có thể là:
  • Tác động đến từ bên ngoài (khách quan): tiếng ồn, ti vi, điện thoại, ánh sáng...
  • Tác động đến từ bên trong (chủ quan): cơ thể bạn không được khỏe (do bạn đói, mệt, bệnh, thiếu ngủ); những cảm xúc tiêu cực (căng thẳng, chán nản, lo lắng); bạn hay mơ mộng; bạn không thích một môn học nào đó hay bạn đang gặp khó khăn trong việc giải bài tập...

2.  Lựa chọn những biện pháp thích hợp giúp duy trì khả năng tập trung của bạn

a) Chăm sóc cơ thể

  • Ăn uống đủ chất, đúng bữa và tránh ăn quá nhiều trước buổi học. Vì với cái bụng no thì cơ thể sẽ muốn được nghỉ ngơi hơn là làm việc.
  • Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc để cơ thể bạn được nghỉ ngơi
  • Tập thể dục thường xuyên có tác dụng làm tăng khả năng tập trung của bạn, đặc biệt các bài tập thể dục về hơi thở để thư giãn và cung cấp oxy cho não: hít một hơi thật dài và thở ra chầm chậm nhưng thoải mái; hít một hơi khác dài hơn và thở ra chầm chậm mang theo những căng thẳng mà bạn đang có; hít thở với nhịp bình thường; tập trung vào hơi thở và nhận biết lúc nào bạn đang hít vào và thở ra.
ky_nang_tap_trung_2
  • Nghỉ giải lao một cách đều đặn và trước khi bạn thấy mệt mỏi hay hoàn toàn mất tập trung để có thể duy trì khả năng tập trung.

b) Tập những thói quen tốt

  • Chọn cho mình một chỗ học tập thích hợp (ít người qua lại, có ánh sáng đầy đủ, hạn chế tiếng ồn, tạm thời rời xa ti vi, điện thoại,…) và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc học.
  • Giành một ít phút để thư giãn đầu óc và cơ thể (có thể thực hiện bài tập hít thở sâu) và tránh những hoạt động sôi nổi trước giờ học.
  • Ngồi học ở một vị trí cố định và vào một thời gian nhất định. Thói quen học tập này sẽ giúp bạn tạo được mối liên hệ về thời gian, không gian giữa việc học và tập trung. Chính mối liên hệ này giúp bạn có thể bắt tay vào việc học ngay sau khi ngồi vào bàn học.
ky_nang_tap_trung_3
  • Huy động sự tham gia tích cực của các hoạt động và các giác quan vào việc học (sử dụng miệng, tay thay vì chỉ dùng mắt) để tâm trí bạn không có cơ hội đi lang thang như dùng bút dạ quang làm nổi bật những từ, câu quan trọng; tự đặt và trả lời các câu hỏi; tóm tắt lại bài học bằng cách vừa vẽ sơ đồ vừa nói thành lời.

c) Dành thời gian để lo lắng


  • Hãy giành một thời gian cụ thể mỗi ngày để nghĩ về những thứ có thể chen ngang sự tập trung của bạn. Nghiên cứu khoa học cho thấy những người dành một thời gian nhất định để suy nghĩ và lo lắng thì thời gian lo lắng đó sẽ giảm đi 35 % sau bốn tuần. Vậy bạn hãy đặt một thời gian lo lắng cụ thể trong ngày, ví dụ từ 5:00 đến 5:30 chiều (không nên ngay trước khi đi ngủ vì thời gian này sẽ rất dễ lấn át giờ ngủ của bạn).
  • Chắc chắn rằng bạn sẽ giữ lời hứa với bản thân mỗi khi đến giờ (thời gian lo lắng) và dừng ngay khi thời gian kết thúc.
  • Mỗi khi bị phân tâm, bạn hãy để suy nghĩ đó đi qua và nhắc nhở mình là đã có khoảng thời gian cho những suy nghĩ này rồi và sử dụng kĩ thuật “hãy tập trung” bên dưới.

d) Hãy tập trung

  • Khi phát hiện tâm trí mình đang đi lang thang, ví dụ đang ngồi trong lớp nghe giảng bài bạn lại chợt nhớ sắp đến sinh nhật người bạn thân hay bạn nghĩ về trận đá banh sắp tới với lớp bên cạnh, bạn hãy nói với bản thân “Hãy tập trung” để nhẹ nhàng đưa sự chú ý trở lại đúng vị trí của nó. Nếu tâm trí của bạn tiếp tục đi lang thang, bạn hãy lặp lại “hãy tập trung” và đưa sự chú ý trở về.
  • Thay vì cố gắng đẩy những suy nghĩ đặc biệt nào đó ra khỏi tâm trí (bằng cách này bạn đã vô tình tạo điều kiện cho nó ở lại lâu hơn trong tâm trí mình) bạn hãy để nó nhẹ nhàng trôi qua và nói với bản thân “hãy tập trung” và trở lại với thực tại.
  • Thực hiện biện pháp này thường xuyên sẽ giúp bạn duy trì sự chú ý được lâu hơn và tất nhiên tâm trí bạn sẽ ít đi lang thang hơn.

e) Cứ bỏ qua

  • Với những trường hợp bạn bị bắt buộc phải ngồi học trong một nơi ồn ào, có nhiều tác nhân dễ làm bạn phân tâm như gần ti vi, có nhiều người qua lại, trẻ con chơi đùa, hay do một phần các bạn trong lớp ồn ào làm bạn không học được… Vì không thể thay đổi được những tác nhân này nên bạn đừng tức giận mà hãy tự nhủ “cứ bỏ qua” và cho phép nó như thế.
  • Hãy hít vào một hơi thở thật sâu và đưa những căng thẳng, khó chịu ra ngoài cùng với hơi thở ra. Bạn hãy nói với bản thân “hãy tập trung” và đưa sự chú ý của bạn trở lại thực tại.
Bạn có thể tham khảo thêm các tài liệu sau đây để tăng khả năng tập trung của mình:
1.       http://www.hieuhoc.com/camnanghoctap/chitiet/luyen-kha-nang-tap-trung-khi-hoc-2009-03-27
2.       http://www.studygs.net/vietnamese/concen.htm
3.       http://www.giaovien.net/index.php?option=com_docman&task=cat_view&gid=134&Itemid=103&Itemid=103
4.      http://www.coolair.vn/loi-ich-nhai-sing-gum.html
(http://ceea.ier.edu.vn/hoat-dong-tu-van/cac-n-phm-ca-ceea/339-k-nng-tp-trung#comments)