Những
quan điểm cứng rắn của Nga xung quanh vấn đề đảo Kuril là động thái mới
trong việc khôi phục cán cân quyền lực giữa Mátxcơva và Tôkyô. Và nếu
tình trạng thù địch tiếp diễn thì bên thua cuộc sẽ là Nhật Bản. Đó là
nhận định trong bài viết “Russo-Japanese Relations at their Lowest Ebb since the Cold War” của John Hemmings, chuyên gia nghiên cứu về an ninh quốc tế của Viện Hoàng gia An ninh Quốc phòng Anh.
Các
mối quan hệ song phương Nga-Nhật có vẻ như đang ở mức thấp nhất từ
trước tới nay. Những tranh cãi ngoại giao công khai và cộc lốc giữa
Tôkyô và Mátxcơva đã diễn ra sau khi Nga tuyên bố tăng cường thực lực
quân sự ở vùng Viễn Đông. Nguyên nhân trực tiếp của căng thẳng giữa Nga
và Nhật là quần đảo Kuril đang trong tình trạng tranh chấp. Nhật Bản đã
chiếm quần đảo này từ Xtalin trong những ngày tàn của Thế chiến II và
hành động này đã ngăn chặn hai quốc gia ký kết hiệp ước hòa bình chính
thức. Liên Xô đã đưa người Nga thiểu số tới định cư tại 4 hòn đảo ngoài
khơi quần đảo Hokkaido ở phía Bắc của Nhật Bản sau khi xua đuổi công dân
Nhật Bản vào năm 1945, và những cư dân mới này tiếp tục đánh bắt cá tại
vùng nước mà những người Nhật Bản xưa kia vẫn từng đánh bắt. Tranh chấp
lãnh thổ đã kéo dài suốt 66 năm qua, vậy tại sao gần đây nó lại trở
thành vấn đề nóng? Và sự xuống dốc trong quan hệ Nga-Nhật sẽ có tác động
thế nào với mỗi nước?
* Vấn đề cũ, quy mô mới
Các
câu trả lời cho những câu hỏi trên nằm ở những thay đổi đã diễn ra
trong khu vực trong suốt 20 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, và nằm ở bước
chuyển trong nhận thức của Nga và Nhật trong khoảng thời gian đó. Trong
thập kỷ 1990, một nhà nước liên bang Nga thiếu thốn tiền mặt đã hướng
tới Nhật Bản để tìm nguồn đầu tư, công nghệ và thiết lập quan hệ đối tác
trong các dự án năng lượng ở khu vực. Giới lãnh đạo tại Nga, vốn nhìn
thấy những lợi ích thực tế từ việc đạt được một sự thỏa hiệp với Nhật
Bản, đã sẵn lòng cố gắng tìm kiếm một sự thỏa hiệp nhất định nào đó về
vấn đề tranh chấp tại quần đảo Kuril. Năm 1998, ông Boris Yeltsin đã
được Nhật Bản và IMF cam kết cung cấp gói viện trợ 1,5 tỷ USD. Trong bối
cảnh cả hai bên đều phủ nhận có bất kỳ mối liên hệ nào tới tranh chấp
lãnh thổ, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Keizo Obuchi đã có chuyến
thăm tới Mátxcơva để đàm phán về một thỏa thuận với ông Yeltsin. Đỉnh
điểm của thỏa thuận đó là việc Nhật Bản cung cấp 3,7 tỷ USD cho các dự
án năng lượng của Nga thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, tập
đoàn Mitsui và Mitsubishi.
Giờ
đây, Mátxcơva không còn thấy những lợi ích trong việc cố gắng đạt được
sự thỏa hiệp với Nhật Bản. Thực tế, Nga nhận ra rằng nước này có thể sẽ
còn được lợi nhiều hơn khi thực hiện đường lối cứng rắn đối với vấn đề
tranh chấp. Cụ thể là Nga đã tăng cường lực lượng quân sự tới quần đảo
Kuril. Với cuộc bầu cử năm 2012 đang tới gần, chuyến thăm của Tổng thống
Nga Medvedev hồi tháng 12/2010 tới quần đảo này - chuyến thăm đầu tiên
của một nhà lãnh đạo Nga - được xác định là nhằm kêu gọi tinh thần dân
tộc và tái khẳng định những lo ngại an ninh của Nga ở vùng Viễn Đông.
Khoác trên mình chiếc áo vét ngắn lưng theo phong thái của ông Putin,
ông Medvedev đã có những lời lẽ cứng rắn đối với tuyên bố chủ quyền của
Nhật Bản, và hứa sẽ viện trợ và đầu tư tiền phát triển cơ sở hạ tầng cho
các nhà lãnh đạo địa phương của Nga. Không chỉ vậy, vụ "cãi vã" với
Nhật Bản diễn ra ngay sau sự kiện tàu đánh cá của Trung Quốc hồi tháng
9/2010 đã đặt Mátxcơva vào vị thế được Trung Quốc đánh giá cao. Nga biết
rằng nước này có thể tham gia trò chơi mà không phải trả giá chính trị
bởi nhận thức rằng Tôkyô có ít cơ hội xoay xở và sẽ buộc phải sớm ngồi
vào bàn đàm phán.
* Nỗi thống khổ của Tôkyô
So
với Nga, Nhật Bản hiện ở vị thế yếu hơn nhiều so với cách đây 2 thập
kỷ. Nền kinh tế của Nhật Bản đã ở trong tình trạng bi đát hơn một thập
kỷ qua, với việc Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản hồi đầu năm 2011 trở
thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong khi Nhật Bản vẫn là một
trong những chủ nợ lớn nhất thế giới nhưng các vấn đề thâm hụt lớn đã
dẫn tới việc giảm khả năng trả nợ của nhiều quốc gia. Về chính trị, Nhật
Bản đã trải qua một loạt những thay đổi về lãnh đạo, với 5 thủ tướng
liên tiếp trong 5 năm, và điều này làm giảm khả năng của Nhật Bản trong
việc kiên định thực hiện các chính sách dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực
kinh tế và an ninh. Đầu tháng 2/2011, trong khi nội các của Thủ tướng
Kan đang phải nỗ lực để định hình chính sách cho các thách thức kinh tế
của Nhật Bản thì đồng thời cũng phải đối phó với trận chiến trong giới
lãnh đạo với việc 16 nghị sỹ - có liên quan tới một thành viên của Đảng
Dân chủ Nhật Bản là Ichiro Ozawa - đã thách thức vai trò lãnh đạo của
Thủ tướng và đe dọa sẽ làm suy yếu khả năng thông qua luật của ông Kan.
Cuối cùng, mối quan hệ của Nhật Bản với người bảo đảm an ninh của mình
là Mỹ đã và đang được đặt trên một nền tảng không vững chắc kể từ khi
cựu Thủ tướng Hatoyama dọa sẽ hủy thỏa thuận di chuyển căn cứ tại
Okinawa. Việc xử lý sai lầm của ông Hatoyama rốt cuộc khiến cho cử tri
Nhật Bản mất niềm tin vào sự lãnh đạo của ông nhưng vấn đề căn cứ
Futenma cũng đã làm gia tăng nhận thức của Nga về một Nhật Bản đang bị
cô lập.
Liệu
những tranh cãi ngoại giao liên quan tới quần đảo Kuril có tiếp diễn
cho tới khi bầu cử tại Nga diễn ra hay không còn phụ thuộc vào việc liệu
Mátxcơva có thực sự nghiêm túc về việc tăng cường thực lực cho Bộ chỉ
huy quân sự Viễn Đông hay không. Nga đã tuyên bố sẽ thiết lập hệ thống
tên lửa phòng thủ SAM S400, tăng thêm một tàu tấn công Mistral và các
máy bay tấn công hiện đại cùng với các máy bay tuần tra ném bom. Khi
châu Á- Thái Bình Dương trở thành một trong những động lực lớn nhất của
kinh tế toàn cầu thì việc Nga bắt đầu chuyển hướng vào nguồn tăng trưởng
này là điều không có gì đáng ngạc nhiên. Các mối quan hệ của Nga với
Mỹ, NATO và EU hiện tại tương đối ổn định, và điều này đồng nghĩa với
việc Nga ít phải chú tâm hơn đến biên giới phía Tây của mình. Tuy vậy,
nếu Nga thực sự tiến hành hiện đại hóa quân sự tại hòn đảo này thì Nga
có thể sẽ buộc Nhật Bản sẽ phải phản ứng trong 2 hoặc 3 năm tới. Rốt cục
thì Nga đang nắm giữ các lá bài mạnh trong cuộc chơi này: Mátxcơva biết
rằng nước này có thể hoặc phi quân sự hóa quần đảo này hoặc mời Trung
Quốc vào đầu tư nhằm tạo ra một đối trọng với các ý đồ của Nhật Bản. Với
tình trạng bất ổn hiện tại của Nhật Bản, Tôkyô có thể sẽ là người thua
cuộc./.
Theo RUSI
Văn Cường (gt)