TCCS - Cơn bão dữ tài
chính - kinh tế có sức tàn phá toàn cầu đã qua đỉnh điểm, sức gió hạ dần
và rồi sẽ tan đi, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đã chạm đáy suy
thoái và đang có dấu hiệu phục hồi với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên,
sự hủy hoại ghê gớm của cơn bão đó vẫn để lại những hậu quả to lớn,
khôn lường. Kinh tế thế giới đang ngổn ngang bao công việc cần giải
quyết và nhất là bao điều cần bàn luận một cách nghiêm túc. Trong những
vấn đề hết sức cơ bản cần làm rõ, nổi lên một vấn đề hệ trọng, đó là
việc cắt nghĩa vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Để nghiên cứu một cách
thấu đáo vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường nhìn từ cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này có thể xem xét theo những nội
dung chính như sau.
1 - Những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng
Sau khi cuộc khủng hoảng
tài chính kinh tế toàn cầu nổ ra, trong rất nhiều công trình nghiên cứu
và các cuộc đại tranh luận, các học giả kinh tế hàng đầu thế giới đã đưa
ra những nguyên nhân chính dẫn tới khủng hoảng, đó là:
- Sự hình thành và đổ vỡ của "bong bóng" thị trường bất động sản, của các khoản cho vay khổng lồ để thế chấp nhà đất ở Mỹ.
- Sự yếu kém của hệ thống
ngân hàng và sai lệch lớn trong điều tiết tài chính, khi có tình thế
xấu xảy ra, hệ thống ngân hàng Mỹ bị hoảng loạn, lan ra toàn thế giới,
gây nên sự co hẹp cung tiền tệ, dẫn tới sự suy thoái trong tổng cầu tiêu
dùng và đầu tư.
- Các chính sách kinh tế
vĩ mô của Mỹ và nhiều nước đã có những khiếm khuyết lại được thực hiện
thiếu nhất quán, đầy đủ và thiếu cải cách cơ cấu dẫn tới kinh tế vĩ mô
mất cân bằng và thiếu bền vững.
- Sự suy giảm giá trị của
đồng USD và khủng hoảng chế độ tiền tệ không bản vị. Chế độ bản vị vàng
hối đoái là chế độ tiền tệ quốc tế lấy đồng tiền của một nước làm bản
vị thay cho vàng. Từ Hội nghị Bretton Woods (tháng 7-1944), vai trò đồng
tiền bản vị là đồng USD (Hàm lượng ấn định là 35 USD = 1 ounce vàng,
hay 1 USD = 0,888.671 gram vàng). Từ tháng 8-1971, Mỹ tuyên bố đóng cửa
thị trường vàng và đồng USD không còn dùng vàng làm thước đo giá trị
nữa. Từ đó, đồng USD được phát hành vô tội vạ và giá trị của nó ngày
càng giảm đi.
- Đó là kết quả của việc
giải quyết mâu thuẫn giữa việc xã hội hóa vô cùng mạnh mẽ, rộng lớn của
sức sản xuất từ xã hội được cộng hưởng trong quá trình toàn cầu hóa với
quan hệ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa chật hẹp, ích kỷ, vô trách
nhiệm tại các nền kinh tế lớn có ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và
các nước phát triển. Để bảo đảm mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận, giới
chủ tư bản và các tập đoàn tư bản bằng mọi giá thúc đẩy tư nhân hóa, tự
do hóa thị trường, cổ vũ chủ nghĩa thực dụng, khuếch đại chính sách tư
bản giả, chi phối các chính sách kinh tế - xã hội của các quốc gia.
Chính vì thế, gần như toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm đều
trong tay giới tư bản tài phiệt, bất khả xâm phạm, không thể kiểm soát.
2 - Cội nguồn những nguyên nhân trên
Những nguyên nhân trực
tiếp và gián tiếp nêu trên bắt nguồn từ một điều cốt lõi nhất, quan
trọng nhất dẫn tới cuộc khủng hoảng này. Đó chính là việc nhận thức và
thực hiện sai lệch vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Cuộc khủng hoảng lần này rõ ràng bắt nguồn trực tiếp từ việc chính phủ
Mỹ và các chính phủ khác ở các nước phát triển đã xử lý sai lầm quan hệ
giữa nhà nước và thị trường, trao quá nhiều quyền cho cơ chế thị trường
tự do, buông lỏng sự quản lý và giám sát điều hành của nhà nước. Ở Mỹ,
Cục Dự trữ liên bang đã thả lỏng tín dụng trong một thời gian dài cho sự
bùng nổ thị trường bất động sản; thị trường ảo và kinh tế "bong bóng"
đã tự do phi mã đến lúc vỡ tung ra. Lỗi quan trọng ở đây là "quá ít nhà
nước, quá nhiều thị trường tự do".
Cắt nghĩa từ cội nguồn
vấn đề này cần khái lược lại cơ chế vận hành của nền kinh tế Mỹ và các
nước phát triển. Đã có một thời gian dài, nền kinh tế thị trường tư bản
chủ nghĩa được vận hành theo cơ chế hoàn toàn tự do dựa trên học thuyết
kinh tế của nhà kinh tế học cổ điển A. Xmit (Adam Smith). Trong tác phẩm
"Của cải của các dân tộc" (năm 1776), A. Xmit đã đưa ra quan điểm có
tính triết lý là: Hãy để cho thị trường vận hành dưới sự dẫn dắt của
"bàn tay vô hình", cơ chế thị trường tự do sẽ đưa tới kết quả cuối cùng
là "sự hài hòa xã hội". Tuy nhiên, cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933 đã
làm cho tất cả các nước tư bản chủ nghĩa phát triển buộc phải từ bỏ lý
luận về "bàn tay vô hình" của cơ chế thị trường để chuyển sang thực hiện
thuyết kinh tế của M. Kên (J.M. Keynes) với lý lẽ ngược lại rằng: Để
thoát khỏi khủng hoảng, thất nghiệp và nguy cơ bùng nổ xã hội, nhà nước
phải điều tiết kinh tế. Lý thuyết kinh tế của M. Kên đã chiếm địa vị chi
phối ở các nước phương Tây trong những năm 1945 - 1973.
Tới nửa cuối những năm 70
của thế kỷ XX, khi cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới nổ ra, các nước
tư bản phát triển lại rơi vào suy thoái kinh tế và lý thuyết M. Kên bị
coi là nguyên nhân gây ra tình trạng trên đã được thay bằng thuyết chủ
nghĩa tự do mới. Đầu những năm 80, chủ nghĩa tự do mới được Thủ tướng
Anh M. That-chơ, Tổng thống Mỹ R. Ri-gân cùng với Ngân hàng Thế giới
(WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhiệt liệt tán thưởng và lý thuyết đó
được đưa vào vận hành ngay tại Mỹ, các nước Tây Âu và hàng loạt nước
khác. Phương châm của lý thuyết tự do mới là "thị trường nhiều hơn, nhà
nước ít hơn" với 5 điểm chủ yếu: 1- Tăng thị trường; 2 - Giảm nhà nước; 3
- Phi điều tiết hóa; 4 - Tự do hóa; 5 - Tư nhân hóa. Theo quan điểm của
thuyết tự do mới, tăng trưởng kinh tế phải đi trước, công bằng xã hội
sẽ đi sau, người nghèo hãy kiên tâm chờ đợi. Do việc áp dụng chủ nghĩa
tự do mới, khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo cũng như
giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng.
Chỉ khoảng trên dưới một
thập niên áp dụng mô hình kinh tế theo thuyết tự do mới, các cuộc khủng
hoảng kinh tế lần lượt nổ ra ở Mê-hi-cô, một số nước ở Đông Nam Á, Nga,
Ác-hen-ti-na... trong những năm 90 của thế kỷ trước và lần này nổ ra
ngay tại Mỹ, nước đi đầu trong việc áp dụng cơ chế kinh tế này. Cuộc
khủng hoảng đó nhanh chóng gây thành phản ứng dây chuyền, đẩy kinh tế
thế giới lún sâu vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 30 của
thế kỷ trước. Rõ ràng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này đã
giáng một đòn chí tử vào lý thuyết của chủ nghĩa tự do mới, vào quan
điểm coi nhẹ vai trò điều hành và quản lý của nhà nước trong nền kinh tế
thị trường. Giáo sư G. Xti-glit (Joseph Stiglitz), người được giải
thưởng Nobel kinh tế năm 2001 đã khẳng định: Mỹ đã xuất khẩu triết lý
kinh tế thị trường tự do, xuất khẩu một thứ văn hóa doanh nghiệp vô
trách nhiệm đối với xã hội..., và cuối cùng đã xuất khẩu sự suy thoái đi
bốn phương...
3 - Tất cả các nhà nước đã phải vào cuộc
Cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu trong xu thế toàn cầu hóa đang phát triển theo chiều sâu
và bề rộng nên nó có phạm vi tác động rất rộng lớn, sự lan tỏa rất nhanh
chóng. Xem xét vai trò và tác động của nhà nước đối với cuộc khủng
hoảng lần này, nổi rõ hai khía cạnh:
Một là, tuy
không nước nào thoát khỏi sự tác động xấu do cuộc khủng hoảng gây ra,
nhưng thực tiễn cho thấy mức độ ảnh hưởng từ các nước và các khu vực rất
khác nhau. Các nền kinh tế càng "nhiều nhà nước" thì càng ít chịu thiệt
hại, ngược lại các nền kinh tế càng "ít nhà nước" thì tổn hại càng nặng
nề. Có thể thấy rõ điều này qua bảng so sánh sau đây:
Tăng tổng lạm phát năm 2008 và dự báo năm 2009
Đơn vị tính: %
Tăng trưởng
|
Lạm phát (theo CPI)
| |||
Các nền kinh tế
|
2008
|
Dự báo 2009
|
2008
|
Dự báo 2009
|
Hoa Kỳ
|
1,2
|
-0,7
|
4,0
|
1,6
|
Khu vực đồng ơ-rô
|
1,0
|
-0,5
|
3,3
|
1,9
|
Nhật Bản
|
0,4
|
-0,2
|
1,6
|
-0,3
|
Hàn Quốc
|
4,0
|
2,0
|
4,7
|
3,0
|
Xin-ga-po
|
4,3
|
3,0
|
5,9
|
3,0
|
Thái Lan
|
2,0
|
2,0
|
6,5
|
3,1
|
Ấn Độ
|
6,9
|
6,3
|
9,6
|
4,3
|
Trung Quốc
|
9,3
|
8,5
|
6,1
|
3,4
|
Nguồn: Consensus Economics, IMF (2009)
Rõ ràng, Hoa Kỳ là nước
thực hiện cơ chế thị trường tự do sâu rộng nhất, nhà nước quản lý ít
nhất, bị tác động mạnh nhất và nền kinh tế bị lún sâu nhất trong bãi lầy
khủng hoảng (tăng trưởng kinh tế dự báo năm 2009 là -0,7%). Ngược lại,
Trung Quốc có nền kinh tế được nhà nước điều hành quản lý chặt chẽ và
hiệu quả nên bị ảnh hưởng ít nhất (dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm
2009 khoảng 8,5%).
Hai là, sau
khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, hầu như tất cả chính phủ
các nước và các tổ chức quốc tế đã nhanh chóng vào cuộc, tìm mọi giải
pháp có thể để khắc phục hậu họa của nó: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU),
Nhật Bản và nhiều nền kinh tế trên thế giới đã phải phối hợp sử dụng
nguồn lực tài chính chưa từng có và tất cả những biện pháp mạnh nhất để
hỗ trợ thanh khoản, ứng cứu hệ thống tài chính khỏi sụp đổ. Các nhà quản
lý của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới đã nhất trí đồng thuận với kế
hoạch sử dụng hàng ngàn tỉ USD nhằm khơi thông dòng chảy thương mại vực
dậy đà tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các gói cứu trợ và kích thích
kinh tế khổng lồ của các nước đã được thực thi. Gói cứu trợ của Mỹ lên
tới hơn 2.000 tỉ USD, Anh 850 tỉ, EU hơn 200 tỉ, Nhật Bản 255 tỉ, Hàn
Quốc 141 tỉ...
Với tất cả các giải pháp
can thiệp mạnh và sự quyết tâm lớn, nền kinh tế của các nước đã có những
bước chuyển biến theo chiều hướng khả quan, tín hiệu kinh tế phục hồi ở
các nước đều nhanh hơn dự tính.
So với tình hình chung ở
tất cả các nền kinh tế trên thế giới, kinh tế Trung Quốc vừa ít bị ảnh
hưởng do khủng hoảng vừa phục hồi một cách nhanh chóng, khả quan hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2009, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 7% -
8%, quý III-2009 là 8,9%. Các nhà kinh tế nhận định rằng, gói kích cầu
trị giá 586 tỉ USD được áp dụng từ tháng 11-2008 đến nay đã có tác động
quyết định đến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Với đà này, Trung
Quốc sẽ đạt mục tiêu đề ra là tăng trưởng kinh tế năm 2009 hơn 8%. Đây
là yếu tố quan trọng tạo thêm nhiều việc làm cũng như bảo đảm ổn định xã
hội. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, chính sự tăng trưởng ngoạn mục của
kinh tế Trung Quốc đã góp phần quan trọng để kinh tế thế giới vượt qua
khủng hoảng. Kết quả này cũng chứng tỏ vai trò tích cực và hiệu quả
không thể phủ nhận của nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế lớn thứ 3
thế giới này.
4 - Việt Nam với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
Là một nền kinh tế đang
trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, có độ mở lớn nên
khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nghiêm trọng tới
kinh tế Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu
lao động, thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn ngoại tệ từ các kiều hối, du
lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, hệ quả của các biện pháp kiềm chế lạm phát
cùng với thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã làm trầm trọng thêm
những khó khăn của nền kinh tế đất nước.
Trước tình hình đó, Nhà
nước Việt Nam đã ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả các
gói giải pháp kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ
Việt Nam đã đề ra 5 nhóm chính sách cụ thể về những giải pháp cấp bách
nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã
hội, trong đó có gói giải pháp kích thích kinh tế quy mô khoảng 145
nghìn tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD). Các cấp, các ngành, các doanh
nghiệp đã tập trung triển khai gói kích thích kinh tế này, coi đó là
chính sách kinh tế - xã hội trọng tâm của năm 2009 để thực hiện mục tiêu
ngăn chặn suy giảm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kết quả thực hiện gói kích thích kinh tế, tính đến đầu tháng 9-2009 đạt được như sau:
- Về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 418.304 tỉ đồng.
- Về thực hiện chính sách
miễn giảm, giảm thuế, có trên 125.000 lượt doanh nghiệp và khoảng
937.000 đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng ưu đãi về
thuế. Trong chương trình tổng thể nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, dự
kiến cả năm số thuế được miễn giảm, giảm khoảng 20.000 tỉ đồng.
- Về việc thực hiện các
giải pháp về vốn đầu tư phát triển, theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển
của Nhà nước trong gói kích thích kinh tế khoảng 90.800 tỉ đồng, ước
thực hiện cả năm đạt khoảng 60.800 tỉ đồng.
Do sớm nhận định, đánh
giá tình hình một cách chủ động, thận trọng và chính xác để chuyển hướng
chính sách kịp thời, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và của toàn
xã hội, Việt Nam đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế, đạt tốc độ tăng
trưởng khá và tăng được nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo đà cho thời
gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn
nhất, sản xuất đi vào phục hồi và có bước phát triển, lao động được thu
hút trở lại, 76 ngành doanh nghiệp mới được thành lập; tạo thêm 1,5
triệu chỗ làm việc. Từ quý II-2009, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng
trở lại một cách ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước, 9 tháng tăng
6,5% so với cùng kỳ năm 2008 và dự kiến cả năm tăng khoảng 7,2%. Giá trị
tăng thêm của ngành xây dựng từ - 0,4% năm 2008 tăng lên 11,3% năm
2009. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ khoảng 6,5%. Nông nghiệp
phát triển khá ổn định, giá trị sản xuất cả năm dự kiến tăng 2,8% so với
cùng kỳ năm trước. GDP quý sau cao hơn quý trước: Quý I: 3,14%; quý II:
4,46%; quý III: 5,76%; 9 tháng đầu năm tăng 4,56%; dự kiến cả năm 2009
tăng khoảng 5,2%.
5 - Những điều bổ ích
Cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu lần này khiến cả thế giới đều tìm thấy những điều hệ
trọng và đối với chúng ta có thể rút ra những bài học bổ ích:
Thứ nhất, cần nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và kinh tế thị trường.
Nếu nhà nước bỏ mặc thị
trường, để thị trường tự do chi phối nền kinh tế thì sớm muộn cũng sẽ
lâm vào tình trạng mất cân đối cơ cấu kinh tế vĩ mô, bất ổn định và cuối
cùng là đổ vỡ, khủng hoảng. Trong điều kiện toàn cầu hóa, vai trò của
nhà nước càng cần được chú ý nhiều hơn. Nhận rõ vấn đề hiển nhiên như
thế.
Hội nghị G20 diễn ra tại
Luân-đôn ngày 2-4-2009 đã xác định, sự can thiệp của nhà nước đối với
nền kinh tế là cần thiết và quan trọng. Nhà nước nói chung cần can thiệp
vào kinh tế bằng việc bảo đảm môi trường kinh doanh để kinh tế thị
trường hoạt động có hiệu quả. Đó là việc tổ chức cung ứng các hàng hóa
công, giám sát hoạt động của các thể chế kinh tế thị trường tuân thủ
pháp luật, bảo đảm an sinh xã hội và có các công cụ cùng những giải pháp
cần thiết để can thiệp khi nền kinh tế có sự cố.
Quan điểm chung là như
vậy, nhưng khó nhất lại là mức độ, liều lượng can thiệp cao thấp của nhà
nước với thị trường như thế nào là vừa, thế nào là thuận. Thực tế đã
chứng tỏ cả hai chiều: Một chiều là coi nhẹ vai trò của nhà nước đã có
hậu quả trực tiếp ở không chỉ cuộc khủng hoảng tài chính lần này mà các
cuộc khủng hoảng trước đây như cuộc đại khủng hoảng 1929 - 1933. Còn ở
một thái cực khác, nếu sự can thiệp của nhà nước quá mức cũng sẽ có tác
động ngược chiều, dễ quá đà, trái quy luật, kìm hãm sự phát triển tự
nhiên của nền kinh tế. Kinh tế kế hoạch hóa tập trung là một bằng chứng
về sự sai lầm trong chính sách và điều hành của chính phủ, cũng là tác
nhân gây ra các đổ vỡ kinh tế. Cuộc khủng hoảng Đông Á cũng là một ví dụ
điển hình.
Vì thế, trong khi rất
thống nhất về vai trò của nhà nước can thiệp vào thị trường không chỉ
khi kinh tế khủng hoảng mà ngay cả lúc nền kinh tế đang vận hành thuận
lợi, thì các nhà kinh tế vẫn có ý kiến khác nhau về quy mô và mức độ của
sự can thiệp đó. Sự can thiệp mạnh mẽ đến mức thái quá sẽ dẫn tới có
những chính sách kinh tế chủ quan, duy ý chí, gây cản trở sản xuất kinh
doanh, dễ dẫn tới thâm hụt ngân sách lớn, lạm phát và khủng hoảng. Những
ý kiến khác cho rằng: Nếu can thiệp của nhà nước quá hời hợt, không đủ
liều lượng sẽ dẫn tới việc thị trường tự do làm chủ tình hình, sản xuất,
phân phối lưu thông vô hạn độ, mất cân đối, phân cực và có tính đối đầu
kinh tế, bất ổn xã hội và cuối cùng là đổ vỡ. Điều quan trọng nhất phải
là, tùy theo mô hình kinh tế và điều kiện cụ thể của từng nền kinh tế
mà dự liệu mức độ và giải pháp can thiệp của nhà nước một cách hợp lý,
hài hòa. Đây là vấn đề khó khăn nhất trong điều hành kinh tế.
Thứ hai, mô
hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách
quan, có tính ưu việt nhưng cần được không ngừng hoàn thiện.
Kinh tế thị trường là
thành tựu phát triển kinh tế của nhân loại, là một tất yếu khách quan.
Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc điều tiết kinh tế thị trường
cũng là một nguyên tắc không thể phủ nhận. Từ đó, việc phát triển mô
hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam và
kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa như ở Trung Quốc cũng là sự phát
triển có tính quy luật được vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất
nước. Ở đây cũng cần nhấn mạnh: Định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền
kinh tế thị trường cũng chính là sự quản lý của nhà nước một cách có
định hướng, hợp quy luật, khoa học và sáng tạo. Sự quản lý và can thiệp
này vừa nhất quán, vừa mềm dẻo, linh hoạt; quản lý ở tầm vĩ mô, sao cho
giải phóng tất cả năng lực sản xuất của xã hội, đồng thời tiên lượng
được những xu thế phát triển của nền sản xuất. Nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa phải là nền kinh tế vừa vận hành theo quy
luật khách quan, vừa có tính tự giác rất cao, phải có một cơ chế vận
hành sáng tạo không ngừng và đổi mới không ngừng.
Trong điều kiện nền kinh
tế hội nhập toàn cầu, việc bảo đảm phát triển nhanh lại bền vững, an
toàn càng cần hai lần sáng tạo. Làm được điều đó cần thiết phải xác định
rõ thể chế kinh tế và cơ chế, chế tài thực hiện; nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý, điều tiết vĩ mô của Nhà nước; hiện đại hóa bộ máy quản
lý kinh tế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cũng như trình
độ quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình vận hành và
hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai
trò lãnh đạo của Đảng đặc biệt quan trọng. Trí tuệ, năng lực lãnh đạo,
năng lực cầm quyền của Đảng trước hết và quan trọng hàng đầu là thể hiện
trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế, kinh tế gắn liền với chính trị
và xã hội, gắn chặt với an ninh quốc phòng, với an sinh xã hội và bình
ổn đất nước.
Thứ ba, cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ đưa tới hậu quả nghiêm trọng
và thách thức to lớn, mà còn tạo ra cơ hội mới cho mỗi nền kinh tế. Cơ
hội ở đây chính là qua "cơn bão" này ta nhận rõ mình hơn, thấy rõ thế
mạnh và điểm yếu của nền kinh tế đất nước, thấy rõ điều cần làm và phải
làm, điều nên tránh và phải tránh. Đặc biệt nhân cơ hội này, cần cấu
trúc lại nền kinh tế, cân bằng giữa nội lực và ngoại lực, phải coi nội
lực là nhân tố quyết định.
Muốn cân bằng giữa nội
lực và ngoại lực, trước hết, cần xây dựng nền kinh tế có tính độc lập,
tự chủ. Đó là nền kinh tế có đủ lực, đủ sức bảo đảm phát triển tương đối
ổn định cho mọi vùng, miền; bảo đảm cung ứng những sản phẩm hàng hóa
đáp ứng nhu cầu của toàn thể nhân dân. Đó cũng là nền kinh tế chú trọng
phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, từng bước trang bị những
nhu cầu cần thiết cho cả quốc phòng - an ninh.
Trong các chính sách phát
triển cụ thể cũng cần có sự điều chỉnh lại hợp lý hơn. Trong nhiều năm
qua, phát triển kinh tế của Việt Nam có xu thế hướng ngoại, dựa nhiều
vào xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có
tăng về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả đầu tư còn thấp, chất
lượng tăng trưởng chưa thỏa đáng, chủ yếu tăng trưởng chiều rộng mà chưa
tăng trưởng vững chắc, có chiều sâu. Xuất khẩu tuy có nhiều khởi sắc
nhưng chưa phải là xuất khẩu những mặt hàng có phẩm chất, trí tuệ Việt
Nam mà chỉ là xuất khẩu nguyên liệu hoặc hàng gia công chế biến. Bởi
vậy, các doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu chưa đổi mới công nghệ, vẫn
là các công xưởng gia công lắp ráp là chủ yếu.
Để nền kinh tế phát triển
bền vững và hiệu quả hơn, cần phát huy tối đa sức mạnh nội lực, tăng
sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi tiêu dùng và đầu tư nội địa là bộ
phận cấu thành quan trọng các nền kinh tế và là nhân tố thúc đẩy tăng
trưởng bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục sử dụng có hiệu quả ngoại
lực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có chọn lọc công
nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh xuất khẩu bằng những
hàng hóa có thương hiệu Việt Nam, từng bước chuyển từ mô hình kinh tế
sản xuất gia công sang các công xưởng sản xuất để xuất khẩu, tăng cường
xuất khẩu các loại hàng hóa đã qua chế biến, được thị trường thế giới
chấp nhận.
Bài học lớn nhất rút ra
từ việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này là sự tự
tin. Qua cơn khủng hoảng, chúng ta càng thấy học thuyết kinh tế của C.
Mác cắt nghĩa quá trình sản xuất, phân phối lưu thông và những mâu
thuẫn, bế tắc vô phương cứu chữa của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa là học
thuyết khoa học đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời đại. Từ những thành
công của công cuộc cải cách mở cửa và phát triển ngoạn mục của kinh tế
Trung Quốc cũng như những thành tựu của hơn 20 năm đổi mới kinh tế của
Việt Nam, chúng ta càng tự tin hơn với việc xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một nền kinh tế trong đó vai trò của
Nhà nước trong việc vận hành điều tiết kinh tế ngày càng được thực hiện
một cách khoa học, hợp lý; thị trường được phát triển tự nhiên theo quy
luật kinh tế và có sự định hướng bảo đảm cho sự ổn định, bền vững, hài
hòa. Đó là mô hình phát triển kinh tế đúng đắn dựa trên cơ sở lý luận
khoa học và đã được thực tiễn kiểm nghiệm./.
Số 1 (193) năm 2010