Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

46. Bàn thêm về tính chất của Cách mạng Tháng Tám tại Việt Nam

TCCSĐT - Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Diễn biến, đặc điểm, ý nghĩa tính chất, bài học của cuộc khởi nghĩa cách mạng này đã được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng như các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước. Ở đây, bài viết tập trung bàn thêm về tính chất của cuộc Tổng khởi nghĩa này trên một số khía cạnh sau.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng mang tính thời đại sâu sắc
Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 nổ ra trong bối cảnh lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới đánh bại chủ nghĩa phát-xít Đức - Ý - Nhật, lực lượng xung kích của chủ nghĩa đế quốc, đã gây bao đau thương, tang tóc cho loài người. Tuy không trực tiếp có quân đội chiến đấu chống các lực lượng phát-xít như quân đội Xô Viết, Mỹ, Anh… trên chiến tuyến, nhưng các lực lượng vũ trang cách mạng và toàn dân yêu nước Việt Nam đã tham gia tích cực vào phe Đồng minh chiến đấu chống phát-xít khi phát-xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, góp phần vào thắng lợi chung của các lực lượng yêu hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập (2-9) qua con mắt người nước ngoài
Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vai trò, khả năng phát triển của cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) nhận định: “Nếu cuộc chiến tranh đế quốc lần trước đẻ ra Liên Xô - một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến tranh đế quốc lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”.
Ngày 21-12-1941, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo: “Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng”, nhận định: Thế giới đã chia thành hai mặt trận dân chủ và phát-xít, cách mạng Đông Dương là một bộ phận khá quan trọng trong phong trào dân chủ chống phát-xít quốc tế… Đông Dương là một căn cứ quan trọng của Nhật ở Đông Nam châu Á. Nhật sẽ ra sức củng cố vị trí Đông Dương để “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Thông cáo của Đảng cho rằng: Xét chung trong toàn quốc, những điều kiện khởi nghĩa chưa chín muồi. Song, ở những nơi quân Anh, Mỹ hoặc Trung Quốc vào thì Đảng bộ địa phương phải lập tức khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng, rồi nhân danh chính phủ cách mạng của nhân dân mà giao thiệp với họ. Nhận định trên cho thấy, Đảng ta nhận thức một cách rõ ràng cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của trào lưu dân chủ chống đế quốc, phát-xít trên thế giới.
Cách mạng Tháng Tám đã tỏ rõ tinh thần chống phát-xít và yêu chuộng dân chủ, hòa bình của nhân dân Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám đã kết thúc vẻ vang thời kỳ chống phát-xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 12-3-1945 cũng đã thể hiện rõ tính quốc tế của phong trào cách mạng Việt Nam khi Đảng ta kêu gọi toàn dân hưởng ứng cao trào kháng Nhật, cứu nước.
Tổng khởi nghĩa - Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước công nông, dân chủ cộng hòa, đã đóng vai trò chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, mở ra thời kỳ suy sụp, tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới; cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức chống ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc.
Cách mạng Tháng Tám thành công đã chứng minh rằng: trong thời đại ngày nay, một cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, do toàn dân nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, có đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của thời đại, thì hoàn toàn có thể giành được thắng lợi.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã nêu lên những kinh nghiệm lịch sử, góp phần xây dựng kho tàng lý luận về cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Đánh giá về ý nghĩa và tính thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chẳng những giai cấp lao động mà nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng có tính dân tộc, nhân dân rộng lớn và phổ biến
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong Chánh cương vắn tắt là làm “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng”, nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, lấy ruộng đất của thực dân, đế quốc chia cho nông dân nghèo. Như vậy, Đảng đã xác định phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là dân tộc và dân chủ trong suốt quá trình lãnh đạo toàn dân thực hiện đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất, công ăn việc làm và đời sống ấm no cho mọi tầng lớp nhân dân.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra (tháng 9-1939), Đảng đã gấp rút gửi Thông cáo cho các cấp bộ Đảng (ngày 29-9-1939), vạch ra một số phương hướng và biện pháp cần kíp trước mắt nhằm chuyển hướng các mặt hoạt động của Đảng. Thông cáo nhận định: “Hoàn cảnh Đông Dương sẽ tiến bước đến vấn đề dân tộc giải phóng”.
Tiếp theo, trong các ngày 6, 7, 8-11-1939, Trung ương Đảng đã họp tại Bà Điểm (Gia Định), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhận định tình hình và nhấn mạnh: Đặc điểm cơ bản của tình hình Đông Dương lúc này là chiến tranh đã thúc đẩy các mâu thuẫn vốn có của xã hội thuộc địa, nửa phong kiến lên mức đối kháng quyết liệt, đòi hỏi phải được giải quyết. Trong đó, mâu thuẫn chủ yếu, gay gắt nhất là mâu thuẫn giữa đế quốc và các dân tộc Đông Dương. Căn cứ vào sự phân tích, nhận định như trên, Hội nghị đã xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Cuộc cách mạng giải phóng các dân tộc Đông Dương vẫn phải bao gồm hai nội dung chống đế quốc và chống phong kiến, là hai nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng là tập trung lực lượng đánh đổ đế quốc và tay sai, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận Thống nhất Dân tộc phản đế Đông Dương (MTTNDTPĐĐD), thay cho Mặt trận Dân chủ thời kỳ 1936-1939, với lực lượng chính là công nhân, nông dân và các tầng lớp xã hội khác.
Trong năm 1940, tình hình quốc tế và trong nước có những chuyển biến mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu Đảng cần phải kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính quyền, khi mà mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, phát-xít Nhật ngày càng trở nên gay gắt. Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh), nhận định: Kẻ thù chính của cách mạng Đông Dương lúc bấy giờ là phát-xít Pháp - Nhật, quyết định đổi tên MTTNDTPĐĐD thành Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống phát-xít Pháp -Nhật (MTDTTNCPXPN) ở Đông Dương.
Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài. Sau đó, Người đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) tại Pắc Bó (Cao Bằng) nhằm tập trung hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trước tình hình đang chuyển biến mau lẹ và sau các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (ngày 27-9-1940), Nam Kỳ (ngày 23-11-1940) và vụ binh biến Đô Lương (ngày 13-1-1941), tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị khẳng định: nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, bởi “Pháp - Nhật ngày nay không phải chỉ là kẻ thù của công nông mà là kẻ thù của cả dân tộc Đông Dương. Trong lúc này, khẩu hiệu của Đảng ta là trước hết phải làm sao giải phóng cho được các dân tộc Đông Dương ra khỏi ách của giặc Pháp - Nhật”. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Muốn đánh Pháp, đuổi Nhật, cần phải có một lực lượng thống nhất của tất cả các dân tộc Đông Dương hợp lại, vì thế, Đảng “phải vận dụng một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân (hơn hết là dân tộc Việt Nam)”. Từ lý do đó, Hội nghị quyết định MTTNCPXPN ở Đông Dương “phải đổi ra cái tên khác có tính dân tộc hơn, cho có một mãnh lực dễ hiệu triệu hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế hiện tại”. Hội nghị đã quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh), theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thay cho MTTNCPXPN ở Đông Dương.
Có thể nói, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã hoàn thành việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc, sẽ được thực hiện bằng một cuộc Tổng khởi nghĩa.
Để có thể huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa, ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh đã công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Chương trình cứu nước của Việt Minh có tới 44 điểm, là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, công chức, học sinh, phụ nữ, thiếu nhi, người già, người tàn tật, tư sản, địa chủ, nhà buôn… Theo đó, tinh thần cơ bản của 44 điểm trong Chương trình cứu nước là “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1- Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2- Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
Toàn bộ chủ trương, đường lối, chính sách, sách lược của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã được toàn dân triển khai thực hiện có kết quả trên tất cả các lĩnh vực xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng chiến khu, căn cứ địa, tổ chức các đoàn thể cứu quốc… nhằm chờ đón thời cơ thuận lợi để đứng lên giành chính quyền.
Đến giữa tháng 8-1945, được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định: tình thế trực tiếp cách mạng đã chín muồi. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (ngày 13,14-8-1945) chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra mệnh lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1). Tiếp đó, Quốc dân Đại hội được triệu tập (ngày 16-8-1945) đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh (trong đó chính sách đầu tiên là: Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập); cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thể hiện sự nhất trí của toàn thể dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của đất nước. Điều đó được phản ánh rõ trong Thư kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Thư kêu gọi đã thể hiện rõ tính dân tộc, tính nhân dân của cuộc Tổng khởi nghĩa. Và thực tế, cuộc Tổng khởi nghĩa - cách mạng đã diễn ra đồng loạt, dồn dập, nhanh chóng với lực lượng nhân dân tham gia rất đông đảo, từ nông thôn tới thành thị, trên phạm vi rộng khắp cả nước. Một điều cần nhấn mạnh là dù chưa trực tiếp được nghe, được đọc mệnh lệnh khởi nghĩa của Đảng, Thư kêu gọi khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và dù số đảng viên của Đảng trong toàn quốc lúc đó rất ít (vài nghìn người), nhưng nhân dân ở hầu hết các địa phương trong cả nước đã thấu hiểu, nắm bắt nhanh chóng tinh thần, chủ trương của Đảng, tự giác đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Hàng chục vạn người ở Hà Nội, Huế; 1 triệu người ở Sài Gòn và hàng triệu người ở các địa phương đã tham gia khởi nghĩa - là bằng chứng hùng hồn về tinh thần dân tộc, tính nhân dân rộng lớn, phổ biến và sâu sắc của cuộc Tổng khởi nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng triệt để, mang đậm tính nhân văn
Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi một cách triệt để trên phạm vi cả nước. Chính quyền cách mạng nhanh chóng được thiết lập từ Trung ương tới địa phương, thay thế hoàn toàn chính quyền của thực dân, phát-xít, phong kiến.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi mở ra một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, một cuộc đổi đời chưa từng có với mỗi người Việt Nam; đã lật nhào chế độ quân chủ phong kiến hơn một nghìn năm, ách thống trị thực dân hơn 80 năm, giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của phát-xít Nhật suốt 5 năm. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người chủ thực sự của đất nước, làm chủ vận mệnh, cuộc sống của mình. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, xây dựng chế độ cộng hòa dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. So với một số cuộc cách mạng, khởi nghĩa nổ ra trong khu vực châu Á tại thời điểm đó, khi mà điều kiện khách quan thuận lợi do Chiến tranh thế giới thứ II tạo ra giống nhau, chúng ta càng thấy rõ tính triệt để của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam.
Một điều tưởng chừng mâu thuẫn nhưng lại thể hiện trên thực tế một cách lô-gíc, hợp lý là tuy tính chất triệt để cách mạng rất cao nhưng cuộc Cách mạng Tháng Tám lại mang đậm tính nhân văn, thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, hầu như diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương không có tiếng súng, ít đổ máu, nhân dân giành chính quyền một cách mau lẹ. Lực lượng chủ yếu tham gia khởi nghĩa là lực lượng chính trị của quần chúng, hình thức chủ yếu của khởi nghĩa là biểu tình, tuần hành thị uy có vũ trang bằng các loại vũ khí tự tạo, tự mua sắm, bằng đấu tranh chính trị. Lực lượng vũ trang chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, ít phải sử dụng hành động quân sự. Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu nhận xét rằng: Cuộc Tổng khởi nghĩa - cách mạng diễn ra một cách tương đối hòa bình. Lý do quan trọng lúc đó là Pháp đã chạy, Nhật đầu hàng, chính quyền thân Nhật thì bất lực, vương triều nhà Nguyễn ở Huế đã suy tàn.
Thứ hai, do là một cuộc cách mạng ít đổ máu, quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ cần gây áp lực thì chính quyền thân Nhật từ Trung ương đến các địa phương hoặc là đầu hàng hoặc bỏ nhiệm sở chạy trốn, ít có hành động chống đối bằng vũ lực, nên chúng ta đã giành thắng lợi nhanh chóng. Điển hình của tính nhân văn chính là sự kiện vị vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn là Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại), làm lễ thoái vị, trao ấn, kiếm, tượng trưng cho quyền lực của vương triều, cho đại diện chính quyền cách mạng, cùng lời tuyên bố trước nhân dân: Thà làm công dân một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ. Đại diện của triều Nguyễn, đại diện của Chính phủ Trần Trọng Kim ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như một số địa phương cũng nhanh chóng trao quyền cho đại diện Mặt trận Việt Minh. Chính quyền cách mạng mới thành lập đã có chủ trương không trả thù, truy bức những người từng chống lại cách mạng, những người từng làm việc cho chính qụyền cũ. Trái lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mời Bảo Đại, mời Giám mục Lê Hữu Từ, một người vốn không ưa cộng sản, làm Cố vấn cho Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cũng được Người mời tham gia Chính phủ, ứng cử vào Quốc hội.
Thứ ba, đây là một cuộc cách mạng quy tụ được đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt đảng phái, dân tộc, tôn giáo, giới tính, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền và lại cùng nhau đoàn kết xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền mới, chế độ mới do bản thân mình làm chủ theo 10 nội dung lớn trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh. Tuy không phải không có những mâu thuẫn, xung đột về quyền lợi, địa vị, về tư tưởng và cách thức xây dựng quản lý, điều hành chính quyền mới, chế độ mới nhưng một thực tế không thể bác bỏ là đại đa số nhân dân trên cả nước đã đoàn kết, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, tỏ rõ quyết tâm bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng, dù có phải tiếp tục chiến đấu, hy sinh cũng không sờn lòng./
Nguyễn Mạnh Hà
Đại tá, PGS, TS, Phó Viện trưởng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Số 17 (209) năm 2010