Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

23. Vài nét về chủ nghĩa đa phương của B.Ô-ba-ma

TCCS - "Những ai đã từng chỉ trích Mỹ đơn phương hành động, nay không thể đứng ngoài chờ Mỹ một mình giải quyết các vấn đề của thế giới nữa. Chúng tôi muốn một kỷ nguyên can dự mới với thế giới, bằng cả lời nói lẫn việc làm", đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9-2009, thông báo sự kết thúc có điều kiện chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, mở đầu chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, thực chất của tuyên bố này có hoàn toàn là sự đoạn tuyệt với lối hành xử đơn phương của người tiền nhiệm không khi mà điều kiện kèm theo là các nước phải gạt sang một bên thái độ chống Mỹ và xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn (?).
Chủ nghĩa đa phương và yếu tố thời đại
Những tìm hiểu về lý thuyết của chủ nghĩa đa phương được manh nha từ rất lâu, nhưng đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, vào năm 2009, nó mới thực sự bùng nổ và trở thành đề tài được bàn đến nhiều trong các diễn đàn khu vực và thế giới, đến mức năm 2009 từng được gọi là "năm cơ chế đa phương".
Giải nghĩa cho hiện tượng này, các nhà phân tích cho rằng, "cơn sốt" đa phương năm 2009 là sự kéo dài và gia tăng của cơ chế ngoại giao đa phương kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vào tháng 9-2008, phản ánh việc cộng đồng quốc tế tích cực cùng nhau phối hợp nhằm khắc phục những thách thức mang tính toàn cầu, dần hình thành một trật tự quốc tế mới.
Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương bùng phát không phải từ nguyên nhân trên, mà nó còn là kết quả tất yếu của quá trình không thể kiểm soát được những vấn đề thời đại nảy sinh của chủ nghĩa đơn phương. Bước sang thế kỷ XXI, toàn cầu hóa với động lực chủ yếu là phát triển khoa học thông tin và mối quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng phát triển nhanh chóng, sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các nước và khu vực ngày càng trở nên sâu sắc. Đối mặt với sự tấn công nghiêm trọng của khủng hoảng tiền tệ quốc tế và tình trạng trái đất nóng lên, chủ nghĩa đơn phương về cơ bản không thể giải quyết được, hợp tác song phương hoặc ba bên chỉ đạt hiệu quả hạn chế. Do đó, chủ nghĩa đa phương và sự tìm kiếm vai trò lãnh đạo chung của thế giới gia tăng, các nước cùng bắt tay đối phó đã trở thành xu thế lớn.
Trở thành mối quan tâm lớn trong quan hệ quốc tế, chủ nghĩa đa phương ngày nay không còn giống chủ nghĩa đa phương của thế kỷ XX. Tạp chí Foreign Policy tháng 10-2009 đăng bài phân tích cho rằng, cách tiếp cận đa phương đang là xu hướng chủ đạo của các quan hệ quốc tế, nhưng chủ nghĩa đa phương truyền thống đã không giải quyết được các vấn đề lớn của thế giới trong suốt hai thập niên qua. ý tưởng "chủ nghĩa đa phương tối thiểu" sẽ giúp thế giới dễ dàng hơn trong việc đi đến đồng thuận, giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Nguyên nhân là do kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhu cầu hợp tác hiệu quả giữa nhiều quốc gia đã xuất hiện, song các cuộc đối thoại đa phương lại đều thất bại. Tất cả thời hạn chót đều bị bỏ lỡ, các cam kết và lời hứa về tài chính đã không được tôn trọng, nhiều nỗ lực bị ngưng trệ và hành động tập thể của quốc tế không đạt mức yêu cầu. Chủ nghĩa đa phương truyền thống theo kiểu lôi kéo đã trở nên lỗi thời vì tính bất khả thi của nó và đây chính là tiền đề ra đời của mô hình "chủ nghĩa đa phương tối thiểu" - một cách tiếp cận có mục tiêu và khôn ngoan hơn, theo đó, việc bàn thảo chỉ cần số lượng nhỏ các quốc gia có tiếng nói đối trọng, song lại có tác động mang đến hiệu quả tối đa đối với một vấn đề cụ thể nào đó. Về lý thuyết, chủ nghĩa đa phương tối thiểu chính là hình thức chủ nghĩa đa phương "hẹp" của B.Gióp (B.Jobb)(1).
Vấn đề đặt ra ở đây là, có nhiều khả năng những nước không được mời đàm phán có thể sẽ phản đối và cho rằng cách tiếp cận này là phi dân chủ và phân biệt đối xử, song thực tế phải nhìn nhận là một số lượng nhỏ các quốc gia nói trên có thể phá vỡ được tình trạng bế tắc. Hiệp định mà một nhóm nhỏ các quốc gia này đạt được và hành động sau đó của họ nhằm hướng tới giải pháp thực tế, có thể tạo nền tảng cho những thỏa thuận toàn diện hơn. Các thỏa thuận "đa phương tối thiểu" này cần để ngỏ cho các nước khác muốn tham gia và chấp nhận "luật chơi" mà nhóm nhỏ ban đầu đã đưa ra. Trên thực tế, các nhược điểm của chủ nghĩa đa phương tối thiểu vẫn ít hơn so với hậu quả mà tình trạng bế tắc của chủ nghĩa đa phương truyền thống mang lại bấy lâu nay.
Hiện chủ nghĩa đa phương tối thiểu đang thâm nhập ngày càng sâu hơn vào tiến trình đa cực hóa cục diện quốc tế, đặc biệt là nó tạo ra sự điều chỉnh cơ chế đa phương có sắc thái "nước lớn cùng lãnh đạo". Khủng hoảng tiền tệ làm cho chủ nghĩa bá quyền Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, EU và Nhật Bản cũng bị tổn hại sâu sắc, còn các nước lớn mới nổi như Trung Quốc, ấn Độ, Bra-xin lại nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và nổi lên. Danh sách các nước lớn được sắp xếp lại nhanh chóng, quyền lực quốc tế chuyển đổi từ Tây sang Đông, từ Bắc sang Nam. Vai trò chi phối và lũng đoạn của các nước lớn phương Tây trong cơ chế đa phương bị giảm xuống, buộc phải chia sẻ quyền lực và gánh vác trách nhiệm với các nước lớn đang phát triển và mới nổi.
Vì sao chọn lối tiếp cận đa phương?
Lên nắm quyền trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ, để thoát khỏi khó khăn cả bên trong lẫn bên ngoài do lối hành xử ngạo mạn và đơn phương từ người tiền nhiệm gây ra, Tổng thống B.Ô-ba-ma buộc phải "bẻ lái" với những điều chỉnh lớn về chiến lược đối nội và đối ngoại, chủ động thuận theo trào lưu chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh "sức mạnh mềm" mà nội dung quan trọng là hợp tác phối hợp giữa các nước lớn nhằm thúc đẩy cơ chế đa phương.
Bài viết của Đ.W.Đrây-nơ (D.W.Drezner) - chuyên gia về quan hệ quốc tế, Giáo sư Trường Đại học Fletcher thuộc Đại học Tổng hợp Tufts đã xác định các thành tố cơ bản của học thuyết Ô-ba-ma, trong đó, luận đề cơ bản của học thuyết này là Mỹ không còn khả năng giải quyết tất cả các vấn đề đang tồn tại trên thế giới. Như Tổng thống Mỹ đã chỉ ra khi phát biểu tại Xtra-xbua tháng 4-2009: "Chúng tôi (Mỹ) không phải lúc nào cũng đúng..., nhiều người (nước) cũng có những tư tưởng có giá trị... Và để có thể cùng nhau làm việc được tất cả các bên, bao gồm cả chúng tôi, cần phải đi đến thỏa hiệp".
Một "đơn đăng ký về sự khiêm tốn" như vậy trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và hai cuộc chiến tranh tiêu hao nguồn lực của đất nước sẽ giúp ông B.Ô-ba-ma được yêu quý hơn, vì ông đã vượt qua niềm tự hào Mỹ để dám thừa nhận điều hiển nhiên. Xét về mọi mặt, ngày nay sự bá quyền không còn quyến rũ người Mỹ nữa, thậm chí họ còn cho rằng chính việc xây dựng nên hình ảnh bá quyền Mỹ đã gây ra những thái độ thiếu thiện cảm với người Mỹ từ các nước. Suy nghĩ của các nước khác về "sự hiện diện khắp mọi nơi" của Oa-sinh-tơn còn gây nhiều khó khăn hơn cho Mỹ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại "khiêm tốn".
Những hành động thể hiện cách tiếp cận này được chính quyền Ô-ba-ma thực hiện trong từng vấn đề mà nước Mỹ can dự. Về vấn đề hạt nhân của I-ran, không phải I-ran có hợp tác hơn với Mỹ hay không, mà là liệu Mỹ có thuyết phục được các nước khác hợp tác trong việc duy trì sức ép đòi Tê-hê-ran phải chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân của họ. Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ đã tái khởi động cuộc thương thuyết với I-ran ở Giơ-ne-vơ, nơi diễn ra cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran trong 30 năm qua. Thay đổi lớn nhất đã xuất hiện. I-ran đã buộc phải thừa nhận cơ sở làm giàu hạt nhân mới. Và đây chính là điều Mỹ đang cần khi tập hợp được một liên minh quốc tế nhằm đối phó với I-ran. Các nước đã lên tiếng mạnh mẽ. Thủ tướng Anh G.Brao (G.Brown) nói: "Cộng đồng quốc tế nay không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phải vạch ra ranh giới rõ ràng". Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di (N.Sarkozy) nhấn mạnh, mọi thứ đều phải được đặt lên mặt bàn. Chúng ta không thể cho phép các nhà lãnh đạo I-ran kéo dài thời gian, trong khi thiết bị làm giàu hạt nhân vẫn chạy. Nga cũng vào cuộc. Tuyên bố của Điện Krem-lin viết "việc I-ran xây dựng nhà máy làm giàu hạt nhân là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc" và kêu gọi mở cuộc điều tra về vấn đề này. Phía Mỹ tuyên bố, Mỹ đã tạo cho I-ran con đường rõ ràng để hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế, nếu họ thực hiện những nghĩa vụ của mình. Lập trường đó chưa có gì thay đổi. Vậy là Mỹ đã có thể nói những lời nhẹ nhàng hơn vì các nước khác đã cầm sẵn "cây gậy". Đó chính là sự thành công trong việc áp dụng chủ nghĩa đa phương vào hồ sơ I-ran của ông B.Ô-ba-ma.
Đối với vấn đề Trung Đông, Mỹ thay đổi chính sách theo hướng mềm dẻo, lối giải quyết trên cơ sở hợp tác với các nước chứ không chỉ dựa vào "đòn bẩy" I-xra-en như nhiều đời tổng thống Mỹ từng theo đuổi. Tổng thống B.Ô-ba-ma đòi hỏi I-xra-en phải chấm dứt các hoạt động mở rộng khu định cư, đồng thời yêu cầu nhanh chóng khởi động các cuộc thảo luận về hiệp định hòa bình toàn diện cho Trung Đông, bất chấp việc cả I-xra-en lẫn Pa-le-xtin đều muốn kéo dài thời gian, bằng cách đòi có môi trường thuận lợi hơn cho các cuộc thương thuyết.
Việc tìm kiếm một đối tác an ninh với Nga, một liên minh tin cậy với Trung Quốc và sự đối kháng có điều chỉnh tối thiểu với I-ran và CHDCND Triều Tiên về thực chất là phản ứng thông minh và phù hợp của ông B.Ô-ba-ma và đội ngũ cố vấn của ông trong bối cảnh nước Mỹ cần tìm lối thoát cho các vấn đề bế tắc. Thứ nhất, Mỹ không thể tiếp tục thực thi một chính sách ngoại giao hiếu chiến. Tối thiểu cho đến nay cũng tốn kém hàng nghìn tỉ USD cho việc triển khai quân sự ở I-rắc và chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan. Thứ hai, sau hàng nghìn binh lính bỏ xác tại các chiến trường nước ngoài, việc tuyển mộ lính mới gặp khó khăn, binh lính ngày càng ngán ngẩm với chiến tranh. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những người nước ngoài nhập cư chỉ có ý định lưu trú có thời hạn ở Mỹ, chứ không muốn nhập quốc tịch Mỹ để tránh phải đi lính. Thứ ba, cuộc khủng hoảng kinh tế đòi hỏi một sự hợp tác chặt chẽ toàn cầu. Các gói cứu trợ của chính phủ Mỹ chỉ có tác dụng, nếu các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đức cùng phối hợp tốt.
Khi đa phương, lúc cần vẫn song phương
Dễ thấy là việc hô hào về chủ nghĩa đa phương và việc thực hiện nó chỉ được chính quyền Ô-ba-ma áp dụng trong một số vấn đề mà Mỹ thực sự không có lối thoát nếu đơn phương hành động. Trong các vấn đề hoặc mối quan hệ khác, nếu như vẫn bảo toàn được sức mạnh tuyệt đối, Mỹ lại ưa thích lối "đánh lẻ" để nhanh chóng chiếm thế thượng phong hoặc bảo toàn lợi ích Mỹ. Việc Mỹ không ngừng nỗ lực duy trì, thậm chí là tăng thêm sự hiện diện quân sự khổng lồ trên toàn thế giới là minh chứng rõ nét cho điều này. Khi ký thỏa thuận song phương với Cô-lôm-bi-a, Mỹ đã bước qua một cộng đồng đa phương các nước Mỹ La-tinh về mối quan ngại đối với các căn cứ quân sự nước ngoài tại khu vực, nhất là của Mỹ. Trước sự đã rồi, đầu tháng 8-2009, Tổng thống B.Ô-ba-ma đã tuyên bố, Mỹ "không có ý định xây dựng một căn cứ quân sự ở Cô-lôm-bi-a". Các quan chức Mỹ miêu tả các căn cứ này là "các vị trí hoạt động tiền tiêu" (FOL) cho quân đội Mỹ (?).
Từ trước tới nay, việc duy trì một lực lượng quân đội không có đối thủ luôn là một mục tiêu quốc gia của Mỹ. Do đó, việc tiếp tục chính sách duy trì căn cứ quân sự trên toàn cầu xem ra phù hợp với mục tiêu này. Giáo sư C.Lút (C.Lutz) thuộc Đại học Brown cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Ô-ba-ma giảm bớt mức độ hiện diện quân sự Mỹ và trên thực tế, mọi nỗ lực ngoại giao của chính quyền Ô-ba-ma đều nhằm duy trì và mở rộng thêm sự can thiệp quân sự của Mỹ trên toàn thế giới. Theo con số thống kê chính thức, không tính đến một số lượng lớn binh lính Mỹ ở I-rắc và áp-ga-ni-xtan, hiện có khoảng 900 căn cứ quân sự Mỹ đặt rải rác ở 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 190.000 binh sĩ và 115.000 nhân viên dân sự. Theo nghiên cứu độc lập của một số nhà phân tích, số liệu thực tế có thể còn vượt xa con số này. Như vậy, nếu xét về mục tiêu mở rộng ảnh hưởng quân sự và các phương pháp đạt mục tiêu này, xem ra tính đa phương trong "học thuyết Ô-ba-ma" chỉ còn là lời nói hoa mỹ.
Tổng thống B.Ô-ba-ma chìa một tay với thế giới, còn một tay kia vẫn nắm đấm phòng thủ. Tạp chí Tấm gương (Đức) số 10-2009 có bài phân tích, theo đó nước Mỹ ngày nay xác định lợi ích của siêu cường Mỹ khác với trước đây. Phạm vi chính sách đối ngoại của B.Ô-ba-ma cho thấy rõ sự kết hợp hòa dịu với cứng rắn. Ông B.Ô-ba-ma và bà Ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn thực hiện một mô hình chính sách đối ngoại được coi là "sức mạnh mềm", tức là thuyết phục, đàm phán, động viên, lôi cuốn và đe dọa. Trước hết, nếu các biện pháp đó không có kết quả sẽ thực hiện đòn tấn công. "Hòa dịu nếu có thể và cứng rắn ở đâu cần thiết".
Ngay trong các phát biểu đầu tiên khi nhậm chức tổng thống, ông B.Ô-ba-ma không che giấu quan điểm cho rằng thế giới không tồn tại hai trạng thái tốt và xấu, mà chỉ có các nước với những lợi ích và giá trị khác nhau. Chính sách đối ngoại thông minh là phải tìm cách cân bằng được sự khác biệt đó.
Bước đầu giải mã đa phương "kiểu Ô-ba-ma"
Cho đến nay, người ta có thể nhận thấy những đường nét lớn trong đường lối ngoại giao "kiểu Ô-ba-ma" với một vài khuynh hướng cơ bản sau: vừa ủng hộ chủ nghĩa đa phương mới, vừa ủng hộ đường lối ngoại giao theo nghĩa truyền thống. Chính sách đối ngoại của B.Ô-ba-ma có sự kết hợp khéo léo với truyền thống ngoại giao Mỹ, đó là giảm bớt tranh chấp, tìm kiếm thỏa hiệp, chuyển hướng chính sách đối ngoại của các chính phủ khác thay vì thay đổi bản chất của nó.
R.Hát (R.Haass), một chuyên gia nổi tiếng về chính sách đối ngoại của Mỹ trong 30 năm qua nhận xét, chính sách của B.Ô-ba-ma hiện nay gợi nhắc đến chính sách đối ngoại của G.Bu-sơ (cha). Theo lý giải của R.Hat, cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ (con) đi theo đường lối của U.Uyn-sơn (W.Wilson), nghĩa là trong chừng mực nhất định, Mỹ có "nhiệm vụ" gieo những "hạt giống" dân chủ mô hình Mỹ. Còn chính sách đối ngoại của B.Ô-ba-ma lại không dựa trên sự tăng tiến của dân chủ. Nó thực tế hơn, giống như chính sách đối ngoại của G.Bu-sơ (cha), phần nào bớt tham vọng và hòa nhịp hơn với tình hình hiện nay của Mỹ (khi đang phân tán về mặt quân sự và suy yếu về kinh tế), mang tính lệ thuộc vào tình hình địa- chính trị nhiều hơn.
Theo phân tích của A.V.Phe-nen-cô (A.V.Fhenenko), cộng tác viên khoa học hàng đầu của Viện Những vấn đề an ninh quốc tế, Viện Hàn lâm khoa học Nga(2), thực chất luận thuyết đối ngoại "sức mạnh thông minh" (smart power) của chính quyền Ô-ba-ma hiện nay là "sự quay trở lại chiến lược của Bin Clin-tơn". Chính quyền Ô-ba-ma dường như không vội vàng đoạn tuyệt với di sản đối ngoại của người tiền nhiệm. Tác giả đưa ra 6 nội dung để chứng minh luận điểm này. Một là, chiến lược đối ngoại vẫn được thực hiện dựa trên cơ sở các văn kiện quan trọng liên quan do chính quyền Bu-sơ đưa ra như: "Chiến lược quân sự quốc gia" (2004), "Chiến lược an ninh quốc gia" (2006), và "Chiến lược phòng thủ quốc gia" (2008).... Hai là, các hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài không hề giảm đi, ngày càng gia tăng ở một số nơi, điển hình là tại Áp-ga-ni-xtan và Y-ê-men gần đây. Ba là, chiến lược chống khủng bố đã không thay đổi, đạo luật "Patriot" đưa ra năm 2001 vẫn giữ nguyên giá trị. Bốn là, tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí. Năm là, duy trì chính sách của Tổng thống Bu-sơ tại các khu vực then chốt như Trung Đông, tiếp tục hậu thuẫn I-xra-en; tại châu Âu, nỗ lực khôi phục lòng tin của Pa-ri và Béc-lin đã bị mất sau chiến tranh I-rắc; ở Nam Á, phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ như là cấu thành then chốt của chiến lược kiềm chế Trung Quốc; tại Mỹ La-tinh, tìm cách cô lập các chế độ cánh tả; ở Đông Bắc Á, sử dụng phương thức kích động căng thẳng theo chu kỳ xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đồng thời cam kết bảo đảm an ninh- quân sự cho các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc; tại Đông Âu, không từ bỏ ý đồ mở rộng NATO sang không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Đứng trên góc độ phân tích này, về thực chất, luận thuyết "sức mạnh mềm" của chính quyền Ô-ba-ma, với một trong những hạt nhân là áp dụng chủ nghĩa đa phương, là một cố gắng quay trở lại chiến lược "mở rộng và dính líu" của cựu Tổng thống Bin Clin-tơn những năm 90. Đó là trói buộc các đối thủ tiềm tàng, bao gồm cả Trung Quốc và Nga bằng tổ hợp các thỏa thuận ổn định; khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các nước EU; mở rộng việc sử dụng các cơ quan đặc vụ và chế độ ôn hòa ở Trung Đông nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia; sử dụng vũ lực trong những trường hợp đặc biệt và trong sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh./.
____________________________________________________________________________________________
(1) Theo nhà nghiên cứu Bri-an Gióp (Brian Jobb), chủ nghĩa đa phương có thể được phân loại theo số lượng thành viên, tức là chủ nghĩa đa phương "hẹp" và đa phương "rộng". Một dàn xếp đa phương được gọi là hẹp khi chỉ gồm "một số ít nước so với toàn bộ các quốc gia trong cùng khu vực hoặc cùng một hệ thống có cùng lợi ích an ninh". Ngược lại, một dàn xếp đa phương được hiểu là mở rộng "sẽ bao gồm tất cả các nước có thể trở thành thành viên trong khu vực hoặc trong cùng một hệ thống" - (Brian L.Jobb: Những vấn đề của chủ nghĩa đa phương: Hệ lụy đối với cơ chế khu vực, trong cuốn "Những trật tự khu vực: Xây dựng an ninh trong một thế giới mới", năm 1997, tr 169)
(2) Bài viết đăng trên báo Độc lập (Nga), ngày 18-01-2010
Nguyễn Minh
Bộ Ngoại giao
TCCS: số 10 (202) năm 2010