Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

31. Chiến lược của Mỹ sử dụng mạng Internet để xúc tiến “cách mạng nhung”

TCCSĐT - Cũng như các thành tựu khác của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, mạng thông tin toàn cầu Internet là một trong những thành tựu khoa học - công nghệ vĩ đạt nhất của loài người, đang được một số thế lực khai thác sử dụng như một thứ “vũ khí mềm” để thực hiện các cuộc chiến tranh phi truyền thống trong thế kỷ XXI, trong đó có việc sử dụng mạng Internet để chỉ đạo và tổ chức tiến hành các cuộc “cách mạng nhung”.
Phát súng mở màn
Ngày 15-2-2011, trong bài giảng về cái gọi là “quyền tự do mạng” tại Đại học Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn thông báo rằng, Mỹ sẽ đầu tư 25 triệu USD để ủng hộ các cư dân mạng tại “các quốc gia chuyên chế”. Bà Hi-la-ri nói: "Tuần trước, chúng tôi đã mở các blốc (blog) trên mạng xã hội Twitter bằng tiếng A-rập, bổ sung vào các blốc bằng tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phát triển các blốc bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Hin-đu (Ấn Độ) để tạo khả năng đối thoại song phương theo chế độ thời gian thực với những người sử dụng kênh truyền thông toàn cầu này ở những nước mà chính phủ của họ không cấm sử dụng".
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn nêu tên những quốc gia có chế độ kiểm soát mạng Internet như Trung Quốc, Cu-ba, I-ran, Mi-an-ma, Xi-ri và Việt Nam. Theo Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn, cư dân ở CHDCND Triều Tiên không được phép tiếp cận mạng thông tin toàn cầu và vì thế bà gọi đó là một trong những “quốc gia không lành mạnh".
Bình luận về bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn, giới phân tích chính trị quốc tế gọi đó là chiến lược của Mỹ nhằm xúc tiến “cách mạng nhung” từ mạng Internet sau khi hàng loạt các vụ bạo động chính trị ở Tuy-ni-di, Ai-cập, Y-ê-men, Bê-nanh, I-ran, Xi-ri, Li-bi ...bùng phát bắt đầu từ những lời hiệu triệu từ các mạng xã hội lưu hành trên Internet.
Internet - nơi ra đời “cách mạng nhung” mang nhãn hiệu “Made in USA”
Năm 2008, một tổ chức mang tên “Liên minh các phong trào thanh niên" (The Alliance for Youth Movements) tiến hành hội nghị thành lập ở Niu Oóc (Mỹ). Tại hội nghị này có sự tham gia của các nhân viên đến từ Bộ Ngoại giao Mỹ, các thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế (Mỹ), các cựu nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, các cố vấn của Bộ an ninh quốc gia Mỹ và đại diện của các công ty, tập đoàn và các mạng truyền thông của Mỹ như Google, Facebook, AT&T, NBC, ABC, CBS, CNN, MSNBC và MTV đều có mặt trên mạng thông tin toàn cầu Internet (1).
Có thể thấy rằng, đây cuộc gặp giữa đại diện các cơ quan và tổ chức đã từng hoạt động trong chính sách kinh tế, chính sách đối nội và chính sách đối ngoại của Mỹ với những người mà công việc của họ là sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là mạng Internet, để hình thành dư luận xã hội nhằm phục vụ các lợi ích của nước Mỹ.
Cùng tụ họp với những người đóng vai trò ra quyết định như trên, còn có một lực lượng khá đông đảo những người được mệnh danh là “đội ngũ tích cực của tầng lớp dưới" đang “cần được giúp đỡ”. Trong số những người được coi là “tầng lớp dưới” tới dự cuộc họp thành lập “Liên minh các phong trào thanh niên" trong năm 2008 có một phong trào mà dư luận ít được biết tới mang tên là "Ngày 6 tháng 4" ở Ai Cập.
Những người trẻ tuổi Ai Cập trong tổ chức "Ngày 6 tháng 4" đã từng được huấn luyện cách thức sử dụng mạng xã hội Facebook và nhiều trang web khác trên mạng Internet và được đích thân ông Mô-ha-mét En-Ba-ra-đây, cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và là thủ lĩnh của cái gọi là “Nhóm khủng hoảng quốc tế”, đón tiếp tại sân bay thủ đô Cai-rô của Ai Cập vào tháng 2-2010. Sau đó, trong suốt năm 2010, các thành viên thuộc phong trào "Ngày 6 tháng 4" đã tiến hành diễn tập các cuộc bạo động chính trị để cuối cùng tiến hành cuộc “cách mạng nhung” tiến hành lật đổ Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc trong tháng 2-2011.
Trong bản tuyên bố về nhiệm vụ của "Liên minh các phong trào thanh niên" ghi rõ, đây là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ “các thành viên tích cực ở tầng lớp dưới” nói lên tiếng nói của họ để “tác động nhiều hơn tới tiến trình của thế giới”. Tuyên bố này thoạt nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, thậm chí là có tác dụng tích cực, nhưng nếu xem xét kỹ những thành viên tham gia "Liên minh các phong trào thanh niên" được đăng tải trên trang web Movements.org, thì thấy ngay rằng, phong trào này đang theo đuổi những âm mưu đen tối nhằm đạt được những mục tiêu không lương thiện.
Thực chất, Movements.org là một đối tác của Bộ ngoại giao Mỹ và khoa Luật của Đại học tổng hợp Cô-lôm-bi-a (Mỹ), luôn nhận được sự tài trợ của các tổ chức và công ty như Google, Pepsi và Omnicon Group. Tất cả họ đều là thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế của Bộ ngoại giao Mỹ. Kênh truyền hình CBS News có mặt trên mạng Internet cũng là một tổ chức tài trợ cho Movements.org. Ngoài ra, Movements.org còn nhận được tài trợ từ các mạng xã hội và các tổ chức khác như Facebook, YouTube, Meetup, Howcast, National Geographic, MSNBC, GenNext và hãng quan hệ với dư luận xã hội Edelman.
Trong đội hình của Movements.org còn có Gia-rét Cô-en, một người đồng sáng lập và là thành viên của Hội đồng quan hệ quốc tế, Giám đốc của trang web Google Ideas trên mạng Internet và là cựu thành viên của Ban lập kế hoạch của Bộ ngoại giao Mỹ dưới thời điều hành của cựu Ngoại trưởng Mỹ Côn-đô-li-da Rai-xơ và hiện nay là dưới quyền của Ngọai trưởng Hi-la-ri Clin-tơn. Tham gia sáng lập Movements.org còn có Giây-xơn Líp-man đến từ tập đoàn truyền thông Howcast Мedia, cùng phối hợp với các công ty truyền thông đa phương tiện như Proctor&Gamble, Kodak, Staples, Ford, và các tổ chức của chính phủ Mỹ như Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thành lập các mạng xã hội nhằm mục đích đổi mới, thực hiện các chiến dịch quảng cáo đa phương tiện. Giây-xơn Líp-man cũng đã từng hoạt động 4 năm tại tập đoàn Google và tại đây ông phối hợp với các tổ chức như Time Warner của Hội đồng quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ (CFR), News Corporation (FoxNews, CFR), Viacom, Warner Music, Sony Pictures, Reuters, New York Times và Washington Post Company.
Còn một nhân vật nữa có tên là Rô-man Xan-đơ, cũng là một người đồng sáng lập Movements.org, đã từng thành lập hãng Access 360 Media để tiến hành quảng cáo và tổ chức hội thảo mang tên “Kế hoạch làm chủ thế giới” PTTOW (Plan to Take Over the World), trong đó tập hợp 35 nhân viên lãnh đạo của các hãng như AT&T (Hội đồng quan hệ quốc tế), Quicksilver, Activision, Facebook, HP, YouTube, Pepsi (Hội đồng quan hệ quốc tế) và Chính phủ Mỹ để thảo luận về cái gọi là "tương lai của ngành công nghiệp tuổi trẻ". Ông này cũng là thành viên điều hành của công ty Gen Next, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên làm nhiệm vụ “gây ảnh hưởng để tạo ra sự thay đổi cho thế hệ mai sau”. Căn cứ vào mối quan hệ xã hội của những người này, thật khó có thể tin được rằng những thay đổi mà họ muốn tạo ra lại không có quan hệ mật thiết với thế hệ trẻ hiện nay đang sử dụng ngày càng nhiều nước giải khát Pepsi-Cola, đua nhau xài vô số hàng hóa “second hand” nhưng cứ tưởng là hàng hiệu và tin vào Chính phủ Mỹ một khi Oa-sinh-tơn đưa ra các “chứng cớ” bôi nhọ hoặc vu cáo các nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là mạng Internet.
Trong khi những thành viên tích cực tham dự hội nghị Movements.org ủng hộ nguyên tắc chủ nghĩa tự do “cánh tả”, thì những người đứng đằng sau cánh gà của hội nghị này hỗ trợ tài chính và vạch kế hoạch cho họ lại chính là các tập đoàn truyền thông đa phương tiện của Mỹ. Đây là những tập đoàn chiếm kỷ lục thế giới về “thành tích” vi phạm quyền con người, tàn phá môi trường và bán các loại hàng hóa giá rẻ được sản xuất ở nước ngoài bởi bàn tay của những công nhân sống trong điều kiện tồi tệ nhất và được trả đồng lương rẻ mạt nhất. Cũng chính những tập đoàn đó theo đuổi các kế hoạch không ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác bằng mọi giá. Điều đáng chú ý là những kế hoạch nhằm các mục đích không lương thiện, ích kỷ và vụ lợi của họ lại được thực hiện dưới những khẩu hiệu mị dân như “bảo vệ lợi ích của người dân”, “tôn trọng quyền dân chủ của người dân”, “vì nhân quyền” được đội quân đánh thuê trẻ tuổi ngây thơ về chính trị thực hiện các kế hoạch đó một cách mù quáng.
Với những gì mà chúng ta đang chứng kiến thì Movements.org là một tổ chức gồm những người được lựa chọn hết sức kỹ càng và được giao nhiệm vụ chuyên nghiên cứu về những "điểm nóng" mà Bộ ngoại giao Mỹ có ý định phát triển. Đó là Xu-đăng, I-ran, A-rập Xê-út, Ai Cập, Đông Âu, Bắc Cáp-ca, Ban Căng, Vê-nê-du-ê-la, thậm chí cả Thái Lan. Thí dụ điển hình là phong trào "Ngày 6 tháng 4" của Ai Cập đã thành công trong việc lật đổ Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc và có thể dẫn đến kết cục là ông Mô-ha-mét En-Ba-ra-đây sẽ lên nắm quyền lực. Đây là cuộc “cách mạng sắc màu” do Bộ ngoại giao Mỹ chỉ đạo với sự hỗ trợ của các công ty truyền thông của Mỹ, trước hết là các mạng xã hội trên Internet. Để hiểu rõ điều này, chỉ cần cập nhật vào trang web của Movements.org và xem nội dung của 3 cuộc hội nghị mà họ tiến hành trong thời gian gần đây, cũng như danh sách các thành viên tham dự các hội nghị đó. Trong đó có đầy đủ khuôn mặt các “anh tài” từ công ty chất xám RAND tới Hội đồng quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ (2,3,4)
Như vậy, thực chất, Movements.org trên mạng Internet và một kiểu “nhà máy sản xuất các cuộc cách mạng nhung” và là công cụ để Oa-sinh-tơn can thiệp thô bạo vào chủ quyền của các nước trên thế giới không đáp ứng lợi ích của Mỹ.
Vì thế, sẽ dễ hiểu vì sao sau khi cuộc “cách mạng hoa nhài” vừa diễn ra thành công ở Tuy-ni-di, tiếp đến là cuộc “cách mạng nhung” đã hoàn tất ở Ai Cập, đồng thời hàng loạt cuộc bạo động chính trị đang diễn ra tại hàng loạt các nước châu Phi và Trung Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ lại quyết định đầu tư tiền của và nhân lực để ủng hộ các cư dân mạng Internet tại nhiều quốc gia trên thế giới mà theo Mỹ là ở đó chính phủ đang hạn chế các công dân sử dụng mạng thông tin toàn cầu này.
Phản ứng trước sự kiện này, tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 17-2-2011, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga tuyên bố rằng, ở Việt Nam, mạng Internet được tạo điều kiện thuận lợi và đang phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng như ở các quốc gia khác, mọi thông tin trên Internet phải tuân thủ các quy định của pháp luật để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia./.
---------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Tô-ni Các-ta-lu-xi (Tony Cartalucci). Mạng Google: “nhà máy sản xuất cách mạng”. http://landdestroyer.blogspot.com/2011/02/googles-revolution-factory.html
Thu Trang, TCCS-Số 4 (220) năm 2011