Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

87. “Sáng kiến năng lượng mới” của Mỹ và những ảnh hưởng đối với Nga

Lê Minh Quang
(Cập nhật: 15/4/2011)
TCCSĐT - Vừa qua, tiếp tục thực hiện chủ trương “thay đổi” (“Change”), Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma đề xuất “sáng kiến năng lượng mới” nhằm cắt giảm đáng kể mức nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ - quốc gia tiêu thụ “vàng đen” lớn nhất thế giới. Dư luận quốc tế ở Mat-xcơ-va và ở Oa-sinh-tơn nhận định sáng kiến này của người đứng đầu Nhà Trắng vừa có lợi, đồng thời cũng bất lợi đối với nền kinh tế Nga vốn xưa nay phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên năng lượng.
Sáng kiến có tầm chiến lược toàn cầu
Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma tuyên bố: "Hôm nay, tôi xác định một mục tiêu mới, có cơ sở, có tính khả thi và là cần thiết. Vào thời điểm tôi được bầu làm Tổng thống thì trong một ngày nước Mỹ nhập khẩu 11 triệu thùng dầu mỏ. Sau 10 năm nữa, chúng ta sẽ cắt giảm một phần ba chỉ tiêu này. Nước Mỹ sẽ thay thế khối lượng nhập khẩu từ bên ngoài bằng chính dầu mỏ tự khai thác trong nước”.
Thực hiện “sáng kiến năng lượng mới” này, Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma đang tích cực ủng hộ các hoạt động thăm dò và khai thác các mỏ dầu mới ở dưới đáy đại dương. Theo ông, các chuyên gia của Mỹ sẽ phải nghiên cứu để hoạch định chiến lược an ninh năng lượng trong tương lai của quốc gia, để nền kinh tế của Mỹ không còn quá phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu nói riêng và dầu mỏ nói chung. Hơn nữa, do tác động của những biến cố gần đây ở Nhật Bản, Mỹ cũng sẽ không muốn quá phụ thuộc vào năng lượng nguyên tử.
Thực hiện “sáng kiến năng lượng mới” của Tổng thống Ba-răc Ô-ba-ma, Mỹ sẽ xây dựng kế hoạch chiến lược quốc gia nhằm giảm một phần ba nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ. Đây là một nỗ lực chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ và sẽ có tác động rất lớn tới thị trường dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu, thậm chí, có thể khiến giá dầu mỏ trên thế giới giảm xuống tới mức 10-20 USD/thùng. Điều đáng chú ý là kế hoạch cắt giảm nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ được thực hiện cùng với quá trình tất cả các nước châu Âu và Trung Quốc sẽ thực hiện chủ trương thay thế dầu mỏ bằng các nguồn năng lượng thay thế khác.
Sở dĩ Mỹ, Trung Quốc và các nước châu Âu có chiến lược hạn chế nhu cầu tiêu thụ và dĩ nhiên là cả yêu cầu nhập khẩu dầu mỏ không chỉ vì trữ lượng dầu mỏ trên thế giới đang cạn kiệt nhanh chóng mà còn do tác động của các sự kiện gần đây ở Bắc Phi và Trung Đông - nơi có các nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Hiện nay, Mỹ là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới với tỷ phần trong tiêu thụ dầu mỏ trên toàn thế giới vào thời điểm năm 2011 là khoảng 22%.
Chính phủ Mỹ hiện đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực các nguồn năng lượng thay thế như địa nhiệt, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và khí thiên nhiên. Theo các chuyên gia kinh tế, tính đến năm 2009, khối lượng dự trữ khí thiên nhiên của Mỹ hằng năm tăng với mức 4,9% và được duy trì liên tục trong 5 năm gần đây, trong khi mức tiêu thụ năng lượng khí đốt trong nước chỉ tăng 0,4% hằng năm. Như vậy, ở Mỹ cung đã vượt cầu về khí đốt. Đây cũng là một nguồn thay thế dầu mỏ.
Một trong những phương pháp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ là chuyển sang các dạng phương tiện vận tải mới sử dụng các nguồn năng lượng mới. Mỹ và nhiều nước đang ưu tiên giải quyết bài toán này. Hiện nay, không chỉ ở Mỹ mà ở Trung Quốc và EU, các chuyên gia đang sôi nổi thảo luận về phương án sử dụng các loại xe ô tô không dùng xăng và đến năm 2050 sẽ hoàn toàn loại bỏ xe ô tô dùng xăng làm nhiên liệu. Trung Quốc là nước ưu tiên nghiên cứu phát triển thế hệ ô tô chạy điện. Tháng 10-2010, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã công bố "Sách Xanh" về khả năng cạnh tranh của Trung Quốc. Trong danh mục các hướng ưu tiên và các hướng chiến lược, có lĩnh vực môi trường sinh thái và tiết kiệm năng lượng, các nguồn năng lượng mới và ô tô không sử dụng xăng. Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này và đã đạt tới 54,4 tỉ USD vào năm 2010.
Vừa có lợi vừa là bất lợi đối với nước Nga
Các nhà kinh tế đã tính toán tác động từ “sáng kiến năng lượng mới” của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma, cũng như từ các nỗ lực của Mỹ, EU và Trung Quốc trong việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ đối với thị trường dầu mỏ thế giới nói chung và đối với nền kinh tế của Nga nói riêng. Theo kết luận của các chuyên gia kinh tế, đối với nước Nga, điều này vừa có mặt lợi và cũng có bất lợi.
Bất lợi vì hiện nay nền kinh tế Nga vốn đang “sống khỏe” với giá dầu 100 USD/thùng. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là hai nguồn nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hàng ngày Mỹ và châu Âu nhập khoảng 19,5 triệu thùng nguyên liệu dầu mỏ, chiếm một nửa tổng khối lượng nhập khẩu trên toàn thế giới. Chỉ cần Mỹ và châu Âu giảm một phần dầu mỏ nhập khẩu sẽ làm giảm giá dầu đến mức thấp nhất, khoảng 10-20 USD/thùng. Lúc đó, khoảng 40% ngân sách của Nga có được từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sẽ bị thâm hụt với mức khổng lồ mà không có cách nào bù đắp.
Có lợi vì “sáng kiến năng lượng mới” của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma cũng như chiến lược của các nước nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng thay thế mới sẽ là cú huých rất mạnh, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Nga diễn ra nhanh hơn. Bởi lâu nay, các chính khách cũng như các cấp quản lý từ trung ương tới địa phương ở Nga thường nói nhiều về chiến lược đổi mới nền kinh tế nước này nhưng xem ra chỉ dừng lại trên lời nói. Nhiều nhà khoa học ở Nga nhận xét, muốn cho nước Nga phát triển nhanh và thoát khỏi vị thế trì trệ của một nền “kinh tế tài nguyên”, cần có một cú huých lớn tương tự như trong thời đại đối đầu Đông - Tây, khi người Nga phải nỗ lực tiến sát nút, thậm chí vượt Mỹ, trong lĩnh vực hạt nhân và vũ trụ./.