Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc nhở
những người làm công tác giáo dục : “Phải có ý thức phát hiện và bồi
dưỡng các em có năng khiếu về toán và các môn khác,.. đừng bỏ sót em
nào, bỏ sót sẽ rất uổng”. Vậy năng khiếu là gì mà có vai trò quan trọng
như thế?
1. Năng khiếu là gì?
Theo từ điển Tâm lý học (Vũ Dũng chủ
biên): năng khiếu là tập hợp những tư chất bẩm sinh, nét đặc trưng và
tính chất đặc thù làm tiền đề bẩm sinh cho năng lực.
Theo “Khơi dậy tiềm năng sáng tạo” (tác
giả Nguyễn Cảnh Toàn) thì năng khiếu là năng lực còn tiềm tàng về một
hoạt động nào đó nhưng chưa bộc lộ ở thành tích cao vì chưa qua tập
dượt, rèn luyện nên còn thiếu hiểu biết và chưa thành thạo trong lĩnh
vực hoạt động đó.
Tâm lý học nhân cách (Nguyễn Ngọc Bích): Năng khiếu là những tiền đề
bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện cho năng lực và tài
năng phát sinh. Nó bao gồm những đặc điểm tâm sinh lý giải phẫu của hệ
thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi
cho việc phát triển một năng lực nào đó.
Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực và
tài năng. Nghĩa là không phải trẻ nào có năng khiếu cũng là thiên tài.
Một em có năng khiếu đối với hoạt động nào đó không nhất thiết sẽ trở
thành tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại.
Điều này cho thấy rằng năng khiếu chỉ là
dấu hiệu đầu của tài năng chứ không phải là tài năng. Cấu trúc của năng
khiếu chỉ mới xuất hiện.một số thành phần cơ bản nhưng chưa ổn định, dễ
thay đổi là dấu hiệu của tài năng.
Trẻ có năng khiếu thường có ý chí, tình cảm đặc biệt với hoạt động đặc biệt nào đó. Vậy làm sao nhận ra trẻ có khiếu?
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ có khiếu
Đã có nhiều công trình nghiên cứu việc
xác định tiêu chí nhận diện ra trẻ có khiếu trên thế giới hiện nay. Sau
đây là một số tiêu chí cơ bản để nhận diện năng khiếu theo tài liệu của
đại học Osnabrücken – Đức:
-
Ngôn ngữ phát triển cao hơn so với trẻ cùng lứa: vốn từ lớn diễn đạt tốt.
-
Đọc nhiều và có khả năng đọc sách không dành cho lứa tuổi. Ví như trẻ
học lớp 1 có thể đọc trôi chảy, viết chính tả tốt ngững từ vựng khó của
sách lớp trên.
-
Luôn muốn tự giải quyết công việc riêng và dễ dàng đạt tới kết quả cao.
-
Không bằng lòng với kết quả và nhịp điệu làm việc, muốn đạt tới sự
hoàn hảo. Để có bản Sonate hoàn hảo thì ngoài ý tưởng ban đầu, Moda còn
chỉnh sửa, gia công bài nhạc rất nhiều lần. Muốn có sản phẩm tốt thì
cách gia công các giai đoạn phát sinh ra sản phẩm là rất quan trọng nhằm
tạo ra một sản phẩm hoàn hảo.
-
Quan tâm tới nhiều vấn đề của người lớn: tôn giáo, kinh tế, chính
trị, lịch sử, giới tính/ không chấp nhận quyền uy, có tinh thần phê
phán. Êdixơn khi học tiểu học luôn hỏi thầy giáo mọi điều, thậm chí
Êdixơn còn nghi ngờ lời giải của thầy, hoài nghi vấn đề qua câu trả lời.
-
Có xu hướng tìm bạn ngang bằng năng lực, thường là hơn tuổi.
-
Tinh thần trách nhiệm cao, không muốn bằng mọi giá để có sự đồng thuận.
Chúng ta tò mò không biết là thần đồng
toán học như Lômônôxôp, Lương Thế Vinh,.. có gì khác so với người
bình thường. Sau đây là một số ví dụ về biểu biện của trẻ có năng khiếu ở
lĩnh vực toán và âm nhạc.
2.1 Biểu hiện về mặt toán học của trẻ có khiếu
-
Có khả năng thay đổi phương thức hành động để giải quyết vấn đề phù hợp với những thay đổi các điều kiện. Ví dụ như giải bài toán ”xếp bốn hình tam giác bằng bốn que diêm.
-
Có khả năng chuyển từ trừu tượng khái quát sang cụ thể cũng như từ cụ thể đến trừu tượng. Ví dụ như: đoán tên bài hát qua việc nghe 7 nốt nhạc, biết công thức tính, cách lập phép toán từ đó vận dụng vào từng bài toán cụ thể.
-
Có khả năng xác lập sự phụ thuộc giữa các sự kiện theo hai hướng xuôi và ngược. Ví dụ như khi lĩnh hội sự phụ thuộc của thương vào hai số chia và số bị chia có thể xác định sự phụ thuộc của các số vào thương. Đó là: 15: 7 =2,5. thương và tử tỉ lệ thuận với nhau,..
-
Thích tìm tòi giải bài toán theo nhiều cách hoặc xem xét một vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn như dặt vấn đề giải bài toán : trên xe khách có cả thảy 45 người, xe dừng giữa đường bỏ 5 người khách xuống, Sau đó xe lại đón thêm hai người nữa, hỏi lúc này xe có bao nhiêu người. Cách giải thông thường là:- Số khách trên xe sau khi bỏ 5 người xuống là: 45 – 5 = 40 (người)- Tổng số khách trên xe là: 40 + 2 = 42 (người) Cách giải khác là: 5 khách xuống hai khách lên thì số người đã thay đổi là: 5 – 2= 3 (người)
Vậy xe chỉ mất 3 khách. Tổng số khách trên xe là: 45 – 3 = 42 (người)
-
Có sự quan sát tinh tế , mau phát hiện ra các dấu hiệu chung và riêng, mau chóng phát hiện ra những chỗ nút làm cho việc giải quyết vấn đề phát triển theo hướng hợp lý hơn, độc đáo hơn. Ví dụ như trẻ có khiếu giải bài toán này như sau: tìm số thích hợp kế tiếp:
-
Có trí tưởng tượng phát triển. Khi học hình học các em có khả năng
hình dung ra các biến đổi hình: Chuyển hai que diêm cái nhà thành chiếc
tivi như sau :
- Có khả năng suy luận có căn cứ, có rõ ràng. Có óc tò mò, không muốn dừng lại ở việc làm theo mẫu có sẵn hay ở những gì thă mắc, hoài nghi. Có ý thức tự kiểm tra việc làm
2.2 Biểu hiện về mặt âm nhạc của trẻ có khiếu
Một nghiên cứu của nhà tâm lý học Liên Xô B.M. Teplov về năng khiếu âm nhạc gồm các thành phần sau:
-
Nhạy cảm điệu thức: biết nhận ra giai điệu, nhạy cảm với nhạc lý,
nhận nốt nhạc rất nhanh,phát hiện sai, đúng của nhạc lý rất mau lẹ
-
Khả năng tái hiện thính giác: tái hiện giai điệu bằng tai, bằng tai trong
-
Nhạy cảm nhịp nhạc: khả năng cảm thụ nhạc theo kiểu vận động,nhận biết tính biểu cảm cao độ của nhịp nhạc và tái hiện nó
3. Làm thế nào để bồi dưỡng trẻ có khiếu
Khi biết trẻ có khiếu thì điều quan
trọng là giáo dục can thiệp vào như thế nào? Theo tâm lý học thì có
những phương pháp tác động nhằm bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ như sau:
Hiện tại một số nhà nghiên cứu phân chia ra 3 loại phương pháp chính để nghiên cứu: khả năng tập trung, trí nhớ và tư duy logic.
-
Phương pháp nghiên cứu khả năng tập trung đơn giản nhất được gọi là mẫu hiệu chỉnh. Người được kiểm tra được trao một tờ giấy mẫu có nhiều chữ cái khác nhau - 40 hàng x 40 chữ cái/hàng. Đứa trẻ cần phải xem kỹ các hàng chữ, gạch dưới những chữ đã có ở các hàng thứ nhất. Với thời gian quy định để làm việc này là 5 phút, mức độ chú ý trung bình đối với học sinh tiểu học là 550 chữ cái, trung học cơ sở là 700 và trung học phổ thông là 850. Còn phải kể đến phương pháp Munsterberg: một đoạn văn bản lẫn lộn các chữ cái có thể có nhiều từ khác nhau. Nhiệm vụ của người được kiểm tra là trong vòng 2 phút tìm và gạch dưới tất cả những từ này.
-
Các “công nghệ” đánh giá trí nhớ cũng có không ít. Một phép thử phổ biến được gọi là “trí nhớ thao tác”. Chuyên gia thử nghiệm sẽ đọc 10 hàng số, mỗi hàng có 5 số. Nhiệm vụ của người trả lời là ghi nhớ 5 số trong hàng vừa được đọc, sau đó trong đầu phải cộng nhẩm số thứ nhất với số thứ hai, số thứ hai với số thứ ba và cứ tiếp tục như vậy. Khoảng cách giữa mỗi lần đọc xong một hàng số là 15 giây. Mức trung bình đối với học sinh tiểu học là 20 số (tất cả có 40 đáp số), trung học cơ sở là 25 số và trung học phổ thông là 30 số. Nếu vượt qua được mức này, có thể nói học sinh đó có năng khiếu về toán.
-
Để đánh giá tư duy logic, người ta thường dùng phương pháp quan hệ về số lượng. Người được kiểm tra sẽ được giao 18 bài tập logic, mỗi bài có 2 tiền đề logic. Dựa vào chúng, cần phải xác định mối quan hệ giữa các chữ cái được gạch. Lấy ví dụ về một bài tập kiểu này: A lớn hơn B 9 lần, B nhỏ hơn C 4 lần. Vậy mối quan hệ giữa A và C là như thế nào?
-
Phương pháp thử nghiệm trên cơ sở bài trắc nghiệm hiện có rất nhiều, và kết luận của chúng thường dựa trên những thang điểm đã được định trước. Ví dụ như Test Raven với bài tập toàn là tranh ảnh được sử dụng phổ biến để đo lường trí tuệ và khả năng linh hoạt mềm dẻo của tư duy của học sinh nhỏ. Ngoài ra còn một số test có thể tham khảo như: trắc nghiệm Wechsler, Stanford-Binet,.. Sai số và tính quy ước của những “phép đo trí tuệ” này tương đối lớn. Việc áp dụng một loạt các phương pháp khác nhau(theo logic hay độ tập trung) ở mức độ này hay khác đều có thể cho ta một khái niệm tương đối chính xác về năng khiếu của trẻ. Điều đó chắc chắn sẽ rất quan trọng đối với tương lai con em chúng ta.
Có thể nói rằng không một ai trong chúng
ta không muốn con em mình có năng khiếu để lớn lên trở thành người tài
giỏi giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt khi trẻ tiểu
học khi mới tham gia vào hoạt động học tập thì việc quan tâm đến năng
khiếu trẻ là điều vô cùng quan trọng.
Một số điều lưu ý khi dạy trẻ có năng khiếu
-
Lưu tâm đến những gì trẻ thể hiện để vạch hướng phát triển đúng đắn.
Đây là điều hết sức cần thiết vì sẽ tránh được các ngộ nhận hoang tưởng
khiến con cái thì quá tải còn cha mẹ lại mệt mỏi và thất vọng.
-
Cha mẹ nên tạo điều kiện, phương tiện tốt nhất có thể cho trẻ học tập
và rèn luyện để trẻ phát triển năng khiếu ngày một tốt hơn.Ví dụ như
cho trẻ tham gia các lớp học ngoại khóa. Các lớp học về thể thao, âm
nhạc, hội họa,.. sẽ giúp trẻ rèn luyện và trau dồi tốt hơn, toàn diện
hơn. Dĩ nhiên không nên áp lực quá đối với trẻ, nào là con cần phải thế
này, thế kia, học theo kiểu “mai này con phải là thiên tài”. Sự thiếu
hiểu biết như vậy chỉ làm thui chột tài năng vốn có của trẻ mà thôi.
-
Nếu biết con mình có khiếu thì phụ huynh nên trao đổi với nhà trường,
giáo viên dạy trực tiếp trẻ. Điều này giúp trẻ dễ hòa nhập môi trường
bạn bè đồng thời trẻ nhanh chóng nhận được cách dạy dỗ hiệu quả nhưng
vẫn gắn với sự phát triển cá biệt của trẻ.
-
Nếu có thể thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ có khiếu chơi với bạn
bè có cùng năng khiếu. Trẻ sẽ dễ thích ứng với môi trường năng khiếu
như nhau, do đó hòa nhập và phấn đấu thi đua thì trẻ sẽ tiến bộ hơn.
Tất nhiên điều này chỉ mang ý nghĩa tương đối. Bởi vì không phải ai cũng
làm được và làm đúng hướng, đúng quy luật phát triển của trẻ.
-
Trẻ sẽ dễ bị hụt hẫng nếu cha mẹ không đáp ứng, thậm chí nản lòng khi
cha mẹ không lưu tâm trả lời câu hỏi của trẻ. Vì vậy cha mẹ cần dành
thời gian nghiêm túc để trả lời trẻ. Cha mẹ nên chú ý khen thưởng,
khuyến khích trẻ chia sẻ từ đó hiểu trẻ hơn và kích thích hứng thú ham
hiểu biết của trẻ.
-
Lắng nghe trẻ trình bày các ý kiến của mình, khuyến khích trẻ phát biểu và giúp xây dựng sự tự tin vào bản thân ở trẻ
-
Chủ động giúp trẻ theo đuổi sở thích. Chẳng hạn một đứa trẻ ham học
toán sẽ hứng thú giải toán và tìm hiểu về các danh nhân toán học.
-
Đừng quá gay gắt nếu trẻ không thỏa mãn được đòi hỏi hay kỳ vọng nào quá từ bạn.
-
Và điều quan trọng cuối cùng là nếu trẻ có năng khiếu về linh vực nào thì giáo dục theo hướng phát triển về lĩnh vực đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Bộ giáo dục và đào tạo, Phương pháp dạy học toán, NXBGD,2001
-
Nguyễn Ngọc Bích,Tâm lý học nhân cách một số vấn đề lý luận, NXBGD,1998
-
Vũ Dũng, Từ điển tâm lý học, NXB KHXH, 2000
-
Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Văn Lê, Châu An, Khơi dậy tiềm năng sáng tạo, NXBGD,2005.
-
www.abc.net.au
-
www.babycenter.com
-
www.edu.net.vn
-
www.tuoitre.vn
Nguồn: http://ceea.ier.edu.vn/nghien-cuu-giao-duc/bai-bao-khoa-hoc/303-th-nao-la-tr-co-nng-khiu