Bài viết của James Manicom, Trường Quan hệ Quốc tế Balsillie, Canada phân
tích các ý đồ, suy nghĩ thực sụ đằng sau quan điểm của các quốc gia về
vấn đề tranh chấp biển, trong trường hợp này là Trung Quốc, Mỹ và Nhật
Bản. Bài viết của tác giả được đăng trên Series đặc biệt của tạp chí
Harvard Asia Quarterly của Trường Đại học Havard với chủ đề: "Tranh chấp
biển- An ninh hàng hải tại Đông Á", (The Disputed Sea – Maritime
Security in East Asia) tháng 12/2010.
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
Ngoài
tranh chấp về biên giới biển, Trung Quốc và Nhật Bản còn tranh chấp về
các dạng hoạt động hàng hải được cho phép tiến hành cũng như hoạt động
khai thác tài nguyên trong các vùng nước đang tranh cãi. Những mâu
thuẫn, xung đột về lợi ích chiến lược của các bên đặt ra những thách
thức cấp bách cho an ninh khu vực
CĂNG THẲNG HÀNG HẢI TRUNG-NHẬT
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
Vốn
là một cường quốc lục địa trong lịch sử, Trung Quốc đang nỗ lực trở
thành một cường quốc biển trong thế kỷ 21. Trong khi thực tế này nói
riêng đã đặt ra một thách thức chiến lược lâu dài cho Mỹ và các đồng
minh của mình, cách thức Trung Quốc theo đuổi kế hoạch bành trướng trên
biển của nước này đặt ra một bài toán trực tiếp và cấp bách hơn cho Mỹ
và trật tự khu vực Đông Á. Nhìn bề ngoài, một số khía cạnh của sự bành
trướng trên biển của Trung Quốc có vẻ như khá ôn hòa. Việc đưa Hải quân
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLAN) đến Vịnh Aden năm 2008 hẳn
nhiên là một sự kiện bước ngoặt chứng tỏ khả năng phô diễn sức mạnh biển
ngoài khu vực của Trung Quốc, nhưng sự kiện này lại nằm trong sự hưởng
ứng một biện pháp đối phó của cộng đồng quốc tế đối với một vấn đề an
ninh xuyên quốc gia. Tương tự như vậy, những nỗ lực phân định thềm lục
địa mở rộng của Trung Quốc trong các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông là
phù hợp với các tiến trình luật quốc tế và điều này có thể sẽ khiến
Trung Quốc phải làm rõ cơ sở cho một số yêu sách của họ.[1]
Tuy
nhiên, những khía cạnh khác của sự bành trướng này có vẻ ít ôn hòa hơn
do cách thức mà Bắc Kinh đã và đang khẳng định những yêu sách biển của
mình bằng cả lời nói và hành động. Trong tháng 1/2010, báo The Economist đã
cho rằng tranh cãi ngoại giao nảy lửa giữa Bắc Kinh và Tokyo báo hiệu
Nhật Bản đang dần mất kiên nhẫn với thái độ không khoan nhượng của Trung
Quốc tại biển Hoa Đông.[2]
Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông và việc áp đặt các
lệnh cấm đánh bắt cá nghiêm ngặt trong các vùng nước tranh chấp dường
như xác nhận những tham vọng không giới hạn của Trung Quốc.[3]
Vì thái độ này tương phản rõ rệt với thái độ hợp tác thông thường trong
các vấn đề tranh chấp biên giới biển kể từ năm 2004, nhiều lý giải về
thay đổi trong ứng xử của Trung Quốc đã được đặt ra. Có thể lập luận
rằng tình trạng suy thoái tại Mỹ đã làm nổi rõ sự đi xuống tương đối của
Mỹ so với Trung Quốc, từ đó có thể khuyến khích Trung Quốc khẳng định
mình một cách mạnh mẽ hơn tại khu vực biển (mà Trung Quốc cho là) của
mình. Theo những người khác, chiều hướng đối ngoại cứng rắn của Trung
Quốc là nhằm đáp ứng làn sóng dân tộc chủ nghĩa trong nước.[4]
Sự bành trướng về hải quân của Trung Quốc do đó có thể được hiểu là một
biểu thị của chiến dịch xây dựng bản sắc quốc gia trong nội bộ nước
này.[5]
Bất
kể lý do là gì chăng nữa, lối hành xử của Trung Quốc đã khơi mào cho
hành động cân bằng từ các quốc gia biển khác tại Đông Á. Các bên yêu
sách tại Biển Đông,
đặc biệt là Việt Nam, đã và đang đáp lại cách hành xử của Trung Quốc
bằng việc đầu tư vào vũ khí quân dụng hạng nặng, ví dụ như tàu ngầm loại
Kilo, và nâng cấp quan hệ an ninh với Mỹ. Nhật
đang chuẩn bị để trở thành một cường quốc biển chủ động hơn nữa bằng
việc thực hành các quyền tài phán của mình tại Thái Bình Dương và khu
vực biển Hoa Đông và đã tìm kiếm đảm bảo an ninh từ Washington. Thái độ
của Mỹ đối với nhiều vấn đề biên giới biển tại Đông Á cũng đang thay
đổi. Có thể xuất phát từ nhu cầu cần phản ứng trước việc Triều Tiên làm
đắm tàu Cheonan vào tháng 3/2010, Washington rõ ràng đang sẵn sàng đóng
một vai trò chủ động hơn trong các vấn đề an ninh khu vực. Ngoài các
cuộc trình diễn quân sự nhằm ủng hộ Hàn Quốc, Mỹ đã có một lập trường
ngoại giao thẳng thắn về các vấn đề an ninh khu vực. Phát biểu tại cuộc
Đối thoại hằng năm Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã phàn
nàn về sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các trao đổi
quân sự. Trong khi đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đưa ra tuyên bố
thẳng thừng rằng Mỹ ủng hộ tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông tại
Diễn đàn Khu vực ASEAN và bộc lộ sự ủng hộ về mặt ngoại giao đối với
việc dàn xếp các tranh chấp chủ quyền thông qua thương lượng.[6]
Các tuyên bố ngoại giao này đã củng cố những nỗ lực cải thiện quan hệ
quốc phòng với Việt Nam và trùng khớp với các kế hoạch tố chức một cuộc
tập trận quân sự tác chiến thủy bộ với Nhật Bản.[7]
Thái
độ ngày càng chủ động của Trung Quốc đối với môi trường biển của mình
và phản ứng của khu vực cho thấy môi trường an ninh tại Đông Á trở nên
xấu đi. Trong khi mạng lưới các yêu sách chồng lấn liên quan đến các
nguồn tài nguyên dưới đáy biển và các vùng đánh bắt cá tại Đông Á đã
được nhiều người biết đến, những diễn biến gần đây cho thấy một thách
thức mới với những hệ lụy quan trọng đến an ninh biển khu vực. Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chia nhiều khu vực biển khác nhau
trong đó các quốc gia có các quyền chủ quyền ở các mức độ khác nhau. Chủ
quyền của một quốc gia là tuyệt đối trong các vùng nội thủy, gần như
tuyệt đối trừ việc cản trở các quyền đi qua không gây hại đối với vùng
lãnh hải, và giới hạn trong các quyền kinh tế đối với Vùng Đặc quyền
Kinh tế (EEZ). Cách diễn dịch của Trung Quốc đối với các quyền hàng hải
được thừa nhận và các chuẩn tắc ứng xử trong các khu vực này mâu thuẫn
với cách diễn dịch của Mỹ cũng như của Nhật Bản, đồng minh chính của Mỹ
tại khu vực. Những khác biệt này càng trầm trọng trong trường hợp Nhật
Bản do những căng thẳng liên quan đến cuộc tranh chấp biên giới biển tại
biển Hoa Đông. Với lối hành xử ngày càng chủ động trên biển của Nhật,
đã có chứng cứ rằng những khác biệt này dẫn đến những cuộc đối đầu trên
biển mà có thể thấy qua cuộc đụng độ giữa một tàu tuần duyên và một
thuyền đánh cá gần quần đảo Sensaku/Điếu Ngư tháng 9/2010. Bài viết này
tìm hiểu nguồn gốc của những thách thức này và tranh luận rằng các cuộc
tranh chấp về việc xác định vị trí và phân loại các vùng nước đang tranh
chấp đặt ra một thách thức có tác động mạnh mẽ đến ổn định khu vực,
khác với các tranh chấp hiện thời về các đường biên giới biển chồng lấn.
CĂNG THẲNG HÀNG HẢI TRUNG-MỸ
Mặc
dù giữa Trung Quốc và Mỹ không có cuộc tranh chấp nào về đường biên
giới biển, giữa hai nước tồn tại hai bất đồng cơ bản liên quan đến các
quy định và chuẩn tắc ứng xử để kiểm soát hành vi tàu thuyền qua lại
trên biển. Bất đồng thứ nhất về tự do hàng hải của các tàu quân sự hoạt
động trong các khu vực nước của các quốc gia ven biển đã làm dấy lên một
số rắc rối giữa hai nước. Tháng 3/2009, tàu hải quân Mỹ Impecable đã
đụng độ với một đội năm tàu Trung Quốc, trong đó có hai tàu đánh cá dân
sự có lưới rà, khi đang lai dắt một lưới định vị âm thanh trên Biển
Đông. Mặc dù cuộc va chạm thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông,
nhất là vì cảnh phim các thủy thủ Trung Quốc cởi quần áo khi bị vòi rồng
của tàu Impeccable bắn trúng, những đụng độ có cùng tính chất như vậy
thực ra đã xảy ra giữa các phương tiện quân sự Mỹ và Trung Quốc từ năm
2001.[8]
Tháng 4/2001, một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ đã va chạm với một máy
bay đánh chặn F-8 của Trung Quốc, làm thiệt mạng phi công Trung Quốc, và
buộc phải hạ cánh trên đảo Hải Nam. Tương tự, lực lượng không quân và
hải quân Trung Quốc đã chặn tàu hải quân Mỹ Bowditch trên biển Hoàng Hải
vào năm 2002 và lần nữa vào tháng 3/2009. Một tháng sau máy bay Trung
Quốc lại tiến sát tàu hải quân Mỹ Victorious. Trong tất cả các trường
hợp, các tàu và máy bay Mỹ đều đang tiến hành các hoạt động thăm dò và
nghiên cứu mà Washington biện hộ là phù hợp với quyền tự do hàng hải
theo luật biển quốc tế. Trung Quốc ngược lại tranh cãi rằng các hoạt
động này của Mỹ, mà thực ra là tất cả các hoạt động khảo sát mà không có
sự cho phép của quốc gia ven biển, đều bị cấm trong các vùng nước của
Trung Quốc.[9]
Mục
đích của cuộc thảo luận này không phải là để xác định hành động của bên
nào là chính đáng theo luật quốc tế mà nhằm vạch ra những suy nghĩ đằng
sau quan điểm của mỗi nước. Thực tế, cả hai bên đều có thể đưa ra những
lý lẽ biện luận cho hành động của mình theo cách hiểu của mỗi bên về
luật quốc tế. Một số cho rằng mặc dù không tham gia UNCLOS, Mỹ chấp nhận
đa phần công ước này như luật thông dụng quốc tế, đặc biệt là về tự do
hàng hải mà Mỹ lâu nay luôn ủng hộ.[10]
Tàu Impeccable bị chặn cách bờ đảo Hải Nam 75 hải lý, như vậy là nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên các học giả luật
quốc tế sẽ nhanh chóng chỉ ra rằng các quốc gia được hưởng quyền tự do
hàng hải qua vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển và do đó
tàu Impeccable đã không làm gì sai. Vùng đặc quyền kinh tế được hiểu tốt
nhất như là một khu vực thỏa hiệp giữa các quyền kinh tế của các quốc
gia ven biển và quyền quá cảnh của các quốc gia sử dụng khác. Nó trao
cho các quốc gia ven biển toàn quyền tài phán trong khai thác tài nguyên
và các hoạt động thương mại khác, trong khi đó vẫn duy trì tự do thông
tin liên lạc và hàng hải cho các quốc gia sử dụng vùng biển đó.[11]
Mặc dù UNCLOS nhập nhằng trong việc phân biệt những loại hoạt động thăm
dò nào có thể chịu sự điều phối của một quốc gia ven biển trong phạm vi
đặc quyền kinh tế của mình, Townshend-Gault và Schofield kết luận rằng
rất khó để nói rằng hoạt động thăm dò của tàu Impeccable có thể được xem
là một sự vi phạm quyền kinh tế của quốc gia ven biển là Trung Quốc.[12] Ít khả năng chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm lợi ích thương mại từ dữ liệu thu thập được qua cuộc thăm dò này.[13]
Ngược
lại, theo quan điểm của Trung Quốc thì Mỹ đang lạm dụng các quyền tự do
hàng hải của mình để tiến hành các hoạt động thu thập tin tức tình báo
gây tổn hại tới an ninh quốc gia Trung Quốc.[14]
Theo Mark Valencia, các lực lượng Mỹ đang thử khả năng phát hiện tàu
thuyền và máy bay nước ngoài của Trung Quốc bằng cách “phá nhiễu” các
trạm ra-đa của Trung Quốc, làm gián đoạn liên lạc giữa tàu thuyền và bờ
biển và tìm cách dò tìm phương thức các tàu ngầm Trung Quốc ra vào căn
cứ.[15]
Do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, các hoạt động này là một dạng vận
động chuẩn bị chiến tranh mà luật trong nước Trung Quốc ngăn cấm.[16]
Theo Ji Guoxing, các dạng hoạt động này trái với Điều 301 của UNCLOS,
trong đó quy định rằng các bên phải tránh đe dọa chủ quyền của nước khác
khi sử dụng các quyền trên biển của mình.[17]
Một vài tác giả Trung Quốc cũng đặt vấn đề rằng một nước không tham gia
Công ước như Mỹ lại tranh cãi về cách diễn dịch các điều khoản về
nghiên cứu và tự do hàng hải trong Công ước.[18]
Vấn
đề này do đó không chỉ đơn thuần là việc hai bên có cách diễn dịch khác
nhau về luật hàng hải quốc tế. Hai cách diễn dịch của hai nước rất trái
ngược và cả hai cách đều được các nước khác trong cộng đồng quốc tế ủng
hộ. Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Scot Marciel, “Trong một số trường
hợp chúng ta không chia sẻ hay thậm chí không thể hiểu cách diễn dịch
của Trung Quốc đối với luật hàng hải quốc tế”.[19]
Một vài học giả Mỹ cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một nỗ lực định
hướng các luật lệ và chuẩn tắc quốc tế nhằm đảm bảo các luật lệ và chuẩn
tắc này không giới hạn tự do hành động của Trung Quốc. Các “chiến binh
pháp lý” của Trung Quốc có mục tiêu là hợp pháp hóa trên cả hai cấp độ
trong nước và quốc tế cách diễn dịch của Trung Quốc về khái niệm chủ
quyền.[20]
Các nước đồng tình với thái độ của Trung Quốc đối với các hoạt động
nghiên cứu quân sự bao gồm Bangladesh, Brazil, Cape Verde, Ấn Độ,
Malaysia, Pakistan và Uruguay. Hành động của Trung Quốc đối với các tàu
và máy bay Mỹ cần được hiểu trong bối cảnh này.
Ngoài
bất đồng về việc tàu thuyền có thể làm gì trong các vùng biển của các
quốc gia ven biển, đã có bằng chứng cho thấy Trung Quốc và Mỹ có cách
diễn dịch khác nhau về vị trí các khu vực biển này. Mặc dù truyền thông
phương Tây không chú ý nhưng Bắc Kinh đã tuyên bố vào tháng 2/2010 rằng
Trung Quốc vừa hoàn thành một dự án lắp đặt 13 công trình kiến trúc đóng
vai trò như những cơ sở điểm trên nhiều bãi đá dọc bờ biển Trung Quốc.[21]
Các điểm cơ sở này lần lượt được dùng để vẽ các đường cơ sở để đo lường
các khu vực hàng hải của Trung Quốc, bao gồm lãnh hải, vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa. Các vùng nước phiá trong gần đất liền của các
đường cơ sở này là nội thủy. 49 căn cứ điểm như vậy được liệt kê trong
Tuyên bố về Lãnh hải của Trung Quốc vào tháng 5/1996.[22]
Nhiều căn cứ điểm này bị chỉ trích bởi các cường quốc láng giềng cũng
như Mỹ với lý do chúng không phù hợp với các tiêu chuẩn của UNCLOS về
điểm cơ sở. Các cơ sở điểm của Trung Quốc quá xa so với bờ biển, hoặc
quá cách xa nhau – nhiều cái cách nhau hơn 100 hải lý – và do đó không
phải là các địa điểm phù hợp dùng làm cơ sở điểm. Nỗ lực xây dựng các
điểm đánh dấu trên 13 trong số các địa điểm này của Trung Quốc là nhằm
xóa bỏ các chỉ trích này.
Theo
Điều 7 của UNCLOS, đoạn thứ 4, “các đường cơ sở thẳng không được kéo
đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó
có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt
nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung
của quốc tế”.[23]
Nhiều cơ sở điểm của Trung Quốc nằm dưới mặt đại dương khi thủy triều
lên, do đó không thể dùng làm căn cứ điểm trừ trường hợp một trong hai
điều kiện kể trên xảy ra. Do tuyên bố đường cơ sở thẳng của Trung Quốc
ít được quốc tế công nhận, các nỗ lực đánh dấu các địa điểm này bằng các
ngọn hải đăng và các công trình khác của Trung Quốc là nhằm củng cố các
lý lẽ của nước này về các điểm cơ sở đã nêu. Điều này có hệ lụy quan
trọng đối với Mỹ trong thời kỳ mà Washington và Bắc Kinh đang tranh cãi
về các chuẩn tắc và luật lệ được thừa nhận xung quanh việc các tàu
thuyền và máy bay có thể làm gì trong các vùng nước tại Đông Á. Ví dụ,
một trong các điểm cơ sở này, Waikejiao, nằm cách bờ biển Trung Quốc
73km.[24]
Theo góc nhìn của Trung Quốc, công trình hải đăng vừa được xây dựng tại
địa điểm này củng cố địa vị điểm cơ sở của đảo này. Khu vực nước phía
tây của đảo này do đó, theo quan điểm của Trung Quốc, là khu vực nội
thủy của quốc gia mà Trung Quốc có chủ quyền tuyệt đối. Ngược lại, từ
góc nhìn của Mỹ thì Waikejiao cũng như 7 đảo/bãi đá khác được Trung Quốc
sử dụng làm điểm cơ sở không đạt tiêu chuẩn UNCLOS.[25]
Vì vậy, các khu vực nước phía tây các thực thể này được Washington xem
như là một dạng kết hợp giữa lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của
Trung Quốc, trong đó các tàu thuyền ít nhất cũng có quyền qua lại không
gây hại.
Sự
tranh cãi này có những hệ lụy về mặt tác chiến đối với quân đội Mỹ.
Trong khi Washington vẫn không công nhận các yêu sách đường cơ sở thẳng
của Trung Quốc, để thể hiện lập trường nhất quán các tàu thuyền và máy
bay Mỹ có thể sẽ phớt lờ các yêu sách đường cơ sở tham vọng của Bắc Kinh
và tiến hành các hoạt động nghiên cứu và giám sát trong các khu vực
này. Điều này phù hợp với luận điểm của Mỹ rằng các hoạt động nghiên cứu
và giám sát là được cho phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung
Quốc, đồng thời thể hiện sự kiên định của Mỹ trong việc phủ nhận các
điểm cơ sở mà Trung Quốc vạch ra. Kiên định với yêu sách của mình, Trung
Quốc lại coi khu vực nằm trong các điểm cơ sở đã tuyên bố là nội thủy,
và do đó cho rằng sự hiện diện của tàu quân sự Mỹ trong khu vực này là
sự vi phạm chủ quyền Trung Quốc và là một sự xâm lược đối với nước Trung
Quốc. Phản ứng gay gắt của Trung Quốc trong vụ Impeccable và cuộc va
chạm EP3 cho thấy phản kháng của Trung Quốc đối với hoạt động của các
lực lượng Mỹ trong các khu vực nội thủy mà Trung Quốc đã khẳng định sẽ
rất gay gắt. Hai bất đồng về chuẩn tắc ứng xử trên biển này do đó đặt ra
một thách thức rất nghiêm trọng cho an ninh Đông Á. Ngoài bất đồng về
việc tàu thuyền Mỹ có thể làm gì trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung
Quốc, hai bên còn bất đồng về chính việc định vị các vùng nước mà trong
đó các mức độ chủ quyền khác nhau được áp dụng.
Cũng
đã có một số chứng cứ nổi lên cho thấy rằng Trung Quốc đang tìm cách
xác định lại địa điểm và các điều kiện cho phép các lực lượng Mỹ được
triển khai ở Đông Á. Ví dụ, đáp lại vụ đắm tàu Cheonan, Mỹ đã tổ chức
một loạt các cuộc tập trận trong khu vực biển gần Triều Tiên như một sự
phô diễn lực lượng. Trung Quốc đã nhân cơ hội này khẳng định lại điều mà
họ cho là hành vi hợp pháp đối với các lực lượng hải quân hoạt động
trong các vùng biển khu vực bằng cách nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận
này không được diễn ra trong vùng biển Hoàng Hải.[26]
Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, tướng Mã Hiểu Thiên đã
cảnh báo Washington không được điều tàu sân bay George Washington, vốn
neo đậu tại Yokosuka, Nhật Bản, đến biển Hoàng Hải trong màn trình diễn
lực lượng với Hàn Quốc.[27]
Mục đích chính không phải là nỗ lực làm dịu sự công kích đối với Bình
Nhưỡng mà đây là một cố gắng của Bắc Kinh nhằm hạn chế Mỹ tiếp cận Hoàng
Hải. Rắc rối là ở chỗ điều này đi ngược lại chính sách của Trung Quốc
trước đó. Tàu George Washington từng được điều đến Hoàng Hải vào tháng
11/2009 và không gặp phải bất kỳ sự phản đối nào từ Trung Quốc. Như
Ralph Cossa tranh luận, sự phản đối của Trung Quốc đối với việc triển
khai tàu sân bay này càng khiến cho việc triển khai nó trở nên cần thiết
để bảo vệ các quyền tự do hàng hải.[28]
Tóm
lại, ngày càng rõ rằng Trung Quốc đang theo đuổi một cách diễn dịch hạn
chế về cái và nơi mà Trung Quốc chấp nhận quyền hoạt động của các lực
lượng Mỹ. Tại cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung năm 2010, Ủy
viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã nói với các viên chức Mỹ
rằng Trung Quốc xem Biển Đông là một “lợi ích cốt lõi của quốc gia”.[29]
Điều này sau đó chưa từng được lập lại bởi một viên chức nào của Trung
Quốc, nhưng tuyên bố này đã được hiểu là nhằm ý đồ thể hiện Bắc Kinh coi
Biển Đông ngang hàng với Tây Tạng, Đài Loan và Tân Cương là các vấn đề
nội bộ mà sự can thiệp của Mỹ không được hoan nghênh. Tương tự, Người
phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Cảnh Nhạn Sinh đã tuyên bố
Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với Biển Đông, nhưng
sẽ cho phép tự do hàng hải trong các khu vực này.[30]
Không rõ điều này có nghĩa là gì. Một quốc gia không thể tuyên bố chủ
quyền đối với một đại dương mà chỉ có thể tuyên bố chủ quyền đối với các
đảo trong khu vực biển đó. Nếu điều này là đúng và nếu Trung Quốc thực
sự làm vậy, như Đại tá Cảnh Nhạn Sinh xác nhận, hồ sơ hành xử của Trung
Quốc đối với việc thực hiện các quyền tự do này trước đây vẫn gây nhiều
băn khoăn. Sự không nhất quán của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho quân
đội Mỹ trong việc dự đoán những tương tác sắp tới với Trung Quốc và có
thể dẫn đến những tính toán sai trong tương lai.
James Manicom, Trường Quan hệ Quốc tế Balsillie, Canada
Người dịch: Lê Thùy Trang
Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy
Bản gốc tiếng Anh “Beyond Boundary Disputes: Understanding the Nature of China’s Challenge to Maritime East Asia”. Bài viết được in trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề "The Disputed Sea - Maritime Security in East Asia" tháng 12/2010.
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
[1] Robert Beckman, “South China Sea: Worsening Dispute or Growing Clarity in Claims?” RSIS Commentaries 90, ngày 16/8/2010.
[2] “Choppy Waters: East and South, China Makes a Splash,” The Economist, ngày 21/1/ 2010.
[3] Michael Richardson, “Changing Tides to Watch in the South China Sea,” The Straits Times, ngày 14/6/2010.
[4] Ian Buruma, “What is Driving China’s Recent Thuggish Approach to Foreign Relations?” The Guardian, ngày 7/11/2010.
[5] Robert Ross, “China’s Naval Nationalism: Sources, Prospects, and the U.S. Response,” International Security 34 (Fall 2009): 46-81.
[6] Geoff Dyer, “Power Play in the South China Sea,” Financial Times, ngày 9/8/2010.
[7] Carlyle A. Thayer, “Vietnam’s Defensive Diplomacy,” Wall Street Journal, ngày 19/8/2010.
[8] John M. Van Dyke, “Military Ships and Planes Operating in the Exclusive Economic Zone of Another Country,” Marine Policy 28 (2004): 29-39.
[9] Cheng Xizhong, “A Chinese Perspective on Operational Modalities,” Marine Policy 28 (2004): 25-27.
[10] James Kraska, “The Legal War Behind the Impeccable Incident,” World Politics Review, ngày 16/3/2009.
[11] R. R. Churchill và A. V. Lowe, The Law of the Sea, tái bản lần thứ 3. (Manchester: Manchester University Press, 1999), chương 9 và 13.
[12]
Ian Townsend-Gault và Clive Schofield, “Hardly Impeccable Behaviour:
Confrontations between Foreign Ships and Coastal States in the EEZ,” International Zeitschrift 5 (tháng 4/2009), truy cập ngày 9/9/2009, http://www.zeitschrift.co.uk/indexv5n1.html
[13] Sam Bateman, “Hydrographic Surveying in the EEZ: Differences and Overlaps with Marine Scientific Research,” Marine Policy 29 (2005): 163-74.
[14] Zhang Haiwen, “The Conflict between Jurisdiction of Coastal States on MSR in EEZ and Military Survey,” trong Recent Developments in the Law of the Sea and China, eds., Myron H. Nordquist, John Norton Moore và Kuen-chen Fu, (Leiden: Martinus Nijhoff Publishers, 2006): 317-331.
[15] Mark J. Valencia, “The South China Sea Brouhaha: Separating Substance from Atmospherics,” Policy Forum 10-044,
August 10, 2010, accessed August 11, 2010,
http://www.nautilus.org/publications/essays/napsnet/policy-forums-online/security2009-2010/the-south-china-sea-brouhaha-separatingsubstance-from-atmospherics
[16] Ren Xiaofeng and Cheng Xizhong, “A Chinese Perspective,” Marine Policy 29 (2005): 139-46.
[17] Ji Guoxing, “The Legality of the “Impeccable Incident”,” China Security 5 (2009): 18.
[18]
Zhang Haiwen, “Is It Safeguarding the Freedom of Navigation or Maritime
Hegemony of the United States?—Comments on Raul (Pete) Pedrozo’s
Article on Military Activities in the EEZ,” Chinese Journal of International Law 9 (2010): 31-47.
[19] Scot Marciel, Điều trần tại Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Maritime Issues and Sovereignty Disputes in East Asia, ngày 15/7/2009.
[20]
Peter Dutton, “China’s Views of Sovereignty and Methods of Access
Control,” Điều trần trước Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung,
ngày 27/2/2008.
[21] Peh Shing Huei, “Beijing Lays Markers for East China Sea,” The Straits Times, ngày 9/2/2010.
[22]
Declaration of the Government of the People’s Republic of China on the
baselines of the territorial sea, ngày 15/5/1996,
http://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/CHN_1996_Declaration.pdf.
[23] Công ước LHQ về Luật biển, Phần II, Điều 7, đoạn thứ 4.
[24] Will Clem, “Engineers Finish Marking Of Sea Borders,” South China Morning Post, ngày 10/2/2010.
[25] US Department of State, “Straight Baseline Claim: China,” Limits in the Seas, No. 117 (Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs), 1996: 6.
[26] “Strategic Jousting between China and America,” The Economist, ngày 29/7/2010.
[27] Michael Richardson, “Steering a Fine Line in the Yellow Sea,” Straits Times, ngày 23/8/2010.
[28] Ralph Cossa, “Not China’s Coastal Waters,” Japan Times, ngày 1/9/2010.
[29] Edward Wong, “Chinese Military Seeks to Extend its Naval Power”, New York Times, ngày 23/4/2010.
[30] Cheng Guangjin and Wu Jiao, “Sovereign Waters are not in Question,” China Daily, ngày 21/7/2010.
PHAN II
Trung
Quốc và Nhật Bản cũng đối đầu với những thách thức tương tự, nhưng thêm
phần phức tạp hơn bởi cả hai đều tuyên bố quyền pháp lý đối với các
vùng biển mà tàu thuyền hai nước đang hoạt động. Trung Quốc và Nhật Bản
đã bị kéo vào cuộc tranh chấp về biên giới biển trên biển Hoa Đông từ
năm 1969 khi một nghiên cứu địa chất của Liên Hiệp Quốc tìm thấy bằng
chứng về một mỏ hydrocarbon dưới đáy biển. Ngoài các yêu sách tranh
giành chủ quyền quần đảo Sensaku/Điếu Ngư, Trung Quốc còn tuyên bố chủ
quyền thềm lục địa của mình đến tận Vùng lõm Okinawa, trong khi Nhật đòi
một vùng đặc quyền kinh tế tới đường trung tuyến chia đôi biển Hoa
Đông. Hai bên bất đồng về cách thức phân chia biên giới biển: Nhật chọn
cách chia đều, trong khi Trung Quốc muốn phương pháp kéo dài tự nhiên.[1]
Đường biên giới chưa được xác định này là trung tâm của những căng
thẳng thường kỳ về khai thác tài nguyên, hoạt động khảo sát biển, và các
hoạt động quân sự trong vùng biển phân cách hai cường quốc. Sau một
thời kỳ đối đầu giữa năm 2004 và 2006, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến
đến được một thoả thuận tạm thời về khai thác tài nguyên dọc theo đường
biên giới tranh chấp tại biển Hoa Đông vào tháng 6/2008. Nhật giành được
quyền tiếp cận mỏ ga Chunxiao do Trung Quốc quản lý nhưng lại gần đường
trung tuyến mà Nhật yêu sách. Thêm vào đó, hai bên đã vạch ra một khu
vực phát triển chung, trong đó các tài nguyên sẽ được cùng khai thác dựa
theo một hiệp định sẽ được thương lượng.[2]
Các
yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn trên biển Hoa Đông mở ra một
lĩnh vực tranh chấp thứ hai giữa Trung Quốc và Nhật, đó là xác định
không gian biển tranh chấp và những gì một quốc gia được quyền làm trong
không gian đó. Đầu tháng 4/2010, một đội tàu hải quân Trung Quốc gồm
hai tàu ngầm Kilo và 8 tàu nổi tiến hành các cuộc tập luyện quân sự ở
phía Đông Nam đảo Miyako và sau đó di chuyển qua Okinawa đến đảo nhỏ
Okinotorishima trong Thái Bình Dương. Nhật đã phái hai tàu khu trục của
Lực lượng Phòng vệ Hàng Hải (MSDF) để theo dõi đội tàu này. Hai lần
trong cuộc hành trình dài hơn hai tuần này, các phi cơ Trung Quốc tiến
sát đến trong vòng 90m quanh các tàu Nhật.[3]
Các nguồn thông tin từ Trung Quốc khăng khăng rằng các cuộc tập luyện
quân sự diễn ra ngoài biển khơi trong khi giới truyền thông Nhật Bản cho
rằng các cuộc tập luyện này là bằng chứng xa hơn nữa cho thấy tham vọng
mở rộng hoạt động ra ngoài chuỗi đảo đầu tiên của Trung Quốc.[4]
Tokyo công nhận rằng bản thân các cuộc diễn tập này diễn ra ngoài biển
khơi và được cho phép theo luật pháp quốc tế, nhưng than phiền với Trung
Quốc rằng hai lần tiếp cận của các phi cơ Trung Quốc là nguy hiểm. Bất
chấp tính hợp pháp của hoạt động của Trung Quốc, các tàu quân sự Trung
Quốc có thành tích thường khiêu khích sự nhạy cảm của Nhật. Các tàu hải
quân Trung Quốc hiếm khi hoạt động trong các vùng biển gần Nhật Bản,
nhưng đây là chiến dịch lớn nhất được biết đến cho tới lúc đó và theo
một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Nhật, cũng là hoạt động lần thứ ba kể từ
tháng 11/2008.[5]
Các tàu hải quân Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên trong vùng nước của
Nhật Bản vào năm 1999 và 2000 và dường như khẳng định nghi ngờ của một
số nhà chiến lược Nhật Bản rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sự hiện
diện quân sự của mình ra ngoài phạm vi các đảo của Nhật Bản.[6]
Việc
hải quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập luyện gần Okinotorishima
cũng rất quan trọng. Trung Quốc phản đối yêu sách của Nhật rằng các đảo
nhỏ này được phép có một vùng đặc quyền kinh tế. Nhật tuyên bố rằng các
khối đá nằm dưới mặt nước khi thủy triều lên này là các hòn đảo và do đó
tạo ra một vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.[7]
Trung Quốc bác bỏ điều này, tuyên bố rằng chúng là các khối đá và do đó
không được phép có gì khác ngoài một vùng lãnh hải. Trung Quốc tiến
hành các hoạt động hải quân và nghiên cứu biển trong các khu vực biển
này như một phần nỗ lực không thừa nhận yêu sách của Nhật Bản. Hơn nữa,
các đảo nhỏ này nằm dọc theo làn biển chiến lược nằm giữa Guam và Đài
Loan. Một học giả quân sự Trung Quốc, Li Xiaoning, đã thẳng thừng nói về
mục đích của các cuộc tập luyện tháng 4/2010:
Nếu
chiến tranh nổ ra trên Eo biển Đài Loan, các lực lượng bên ngoài sẽ
phải đi qua khu vực này để đến để hỗ trợ. Bằng cách tiến hành các diễn
tập tiếp viện tại đây, có thể kiểm tra thử xem liệu việc tiếp tế nhanh
chóng quân trang quân dụng và các mặt hàng chủ lực trong điều kiện sóng
to gió lớn có thể thực hiện được trong trường hợp chiến tranh hay không.[8]
Sự
ám chỉ úp mở đến các lực lượng Mỹ đến hỗ trợ Đài Loan cho thấy giá trị
chiến lược mà Bắc Kinh gán cho vùng biển Thái Bình Dương về phía Đông
Nam của lục địa Nhật Bản. Ngoài việc củng cố nhận thức về mối đe dọa
Trung Quốc của Nhật, điều này làm tăng nhận thức trong giới phân tích
quốc phòng Nhật rằng cách nhìn nhận của Trung Quốc đối với các hoạt động
quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế là hai mặt.[9]
Bắc Kinh phản đối các hoạt động khảo sát quân sự của Mỹ trong các khu
vực nước của Trung Quốc, trong khi đó lại thoải mái tiến hành các thao
tác tương tự vả các đợt tập dượt quân sự gần Okinotorishima. Như vậy
Trung Quốc ủng hộ các quyền tự do hàng hải ngoài khơi cho các tàu quân
sự trong các vùng tuyên bố đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác,
nhưng lại hạn chế các quyền tự do tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế
của chính Trung Quốc.
Quan
ngại của Nhật đối với các hoạt động hàng hải của Trung Quốc đã có từ
năm 1999-2000, khi các tàu nghiên cứu và hải quân Trung Quốc bắt đầu
hoạt động trong các vùng biển gần Nhật Bản và trong một vài trường hợp
phía Nhật còn quan sát thấy các tàu này tiến hành thu thập thông tin
tình báo điện tử trong khi đi qua Vịnh Tsugaru.[10]
Việc Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận thông báo cho phiá Nhật về
các hoạt động nghiên cứu hàng hải của mình càng làm tăng thêm những nghi
ngờ từ Nhật. Mặt khác, các tàu quân sự Trung Quốc hoạt động trên biển
Hoa Đông, bao gồm các vùng gần khu vực tranh cãi là quần đảo
Sensaky/Điếu Ngư, lại tranh luận rằng các tàu này đang trong vùng biển
của Trung Quốc và có quyền làm như vậy. Ví dụ, hai tàu khu trục Trung
Quốc được phát hiện trong vùng biển Nhật Bản tháng 12/2008 tuyên bố rằng
đang làm công tác tuần tra khi gặp phải các tàu Tuần duyên Nhật Bản
(JCG).[11]
Nhật Bản do đó đang ngày càng có cảm giác rằng Trung Quốc đang cố thực
hiện quyền tài phán trên thực tế đối với các vùng biển mà Nhật có yêu
sách.
Trong
khi các chính phủ Nhật liên tiếp bị chỉ trích vì thực thi kém cỏi các
quyền tài phán biển trong quá khứ, có bằng chứng cho thấy Tokyo đang có
thái độ ngày càng cứng rắn hơn.[12]
Đáp lại áp lực trong nước thúc ép khoan tìm dầu lửa trong biển Hoa
Đông, JCG đã khảo sát khu vực bên phía Nhật Bản của đường trung tuyến
biển Hoa Đông vào năm 2004 và 2005. Các tàu JCG đã nhiều lần bị theo dõi
và quấy rối bởi Hải quân Trung Quốc.[13]
Năm 2007, Nhật thông qua Luật Biển Cơ bản với sự ủng hộ rộng rãi của cả
hai đảng, tạo cơ sở cho Nhật có thái độ chủ động hơn đối với không gian
biển của mình. Bộ luật này bao gồm các điều khoản cho phép JCG và MSDF
bảo vệ các dàn khoan trên biển của Nhật nếu các công trình này bị tấn
công.[14]
Thái độ cứng rắn này có thể mở đường cho nhiều hoạt động thường xuyên
hơn của Nhật trong các vùng nước tranh chấp và dẫn đến phản ứng gay gắt
nếu giới cầm quyền Trung Quốc thách thức các tàu Nhật hay nếu các tàu
Nhật đối đầu với tàu Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.[15]
Dự báo này được minh chứng qua các tương tác trên biển giữa Trung Quốc
và Nhật Bản năm 2010. Ngày 3/5/2010, tàu thăm dò JCG tên Shoyo đã bị
chặn và truy kích bởi một tàu thăm dò Trung Quốc khi đang hoạt động gần
Amami Oshima, 40km về phía đông của đường trung tuyến mà Nhật tuyên bố
trên biển Hoa Đông. Tàu Haijian 51 (tàu Giám sát biển 51), một trong
những tàu hiện đại nhất trong Hạm đội Giám sát Hàng hải Trung Quốc, đã
theo dõi tàu Shoyo trong bốn tiếng đồng hồ và thông báo rằng tàu của JCG
đang ở trong vùng nước của Trung Quốc.[16]
Mặc dù Bộ trưởng Ngoại giao Okada Katsuya đã kháng nghị với Đại sứ quán
Trung Quốc tại Tokyo, giới truyền thông bảo thủ tại Nhật vẫn chỉ trích
thực tế rằng tàu Nhật đã từ bỏ một cuộc khảo sát trong vùng nước mà Nhật
đã tuyên bố chủ quyền do sức ép từ phía Trung Quốc.[17]
Trái lại, đầu tháng 9, trong lúc cao điểm cuộc đụng độ giữa một tàu bảo
vệ bờ biển Nhật và một tàu đánh cá bằng lưới rà của Trung Quốc, một tàu
thăm dò JCG lại bị tàu Haijian 51 tiếp cận và yêu cầu ngừng các hoạt
động đang tiến hành. Lần này tàu JCG vẫn ở nguyên chỗ cũ thêm hai tiếng
và hoàn tất công việc của mình.[18]
Những
căng thẳng về hoạt động hàng hải tiếp tục làm xói mòn hợp tác khai thác
tài nguyên giữa hai nước. Một loạt các cuộc viếng thăm cấp cao diễn ra
vào tháng 5 và 6/2010 dường như đã tạo đà thúc đẩy cho việc khôi phục
các cuộc thảo luận về việc thực thi sự đồng thuận năm 2008 giữa hai nước
về khai thác tài nguyên. Thủ tướng Nhật lúc đó là Hatoyama Yukio đã
tham dự Triển lãm Thượng Hải và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thăm
Nhật trong ba ngày vào cuối tháng 5. Các cuộc thảo luận cấp vụ trưởng
được tổ chức ngày 27/6 tại Tokyo đã tập trung vào việc soạn ra hiệp định
mà đã gợi ý từ sự đồng thuận trước đó; các cuộc họp đầu tiên như vậy kể
từ khi đồng thuận giữa hai bên được công bố vào tháng 6/2008. Tuy
nhiên, Bắc Kinh đã hủy bỏ các cuộc đàm phán sau đó nhằm phản ứng lại
cuộc va chạm gần quần đảo Sensaku/Điếu Ngư giữa một tàu đánh cá Trung
Quốc và một tàu JCG vào tháng 9 dẫn đến việc bắt giữ thuyền trưởng người
Trung Quốc.[19]
Lãnh đạo Bắc Kinh đã viếng thăm Tokyo nhằm đàm phán một hiệp định về
“các biện pháp hàng hải” bao gồm trao đổi các tần số, các cuộc gặp gỡ
hàng năm, và việc thành lập một đường dây nóng giữa các cơ quan của quân
đội hai bên.[20]
Cam kết này là một bước tích cực và quan trọng là đã được tái xác nhận
bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Toshima Kitazawa và người đồng cấp Trung
Quốc Lương Quang Liệt tại Hà Nội ngày 11/10, bất chấp hậu quả chính trị
của cuộc va chạm trước đó.[21]
Gần nhất là vào tháng 11/2009, Trung Quốc và Nhật Bản đang lên kế hoạch
tiến hành một cuộc tập luyện tìm kiếm và cứu hộ chung nhưng động lực
của kế hoạch này rõ ràng đã tan biến bởi các sự kiện liệt kê ở trên.[22]
Bất chấp những bước tiến hợp tác sơ khởi này, không có bằng chứng nào
cho thấy một trong hai bên đã thay đổi mục tiêu đối với biển Hoa Đông.
Quan trọng là, ngoài tranh chấp về biên giới biển, hai nước còn tranh
chấp về các dạng hoạt động hàng hải được cho phép tiến hành trong các
vùng nước đang tranh cãi.
HỆ LỤY ĐỐI VỚI SỰ ỔN ĐỊNH KHU VỰC
Bài
viết này minh họa cho hai bất đồng cơ bản giữa một bên là Mỹ và Nhật và
một bên là Trung Quốc. Các bất đồng này là về những gì mà các tàu của
các quốc gia có thể tiến hành trong các vùng Biển Đông Á và nơi mà các
tàu này có thể làm những việc đó. Rắc rối là các bất đồng này đánh vào
cốt lõi của chiến lược hàng hải của mỗi nước. Mỹ luôn bảo vệ tự do trên
biển và có lợi ích chiến lược thiết thân trong việc đảm bảo các quyền tự
do này tại Đông Á. Việc Trung Quốc xây dựng các công trình đánh dấu
điểm cơ sở của mình đồng nghĩa với việc tàu thuyền Mỹ sẽ phải hoạt động
một cách thận trọng hơn. Với sự tồn tại của các công trình đánh dấu này,
không nghi ngờ gì là việc các tàu Mỹ bị phát hiện trong các vùng đã
đánh dấu sẽ bị coi là cố ý và sẽ khơi nguồn một sự đáp trả hung hăng từ
phía Trung Quốc. Nếu một tàu Mỹ bị phát hiện đang tiến hành các hoạt
động tương tự như tàu hải quân Mỹ Impeccable trong khu vực đó, hệ lụy sẽ
rất khốc liệt. Trong cách nhìn của Mỹ, đây là một hoạt động hoàn toàn
hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và phù hợp với các
chuẩn tắc về tự do hàng hải. Trong cách nhìn của Trung Quốc, những hoạt
động diễn ra trong các đường cơ sở thẳng của Trung Quốc như vậy là giống
như tiến hành các hoạt động tình báo trên lãnh thổ Trung Quốc bởi vì
các quốc gia có chủ quyền không thể xâm phạm đối với các vùng nội thủy.
Vì nhiều lý do thiết thực Hải quân Mỹ có thể tránh hoạt động một cách
khiêu khích như vậy. Tuy nhiên, Mỹ cũng phải tránh tỏ ra công nhận các
yêu sách điểm cơ sở quá đáng của Trung Quốc và thái độ gây khó dễ của
nước này đối với tự do hàng hải nếu muốn tiếp tục duy trì bá quyền hàng
hải của Mỹ tại Đông Á.
Bất
đồng về phạm vi và mức độ sử dụng quyền tài phán biển cũng ảnh hưởng
đến quan hệ Trung-Nhật. Theo quan điểm của Nhật, các hoạt động hàng hải
của Trung Quốc, bất kể là diễn tập quân sự, nghiên cứu biển, hay thực
thi đặc quyền kinh tế, đều diễn ra trong các khu vực biển mà quyền tài
phán của Trung Quốc còn gây tranh cãi hoặc nơi mà các hoạt động này
không phù hợp với luật quốc tế. Dường như Nhật đang chuẩn bị có thái độ
chủ động hơn đối với không gian hàng hải của mình. Lúc còn là phe đối
lập, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) thường cứng rắn hơn đối với các hoạt
động hàng hải của Trung Quốc hơn là Đảng Dân chủ Tự do. Thực sự, DPJ đã
đệ trình dự thảo đầu tiên về một pháp chế sau này trở thành một phần
Luật Biển Cơ bản và thường xuyên kêu gọi Tokyo có thái độ chủ động hơn.
Trong khi có các báo cáo rằng Nhật đang chuẩn bị tìm kiếm các kim loại
quý của trái đất dưới đáy đại dương, rõ ràng việc khẳng định và thực
hiện quyền tài phán hàng hải của Nhật vẫn là một ưu tiên của chính phủ
DPJ, bất chấp lời hứa khi tranh cử của Đảng này là sẽ tìm cách cải thiện
quan hệ với Bắc Kinh. Đối với Nhật Bản, khẳng định quyền tài phán biển
là vấn đề sống còn nếu Nhật có ý định chống lại sự bành trướng trên biển
của Trung Quốc; tương tự như vậy, đối với Trung Quốc, việc khẳng định
các quy tắc quốc tế theo cách hiểu của Trung Quốc là thiết yếu đối với
sự thành công của chiến lược biển của nước này. Trong bất kỳ tình huống
nào, cả hai trường hợp cho thấy một vấn đề đang nổi lên tại khu vực Đông
Á hải đảo mà rất khác với những tranh chấp biên giới biển tại khu vực,
đặt ra một thách thức cấp bách hơn cho an ninh khu vực.
James Manicom, Trường Quan hệ Quốc tế Balsillie, Canada
Người dịch: Lê Thùy Trang
Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy
Bản gốc tiếng Anh “Beyond Boundary Disputes: Understanding the Nature of China’s Challenge to Maritime East Asia”. Bài viết được in trong Series đặc biệt của tạp chí Harvard Asia Quarterly với chủ đề "The Disputed Sea - Maritime Security in East Asia" tháng 12/2010.
Bản quyền tiếng Việt thuộc NCBĐ
[1]Để
biết thêm các lý lẽ biện hộ cho quan điểm của Trung Quốc xem Zhu
Kenglan, “The Delimitation of East China Sea Continental Shelf:
Sino-Japanese Disputes from the Perspective of International Law,” China International Studies (Fall
2006). Để biết thêm lý lẽ biện hộ cho quan điểm của Nhật xem Masahiro
Miyoshi, “Some Thoughts on Maritime Boundary Delimitation,” in Maritime Boundary Disputes, Settlement Processes and the Law of the Sea, eds. Seoung-Yong Hong và John M. Van Dyke, (Leiden: Martinus Nijhoff, 2009):107-118.
[2] James Manicom, “Sino-Japanese Cooperation in the East China Sea: Limitations and Prospects,” Contemporary Southeast Asia 30 (2008): 455-78.
[3] “Chinese Navy Helicopter Circles MSDF Ship Again,” Mainichi Shimbun, ngày 23/4/2010.
[4] Lần lượt xem Luo Zheng, “Regular Training on the High Seas Organized by the Chinese Navy Poses No Threat to Other Countries,” Jiefangjun Bao, ngày 26/4/2010 và “Japan says Chinese submarines, ships seen near Okinawa,” Taipei Times, ngày 14/4/2010.
[5] “Okada Warns China on gas-drilling Pact,” Kyodo News, ngày 18/1/2010.
[6] Shigeo Hiramatsu, “China’s Naval Advance: Objectives and Capabilities,” Japan Review of International Affairs 8 (1994): 118-32.
[7] Xem UNCLOS, Phần VIII, Điều 121.
[8] Jia Lei, “Expert: Submarines Floating on Surface is Expression of Peace,” Ta Kung Pao, ngày 3/5/2010.
[9] Fumio Ota, “How Should Japan Respond to Chinese Maritime Expansion?” Japanese Dynamism 26 (2005); Japan Ministry of Defense, Defense of Japan 2009 (Tokyo: Ministry of Defense 2009): 55-57.
[10] Kiriko Nishiyama, “Japanese Destroyer Tracks ‘Suspected’ Chinese Spy Ship Passing through Tsugaru-Kaikyo Strait,” Agence France Presse, ngày 25/5/2000.
[11] “China: Ships near Disputed Islands were On Patrol,” Associated Press, ngày 9/12/2008.
[12] Xem Kensuke Nakazawa, “Govt Slow to Wake up to Potential of EEZ,” Yomiuri Shimbun, ngày 27/8/2004.
[13] “China Interferes with Survey of Natural Resource in East China Sea; Transmits Sound Waves and Makes Abnormal Approach,” Sankei Shimbun, ngày 28/3/2005.
[14] Xem “Diet Passes Bills to Protect Japan EEZ,” Asahi Shimbun, ngày 21/4/2007.
[15] James Manicom, “Japan’s Ocean Policy: Still the Reactive State?” Pacific Affairs 83 (2010): 307-26.
[16] Lyle J. Goldstein, Five Dragons Stirring Up the Sea, US Naval War College, China Maritime Study 5 (2010): 19.
[17] “Unless the Prime Minister Protests Over the Chinese Survey Vessel, It Will Create Problems for the Future,” Sankei Shimbun, ngày 11/5/2010.
[18] “Chinese Ship Asks Japan Ships to Stop Surveys amid Tense Row,” Agence France Presse, ngày 11/9/2010.
[19] Về phân tích xem Wenran Jiang, “New Twists over Old Disputes in China-Japan Relations,” China Brief 10 (tháng 10/2010): 11-13; James Manicom, “Growing Nationalism and Maritime Jurisdiction in the East China Sea,” China Brief 10 (tháng 10/2010): 9-11.
[20] “Beijing Proposes Maritime Measures,” Kyodo News, ngày 15/8/2010. Có một số tranh cãi về việc đường dây nóng nên nối giữa các lãnh đạo chính trị hay quân sự.
[21] “Japan, China Defense Chiefs Agree on Liaison Mechanism to Avoid Conflicts,” Kyodo News, ngày 12/10/2010.
[22] “China, Japan Plan First Joint Military Exercise,” Reuters, ngày 27/11/2009.